LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Năm trăm Đại A-la-hán cùng tạo luận
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch Phạn sáng Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

CHƯƠNG VI: CĂN UẨN

Phẩm Thứ Tư: LUẬN VỀ ĐẲNG TÂM 

(Từ quyển 151 – đầu quyển 155)

Tâm của tất cả hữu tình nên nói là khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau chăng? Những chương như vậy và giải thích về nghĩa của từng chương đã lĩnh hội rồi, tiếp theo nên phân biệt rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn làm cho người nghi ngờ có được quyết định. Đó là các loài hữu tình, hoặc có loài thân hình to lớn, hoặc có loài thân hình nhỏ bé. Loài thân hình to lớn, như trong biển rộng có các hữu tình đã mang lấy tự Thể, thân lượng ấy to lớn, hoặc là một trăm Du-thiện-na, hoặc là hai-ba-bốn-năm-sáu-bảy trăm Du-thiện-na, hoặc là cho đến hai ngàn một trăm Du-thiện-na, như hình lượng to lớn của Hạt-la-hô vua Atố-lạc; cao mười sáu ngàn Du-thiện-na, như thân lượng của trời Sắc Cứu Cánh. Thân hình nhỏ bé, như muỗi-kiến-rận-rệp và các loại vi trùng, những người mắt sáng tuy tác ý đến mức cuối cùng mà cũng không thể nào nhìn thấy. Đừng có sinh lòng nghi ngờ, thân to lớn thì tâm cũng to lớn, thân nhỏ bé thì tâm cũng nhỏ bé! Muốn làm cho mối nghi này được quyết định, hiển bày về các loài hữu tình do Đại chủng mà tạo ra sắc, tuy có nhiều-ít mà tâm đều như nhau, cho nên soạn ra phần luận này.

Lại nữa, các loài hữu tình, hoặc có loài đi lại chuyển động nhanh chóng, hoặc có loài đi lại chuyển động chậm chạp. Loài đi lại chuyển động nhanh chóng, như ngựa-hươu nai-chồn sói… Loài đi lại chuyển động chậm chạp, như sâu bọ-giun trùng… Đừng có sinh lòng nghi ngờ, đi lại chuyển động nhanh chóng thì tâm sinh diệt nhanh chóng, đi lại chuyển động chậm chạp thì tâm sinh diệt chậm chạp! Vì làm cho mối nghi này được quyết định, hiển bày về các loài hữu tình tuy do Đại chủng mà tạo ra sắc, chuyển động có nhanh chậm, nhưng tâm sinh diệt thì tất cả đều như nhau.

Lại nữa, các loài hữu tình, hoặc có oai nghi tùy tiện vội vàng giống như gió bão, Giác Tuệ chuyển dời trôi nổi như mặt trời trên sóng; hoặc có oai nghi chậm rãi sâu nặng giống như ngọn núi, Giác Tuệ vắng lặng chìm sâu như ngọn đèn trong nhà kín. Đừng có sinh lòng nghi ngờ, oai nghi tùy tiện vội vàng-Giác Tuệ chuyển dời trôi nổi thì tâm sinh diệt mau chóng, oai nghi chậm rãi sâu nặng-Giác Tuệ vắng lặng chìm sâu thì tâm sinh diệt chậm chạp! Vì làm cho mối nghi này được quyết định, hiển bày về các loài hữu tình tuy oai nghi có nặng-nhẹ, Giác Tuệ có chìm-nổi, mà tâm sinh diệt thì tất cả đều như nhau.

Hỏi: Nếu tâm của các hữu tình sinh diệt như nhau, thì tại sao oai nghi có nặng-nhẹ, Giác Tuệ có chìm-nổi?

Đáp: Có các hữu tình đối với nhiều cảnh giới có nhiều tâm khởi lên, có các hữu tình đối với một cảnh giới có nhiều tâm khởi lên. Nếu các hữu tình đối với nhiều cảnh giới khởi lên nhiều tâm, thì oai nghi tùy tiện vội vàng-Giác Tuệ chuyển dời trôi nổi; nếu các hữu tình đối với một cảnh giới khởi lên nhiều tâm, thì oai nghi chậm rãi sâu nặng-Giác Tuệ vắng lặng chìm sâu. Bởi vì những nhân duyên như vậy, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Tâm của tất cả hữu tình nên nói là khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Là tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt chăng? Hay không phải là tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, cũng không phải là tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt chăng? Giả sử như vậy thì có gì sai? Nếu tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt, phần vị có tâm thì có thể như vậy, phần vị không có tâm thì thế nào? Đó là lúc tiến vào Định Vô tưởng-Định Diệt tận, tâm của hữu tình khác cũng sinh cũng diệt, tâm ấy diệt mà không sinh; lúc ra khỏi Định Vô tưởng-Định Diệt tận, tâm của hữu tình khác cũng diệt cũng sinh, tâm ấy sinh mà không diệt; lúc trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận, tâm của hữu tình khác cũng sinh cũng diệt, tâm ấy không sinh-không diệt, tại sao có thể nói là tâm sinh diệt như nhau cùng trong một sát-na? Nếu không phải là tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, cũng không phải là tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt, thì trong này đã nói nên hiểu thế nào? Đó là tâm của tất cả hữu tình khởi như nhau-trú như nhau-diệt như nhau.

Đáp: Nên đưa ra cách nói này: Tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt.

Hỏi: Phần vị có tâm thì có thể như vậy, phần vị không có tâm thì thế nào?

Đáp: Phần vị có tâm thì có thể như vậy, phần vị không có tâm cũng có thể như vậy. Nghĩa là lúc tiến vào Định Vô tưởng-Định Diệt tận, như tâm của hữu tình khác sinh ra, tâm của Định ấy trong sát-na đầu tiên cũng sinh ra; như tâm của hữu tình khác diệt đi, tâm tiến vào Định ấy cũng diệt đi. Lúc ra khỏi Định Vô tưởng-Định Diệt tận, như tâm của hữu tình khác sinh ra, tâm ra khỏi Định ấy cũng sinh ra; như tâm của hữu tình khác diệt đi, tâm của Định ấy trong sát-na cuối cùng cũng diệt đi. Lúc trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận, như tâm của hữu tình khác cũng sinh cũng diệt trong từng sát-na, tâm trong thời gian của Định ấy cũng sinh cũng diệt qua từng sát-na. Vì vậy, phần vị có tâm-không có tâm đều có thể như vậy.

Có Sư khác nói: Không phải là tâm của tất cả hữu tình sinh như nhau-diệt như nhau, cũng không phải là tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt. Nghĩa là có lúc tâm của hữu tình diệt mà không sinh, như lúc tiến vào Định Vô tưởng-Định Diệt tận; hoặc có lúc tâm của hữu tình sinh mà không diệt, như lúc ra khỏi Định Vô tưởng-Định Diệt tận; hoặc có lúc tâm của hữu tình không sinh-không diệt, như lúc trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận; hoặc có lúc tâm của hữu tình cũng sinhcũng diệt, như lúc trú trong phần vị có tâm.

Hỏi: Trong này đã nói nên hiểu thế nào?

Đáp: Trong này dựa vào số lượng như nhau mà nói, đừng có cho rằng bởi vì tâm hoặc là lớn-hoặc là nhỏ cho nên nói tâm của tất cả hữu tình đều như nhau.

Nói như vậy thì tâm của tất cả hữu tình khởi như nhau-diệt như nhau, tất cả tâm ấy một sát-na sinh, một sát-na diệt, bởi vì pháp hữu vi từ duyên sinh ra rồi đều lập tức diệt đi.

Hỏi: Tâm có tham-tâm lìa tham, nên nói là khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Tâm có sân-lìa sân, có si-lìa si, qua loa-phân tán, xuống thấplên cao, to lớn-nhỏ bé, trạo cử-không trạo cử, không vắng lặng-vắng lặng, không định-định, không tu-tu, không giải thoát-giải thoát, nên nói là khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Các tâm nhiễm ô thì tánh ấy nặng nề chìm xuống, các tâm thiện thì tánh ấy nhẹ nhàng lên cao. Đừng có sinh lòng nghi ngờ cho rằng tâm nhiễm sinh diệt chậm chạp, tâm thiện sinh diệt mau chóng! Vì làm cho mối nghi này được quyết định, mà hiển bày về hai loại tâm có thời gian sinh diệt như nhau.

Do hai nghĩa cho nên tâm gọi là có tham:

  1. Tương ưng với tham.
  2. Bị tham ràng buộc.

Nếu chỉ tương ưng với tham cho nên gọi là tâm có tham, thì phẩm tương ưng với sân…, và thiện hữu lậu-vô phú vô ký phải gọi là tâm lìa tham. Nhưng mà những loại ấy cũng gọi là tâm có tham, bởi vì tham đã ràng buộc. Tuy do hai nghĩa cho nên tâm gọi là có tham, mà trong này chỉ dựa vào nghĩa Tương ưng để nói, bởi vì không có tạp loạn.

Cũng do hai nghĩa cho nên tâm gọi là lìa tham:

  1. Không tương ưng với tham.
  2. Là đối trị với tham.

Nếu chỉ là không tương ưng với tham cho nên gọi là tâm lìa tham, thì phẩm tương ưng với sân…, cũng phải gọi là tâm lìa tham. Nhưng mà những loại ấy không nên gọi là tâm lìa tham, bởi vì có nhiễm ô. Tuy do hai nghĩa cho nên tâm gọi là lìa tham, mà trong này chỉ dựa vào Đối trị với tham để nói, bởi vì không có tạp loạn. Có sân-lìa sân… đều dựa theo đây mà biết. Vì thế cho nên trong này phải đưa ra cách nói này: Tâm có tham, đó là tương ưng với tham. Tâm lìa tham, đó là đối trị với tham. Tâm có sân, đó là tương ưng với sân. Tâm lìa sân, đó là đối trị với sân. Tâm có si, đó là tương ưng với si. Tâm lìa si, đó là đối trị với si. Tâm qua loa, đó là tâm thiện thâu nhiếp theo cảnh. Tâm phân tán, đó là tâm nhiễm phóng túng theo cảnh.

Các Luận sư của nước Kiện-đà-la nói: Tâm tương ưng với ngủ gọi là sơ lược. Bởi vì Đức Thế Tôn nói ngủ gọi là tâm sơ lược. Như trong kinh nói: “Thế nào là ngủ mê? Đó là ở phần vị ngủ mê, tâm tụ vào tản ra qua loa.”

Hỏi: Làm thế nào giải thích thông suốt trong chương Kiến Uẩn đã nói? Chương ấy nói: “Bốn trí nhận biết như thật về tâm qua loa, đó là Pháp trí-Loại trí-Đạo trí-Thế tục trí. Một trí nhận biết như thật về tâm phân tán, đó là Thế tục trí.”

Đáp: Chương ấy nói không cần phải thông hiểu, bởi vì ngược với cách nói của người khác mà soạn luận. Nếu muốn thông hiểu thì nên sửa lại văn ấy: Tâm qua loa-tâm phân tán-tâm xuống thấp cùng một trí nhận biết như thật, đó là trí Thế tục. Tâm lên cao, bốn trí cùng nhận biết như thật, nói như trước. Cách nói ấy phi lý. Nếu nói như vậy thì tâm ngủ nhiễm ô, lẽ ra cũng qua loa cũng phân tán, bởi vì tương ưng với ngủ là nhiễm ô. Muốn làm cho không có sai lầm như vậy, cho nên như trước đã nói là hợp lý.

Tâm xuống thấp, đó là tâm nhiễm ô tương ưng với giải đãi. Tâm lên cao, đó là tâm thiện tương ưng với tinh tiến. Tâm nhỏ bé, đó là tâm nhiễm ô, bởi vì nhỏ bé mà sinh ra thói quen. Tâm to lớn, đó là tâm thiện, bởi vì to lớn mà sinh ra thói quen.

Hỏi: Thói quen của vô lượng hữu tình là các hành ác chứ không phải là các hành diệu, tâm nhiễm ô hiện rõ trước mắt không phải là các tâm thiện, tại sao gọi là tâm nhiễm ô bởi vì nhỏ bé mà sinh ra thói quen, tâm thiện bởi vì to lớn mà sinh ra thói quen?

Đáp: Không bởi vì số nhiều mà lập ra tên gọi to lớn-nhỏ bé. Trong này, nếu có thể tu hành pháp thiện thì gọi là to lớn, còn lại gọi là nhỏ bé. Trong ba cõi chỉ có một Đức Phật mà gọi là to lớn, bởi vì có đủ pháp thiện; những loại khác tuy nhiều mà gọi là nhỏ bé, bởi vì các pháp thiện không đầy đủ.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì đạt được giá trị nhỏ bé, nghĩa là tâm nhiễm ô không nhờ vào gia hạnh, không cần đến của cải châu báu, chỉ khởi lên một chút tác ý phi lý, liền nối tiếp nhau chuyển biến như dòng sông lớn tuôn chảy. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì đạt được giá trị to lớn, nghĩa là các tâm thiện cần phải nhờ vào gia hạnh, và nhiều gia hạnh, tuy bỏ ra trăm ngàn châu báu, mà có lúc có thể hiện rõ trước mắt, có lúc không hiện rõ trước mắt.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì tương ưng với ít

căn, nghĩa là các tâm nhiễm ô hoặc là tương ưng với chỉ một căn, hoặc là tương ưng với hai căn, chứ không có đủ ba căn. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì tương ưng với nhiều căn, nghĩa là các tâm thiện đều tương ưng với ba căn, chứ không có thiếu hụt.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì ít tùy chuyển, nghĩa là các tâm nhiễm ô chỉ có ba Uẩn tùy chuyển. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì nhiều tùy chuyển, nghĩa là các tâm thiện, hoặc có ba Uẩnhoặc có bốn Uẩn tùy chuyển.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì ít quyến thuộc, nghĩa là các tâm nhiễm ô không có tu thuộc vị lai. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì nhiều quyến thuộc, nghĩa là các tâm thiện có tu thuộc vị lai.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì ít đối trị, nghĩa là nhiều phiền não nối tiếp nhau hiện rõ trước mắt, đoạn một ít căn thiện rồi sau đó trở lại nối tiếp nhau. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì nhiều đối trị, như khởi lên một niệm Khổ pháp trí nhẫn, lập tức đoạn mười loại tùy miên do kiến Khổ mà đoạn của cõi Dục khiến cho vĩnh viễn không khởi lên.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì dẫn đầu kém cỏi. Như thế nào gọi là tâm nhiễm ô dẫn đầu kém cỏi? Đó là các Vô minh. Như nói Vô minh là pháp dẫn đầu, cho nên liền khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện, và có thể dẫn dắt sinh ra không có Tàm-không có Quý; giống như chủ buôn không có mắt-không có chân, khiến cho sự mong cầu của những người buôn không được toại nguyện. Tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì dẫn đầu hơn hẳn. Như thế nào gọi là tâm thiện dẫn đầu? Đó là các Tuệ sáng suốt. Như nói Tuệ sáng suốt dẫn đầu là pháp dẫn đầu, cho nên liền khởi lên vô lượng pháp thiện tuyệt vời, lại có thể dẫn dắt sinh ra Tàm-Quý thù thắng, giống như chủ buôn có mắt-có chân, khiến cho sự mong cầu của những người buôn đạt được kết quả như ý.

Có người nói: Tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, bởi vì uy lực nhỏ bé; tâm thiện gọi là to lớn, bởi vì uy lực to lớn. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay đã quen theo pháp ác, pháp thiện vừa mới khởi lên đều làm cho tất cả pháp ác xa lìa. Như trải qua thời gian dài quen theo ý tưởng không có muối, lúc vừa mới ăn muối thì ý tưởng không có muối đều rời bỏ. Lại như trong ngôi nhà trải qua thời gian dài tối tăm, ngọn đèn sáng vừa mới đến thì bóng tối ấy liền trừ hết. Vả lại, pháp thiện đoạn bỏ pháp ác vĩnh viễn làm cho không sinh ra, pháp ác đoạn bỏ pháp thiện sau đó nhất định phải nối tiếp nhau.

Bởi vì những nhân duyên như vậy, cho nên tâm nhiễm ô gọi là nhỏ bé, tâm thiện gọi là to lớn.

Tâm trạo cử, đó là tâm nhiễm ô tương ưng với trạo cử. Tâm không trạo cử, đó là tâm thiện tương ưng với hành Xả. Tâm bất tịnh, đó là tâm nhiễm ô tương ưng với không vắng lặng, tất cả phiền não đều là tánh không vắng lặng. Tâm vắng lặng, đó là tâm thiện tương ưng với vắng lặng, tất cả pháp thiện đều là tánh vắng lặng. Tâm không định, đó là tâm nhiễm ô tương ưng với tán loạn. Tâm định, đó là tâm thiện tương ưng với Đẳng trì. Tâm không tu, đó là tâm đều không tu đối với được tu- tập tu. Tâm tu, đó là tâm đối với được tu- tập tu tùy theo một, hoặc là cùng tu cả hai. Tâm không giải thoát, đó là tâm không giải thoát đối với tự tánh giải thoát- nối tiếp nhau giải thoát. Tâm giải thoát, đó là tâm giải thoát đối với tự tánh giải thoát – nối tiếp nhau giải thoát, tùy theo một hoặc là cả hai.

Hỏi: Thọ lượng nên nói là tùy tâm chuyển, hay là không tùy tâm chuyển?

Đáp: Không tùy tâm chuyển.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Muốn ngăn chặn tông chỉ của người khác, hiển bày về nghĩa lý của mình, đó là Luận giả Phân Biệt nói thọ lượng tùy tâm chuyển.

Hỏi: Vì sao vị ấy đưa ra cách nói này?

Đáp: Bởi vì dựa vào kinh. Như trong kinh nói: “Ba pháp ThọNoãn-Thức hòa hợp chứ không phải là không hòa hợp, ba pháp như vậy không có thể thi thiết tách biệt khác nhau.” Vì vậy chứng minh biết là thọ lượng tùy tâm chuyển. Vì ngăn chặn cách nói ấy, hiển bày về thọ lượng không tùy tâm chuyển, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao thọ lượng không tùy tâm chuyển?

Đáp: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng với tâm khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau; thọ lượng không phải là cùng với tâm quyết định khởi như nhau, trú như nhau, diệt như nhau.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng với tâm có quả như nhau, đẳng lưu như nhau, dị thục như nhau; thọ lượng không phải là cùng với tâm quyết định có quả như nhau, đẳng lưu như nhau, dị thục như nhau.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng sinh với tâm, thọ lượng không phải là quyết định cùng sinh với tâm.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển, pháp vốn như vậy, nếu tâm thiện thì pháp ấy cũng thiện, bất thiện- vô ký cũng như vậy. Thọ lượng chỉ là vô ký, nếu tùy tâm chuyển thì lúc tâm vô ký hiện rõ ở trước mắt, thọ lượng có thể chuyển; lúc tâm thiện-bất thiện hiện rõ ở trước mắt, thì thọ lượng phải đoạn mất.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển, pháp vốn như vậy, nếu tâm hệ thuộc cõi Dục thì pháp ấy cũng hệ thuộc cõi Dục, hệ thuộc cõi SắcVô sắc và không hệ thuộc cũng như vậy. Thọ lượng chỉ hệ thuộc ba cõi mà tùy theo cõi sinh ra, cõi này có thọ lượng của cõi này chứ không phải là cõi khác. Nếu tùy tâm chuyển thì sinh ở cõi Dục, lúc tâm của cõi Dục hiện rõ ở trước mắt, thọ lượng có thể chuyển; lúc tâm của cõi Sắc… hiện rõ ở trước mắt, thì thọ lượng phải đoạn mất. Cho đến sinh ở cõi Vô sắc, nói cũng như vậy.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển, pháp vốn như vậy, nếu tâm là Học thì pháp ấy cũng là Học, Vô học-Phi học phi vô học cũng như vậy. Thọ lượng chỉ là Phi học phi vô học, nếu tùy tâm chuyển thì lúc tâm Phi học phi vô học hiện rõ ở trước mắt, thọ lượng có thể chuyển; lúc tâm Học-tâm Vô học hiện rõ ở trước mắt, thì thọ lượng phải đoạn mất.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển, pháp vốn như vậy, nếu tâm do kiến mà đoạn thì pháp ấy cũng do kiến mà đoạn, do tu mà đoạn và không đoạn cũng như vậy. Thọ lượng chỉ là do tu mà đoạn, nếu tùy tâm chuyển thì lúc tâm do tu mà đoạn hiện rõ ở trước mắt, thọ lượng có thể chuyển; lúc tâm do kiến mà đoạn… hiện rõ ở trước mắt, thì thọ lượng phải đoạn mất.

Có người nói: Pháp tùy tâm chuyển, pháp vốn như vậy, tâm có thì pháp ấy có, tâm không có thì pháp ấy không có. Nếu thọ lượng tùy tâm chuyển, thì lúc có tâm, thọ lượng có thể chuyển; lúc không có tâm, thì thọ lượng phải đoạn mất. tức là trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, và sinh ở cõi Vô tưởng, lúc tâm không hiện hành, phải gọi là chết, bởi vì không có Mạng căn. Muốn làm cho không có sai lầm như vậy, cho nên thọ lượng không tùy tâm chuyển.

Hỏi: Kinh mà Luận giả Phân Biệt đã dẫn chứng phải hiểu thế nào? Như nói: “Ba pháp Thọ-Noãn-Thức hòa hợp chứ không phải là không hòa hợp…”

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói rằng: “Đây là dựa theo một sở y-một sự nối tiếp nhau mà nói, nghĩa là ba pháp này ở trong một sở y-một sự nối tiếp nhau đều có thể đạt được đầy đủ, chứ không nói là ba pháp nhất định phải tùy chuyển lẫn nhau. Nếu như lấy điều đã nói làm quyết định, thì không nên thi thiết Uẩn- Xứ- Giới khác nhau, bởi vì kinh ấy nói: “Ba pháp như vậy không có thể thi thiết tách biệt khác nhau.” Nhưng Thọ là do Hành uẩn-Pháp giới-Pháp xứ thâu nhiếp, Noãn là do Sắc uẩn-Xúc giới-Xúc xứ thâu nhiếp, Thức là do Thức uẩn-bảy Tâm giới- Ý xứ thâu nhiếp. Vì vậy không cần phải như văn mà chọn lấy. Vả lại, ba pháp này nếu nhất định hòa hợp, thì cõi Vô sắc phải có Noãn, trong loài phi tình phải có Thọ-Thức, Định Vô tưởng… phải có Thức hiện hành. Nếu chấp nhận thì trái với Chánh lý của Thánh giáo. Vì vậy không thể tùy theo văn mà quyết định chọn lấy. Cần phải biết văn này là dựa vào nghĩa có thể có mà nói về hòa hợp…”

Hỏi: Thọ lượng nên nói là tùy theo sự nối tiếp nhau mà chuyển, hay là vừa khởi lên liền trú?

Đáp: Nếu hữu tình cõi Dục không trú trong Đẳng chí Vô tưởngDiệt tận, thì nên nói là tùy theo sự nối tiếp nhau mà chuyển. Nếu trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, và hữu tình cõi Sắc-Vô sắc, thì nên nói là vừa khởi lên liền trú.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Muốn ngăn chặn tông chỉ của người khác, hiển bày về nghĩa lý của mình. Đó là phái Thí Dụ không chấp nhận có sự mạng chung không phải lúc. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì như kinh nói: “Thọ lượng kết thúc không thể cứu được.”Vì vậy cho nên biết là không có cái chết không phải lúc. Vì ngăn chặn ý đó để hiển bày là có sự mạng chung không phải lúc, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao gọi là tùy theo sự nối tiếp nhau mà chuyển?

Đáp: Có người nói: Tai họa bất ngờ gọi là sự nối tiếp nhau, nghĩa là sinh ở cõi Dục không trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, thọ lượng tùy theo tai họa bất ngờ nối tiếp nhau mà chuyển. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì nếu có người đối với thọ lượng không luôn luôn tạo tác, không luôn luôn chuyển đổi, không nhận lấy tạo tác, không nhận lấy chuyển đổi, đi không đúng lúc, đi không đúng chỗ, không tu phạm hạnh, ăn không phù hợp, ăn không đúng mức, sống thì không chín, chín thì giữ lấy; đối với điều thích hợp-không phải là thích hợp, không có thể quán sát, không uống thuốc thang chữa bệnh, không cần lời khuyên của thầy thuốc, không tránh tai họa nguy hiểm, làm những trò chơi hung ác. Vì những điều này cho nên thọ lượng đã bị rút ngắn. Nếu có người đối với thọ lượng luôn luôn tạo tác, luôn luôn chuyển đổi, nhận lấy tạo tác, nhận lấy chuyển đổi, đi đúng lúc, đi đúng chỗ, tu phạm hạnh, ăn phù hợp, ăn đúng mức, sống thì làm cho chín, chín thì vứt bỏ; đối với điều thích hợp-không phải là thích hợp, có thể quán sát kỹ càng, uống thuốc thang chữa bệnh, sử dụng lời khuyên của thầy thuốc, tránh tai họa nguy hiểm, xa rời trò chơi hung ác. Nhờ vào những điều này cho nên thọ lượng không bị rút ngắn.

Có người nói: Sắc thân gọi là sự nối tiếp nhau, nghĩa là sinh ở cõi Dục không trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, thọ lượng tùy theo sắc thân nối tiếp nhau mà chuyển. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì nếu thân thường xuyên hài hòa thì thọ lượng không rút ngắn, nếu thân suy giảm hư hoại thì thọ lượng bị rút ngắn.

Có người nói: Thân khác gọi là sự nối tiếp nhau, nghĩa là sinh ở cõi Dục không trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, thọ lượng tùy theo thân khác nối tiếp nhau mà chuyển. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì nếu có thân khác đối với thọ mạng của mình không làm cho tổn hại thì thọ lượng không rút ngắn, nếu làm cho tổn hại thì thọ lượng bị rút ngắn.

Hỏi: Vì sao gọi là vừa khởi lên liền trú?

Đáp: Tùy theo nhân khởi lên rồi liền nối tiếp nhau mà trú, không tùy theo tai họa bất ngờ làm hại thân mình-thân khác mà chuyển. Nghĩa là sinh ở cõi Dục đang trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, và sinh ở cõi trên, thọ lượng đều không tùy theo duyên bên ngoài mà chuyển.

Hỏi: Cõi Dục không tiến vào hai Định không có tâm, cũng có thọ lượng không tùy theo duyên mà chuyển, vì sao không nói?

Đáp: Cần phải nói mà không nói thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói về quyết định, nghĩa là nếu trú trong hai Định không có tâm thì thọ lượng hiện hành quyết định không tùy duyên mà chuyển, còn lại thì hoặc là tùy duyên, vì vậy không nói đến.

Có người nói: Cõi Dục tuy là còn có lúc không tùy duyên mà chuyển, nhưng bởi vì hiển bày rõ ràng về uy lực của hai Định, cho nên chỉ nói đến hai Định.

Như trong kinh nói: “Hữu tình đã đạt được tự Thể có bốn loại:

1. Có loại đã đạt được tự Thể, có thể vì mình làm hại chứ không bị loài khác làm hại.

2. Có loại đã đạt được tự Thể, có thể bị loài khác làm hại chứ không vì mình làm hại.

3. Có loại đã đạt được tự Thể, có thể vì mình làm hại cũng bị loài khác làm hại.

4. Có loại đã đạt được tự Thể, không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại.

Thế nào là hữu tình đã đạt được tự Thể, có thể vì mình làm hại chứ không bị loài khác làm hại? Đó là có chư Thiên cõi Dục bởi vì vui chơi mà quên, luôn luôn thích trang điểm thân mình, say mê vui đùa vượt quá thời gian, hết sức mệt mỏi thất niệm mà chết. Lại có chư Thiên cõi Dục bởi vì ý giận dữ, có lúc căm hận liếc mắt nhìn nhau, giận dữ lâu ngày không kìm nổi, từ đó mà chết đi. Lại có một loại, hoặc là rồng và chim cánh vàng, hoặc là quỷ và người, hoặc là những loài khác, có thể vì mình làm hại chứ không phải là bị loài khác làm hại.

Thế nào là hữu tình đã đạt được tự Thể, có thể bị loài khác làm hại chứ không vì mình làm hại? Đó là ở trong vỏ trứng, hoặc là trong thai tạng, các căn chưa đầy đủ, các căn chưa thành thục. Lại có một loại, hoặc là rồng và chim cánh vàng, hoặc là quỷ và người, hoặc là những loài khác, có thể bị loài khác làm hại chứ không phải là vì mình làm hại.

Thế nào là hữu tình đã đạt được tự Thể, có thể vì mình làm hại cũng bị loài khác làm hại? Đó là các loài chim-thú, hoặc là rồng và chim cánh vàng, hoặc là quỷ và người, hoặc là những loài khác, có thể vì mình làm hại cũng bị loài khác làm hại.

Thế nào là hữu tình đã đạt được tự Thể, không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại? Đó là sinh ở cõi Sắc-Vô sắc, tất cả Trung Hữu, tất cả địa ngục; trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận- Định Từ, Tùy tín hành-Tùy pháp hành; Bồ-tát ở thân cuối cùng, mẹ của Bồ-tát, lúc Bồ-tát ở trong thai; Chuyển Luân Vương, mẹ của Luân Vương, lúc Luân Vương ở trong thai. Vua- Tiên-sứ giả của Phật, người được Phật thọ ký, như Trưởng giả tử Căng-kỳ-la-thù-để-sắc-ca, Trưởng giả tử Ốt-đát-la, Trưởng giả tử Đạt-nhĩ-la, thầy trò Trị-xa-thắng-nga, Thời-phược-ca, Cưu-ma-la…

Người được Phật thọ ký, đó là Bổ-đặc-già-la ở thân cuối cùng chưa làm xong những việc làm, người ở châu Bắc Câu-lô thời kỳ bắt đầu của kiếp, Long vương Ai-la-phạt-noa, Long vương Thiện trú, Diệm Ma vương…, và một loại khác đều không làm hại. Đó gọi là bốn loại đã đạt được tự Thể.

Đức Thế Tôn nói có loại đã đạt được tự Thể, không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-tử, từ chỗ ngồi mà đứng dậy, trệch áo bày một vai, đầu gối chân phải sát đất, chắp tay cung kính mà thưa với Đức Phật rằng: Như thế nào là hữu tình đã đạt được tự Thể, không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại? Đức Phật bảo với Xá-lợi-tử: Hữu tình ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại.”

Hỏi: Dựa vào luận mà sinh ra luận, Tôn giả Xá-lợi-tử đối với điều đã hỏi này là biết rõ ràng hay không? Nếu biết rõ ràng thì tại sao còn hỏi? Nếu không biết rõ ràng thì làm sao được gọi là Thanh văn đến bậc cuối cùng? Sao nói là Đức Thế Tôn không thể ở nơi không phải là ruộng đất, không phải là đồ đựng mà rưới làn mưa giáo pháp, khiến cho pháp đã nói ra trống rỗng, không có kết quả?

Đáp: Có người nói: Tôn giả biết rõ ràng.

Hỏi: Nếu như vậy thì tại sao còn hỏi?

Đáp: Cũng có lúc biết mà cố tình hỏi. Như trong Tỳ-nại-da nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết mà cố ý hỏi, bởi vì làm cho điều đã nói được rõ ràng.” Vả lại, Tôn giả ấy tuy tự mình biết rõ ràng, nhưng vì lợi ích thêm cho người khác, vì vậy cho nên thưa hỏi. Nghĩa là ở trong chúng hội có người chưa biết rõ ràng, nhưng bởi vì không có lực Vô úy cho nên không thể nào thưa hỏi Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-tử thành tựu lực Vô úy, vì lợi ích của mọi người cho nên tuy biết mà vẫn hỏi.

Có người nói: Tôn giả cũng không biết rõ ràng.

Hỏi: Nếu như vậy thì làm sao được gọi là Thanh văn đến bậc cuối cùng?

Đáp: Không nói thì không biết, nói rồi thì biết, điều này có gì sai lầm?

Hỏi: Sao nói là không thể ở nơi không phải là ruộng đất, không phải là đồ đựng mà rưới làn mưa giáo pháp, khiến cho pháp đã nói ra trống rỗng, không có kết quả?

Đáp: Tôn giả Xá-lợi-tử tuy không biết rõ ràng, mà ở trong chúng có người khác có thể biết, như Bồ-tát Từ Thị…, cho nên không phải là không có kết quả. Nếu là Tuệ vô lậu thì tuy lúc bấy giờ Xá-lợi-tử hơn hẳn, nhưng nếu như Tuệ thế tục thì Bồ-tát Từ Thị hơn hẳn, cho nên Đức Phật trong một lúc cùng với Bồ-tát Từ Thị luận về Thế tục đế, mà các Đại Thanh văn như Xá-lợi-tử… không có ai có thể hiểu được.

Hỏi: Tự Thể của địa dưới cũng có loại không vì mình làm hại cũng không bị loài khác làm hại, vì sao chỉ nói đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Đáp: Nêu ra loại sau để hiển bày loại trước, cho nên đưa ra cách nói này. Đức Thế Tôn có nơi nêu ra phần sau để hiển bày phần trước, như văn này… Có nơi nêu ra phần trước để hiển bày phần sau, như nói lìa pháp ác bất thiện có Tầm-có Tứ của cõi Dục, trú đầy đủ trong địa Ly sinh hỷ lạc của Tĩnh lự thứ nhất…

Như nêu ra phần sau để hiển bày phần trước, nêu ra phần cuối cùng để hiển bày phần bắt đầu, nêu ra phần rời khỏi để hiển bày phần tiến vào, nêu ra phần cứu cánh để hiển bày phần gia hạnh, nên biết cũng như vậy.

Có người nói: Địa dưới không nhất định, vì vậy không nói đến. Nghĩa là hữu tình ở địa dưới đã đạt được tự Thể, hoặc là không có tai họa bất ngờ, như trú trong Định Vô tưởng…, hoặc là có tai họa bất ngờ, như chư Thiên vui chơi quên hết…, Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhất định không có tai họa bất ngờ, cho nên chỉ nói đến địa ấy.

Có người nói: Trong bốn Tĩnh lự-ba Vô sắc cũng có sự việc vui chơi quên hết mà chết… như cõi Dục, Phi tưởng phi phi tưởng xứ hoàn toàn không có sự việc này, cho nên chỉ nói đến địa ấy.

Có người nói: Hữu tình ở địa dưới đều có phiền não với thế lực tăng cao, nếu phiền não ấy hiện rõ trước mắt thì thường chết yểu, Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có phiền não này, vì vậy Đức Thế Tôn chỉ nói đến địa ấy.

Tôn giả Pháp Cứu đưa ra cách giải thích này: “Trong này vì mình làm hại, nghĩa là vì đạo đối trị của địa mình làm hại; bị nơi khác làm hại, nghĩa là bị đạo đối trị thuộc phạm vi của địa trên làm hại. Tự Thể của Tĩnh lự thứ nhất vì mình làm hại, nghĩa là Thánh đạo của địa mình; bị nơi khác làm hại, nghĩa là đạo thế tục thuộc phạm vi của Tĩnh lự thứ hai. Cho đến tự Thể của Vô sở hữu xứ vì mình làm hại, nghĩa là Thánh đạo của địa mình; bị nơi khác làm hại, nghĩa là đạo thế tục thuộc phạm vi của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tự Thể của Phi tưởng phi phi tưởng xứ không phải là do chính mình làm hại, bởi vì địa của mình không có Thánh đạo; cũng không phải là do nơi khác làm hại, bởi vì không có đạo thế tục thuộc phạm vi của địa trên. Vì vậy chỉ nói là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã đạt được tự Thể không phải là do mình và nơi khác làm hại.”

Hỏi: Trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, thọ lượng nên nói là chuyển hay là trú?

Đáp: Đên nói là chuyển.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì làm cho người nghi ngờ có được quyết định. Nghĩa là trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, các tâm-tâm sở đều không hiện hành, lúc bấy giờ tâm-tâm sở pháp không khởi-không diệt, đừng cho rằng phần vị này vốn có thọ lượng hiện hành, như tâm-tâm sở cũng không khởi-không diệt, chỉ ngưng lại như vậy mà trú. Bởi vì loại trừ mối nghi này để hiển bày về thọ lượng của phần vị này khởi-diệt trong từng niệm, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao gọi là chuyển?

Đáp: Khởi-diệt nối tiếp nhau trong từng sát-na cho nên gọi là chuyển, tức là nghĩa của sự chuyển dời chứ không phải là dừng lại.

Như Đức Thế Tôn nói: “Thọ lượng của con người từ từ hết như nước của dòng sông nhỏ.”

Hỏi: Nếu thọ lượng của các hữu tình khởi lên liền trú, thì vì sao biết thọ lượng ấy từ từ hết?

Đáp: Bởi vì đời hết-kiếp hết.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì làm cho người nghi ngờ có được quyết định. Nghĩa là văn trước nói nếu hữu tình trú trong Đẳng chí Vô tưởng-Diệt tận, và ở cõi Sắc-Vô sắc, thì thọ lượng nên nói là vừa khởi lên liền trú. Hoặc có người cho rằng thọ lượng ấy vừa khởi lên thì không diệt. Bởi vì loại trừ mối nghi này để hiển bày về thọ lượng hiện hành ấy, lìa tai họa bất ngờ cho nên nói là vừa khởi lên liền trú, mà thật sự có sinh-có diệt trong từng sát-na, khiến cho thọ lượng từ từ hết, vì vậy mà soạn ra phần luận này.

Hỏi: Năm Uẩn đều từ từ hết, vì sao chỉ nói đến thọ lượng?

Đáp: Trong này Đức Thế Tôn nêu ra thọ lượng từ từ hết để hiển bày về năm Uẩn đều có nghĩa của từ từ hết.

Có người nói: Thọ lượng mạnh hơn, ở trong này Đức Phật nêu ra pháp mạnh hơn để hiển bày về pháp yếu kém, cho nên chỉ nói đến thọ lượng không còn.

Có người nói: Thọ lượng có năng lực duy trì năm Uẩn, nếu nói thọ lượng không còn thì nên biết là đã nói về nghĩa của năm Uẩn không còn.

Có người nói: Thọ lượng đoạn dứt thì Chúng đồng phần cũng đoạn dứt, Chúng đồng phần đoạn dứt thì năm Uẩn cũng đoạn dứt. Đức Phật tùy theo căn bản mà nói, cho nên nói đến thọ lượng không còn.

Có người nói: Thọ lượng có tăng-có giảm, có thịnh-có suy, cho nên Đức Phật chỉ nói đến thọ lượng.

Hỏi: Các nẽo đều có nghĩa về thọ lượng từ từ hết, vì sao chỉ nói thọ lượng của con người từ từ hết?

Đáp: Bởi vì Đức Phật vào lúc bấy giờ vì loài người mà nói.

Có người nói: Ý Đức Phật lấy loài người làm đầu, hiển bày về thọ lượng trong các nẽo đều từ từ hết.

Có người nói: Bởi vì Đức Phật là đồng loại của loài người, cho nên pháp đã nói ra phần nhiều tùy thuận với loài người.

Có người nói: Bởi vì thọ lượng của loài người có nghĩa tăng-giảmthịnh-suy cao nhất, nghĩa là lúc bắt đầu của kiếp thì tuổi thọ của loài người là vô lượng, sau đó từ từ giảm đến tám vạn tuổi, về sau lại tiếp tục giảm cho đến chỉ còn mười tuổi. Nghĩa về thọ lượng của loài người từ từ hết, rõ ràng có thể biết; nẽo khác thì không như vậy, cho nên Đức Phật chỉ nói đến loài người.

Hỏi: Nước của những dòng sông lớn cũng có nghĩa từ từ hết, vì sao chỉ nói là như nước của dòng sông nhỏ?

Đáp: Dòng sông lớn thường xuyên tuôn chảy không có thể biết được sự từ từ khô hết của nó, không giống như nước của những dòng sông nhỏ, có lúc tràn đầy như lúc mùa Hạ tuôn mưa, có lúc khô cạn như đến mùa giá rét. Dòng sông thọ lượng của các loài hữu tình cũng như vậy, có lúc tràn đầy như phần vị thác sinh trong thai mẹ (kiết sinh), có lúc hoàn toàn không còn như lúc xả bỏ thân mạng, vì vậy Đức Thế Tôn dùng dòng sông nhỏ làm ví dụ.

Nếu thọ lượng của các hữu tình khởi lên liền trú, nghĩa là hữu tình trú trong hai Định không có tâm, và hữu tình ở cõi trên. Đời hết-kiếp hết, có người nói: Vô thường vi tế gọi là đời hết, Vô thường thô thiển gọi là kiếp hết.

Có người nói: Vô thường trong từng sát-na gọi là đời hết, Vô thường trong một thời kỳ gọi là kiếp hết.

Có người nói: Vô thường của vật thuộc về số hữu tình gọi là đời hết, Vô thường của vật thuộc về số phi hữu tình gọi là kiếp hết.

Có người nói: Vô thường thuộc về pháp bên trong gọi là đời hết, Vô thường thuộc về pháp bên ngoài gọi là kiếp hết.

Hỏi: Tiến vào Định Vô tưởng có mấy căn diệt? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì cần phải ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày nghĩa lý của mình. Đó là Luận sư Phân Biệt thuộc phái Thí Dụ chấp rằng: Định Vô tưởng là tâm vi tế, không thể diệt được. Vị ấy đưa ra cách nói này: Nếu Định Vô tưởng hoàn toàn không có tâm, thì Mạng căn đoạn rồi phải gọi là chết, không gọi là Định. Vì ngăn chặn ý đó để hiển bày về Định Vô tưởng hoàn toàn không có tâm. Có người chấp: Định này tuy không có tâm nhưng lìa nhiễm cõi Dục thì có thể hiện khởi, bởi vì cõi như nhau. Vì ngăn chặn ý đó để hiển bày về Định Vô tưởng lìa nhiễm của cõi Biến Tịnh thì mới có thể hiện rõ trước mắt, bởi vì cần phải dùng Tĩnh lự thứ tư làm Đẳng vô gián duyên.

Vì vậy Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Thế nào là

Định Vô tưởng? Đó là đã lìa nhiễm của cõi Biến Tịnh, chưa lìa nhiễm của cõi trên, tác ý rời khỏi Tưởng làm đầu tiên, tâm-tâm sở pháp diệt đi thì gọi là Định Vô tưởng.” Bởi vì nhân duyên này, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Tiến vào Định Vô tưởng có mấy căn diệt?

Đáp: Bảy căn, đó là Ý căn-Xả căn và năm căn như Tín… Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt đi?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc, đây là dựa vào tướng chung thuộc chủng loại của cõi mà nói, nhưng chỉ hệ thuộc vào địa Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Rời khỏi Định Vô tưởng có mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Bảy căn, như trước nói.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc, ở đây cũng dựa vào tướng chung thuộc chủng loại của cõi mà nói, nhưng chỉ hệ thuộc vào địa Tĩnh lự thứ tư. Do đó đã nói chứng được Định Vô tưởng thì quyết định là không có tâm. Bởi vì lúc tiến vào Định chỉ nói đến các căn và tâm-tâm sở pháp diệt đi, mà không nói đến khởi lên; vào lúc rời khỏi Định chỉ nói đến các căn và tâm-tâm sở pháp khởi lên, mà không nói đến diệt đi.

*******

 

Hỏi: Tự tánh của Định Vô tưởng là gì?

Đáp: Hành uẩn không tương ưng làm tánh, là do Định ấy thâu nhiếp. Cõi thì thuộc về cõi Sắc, địa thì thuộc về địa Căn bản của Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Vì sao địa dưới không có Định này?

Đáp: Bởi vì không phải là ruộng đất, không phải là đồ đựng, cho đến nói rộng ra. Vả lại, bởi vì Định Vô tưởng diệt hết tâm-tâm sở, đạt được địa dưới không thuận với tâm-tâm sở diệt hết.

Hỏi: Vì sao Tĩnh lự thứ tư thuận với tâm-tâm sở diệt hết, chứ không phải là địa dưới?

Đáp: Những người muốn tiến vào Định ấy, trước tiên khởi lên tâm thiện của cõi Dục, tiếp theo tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Tĩnh lự thứ hai, tiếp theo tiến vào Tĩnh lự thứ ba, sau cùng tiến vào Tĩnh lự thứ tư. Đối với tâm thuộc phẩm Thượng-Trung-Hạ của Tĩnh lự thứ tư, từ phẩm Thượng tiến vào phẩm Trung, từ phẩm Trung tiến vào phẩm Hạ, tâm thuộc phẩm Hạ đoạn rồi tiến vào Định Vô tưởng. Ví như người nữ kéo lông làm sợi, trừ bỏ sợi thô kéo lấy sợi mịn, cho đến gần hết thì dùng tay ngắt đi. Tiến vào Định Vô tưởng, nên biết cũng như vậy, bởi vì từ thô tiến vào tế cho đến hoàn toàn diệt đi, cho nên Định này chỉ thuộc về Tĩnh lự thứ tư.

Vả lại, các địa dưới có hành tướng thô động của cảm thọ vui mừng-lo buồn, khó có thể trừ diệt; Tĩnh lự thứ tư chỉ có hành tướng vi tế của cảm thọ ở mức trung bình, dễ dàng có thể đoạn diệt. Vì vậy trong địa dưới không có Định Vô tưởng.

Hỏi: Vì sao cõi Vô sắc không có Định ấy?

Đáp: Chỉ có dị sinh chấp rằng luyện tập Định này để làm năng lực chứng được Niết-bàn Vô tưởng, trong cõi Vô sắc không có dị thục Vô tưởng có thể chấp vào, cho nên Định Vô tưởng ở cõi ấy cũng không có.

Vả lại, các dị sinh sợ hãi đoạn diệt, cõi ấy không có sắc nếu lại diệt tâm thì trở thành đoạn diệt, bởi vì nỗi sợ ấy cho nên trong cõi ấy không có Định Vô tưởng.

Hỏi: Định Vô tưởng này ở nơi nào có thể khởi lên?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Chỉ khởi lên ở cõi Dục, bởi vì tâm của cõi Dục mạnh mẽ.

Có Sư khác nói: Bao gồm cõi Dục và ba Tĩnh lự khởi lên, do thế lực của tâm đã từng tu gia hạnh, cho nên cũng có thể khởi lên.

Lại có người nói: Tĩnh lự thứ tư cũng có thể hiện khởi, trừ ra cõi trời Vô tưởng, bởi vì ban đầu quả và nhân áp sát nhau hết sức, cho nên ở cõi ấy chết đi nhất định sẽ sinh vào cõi Dục.

Hỏi: Định Vô tưởng này do ai mà khởi lên?

Đáp: Chỉ có dị sinh khởi lên, bởi vì dấy lên ý tưởng xuất ly (Niếtbàn); bậc Thánh không có ý tưởng xuất ly đối với pháp có.

Hỏi: Khởi lên Định này, về sau có người nào có thể tiến vào Kiến đạo hay không?

Đáp: Có người nói: Không thể nào, bởi vì Định này là Định của dị sinh, nếu khởi lên Định này về sau có thể tiến vào Kiến đạo, thì có lúc Thánh giả thành tựu Định này, không nên gọi là Định của dị sinh.

Có người nói: Khởi lên Định này về sau cũng có thể tiến vào Kiến đạo.

Hỏi: Nếu như vậy thì tại sao gọi là Định của dị sinh?

Đáp: Thánh giả tuy thành tựu mà không hiện hành, đó là dựa vào hiện hành cho nên gọi là Định của dị sinh.

Vì vậy cho nên Tôn giả Diệu Âm nói rằng: “Bổ-đặc-già-la đạt được Định này, có người có thể tiến vào Chánh tánh ly sinh, phải nói là lui sụt mất đi Định này, vào lúc ấy hết sức chán ngán cho nên không hiện hành, mạng chung sinh vào Tĩnh lự thứ tư, bởi vì ở nơi ấy dung nạp tất cả.”

Nói như vậy thì cách nói trước là hợp lý.

Hỏi: Định Vô tưởng này là gia hạnh đạt được, hay là lìa nhiễm đạt được?

Đáp: Là gia hạnh đạt được chứ không phải là lìa nhiễm đạt được, bởi vì lúc lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba thì không đạt được. Nếu lìa nhiễm đạt được thì lúc Thánh giả lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba cũng phải đạt được, vậy thì không nên gọi là Định của dị sinh.

Hỏi: Định Vô tưởng này cũng đạt được ở quá khứ-tu ở vị lai chăng?

Đáp: Có người nói: Không thể như vậy, chỉ riêng Định có tâm có thể có điều này, không phải là đối với Định không có tâm mà có nghĩa đạt được do tu. Hoặc là đưa ra cách nói này: Định trong sát-na thứ nhất chỉ thành tựu hiện tại, Định trong những sát-na khác thành tựu quá khứhiện tại, rời khỏi Định này rồi chỉ thành tựu quá khứ.

Có người nói: Định này có tu vị lai, bởi vì pháp do gia hạnh đạt được có tu vị lai, cho nên Định này chắc chắn nhờ vào lực tác ý gia hạnh cao nhất mà đạt được, tại sao không có tu vị lai? Hoặc là đưa ra cách nói này: Định trong sát-na thứ nhất thành tựu vị lai-hiện tại, Định trong những sát-na khác thành tựu ba đời, rời khỏi Định này rồi thành tựu quá khứ-vị lai.

Hỏi: Nếu như có tâm-có đạt được do tu, lúc Thánh giả lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba với đạo vô gián thứ chín, thì như đạt được Tĩnh lự thứ tư cùng với quyến thuộc cũng phải đạt được Định này, vậy thì không nên gọi là Định của dị sinh?

Đáp: Trước đây nói Định này chỉ có gia hạnh đạt được, vì vậy lúc dị sinh và Thánh giả lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba đều không đạt được. Chỉ có các dị sinh lìa nhiễm ấy rồi, dùng lực gia hạnh thì mới đạt được, vì vậy không có lỗi gì.

Nói như vậy thì phải như cách nói thứ nhất, bởi vì Định có tâm thì có thể tu vị lai, Định này không có tâm thì không có nghĩa về tu vị lai, do đó quá khứ cũng không có lý đạt được. Như luật nghi Biệt giải thoát, điều này cũng như vậy.

Hỏi: Định Vô tưởng này có thối chuyển hay không?

Đáp: Định này không có thối chuyển. Tại sao biết như vậy? Bởi vì từng nghe: “Có Tỳ kheo đạt được Định Vô tưởng, rời khỏi Định này rồi các căn vắng lặng, oai nghi đi đứng-nói năng trò chuyện-khoác mặc y phục, tiếp nhận các thức ăn uống, thảy đều tường tận kỹ càng. Có vị A-la-hán trước đó đạt được Nguyện trí, thấy rồi nghĩ rằng: Người thiện nam này, chắc chắn đạt được pháp thù thắng, mình nên quán xét phạm vi mà người ấy đã chứng! Nghĩ rồi tiến vào Định dùng lực của Nguyện trí thấy Tỳ kheo ấy đạt được Định Vô tưởng, liền từ trong Định đứng dậy mà nói với Tỳ kheo ấy rằng: Pháp mà ông đã chứng rất là sai trái, tại sao gặp kho báu công đức của Phật mà rời bỏ, để lầm lẫn chọn lấy pháp Định xấu xa thuộc pháp Học của ngoại đạo như vậy? Nay ông cần phải lập tức rời bỏ! Tỳ kheo nghe rồi tác ý rời bỏ, nhưng Định này bám theo không thể nào rời ra được, thậm chí bỏ đạo trở về nhà cũng không thể rời ra được, sau đó mạng chung rồi sinh đến cõi trời Vô tưởng.” Vì vậy biết rằng Định này không có thể thối chuyển.

Phái Thí Dụ nói: “Định này có thối chuyển, bởi vì tất cả các nghiệp đều có thể chuyển, thậm chí là nghiệp vô gián nếu gặp được duyên thù thắng thì cũng có nghĩa về chuyển. Nếu nghiệp vô gián không có thể chuyển, thì lẽ ra không có ai có thể vượt qua nghiệp nhân và quả báo thứ nhất (đệ nhất hữu).”

Nói như vậy thì cách nói trước là hợp lý.

Hỏi: Định Vô tưởng này đối với Chúng đồng phần, là có thể dẫn dắt, hay là chỉ đầy đủ?

Đáp: Chỉ có thể đầy đủ chứ không có thể dẫn dắt, bởi vì Chúng đồng phần chỉ do nghiệp dẫn dắt, mà Định này không phải là nghiệp.

Hỏi: Định Vô tưởng này là nhận lấy thuận theo pháp hiện tại, là nhận lấy thuận theo đời kế tiếp, là nhận lấy thuận theo đời kế tiếp thứ hai, hay là nhận lấy thuận theo không nhất định?

Đáp: Chỉ nhận lấy thuận theo pháp của đời kế tiếp, không phải là nhận lấy thuận theo pháp hiện tại… Không phải là nhận lấy thuận theo pháp hiện tại, bởi vì ở nơi khác tu Định này rồi sinh đến cõi trời Vô tưởng mới mang lại quả. Không phải là nhận lấy thuận theo đời kế tiếp thứ hai, bởi vì Định này mạnh mẽ sắc bén nhanh chóng mang lại quả. Không phải là nhận lấy thuận theo không nhất định, bởi vì không có thể thối chuyển.

Hỏi: Định này ở nơi nào nhận lấy quả dị thục nào?

Đáp: Ở cõi trời Vô tưởng nhận lấy quả dị thục của năm Uẩn.

Tiến vào Định Diệt tận có mấy căn diệt? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày về nghĩa lý của mình. Đó là Luận sư Phân Biệt thuộc phái Thí Dụ chấp rằng: Định Diệt tận là tâm vi tế, không thể diệt được. Vị ấy nói không có hữu tình nào mà không có sắc, cũng không có Định nào mà không có tâm. Nếu Định không có tâm thì Mạng căn phải đoạn dứt, nên gọi là chết chứ không nói là thuộc về Định. Vì ngăn chặn ý chấp ấy để hiển bày về Định Diệt tận hoàn toàn không có tâm. Có người chấp: Định này tuy không có tâm, nhưng lìa nhiễm cõi Sắc thì có thể hiện khởi, bởi vì cõi như nhau. Vì ngăn chặn ý chấp ấy để hiển bày về Định Diệt tận cần phải lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ mới có thể hiện rõ trước mắt, bởi vì tâm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm Đẳng vô gián duyên.

Vì vậy Tôn giả Thế Hữu nói rằng: “Thế nào là Định Diệt tận? Đó là đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, tác ý dừng lại Tưởng làm đầu tiên, diệt hết tâm-tâm sở pháp, đó gọi là Định Diệt tận. Bởi vì nhân duyên này, cho nên soạn ra phần luận này.”

Hỏi: Tiến vào Định Diệt tận có mấy căn diệt?

Đáp: Bảy căn, đó là Ý căn-Xả căn và năm căn như Tín… Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt đi?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc, đây là dựa vào tướng chung thuộc chủng loại của cõi mà nói, nhưng chỉ hệ thuộc vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Rời khỏi Định Diệt tận có mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là bảy, hoặc là tám, tâm hữu lậu là bảy, tâm vô lậu là tám. Nghĩa là nếu tâm thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ rời khỏi, thì bảy căn hiện rõ ở trước mắt, như trước nói. Nếu tâm thuộc Vô sở hữu xứ rời khỏi, thì tám căn hiện rõ ở trước mắt, đó là bảy căn trước và Dĩ tri cănCụ tri căn tùy theo một căn.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là hệ thuộc cõi Vô sắc, hoặc là không hệ thuộc. Nghĩa là nếu tâm thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ rời khỏi thì hệ thuộc cõi Vô sắc, nếu tâm thuộc Vô sở hữu xứ rời khỏi thì không hệ thuộc. Vì vậy mà nói chứng được Định Diệt tận thì quyết định là không có tâm. Bởi vì lúc tiến vào Định, chỉ nói đến các căn và tâm-tâm sở pháp diệt đi, mà không nói đến khởi lên; vào lúc rời khỏi Định, chỉ nói đến các căn và tâm-tâm sở pháp khởi lên, mà không nói đến diệt đi.

Hỏi: Tự tánh của Định Diệt tận là gì?

Đáp: Hành uẩn không tương ưng làm tánh, là do Định ấy thâu nhiếp. Cõi thì thuộc về cõi Vô sắc, địa thì thuộc về địa Căn bản của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Vì sao địa dưới không có Định này?

Đáp: Bởi vì không phải là ruộng đất, không phải là đồ đựng, cho đến nói rộng ra. Vả lại, đạt được Định Diệt tận bởi vì diệt hết tâm-tâm sở vi tế nhất, địa dưới không thuận theo diệt hết tâm-tâm sở vi tế nhất.

Hỏi: Vì sao Phi tưởng phi phi tưởng xứ thuận theo diệt hết tâmtâm sở vi tế nhất, chứ không phải là địa dưới?

Đáp: Những người muốn tiến vào Định ấy, đầu tiên khởi lên tâm thiện của cõi Dục, tiếp theo tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Tĩnh lự thứ hai, như vậy cho đến tiến vào Vô sở hữu xứ, tiếp theo tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đối với tâm thuộc phẩm Thượng-TrungHạ của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, từ phẩm Thượng tiến vào phẩm Trung, từ phẩm Trung tiến vào phẩm Hạ, tâm thuộc phẩm Hạ đoạn hết, tiến vào Định Diệt tận. Thí dụ đã nói như trước nên biết. Vì vậy Định này chỉ thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Vả lại, các địa dưới đều gọi là Hữu tưởng, hành tướng thô động khó có thể dừng lại; địa này gọi là Phi tưởng phi phi tưởng, hành tướng vi tế dễ dàng có thể dừng lại. Vì vậy trong địa dưới không có Định Diệt tận.

Có người nói: Hai Định đều không có tâm, cho nên đều thiết lập ở phạm vi của một cõi, nghĩa là Định Vô tưởng thiết lập ở phạm vi của cõi có Sắc, Định Diệt tận thiết lập ở phạm vi của cõi không có Sắc.

Có người nói: Hai Định đều không có tâm, cho nên đều thiết lập ở phạm vi của một địa, nghĩa là Định Vô tưởng thiết lập dựa vào phạm vi của địa có Sắc, Định Diệt tận thiết lập dựa vào phạm vi của địa không có Sắc.

Có người nói: Hai Định đều không có tâm, cho nên đều thiết lập ở phạm vi của một tụ, nghĩa là Định Vô tưởng thiết lập ở phạm vi của tụ Đại chủng sở tạo sắc, Định Diệt tận thiết lập ở phạm vi của tụ Tâmtâm sở pháp.

Có người nói: Tất cả các địa đều có hai loại lỗi lầm:

  1. Lỗi lầm do tham dục.
  2. Lỗi lầm do trú xứ.

Địa Tĩnh lự thứ nhất có lỗi lầm do tham dục, đó là Thánh đạo của địa mình; lỗi lầm do trú xứ, đó là Tĩnh lự thứ hai. Cho đến Vô sở hữu xứ có lỗi lầm do tham dục, đó là Thánh đạo của địa mình và địa dưới; lỗi lầm do trú xứ, đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ có lỗi lầm do tham dục, đó là Thánh đạo của địa dưới; lỗi lầm do trú xứ, đó là Đẳng chí Diệt tận. Nếu địa dưới có Định Diệt tận, thì các địa dưới phải có ba loại lỗi lầm, hoặc là hai loại lỗi lầm; Phi tưởng phi phi tưởng xứ chỉ có một loại lỗi lầm. Bởi vì không có lỗi lầm không bình đẳng như vậy, cho nên Định Diệt tận không phải là có ở địa dưới.

Có người nói: Định này do hai nhân duyên mà thiết lập làm giải thoát:

  1. Rời bỏ tất cả sở duyên.
  2. Đoạn hết giới hạn của tâm.

Nếu địa dưới có Định Diệt tận, thì không phải là rời bỏ tất cả sở duyên, bởi vì chưa buông bỏ sở duyên phía trên; cũng không thể nói là đoạn hết giới hạn của tâm, bởi vì đoạn hết tâm trung gian không phải là giới hạn.

Có người nói: Bởi vì Định này là phần sau cuối trong thứ tự của Định, cho nên cần phải thuận theo Phi tưởng phi phi tưởng xứ không gián đoạn mà tiến vào.

Bởi vì những nhân duyên như vậy, cho nên ở các địa dưới không có Định Diệt tận, chỉ có ở cõi Hữu Đảnh.

Như Đức Thế Tôn nói: “Như thế nào gọi là Đẳng chí Diệt tận? Đó là bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt-Thân tác chứng.”

Hỏi: Đẳng chí Diệt tận tức là hệ thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì sao Đức Phật nói là vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Đáp: Tuy chính là hệ thuộc cõi ấy, nhưng mà vắng lặng hơn hẳn, cho nên Đức Phật nói là vượt qua cõi ấy. Ví như chốn A-luyện-nhã gần bên thôn xóm, tuy chính là trong phạm vi thôn xóm, nhưng cũng bởi vì vắng lặng cho nên nói là tách lìa thôn xóm.

Lại có hai loại Phi tưởng phi phi tưởng xứ:

  1. Có tâm.
  2. Không có tâm.

Bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là dựa vào Phi tưởng phi phi tưởng có tâm mà nói; trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệtThân tác chứng, là dựa vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có tâm mà nói. Như có tâm-không có tâm, tương ưng-không tương ưng, có sở y-không có sở y, có hành tướng-không có hành tướng, có tác ý-không có tác ý, có sở duyên-không có sở duyên, nên biết cũng như vậy.

Lại có hai loại Phi tưởng phi phi tưởng xứ:

  1. Nhiễm ô.
  2. Không nhiễm ô.

Bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là dựa vào nhiễm ô mà nói; trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt-Thân tác chứng, là dựa vào không nhiễm ô mà nói. Như nhiễm ô-không nhiễm ô, do kiến mà đoạn-do tu mà đoạn, cũng như vậy.

Lại có hai loại Phi tưởng phi phi tưởng xứ:

  1. Đã từng đạt được.
  2. Chưa từng đạt được.

Bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là dựa vào đã

từng đạt được mà nói; trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt-Thân tác chứng, là dựa vào chưa từng đạt được mà nói. Như đã từng đạt được-chưa từng đạt được, cọng-bất cọng cũng như vậy.

Lại có hai loại Phi tưởng phi phi tưởng xứ:

  1. Lìa nhiễm đạt được.
  2. Gia hạnh đạt được.

Bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là dựa vào lìa nhiễm đạt được mà nói; trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt-Thân tác chứng, là dựa vào gia hạnh đạt được mà nói.

Lại dựa vào địa theo thứ tự vượt qua mà nói, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ. Tiến vào trú đầy đủ trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là dựa vào vượt qua tham dục của địa dưới mà nói, bởi vì vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ; trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt-Thân tác chứng, là vượt qua trú xứ có tâm của địa mình mà nói.

Hỏi: Những người Vô học, có thể nói là vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, bởi vì họ vượt qua đầy đủ hai loại tham dục và trú xứ của cõi Hữu Đảnh; những người Học ở cõi ấy chỉ có một loại vượt qua, làm sao có thể nói là vượt qua tất cả?

Đáp: Tất cả có hai loại:

1. Tất cả của tất cả; 2. Tất cả của phần ít.

Trong này, người Học dựa vào phần ít mà nói, cho nên không có lỗi.

Có người nói: Trong này chỉ dựa vào vượt qua trú xứ mà nói, nghĩa là những người Học tuy đối với tham dục do tu mà đoạn của cõi Hữu Đảnh chưa có thể vượt qua tất cả, nhưng đối với trú xứ của cõi Hữu Đảnh thì có thể vượt qua tất cả.

Có người nói: Trong này dựa vào tạm thời vượt qua mà nói, nghĩa là những người Học tạm thời vượt qua tất cả phần vị có tâm, bởi vì cõi Hữu Đảnh rời khỏi có tâm-tiến vào không có tâm.

Hỏi: Trong Định Diệt tận, diệt hết tất cả tâm-tâm sở pháp, vì sao chỉ nói đến Tưởng-Thọ diệt chứ không nói đến tâm…?

Đáp: Phái Thí Dụ nói: Định này có tâm, chỉ diệt Tưởng-Thọ.

Hỏi: Nay không hỏi về điều đó, chỉ hỏi là nói không có tâm thì vì sao như vậy?

Đáp: Nói đến Tưởng-Thọ diệt là hiển bày về loại khác cũng diệt, bởi vì không phải là pháp tương ưng khác tách lìa Tưởng-Thọ mà khởi lên.

Có người nói: Trong này nói đến pháp mạnh nhất, bởi vì các phẩm tâm thì Tưởng-Thọ là mạnh nhất, bởi vì diệt hơn hẳn cho nên pháp khác cũng diệt theo.

Có người nói: Bởi vì trong này nêu rõ về môn loại-nêu rõ về phương thức-nêu rõ về nẽo tiến vào, nghĩa là trong tụ tâm có loại là tánh của căn, có loại không phải là tánh của căn. Nếu nói về Thọ thì nên biết đã nói đến loại là tánh của căn, nếu nói về Tưởng thì nên biết đã nói đến loại không phải là tánh của căn. Như tánh của căn-không phải là tánh của căn, có minh-không có minh, có hiện thấy-không có hiện thấy, nên quán sát-không nên quán sát, vi diệu-không phải là vi diệu, tôn quý-không phải là tôn quý, thù thắng-không phải là thù thắng, nên biết cũng như vậy.

Có người nói: Tưởng-Thọ là pháp mà các Sư Du-già hết sức lo sợ chán ngán. Bởi vì lực của Thọ mà khiến cho các hữu tình cõi Sắc phải chịu đựng tai họa, bởi vì lực của Tưởng mà khiến cho các hữu tình cõi Vô sắc phải chịu đựng tai họa, vì vậy Đức Thế Tôn nói đến Tưởng-Thọ diệt.

Có người nói: Tưởng-Thọ hơn hẳn trong hai cõi, Thọ hơn hẳn ở trong cõi Sắc, Tưởng hơn hẳn ở trong cõi Vô sắc.

Có người nói: Bởi vì Thọ mà đam mê vui thích, bởi vì Tưởng mà chấp trước điên đảo, khiến cho các hữu tình luân hồi trong sinh tử, nhận chịu mọi điều khổ não.

Có người nói: Tưởng-Thọ khác nhau mà lập ra Uẩn và lập ra Thức trú.

Có người nói: Tưởng-Thọ có thể dấy khởi hai loại phiền não là Ái và Kiến, bởi vì lực của Thọ cho nên dấy khởi Ái, bởi vì lực của Tưởng cho nên dấy khởi Kiến, tất cả phiền não lấy hai loại này làm đầu.

Có người nói: Tưởng-Thọ là hai căn tranh chấp, do Thọ mà đắm say các dục lạc, khiến cho hàng tại gia khởi lên những sự đấu tranh; do Tưởng mà đắm say các kiến giải, khiến cho hàng xuất gia khởi lên những sự đấu tranh. Như hai căn tranh chấp, hai phía, hai mũi tên, hai hý luận, hai ngã sở, hai tạp nhiễm, nên biết cũng như vậy.

Có người nói: Bởi vì hành giả chán ghét Tưởng-Thọ, cho nên tiến vào Định Diệt tận. Do nghĩa như vậy cho nên Đức Phật chỉ nói diệt hai pháp này.

Như luận Thi Thiết nói: “Vì sao gia hạnh khởi lên Đẳng chí về Diệt? Đó là người bắt đầu sự nghiệp tu tập, đối với tất cả các hành không tạo tác gia hạnh, không muốn tư duy về những gì mình vốn có, Tưởng-Thọ chưa sinh khởi nên làm cho không sinh khởi, Tưởng-Thọ đã sinh khởi nên làm cho nhanh chóng diệt đi. Nếu vào lúc bấy giờ tất cả Tưởng-Thọ chưa sinh khởi thì không sinh khởi, đã sinh khởi thì diệt đi, đó gọi là Diệt. Vì sao Diệt này gọi là Đẳng chí? Đó là đối với pháp Diệt tự tại hiện thấy không có chướng ngại-không có trái ngược, do tự thân mà chứng được cho nên gọi là Đẳng chí. Bởi vì điều này cho nên Đức Thế Tôn nói là Diệt chỉ có một sát-na, Đẳng chí thì nối tiếp nhau.”

Hỏi: Khiến cho tâm bình đẳng gọi là Đẳng chí, trong Định này không có tâm thì vì sao gọi là Đẳng chí?

Đáp: Đẳng chí có hai loại:

  1. Khiến cho tâm bình đẳng.
  2. Khiến cho Đại chủng bình đẳng.

Định Vô tưởng-Diệt tận, tuy đoạn tâm bình đẳng khiến cho không nối tiếp nhau, mà dẫn dắt Đại chủng bình đẳng khiến cho hiện rõ ở trước mắt, cho nên gọi là Đẳng chí.

Hỏi: Vì sao trong hai Định không có tâm, chỉ riêng Định Diệt tận thiết lập làm Giải thoát chứ không phải là Định Vô tưởng?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: “Đức Phật thông suốt rõ ràng đến tận cùng Thể tướng và tác dụng của các pháp, người khác không thể nào biết được. Nếu pháp có tướng Giải thoát thì sẽ thiết lập, không có thì không thiết lập.”

Lại nữa, Định Diệt tận chỉ có ở pháp bên trong, cho nên thiết lập Giải thoát; Định Vô tưởng chỉ có ở pháp bên ngoài, cho nên không thiết lập Giải thoát. Như pháp bên trong-pháp bên ngoài, Thánh giả-dị sinh cũng như vậy.

Lại nữa, Định Diệt tận chỉ rời bỏ tạp nhiễm-hướng về thanh tịnh, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên thiết lập Giải thoát; Định Vô tưởng chỉ rời bỏ thanh tịnh-hướng về tạp nhiễm, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên không thiết lập Giải thoát. Như rời bỏ tạp nhiễm-hướng về tạp nhiễm, rời bỏ sinh tử-hướng về sinh tử, rời bỏ lưu chuyển-hướng về lưu chuyển, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, Định Diệt tận chỉ rời bỏ Ngã kiến-hướng về không có Ngã kiến, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên thiết lập Giải thoát; Định Vô tưởng chỉ rời bỏ không có Ngã kiến-hướng về Ngã kiến, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên không thiết lập Giải thoát.

Lại nữa, Định Diệt tận chỉ rời bỏ Tát-ca-da kiến, hướng về quán Không, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên thiết lập Giải thoát; Định Vô tưởng chỉ rời bỏ quán Không, hướng về Tát-ca-da kiến, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên không thiết lập Giải thoát.

Lại nữa, trước đây nói Định Diệt tận do hai nhân duyên cho nên thiết lập làm Giải thoát:

  1. Rời bỏ tất cả sở duyên.
  2. Đoạn hết giới hạn của tâm.

Định Vô tưởng thì cả hai việc đều không có, vì vậy không thiết lập.

Lại nữa, Định Diệt tận chỉ ngăn cản các cõi-các nẽo-các sinh loại, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên thiết lập Giải thoát; Định Vô tưởng chỉ không ngăn cản các cõi-các nẽo-các sinh loại, trong sự nối tiếp nhau có thể đạt được, cho nên không thiết lập Giải thoát.

Lại nữa, rời bỏ các nghiệp nhân-quả báo gọi là Giải thoát, Định Diệt tận rời bỏ các cõi-các nẽo-các sinh loại, giác ngộ sinh tử lưu chuyển; Định Vô tưởng thì không như vậy.

Bởi vì những duyên này, cho nên trong hai Định không có tâm, chỉ riêng Định Diệt tận thiết lập làm Giải thoát chứ không phải là Định Vô tưởng.

Hỏi: Định Vô tưởng và Định Diệt tận có gì sai biệt?

Đáp: Tên gọi tức là sai biệt, gọi là Định Vô tưởng, gọi là Định Diệt tận.

Lại nữa, cõi cũng có sai biệt, Định Vô tưởng hệ thuộc cõi Sắc, Định Diệt tận hệ thuộc cõi Vô sắc.

Lại nữa, địa cũng có sai biệt, Định Vô tưởng thuộc về Tĩnh lự thứ tư, Định Diệt tận thuộc về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, nối tiếp nhau cũng có sai biệt, Định Vô tưởng thuộc về sự nối tiếp nhau của dị sinh, Định Diệt tận thuộc về sự nối tiếp nhau của Thánh giả.

Lại nữa, lúc tiến vào Định Vô tưởng thì dấy lên Tưởng rời khỏi, lúc tiến vào Định Diệt tận thì dấy lên Tưởng dừng lại.

Lại nữa, lúc tiến vào Định Vô tưởng thì chỉ chán ngán đối với Tưởng, lúc tiến vào Định Diệt tận thì chán ngán cả Tưởng và Thọ.

Lại nữa, lúc tiến vào Định Vô tưởng thì chỉ muốn diệt Tưởng, lúc tiến vào Định Diệt tận thì muốn diệt cả Tưởng và Thọ.

Lại nữa, lúc tiến vào Định Vô tưởng thì diệt tâm-tâm sở pháp hệ thuộc cõi Sắc, lúc tiến vào Định Diệt tận thì diệt tâm-tâm sở pháp hệ thuộc cõi Vô sắc.

Lại nữa, lúc tiến vào Định Vô tưởng thì diệt tâm-tâm sở pháp của Tĩnh lự thứ tư, lúc tiến vào Định Diệt tận thì diệt tâm-tâm sở pháp của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, Định Vô tưởng dẫn đến dị thục của cõi Sắc, Định Diệt tận dẫn đến dị thục của cõi Vô sắc.

Lại nữa, Định Vô tưởng dẫn đến dị thục của Tĩnh lự thứ tư, Định Diệt tận dẫn đến dị thục của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, Định Vô tưởng chỉ thuận theo sinh ra mà nhận lấy dị thục, Định Diệt tận thuận theo sau khi sinh ra không nhất định nhận lấy dị thục, cho nên có sai biệt.

Tôn giả Thế Hữu đưa ra câu hỏi này: “Định Vô tưởng và Định Diệt tận sai biệt thế nào?

Trả lời: Một loại gọi là Định Vô tưởng, một loại gọi là Định Diệt tận, cho nên có sai biệt. Lại nữa, cõi-địa-nối tiếp nhau-dấy lên tưởng- chán ngán-mong muốn-đã diệt-dị thục, đều có sai biệt, nói rộng ra như trên. Lại nữa, dị sinh tiến vào Định Vô tưởng cảm đến quả của cõi Vô tưởng, Thánh giả tiến vào Định Diệt tận cảm đến quả của cõi Hữu Đảnh. Lại nữa, Định Vô tưởng khiến cho các dị sinh nhận lấy quả dị thục của cõi Sắc, Định Diệt tận khiến cho những người Học nhận lấy quả dị thục của cõi Vô sắc, khiến cho người Vô học nhận lấy quả đẳng lưu của cõi Vô sắc. Đó gọi là sự sai biệt giữa Định Vô tưởng và Định Diệt tận.”

Hỏi: Trong tám Giải thoát vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói Giải thoát thứ ba-thứ tám gọi là Thân tác chứng, chứ không phải là loại khác? Như trong kinh nói: “Tịnh giải thoát Thân tác chứng, Tưởng-Thọ diệt giải thoát Thân tác chứng.”

Đáp: Có kinh khác đối với tám Giải thoát, Đức Thế Tôn đều nói là Thân tác chứng. Như trong kinh Đại Nhân Duyên, Đức Phật đối với tám Giải thoát, tất cả đều nói là trú đầy đủ trong Thân tác chứng.

Hỏi: Tuy trong một số kinh đối với tám Giải thoát nói là Thân tác chứng, nhưng ở trong nhiều kinh chỉ nói hai loại gọi là Thân tác chứng, vì sao như vậy?

Đáp: Hai loại Giải thoát này có danh-nghĩa thù thắng nhất trong tám loại Giải thoát, cho nên chỉ nói đến hai loại.

Có người nói: Bởi vì hai loại Giải thoát này đều dùng công lực của gia hạnh mà chứng.

Có người nói: Hai loại này đều ở phạm vi của một cõi, đó là Tịnh giải thoát ở phạm vi của cõi Sắc, Tưởng-Thọ diệt giải thoát ở phạm vi của cõi Vô sắc.

Có người nói: Hai Giải thoát này đều ở phạm vi của một địa, đó là Tịnh giải thoát thuộc về phạm vi của Tĩnh lự thứ tư, Tưởng-Thọ diệt giải thoát thuộc về phạm vi của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Có người nói: Tịnh giải thoát đối với phạm vi của tụ sắc do Đại chủng đã tạo ra mà thiết lập, Tưởng-Thọ diệt giải thoát đối với phạm vi của tụ tâm-tâm sở pháp mà thiết lập.

Có người nói: Tịnh giải thoát tuy giữ lấy tướng thanh tịnh của sắc, mà không khởi lên phiền não, bởi vì thù thắng. Đức Thế Tôn an lập Thân tác chứng gọi là Tưởng-Thọ diệt giải thoát, bởi vì không có tâm. Thuộc về thân chứ không phải là tâm, do lực của thân mà khởi lên chứ không phải là lực của tâm, vì vậy Đức Thế Tôn nói là Thân chứng.

Có người nói: Ở trong kinh nói tám Giải thoát là Thân tác chứng, đều bởi vì hai Giải thoát này cho nên được gọi là Thân chứng.

Bởi vì những nghĩa này, cho nên chỉ có hai loại nói là Thân tác chứng.

Cụ túc trú (trú đầy đủ), có nhiều nơi nói đến thanh âm Cụ túc trú, đó là hoặc có nơi đối với phần ít của Sắc uẩn nói là Cụ túc trú, hoặc có nơi đối với năm Uẩn thiện nói là Cụ túc trú, hoặc có nơi đối với bốn Uẩn thiện nói là Cụ túc trú, hoặc có nơi đối với một phần của Hành uẩn không tương ưng nói là Cụ túc trú, hoặc có nơi đối với Niết-bàn tịch diệt nói là Cụ túc trú.

Đối với phần ít của Sắc uẩn nói là Cụ túc trú, như bài kệ nói: “Đối với diệu Tuệ và Thánh giáo, an trú đầy đủ trong Thi-la,

Tất cả đều thật sự hiền thiện, kho tàng quý báu nhiều công đức.”

Đối với năm Uẩn thiện nói là Cụ túc trú, như nói: “Trú đầy đủ trong Tĩnh lự thứ nhất cho đến Tĩnh lự thứ tư.” Đối với bốn Uẩn thiện nói là Cụ túc trú, như nói: “Trú đầy đủ trong Không vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.” Đối với một phần của Hành uẩn không tương ưng nói là Cụ túc trú, như trong tám Giải thoát này, nói trú đầy đủ trong Tưởng-Thọ diệt giải thoát Thân tác chứng. Đối với Niết-bàn tịch diệt nói là Cụ túc trú, như nói: “Trú đầy đủ vào Niết-bàn Thân tác chứng.”

Hỏi: Định Diệt tận có mấy chủng loại?

Đáp: Có người nói: Có bốn, đó là người có đủ phiền não (cụ phược) đã khởi lên, người lìa ba phẩm Thượng đã khởi lên, người lìa ba phẩm Trung đã khởi lên, người lìa ba phẩm Hạ đã khởi lên, bởi vì chủng loại khác nhau.

Lại có người nói: Bốn loại, đó là người lìa nhiễm thuộc phẩm sáubảy-tám-chín đã khởi lên, mỗi một phẩm lấy làm một loại. Người ấy nói bởi vì người có đủ phiền não, cho đến người lìa nhiễm thuộc phẩm năm, đều chưa có thể khởi lên Định này.

Có người nói: Định này có chín loại, đó là người lìa phẩm Thượng Thượng đã khởi lên, cho đến người lìa phẩm Hạ Hạ đã khởi lên, bởi vì chỉ riêng người có đủ phiền não không có thể khởi lên.

Có người nói: Định này có mười loại, đó là người có đủ phiền não đã khởi lên, cho đến người lìa phẩm Hạ Hạ đã khởi lên.

Hỏi: Nếu người có đủ phiền não mà có thể khởi lên Định này, thì các loại dị sinh vì sao không có thể khởi lên?

Đáp: Phiền não có hai loại, một là do kiến mà đoạn, hai là do tu mà đoạn. Ở trong cõi Hữu Đảnh, nếu thiếu phiền não do kiến mà đoạn, có đủ phiền não do tu mà đoạn, thì có thể khởi lên Định này, có đủ hai loại phiền não thì không có thể khởi lên.

Nói như vậy thì Định Diệt tận này có mười một loại, đó là người có đủ phiền não đã khởi lên, người lìa phẩm Thượng Thượng đã khởi lên, cho đến người lìa phẩm Hạ Hạ đã khởi lên, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn đạt được Bất động đã khởi lên.

Hỏi: Thể của mười một loại này có khác nhau chăng?

Đáp: Có người nói: Không khác.

Hỏi: Nếu như vậy thì tại sao nói là mười một?

Đáp: Do phần vị khác nhau chứ không phải là Thể có khác nhau.

Có người nói: Thể của mười một loại này đều khác nhau.

Hỏi: Nếu như vậy thì người có đủ phiền não đã khởi lên, cho đến A-la-hán Thời giải thoát luyện căn đạt được Bất động đã khởi lên, sai biệt như thế nào?

Đáp: Có người vào lúc có đủ phiền não khởi lên Định Diệt tận, chính người ấy vào lúc tiến lên đoạn nhiễm thuộc một phẩm, lại khởi lên Định Diệt tận, người ấy vào lúc bấy giờ, trước đây đã khởi lên là đạt được mà không thuộc về thân, thành tựu mà không hiện rõ trước mắt; nay đã khởi lên là đạt được mà cũng thuộc về thân, thành tựu mà cũng hiện rõ trước mắt. Chính người ấy cho đến từ Thời giải thoát luyện căn đạt được Bất động, người ấy vào lúc bấy giờ ở trong các phần vị trước đã khởi lên Định Diệt tận, đạt được mà không thuộc về thân, thành tựu mà không hiện rõ trước mắt; nay ở phần vị Bất động đã khởi lên Định Diệt tận, đạt được cũng thuộc về thân, thành tựu cũng hiện rõ trước mắt.

Vì vậy nên biết là Thể và chủng loại đều khác nhau.

Hỏi: Định này có chủng loại khác nhau về phẩm Thượng-TrungHạ hay không? Nếu có thì luận Thi Thiết nói nên hiểu thế nào? Như luận ấy nói: “Diệt không có sai biệt.” Nếu không có thì Phật-Độc giácThanh văn đã khởi lên không có hơn-kém hay sao?

Đáp: Có người nói: Định này không có Thượng-Trung-Hạ.

Hỏi: Luận Thi Thiết nói Diệt không có sai biệt, tuy đã dễ dàng hiểu được, nhưng Phật-Độc giác-Thanh văn đã khởi lên không có hơnkém hay sao?

Đáp: Thể không có hơn-kém, bởi vì đều lấy diệt tâm-tâm sở làm tánh của Định ấy, nhưng bởi vì gia hạnh cho nên nói có sai biệt, nghĩa là Phật khởi lên Định này không nhờ vào gia hạnh, Độc giác nhờ vào gia hạnh bậc Hạ, Thanh văn nhờ vào gia hạnh bậc Trung-hoặc là bậc Thượng.

Nói như vậy thì Định Diệt tận này có phẩm loại Thượng-TrungHạ sai biệt.

Hỏi: Ba Thừa đã khởi lên có hơn-có kém, tuy đã dễ dàng hiểu được, nhưng luận Thi Thiết nói Diệt không có sai biệt nên hiểu thế nào?

Đáp: Dựa vào nghĩa có thể đoạn diệt tâm-tâm sở pháp không có sai biệt mà nói là không có sai biệt, nhưng Định Diệt tận là hữu vi, có Thượng-Trung-Hạ như pháp hữu vi khác, bởi vì tùy theo căn tánh-phần vị cho nên có khác nhau. Nghĩa là Phật đã đạt được là bậc Thượng, Độc giác đã đạt được là bậc Trung, Thanh văn đã đạt được là bậc Hạ. Trong Thanh văn Thừa có nhiều sai biệt, lại có phần vị Học có đủ phiền não mà khởi lên là Hạ Hạ, cho đến đoạn tám phẩm mà khởi lên là Thượng Thượng; trong phần vị Vô học, chủng tánh Thối pháp mà khởi lên là Hạ Hạ, cho đến mới đạt được chủng tánh Bất động mà khởi lên là Thượng Hạ, vốn có đạt được chủng tánh Bất động mà khởi lên là Thượng Trung, Thanh văn Ba-la-mật-đa mà khởi lên là Thượng Thượng. Căn tánh sai biệt trong mỗi một chủng tánh đã khởi lên, đều có phẩm loại ThượngTrung-Hạ sai biệt, vì vậy Định Diệt tận có nhiều phẩm loại.

Hỏi: Định Diệt tận này lấy mấy pháp làm Thể?

Đáp: Có người nói: Định này lấy một pháp làm Thể, bởi vì nếu Diệt hiện rõ trước mắt thì gọi là không có tâm.

Hỏi: Vì sao Diệt trong một sát-na hiện rõ trước mắt thì gọi là không có tâm?

Đáp: Như Thọ trong một sát-na hiện rõ trước mắt thì gọi là có Thọ, Tưởng trong một sát-na hiện rõ trước mắt thì gọi là có Tưởng, Thức trong một sát-na hiện rõ trước mắt thì gọi là có Thức, như vậy Diệt trong một sát-na hiện rõ trước mắt thì gọi là không có tâm, điều này có gì sai?

Có người nói: Định này lấy mười một pháp làm Thể, bởi vì Diệt mười pháp Đại địa và tâm.

Có người nói: Định này lấy hai mươi mốt pháp làm Thể, bởi vì Diệt mười pháp Đại địa-mười pháp Đại thiện địa và tâm.

Nói như vậy là hễ diệt bao nhiêu tâm-tâm sở pháp, thì có bấy nhiêu pháp hiện rõ trước mắt lấy làm Thể của Định này.

Hỏi: Tự tánh của Định Diệt tận này đã như vậy, tướng của Định ấy như thế nào?

Đáp: Tự Thể tức là tướng, tướng tức là tự Thể, bởi vì tất cả các pháp không thể nào tách rời Thể mà nói riêng về tướng của nó.

Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Định Diệt tận này lấy giải thoát làm tướng, cho nên đưa ra cách nói này: Trú trong Định này thì tâm-tâm sở pháp giải thoát, giải thoát hơn hẳn, giải thoát hơn hẳn cao nhất; lìa hệ thuộc, lìa hệ thuộc hơn hẳn, lìa hệ thuộc hơn hẳn cao nhất.”

Hỏi: Định này không có thể đoạn các phiền não, làm sao có thể nói là trú trong Định này thì tâm-tâm sở pháp giải thoát…?

Đáp: Trú trong Định này thì tâm-tâm sở pháp tạm thời được giải thoát, cho đến tạm thời lìa hệ thuộc hơn hẳn cao nhất, cho nên nói như vậy chứ không phải là nói Định này có thể đoạn các phiền não.

Có người nói như vậy: Nếu pháp lấy Tưởng-Vi tế làm Nhân, thì Vi vi làm Đẳng vô gián, không đi cùng với pháp ấy, không phải là không thành tựu, đó gọi là giải thoát.

Hỏi: Đây là nói đến pháp nào?

Đáp: Có người nói: Đây là nói về Định Diệt tận.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về Định Diệt tận, thì điều ấy nói Định này lấy Tưởng-Vi tế làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại; Vi vi cũng cùng làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại, cũng cùng làm Đẳng vô gián duyên.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về Định Diệt tận, thì điều ấy nên nói: Nếu pháp lấy Tưởng-Vi tế làm Nhân, thì Vi vi làm Đẳng vô gián. Không nên nói: Không đi cùng với pháp ấy, bởi vì Định Diệt tận kia đang hiện rõ trước mắt. Nên nói: Không phải là không thành tựu, bởi vì lúc trú trong Định thì lúc ấy thành tựu về Định.

Có người nói: Đây là nói về tâm rời khỏi Định.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về tâm rời khỏi Định, thì điều ấy nói tâm rời khởi Định này lấy Tưởng-Vi tế làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại; Vi vi cũng cùng làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại, cũng cùng làm Đẳng vô gián duyên.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về tâm rời khỏi Định, thì điều ấy nên nói: Nếu pháp lấy Tưởng-Vi tế làm Nhân, thì Vi vi làm Đẳng vô gián. Nên nói: Không đi cùng với pháp ấy, bởi vì lúc trú trong Định thì tâm rời khỏi Định ấy không hiện rõ trước mắt. Nên nói: Không phải là không thành tựu, bởi vì lúc trú trong Định thì lúc ấy thành tựu tâm rời khỏi Định.

Vì vậy chứng minh biết rằng đó là trước kia đạt được tâm rời khỏi Định.

Có người nói: Đây là nói về tâm tiến vào Định.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về tâm tiến vào Định, thì điều ấy nói: Tâm tiến vào Định này lấy Tưởng làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại; Vi vi cũng cùng làm Nhân, đó là một Nhân, tức là nhân Đồng loại, cũng cùng làm Đẳng vô gián duyên.

Nếu đưa ra cách nói này: Đây là nói về tâm tiến vào Định, thì điều ấy nên nói: Nếu pháp lấy Tưởng làm Nhân, Vi tế làm Đẳng vô gián. Nên nói: Không đi cùng với pháp ấy, bởi vì lúc trú trong Định thì tâm tiến vào Định ấy không hiện rõ trước mắt. Nên nói: Không phải là không thành tựu, bởi vì lúc trú trong Định thì lúc ấy thành tựu tâm tiến vào Định.

*******

 

Hỏi: Trong này, thế nào là Tưởng, thế nào là Vi tế, thế nào là Vi vi?

Đáp: Có người nói: Không vô biên xứ-Thức vô biên xứ là Tưởng, Vô sở hữu xứ là Vi tế, Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Vi vi.

Có người nói: Không vô biên xứ-Thức vô biên xứ-Vô sở hữu xứ là Tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Vi tế, nếu tâm-tâm sở pháp làm Đẳng vô gián duyên tiến vào Định Diệt tận thì đó là Vi vi.

Có người nói: Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng là Tưởng, cũng là Vi tế, cũng là Vi vi. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ có Thượng-Trung-Hạ, Thượng gọi là Tưởng, Trung gọi là Vi tế, Hạ gọi là Vi vi.

Hỏi: Nếu cùng một địa thì có gì sai biệt?

Đáp: Có người nói: Tên gọi tức là sai biệt, đó là pháp này gọi là Tưởng, pháp này gọi là Vi tế, pháp này gọi là Vi vi.

Có người nói: Phẩm cũng có sai biệt, đó là phẩm Thượng thì gọi là Tưởng, phẩm Trung thì gọi là Vi tế, phẩm Hạ thì gọi là Vi vi.

Có người nói: Lúc Tưởng-Vi tế hiện rõ ở trước mắt thì có thể tu Thánh đạo vị lai, lúc Vi vi hiện rõ ở trước mắt thì không tu.

Có người nói: Lúc Tưởng-Vi tế hiện rõ ở trước mắt thì bốn Niệm trú tùy theo một loại tu ở hiện tại, bốn loại tu ở vị lai; lúc Vi vi hiện rõ ở trước mắt thì Pháp niệm trú tu ở hiện tại, ba loại tu ở vị lai, trừ ra Thân niệm trú.

Có người nói: Tưởng-Vi tế có lúc đã từng đạt được, có lúc chưa từng đạt được; Vi vi chỉ là chưa từng đạt được.

Hỏi: Trong này dựa vào luận mà phát sinh luận, vì sao tâm tiến vào Định Diệt tận bao gồm đã từng đạt được và chưa từng đạt được, tâm

rời khỏi Định Diệt tận chỉ là đã từng đạt được?

Đáp: Bởi vì tâm tiến vào Định cần nhiều gia hạnh, sử dụng công lực tác ý cao nhất mà khởi lên, cho nên bao gồm đã từng đạt được và chưa từng đạt được; tâm rời khỏi Định cùng với trên trái ngược nhau, cho nên chỉ có đã từng đạt được.

Có người nói: Bởi vì tâm tiến vào Định có thể thúc đẩy tăng thêm để phát khởi đối với Định, cho nên bao gồm đã từng đạt được và chưa từng đạt được; tâm rời khỏi Định cùng với điều này trái ngược nhau, cho nên chỉ có đã từng đạt được.

Có người nói: Bởi vì tâm tiến vào Định chỉ là hữu lậu, cho nên bao gồm đã từng đạt được và chưa từng đạt được; tâm rời khỏi Định bao gồm hữu lậu và vô lậu, cho nên chỉ có đã từng đạt được.

Hỏi: Trong này dựa vào luận mà phát sinh luận, vì sao tâm tiến vào Định chỉ là hữu lậu, tâm rời khỏi Định bao gồm hữu lậu và vô lậu?

Đáp: Tâm tiến vào Định tùy thuận với tâm đoạn cho nên chỉ là hữu lậu, bởi vì tâm này không vững bền-không mạnh mẽ, không có thế lực tồn tại lâu dài, không làm cho tâm khác không gián đoạn mà khởi lên, như hạt giống hư hoại cho nên đối với tâm đoạn là tùy thuận nhất; tâm rời khỏi Định cùng với điều này trái ngược nhau, cho nên bao gồm hữu lậu và vô lậu.

Có người nói: Tâm tiến vào Định lấy Định làm vắng lặng, không phải là đạo vô lậu lấy hữu vi làm vắng lặng, cho nên chỉ là hữu lậu.

Có người nói: Bởi vì Định này là Định theo thứ tự, thuận theo tâm của địa Phi tưởng phi phi tưởng không gián đoạn mà khởi lên, Thánh đạo cuối cùng đến Vô sở hữu xứ, cho nên tâm tiến vào Định chỉ là hữu lậu.

Hỏi: Tâm tiến vào Định Diệt tận là duyên với nơi nào, tâm rời khỏi Định Diệt tận là duyên với nơi nào?

Đáp: Tâm tiến vào Định thì duyên với Định, tâm rời khỏi Định cũng như vậy.

Hỏi: Nếu tâm tiến vào Định duyên với Định, tâm rời khỏi Định cũng như vậy, thì làm sao không thể là lúc tiến vào lập tức rời ra, lúc rời ra lập tức tiến vào?

Đáp: Lúc tiến vào Định thì tâm đợi chờ muốn tiến vào, lúc rời khỏi Định thì tâm đợi chờ muốn rời khỏi, bởi vì tâm đợi chờ cho nên không có rối loạn. Vả lại, tâm tiến vào Định thì duyên với Định thuộc vị lai, tâm rời khỏi Định thì duyên với Định thuộc quá khứ, bởi vì sở duyên cho nên cũng không có rối loạn.

Hỏi: Nếu tâm tiến vào Định thì duyên với Định thuộc vị lai, là duyên với bao nhiêu Định thuộc vị lai?

Đáp: Có người nói: Chỉ duyên với Định trong sát-na thứ nhất.

Có người nói: Cùng duyên với thuận theo nối tiếp nhau khởi lên.

Lời bình: Nên nói tâm tiến vào Định này duyên với Định thuộc vị lai, mà không thể nói là duyên với sát-na nào, không duyên với sát-na nào, bởi vì Định thuộc vị lai có nhiều sát-na, chưa có trước-sau cho nên trú xen tạp lẫn nhau.

Hỏi: Nếu tâm rời khỏi Định thì duyên với Định thuộc quá khứ, là duyên với bao nhiêu định thuộc quá khứ?

Đáp: Có người nói: Chỉ duyên với Định trong sát-na cuối cùng.

Có người nói: Cùng duyên với đã từng nối tiếp nhau khởi lên.

Lời bình: Nên nói tâm rời khỏi Định này duyên với Định thuộc quá khứ, mà không thể nói là duyên với sát-na nào, không duyên với sát-na nào, bởi vì Định thuộc quá khứ có nhiều sát-na cho nên trú xen tạp lẫn nhau.

Hỏi: Lúc tiến vào Định Diệt tận, diệt những tâm-tâm sở pháp nào, là quá khứ, là vị lai, hay là hiện tại? Nếu là quá khứ thì quá khứ đã diệt, còn gì mà diệt? Nếu là vị lai thì vị lai chưa đến, làm sao có thể diệt? Nếu là hiện tại thì hiện tại không dừng, lại diệt thế nào? Giả sử không phải là lực của Định thì cũng tự diệt mất.

Đáp: Nên đưa ra cách nói này: Diệt ở vị lai.

Hỏi: Vị lai chưa đến thì làm sao có thể diệt?

Đáp: Trú trong đời hiện tại, ngăn chặn tâm-tâm sở pháp ở vị lai, khiến cho không nối tiếp nhau, cho nên nói là Diệt. Như dựng cột-đóng cửa-chặn đường vào thành, không để cho mọi người ra vào, thì nói là trừ giặc; ở đây cũng như vậy.

Có người nói: Cùng diệt cả vị lai và hiện tại.

Hỏi: Hiện tại chắc chắn không dừng, lại diệt thế nào? Giả sử không phải là lực của Định thì cũng tự diệt mất.

Đáp: Tâm-tâm sở pháp của đời hiện tại trước đây, khiến cho pháp có duyên nối tiếp khởi lên mà diệt mất; tâm-tâm sở pháp của đời hiện tại bây giờ, không khiến cho pháp có duyên nối tiếp khởi lên mà diệt mất. Đây là do lực nào? Đó gọi là Định Diệt.

Hỏi: Lúc rời khỏi Định Diệt tận, những tâm-tâm sở pháp nào hiện rõ ở trước mắt?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Tâm-tâm sở pháp của đời vị lai dừng lại mà trước đây đã ngăn chặn, nay hiện rõ ở trước mắt.

Có Sư khác nói: Tâm-tâm sở pháp còn lại của đời vị lai nay hiện rõ ở trước mắt, trú vào pháp không sinh mà trước đây đã ngăn chặn, không có thể tiếp tục khởi lên.

Lời bình: Nên nói là tâm-tâm sở pháp của đời vị lai khởi lên, mà không thể nói là khởi lên những gì, không khởi lên những gì, bởi vì đời vị lai có nhiều sát-na, chưa có trước sau cho nên trú xen tạp lẫn nhau.

Hỏi: Định Diệt tận có đạt được ở quá khứ, tu ở vị lai chăng?

Đáp: Có người nói: Định này không có đạt được ở quá khứ và tu ở vị lai, như Thiên nhãn-Thiên nhĩ.

Nếu đưa ra cách nói này: Không có đạt được ở quá khứ và tu ở vị lai, thì điều ấy nói chắc chắn sát-na thứ nhất chỉ thành tựu Định thuộc hiện tại, những sát-na khác thành tựu quá khứ-hiện tại, rời khỏi Định này rồi chỉ thành tựu quá khứ.

Có người nói: Định này có đạt được ở quá khứ và tu ở vị lai, như Tha tâm trí-Túc trú tùy niệm trí…

Nếu đưa ra cách nói này: Có đạt được ở quá khứ và tu ở vị lai, thì điều ấy nói chắc chắn sát-na thứ nhất thành tựu Định thuộc vị lai-hiện tại, những sát-na khác thành tựu ba đời, rời khỏi Định này rồi thành tựu quá khứ-vị lai.

Nói như vậy thì phải như cách nói thứ nhất. Nếu nói là Định này có đạt được ở quá khứ và tu ở vị lai, thì lúc lui sụt Định này rồi sau lại khởi lên, phải nói là trở lại đạt được pháp mà trước đây đã đạt được, nhưng thật sự lúc Định này lui sụt rồi lại khởi lên, gọi là đạt được Định chưa từng đạt được. Như không phạm tội nặng mà trở về nhà, sau lại xuất gia gọi là đạt được giới chưa từng đạt được; điều ấy cũng như vậy.

Hỏi: Định Diệt tận này ở nơi nào khởi lên?

Đáp: Ở cõi Dục-Sắc chứ không phải là cõi Vô sắc. Nếu ban đầu khởi lên thì chỉ ở cõi Dục. Nếu ở đây khởi lên rồi lui sụt đối với Định này, mạng chung sinh ở trong cõi Sắc, thì do lực luyện tập thành thục lại có thể hiện khởi, nơi khác thì không có thể. Vì sao biết như vậy? Bởi vì như trong kinh nói: “Tôn giả Xá-lợi-tử nói với chúng Tỳ kheo rằng: Nếu Tỳ kheo nào đầy đủ Giới-Định-Tuệ, có thể thường xuyên vào-ra Định diệt Tưởng-Thọ, người ấy đối với pháp hiện tại và lúc sắp chết, nếu không thể nào hiểu được Thánh chỉ của Như Lai, mạng chung vượt qua cõi trời Đoàn Thực, sinh vào trong cõi trời Ý Thành Thân, ở đó lại có thể thường xuyên vào-ra Định diệt Tưởng-Thọ, thì điều này là có, cần phải biết như thật. Lúc ấy Tỳ kheo Ô-đà-di, ngồi ở trong hội ấy, nói với Tôn giả Xá-lợi-tử rằng: Tỳ kheo ấy sinh vào cõi trời Ý Thành Thân, có thể thường xuyên vào-ra Định diệt Tưởng-Thọ, điều này là không có. Lần thứ hai-thứ ba cũng nói như vậy.”

Hỏi: Vì sao Tỳ kheo Ô-đà-di nhiều lần nói ngược lại với Tôn giả Xá-lợi-tử?

Đáp: Vị ấy đã nghi ngờ không phải là không có xứ sở. Vị ấy dấy lên nghĩ rằng: Đạt được Định này thì chắc chắn đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, mạng chung phải sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ở nơi ấy chắc chắn không có lý nào khởi lên Định này. Vả lại, vị ấy không hiểu ý của Xá-lợi-tử, vì vậy nhiều lần nói ngược lại ngay trước mặt.

Hỏi: Xá-lợi-tử có ý gì, Tỳ kheo ấy vì sao không hiểu?

Đáp: Xá-lợi-tử nói người sinh ở cõi Sắc, Ô-đà-di nói người sinh ở cõi Vô sắc; Xá-lợi-tử nói người lui sụt, Ô-đà-di nói người không lui sụt. Vì vậy không hiểu ý cho nên ba lần nói ngược lại.

Hỏi: Vì sao Tôn giả không khai ngộ cho vị ấy, mà khiến cho nhiều lần nói ngược lại?

Đáp: Tôn giả nghĩ rằng: Ai có thể khai ngộ cho người ngu si chấp mình là đúng như vậy?

Có người nói: Tôn giả nghĩ là muốn khai ngộ, nhưng bởi vì nhiều lần nói ngược lại cho nên ý nghĩ ấy liền dừng lại. Như kinh Tiễn Dụ nói: “Có rất nhiều Tỳ kheo tăng thượng mạn, ở trước Đức Phật đều tự ca ngợi về mình: Đời sống của tôi đã hết… Lúc ấy Đức Phật muốn vì họ nói về pháp đoạn trừ Ngã mạn, nhưng bởi vì các Tỳ kheo tự ca ngợi về mình không ngớt, cho nên tâm ấy liền dừng lại.” Đức Thế Tôn đầy đủ Đại Bi duyên với tất cả, hãy còn dừng lại tâm nói pháp đối với người Ngã mạn, hướng là Tôn giả Xá-lợi-tử hay sao?

Có người nói: Tôn giả dấy lên ý nghĩ như vậy: “Sự việc đã luận bàn này chắc chắn nghe từ Đức Phật, Đức Phật sẽ vì điều này mà quở trách Ô-đà-di và A-nan-đà, sẽ làm cho lời khuyên nhủ này trải qua ngàn năm, khiến cho người không có trí không dám làm trái những điều mà người trí đã nói. Tôn giả lại nghĩ: Tỳ kheo như vậy ở trong Đại chúng nhiều lần nói ngược lại với mình rồi, không có người cùng chung phạm hạnh nào tùy hỷ với điều mình đã nói, nay phải đến nơi Đức Phật để quyết định rõ ràng sự việc này. Nghĩ rồi ngay lập tức đi đến nơi Đức Phật, đầu lạy sát hai chân Đức Phật xong lui về ngồi một phía, nói với chúng Tỳ kheo rằng: Nếu Tỳ kheo nào đầy đủ Giới-Định-Tuệ… Lúc ấy Ô-đà-di cũng ở trong hội ấy, lại đưa ra lời nói ngược lại như trước. Lúc bấy giờ Tôn giả dấy lên ý nghĩ như vậy: Tỳ kheo ấy cố tình ở trước đấng Đại Sư nói trái lại với điều mình nói, lại không có Tỳ kheo cùng chung phạm hạnh nào ca ngợi tán thưởng đối với mình, mình vào lúc này chỉ cần im lặng. Lúc ấy Xá-lợi-tử liền đứng im lặng. Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với Ô-đà-di rằng: Ông cho rằng như thế nào là cõi trời Ý Thành Thân, lẽ nào không phải là muốn nói đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ hay sao? Tỳ kheo ấy thưa rằng: Đúng như vậy. Đức Thế Tôn bảo rằng: Ông là người ngu, đui mù không có Tuệ nhãn, làm sao cùng với hàng Tỳ kheo Thượng tọa luận bàn về A-tỳ-đạt-ma rất sâu xa được? Đức Phật vào lúc bấy giờ quở trách ngay trước mặt Ô-đà-di rồi, lại quở trách Tỳ kheo A-nan-đà rằng: Ông thấy người ngu xúc phạm làm phiền hàng Thượng tọa, vì sao bỏ qua mà không hề chỉ trích ngăn chặn? Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quở trách như vậy rồi, liền đi vào tịnh thất mà an trú vắng lặng.

Hỏi: Bởi vì Ô-đà-di có lỗi cho nên Đức Thế Tôn quở trách, Tỳ kheo A-nan-đà có lỗi gì mà bị quở trách?

Đáp: Ô-đà-di là đệ tử cùng ở chung với A-nan-đà, cho nên Đức Phật quở trách vì không khéo dạy dỗ.

Lại nữa, Ô-đà-di là đồ chúng thuộc về A-nan-đà, cho nên Đức Phật quở trách vị ấy về sự chỉ bày không đúng như pháp.

Lại nữa, Tôn giả A-nan-đà là đồ chúng thuộc về Đức Phật, cho nên Đức Phật quở trách rằng: Sao ông không biết người nào nói đúng như pháp, người nào nói không đúng như pháp?

Lại nữa, những Đối Pháp(A-tỳ-đạt-ma) đã nói rất sâu xa, không phải là sự nhận biết của nhiều người, chỉ trừ ra Đức Phật và Xá-lợi-tử, A-nan cũng dùng lực Đa văn mà nhận biết, cho nên Đức Phật quở trách rằng: Ông nhận biết nghĩa này sao không ca ngợi tán thưởng điều mà hàng Thượng tọa đã nói để thâu nhiếp tiếp nhận bạn bè học pháp?

Bởi vì những duyên này, cho nên Đức Phật quở trách.

Bởi vì nghĩa này cho nên biết Định Diệt tận ban đầu khởi lên ở cõi Dục, lui sụt sinh ở cõi Sắc lại có thể hiện rõ trước mắt, nơi khác thì không có thể khởi lên được.

Hỏi: Vì sao sinh trong cõi Sắc, có thể ban đầu khởi lên là Tĩnh lự và Vô sắc mà không phải là Định Diệt tận?

Đáp: Tĩnh lự do ba duyên cho nên ban đầu khởi lên:

  1. Do lực của nhân.
  2. Do lực của nghiệp.
  3. Do lực của pháp vốn như vậy.

Do lực của nhân, nghĩa là bởi vì ở đời khác đã từng tiếp cận khởi lên Diệt thuộc Tĩnh lự này. Do lực của nghiệp, nghĩa là bởi vì địa ấy thuận theo nghiệp quyết định nhận lấy, đã tạo tác-tăng trưởng sắp mang lại quả. Do lực của pháp vốn như vậy, nghĩa là bởi vì lúc thế giới hủy hoại thì hữu tình ở địa dưới nhất định phải sinh lên địa trên.

Vô sắc do hai duyên cho nên ban đầu khởi lên:

1. Do lực của nhân; 2. Do lực của nghiệp.

Do lực của nhân, nghĩa là bởi vì trong đời khác đã từng tiếp cận khởi lên Diệt thuộc Vô sắc này. Do lực của nghiệp, nghĩa là bởi vì địa ấy thuận theo nghiệp quyết định nhận lấy, đã tạo tác-tăng trưởng sắp mang lại quả. Không do lực của pháp vốn như vậy, bởi vì Tĩnh lự thứ tư trở lên không có tai họa do thế giới hủy hoại.

Định Diệt tận do một duyên cho nên ban đầu khởi lên, đó là do lực của thuyết giảng, bởi vì chỉ trong cõi Dục có Đức Phật thuyết giảng, cho nên có thể khởi lên hiện rõ trước mắt. Không do lực của nhân, bởi vì trong đời khác chưa từng khởi lên Diệt của Định Diệt tận này. Không do lực của nghiệp, bởi vì tánh của Định này không phải là thuộc về nghiệp. Không do lực của pháp vốn như vậy, bởi vì trong Vô sắc không có tai họa do thế giới hủy hoại.

Hỏi: Vì sao sinh ở cõi Dục-Sắc có thể khởi lên Định Diệt tận, chứ không phải là cõi Vô sắc?

Đáp: Mạng căn dựa vào hai pháp mà chuyển:

  1. Sắc.
  2. Tâm.

Định này không có đoạn tâm và khởi tâm, cho nên sinh ở cõi DụcSắc lúc khởi lên Định này, tâm tuy đoạn nhưng Mạng căn dựa vào sắc mà chuyển; sinh ở cõi Vô sắc, sắc tuy đoạn nhưng Mạng căn dựa vào tâm mà chuyển. Nếu sinh ở cõi Vô sắc khởi lên Định này, sắc-tâm đều không có, Mạng căn không có nơi nương tựa cho nên sẽ đoạn, thì phải gọi là chết chứ không phải là tiến vào Định. Vì vậy cho nên sinh ở cõi Vô sắc không khởi lên.

Hỏi: Lui sụt Định này rồi mạng chung có sinh ở ba Vô sắc dưới hay không?

Đáp: Có người nói: Không sinh. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì lui sụt Định này rồi có thể sinh ở hai nơi:

  1. Nơi có thể khởi lên Định này.
  2. Nơi nhận lấy dị thục của Định này.

Cõi Sắc tuy không phải là nơi nhận lấy dị thục của Định này, mà chính là nơi có thể khởi lên Định này; Phi tưởng phi phi tưởng xứ tuy không phải là nơi có thể khởi lên Định này, mà là nơi nhận lấy dị thục của Định này. Bởi vì ba Vô sắc dưới cả hai sự việc đều không có, cho nên lui sụt Định này thì không có thể sinh ở nơi ấy.

Có người nói: Cũng sinh, nhưng sinh ở nơi ấy không gọi là Thân chứng và Câu giải thoát. Nếu đưa ra cách nói này thì dễ dàng hiểu được cách nói trong Tỳ-mộc-sai-la, như nói: “Thân chứng đối với Tịnh thì bốn Định Vô sắc, hoặc là thành tựu một, hoặc là thành tựu bốn. Thế nào là một? Đó là sinh ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Thế nào là bốn? Đó là sinh ở cõi Dục-Sắc. Như Thân chứng, Câu giải thoát cũng như vậy. Ba Vô sắc dưới, chắc chắn không thành tựu Định Diệt tận, cho nên không có được hai tên gọi.”

Lời bình: Nên biết trong này thì cách nói thứ nhất là hợp lý.

Hỏi: Trú trong Định Diệt tận có thể trải qua thời gian bao lâu?

Đáp: Đại chủng các căn của hữu tình cõi Dục nhờ vào Đoàn thực mà tồn tại, nếu ở lâu trong Định thì lúc ở trong Định tuy thân không có tổn hại, nhưng lúc rời khỏi Định thì thân sẽ hủy hoại phân tán, cho nên trú trong Định này chỉ thích hợp với thời gian ngắn, lâu nhất không có thể vượt quá bảy ngày đêm, bởi vì Đoàn thực không còn. Vì sao biết như vậy? Bởi vì từng nghe ở trong một Già-lam Tăng, có một Tỳ kheo đạt được Định Diệt tận, giờ ăn sắp đến, khoác y bưng bát đi đến trong nhà ăn. Hôm ấy đánh kiền-chùy hơi muộn, Tỳ kheo ấy bởi vì thường xuyên chịu khó, cho nên dấy lên ý nghĩ này: Sao mình để cho thời gian trôi qua vô ích, lúc này không tu pháp thiện thì không nhìn thấy đời sau. Ngay lúc ấy lập thệ nguyện tiến vào Định Diệt tận, cho đến lúc đánh kiền-chùy sẽ rời khỏi Định. Lúc ấy Già-lam Tăng có sự việc khó khăn xảy ra, các Tỳ kheo đều phân tán đi đến nơi khác. Trải qua ba tháng sự việc khó khăn mới giải quyết được, Tỳ kheo trở về tụ hội trong Giàlam Tăng, vừa mới đánh kiền-chùy, thì Tỳ kheo ấy từ trong Định mà ra ngoài liền mạng chung.

Lại có Tỳ kheo đạt được Định Diệt tận, mà thường đi khất thực, vào buổi sáng khoác y bưng bát sắp đi đến thôn làng, gặp lúc trời mưa to sợ rằng làm hỏng màu sắc của chiếc y, cho nên dừng lại một lúc, liền dấy lên ý nghĩ này: Sao mình để cho thời gian trôi qua vô ích, lúc này không tu pháp thiện thì không nhìn thấy đời sau. Ngay lúc ấy lập thệ nguyện tiến vào Định Diệt tận, cho đến lúc mưa tạnh sẽ rời khỏi Định. Có người nói: Lúc bấy giờ trời mưa trải qua nửa tháng. Có người nói:

Một tháng trôi qua trời mới tạnh mưa. Tỳ kheo ấy từ trong Định mà ra ngoài liền mạng chung.

Vì vậy cho nên biết sinh ở cõi Dục, nếu ở lâu trong Định thì lúc ở trong Định tuy thân không có tổn hại, nhưng lúc rời khỏi Định thì thân sẽ hủy hoại phân tán, cho nên trú trong Định này chỉ thích hợp với thời gian ngắn, lâu nhất không có thể vượt quá bảy ngày đêm.

Đại chủng các căn của hữu tình cõi Sắc không nhờ vào Đoàn thực mà duy trì, cho nên trú trong Định này hoặc trải qua nửa kiếp, hoặc trải qua một kiếp, hoặc là hơn số lượng này.

Hỏi: Nếu có Tỳ kheo không lập thệ nguyện tiến vào Định Diệt tận, thì làm sao sẽ rời khỏi Định?

Đáp: Pháp vốn như vậy tùy theo mà rời khỏi Định, như Định có tâm. Vả lại, Tỳ kheo ấy hoặc là cần phải ăn uống, hoặc là cần phải vệ sinh, bởi vì ở trong Định ấy tuy không bị tổn hại, nhưng rời khỏi Định thì dẫn đến tai họa. Bởi vì những nhân duyên này, cho nên chắc chắn phải rời khỏi Định.

Hỏi: Dị sinh có thể tiến vào Định Diệt tận hay không?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: “Không có thể tiến vào, bởi vì trong kinh nói là Định của Thánh giả. Nếu dị sinh có thể tiến vào thì cũng phải gọi là Định của dị sinh.”

Có người nói: Dị sinh chắc chắn vui thích địa trên mà lìa nhiễm của địa dưới, như loài sâu đo thích bò lên cao; bởi vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có địa trên để có thể vui thích, cho nên các dị sinh không có thể lìa nhiễm của địa ấy. Nếu không lìa nhiễm do kiến mà đoạn của địa ấy, thì chắc chắn không có ai có thể tiến vào Định Diệt tận, cho nên các dị sinh không có thể tiến vào Định này.

Có người nói: Dị sinh tiến vào Định như vậy như vậy, thì thân tâm yên ổn vắng lặng như vậy như vậy, do yên ổn vắng lặng cho nên gia hạnh từ từ kéo dài, vì vậy không có thể tiến vào Định Diệt tận.

Đại đức nói rằng: “Dị sinh không có thể tiến vào Định Diệt tận, bởi vì các dị sinh tiến vào Định như vậy như vậy, thì Ngã kiến bền chặc như vậy như vậy, sợ diệt mất giới hạn mà khởi lên Tưởng về hố sâu, vì vậy không có thể tiến vào Định Diệt tận.

Hỏi: Bồ-tát có tiến vào Định Diệt tận hay không?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: “Không có thể tiến vào, bởi vì trong kinh nói là Định của Thánh giả. Nếu Bồ-tát có thể tiến vào thì cũng phải gọi là Định của dị sinh.”

Có người nói: Bồ-tát chắc chắn vui thích địa trên mà lìa nhiễm của địa dưới, như loài sâu đo thích bò lên cao… Nói rộng ra như trước.

Có người nói: Bồ-tát có thể tiến vào Định này, bởi vì các Bồ-tát cầu mong Nhất Thiết Trí, đều tìm cầu ở tất cả mọi nơi. Nếu như sợ hãi không có thể tiến vào Định này thì sao gọi là tìm cầu khắp tất cả mọi nơi?

Đại đức nói rằng: “Bồ-tát không có thể tiến vào Định Diệt tận, bởi vì các Bồ-tát tuy đè bẹp Ngã kiến, không sợ diệt mất giới hạn, không khởi lên Tưởng về hố sâu, mà muốn tu nhiều về Bát-nhã, cho nên tâm không thích tiến vào đối với Định Diệt tận. Bởi vì không làm cho Bátnhã có đoạn dứt-có ngăn cách, cho nên tuy có năng lực mà không lập tức tiến vào. Đây là nói về Bồ-tát chưa tiến vào phần vị Thánh giả.”

Hỏi: Đã biết Bồ-tát trong Chúng đồng phần trước chưa từng khởi lên Định Diệt tận, trong Chúng đồng phần sau thì trước tiên là khởi lên Định Diệt tận, sau mới chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề; hay là trước tiên chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, sau mới khởi lên Định Diệt tận? Nếu trước tiên khởi lên Định Diệt tận, thì tại sao gọi là không khởi lên ý thích? Tại sao không phải là khởi lên tâm không Đồng phần? Tại sao gọi là sát-na thuộc ba mươi bốn tâm đạt được Nhất Thiết Trí? Nếu trước tiên chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì tại sao Bồ-tát gọi là người Học đầy đủ? Tại sao lúc đạt được Tận trí thì gọi là khéo hoàn thành những việc làm? Tại sao Tận trí khởi lên rồi gọi là Câu giải thoát?

Đáp: Các Sư nước ngoài đưa ra cách nói như vậy: “Tất cả Bồ-tát trước tiên khởi lên Định Diệt tận, sau mới chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”

Hỏi: Tại sao gọi là không khởi lên ý thích?

Đáp: Đó là nói đến tất cả Bồ-tát trước tiên lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, khởi lên ý thích quyết định như vậy: Mình sẽ không rời khỏi chỗ ngồi, dựa vào Tĩnh lự thứ tư tiến vào Chánh tánh ly sinh, đạt được quả Bất hoàn khởi lên Định Diệt tận, chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Như đã tư duy, sau đó đều chứng được. Vì vậy cho nên nói là không khởi lên ý thích.

Hỏi: Tại sao không phải là khởi lên tâm không Đồng phần?

Đáp: Họ nói ai nói rằng Bồ-tát không khởi lên tâm không Đồng phần? Nhưng Bồ-tát có tâm không Đồng phần, giả sử có nói lời này thì cũng không trái với lý, bởi vì không trái với ý thích ban đầu đã lập ra.

Hỏi: Tại sao nói là sát-na thuộc ba mươi bốn tâm đạt được Nhất Thiết Trí?

Đáp: Họ nói đây là dựa vào tâm vô lậu mà nói, không luận về tâm vào-ra Định Diệt tận.

Sư Tỳ-bà-sa của nước Ca-thấp-di-la nói: “Tất cả Bồ-tát trước tiên chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, sau mới khởi lên Định Diệt tận.” Hỏi: Tại sao Bồ-tát gọi là người Học đầy đủ?

Đáp: Đây là dựa vào căn đầy đủ-quả đầy đủ mà nói, không nói đến Định đầy đủ, thì có gì sai?

Hỏi: Tại sao lúc đạt được Tận trí thì gọi là khéo hoàn thành những việc làm?

Đáp: Giải thoát chướng ngại.

Có người nói: Bởi vì địa dưới không có trí làm Thể.

Có người nói: Đối với Định không được tự tại làm Thể.

Có người nói: Các Định không đạt được làm Thể.

Nếu nói bởi vì địa dưới không có trí làm Thể, thì lúc Đức Thế Tôn đạt được Tận trí đã đoạn tất cả không có trí, đã sinh ra trí đối trị với không có trí. Vì vậy cho nên gọi là đoạn trừ trở ngại đến giải thoát.

Nếu nói đối với Định không được tự tại làm Thể, thì đó là nói lúc Đức Thế Tôn đạt được Tận trí đối với tất cả Tĩnh lự-Giải thoát-Đẳng trì-Đẳng chí, hoặc là tiến vào-hoặc là rời ra đều được tự tại. Vì vậy cho nên gọi là đoạn trừ trở ngại đến giải thoát.

Nếu nói các Định không đạt được làm Thể, thì đó là nói lúc Đức Thế Tôn đạt được Tận trí, đã đạt được tất cả Tĩnh lự-Giải thoát-Đẳng trì-Đẳng chí. Vì vậy cho nên gọi là đoạn trừ trở ngại đến giải thoát. Vì vậy cho nên có thể nói là khéo hoàn thành những việc làm.

Hỏi: Tại sao Tận trí khởi lên rồi gọi là Câu giải thoát?

Đáp: Bởi vì đã đạt được tâm tiến vào-rời ra Định ấy, cho nên gọi là Câu giải thoát, chứ không phải là đạt được Thể của Định. Bởi vì lý này cho nên gọi là lìa nhiễm đạt được, về sau không nhờ vào gia hạnh mà khởi lên. Vì vậy Bồ-tát trong sát-na thuộc ba mươi bốn tâm chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Hỏi: Tại sao gọi là sát-na thuộc ba mươi bốn tâm?

Đáp: Nghĩa là Bồ-tát trước đó lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, sau đó dựa vào Tĩnh lự thứ tư tiến vào Chánh tánh ly sinh. Ở trong Kiến đạo có sát-na thuộc mười lăm tâm, lúc Đạo loại trí là thứ mười sáu, ngay lúc này gọi là đoạn gia hạnh của Hữu Đảnh. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lại có chín đạo vô gián-chín đạo giải thoát, thì gọi là sátna thuộc ba mươi bốn tâm. Bồ-tát dựa vào ba mươi bốn tâm này chứng được Vô thượng Giác.

Như trong kinh nói: “Ô-ba-sách-ca Tỳ-xá-khư, đi đến chỗ Tỳ kheo ni Đạt-ma-trần-na, hỏi rằng: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo với ý niệm nào nên nói là tiến vào Định Diệt tận? Tỳ kheo Ni nói với Tỳ-xá-khư rằng: Các vị Tỳ kheo lúc tiến vào Định Diệt tận, hoàn toàn không nghĩ rằng mình đang tiến vào Định Diệt tận, hoặc là sẽ tiến vào. Nhưng bởi vì lúc trước đây điều hòa luyện tâm, cho nên tâm chuyển đổi vi tế tùy thuận mà tiến vào.”

Hỏi: Lúc sắp tiến vào Định Diệt tận, trước tiên trải giường dây (thằng sàng), tiếp đến rửa chân rồi ngồi kiết già, thẳng thân giữ niệm, sau đó thì tiến vào Định, ở trong khoảng thời gian này lẽ nào không dấy lên nghĩ là mình đang tiến vào Định Diệt tận, hoặc là sẽ tiến vào hay sao?

Đáp: Trong gia hạnh xa tuy có ý niệm này, mà bắt đầu từ tâm thiện của cõi Dục không gián đoạn tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, cho đến từ từ tiến vào Định Diệt tận, ở trong phần vị gia hạnh sát bên cạnh này, chắc chắn không nghĩ rằng mình đang tiến vào Định Diệt tận, hoặc là sẽ tiến vào.

“Lại hỏi: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo với ý niệm nào nên nói là rời khỏi Định Diệt tận? Tỳ kheo Ni nói với Tỳ-xá-khư rằng: Các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, hoàn toàn không nghĩ rằng mình đang rời khỏi Định Diệt tận, hoặc là sẽ rời khỏi. Nhưng sáu Xứ của thân mạng ấy làm duyên, và vốn có hạn kỳ rời khỏi Định Diệt tận, hoặc là do đói khát-đại tiểu tiện làm cho phiền muộn. Ở trong Định tuy không bị tổn hại mà rời khỏi Định thì xảy ra tai họa, bởi vì lúc ấy pháp vốn như vậy, cho nên rời khỏi Định Diệt tận.

Lại hỏi: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo lúc tiến vào Định Diệt tận, trước hết là diệt pháp nào, là hành của thân, là hành của ngữ, hay là hành của ý? Tỳ kheo Ni nói: Các vị Tỳ kheo lúc tiến vào Định Diệt tận, trước hết là diệt hành của ngữ, tiếp theo là hành của thân, sau cùng là hành của ý.”

Hỏi: Lúc tiến vào Định Diệt tận, diệt hành của ý thì có thể như vậy, hành của thân-ngữ thì thế nào? Nghĩa là lúc từ Tĩnh lự thứ nhất tiến vào Tĩnh lự thứ hai thì hành của ngữ đã diệt, lúc từ Tĩnh lự thứ ba tiến vào Tĩnh lự thứ tư thì hành của thân đã diệt, làm sao lại nói là lúc tiến vào Định Diệt tận thì diệt hành của thân-ngữ?

Đáp: Lúc tiến vào Định Diệt tận có xa-có gần, xa thì diệt hành của thân-ngữ, gần thì diệt hành của ý. Vả lại, từ lúc tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, cho đến lúc tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều gọi là tiến vào Định Diệt tận, là tiến vào Định Diệt tận mà khởi lên, các địa này hiện rõ ở trước mắt, vì thế cho nên không có lỗi.

“Lại hỏi: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, trước hết là khởi lên pháp nào, là hành của thân, là hành của ngữ, hay là hành của ý? Tỳ kheo Ni nói: Các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, trước hết là khởi lên hành của ý, tiếp theo là hành của thân, sau cùng là hành của ngữ.”

Hỏi: Lúc rời khỏi Định Diệt tận, khởi lên hành của ý thì có thể như vậy, hành của thân-ngữ thì thế nào?

Nghĩa là lúc từ Tĩnh lự thứ tư tiến vào Tĩnh lự thứ ba thì hành của thân mới khởi lên, lúc từ Tĩnh lự thứ hai tiến vào Tĩnh lự thứ nhất thì hành của ngữ mới khởi lên, làm sao có thể nói là lúc rời khỏi Định Diệt tận thì khởi lên hành của thân-ngữ?

Đáp: Lúc rời khỏi Định Diệt tận có gần-có xa, gần thì khởi lên hành của ý, xa thì khởi lên hành của thân-ngữ. Vả lại, từ lúc Định Diệt tận khởi lên, cho đến lúc tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, đều gọi là rời khỏi Định Diệt tận, vì thế cho nên không có lỗi.

“Lại hỏi: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, tâm ấy tùy thuận với nơi nào, chuyển đến gần nơi nào, sắp tiến vào nơi nào? Tỳ kheo Ni nói: Các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần rời bỏ, sắp tiến vào rời bỏ.” Hỏi: Trong này nói đến pháp nào gọi là lìa bỏ?

Đáp: Có người nói: Định Diệt tận gọi là lìa bỏ. Nếu đưa ra cách nói này: Định Diệt tận gọi là lìa bỏ, thì điều ấy nói là nếu tâm thế tục rời khỏi thì bởi vì hai duyên cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ, đó là bởi vì ý thích và bởi vì sở duyên. Nếu tâm vô lậu rời khỏi tương ưng với Khổ-Tập trí, thì bởi vì một duyên cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ, đó là bởi vì sở duyên, không phải là bởi vì ý thích; nếu tương ưng với Diệt-Đạo trí thì tâm ấy không phải là bởi vì ý thích, không phải là bởi vì sở duyên, mà tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào rời bỏ.

Có người nói: Niết-bàn gọi là lìa bỏ. Nếu đưa ra cách nói này: Niết-bàn gọi là lìa bỏ, thì điều ấy nói là nếu tâm thế tục rời khỏi thì tâm ấy không phải là bởi vì ý thích, không phải là bởi vì sở duyên, mà tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ. Nếu tâm vô lậu rời khỏi tương ưng với Khổ-Tập-Đạo trí, thì bởi vì một duyên cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào rời bỏ, đó là bởi vì ý thích, không phải là bởi vì sở duyên; nếu tương ưng với Diệt trí, thì bởi vì hai duyên cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ, đó là bởi vì ý thích và bởi vì sở duyên.

Có người nói: Định Diệt tận và Niết-bàn gọi là lìa bỏ. Nếu đưa ra cách nói này: Định Diệt tận và Niết-bàn gọi là lìa bỏ, thì điều ấy nói là nếu tâm thế tục rời khỏi và tâm vô lậu rời khỏi, tương ưng với Khổ-TậpDiệt trí, thì nói tóm lại là bởi vì hai duyên cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ, đó là bởi vì ý thích và bởi vì sở duyên; nếu tương ưng với Đạo trí thì bởi vì một duyên, cho nên tâm ấy tùy thuận với lìa bỏ, chuyển đến gần lìa bỏ, sắp tiến vào lìa bỏ, đó là bởi vì ý thích, không phải là bởi vì sở duyên.

“Lại hỏi: Thưa Thánh giả, các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, là tiếp xúc với mấy loại Xúc? Tỳ kheo Ni nói với Tỳ-xá-khư rằng: Xúc có ba loại Xúc, một là Xúc bất động, hai là Xúc không vốn có gì, ba là Xúc không có tướng.”

Hỏi: Ba Xúc như vậy có gì sai biệt?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Không vô biên xứ-Thức vô biên xứ là Xúc bất động, Vô sở hữu xứ là Xúc không vốn có gì, Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Xúc không có tướng.”

Có người nói: Không là Xúc bất động, Vô nguyện là Xúc không vốn có gì, Vô tướng là Xúc không có tướng.

Có người nói: Vô lậu-Vô sở hữu xứ và duyên với Niết-bàn đầy đủ gọi là ba Xúc, nghĩa là bởi vì vô lậu cho nên gọi là Xúc bất động, bởi vì Vô sở hữu xứ thâu nhiếp cho nên gọi là Xúc không vốn có gì, bởi vì duyên với Niết-bàn cho nên gọi là Xúc không có tướng.

Đại đức nói rằng: “Các vị Tỳ kheo lúc rời khỏi Định Diệt tận, nếu khởi tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ chứ không khởi tâm nào khác, thì tâm không Đồng phần nên nói là Xúc thuộc về Xúc không có tướng. Nếu khởi tâm không Đồng phần của Vô sở hữu xứ, thì nên nói là Xúc thuộc về Xúc không vốn có gì. Nếu khởi tâm không Đồng phần của Thức vô biên xứ, thì nên nói là Xúc thuộc về Xúc bất động.”

Bởi vì nghĩa lý này, cho nên biết năm Định có Tưởng khác cũng như vậy, đó là Không vô biên xứ và bốn Tĩnh lự, do thứ tự này có tiến vào Định Diệt tận hay không, thì do thứ tự này mà rời khỏi; do thứ tự này có rời khỏi Định Diệt tận hay không, thì do thứ tự này mà tiến vào. Như do thứ tự này mà ngủ hay không, thì do thứ tự này mà thức; do thứ tự này mà thức hay không, thì do thứ tự này mà ngủ. Điều ấy cũng như vậy.

Như nói: Bởi vì có thể trú trong Định Diệt tận này, cho nên không nhận chịu quả Khổ của sinh-lão-tử ở vị lai, không khởi lên Tập nhân của Khổ quả.

Hỏi: Định Diệt tận không có thể đoạn các phiền não, vì sao có thể có cách nói như vậy?

Đáp: Cần phải quán xét ý nghĩa đã nói trong này, nghĩa là những người Hữu học rời khỏi Định Diệt tận rồi dấy lên tư duy này: Tâm-tâm sở pháp trong Định Diệt tận này, tạm thời diệt mất-tạm thời dừng lại, không hiện hành trong chốc lát, mà còn có sự vắng lặng vi diệu như vậy, huống là Niết-bàn, các hành hữu vi đã vĩnh viễn diệt mất-vĩnh viễn dừng lại, hoàn toàn không hiện hành hay sao? Vì vậy trước tiên là đoạn trừ phiền não, diệt hết Uẩn nối tiếp nhau, tiến vào cảnh giới Niết-bàn Vô dư y. Nếu những người Vô học rời khỏi Định Diệt tận rồi thì dấy lên tư duy này, nói rộng ra cho đến vì vậy trước tiên là diệt hết Uẩn nối tiếp nhau, tiến vào cảnh giới Niết-bàn Vô dư y. Dựa vào ý sâu kín này cho nên đưa ra cách nói này, chứ không phải là nói Định Diệt tận có thể đoạn trừ phiền não.

Luận Thi Thiết nói:“Có người dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn rời khỏi; có người dấy lên ý muốn rời khỏi Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn tiến vào; có người dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, cũng dấy lên ý muốn rời khỏi; có người không dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn rời khỏi.”

Trong này, dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn rời khỏi, đó là như có một người dấy lên ý muốn này: Mình sẽ tiến vào Định Diệt tận. Không dấy lên ý muốn này: Mình sẽ rời khỏi Định Diệt tận. Bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt, người ấy tiến vào Định Diệt tận, từ Định Diệt tận rời khỏi, bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt.

Dấy lên ý muốn rời khỏi Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn tiến vào, đó là như có một người không dấy lên ý muốn này: Mình sẽ tiến vào Định Diệt tận. Mà dấy lên ý muốn này: Mình sẽ rời khỏi Định Diệt tận. Bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt, người ấy tiến vào Định Diệt tận, từ Định Diệt tận rời khỏi, bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt.

Dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, cũng dấy lên ý muốn rời khỏi, đó là như có một người dấy lên ý muốn này: Mình sẽ tiến vào Định Diệt tận. Cũng dấy lên ý muốn: Mình sẽ rời khỏi Định Diệt tận.

Bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt, người ấy tiến vào Định Diệt tận, từ Định Diệt tận rời khỏi, bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt.

Không dấy lên ý muốn tiến vào Định Diệt tận, không dấy lên ý muốn rời khỏi, đó là như có một người không dấy lên ý muốn này: Mình sẽ tiến vào Định Diệt tận. Cũng không dấy lên ý muốn: Mình sẽ rời khỏi Định Diệt tận. Bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt, người ấy tiến vào Định Diệt tận, từ Định Diệt tận rời khỏi, bốn Định có Tưởng tùy theo một loại hiện rõ trước mắt.

Hỏi: Dấy lên ý muốn tiến vào-rời ra, và chỉ dấy lên ý muốn tiến vào, thì sự việc này có thể như vậy, bởi vì tiến vào Định thì chắc chắn sẽ rời ra; không dấy lên ý muốn tiến vào-rời ra, và chỉ dấy lên ý muốn rời ra, thì làm sao có thể như vậy, bởi vì không phải là không muốn tiến vào mà tiến vào Định?

Đáp: Trong này tất cả đều muốn tiến vào Định, đều muốn rời khỏi Định, nhưng dựa vào tâm tiến vào-rời khỏi Định có tự tại-không tự tại, cho nên đưa ra cách nói này. Nghĩa là có người đối với tâm tiến vào Định được tự tại chứ không phải là tâm rời khỏi Định, người ấy dấy lên ý muốn rời khỏi Định chứ không dấy lên ý muốn tiến vào. Có người đối với tâm rời khỏi Định được tự tại chứ không phải là tâm tiến vào Định, người ấy dấy lên ý muốn tiến vào Định chứ không dấy lên ý muốn rời khỏi. Có người đối với tâm tiến vào-rời khỏi Định đều được tự tại, người ấy không dấy lên ý muốn tiến vào Định, cũng không dấy lên ý muốn rời khỏi Định. Có người đối với tâm tiến vào-rời khỏi Định đều không tự tại, người ấy dấy lên ý muốn tiến vào Định, cũng dấy lên ý muốn rời khỏi.

Hỏi: Bốn Định có Tưởng là gì?

Đáp: Bốn Định Vô sắc.

Hỏi: Vì sao lúc rời khỏi Định Diệt tận chỉ nói khởi lên bốn Định Vô sắc?

Đáp: Bởi vì bốn Định Vô sắc đối với lúc rời khỏi Định Diệt tận, có thể làm ngược lại thứ tự rời khỏi-ngược lại vượt lên trước để rời khỏi. Nghĩa là nếu dùng tâm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ để rời khỏi Định Diệt tận, lúc ấy nếu lập tức khởi tâm của Vô sở hữu xứ thì ngược lại thứ tự rời khỏi, nếu lập tức khởi tâm của Thức vô biên xứ thì ngược lại vượt lên trước để rời khỏi. Nếu dùng tâm của Vô sở hữu xứ để rời khỏi Định Diệt tận, lúc ấy nếu lập tức khởi tâm của Thức vô biên xứ thì ngược lại thứ tự rời khỏi, nếu lập tức khởi tâm của Không vô biên xứ thì ngược lại vượt lên trước để rời khỏi. Vì thế cho nên chỉ nói đến bốn Định Vô sắc.

*******

 

Trong kinh nói: “Trú trong Định Diệt tận thì không bị lửa đốt cháy, không bị nước cuốn trôi, không bị trúng độc, không bị dao làm hại, không bị người khác giết chết.”

Hỏi: Vì sao trú trong Định Diệt tận thì có lợi ích thù thắng như vậy?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Bởi vì Định Diệt tận này là pháp không hại, cho nên trú trong Định này không phải là do hại mà làm hại được.”

Có người nói: Định này có uy đức to lớn, các uy đức được Thiên thần bảo vệ, cho nên không có thể làm hại.

Có người nói: Đạt được Tĩnh lự là cảnh giới của Tĩnh lự, có đủ thần thông là cảnh giới của thần thông, đều là không thể nghĩ bàn được, cho nên không có thể làm hại.

Có người nói: Định này không có tâm, không phải là không có tâm thì có sinh-có tử, cho nên không có thể làm hại.

Kinh Đẳng Hoạt là duyên khởi của phần luận này.“Xưa có Đức Phật danh hiệu là Yết-lạc-câu-thôn-đà, có hai người đệ tử bậc nhất, một người tên gọi Cực Viễn, một người tên gọi Đẳng Hoạt. Tôn giả Đẳng Hoạt đã từng nhiều lần giáo hóa mọi người ở trong một khu thành, được mọi người biết đến. Sau đó tiến vào Định Diệt tận ở bên cạnh khu thành, nơi nhiều người đi lại. Lúc ấy có những người đi thả trâu bò-hái củi thấy rồi đều nói: Nay Tôn giả này ngồi ngay thẳng mà diệt độ quả thật là kỳ lạ thay, chúng ta nên đốt cháy thi hài để cúng dường! Thế là lấy các loại phân trâu và củi khô, chất quanh thân vị ấy mà đốt cháy rồi đi xa. Sáng sớm Tôn giả từ trong Định mà đứng dậy, nhanh chóng sửa lại áo quần, như thường lệ mỗi buổi sáng ôm bình bát đi vào thành, đi chậm rãi qua từng nhà khất thực. Lúc ấy những người đốt cháy thi hài thấy rồi kinh ngạc nói rằng: Hôm qua chúng ta đốt cháy thi hài của vị ấy, mà bây giờ lại đi khất thực! Mọi người trong thành đều cùng nhau nói to rằng: Nay Sa-môn này chết mà sống lại. Vì vậy cho nên gọi là Tôn giả Đẳng Hoạt.” Nên biết thân không cháy là do lực của Định Diệt tận, áo quần không cháy là do lực của thần thông.

Có người nói: Thân và áo quần đều không cháy, đều là do lực của Định Diệt tận. Vì thế cho nên kinh ấy là duyên khởi của phần luận này.

Trong Truyền Dụ nói: “Nếu có người nào cúng dường cho người từ trong Định Diệt tận ra ngoài, thì người ấy chắc chắn thành tựu nghiệp thuận theo pháp hiện tại nhận quả.”

Hỏi: Vì sao cúng dường cho người từ trong Định Diệt tận ra ngoài, thì chắc chắn thành tựu nghiệp thuận theo pháp hiện tại nhận quả?

Đáp: Điều này không nhất định phải thông hiểu. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì điều này không phải là giáo nghĩa trong Tố-đát-lãm, Tỳnại-da và A-tỳ-đạt-ma đã nói, chỉ là tỉ dụ truyền miệng mà nói ra. Các tỉ dụ truyền miệng nói ra có lúc đúng-có lúc không đúng, nếu nhất định phải thông hiểu, thì nên biết sự cúng dường này hoặc là đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn. Điều ấy thuận theo ý thích của thế gian, cho nên chỉ nói đến quả hiện tại.

Hỏi: Vì sao cúng dường cho người từ trong Định Diệt tận ra ngoài, hoặc là đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn?

Đáp: Bởi vì nếu có người nào cúng dường cho người từ trong Định này ra ngoài, thì chính là cúng dường cho người từ trong tất cả Tĩnh lự-Giải thoát-Đẳng trì-Đẳng chí ra ngoài. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì những người muốn tiến vào-rời khỏi Đẳng chí Diệt tận, chắc chắn trước tiên khởi lên tâm thiện của cõi Dục, tiếp đến tiến vào Tĩnh lự thứ nhất, như vậy cho đến tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, từ đây không gián đoạn tiến vào Định Diệt tận. Từ trong Định này ra ngoài hoặc là khởi lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc là khởi lên Vô sở hữu xứ, như vậy cho đến trở lại khởi lên Tĩnh lự thứ nhất, tiếp tục tiến vào tâm thiện của cõi Dục. Người ấy nhờ vào công đức xông ướp nối tiếp nhau như vậy, cho nên có thể khiến cho người cúng dường hoặc là đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn.

Có người nói: Người từ trong Định Diệt tận ra ngoài, thì oai nghi vắng lặng-đi lại nói năng-mặc áo ăn uống, tất cả đều tường tận tỉ mỉ, các Thanh tín-Trưởng giả và Bà-la-môn…, thấy rồi đều sinh ý tưởng hiếm có, dùng tâm ân cần thanh tịnh cúng dường các vật dụng sinh hoạt, cho nên đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn.

Có người nói: Người đạt được Định này danh tiếng truyền rộng khắp nơi, vượt xa những Định khác, các Thanh tín-Trưởng giả và Bà-lamôn…, nghe rồi đều sinh ý tưởng hiếm lạ, dùng tâm ân cần thanh tịnh cúng dường các vật dụng sinh hoạt, cho nên đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn.

Có người nói: Người trú trong Định này, các loại ăn đều đoạn dứt. Nếu cúng dường cho người từ trong Định này ra ngoài, thì chính là cúng dường cho người không ăn gì cả. Ăn nghĩa là người trú trong Định có tâm hữu lậu, tuy đoạn dứt Đoàn thực mà ăn thức ăn thuộc về Xúc-Tư và Thức hữu lậu; người trú trong Định vô lậu, tuy đoạn dứt bốn loại ăn thật sự, mà có thức ăn thuộc về Xúc-Tư và Thức tương tự; người trú trong Định Diệt tận thì tất cả đều không có. Vì vậy cúng dường cho người từ trong Định này ra ngoài, thì chính là cúng dường thức ăn cho người không ăn gì cả. Bởi vì nhân duyên này, cho nên hoặc là đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn.

Có người nói: Nếu có người nào cúng dường cho người từ trong Định này ra ngoài, thì chính là cúng dường thức ăn cho người đến Niếtbàn trở về, bởi vì Định này tựa như Niết-bàn. Nghĩa là như người tiến vào cảnh giới Niết-bàn Vô dư y, diệt hết tất cả các pháp có sở duyên, tâm-tâm sở pháp không khởi lên-không diệt đi; người trú trong Định Diệt tận, cũng diệt hết tất cả các pháp có sở duyên, tâm-tâm sở pháp không khởi lên-không diệt đi, cho nên tựa như Niết-bàn. Vì vậy cúng dường cho người từ Định này ra ngoài, thì chính là cúng dường thức ăn cho người đến Niết-bàn trở về. Bởi vì nhân duyên này, cho nên hoặc là đạt được quả hiện tại, hoặc là đạt được quả to lớn.

Lại nữa, không phải là chỉ cúng dường cho người từ trong Định Diệt tận ra ngoài, thì có thể đạt được quả hiện tại. Nếu cúng dường cho năm loại Bổ-đặc-già-la, thì đều đạt được quả hiện tại:

  1. Từ trong Định Diệt tận ra ngoài.
  2. Từ trong Định Từ ra ngoài.
  3. Từ trong Định Vô tranh ra ngoài.
  4. Từ trong Kiến đạo ra ngoài.
  5. Từ lúc đầu khởi lên đạt được Tận trí.

Lại nữa, nếu cúng dường cho năm loại Bổ-đặc-già-la, thì có thể đạt được quả to lớn:

  1. Cha.
  2. Mẹ.
  3. Người bệnh.
  4. Thầy nói pháp.
  5. Bồ-tát gần đến địa vị Phật.

Hỏi: Định Diệt tận đối với Chúng đồng phần là cũng có thể dẫn dắt, hay là chỉ đầy đủ?

Đáp: Định này chỉ có thể đầy đủ mà không có thể dẫn dắt. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì chỉ riêng nghiệp mới có thể dẫn dắt Chúng đồng phần, mà Định này không phải là nghiệp.

Hỏi: Định này là thuận theo pháp hiện tại nhận quả, là thuận theo đời kế tiếp nhận quả, là thuận theo đời kế tiếp thứ hai nhận quả, hay là thuận theo không nhất định nhận quả?

Đáp: Định này hoặc là thuận theo đời kế tiếp nhận quả, hoặc là thuận theo đời kế tiếp thứ hai nhận quả, hoặc là thuận theo không nhất định nhận quả, không phải là thuận theo pháp hiện tại nhận quả, bởi vì đã sinh đến Hữu Đảnh thì không khởi lên Định này.

Hỏi: Định này ở nơi nào nhận lấy dị thục nào?

Đáp: Định này ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhận lấy bốn Uẩn dị thục.

Hỏi: Những người thành tựu Định này, cũng thành tựu dị thục của Định ấy chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc thành tựu Định Diệt tận mà không phải là dị thục của Định ấy, đó là sinh ở cõi Dục-Sắc đã đạt được Định Diệt tận, và đạt được rồi không lui sụt, mạng chung sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, dị thục của Định Diệt tận không hiện rõ ở trước mắt.

2. Có lúc thành tựu dị thục của Định ấy mà không phải là Định Diệt tận, đó là đạt được Định Diệt tận rồi mà lui sụt, mạng chung sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, dị thục của Định Diệt tận hiện rõ ở trước mắt.

3. Có lúc thành tựu Định Diệt tận cũng là dị thục của Định ấy, đó là đạt được Định Diệt tận rồi không lui sụt, mạng chung sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, dị thục của Định Diệt tận hiện rõ ở trước mắt.

4. Có lúc không phải là thành tựu Định Diệt tận cũng không phải là dị thục của Định ấy, đó là sinh ở cõi Dục-Sắc không đạt được Định Diệt tận, giả sử đạt được rồi lui sụt; hoặc là sinh đến Không vô biên xứThức vô biên xứ và Vô sở hữu xứ, nếu không đạt được Định Diệt tận, sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và đạt được rồi mà lui sụt, mạng chung sinh đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì dị thục của Định Diệt tận không hiện rõ ở trước mắt.

Hỏi: Những người lui sụt Định Diệt tận, cũng lui sụt quả A-la-hán chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc lui sụt Định Diệt tận mà không phải là quả A-la-hán, đó là người Học lui sụt Định Diệt tận, và người Vô học lui sụt Định Diệt tận mà không khởi lên Kiết.

2. Có lúc lui sụt quả A-la-hán mà không phải là Định Diệt tận, đó là A-la-hán Tuệ giải thoát lui sụt, và phần vị Học trước đây khởi lên Định Diệt tận rồi, đạt được quả A-la-hán, khởi lên Kiết của phần vị trên mà lui sụt.

3. Có lúc lui sụt Định Diệt tận cũng là quả A-la-hán, đó là phần vị Học trước đây khởi lên Định Diệt tận rồi, đạt được quả A-la-hán, khởi lên Kiết của phần vị dưới mà lui sụt, và phần vị Vô học khởi lên Định Diệt tận rồi, khởi lên Kiết của ba cõi tùy theo một mà lui sụt.

4. Có lúc không phải là lui sụt Định Diệt tận cũng không phải là quả A-la-hán, đó là trừ ra những tướng trước.

A-la-hán có sáu loại, đó là Thối pháp, Tư pháp, Hộ pháp, An trú pháp, Kham đạt pháp, Bất động pháp.

Hỏi: Những A-la-hán lui sụt pháp (Thối pháp), tất cả đều là Câu giải thoát chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc lui sụt pháp mà không phải là Câu giải thoát, đó là lui sụt pháp không đạt được Định Diệt tận.

2. Có lúc Câu giải thoát mà không phải là lui sụt pháp, đó là tư duy pháp (Tư pháp) cho đến Bất động pháp, đã đạt được Định Diệt tận.

3. Có lúc lui sụt pháp cũng là Câu giải thoát, đó là lui sụt pháp đã đạt được Định Diệt tận.

4. Có lúc không phải là lui sụt pháp cũng không phải là Câu giải thoát, đó là tư duy pháp cho đến Bất động pháp, không đạt được Định Diệt tận.

Như A-la-hán lui sụt pháp đối với Câu giải thoát làm thành bốn câu phân biệt, năm loại A-la-hán còn lại đối với Câu giải thoát cũng như vậy. Như vậy làm thành sáu lần bốn câu. Như đạo Vô học có sáu loại A-la-hán, đạo thuộc Học cũng có sáu loại chủng tánh, đó là chủng tánh Thối pháp, cho đến chủng tánh Bất động pháp.

Hỏi: Những người Học lui sụt pháp, tất cả đều là Thân chứng chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc Học lui sụt pháp mà không phải là Thân chứng, đó là Học lui sụt pháp không đạt được Định Diệt tận.

2. Có lúc Thân chứng mà không phải là Học lui sụt pháp, đó là Học tư duy pháp cho đến Học bất động pháp, đã đạt được Định Diệt tận.

3. Có lúc Học lui sụt pháp cũng là Thân chứng, đó là Học lui sụt pháp đã đạt được Định Diệt tận.

4. Có lúc không phải là Học lui sụt pháp cũng không phải là Thân chứng, đó là Học tư duy pháp cho đến Học bất động pháp, không đạt được Định Diệt tận.

Như Học lui sụt pháp đối với Thân chứng làm thành bốn câu phân biệt, năm chủng tánh còn lại đối với Thân chứng cũng như vậy. Như vậy cũng làm thành sáu lần bốn câu.

Hỏi: Nếu pháp là tâm Đẳng vô gián, thì pháp ấy là tâm vô gián chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có pháp là tâm Đẳng vô gián mà không phải là tâm vô gián, đó là trừ ra sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, còn lại các sát-na của Định Diệt tận và tâm-tâm sở pháp rời khỏi Định Diệt tận.

2. Có pháp là tâm vô gián mà không phải là tâm Đẳng vô gián, đó là sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, pháp ấy là sinh-trú-lão-vô thường.

3. Có pháp là tâm Đẳng vô gián cũng là tâm vô gián, đó là sátna đầu tiên của Định Diệt tận, và tâm-tâm sở pháp của phần vị có tâm khác.

4. Có pháp không phải là tâm Đẳng vô gián cũng không phải là tâm vô gián, đó là trừ ra sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, pháp ấy là sinh-trú-lão-vô thường, còn lại các sát-na của Định Diệt tận và phần vị tâm rời khỏi Định Diệt tận, pháp ấy là sinhtrú-lão-vô thường.

Hỏi: Nếu pháp là tâm Đẳng vô gián, thì pháp ấy là Định Diệt tận vô gián chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có pháp là tâm Đẳng vô gián mà không phải là Định Diệt tận vô gián, đó là sát-na đầu tiên của Định Diệt tận, và tâm-tâm sở pháp của phần vị có tâm khác.

2. Có pháp là Định Diệt tận vô gián mà không phải là tâm Đẳng vô gián, đó là trừ ra sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, pháp ấy là sinh-trú-lão-vô thường, còn lại các sát-na của Định Diệt tận và phần vị tâm rời khỏi Định Diệt tận, pháp ấy là sinh-trú-lãovô thường.

3. Có pháp là tâm Đẳng vô gián cũng là Định Diệt tận vô gián, đó là trừ ra sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, còn lại các sát-na của Định Diệt tận và tâm-tâm sở pháp rời khỏi Định Diệt tận.

4. Có pháp không phải là tâm Đẳng vô gián cũng không phải là Định Diệt tận vô gián, đó là sát-na đầu tiên của Định Diệt tận và phần vị có tâm khác, pháp ấy là sinh-trú-lão-vô thường.

Hỏi: Sinh ở cõi trời Vô tưởng có mấy căn diệt?

Đáp: Tám căn, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn.

Hỏi: Đây là nói từ nơi nào sinh đến cõi trời Vô tưởng?

Đáp: Đây là nói từ Trung Hữu của cõi Vô tưởng sinh đến Sinh Hữu của cõi Vô tưởng.

Hỏi: Lúc bấy giờ cũng có năm căn như Tín… hiện rõ ở trước mắt diệt đi, vì sao không nói đến?

Đáp: Văn này nên đưa ra cách nói này: Hoặc là tám căn-hoặc là mười ba căn, tâm cuối cùng của Trung Hữu, vô ký là tám căn, thiện là mười ba căn. Nhưng mà không đưa ra cách nói này, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người đưa ra cách nói này: Trong này chỉ dựa vào phần vị diệt, phần vị sinh đều có mà nói, năm căn như Tín… chỉ có ở phần vị diệt, không phải là có ở phần vị sinh, cho nên không nói đến.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt đi?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Tám căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc, bởi vì chết rồi sinh ra chắc chắn khởi lên tâm của địa mình.

Hỏi: Ở cõi trời Vô tưởng chết đi có mấy căn diệt?

Đáp: Tám căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt đi?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là tám căn-hoặc là chín căn-hoặc là mười căn. Không có hình thể là tám căn, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn. Một hình thể là chín căn, đó là cọng thêm Nam căn-Nữ căn tùy theo một loại. Hai hình thể là mười căn, đó là cọng thêm Nam căn và Nữ căn.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục. Vì vậy chứng minh biết rằng từ cõi trời Vô tưởng chết đi chắc chắn sinh vào cõi Dục.

Hỏi: Chắc chắn sinh vào nơi nào?

Đáp: Có người nói: Sinh vào địa ngục. Có người nói: Sinh vào nẽo ác. Nói như vậy thì chắc chắn sinh vào cõi Dục, nơi chốn không nhất định, hoặc là sinh vào nẽo ác, hoặc là cõi trời, hoặc là loài người.

Hỏi: Vì sao từ cõi trời Vô tưởng chết đi chắc chắn sinh vào cõi Dục?

Đáp: Bởi vì thế lực của nhân dị thục như vậy, cho nên tùy theo thế lực vốn có của nhân dị thục, chỉ làm cho khởi lên dị thục như vậy.

Có Sư khác nói: Bởi vì thọ lượng của cõi Vô tưởng đã hết, mà nghiệp của thọ lượng nơi khác không tăng trưởng, nghĩa là trước đây tăng trưởng về nghiệp thuộc thọ lượng của cõi Vô tưởng nay đã thọ nhận không còn, bởi vì nghiệp thuộc thọ lượng của nơi khác trước đây không tăng trưởng, cho nên từ cõi ấy chết đi chắc chắn sinh vào cõi Dục.

Hỏi: Người ấy cũng đã từng khởi lên ba Tĩnh lự dưới, vì sao không dẫn đến quả thọ lượng của địa ấy?

Đáp: Người ấy tuy đã từng khởi lên ba Tĩnh lự dưới, mà không phải là khăng khăng chấp lấy cho nên không dẫn đến thọ lượng ấy, bởi vì chỉ khăng khăng chấp trước Tĩnh lự thứ tư cho nên dẫn đến thọ lượng của địa ấy.

Có người nói: Người ấy tuy đã từng khởi lên ba Tĩnh lự dưới, mà không phải là do mong cầu, người ấy chỉ mong cầu ở Tĩnh lự thứ tư.

Có người nói: Người ấy tuy đã từng khởi lên ba Tĩnh lự dưới, chỉ giống như con đường đã đi qua mà không phải là nơi hướng đến, Tĩnh lự thứ tư là nơi đích thực hướng đến chứ không phải là như con đường đã đi qua, cho nên dẫn đến thọ lượng của địa ấy.

Có người nói: Nếu tạo nghiệp thuận theo đời kế tiếp nhận quả ở cõi trời Vô tưởng, thì pháp vốn như vậy cũng tạo nghiệp thuận theo đời kế tiếp thứ hai nhận quả ở cõi Dục. Như tạo nghiệp thuận theo đời kế tiếp nhận quả ở châu Bắc Câu-lô, thì pháp vốn như vậy cũng tạo nghiệp thuận theo đời kế tiếp thứ hai nhận quả ở loài trời cõi Dục.

Có người nói: Cõi Dục là nơi quay về của tất cả hữu tình lui sụt, nghĩa là các hữu tình do lực của nghiệp-lực của tu mà hướng đến cõi Sắc-Vô sắc, nghiệp ấy nếu hết thì trở lại rơi vào cõi Dục. Ví như mặt đất là nơi quay về của các loài chim bay bị rơi xuống, nghĩa là các loài chim bay nhờ vào sức mạnh của đôi cánh mà bay vút lên bầu trời, lúc sức mạnh của đôi cánh không còn thì trở lại rơi xuống mặt đất.

Có người nói: Hữu tình cõi trời Vô tưởng trải qua năm trăm kiếp trú vào trong Vô tưởng, như giấc ngủ say sưa, tỉnh rồi không thể nào lấy được dị thục khác, thế là rơi vào cõi Dục. Như người ở trên ngọn cây dựa vào cành cây mà ngủ, trải qua thời gian dài bỗng nhiên tỉnh giấc, tay quên bám lấy cành, ngay lập tức rơi xuống đất. Ở cõi ấy cũng như vậy.

Có người nói: Người cầu Vô tưởng thì chấp rằng Định Vô tưởng là Đạo chân thật, dị thục của Định ấy là Niết-bàn, cho đến sinh vào trong cõi trời ấy, ý chấp này vẫn đi theo, người ấy về sau từ trong Vô tưởng ra ngoài, lúc sắp mạng chung thấy tướng sinh trước mắt, liền dấy lên ý niệm này: Chắc chắn không có Niết-bàn, nếu như thật có thì mình đã chứng được, giờ đây tại sao tướng sinh hiện rõ trước mắt? Bởi vì bài báng Niết-bàn và Thánh đạo, cho nên từ cõi ấy chết đi mà sinh vào trong nẽo ác.

Tôn giả Diệu Âm cũng đưa ra cách nói này: “Bởi vì người ấy bài báng Niết-bàn và Thánh giả, cho nên từ cõi ấy mạng chung chắc chắn sinh vào nẽo ác.”

Hỏi: Định Vô tưởng và Sự Vô tưởng sai biệt thế nào?

Đáp: Tên gọi chính là sai biệt, loại này gọi là Định Vô tưởng, loại này gọi là Sự Vô tưởng.

Lại nữa, nhân là Định Vô tưởng, quả là Sự Vô tưởng.

Lại nữa, pháp dị thục là Định Vô tưởng, dị thục là Sự Vô tưởng.

Lại nữa, Định Vô tưởng là thiện, Sự Vô tưởng là vô ký.

Lại nữa, Định Vô tưởng là Định, Sự Vô tưởng là Sinh.

Lại nữa, Định Vô tưởng do tác ý dụng công gia hạnh mà khởi lên, Sự Vô tưởng không phải là do tác ý dụng công gia hạnh mà khởi lên.

Lại nữa, Định Vô tưởng bao gồm ở nơi này-nơi kia đạt được, nơi này-nơi kia hiện rõ ở trước mắt; Sự Vô tưởng chỉ ở nơi kia đạt được, nơi kia hiện rõ ở trước mắt.

Lại nữa, Định Vô tưởng là gia hạnh đạt được, Sự Vô tưởng là sinh mà có được. Đây gọi là sự sai biệt giữa Định Vô tưởng và Sự Vô tưởng.

Hỏi: Cõi trời Vô tưởng thuộc về nơi nào?

Đáp: Sư nước ngoài nói: “Tĩnh lự thứ tư có chín nơi khác nhau, cõi trời Vô tưởng là một nơi.”

Các Luận sư của nước Ca-thấp-di-la nói: “Tức là thuộc về cõi trời Quảng Quả, nhưng bởi vì vắng lặng hơn hẳn cho nên lập ra tên gọi riêng biệt, giống như chốn A-luyện-nhã bên cạnh thôn làng.” Hỏi: Thân lượng của trời ấy như thế nào?

Đáp: Năm trăm Du-thiện-na.

Hỏi: Thọ lượng của trời ấy như thế nào?

Đáp: Năm trăm kiếp.

Hỏi: Thực hiện oai nghi cư trú như thế nào?

Đáp: Có người nói: Ngồi xếp bằng tròn như Sa-môn Thích tử.

Có người nói: Ngồi chồm hổm như Bà-la-môn.

Nói như vậy là như trước kia đã trú trong oai nghi tiến vào Định này, thì dùng oai nghi này ở cõi ấy trú trong năm trăm kiếp.

Hữu tình ở cõi Vô tưởng lúc sinh ra, nên nói là có Tưởng, hay là không có Tưởng? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày nghĩa lý của mình.

Đó là hoặc có người nói: Hữu tình ở cõi Vô tưởng, lúc sinh ra-lúc chết đi đều không có Tâm-Tưởng. Vì ngăn chặn ý ấy để hiển bày hữu tình ở cõi ấy, lúc sinh ra-lúc chết đi đều có Tâm-Tưởng, chứ không phải là không có Tâm-Tưởng, bởi vì có chết đi và sinh ra.

Hoặc lại có người nói: Hữu tình ở cõi Vô tưởng, lúc sinh ra thì có Tâm, lúc chết đi thì không có Tâm. Vì ngăn chặn ý ấy để hiển bày hữu tình ở cõi ấy, lúc chết đi cũng có Tâm-Tưởng chứ không phải là không có Tâm-Tưởng, bởi vì có mạng chung.

Hoặc lại có người nói: Hữu tình ở cõi Vô tưởng, lúc sinh ra-lúc chết đi tuy đều có Tâm, nhưng chỉ có một niệm chứ không phải là nối tiếp nhau lâu dài. Vì ngăn chặn ý ấy để hiển bày hữu tình ở cõi ấy, lúc sinh ra thì sinh ra rồi trải qua thời gian dài Tâm hãy còn nối tiếp nhau, về sau mới không có Tưởng; từ không có Tưởng ra ngoài, có Tâm trải qua thời gian dài, về sau mới xả mạng. Vì thế cho nên nói như vậy:

Hỏi: Có thể có nơi, chỉ có Tâm trong hai sát-na, đó là lúc Kiết sinh(tiến vào thai mẹ) và lúc mạng chung chăng?

Đáp: Nên nói là không có. Tôn giả Diệu Âm nói có, đó chính là cõi trời Vô tưởng.

Hỏi: có thể có nơi, Tâm thuộc Kiết sinh làm Đẳng vô gián duyên, Tâm thuộc mạng chung khởi lên chăng?

Đáp: Nên nói là không có. Tôn giả Diệu Âm nói có, đó chính là cõi trời Vô tưởng.

Hỏi: Có thể có nơi, Tâm thuộc Kiết sinh làm bốn duyên, Tâm thuộc mạng chung khởi lên chăng?

Đáp: Nên nói là không có. Tôn giả Diệu Âm nói có, đó chính là cõi trời Vô tưởng.

Vì ngăn chặn những cách nói này, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Hữu tình ở cõi Vô tưởng, lúc sinh ra nên nói là có Tưởng, hay là không có Tưởng?

Đáp: Nên nói là có Tưởng. Đây là ngăn chặn ý chấp ở cõi trời Vô tưởng, lúc sinh ra thì không có Tâm.

Như Đức Thế Tôn nói: “Các hữu tình ở cõi ấy do Tưởng khởi lên, cho nên từ nơi ấy chết đi.”

Hỏi: Lúc từ nơi ấy chết đi thì Tưởng ấy nên nói là diệt, hay là không diệt?

Đáp: Nên nói là diệt. Đây là ngăn chặn ý chấp ở cõi trời Vô tưởng, lúc chết đi thì không có Tâm.

Hỏi: Nên nói là trú nơi nào thì Tưởng ấy diệt đi?

Đáp: Nên nói là trú ở nơi ấy. Đây là ngăn chặn ý chấp về hữu tình ở cõi Vô tưởng chỉ có Tâm trong một niệm lúc chết đi-lúc sinh ra.

Hỏi: Hữu tình ở cõi Vô tưởng, Tâm trước nhiều hay là Tâm sau nhiều?

Đáp: Có người nói: Tâm trước nhiều chứ không phải là Tâm sau, bởi vì lúc ấy chưa tiến vào phần vị Vô tưởng, dị thục nối tiếp nhau với thế lực mạnh mẽ, có Tâm một thời gian dài mới tiến vào Vô tưởng; rời khỏi Vô tưởng rồi, dị thục nối tiếp nhau với thế lực suy kém, cho nên có Tâm một thời gian ngắn thì liền xả mạng.

Có người nói: Tâm sau nhiều chứ không phải là Tâm trước, bởi vì lúc ấy chưa tiến vào Vô tưởng, mong cầu Vô tưởng với Tâm mạnh mẽ, cho nên có Tâm một thời gian ngắn thì tiến vào Vô tưởng; rời khỏi Vô tưởng rồi, không mong cầu gì nữa, cho nên có Tâm một thời gian dài sau đó mới xả mạng.

Nói như vậy thì sự việc này không nhất định, hoặc là trước nhiềusau ít, hoặc là trước ít-sau nhiều, bởi vì tùy theo ý thích ấy có sai biệt.

Hỏi: Tưởng ấy nên nói là thiện, hay là vô ký?

Đáp: Hoặc là thiện, hoặc là vô ký.

Hỏi: Tưởng ấy có mấy tùy miên tùy tăng?

Đáp: Duyên hữu lậu thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Có mấy kiết ràng buộc?

Đáp: Sáu kiết.

Tưởng ấy, đó là Tưởng rời khỏi Vô tưởng. Hoặc là thiện-hoặc là vô ký, thiện đó là thiện do sinh ra đạt được, vô ký đó là hữu phú vô ký, hoặc là vô phú vô ký. Duyên hữu lậu thuộc cõi Sắc, đó là tùy miên duyên hữu lậu của Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Vì sao tùy miên duyên vô lậu không tùy tăng đối với Tưởng ấy?

Đáp: Người ấy chấp Vô tưởng là Niết-bàn, Định Vô tưởng là Đạo chân thật, cho đến sinh vào cõi ấy, và từ cõi ấy chết đi. Bởi vì chỉ có chấp như vậy mà trở lại tiếp tục tùy chuyển, đối với Đạo-Diệt chân thật không bài báng là không có, cho nên duyên vô lậu lúc bấy giờ không khởi lên.

Sáu kiết ràng buộc, đó là trừ ra kiết Nhuế-Tật-Khan, có những kiết khác ràng buộc.

Hỏi: Tưởng rời khỏi Vô tưởng là do năm Bộ mà đoạn, hay là chỉ do Tu mà đoạn? Nếu như vậy thì có gì sai? Nếu do năm Bộ mà đoạn, thì phẩm Thập Môn đã nói nên hiểu thế nào? Như nói: “Pháp quá khứ làm Đẳng vô gián sinh ra hai Tâm.” Nếu do Tu mà đoạn, thì văn này lại hiểu thế nào? Như nói: “Tưởng ấy là tùy miên tùy tăng duyên hữu lậu thuộc cõi Sắc.”

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Tưởng này bao gồm do năm Bộ mà đoạn.

Hỏi: Phẩm Thập Môn đã nói nên hiểu thế nào?

Đáp: Văn ấy nên nói pháp quá khứ làm Đẳng vô gián sinh ra sáu Tâm, đó là năm Tâm thuộc cõi Sắc, một Tâm thuộc cõi Vô sắc. Nhưng mà không đưa ra cách nói này là có ý gì? Nên biết rằng văn ấy chỉ dựa vào Tâm rời khỏi hai Định không có Tâm mà nói, chứ không nói đến Vô tưởng. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì hai Định không có Tâm do tác ý dụng công gia hạnh mà khởi lên, Vô tưởng thì không như vậy.

Có Sư khác nói: Chỉ do Tu mà đoạn.

Hỏi: Văn này đã nói nên hiểu thế nào?

Đáp: Văn này nên nói Tưởng ấy là biến hành thuộc cõi Sắc, và tùy miên tùy tăng do Tu mà đoạn. Nhưng mà không đưa ra cách nói này là có ý gì? Nên biết rằng trong này nói bao gồm hòa hợp, đó là có Tâm vào lúc mạng chung thì bao gồm năm Bộ, không phải là chỉ nói đến Tâm rời khỏi Vô tưởng, bởi vì Tâm mạng chung là quyến thuộc trước cho nên ở đây là nói bao gồm.

Lời bình: Nên biết cách nói trước là hợp lý, bởi vì không có đạo lý riêng biệt để ngăn chặn Tâm khác.

Như Đức Thế Tôn nói: “Tất cả hữu tình đều do ăn mà tồn tại.”

Hỏi: Hữu tình ở cõi Vô tưởng do ăn gì mà tồn tại? Đáp: Xúc-Ý tư và Thức thực.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì muốn làm cho người nghi ngờ có được quyết định. Nghĩa là cõi trời Vô tưởng chắc chắn không có Đoàn thực, Xúc-Ý tư và Thức thực cũng diệt hết không còn sót lại gì, đừng có nghi ngờ ở cõi ấy không ăn gì mà tồn tại, thì không có thể hiểu Đức Thế Tôn đã nói “Tất cả hữu tình đều do ăn mà tồn tại.” Bởi vì loại trừ mối nghi ấy, hiển bày về cõi Vô tưởng tuy không có Đoàn thực mà có ba loại ăn khác, cùng với kinh tương ưng, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Phần vị Vô tưởng ấy cũng diệt hết ba loại ăn, tại sao nói là có?

Đáp: Ăn có hai loại:

  1. Lúc trước có thể dẫn dắt.
  2. Hiện tại tùy ý duy trì.

Phần vị ấy tuy không có loại ăn thuộc hiện tại tùy ý duy trì, mà có loại ăn thuộc lúc trước có thể dẫn dắt, cho nên gọi là có ăn.

Có người nói: Trong phần vị ấy có ba loại ăn:

  1. Ăn thuộc về nghiệp.
  2. Ăn thuộc về sinh.
  3. Ăn thuộc về Đẳng vô gián duyên.

Ăn thuộc về nghiệp, đó là bởi vì trước đây đã tạo ra nghiệp của địa ấy, cho nên có thể dẫn dắt sinh đến địa ấy. Ăn thuộc về sinh, đó là bởi vì tâm Kiết sinh (tâm tiến vào thai) và pháp cùng có, dẫn dắt phần vị ấy trong một thời kỳ làm cho nối tiếp nhau. Ăn thuộc về Đẳng vô gián duyên, đó là tiến vào Vô tưởng, Xúc-Ý tư và Thức làm Đẳng vô gián duyên, có thể dẫn đến Vô tưởng rời khỏi tâm-tâm sở, làm cho chắc chắn sẽ khởi lên, cho nên không vĩnh viễn đoạn dứt. Vì vậy cho nên nói là tất cả hữu tình đều do ăn mà tồn tại.

Hỏi: Nhãn căn thâu nhiếp mấy căn, cho đến Cụ tri căn thâu nhiếp mấy căn?

Đáp: Nhãn căn thâu nhiếp Nhãn căn, cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Cần phải ngăn chặn ý nói là các pháp chỉ thâu nhiếp tánh khác, hiển bày về tất cả các pháp chỉ thâu nhiếp tự tánh, cho nên soạn ra phần luận này.

Nhãn căn thâu nhiếp Nhãn căn, đây là dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói. Nếu nói riêng biệt thì Nhãn có hai loại, đó là bên trái và bên phải. Bên trái thâu nhiếp bên trái, bên phải thâu nhiếp bên phải.

Bên trái lại có hai loại, đó là do nuôi lớn và dị thục sinh. Do nuôi lớn thâu nhiếp do nuôi lớn, dị thục sinh thâu nhiếp dị thục sinh.

Dị thục sinh lại có hai loại, đó là dị thục của nghiệp thiện và dị thục của nghiệp bất thiện. Dị thục của nghiệp thiện thâu nhiếp dị thục của nghiệp thiện, dị thục của nghiệp bất thiện thâu nhiếp dị thục của nghiệp bất thiện.

Dị thục của nghiệp thiện lại có hai loại, đó là loài người và loài trời. Loài người thâu nhiếp loài người, loài trời thâu nhiếp loài trời.

Loài trời lại có hai loại, đó là cõi Dục và cõi Sắc. Cõi Dục thâu nhiếp cõi Dục, cõi Sắc thâu nhiếp cõi Sắc.

Cõi Sắc lại có bốn loại, đó là bốn Tĩnh lự. Tĩnh lự thứ nhất thâu nhiếp Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Tĩnh lự thứ tư thâu nhiếp Tĩnh lự thứ tư.

Dị thục của nghiệp bất thiện lại có ba loại, đó là địa ngục-bàng sinh và cõi quỷ. Địa ngục thâu nhiếp địa ngục, cho đến cõi quỷ thâu nhiếp cõi quỷ.

Như vậy Nhãn bên trái cùng với các sai biệt đều có ba đời, quá khứ thâu nhiếp quá khứ, vị lai thâu nhiếp vị lai, hiện tại thâu nhiếp hiện tại.

Quá khứ lại có vô lượng sát-na, mỗi một sát-na đều tự mình thâu nhiếp của mình. Như quá khứ, vị lai cũng như vậy. Như bên trái, bên phải cũng như vậy. Trong này chỉ dựa vào tướng chung của chủng loại mà nói.

Như Nhãn căn, Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Mạng-Khổ-Ưu căn cũng như vậy, bởi vì những căn này đều thâu nhiếp một căn của chính mình.

Thân căn thâu nhiếp ba căn, đó là Thân-Nữ-Nam căn. Nữ căn thâu nhiếp Nữ căn và phần ít của Thân căn. Như Nữ căn, Nam căn cũng như vậy.

Ý căn thâu nhiếp Ý căn và phần ít của ba căn, đó là ba căn Vô lậu. Bởi vì ba căn ấy lấy chín pháp làm Thể, thâu nhiếp Ý chứ không phải là loại khác, cho nên nói là phần ít.

Như Ý căn, Lạc-Hỷ-Xả căn và năm căn như Tín…, cũng như vậy.

Vị tri đương tri căn thâu nhiếp Vị tri đương tri căn và phần ít của chín căn, đó là Ý-ba Thọ và năm căn như Tín… Chín căn này đều bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ thâu nhiếp vô lậu. Ở trong vô lậu lại có ba đạo, nay chỉ thâu nhiếp Kiến đạo, cho nên nói là phần ít.

Như Vị tri đương tri căn, Dĩ tri căn và Cụ tri căn cũng như vậy.

Hỏi: Tín lực cho đến Tuệ lực, Niệm đẳng giác chi cho đến Xả đẳng giác chi, Chánh Kiến cho đến Chánh Định, Pháp trí cho đến Đạo trí, Không-Vô nguyện-Vô tướng thâu nhiếp mấy căn?

Đáp: Tín lực thâu nhiếp một căn và phần ít của ba căn, đó là ba căn Vô lậu. Ba căn này đều lấy chín pháp làm Thể, thâu nhiếp Tín chứ không phải là loại khác, cho nên nói là phần ít.

Như Tín lực, bốn Lực còn lại cũng như vậy.

Niệm đẳng giác chi thâu nhiếp phần ít của bốn căn, đó là Niệm căn và ba căn Vô lậu. Niệm căn bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ thâu nhiếp vô lậu. Ba căn vô lậu lấy chín pháp làm tánh, nay chỉ thâu nhiếp Niệm, cho nên nói là phần ít.

Như Niệm đẳng giác chi, Trạch pháp-Tinh tiến-Hỷ-Định đẳng giác chi cũng như vậy; còn lại không thâu nhiếp căn, đó là Khinh an-Xả đẳng giác chi không thâu nhiếp căn, bởi vì không có tướng của căn.

Chánh Kiến thâu nhiếp phần ít của bốn căn, đó là Tuệ căn và ba căn Vô lậu.

Như Chánh Kiến, Chánh Cần-Niệm-Định cũng như vậy; còn lại không thâu nhiếp căn, đó là Chánh Tư duy, Chánh Ngữ-Nghiệp-Mạng không thâu nhiếp căn, bởi vì không có tướng của căn.

Pháp trí thâu nhiếp phần ít của bốn căn, đó là Tuệ căn và ba căn Vô lậu.

Như Pháp trí, Loại trí, Khổ-Tập-Diệt-Đạo trí cũng như vậy.

Tha tâm trí thâu nhiếp phần ít của ba căn, đó là Tuệ căn, Dĩ tri căn và Cụ tri căn. Thế nào là thâu nhiếp phần ít của Tuệ căn? Đó là Tuệ căn bao gồm duyên với một pháp và nhiều pháp, tự tướng và cọng tướng, hiện tại và ba đời, thân khác và thân mình, cảnh tương ưng và cảnh không tương ưng. Trí này chỉ thâu nhiếp Tuệ duyên với một pháptự tướng-hiện tại-thân khác và cảnh tương ưng, cho nên nói là phần ít.

Hai căn Vô lậu lấy chín pháp làm tánh, trí này chỉ thâu nhiếp Tuệ, sai biệt trong Tuệ nói như trước, trí này chỉ thâu nhiếp Tuệ duyên với một pháp…, cho nên nói là phần ít.

Thế tục trí thâu nhiếp phần ít của một căn, đó là Tuệ căn. Bởi vì Tuệ căn bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ thâu nhiếp hữu lậu, cho nên nói là phần ít.

Không thâu nhiếp phần ít của bốn căn, đó là Định căn và ba căn Vô lậu.

Như Không, Vô nguyện và Vô tướng cũng như vậy.

Hỏi: Ý căn tương ưng với mấy căn, cho đến Cụ tri căn tương ưng với mấy căn?

Đáp: Ý căn tương ưng với mười căn và phần ít của ba căn, cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Có người mê muội đối với tương ưng, chấp rằng pháp tương ưng không phải là tánh có thật. Vì ngăn chặn ý ấy để hiển bày về Thể của pháp tương ưng là có thật, cho nên soạn ra phần luận này.

Ý căn tương ưng với mười căn, đó là năm Thọ và năm căn như Tín… tương ưng với phần ít của ba căn, đó là ba căn Vô lậu. Bởi vì ba căn ấy lấy chín pháp làm tánh, trừ ra tự Thể của Ý tương ưng với pháp khác, cho nên nói là phần ít.

Lạc-Hỷ-Xả căn tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý căn- năm căn như Tín…, và ba căn Vô lậu. Tương ưng với phần ít của Ý căn-năm căn như Tín…, bởi vì sáu căn ấy đều thuộc câu sinh với năm Thọ căn, nay Lạc-Hỷ-Xả đều chỉ tương ưng với câu sinh thuộc căn của mình, cho nên nói là phần ít. Tương ưng với phần ít của ba căn Vô lậu, bởi vì ba căn ấy lấy chín pháp làm tánh, thuộc ba Thọ câu sinh, nay Lạc-Hỷ-Xả chỉ tương ưng với câu sinh thuộc căn của mình, cho nên nói là phần ít.

Khổ căn-Ưu căn tương ưng với phần ít của sáu căn, đó là Ý căn và năm căn như Tín… Thế nào là tương ưng với phần ít của sáu căn ấy? Đó là sáu căn ấy thuộc năm Thọ câu sinh, nay Khổ căn-Ưu căn chỉ tương ưng với câu sinh thuộc căn của mình, cho nên nói là phần ít.

Tín căn tương ưng với bốn căn và phần ít của chín căn. Bốn căn, đó là Tinh tiến-Niệm-Định và Tuệ căn. Tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý căn-năm Thọ và ba căn Vô lậu. Tương ưng với phần ít của Ý căn và năm Thọ, bởi vì sáu căn ấy bao gồm nhiễm ô và không nhiễm ô, nay Tín căn chỉ tương ưng với thiện không nhiễm ô, cho nên nói là phần ít. Tương ưng với phần ít của ba căn Vô lậu, bởi vì ba căn ấy lấy chín pháp làm tánh, nay trừ ra tự Thể của Tín tương ưng với loại khác, cho nên nói là phần ít.

Như Tín căn, Tinh tiến-Niệm-Định và Tuệ căn cũng như vậy.

Vị tri đương tri căn tương ưng với Vị tri đương tri căn và phần ít của chín căn. Tương ưng với Vị tri đương tri căn, bởi vì căn này lấy chín pháp làm tánh, mỗi một pháp trừ ra tự Thể tương ưng với loại khác, đều gọi là căn này tương ưng với căn này. Tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý-Lạc-Hỷ-Xả và năm căn như Tín… Thế nào là tương ưng với phần ít của chín căn ấy? Đó là bởi vì chín căn ấy bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ tương ưng với vô lậu thuộc căn ấy; ở trong vô lậu bao gồm Kiến đạo-Tu đạo và đạo Vô học, nay chỉ tương ưng với Kiến đạo thuộc căn ấy, cho nên nói là phần ít.

Như Vị tri đương tri căn, Dĩ tri căn và Cụ tri căn cũng như vậy, bởi vì chỉ riêng phần vị có khác nhau, còn lại đều giống nhau.

Hỏi: Tín lực cho đến Tuệ lực, Niệm đẳng giác chi cho đến Xả đẳng giác chi, Chánh Kiến cho đến Chánh Định, Pháp trí cho đến Đạo trí, Không-Vô nguyện-Vô tướng, tương ưng với mấy căn?

Đáp: Tín lực tương ưng với bốn căn và phần ít của chín căn. Bốn căn, đó là Tinh tiến-Niệm-Định và Tuệ căn. Tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý căn-năm Thọ căn và ba căn Vô lậu, nghĩa nói như trước.

Như Tín lực, bốn Lực còn lại cũng như vậy, đó là Tinh tiến-NiệmĐịnh và Tuệ lực.

Niệm đẳng giác chi tương ưng với phần ít của mười một căn, đó là Ý-Lạc-Hỷ-Xả căn, bốn căn như Tín…, và ba căn Vô lậu. Tương ưng với phần ít của Ý căn-ba Thọ căn-bốn căn như Tín…, bởi vì tám căn ấy bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ tương ưng với vô lậu thuộc căn ấy, cho nên nói là phần ít. Tương ưng với phần ít của ba căn Vô lậu, bởi vì ba căn ấy lấy chín pháp làm tánh, nay trừ ra tự tánh của Niệm tương ưng với loại khác, cho nên nói là phần ít.

Như Niệm đẳng giác chi, Trạch pháp-Tinh tiến-Định đẳng giác chi cũng như vậy.

Hỷ đẳng giác chi tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý cănnăm căn như Tín… và ba căn Vô lậu. Tương ưng với phần ít của Ý căn và năm căn như Tín…, bởi vì sáu căn ấy bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ tương ưng với vô lậu thuộc căn ấy; ở trong vô lậu bao gồm dựa vào chín địa, đó là Vị chí-Tĩnh lự trung gian-bốn Tĩnh lự và ba Vô sắc dưới, nay chỉ tương ưng với hai Tĩnh lự đầu mà căn ấy dựa vào, cho nên nói là phần ít. Tương ưng với phần ít của ba căn Vô lậu, bởi vì ba căn ấy bao gồm Lạc-Hỷ-Xả, và câu sinh của nó, nay chỉ tương ưng với câu sinh của Hỷ căn, cho nên nói là phần ít.

Khinh an-Xả đẳng giác chi tương ưng với ba căn và phần ít của chín căn. Ba căn, đó là ba căn Vô lậu. Tương ưng với phần ít của chín căn, đó là Ý-Lạc-Hỷ-Xả và năm căn như Tín… Thế nào là tương ưng với phần ít của chín căn ấy? Đó là bởi vì chín căn ấy bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ tương ưng với vô lậu thuộc căn ấy, cho nên nói là phần ít.

Chánh Kiến tương ưng với phần ít của mười một căn, đó là Ý-LạcHỷ-Xả-bốn căn như Tín… và ba căn Vô lậu, nghĩa nói như Niệm đẳng giác chi.

Như Chánh Kiến, Chánh Tư duy-Chánh Cần-Chánh Định cũng như vậy. Nhưng Chánh Tư duy có chút sai biệt, đó là Ý-Hỷ-Xả-năm căn như Tín… và ba căn Vô lậu, thì gọi là mười một. Mười một căn này cùng dựa vào các địa, nay chỉ tương ưng với dựa vào Vị chí-Tĩnh lự thứ nhất, cho nên nói là phần ít. Còn lại không phải là tương ưng với căn, đó là Chánh Ngữ-Nghiệp-Mạng không phải là tương ưng với căn, bởi vì không phải là pháp tương ưng.

Pháp trí tương ưng với phần ít của mười một căn, nói như Chánh Kiến. Như Pháp trí, Loại trí và Khổ-Tập-Diệt-Đạo trí cũng như vậy.

Tha tâm trí tương ưng với phần ít của mười căn, đó là Ý-Lạc-HỷXả-bốn căn như Tín…, Dĩ tri căn và Cụ tri căn, nghĩa nói như trong phần thâu nhiếp.

Thế tục trí tương ưng với hai căn và phần ít của tám căn. Hai căn, đó là Khổ căn và Ưu căn. Tương ưng với phần ít của tám căn, đó là ÝLạc-Hỷ-Xả và bốn căn như Tín… Thế nào là tương ưng với phần ít của tám căn ấy? Đó là tám căn ấy bao gồm hữu lậu và vô lậu, nay chỉ tương ưng với hữu lậu thuộc căn ấy, cho nên nói là phần ít.

Không-Vô nguyện-Vô tướng tương ưng với phần ít của mười một căn, nói như Niệm đẳng giác chi.

*******

 

Lúc ở cõi Dục chết đi-sinh vào cõi Dục, có mấy căn diệt? Cho đến nói rộng ra.

Trong này biểu hiện rõ ràng về nhiều môn sai biệt, đó là Cõi sai biệt, Bổ-đặc-già-la sai biệt, Căn sai biệt, Tử Hữu sai biệt, Trung Hữu sai biệt, Sinh Hữu sai biệt, từ từ mạng chung sai biệt, nhanh chóng mạng chung sai biệt.

Hỏi: Lúc ở cõi Dục chết đi-sinh vào cõi Dục, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là bốn, hoặc là chín; hoặc là tám, hoặc là mười ba; hoặc là chín, hoặc là mười bốn; hoặc là mười, hoặc là mười lăm.

Từ từ mạng chung, thì tâm vô ký có bốn, đó là Thân-Mạng-Ý và Xả căn; tâm thiện có chín, đó là bốn căn trước cọng thêm năm căn như Tín…

Nhanh chóng mạng chung, nếu không có hình thể thì tâm vô ký có tám, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn; tâm thiện có mười ba, đó là tám căn trước cọng thêm năm căn như Tín… Nếu một hình thể thì tâm vô ký có chín, đó là tám căn trước cọng thêm một hình thể; tâm thiện có mười bốn, đó là chín căn trước cọng thêm năm căn như Tín… Nếu hai hình thể thì tâm vô ký có mười, đó là chín căn trước lại cọng thêm một hình thể; tâm thiện có mười lăm, đó là mười căn trước cọng thêm năm căn như Tín…

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là chín, hoặc là mười. Không có hình thể là tám căn, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn. Một hình thể là chín căn, đó là tám căn trước cọng thêm một hình thể. Hai hình thể là mười căn, đó là chín căn trước lại cọng thêm một hình thể.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Lúc ở cõi Dục chết đi-sinh vào cõi Sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là bốn, hoặc là chín; hoặc là chín, hoặc là mười bốn.

Từ từ mạng chung, thì tâm vô ký có bốn, đó là Thân-Mạng-Ý và Xả căn; tâm thiện có chín, đó là bốn căn trước cọng thêm năm căn như Tín…

Nhanh chóng mạng chung, thì tâm vô ký có chín, đó là Nhãn-NhĩTỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý-Xả căn, và Nữ căn-Nam căn tùy theo một căn; tâm thiện có mười bốn, đó là chín căn trước cọng thêm năm căn như Tín…

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Tám căn, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Lúc ở cõi Dục chết đi-sinh vào cõi Vô sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là bốn, hoặc là chín; hoặc là chín, hoặc là mười bốn.

Nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Ba căn, đó là Mạng-Ý và Xả căn.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Lúc ở cõi Sắc chết đi-sinh vào cõi Sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là mười ba. Tâm vô ký có tám, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn; tâm thiện có mười ba, đó là tám căn trước cọng thêm năm căn như Tín… Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Tám căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Lúc ở cõi Sắc chết đi-sinh vào cõi Dục, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là mười ba, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là chín, hoặc là mười, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Lúc ở cõi Sắc chết đi-sinh vào cõi Vô sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là mười ba, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Ba căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Lúc ở cõi Vô sắc chết đi-sinh vào cõi Vô sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là ba, hoặc là tám. Tâm vô ký có ba, đó là Mạng-Ý và Xả căn; tâm thiện có tám, đó là ba căn trước cọng thêm năm căn như Tín…

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Ba căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Lúc ở cõi Vô sắc chết đi-sinh vào cõi Dục, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là ba, hoặc là tám, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hoặc là tám, hoặc là chín, hoặc là mười, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Lúc ở cõi Vô sắc chết đi-sinh vào cõi Sắc, có mấy căn diệt?

Đáp: Hoặc là ba, hoặc là tám, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào diệt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Mấy căn hiện rõ trước mắt? Đáp: Tám căn, nói như trước.

Hỏi: Tâm-tâm sở hệ thuộc nơi nào hiện rõ trước mắt?

Đáp: Hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Lúc A-la-hán nhập Niết-bàn, có mấy căn diệt cuối cùng?

Đáp: Hoặc là bốn, hoặc là chín; hoặc là tám, hoặc là ba.

Cõi Dục từ từ nhập Niết-bàn thì có bốn, đó là Thân-Mạng-Ý và Xả căn; nhanh chóng nhập Niết-bàn thì có chín, đó là Nhãn-Nhĩ-TỷThiệt-Thân-Mạng-Ý-Xả căn, và Nữ căn-Nam căn tùy theo một căn. Cõi Sắc có tám, đó là Nhãn-Nhĩ-Tỷ-Thiệt-Thân-Mạng-Ý và Xả căn. Cõi Vô sắc có ba, đó là Mạng-Ý và Xả căn.

Hỏi: Bởi vì nhân duyên gì mà tất cả hữu tình mạng chung tiến vào thai mẹ nhất định phải trú trong Xả thọ?

Đáp: Ở trong năm Thọ không có hành tướng nào mờ mịt yếu kém như Xả thọ, ở trong mười giai đoạn không có lúc nào mờ mịt yếu kém như lúc chết và lúc sinh, cho nên trú trong Xả thọ mà mạng chung và tiến vào thai mẹ.