CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

38. Ông Võ Văn Hên (1925 – 2007)

Ông Võ Văn Hên sinh năm 1925, cư ngụ tại ấp Phụng Thạnh II, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha là Võ Văn Dần, mẹ là Nguyễn Thị Lý. Ông có bảy anh em và đứng thứ Bảy trong gia đình.

Lúc lên 30 tuổi, ông kết hôn với bà Lê Thị Lên, sinh được năm người con, lấy “nghề nguội” (làm dao, búa…) để sinh nhai.

Tính tình ông rất hiếu thuận, cần kiệm, siêng năng, nhưng cũng rất dễ nổi nóng. Sức khỏe ông rất tốt, quanh năm, ít khi đau bệnh, cho dù cảm xoàng.

Vì gia cảnh bần hàn, cái ăn cái mặc tạo nên lắm nỗi vất vả, gian nan. Qua bao cuộc bể dâu xoay chuyển, ông ý thức được thực chất của kiếp người. Nó mong manh như hạt sương ban mai, nó ngắn ngủi như làn chớp chiều tà, tạm bợ tợ bọt bèo, giả dối dường mộng mị, sinh già, bệnh chết… là nỗi khổ đau chắc thật, luôn hiện hữu bên mình.

Năm 1975, ông phát tâm trường chay, sớm chiều lễ Phật tu trì. Từ đó, tính tình ông từ từ thuần hậu, tập khí giận hờn cũng được chuyển đổi rất nhanh. Ông cư xử với mọi người trong nhà, cho tới lối xóm, đều nhã nhặn, bao dung. Những gì bị mất mát, đều xem như không có, chẳng hề trách phiền, than kể…còn an ủi vợ:

– “Thôi! Kệ! Người ta hổng có mới lấy của mình. Người ta dùng xài cũng như mình dùng xài chớ gì!”

Cũng từ đó, ông chuyên mặc đồ vạt mẻ, chuyên đọc quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ, nghe băng đĩa cũng chỉ Thi Văn Giáo Lý, chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Mỗi khi có các đồng tu đến bàn luận đạo lý, khuyến tấn tu hành, ông rất đỗi vui mừng.

Năm 1994, sau khi trợ niệm cho người anh thứ Hai được vãng sanh, ông càng tinh tấn thêm hơn. Xâu chuỗi chẳng giây phút nào rời tay, công khóa lễ bái chưa từng trễ sót. Ông thường khuyên nhắc các con cháu ráng lo niệm Phật tu hiền. Ông hay nói:

– “Mình lo niệm Phật tu hành, đó là làm riêng cho mình, nữa đem theo được, còn mình làm đây là làm chung, bởi vì tất cả đều bỏ lại!”

Đúng như lời khích lệ của cổ Đức:

“Gánh trần tục hãy mau quăng ném,
Để rảnh tay gói ghém sự tu.
Nào vùa hương bát nước công phu,
Nào tịnh niệm A Di Đà Phật.
Các ô nhiễm tâm vô nhứt vật,
Chỉ một lòng phước đức vun bồi.
Nơi Liên Hoa cửu phẩm chưa ngồi,
Thì nhất định chưa thôi niệm Phật.”

Và:

“Rùa quý mai, hạc quý mồng,
Thỏ chuột quý bộ tơ lông của mình.
Hoa khoe hương sắc đẹp xinh,
Sớm chiều ong bướm mặc tình ruổi rong.
Hót hay chim phải vào lồng
Anh hùng xuất chúng vướng vòng hoạ ương.
Ngựa tài ngày vạn dậm đường,
Đêm ngày phi tẩu nắng sương phủ phàng.
Kiếp người đầy nỗi bất an,
Chỉ câu Đà Phật Tây Phang đến liền.”

Đầu năm 2007, cơ thể ông bắt đầu suy yếu, sự ăn uống có phần trở ngại khó khăn. Đến cuối tháng 7 năm 2007, cơn bệnh bạo phát, các con đưa ông đi điều trị nhiều nơi, sau rốt qua Sa Đéc, một vị Tiến sĩ y khoa đã chẩn đoán là “ung thư dạ dày” và đề nghị thân nhân:

– “Nếu như muốn cho con cháu thấy mặt thì nên chở ông về nhà, vì nếu chuyển đi thành phố giải phẫu thì ông có thể mất trên bàn mổ!”

Gia quyến y theo lời thầy thuốc, ngày 23 tháng 7 năm 2007, đưa ông về nhà. Kể từ giờ phút đó, ông buông bỏ tất cả, không còn để ý đến gì khác ngoài chuyện niệm Phật cầu vãng sanh. Con cháu đều nài nỉ xin đưa ông đi bác sĩ để chích thuốc giảm đau hoặc vô nước biển cho khỏe hơn, ông một mực khước từ, chỉ uống nước trắng chứ không ăn, không uống bất cứ loại thực phẩm nào, suốt trong 21 ngày. Nhờ vậy, mà cơn đau tạm im, tinh thần vô cùng tỉnh sáng.

Ông lập ra thời khóa trợ niệm, bắt buộc con cháu phải tuân thủ, ông luôn theo dõi và đốc thúc giờ giấc. Cứ mỗi tối, sắp ghế ngồi có hàng, cả chục người đồng cao thanh niệm Phật. Ông nằm trên giường bệnh lắng nghe đếm thầm, chừng nào đủ số rồi mới cho đi nghỉ. Vì không quen nên chúng niệm không đều nhịp, người nhanh kẻ chậm. Ông nói:
– “Mấy đứa nên niệm theo giọng vợ Bé Sáu (cô này thường đi hộ niệm). Câu nào rõ ràng câu nấy…Đừng nên sọc dưa!…”

Ông còn căn dặn khi ông mất, con cháu phải bắt ghế ngồi cách giường xa xa, đừng đụng đến giường.

Suốt 21 ngày, thần trí của ông rất minh mẫn, luôn nhắc nhở con cháu cố gắng tu hành trong khi thể lực của ông dần dần tụt dốc. Tối ngày mùng 3 tháng 7 năm 2007, đến giờ niệm Phật hàng ngày, ông bảo mọi người niệm Tây Phương Tiếp Dẫn. Cô dâu Út kinh ngạc thưa:

– “Ba chưa chết sao lại niệm Tây Phương Tiếp Dẫn, thưa Ba?”

Ông giải bày rằng, muốn tập trước cho quen để đến chừng đó, khỏi phải lọng cọng.

Tất cả đồng niệm Tây Phương Tiếp Dẫn, được một lát thì ông bảo thôi, niệm sáu chữ trở lại bình thường như mọi bữa. Lúc này, các con ông có linh cảm ông sắp sửa ra đi nên đều túc trực hộ niệm suốt đêm. Đến 2, 3 giờ khuya, ông dặn dò lần cuối:

– “Chừng nào ba mất, các con ở lại ráng lo tu hiền. Mình không niệm Phật được nhiều thì niệm ít. Mình không lễ Phật được nhiều thì cúng lạy mỗi ngày hai thời… Cúng ngôi Tam Bảo và Thông Thiên thì chỉ cúng nước lạnh và bông hoa thôi, còn bàn thờ ông bà thì cúng chi cũng được!…”

Rồi ông niệm Phật theo âm thanh trợ niệm của mọi người. Tiếng niệm của ông nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi dứt hẳn, im lìm trút hơi thở cuối cùng, ra đi hết sức nhẹ nhàng thanh thản. Lúc đó, đúng 5 giờ 30 phút sáng, ngày mùng 4 tháng 10 năm 2007. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

Khi nhập mạch, khám nghiệm đỉnh đầu ấm nóng, mọi nơi đều lạnh.