NHÂN SINH YẾU NGHĨA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Thích Minh Định dịch

Bạn Có Nghĩ Chân Chánh Tu Hành Chăng?

Giảng tại Vạn Phật Thánh Thành Ngày 5 tháng 2 năm 1975

Hiện tại chính là thời kỳ mạt pháp, pháp đã đến đoạn cuối của nó. Phần đông không chú trọng vào sự tu hành, mà chuyên môn hưởng thụ, dụng công phu trên danh văn lợi dưỡng. Người tu hành chân chánh như là lông phụng sừng lân, như vàng lộn trong cát.

Ðặc biệt ngày nay có rất nhiều người xuất gia, vì không thoả mãn hiện thực, hoặc vì lý do không chánh đáng, trốn vào “cửa không”, sau đó lại không chịu được đời sống thanh tu, cảm giác khô héo vô vị, cho nên nhiều người đã trở về đời sống thế tục. Việc này đối với chánh pháp thì phát triển. Than ôi! Sự trở ngại rất trầm trọng, phải xem trọng việc xuất gia là sinh tử đại sự, không thể xem như trò chơi trẻ con. Cho nên việc xuất gia là đại trượng phu, chẳng phải là tầm thường ai cũng làm được. Ðược xuất gia tu đạo là do căn lành tích lũy trong kiếp trước mà thành, chẳng phải căn lành nhu nhược của phàm phu tục tử mà làm được.

Hiện tại là thời đại nghiên cứu khoa học, phần đông có tư tưởng tây phương, cũng xu hướng theo tuổi trẻ. Ðủ thấy rằng đầu não chúng xuất gia ngoan cố, cổ lão vô tri thức, trốn tránh hiện thực, đủ thấy người ngày nay phiền não, nghiệp chướng sâu dày, không dễ sửa đổi, cho nên phần đông không thấu hiểu Phật pháp. Lúc tôi tại chùa Kim Luân có nói với đại chúng rằng: “Về sau nếu có ai muốn xuất gia với tôi, không những học thuộc Chú Ðại Bi, Chú Lăng Nghiêm, luật Sa Di và 53 tiểu chú, còn phải học thuộc Kinh Lăng Nghiêm”. Ðây là điều kiện tối cơ bản để thu đệ tử, còn phải học thuộc Kinh Phạm Võng (Giới Bồ Tát) luật Tứ Phần Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni.

Phật có nói rằng: “Thời đại mạt pháp, Phật pháp sẽ bị tiêu diệt ; Kinh Lăng Nghiêm sẽ bị tiêu diệt trước nhất”. Hiện tại có nhiều người cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả. Vì bộ Kinh này giảng quá chân thật, hiển lộ bộ mặt thật của bọn yêu ma quỷ quái, khiến cho bọn yêu ma không chỗ độn hình. Cho nên con cháu của bọn ma hóa hiện giả làm kẻ học đạo, chuyên môn đến phá hoại Kinh Lăng Nghiêm, nay đã có người muốn sửa đổi Kinh Lăng Nghiêm. Ăn cắp lời lẽ ý nghĩa lại hòa trộn với mật tông để bàn luận. Nếu Phật tử chân chánh, nhìn thấy tình hình như thế, phải phát khởi tâm hộ pháp thâm sâu. Chúng ta đang trong thời kỳ mạt pháp, phải hộ trì Kinh Lăng Nghiêm, đọc tụng Kinh Lăng Nghiêm, giảng giải Kinh Lăng Nghiêm, lưu truyền Kinh Lăng Nghiêm, đừng để tiêu diệt mất.

Cho nên tại Vạn Phật Thành, đệ tử xuất gia phải có trọng trách về vấn đề này, phải có cốt khí, đem hết tinh thần làm tướng hộ pháp văn võ song toàn, mỗi người đều phải đầu đội trời chân đạp đất, quay chuyển năng lực càn khôn, đều phải có chí khí hào kiệt. Mỗi người phải vì Phật giáo hết mình tận tụy. Người xuất gia không thiết thân mạng, mỗi người đều là “Tân huyết luân” của Phật giáo.

Tông chỉ của Vạn Phật Thành là:

“Lạnh chết không phan duyên,
Ðói chết không hóa duyên,
Nghèo chết không cầu duyên.
Tùy duyên không đổi,
không đổi mà tùy duyên,
Giữ vững ba đại tông chỉ.
Xả mạng làm Phật sự,
tạo mạng là bổn phận,
chánh mạng là việc Tăng .
Sự việc đều hiểu lý, hiểu lý nơi sự việc,
Giữ hạnh Tổ Sư một mạch tâm truyền”.

Chúng xuất gia tại Vạn Phật Thành phải có đủ tư lịch tốt nghiệp đại học pháp giới. Hơn nữa có văn bằng đại học cũng phải nhập học đại học pháp giới. Cũng phải phụ tham gia đại học pháp giới ban huấn luyện Tăng già, trải qua ba năm huấn luyện rồi mới có tư cách trở thành đệ tử xuất gia tại Vạn Phật Thành. Vì xuất gia không phải tìm chỗ ăn bám, thành ký sinh trùng của xã hội. Người xuất gia ăn của thập phương, tiếp thọ sự cúng dường của thập phương thí chủ, để có thể an tâm tu đạo. Xuất gia rồi, nếu không tu đạo, tụng Kinh tham thiền, mà tham đồ nương Phật ăn cơm, nương Phật mặc y. Như vậy quả báo tương lai không thể nghĩ bàn. Cho nên có câu:

“Hạt gạo thí chủ cho,
Nặng như núi Tu Di,
Ăn xong chẳng tu đạo,
Mang sừng đội công trả”.

Cho nên vì để tránh khỏi sự suy đồi Phật pháp trong thời kỳ mạt pháp, một khi đã suy đồi thì khó mà khôi phục lại, hơn nữa vì tiếp nối huệ mạng của Phật. Muốn làm một người xuất gia chân chánh phải chịu khổ, chịu cực, không sợ đói, lạnh, nóng. Không sợ không có cơm ăn, không sợ không có y mặc, cho nên:

“Bậc thượng thì nhẹ như gió,
Bậc trung thì như vác cái bao,
Bậc hạ thì như gánh nặng”.

Chúng ta tuy nhiên tạm thời tu chưa đến bậc thượng phẩm, nhẹ như gió thoảng, không còn chấp trước, nhưng chúng ta cũng đừng giống như hạ phẩm mang một gánh nặng ; ăn, mặc, bao lớn, bao nhỏ, giống như lúc dọn nhà.

Ðã xuất gia nhưng còn chấp trước ngoài thân, lại còn buông bỏ không đặng, vậy thì xuất gia (nhà) gì đây? Người thật tâm muốn tu hành, điều quan trọng nhất phải “nhìn thủng, buông xả”. Tâm tu đạo phải kiên cố và lâu dài vĩnh viễn, mới có thể thành tựu pháp khí, “Thế Phật chuyển bánh xe pháp, nghiêm tịnh giới luật, hoằng dương và làm mô phạm cho ba cõi, ứng hiện vô lượng thân, độ thoát hết thảy chúng sinh, cứu tế vị lai, vượt khỏi trần lao”. Ngõ hầu đừng cô phụ trở lại thế giới Ta Bà một phen.