HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

IV. HỌC PHẬT TAM YẾU

(1)  Tín nguyện, từ bi và trí tuệ.

Phật pháp vô cùng cao sâu, vô cùng rộng lớn! Quá sâu, quá rộng. Những người bình thường mò mẫm không thấy rõ cửa vào, lối đi. Quả thật không biết bắt đầu tu tập từ chỗ nào. Thế nhưng, Phật pháp không phải là hỗn tạp không có đường hướng, mà tự nó có một tông yếu nhất quán, thứ tự rõ ràng không hỗn loạn. Các bậc thánh xưa nay nói: “Tất cả pháp môn, dù là phương tiện, hoặc là cứu cánh, hoặc là phương tiện trong phương tiện, cứu cánh trong cứu cánh, không có pháp nào là không dẫn đạo hành giả tiến nhập Phật thừa. Hoặc là hồi tà hướng chánh (pháp Ngũ thừa), hoặc là từ sự trói buộc đạt đến giải thoát (pháp Tam thừa), hoặc là hồi Tiểu hướng Đại (pháp Nhất thừa). Những sự kiện này đều là do “đại sự nhân duyên”, tùy thuận căn tánh của chúng sanh mà nói cạn nói sâu, nói ngang nói dọc, cho nên từ lập trường học Phật mà nói, tất cả pháp môn đều có thể là lịch trình tu học của Bồ tát, là chánh đạo Bồ đề để thành Phật.

Do vì thời tiết nhân duyên không đồng (Hán: thời đại tính), không đồng căn tánh, tập quán, thời thượng, v.v…, nên phương pháp tu học thích ứng chúng sinh khó mà tránh khỏi có ngàn muôn sự khác biệt. Thế nhưng, nếu từ các phương pháp bất đồng tiến sâu thực chất, tức sẽ hiểu rõ rằng: Phật pháp quyết chắc không có trăm ngàn sự khác biệt, mà có thể dùng “tam cú nghĩa” để hàm nhiếp tất cả, thống nhiếp để hội quy về “nhất đạo.” Không chỉ “Nhất đại thừa” như vậy, mà Ngũ thừa và Tam thừa cũng đều như vậy. Cho nên hiện nay đặt tên “Học Phật Tam Yếu” tức là ba con đường tâm yếu cho sự học Phật, hoặc Tam Đại Cương Yếu thống nhiếp tất cả pháp môn học Phật.

Thế nào là “Tam Yếu”? Như Kinh Đại Bát Nhã nói: “Tất cả Nhất thiết trí trí tương ưng tác ý, Đại bi là thượng thủ, Vô sở đắc là phương tiện.” Kinh Đại Bát Nhã chú trọng đến việc giải thích chi tiết sự học hành của Bồ tát. Bồ tát cần phải học tập tất cả pháp môn, nhưng tất cả pháp môn (không ngoài phạm vi tu phước tu tuệ) đều cần phải y vào Tam cú nghĩa này để tu học. Tất cả y vào đây mà tu học, tất cả sự tu học cũng là để thành tựu ba đức này. Cho nên đây mới thực sự là “tâm can” (tim gan) của sự học hành của Bồ tát. Người xưa nói rất hay: “Mất nó (Tam yếu) thì Tám vạn pháp tạng tối tăm như đi trong tối, được nó (Tam yếu) thì Mười hai bộ kinh sáng tỏ như đối diện mặt trời.”

(A) Nhất thiết trí trí, hoặc còn gọi là Vô thượng Bồ đề, tức là Phật quả cứu cánh viên mãn dùng Chánh giác là căn bổn. Vô thượng Bồ đề xác thực có đức tướng thù thắng, vô biên đức dụng. Tin vào Vô thượng Bồ đề mà sinh khởi “nguyện nhạo” (ý nguyện ưa thích) Vô thượng Bồ đề, phát tâm cầu chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Sự tương ưng tác ý của Nhất thiết trí trí tức là Bồ đề tín nguyện – Một tên gọi khác của Bồ đề tâm.

(B) Đại bi, nói đơn giản là Bi, nói trung trung là Từ bi, nói đầy đủ là Từ bi hỷ xả. Thấy chúng sinh đau khổ mà nghĩ đến việc độ họ ra khỏi sự đau khổ là Bi; thấy chúng sinh không có phước lạc mà nghĩ đến việc thành tựu phước lạc cho họ gọi là Từ. Tất cả những sự tu học của Bồ tát đều là từ tâm Từ bi mà xuất phát, dùng Từ bi làm tiền đề. “Bồ tát chỉ từ Đại bi mà sinh, không từ các pháp thiện khác mà sinh.” Nếu không có tâm Từ bi, tất cả sự tu tập phước đức trí tuệ đều không được xem là Bồ tát hạnh. Cho nên tâm (Đại) từ bi, thực sự là tâm chủ yếu của Bồ tát hạnh.

(C) Vô sở đắc là trí tuệ Bát nhã, đây tức là chân (thắng nghĩa) Không kiến, không chấp trước vào tất cả tướng. Cái Không tuệ được thai nghén trưởng thành bởi bi nguyện, không phải là một sự “trầm không trệ tịch” (chứng Niết bàn của Tiểu thừa), mà là đại phương tiện thiện xảo. Có được (đại thiện xảo này) thì mới có thể hoàn thành hạnh từ bi, mới có thể thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề. Cho nên ba câu này: “Bồ đề nguyện, Đại bi tâm, và Tánh không tuệ”, là nội dung chân thực của Bồ tát đạo, là công đức chân thật để Bồ tát sở dĩ trở thành Bồ tát.

Từ sự đặc biệt thù thắng của Bồ tát hạnh mà nói, Đại bồ đề nguyện, Đại từ bi tâm, Đại bát nhã tuệ, đều siêu vượt tất cả hàng nhân thiên và Nhị thừa. Thế nhưng, từ sự hàm nhiếp tất cả thiện pháp mà nói, thì trong Nhân thiên hạnh, “mong làm thánh, mong làm thiên (trời)” là sự hâm mộ đối với “chân thiện mỹ.” Trong Nhị thừa hạnh, là lòng ưa muốn Chánh pháp hướng đến Niết bàn (Bồ đề), là tâm xuất ly. Còn Bồ tát hạnh tức là Đại bồ đề nguyện. Lại nữa, Nhân thiên hạnh là “chúng sinh duyên từ”; Nhị thừa hạnh là “pháp duyên từ”, Bồ tát hạnh tức là “vô sở duyên từ.” Lại nữa, Nhân thiên hạnh là “trí tuệ thế tục”,  Nhị thừa hạnh là “trí tuệ thiên chân”, Bồ tát hạnh là “trí tuệ vô phân biệt.” (Vô phân biệt căn bổn trí và Vô phân biệt hậu đắc trí). Từ tâm hành khởi lên bởi cảnh giới mà nói, vô cùng khác biệt; nhưng từ tánh chất của tâm hành mà nói, điều này không ra ngoài: tín nguyện, từ bi và trí tuệ. Cho nên ba đạo tông yếu của Bồ tát hạnh siêu thắng tất cả, lại hàm dung tất cả pháp thiện thế gian và xuất thế gian. Tất cả đều hội quy về Bồ tát hạnh.

Chúng ta phát tâm học Phật, bất luận tại gia, xuất gia đều phải từ tâm hạnh Bồ tát mà tu học, học Bồ tát hạnh thì mới thành Phật. Công đức chân thực của Bồ tát hạnh tức là ba đại tâm yếu đã được đề cập đến. Chúng ta phải nên phản tỉnh tự hỏi mình: Chúng ta đã học tập rồi chưa? Chúng ta đã hướng đến ba phương diện này để tu học rồi chưa? Nếu chưa học thì có được kể là Bồ tát Đại thừa hay không? Chúng ta cần phải cảnh sách chính mình, hướng về Bồ tát mà mong được như các ngài!

(2) Nho, Chúa, Phật.

Tông yếu của sự học hành của Bồ tát là Đại thừa tín nguyện, từ bi và trí tuệ. Đây là y cứ trên bổn năng của nhân tâm mà tịnh hóa, thâm hóa, cho nên cũng có nhiều ít sự tương tự với thế gian. Thế nhưng, mọi người thường hay chấp vào một sự kiện mà cho là tất cả (Hán: chấp nhất khái toàn), hoặc được đây mất kia, không thể đầy đủ một cách hoàn mỹ. Điều này có thể từ các tôn giáo như Nho, Chúa, v.v…, mà so sánh quán sát.

Nho giáo, đại biểu cho văn hóa cố hữu của Trung Quốc, cho rằng bộ ba: “trí, nhân, dũng” là Tam đạt đức, là đức tánh cộng thông cho sự hành đạo (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) của nhân loại.

Nói đại khái, “trí” gần với trí tuệ, “nhân” gần với từ bi, “dũng” gần với tín nguyện. Trong Phật pháp nói: “Tín là chỗ nương tựa của dục, dục là chỗ nương tựa của cần (tinh tiến).” Y vào tín tâm chân thiết, ắt sẽ dẫn khởi nguyện dục chân thành, có nguyện dục chân thành, tự nhiên sẽ sinh khởi sự thực hành dũng mãnh tinh tiến. Do tín dẫn đến nguyện, do nguyện dẫn đến dũng tiến, là sự phát triển nhất quán để phát sinh lực lượng. Tinh tiến dũng mãnh, tuy biến khắp tất cả thiện hạnh, nhưng  vẫn phải từ sự dẫn phát của tín nguyện. Nho gia quá phần chú trọng đến nhân hạnh tầm thường, thiếu sự tưởng tượng phong phú, cho nên dũng đức cũng không được phát huy toàn diện. Do vì “mong làm hiền”, “mong làm thánh”, do vì “thiên lý”, “lương tâm”, do vì “sợ thiên mệnh”, “sợ thánh nhân”, “sợ lời nói của bậc đại nhân”, từ những tín nguyện này mà đưa đến “biết liêm sĩ gần với dũng”, khó mà phổ cập đến giai cấp bình dân, mà cũng không thể so với thế lực mạnh mẽ của sự “mong là trời”, “nguyện thành Phật đạo”. Trong Nho văn, dân tộc Trung quốc, dưới sự huân đào (trui luyện) của Lý học (Nho học đời Triệu Tống) phục hưng, càng lúc càng trở nên suy nhược. Không thể từ trong tín nguyện mà sách phát “dũng đức”, thiếu sự kiên nhẫn, cường nghị, lòng tha thiết với sinh tử. Bất luận từ sự phát dương nhân tính, hoặc phục hưng dân tộc (Trung quốc) mà nói, đối với sự kích phát tín nguyện chân thiết nhưng xem trọng dũng đức, đây là điều trước tiên mà các nhà Nho cần phải chú ý.

Đại biểu cho tinh thần cận đại của Tây phương là đạo Thiên chúa (và Tin lành) cũng có Tam yếu là: tín, vọng, ái. Đạo Thiên chúa lấy thần làm căn bổn, tín ngưỡng thần. Nhân vì tín ngưỡng thần nên có hy vọng, nhân vì thần ái (thương) nhân loại, nên tự kỷ (bổn thân tín đồ) cũng ái nhân loại. Tất cả đều dùng thần làm chỗ xuất phát, đương nhiên so với Phật giáo có sự khác biệt rất xa. Thế nhưng, nói tổng quát, tín và vọng cũng giống như tín nguyện; ái gần với từ bi. Chỗ mà đạo Thiên chúa thiếu sót là trí tuệ. Tuy nhiên hiện tại cũng treo chiêu bài là “tín ngưỡng hợp lý”, “tín ngưỡng lý tính”, thế nhưng, trong các tôn giáo, bổn chất của đạo Thiên chúa là không chú trọng lý trí. Adam và Eva ăn cắp trái cấm, cái nhìn trở nên sáng suốt, đại biểu cho sự tự giác của nhân loại, sự khai triển của trí thức. Dưới cái nhìn của thần giáo, đây là tội ác, là căn nguyên của sự tử vong. Đạo Thiên chúa và văn minh chính thống của Tây phương, do vì sự tiến triển trí thức, sự thành tựu huy hoàng của khoa học, đã bắt đầu dao động mạnh mẽ. Khoa học và thần giáo phân ly (Hán: thoát tiết), sản sanh đầy dẫy những tâm tình (Anh: sentiment) tôn giáo, nhưng lại tiến hành những chánh trị bạo hành triệt để phản tôn giáo. Từ đức tính của nhân loại mà nói, từ tiền đồ của Trung quốc và thế giới mà nói, đức tính thiên vị của đạo Thiên chúa, nếu như không được triệt để cải tạo, sẽ khó mà trường tồn trong tâm thức của một nhân loại đang tiến bộ.

Trong Phật giáo, Thanh văn hạnh mà đức Như Lai đã phương tiện giáo hóa, tâm từ bi không tránh khỏi sự bạc nhược. Có những tín hành nhân xem trọng tín (nguyện), có những pháp hành nhân xem trọng trí tuệ, nhưng lại không có bi hành nhân xem trọng (từ) bi. Điều này hoàn toàn tương phản với đạo Thiên chúa.  Đạo Thiên chúa xem trọng tín, ái, nhưng lại thiếu trí tuệ; Thanh văn hạnh xem trọng tín, trí, nhưng không đủ từ bi. Đây là điều thiên lệch mà không viên mãn hoàn bị. Đại thừa Bồ tát hạnh là sự đại biểu viên mãn mà lại cứu cánh, dùng ba giáo nghĩa làm tông bổn cho sự học hành của Bồ tát, đây là một định luận không còn có thể nghi ngờ. Nhà Nho tuy không đủ thâm sâu rộng lớn, nhưng tinh thần của Tam đạt đức cũng rất giống Bồ tát hạnh. Tịnh độ tông của Phật giáo Đại thừa Trung quốc (ít nhiều phát xuất từ Ấn độ, nhưng thực sự hoàn thành ở Trung quốc), cũng có Tam yếu: tín, nguyện, hạnh. Trình tự của tín, nguyện, hạnh, thật ra là y vào tín mà khởi nguyện, y vào nguyện mà siêng năng tu tập. Hạnh là siêng tu, không có hàm nhiếp từ bi và trí tuệ. Một số hành giả Tịnh độ, chuyên dùng miệng xưng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” làm hạnh, không chịu tu trí tuệ và hạnh từ bi, thì phải đợi rất dài lâu mới trở lại Ta bà. Từ tông yếu Đại thừa mà nhìn, đây là do sự phát huy độc đáo nhưng thiên lệch, bỏ quên tánh chất hoàn chỉnh của chánh đạo Đại thừa. Tịnh độ tông truyền đến Nhật bổn, là một quốc gia thần giáo điển hình, vì muốn thích ứng với họ nên đã dung hóa thành Tịnh độ Chân tông, chủ trương nương tựa vào tín nguyện để vãng sanh, ngay cả trì danh cũng không quan trọng. Sự kiện này so với “tin thì được cứu” của đạo Thiên chúa vô cùng tương cận. Thế nhưng, chúng ta cần phải biết, tông yếu của Bồ tát hạnh là sự tổng hòa điệu hoàn chỉnh của tín nguyện, từ bi và trí tuệ.

(3)  Nhập môn, đăng đường, nhập thất.

Tam yếu của sự học hành của Bồ tát, không thể xem trọng cái này mà xem nhẹ cái kia. Nhưng lúc bắt đầu học Phật, không ngại từ một môn (hoặc hai môn) mà tiến vào. Có người ưa thích nghiên cứu triết học, tâm lý học, luận lý học, mà tiếp xúc với Phật pháp, nhận thức sự thâm sâu chánh xác của Phật pháp mà phát tâm học Phật, đây là từ cửa trí tuệ mà tiến nhập. Có người ưa thích sự nghiệp phước lợi cho xã hội, ưa làm việc thiện, tiếp cận với nhân sự của Phật giáo, tán ngưỡng sự từ bi của Phật pháp, và nhân đây mà phát tâm học Phật, đây là từ cửa từ bi mà tiến nhập. Có người tôn sùng, tín ngưỡng công đức bất khả tư nghì của Tam bảo, hoặc do sự cảm ứng của chư Phật Bồ tát, nhân đây mà phát tâm học Phật, đây là từ của tín nguyện mà tiến nhập. Những hành giả sơ học từ nhiều phương diện khác nhau mà đến với Phật pháp, đều là do căn tánh khác nhau của chúng sanh. Nói đại khái, hành giả căn tánh “tham” từ của từ bi mà tiến nhập, hành giả căn tánh “sân” từ cửa trí tuệ mà tiến nhập, hành giả căn tánh “si” từ cửa tín nguyện mà tiến nhập.

Thế nhưng, sau khi tiến nhập cửa Phật, tu học Phật pháp, không thể vĩnh viễn đình trệ ở giai đoạn ban đầu này. Nếu như học Phật đã lâu, mười năm, hai mươi năm mà cứ cố chấp một môn như buổi đầu, thì có thể sẽ phát sinh hậu quả không tốt. Như trong pháp Thanh văn, có “tín hành nhân” xem trọng tín, có “pháp hành nhân” xem trọng trí, thì đây cũng chỉ là căn tánh bất đồng, chứ không phải nhất định là có “tín” thì không có “trí”, hoặc có “trí” thì không có “tín.” Kinh Đại Bát Niết BànLuận Đại Tỳ Bà Sa đều nhất trí cho rằng: “Có tín mà không có trí, tăng trưởng ngu si; có trí mà không có tín, tăng trưởng tà kiến.” Nếu như chỉ nương tựa vào tín ngưỡng mà không tìm cầu sự hiểu biết thâm sâu, không tu trí tuệ, đối với đối tượng tín ngưỡng là Tam bảo, hoặc pháp môn đang học, mà lại mơ hồ, thì sẽ không đạt được sự lợi ích chân thật của sự học Phật. Những người theo đường lối tu học như vậy, trong tâm mục của họ, tin Phật và sùng bái quỷ thần không có gì khác biệt bao nhiêu. Đây chẳng qua là một loại tín ngưỡng ngu si – mê tín. Hiện nay giới Phật giáo Trung quốc, hầu hết là theo đường hướng này. Còn như có “trí” mà không có “tín”, thì lại càng nguy hiểm! Ngài Long Thọ nói: “Không có cơ sở của tín và giới, mà lại tưởng tượng cố chấp vào không, thì đây là tà không.” Đem tà kiến để giảng nói về không, bài bác nhân quả, đây đều là do tự cho mình là thông minh, đối với công đức thành tựu của Tam bảo không thể sinh khởi lòng tin thanh tịnh. Sự lỗi lầm của mê tín còn ít, còn như tà kiến sẽ khiến cho bị đọa địa ngục. Do đây mà thấy rằng nhất định cần phải song tu “tín” và “trí”, không thể bỏ phế một bên. Lại như trong Đại thừa có Bồ tát tín tăng thượng, Bồ tát bi tăng thượng, nhưng cũng chỉ là tăng thượng mà thôi. Nếu như có trí mà không có bi, hoặc có bi mà không có trí, trên căn bổn, đều không trở thành Bồ tát hạnh. Mà ngay cả trong trường hợp “bi trí song tu”, nếu như từ bi công đức chưa đủ, mà lại hấp tấp cầu “trí chứng”, cầu giải thoát, thì nhất định sẽ đọa lạc vào hàng ngũ Tiểu thừa. Nếu như từ bi tâm tha thiết, nhưng trí tuệ không đủ, trong quá trình tu học của Bồ tát, sẽ trở thành Bồ tát bại hoại, thoái lui vào hàng ngũ ngoại đạo. Bởi vì nếu không dùng “vô sở đắc” làm phương tiện, thì Bồ tát hạnh sẽ không thành tựu. Cho nên, mới vào cửa Phật, tuy có thể từ một cửa mà vào, thế nhưng, nếu nghĩ tưởng đến việc “đăng đường nhập thất”, học chánh hạnh của Bồ tát, cần phải cùng học cả ba. Ba pháp môn này hỗ tương trợ thành, hỗ tương xúc tiến, dần dần dẫn đạo hành giả tiến nhập các giai vị cao hơn. Đợi đến lúc thâm nhập trình độ  thâm áo cứu cánh, ba pháp môn này không còn là khác, mà là nhất vị viên mãn, không lệch về bên nào, không còn thiếu thốn bất cứ pháp nào. Đây hoặc gọi là Đại bồ đề, hoặc gọi là Đại niết bàn, tức là cứu cánh thành Phật.

Hoặc giả, có người cho rằng: Phật pháp không ngại nhất môn thâm nhập, đâu cần nhất định phải tu ba pháp cùng một lúc? Đây là mọt sự sai lầm! Nếu như quả thật có thể nhất môn thâm nhập, thì phải hiểu rõ tính tương quan của tất cả công đức, tính hoàn chỉnh của sự tương trợ tương thành. Nhất môn thâm nhập chỉ có nghĩa là từ một môn mà xuất phát, dùng một môn này làm trọng tâm mà thống nhiếp tất cả, chắc chắn không phải là xả bỏ không tu những công đức khác. Chúng ta học Bồ tát hạnh, cầu thành Phật quả, chẳng lẽ chư Phật Bồ tát có tín không có trí, có trí không có bi hay sao? Phật là một tôn xưng của “tất cả công đức viên mãn”, chúng ta học Phật, cũng phải nên dùng sự sùng cao viên mãn của Phật đức là lý tưởng để thăng tiến tu học.

(4)  Phát tâm, tu hành, chứng đắc.

Chân phát Bồ đề tâm, chân tu Bồ tát hạnh, đối với con đường trọng yếu của Đại thừa như: tín nguyện, từ bi, trí tuệ, mặc dù có sự thiên trọng, nhưng cũng cần phải đầy đủ. Bởi vì tách rời khỏi tín nguyện của Đại thừa, thì cũng sẽ gần giống như nhân và trí của nhà Nho. Tách rời khỏi từ bi của Đại thừa, thì cũng sẽ giống như “tín”, “trí” của Thanh văn. Tách rời khỏi “trí tuệ” của Đại thừa,thì đại khái cũng gần giống như “tín”, “ái” của đạo Thiên chúa. Chân chánh có thể đạt được chân đế của Đại thừa, trở thành pháp môn vô thượng của nhân gian, thì chỉ riêng có Bồ tát hạnh của Đại thừa: sự tổng hòa hợp của tín nguyện, từ bi và trí tuệ, từ sự tương trợ tương thành (của ba pháp này) mà đạt đến viên tu viên chứng.

Ba sự kiện này không thể thiên trọng, khiếm khuyết, mà trong quá trình tu học, có một thứ tự tiến tu nhất định, từ sự nhấn mạnh pháp này, mà tiến hướng nhấn mạnh pháp kia, nhất định phải biết thứ tự trước sau. Nếu như chỉ biết khoa trương bàn luận viên dung, tất cả chỉ là nói cho sướng miệng, trên thực tế không thành tựu được điều gì. Lịch trình của Bồ tát đạo, kinh luận bàn đến rất nhiều, đại thể có thể phân làm hai đường: bát nhã đạo và phương tiện đạo. Phàm phu bắt đầu học Bồ tát hạnh, trước tiên cần phải phát Bồ đề tâm. Phát Bồ đề tâm thì mới có thể tiến nhập học trình của Bồ tát, đây là chú trọng đền tín nguyện. Sau khi phát tâm, tiến nhập giai đoạn tu hành. Bồ tát hạnh lấy sự lợi tha làm chủ yếu, tu tập tất cả phước đức trí tuệ, nhất quyết không phải chỉ là cho chính mình. Đây là chú trọng đến từ bi. Đợi đến khi tu lương phước đức trí tuệ đầy đủ, bi và tuệ bình đẳng, thì mới có thể trí chứng pháp tính bình đẳng, đây là chú trọng đến Bát nhã (vô sanh pháp nhẫn). Phần trên là quá trình tiến tu Bồ tát Bát nhã đạo: phát tâm, tu hành, chứng đắc. Chứng nhập Không tính của Bát nhã đạo, trong sự tiến tu của Bồ tát đạo, tức là sự phát tâm của phương tiện đạo. Đây là thắng nghĩa Bồ đề tâm, tín và trí hợp nhất, gọi là “chứng tịnh.” Từ đây về sau, Bồ tát chuyên trọng đến việc độ chúng sanh, trang nghiêm quốc độ, chuyên trọng đại hạnh từ bi mà không tách rời trí tuệ. Đến lúc viên mãn, chứng đắc cứu cánh Vô thượng Bồ đề — nhất thiết trí trí. Đây cũng có thể gọi là sự chứng đắc của trí. Đây là lịch trình tiến tu của phương tiện đạo: phát tâm, tu hành, trí chứng. Kết hợp hai đạo (Bát nhã, phương tiện), tổng cộng có năm giai vị. Đây là trình tự tiến tu tất nhiên của Bồ tát, đáng cho chúng ta những người học Bồ tát hạnh phải ghi nhớ sâu xa.

Lịch trình nhị đạo ngũ vị này, có thể tổng hợp làm ba: vị đầu tiên là phát tâm, ba vị kế là tu hành (từ bi hành đến trí hành, lại từ trí hành đến bi hành), vị cuối cùng là chứng quả. Thế nhưng, nói một cách đầy đủ, đây là quá trình từ phàm phu đạt đến Phật quả, là sự thâm hóa (càng lúc càng sâu), tịnh hóa không ngừng của ba đức để đạt đến viên mãn. Phàm phu vốn là “bổn vị ý dục” (tức là ngu si, hư vọng, hữu lậu, tạp nhiễm). Từ địa vị phàm phu phát khởi tín nguyện, xuyên qua từ bi mà nhập thánh trí. Thánh trí cũng là tín nguyện của các bậc thánh (tịnh thắng ý nhạo), đây là xuyên qua sự tịnh hóa của sự huân tu bi hạnh, trí hạnh, đạt đến tín trí hợp nhất, đây là tín nguyện của Bồ tát.

Y vào tín nguyện (thanh tịnh nhưng chưa thuần) của Bồ tát, tiếp tục huân tu từ bi quảng đại, trí tuệ dung thông, viên chứng Nhất thiết trí trí, cũng tức là tín nguyện cứu cánh thuần tịnh. Đây mới là đạt đến sự viên mãn cứu cánh của trí tuệ, từ bi và tín nguyện. Từ địa vị phàm phu, phát tâm học Bồ tát hạnh, vô hạn thâm sâu rộng lớn, nhưng thực sự là chỉ dùng ba pháp này làm tông yếu của sự tu hành.

(5) Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh.

Tín nguyện, từ bi, trí tuệ là tông yếu của Bồ tát hạnh. Các loại tu tập vô lượng pháp môn, tức là sự tiến tu của ba tông yếu này. Điều này phi thường sâu rộng, hiện nay đối với hành giả sơ học, nói về phương tiện tu tập sơ khởi. Niệm Phật, ăn chay và tụng kinh, hầu như là sự tu trì chủ yếu của các tín đồ Phật giáo ở Trung quốc, mà thật ra đây cũng là một phương tiện sơ khởi của Bồ tát hạnh.

Ý nghĩa và lực dụng của sự niệm Phật, đương nhiên không phải chỉ có một khía cạnh, thế nhưng chủ yếu là sự kích phát tín nguyện. Tín nguyện của Bồ tát, là phát Bồ đề tâm, tác ý tương ưng với “nhất thiết trí trí.” Phát khởi tín nguyện Vô thượng Bồ đề không phải là điều dễ dàng. Vô thượng Bồ đề là cảnh giới viên chứng của Phật. Đức Phật là bậc thực chứng Vô thượng Bồ đề, tức là viên chứng Nhất thiết trí trí. Đức Phật có vô biên tướng hảo, vô biên oai lực, có tất cả trí tuệ, từ bi (mà tất cả chúng sinh) không thể sánh bằng. Từ lúc tu hành Bồ tát hạnh đến nay, có bao nhiêu công hạnh, công đức tự lợi lợi tha, không thể nói hết được. Sự sùng kính ngưỡng mộ như vậy, mỗi niệm đều lấy Phật (nhân vì đức Phật nói pháp, nhân vì Phật pháp mà có Tăng, tức là đức Phật nhiếp toàn thể Tam bảo) làm nơi quy y kính ngưỡng, lấy Phật là mô phạm lý tưởng cho chúng ta. Tín ngưỡng công đức của ngài, cảm kích lòng từ bi của ngài, từ đó sách phát tín nguyện mà học Phật, điều này có lực lượng rất lớn. Kinh điển Đại thừa rộng nói về niệm Phật, tán thán phát Bồ đề tâm, đều là nhấn mạnh đến điều này. Niệm Phật là niệm công đức của Phật (trí đức, đoạn đức, ân đức), niệm Phật tướng hảo, niệm Phật thực tướng, niệm thế giới thanh tịnh của Phật. Nếu mở rộng phạm vị, như lễ Phật, tán Phật, cúng dường Phật, sám hối trước đức Phật, tùy hỷ công đức của Phật, khuyến thỉnh đức Phật thuyết pháp và trụ thế, đây đều là ý nghĩa rộng của pháp môn Niệm Phật. Luận Đại Trí Độ nói: “Có Bồ tát dùng tín (nguyện) tinh tiến nhập Phật pháp, ưa thích tích tập công đức của Phật.” Đây là Bồ tát tín tăng thượng trong Đại thừa, vì những hành giả này cho nên khai mở “dị hành đạo” riêng biệt. Thế nhưng, dị hành đạo tức là phương tiện của nan hành đạo (trí, bi), cho nên Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa nói: “Hành giả sơ học, tu niệm Phật, sám hối, khuyến thỉnh, v.v…, tâm được thanh tịnh, tín tâm tăng trưởng, từ đây có thể tu các pháp thâm sâu trí tuệ, từ bi, v.v…” Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Chúng sinh mới học pháp này, muốn cầu chánh tín, nhưng tâm khiếp nhược”, do đây dạy họ “chuyên ý niệm Phật”, có thể “nhiếp hộ tín tâm”, không bị thoái thất. Ý nghĩa thứ nhất của niệm Phật là để kích phát tín nguyện, chưa sinh khởi khiến cho sinh khởi, đã sinh khởi khiến cho không mất, tăng trưởng! Niệm Phật là tâm niệm – duyên vào công đức của Phật mà chuyên niệm không ngừng nghỉ, đây là diệu phương tiện để kích phát tín nguyện. Còn như thông thường dùng miệng xưng danh hiệu Phật, thì đây lại là phương tiện của phương tiện.

Ăn chay (Hán: tố thực), cần phải gọi đúng là “không ăn thịt”, đây là truyền thống mỹ đức của Phật giáo Trung quốc. Học Phật, vốn không bắt buộc là không được ăn thịt. Như các tín đồ Phật giáo Nam truyền ở Tích lan, v.v…, hoặc tín đồ Phật giáo ở Tây tạng, Nhật bổn, v.v…, đều ăn thịt. Một số tín đồ Phật giáo Trung quốc lại cho rằng ăn chay là Tiểu thừa, còn Đại thừa thì không câu nệ (vấn đề ăn thịt). Đây là điều sai lầm từ căn bổn. Không ăn thịt là chủ trương đặc biệt của Đại thừa, như trong các kinh

Lăng Già, Đại Bát Niết Bàn, Ương Quật Ma La, v.v… Ý nghĩa và lực dụng của sự ăn chay, đương nhiên có rất nhiều, nhưng điều chủ yếu là trưởng dưỡng từ bi. Như nói: “Ăn thịt là đoạn (dứt) giống Đại bi.” Bồ tát cần phải lợi tế tất cả chúng sinh, cứu khổ tất cả chúng sinh, nhưng hiện nay lại nhẫn tâm giết hại họ, ăn thịt họ, thử hỏi tâm từ bi ở chỗ nào? Bồ tát hạnh dùng từ bi làm căn bổn, cho nên trong pháp Đại thừa, không ăn thịt là kết luận đương nhiên. Không ăn thịt là tiêu cực, phóng sanh là tích cực – cứu hộ sinh mạng chúng sanh, thật sự là phương tiện hạnh để trưởng dưỡng từ bi.

Tụng kinh, tụng kinh mà không cần hiểu sâu xa (ý nghĩa của kinh), tụng một mạch từ đầu trên xuống dưới, cũng là một phương tiện tu hành. Đây cũng có một loại công dụng khác, chủ yếu là tiền phương tiện dẫn sanh trí tuệ. Tu học trí tuệ (chân Bát nhã là sự hiện chứng). Có ba tuệ là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Điều này lại khai mở thành mười chánh hạnh: (1) biên chép, (2) cúng dường kinh điển, (3) lưu truyền, (4) lắng nghe, (5) chuyển đọc, (6) dạy cho người khác, (7) tập tụng, (8) giải thuyết, (9) suy ngẫm, (10) tu tập. Tám hạnh trước đều là văn tuệ và phương tiện của văn tuệ. Như các (trường) tư thục thuở xưa, trước tiên là dạy đọc cho nhuyễn, học thuộc lòng, cũng có thể là phương tiện của văn tuệ (tiến cầu sự hiểu nghĩa).

Tín đồ Phật giáo Trung quốc tu tập pháp môn thông thường: niệm Phật, ăn chay (phóng sanh), tụng kinh, quả đúng là sơ phương tiện của Bồ tát hạnh. Những người tu học thường cho rằng tụng kinh là công đức, ngược lại, khinh thường sự nghiên cứu nghĩa lý, đây tức là đánh mất đi phương tiện của tuệ học. Ăn chay phóng sanh, mặc tình hết sức ăn chay phóng sanh, nhưng đối với bao nhiêu sự khổ bức của nhân gian hiện thực lại ít khi sanh khởi lòng từ bi cứu hộ. Chú trọng đến việc ái hộ chúng sanh, nhưng lại bỏ phế việc cứu hộ nhân loại, điên đảo gốc ngọn, đúng là do không biết ý nghĩa, không thể nuôi dưỡng từ bi. So sánh mà nói, niệm Phật vẫn còn có thể bồi dưỡng tín tâm ít nhiều, nhưng bình thường thì rơi vào mê tín, một số ít lại cầu gấp rút vãng sanh (chết), thực sự, nếu do đây mà có thể sách phát Bồ tát tín nguyện “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh”, dẫn xuất tự lợi lợi tha, đại nguyện tinh tiến vì pháp vì người, quả thật là rất khó! Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh là thắng phương tiện của Bồ tát hạnh, thế nhưng, do vì không cầu trí tuệ, từ bi bạc nhược, thiên trọng tín ngưỡng, khiến cho pháp môn phương tiện thiện xảo đều chưa từng đạt đến công dụng tận cùng. Đây quả thật là căn nguyên của sự bi ai, suy lạc của Phật giáo Trung quốc. Đây không thành Bồ tát hạnh (khó mà nhập môn), không thể thực hiện đại dụng của Phật pháp. Còn không đủ để cứu chính mình, còn nói gì đến việc cứu đời?

Học Phật, học Bồ tát hạnh, cần phải từ những diệu phương tiện này, nhìn rõ mục đích. Chúng ta không phải chỉ vì niệm Phật mà niệm Phật, vì ăn chay mà ăn chay, vì tụng kinh mà tụng kinh. Chúng ta vì muốn kích phát tín nguyện mà niệm Phật, vì muốn trưởng dưỡng từ bi mà ăn chay, vì muốn dẫn sinh trí tuệ mà tụng kinh. Đây là phương pháp, còn mục đích là tiến tu tín nguyện, từ bi, trí tuệ. Cho nên nếu chân thực phát tâm học Phật, học tu Bồ tát hạnh, phải từ trong sự niệm Phật mà sách phát đại nguyện tinh tiến, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Từ trong sự ăn chay phóng sanh, trưởng dưỡng từ bi, thực hiện các loại sự nghiệp phước lợi hữu ích cho nhân thế. Từ sự tụng kinh, tiến thêm một bước nghiên cứu tìm cầu nghĩa lý, dẫn phát trí tuệ. Như vậy thì mới có thể tận dụng lực lượng của sơ phương tiện, đặt định vững chắc cơ sở đầu tiên cho Bồ tát học. Đây chẳng qua chỉ là bước chân đầu tiên, “đường dài ngàn dặm, bắt đầu bằng một bước chân.” Pháp môn sâu rộng vô biên, cần phải từ bước đầu này mà thẳng tiến!