NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

4. GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ SÁNG

Các bạn trẻ thân mến,
Có khi nào các bạn tự hỏi về cái giá trị đích thực của cuộc sống nầy không ? Có phải các bạn được sinh ra và được nuôi dưỡng để lớn lên đi gây phiền chuốc não cho gia đình và xã hội không ? Chắc chắn không ai trong các bạn lại muốn như vậy ! Tuy nhiên, làm sao để không gây phiền chuốc não cho gia đình và xã hội đây ? Khó lắm các bạn ạ ! Nhứt là trong tình huống hiện tại của các bạn. Các bạn phải lắng nghe ai đây ? Cha mẹ, thầy cô hay bạn bè trang lứa ? Các bạn trẻ thân thương, các bạn đừng hàm hồ cho rằng những lễ giáo cổ truyền Việt Nam đã cổ hủ hoặc sai trái. Nếu cổ hủ hoặc sai trái thì làm gì đất nước ta, dân tộc ta tồn tại và phát triển tới ngày nay. Nếu truyền thống của dân tộc ta mà dỡ, thì làm sao chúng ta chống đỡ và sinh tồn được một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, một trăm năm thống trị của giặc Tây và biết bao nhiêu cuộc nhiễu nhương của các nước láng giềng ? Cha mẹ các bạn đã được sinh ra và lớn lên trong cái truyền thống tốt đẹp ấy, nay tiếp tục giáo dục lại các bạn. Họ chẳng mong các bạn phải đền trả công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Họ chỉ mong các bạn lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của họ. Họ chỉ mong các bạn học hành cho đến nơi đến chốn, để sau nầy thành người hữu dụng cho gia đình, xã hội và đất nước. Còn thầy cô giáo ở trường, cũng là những bậc thay thế cha mẹ, dạy dỗ các bạn. Họ cũng tận tụy hi sinh, những mong thế hệ đàn em đàn cháu có được giáo dục và những hiểu biết cần thiết cho mai hậu. Các bạn nên lắng nghe những bậc nầy lắm vậy ! Riêng về những bạn bè trang lứa, họ cũng như các bạn, lễ giáo đôi khi chưa biết, giáo dục và đức dục đôi khi chưa có. Vì thế cho nên các bạn phải vô cùng cẩn trọng khi lựa bạn mà chơi. Cổ nhân ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Đứng về cả hai mặt, vật lý và tâm lý, câu tục ngữ trên sẽ đúng mãi với thời gian và không gian. Khỏi cần phải nói nhiều, chắc các bạn cũng dư biết, hễ các bạn ở gần chỗ có đèn thì các bạn sẽ thấy không gian nơi đó phải sáng. Ví bằng gần một thùng mực thì ắt hẳn phải là đen. Tương tự, hễ các bạn gần gũi những bạn tốt, một vài ngày chưa học những đức tánh tốt; tuy nhiên, lâu ngày chầy tháng, bạn cũng sẽ có những đức tính tốt như họ. Ngược lại, nếu bạn gần gũi những người hư đốn, bất nhân, bất hiếu, chỉ biết lêu lõng rong chơi, lười biếng không chịu học hành chi cả, không sớm thì muộn, các bạn cũng sẽ như họ. Những mong các bạn hãy lắng lòng nghe lời chỉ dạy của các bậc cha mẹ và thầy cô, để tuổi thanh xuân của các bạn không luống qua trong đau khổ tủi buồn.

Các bạn trẻ thân mến,
Đức Thích Tôn Từ Phụ đã từng dạy : “Hãy lưu tâm đến tha nhân từ hoàn cảnh sống, đến những vui buồn của họ. Lưu tâm để mà thương, để mà tìm cách mang lại hạnh phúc cho họ.” Có khi nào các bạn đã lưu tâm đến cha mẹ của các bạn chưa ? Nếu chưa, xin đề nghị các bạn nên bắt đầu lưu tâm đến những lời ân cần dạy dỗ của họ, thì các bạn sẽ thấy ngay một sự thông cảm tuyệt vời. Vả lại, khi các bạn lắng nghe lời dạy dỗ của họ, họ sẽ sung sướng vô cùng. Xin đề nghị, nếu bạn nào đã từng gắt gỏng khó chịu với mẹ cha, hãy tìm cơ hội mà nói với cha mẹ một câu, một câu thôi : “Cha mẹ thân yêu ơi ! Kể từ giờ phút nầy con sẽ bắt đầu lưu tâm đến những lời dạy dỗ của cha mẹ. Kể từ giờ phút nầy cha mẹ sẽ không còn nghe thấy ở con những gắt gỏng khó chịu nữa đâu. Ngược lại, con của cha mẹ chỉ còn lại những khiêm cung từ tốn, những ái ngữ lợi ngôn mà thôi.” Làm được như vậy, các bạn ơi, từ gia đình đến xã hội đâu đâu cũng là hạnh phúc. Mong lắm các bạn ạ !