HỌC ĐẠO TRONG ĐỜI
Nguyên Minh

Hình sắc là giả tạm

Trong kinh Kim Cang, đức Phật từng dạy rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

Tạm dịch:

Dùng hình sắc thấy Ta,
Lấy âm thanh cầu Ta,
Ấy người theo tà đạo,
Không thấy được Như Lai.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta thường xem đây như những lời dạy rất cao siêu và chỉ dành cho những bậc tu hành thoát tục, thường xuyên quán chiếu sâu trong thiền định. Theo sự giảng dạy trong kinh Kim Cang nói riêng, trong văn hệ Bát-nhã nói chung, thì hình sắc và âm thanh chỉ là những giá trị giả tạm, huyễn ảo không thật, nên bản chất tối hậu của thực tại không nằm ở những giá trị đó. Vì vậy, đức Phật dạy rằng những ai muốn thông qua các giá trị hình sắc hoặc âm thanh để thấy được, nhận biết được bản chất rốt ráo của thực tại đều là đã chọn sai phương thức, đã đi lạc vào “tà đạo” và do đó không thể đạt đến mục tiêu thấy biết Như Lai.

Đối với những người bình thường như chúng ta, khi nhận hiểu ý nghĩa trên theo một cách gần gũi hơn với cuộc sống phàm tục này, thì những giá trị âm thanh, hình sắc hay vật chất nói chung không nên được xem là yếu tố quyết định để nhận thức về sự việc, về con người. Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta vẫn thường thấy không ít người chạy theo các giá trị vật chất hoặc hình thức bên ngoài, cũng như dựa vào chúng để nhận thức, đánh giá về người khác. Như một hệ quả tất yếu, điều này sẽ dẫn đến làm mờ nhạt đi những giá trị tinh thần chân chính như đạo đức hoặc tình cảm… Một khi đã nhận thức sai lầm như vậy thì người ta cũng dễ dàng có những hành vi ứng xử sai lầm, và đời sống gia đình cũng như cộng đồng sẽ do đó mà không có được sự an vui, hạnh phúc chân thật.

Vì sao vậy? Đơn giản là vì hạnh phúc chân thật không bao giờ có được từ sự thỏa mãn vật chất hay các giá trị hình thức, mà chỉ có được khi chúng ta đạt đến một nội tâm an ổn, vững chãi. Khi nhận thức về người khác thông qua các giá trị bên ngoài, điều tất nhiên là chúng ta cũng sẽ rơi vào khuynh hướng ứng xử theo cách để thỏa mãn với các giá trị đó, thay vì là chú ý đến một nội tâm an bình của bản thân ta cũng như đối tượng mà ta giao tiếp. Ngược lại, khi biết chú trọng đến các giá trị tinh thần chân chính, ta sẽ ít quan tâm hơn đến những giá trị hình thức bên ngoài, và hệ quả của việc này là chúng ta có sự nhận biết đúng thật hơn về đối tượng giao tiếp. Điều này đưa đến sự cảm thông sâu sắc hơn cũng như những khuynh hướng ứng xử tốt đẹp hơn giữa đôi bên, và điều đó tất yếu sẽ giúp chúng ta có được sự an ổn, vui sống hơn.

Một đạo hữu ở Seattle (WA) chân thành chia sẻ với tôi: “Nếu mình thương yêu một người, rồi hình dung làn da xinh đẹp của người ấy đột nhiên biến dạng đi trở thành xấu xí, ghê tởm, hoặc mình hình dung những gì nằm bên dưới làn da ấy, liệu mình có còn thương yêu được như trước nữa chăng? Như vậy, liệu mình đã thực sự thương yêu những gì nơi người ấy?”

Suy ngẫm như trên đưa chúng ta đến một nhận thức đúng thật hơn về giá trị của con người, trong đó nhất thiết phải bao gồm và thậm chí cần được chú trọng hơn là những giá trị tinh thần như đạo đức, tình cảm… Một con người có dáng vẻ bên ngoài thật mỹ miều xinh đẹp có thể sẽ thu hút sự chú ý của chúng ta ngay từ thoáng nhìn đầu tiên, nhưng nếu chúng ta thực sự dành tình cảm chân thật của mình cho người ấy, thì liệu có phải chỉ đơn thuần là do cái dáng vẻ bên ngoài đó hay chăng? Nếu bên dưới lớp vỏ ngoài xinh đẹp kia là cả một nội tâm hoang hóa chưa từng được tu dưỡng, thuần phục, và do đó đang chứa đầy những sân hận, tham lam, ganh ghét, đố kỵ… thì hạnh phúc nào sẽ có thể mang đến cho nhau? Vì thế, một người khôn ngoan chắc chắn sẽ không thể chỉ dựa hoàn toàn vào vẻ ngoài để nhận thức, đánh giá về người khác.

Cho dù là khi chúng ta đang tìm chọn một người hợp tác trong công việc hay chỉ đơn thuần là một người bạn để chia sẻ buồn vui, việc nhận thức đúng về người ấy vẫn luôn là điều quan trọng, bởi nó sẽ quyết định chặng đường tiếp theo giữa ta và người ấy sẽ an bình trong tình cảm tốt đẹp hay đầy sóng gió với những mâu thuẫn, xung khắc.

Và nguyên tắc đầu tiên để có một kết quả tốt hơn chỉ đơn giản là đừng bao giờ hoàn toàn dựa vào “âm thanh, hình sắc” để tìm kiếm những giá trị thực sự mà ta đang cần đến. Cho dù chúng ta chưa thể đạt đến mức xem tất cả các pháp hữu vi là “mộng ảo bào ảnh” như trong kinh Kim Cang đã dạy, vì trong cuộc sống thế tục với mọi giá trị còn tương đối này thì âm thanh, hình sắc cũng như mọi giá trị vật chất đều vẫn đang góp phần nhất định, dù là giả tạm, trong bức tranh tổng thể đời sống của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không tỉnh giác trước sự lôi cuốn, chi phối của những giá trị giả tạm bên ngoài ấy, thì điều tất yếu là ta sẽ xao nhãng đi, không chú tâm đúng mức đến những giá trị chân thật có thể giúp ta có được một cuộc sống an vui hạnh phúc.

Dáng vẻ, hình thức bên ngoài là những đối tượng của sự biến hoại theo thời gian. Cho dù chúng ta không mong muốn, hình thể của mỗi người chúng ta đều sẽ thay đổi, già cỗi đi khi thời gian trôi qua. Những khuôn mặt nhăn nheo, những vầng trán đầy nếp nhăn, những mái tóc bạc, làn da không còn trắng mịn… đều là những điều tất nhiên phải đến. Cho nên, nếu chúng ta dựa vào những giá trị đó để xác lập tình cảm với một người khác, thì tình cảm ấy làm sao có thể bền bỉ với thời gian?

Rất nhiều người hiện nay chạy theo hình sắc dáng vẻ bên ngoài đến mức xem đó như yếu tố quyết định cho hạnh phúc của đời mình. Chính từ đó mới thúc đẩy những công nghệ, kỹ thuật “làm giả” nhằm thay đổi vẻ ngoài tự nhiên của một con người. Để có một khuôn mặt đẹp, cái mũi đẹp hay bộ ngực đẹp… nhiều người không ngại đánh cuộc cả sức khỏe và tính mạng. Trong thực tế cũng đã từng có người bỏ mạng vì phẫu thuật thẩm mỹ. Những trường hợp khác, dù có thành công thì hệ quả ngày sau cũng khó lòng biết trước. Phải chăng đó chính là dấu hiệu cho thấy người ta đang quá xem trọng những giá trị hình sắc bên ngoài?

Không ai phủ nhận việc một ngoại hình xinh đẹp mang lại những giá trị chính đáng nhất định trong đời sống. Nhưng đôi khi phần lớn trong ngoại hình đó cũng là xuất phát từ nội tâm, như dáng đi đứng, nét cười, cách nói năng… Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến ngoại hình mà quên đi những giá trị tinh thần thực sự lại là một sai lầm không đáng có, và vì thế thường lạc dẫn chúng ta đến với những quyết định, nhận thức sai lầm. Cho nên, việc tỉnh táo khi tiếp xúc với âm thanh, hình sắc trong cuộc sống sẽ giúp ta có được cuộc sống an ổn hơn, nhận thức đúng đắn hơn và tất nhiên là cũng đưa ra những quyết định ứng xử sáng suốt hơn.

Thế mới biết, đức Phật dạy rằng giáo pháp của ngài sánh như biển lớn. Trong khi biển chứa toàn vị mặn thì giáo pháp của đức Phật chứa toàn vị giải thoát. Đối với những lời dạy hết sức cao siêu mà khéo biết tiếp nhận thì cho dù chưa đạt đến tầm mức cao siêu thoát tục cũng đã có được lợi lạc vô vàn ngay trong cuộc sống trần tục này.

Lần sau, khi nghe lại bài kệ sâu sắc trên trong kinh Kim Cang, hy vọng mỗi người chúng ta sẽ không còn cho đó là quá cao siêu, chỉ dành riêng cho những bậc xuất trần. Hãy xem đó như tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho tất cả mọi người, và dù ta đang ở trong hoàn cảnh nào, sự tỉnh táo sau khi nghe chuông cũng sẽ giúp ta được sống tốt hơn. Những vị thiền sư chân chánh có thể qua bài kệ trên mà liễu sinh thoát tử, nhưng cho dù là kẻ phàm tục như chúng ta nếu có thể tiếp nhận được sự cảnh tỉnh từ đó thì cũng sẽ được phần nào giải thoát khỏi những triền phược rối rắm của cuộc đời.