NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ X… Ở Vĩnh Gia
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia

(thư thứ nhất)

Người niệm Phật cũng không phải là không được trì chú, nhưng Chủ và Trợ phân minh thì Trợ cũng quy về Chủ. Nếu cứ tràn lan không phân biệt, coi đều như nhau thì Chủ cũng không phải là Chủ. Chuẩn Đề và Đại Bi nào có hơn, kém; nếu tâm chí thành, pháp nào cũng linh. Tâm không chí thành, pháp nào cũng không linh! Một câu Phật hiệu bao quát trọn vẹn không sót cả Đại Tạng giáo. Người thông Tông, thông Giáo mới có thể thật sự làm người niệm Phật chân chánh. Nhưng người không biết gì, không làm được gì, chỉ cần miệng nói được thì cũng có thể là người niệm Phật chân chánh. Ngoài hai hạng này ra thì chân chánh hay không chân chánh đều là do chính mình có nỗ lực, có y giáo phụng hành hay không?

Còn như tu hành Tịnh Độ đã có lý quyết định không nghi, cần gì phải hỏi đến sự hiệu nghiệm nơi người khác! Dẫu người khắp thế gian đều không có hiệu nghiệm, cũng chẳng sanh một niệm nghi tâm, lấy lời thành thật của Phật, Tổ làm bằng chứng. Nếu hỏi đến sự hiệu nghiệm của người khác tức là chưa tin cùng cực vào lời Phật, phải lấy lời người để quyết định nên thành cái tâm mong ngóng, không thể thành tựu. Làm thân nam tử anh hùng, tráng liệt trọn chẳng đến nỗi bỏ Phật ngôn để tin lời người khác, tâm mình vô chủ, chuyên muốn lấy sự hiệu nghiệm của người ta để hướng dẫn tiền đồ, chẳng đáng buồn ư?

Tùy Tự Ý tam-muội chính là đường tu chung từ phàm đến thánh, tuy nói là Sơ Tâm Bồ Tát bao gồm hết thảy phàm phu, nhưng thật ra là hạng Sơ Trụ Bồ Tát phát trọn vẹn ba tâm, tam đức viên chứng trong Viên Giáo (nếu ước theo Biệt Giáo thì là Sơ Địa): Do lấy phát Lý tâm làm chánh nhân nên chứng Pháp Thân đức, do phát Huệ tâm làm liễu nhân nên chứng Bát Nhã đức, do phát thiện tâm làm duyên nhân nên chứng Giải Thoát đức. Vì thế có thể hiện thân mười pháp giới ứng khắp mọi căn cơ trong mười phương thế giới, thượng cầu hạ hóa; ông lại nói Sơ Phát Tâm chỉ là kẻ sơ phát tâm vừa mới phát tâm tu hành thôi ư? Ông thấy Kim Luân [chú pháp] đã dạy “ngộ pháp Nhị Không chứng lý Thật Tướng” liền hớn hở, vui mừng, bèn muốn gánh vác; Quang sợ ông bị ma dựa, nên trình bày rõ thân phận khiến cho ông trọn chẳng còn lầm lạc nữa. Ngộ pháp Nhị Không, chứng lý Thật Tướng chính là thân phận của Sơ Phát Tâm Bồ Tát vậy! Pháp được giảng trong sách ấy phàm phu đều có thể y theo đó để tu trì, nhưng đừng hiểu thân phận được sách nhắc đến là phàm phu [thật sự]! Thanh Văn, Duyên Giác có đại thần thông còn chẳng thể đạt đến, huống gì phàm phu! Lúc khắc in riêng sách ấy nên xem kỹ:

1) Vô trụ sanh tâm.

2) Chẳng trụ vào pháp để hành bố thí.

3) Tam luân thể không.

4) Ý nghĩa nhất đạo thanh tịnh.

(Bốn câu này là cương yếu của Phật pháp, người xem kinh tu hành phải nên biết) thì sẽ được thông hiểu lớn lao!

Quang muốn đem những nghĩa này làm thành bài tụng để người xem đến biết được cương yếu. Đã bàn cùng Úy Như nhưng bận rộn lắm việc chưa thể rảnh rỗi, phải đợi năm sau. Khắc in Thập Vãng Sanh Kinh[1] và ba thứ Tịnh nghiệp ban đầu trong Quán kinh để lưu truyền trong đời cũng được, tôi đã bảo với Úy Như nhưng chưa rảnh để sửa những chữ sai trong bản ấy, nên đem nguyên bản gởi đi. Chữ cổ tuy không sai, nhưng không nên dùng. Còn như nói quán thân, chẳng quán hết thảy, chỉ quán vô duyên thì vô duyên là Tùy Tự Ý tam-muội, nghĩa là tánh không, vô sở hữu; đã vô sở hữu nên không có gì để vin nắm (phan duyên). Nếu chẳng một nhát dao chặt đôi từ căn bản thì tâm duyên trùng trùng, giải thoát sao được? Mấy lời này giản lược cùng cực, nhưng ý nghĩa sâu rộng. Mong hãy bảo với ông Úy Như.

(thư thứ hai)

Hòa thượng Pháp Tràng xưa đã sẵn linh căn, thoạt đầu là bậc chân Nho, sau thành bậc chân Thích, có thể nói là chẳng uổng công đọc sách học đạo vậy! Đời có bậc chân Nho nên mới có chân Tăng. Bọn vô lại xuất gia kia cố nhiên đều là ma vương ngoại đạo phá hoại Phật pháp! Ngữ lục của Hòa Thượng thống khoái thẳng chóng, mở rộng tâm mắt con người, đáng nên khắc in lưu thông làm pháp bảo cho Thiền gia, nhưng sách ấy chỉ phát huy đạo “chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật”, chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp chớ nên sờ soạng, dò lường lời Ngài đến nỗi đánh mất lợi ích cả hai bên. Không thể không biết điều này! Điều được nhà Thiền đề xướng là chỉ hướng về bổn phận, ngoài ra [mọi chuyện khác] đều không xiển phát. Chuyện tu nhân đạt quả, đoạn Hoặc chứng Chân của họ đều là tự ngầm tu trì. Người ngoài thấy nhà Thiền chẳng đề xướng những đạo lý tu chứng ấy bèn bảo nhà Thiền không dùng đến những pháp đó, thành ra hủy báng Thiền, báng Phật, báng pháp.

Mã Tăng Ma[2] kiến địa cao siêu, văn tự khéo léo, đẹp đẽ, cũng đáng nên khắc bản lưu thông. Vương Huyễn Như không thấu hiểu Tông môn chỉ vì không chịu nghiên cứu sâu xa giáo lý và cũng do chưa hề thân cận tri thức, vì thế chỉ thành một kẻ hiểu biết Tông Môn trên mặt văn tự mà thôi. Năm Quang Tự hai mươi mốt, tức mùa Xuân năm Ất Mùi (1895), người ấy đến Phổ Đà, được thế phát bởi hòa thượng Hóa Văn trụ trì chùa Pháp Vũ, chưa thọ giới, sống được nửa năm bèn trở về nhà, lại trở thành cư sĩ. Trong cuốn đầu, ông ta viết năm Bính Thân (1896) đến Phổ Đà làm tri kỷ của sư Hóa Văn, toan muốn xuất gia, nhưng vì gia sự thúc bách phải quay về. Từ chỗ này có thể thấy ngôn hạnh chẳng tương ứng!

Quang từng gặp người này, nhưng chưa hề nói với nhau một lời. Hỏi đến những người ông ta thường gặp gỡ xem ông ta hành trì những gì; họ nói ông ta không niệm Phật mà cũng chẳng xem kinh. Những gì chép trong sách Minh Tâm Lục của ông quá nửa là những câu dựa theo sách Kính Hoa Tập xưa kia. Ông ta có sở đắc nơi ý Thiền Tông, nhưng hạnh nhà Thiền chưa từng thực sự tu tập. Do vậy mới đến nỗi chẳng biết thời vụ, trao xằng pháp dược, khiến cho những kẻ vô tri vô thức học phải những lời sáo rỗng ấy bèn quay ra bài bác, vứt bỏ những lý thật, sự thật trong kinh, khiến mình mù, làm cho người mù, từ đầu đến cuối sách chẳng hé lộ triều đại và niên hiệu với thâm ý khiến người đời sau tưởng mình là bậc cao nhân thời thượng cổ mà thôi! Toàn thể sách ấy là cái tâm phàm phu sanh tử kết nghiệp, chớ hề có ý nghĩa tùy duyên mặc lòng tự vui Thiên Chân. Hạng người như vậy chẳng nên tán thán; chỉ sợ do tôi tán thán [người đời] bèn tưởng ông ta hoàn toàn đúng, mà cũng không nên báng bổ vì sợ do tôi gièm báng người khác bèn cho là ông ta hoàn toàn sai! Nhưng ông giữ pháp của ông, tôi giữ đạo của tôi mà thôi! Rảnh công đâu bàn chuyện rỗi hơi của người ta chẳng ăn nhập gì đến mình!

Bài tiểu tự của sách Vạn Liên Tịnh Độ Thi, hai dòng đầu nêu lên thuyết “nhất tâm được biểu hiện hay che lấp” chính là lý luận sai lầm. Lời dạy chuyên tu Tịnh Nghiệp của ngài Thiện Đạo có thể gọi là “tỏ rõ tâm chuyên nhất”, nhưng ngài Vĩnh Minh dạy “vạn thiện đều tu” há có thể gọi là “ngăn lấp tâm chuyên nhất” ư? Đúng là sai lầm đến cùng cực! Phải nói là pháp môn Tịnh Độ có Chuyên và Viên. Do căn khí của chúng sanh bất nhất, nên chư Tổ lập pháp bất đồng. Ngài Thiện Đạo dạy người nhất tâm trì danh, không dạy tu tạp nghiệp là vì sợ người căn tánh trung hạ do tạp nghiệp đến nỗi tâm khó quy nhất. Do vậy, Ngài dạy Chuyên Tu. Ngài Vĩnh Minh dạy người vạn thiện đều tu, hồi hướng Tịnh Độ là vì sợ bậc thượng căn hạnh chấp vào một bên, đến nỗi phước huệ chẳng thể xứng tánh viên mãn nên dạy Viên Tu.

Nếu là người chưa đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ thì lập ngôn quyết khó khỏi mắc điều tệ. Ví như ếch ngồi đáy giếng chỉ thấy được khoảng trời xanh chừng bằng miệng giếng mà thôi! Bài tựa giảo chánh tái bản sách Tùy Tự Ý Tam Muội, nếu nói thông thường thì đại tâm phàm phu là Sơ Phát Tâm Bồ Tát, và nói đúng ra thì phải hiểu Sơ Phát Tâm Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo. Hiểu như thế sẽ không mắc cả hai lỗi Ngã Mạn và Thoái Khuất.

(thư thứ ba)

Đã đến Phổ Đà mấy lần, hãy nên ở nhà lắng lòng niệm Phật, chẳng nên tới thường. Đến đây tốn phí công sức, thời gian, hao tài, đối với mình lẫn người đều không có lợi ích gì. Nếu chưa từng đến thì đến chiêm bái đạo tràng Bồ Tát một lần cũng được. Nếu đã đến rồi nên ở nhà cúng dường, cung kính, lễ bái, lẽ đâu Bồ Tát chỉ ở tại Phổ Đà, chẳng cảm ứng khắp pháp giới ư? Quán Âm Bồ Tát thường trụ trong khởi tâm động niệm của hết thảy chúng sanh, hiển lộ đại thần thông, diễn thuyết diệu pháp; tiếc là chúng sanh mê trái bỏ lỡ, cô phụ từ ân. Nếu có thể thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ sẽ tự thường được Ngài che chở. Nên đem ý này bảo lại cùng hết thảy kẻ tri giao.

(thư thứ tư)

Biết ý ông muốn sống ở Thông Châu, tuy có chí muốn thành tựu con em, nhưng không biết con em được thành tựu chỉ là do gia đình dạy dỗ! Đối với con cái, từ nhỏ phải dạy hiếu, đễ, trung, tín, cần (siêng năng), kiệm (tiết kiệm), ôn (ôn hòa), cung (cung kính), thì khi đến lớn đi học đọc sách mới có cơ sở để hưởng được lợi ích. Nếu từ nhỏ dung túng thành quen thói, đừng nói chi những đứa không có thiên tư, không khéo dạy; ngay cả những đứa có thiên tư, được khéo dạy cũng chỉ thành một gã thợ khéo văn chương, thành phường bại hoại trong làng Nho mà thôi! Đời có kẻ tài cao Bắc Đẩu, học khắp năm xe[3], nhưng hành vi đều ỷ vào thông minh, độc hại sanh linh, hủy diệt đạo nghĩa! Nguyên nhân đều bắt đầu do lúc ban đầu thiếu gia giáo vậy! Văn Vương nêu gương cho vợ, gương ấy thấu đến anh em, rồi lan ra khắp nước nhà; điều này cùng một ý vị với điều được nói trong sách Đại Học: “Muốn bình trị thiên hạ, quốc gia thì phải khởi đầu từ cách vật trí tri, thành ý, chánh tâm”. Đây chính là bí quyết vô thượng dạy người mong thành thánh thành hiền của Nho Gia vậy. Bỏ nơi đây cầu nơi khác đều là chạy theo cái ngọn!

Nay tôi bàn tính: Khi con cái đã có thể nói năng, hiểu biết thì trong gia đình trước hết phải dạy cho con biết mặt chữ (con gái tuy không cần phải có học vấn rộng, nhưng trọn chẳng thể chỉ dạy cho con biết mặt chữ, không thông ý nghĩa. Mẹ còn phải nên dạy con từ thuở còn nằm trong thai. Nếu con gái biết chữ, thông văn lý thì con cái do mình sanh ra sẽ càng dễ dạy). Mỗi một tờ giấy chỉ viết một chữ, đừng viết cả hai mặt. Nếu viết hai mặt khác sẽ giống như nhớ khẩu quyết vậy[4]. Mỗi ngày hạn định mấy chữ, mỗi ngày phải nhận rành mặt chữ, lại phải nhận được mặt chữ hai ba lần. Chưa đầy một năm đã biết được nhiều chữ. Về sau lúc đọc sách, hễ đọc đến đều nhận được mặt chữ, chẳng đến nỗi vướng cái tệ chỉ nhớ ca kệ.

Phàm những gì trẻ làm được đều nên dạy nó thường tập quen siêng năng (như quét tước, dọn dẹp v.v…) Phàm thức ăn, y phục chớ nên hoa mỹ. Nếu trẻ phung phí ngũ cốc và làm hư đồ đạc, bất luận là vật sang, hèn, nặng, nhẹ đều nên bảo cho nó biết vật ấy chẳng dễ có, và những nghĩa lý chiết phước tổn thọ! Nếu vẫn như thế nhất định phải trách phạt, quyết chẳng bỏ qua. Như thế, trẻ sẽ tự mình kiệm ước, trọn chẳng đến nỗi xa xỉ, phung phí. Khi trẻ đọc được sách nên đem những sách Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên dạy trẻ đọc thuộc, thuận theo mặt chữ mà diễn giảng. Những hành vi thường nhật nếu hợp với điều thiện thì chỉ cho trẻ thấy điều ấy hợp với những điều thiện được nêu trong hai cuốn sách trên mà khen thưởng. Nếu làm điều bất thiện thì chỉ cho trẻ thấy điều ấy phù hợp với chuyện bất thiện được nói trong hai sách ấy để quở trách (nhà cư sĩ Bành Nhị Lâm (Bành Tế Thanh) đỗ đạt đứng đầu tỉnh Giang Tô, đời đời tuân thủ hai sách ấy. Nhà ấy Trạng Nguyên thật nhiều, nhưng suốt đời đều tuân thủ hai sách ấy không thay đổi). Như vàng đổ vào khuôn, như nước có đê ngăn, há lẽ nào chẳng thể thành đồ vật, vẫn cứ chảy ngang y như cũ hay sao? Căn bản để con người làm người là đây! Không giảng điều này mà muốn thành con người hoàn toàn, trừ phi là hạng có thiên tư bằng Mạnh Tử trở lên mới được mà thôi!

Nhưng đến lúc đi học, chẳng nên cho con vào ngay những trường đã lập hiện thời, nên để con ở nhà vài năm, mời một vị thầy văn chương lẫn đức hạnh đều khá, tin sâu nhân quả để dạy trẻ học Tứ Thư và Ngũ Kinh trước. Đến khi trẻ học được vài phần, đối với toàn bộ văn tự đạo lý chẳng bị tà thuyết tục luận mê hoặc thì mới cho con vào trường hòng mở mang tầm mắt, biết so sánh sự việc, chẳng đến nỗi hành xử trái thời, không cách nào tiến lên được! Làm được như vậy thì đứa có thiên tư sẽ tự thành đạt, đứa không thiên tư cũng thành lương thiện, tốt lành cho mình lẫn người, tự lợi, lợi tha, quả thật chẳng ngoài những điều lão tăng thường nói.

Lại nữa, trước kia ở Dương Châu có thỉnh mười ba bộ Cảm Ứng Vựng Biên tặng cho người, Vân Lôi cũng tặng một bộ. Ngày hôm sau Vân Lôi đến chỗ tôi ở, tôi bảo ông ta mang cho ông một bộ, ông ta đem tặng cho người khác, nói ông có thể thỉnh được sách nơi thư cục chánh, không biết đã thỉnh hay chưa? Những văn bút đàm luận trong sách này đều siêu diệu (sách ấy có đôi ba chỗ hơi trở ngại đôi chút, nhưng xét về toàn thể đều tốt nên có thể dùng được), nhưng không quán thông Phật pháp bằng An Sĩ Toàn Thư. Ngoại trừ An Sĩ Toàn Thư ra, nên coi sách này là nhất, nhưng chẳng dễ gì chỉ dạy cho đàn bà, con trẻ. Quang ở Dương Châu nhân thấy sách này phần đầu chưa khắc Cảm Ứng Thiên, bèn cho khắc bổ sung. Do tìm sách bèn gặp được một bản Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, sách ấy do một bậc đại thông gia soạn, lời chú giống với lối văn Bạch Thoại, đọc theo mạch văn ý nghĩa càng rõ ràng, rất thích hợp cho con cái đang tuổi thơ ấu. Nay đem sách ấy gởi đi, mong ông sẽ dùng sách ấy để răn dạy con cái, tương lai ắt được lợi ích thật sự mà lại còn thiết thân nữa (Ông Vương Lôi vào mùa Hạ từng khắc Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục của ông Bành Hy Tốc, đều là những chuyện thực trong chánh sử, rất dễ làm cho người khác [đọc đến] phải kiêng dè, [sách này] chỉ có hai bản).

(thư thứ năm)

Những lời Úy Như nói hơi có đạo lý. Nhưng tôi là một gã vô tri vô thức chỉ biết lo tự độ[5], dạy người cũng dùng những pháp tắc để tự độ, còn ông ta muốn cho người khác thông hiểu rộng rãi Phật pháp rồi nhờ đó mà tin sâu Tịnh Độ; do vậy mới đến nỗi bề ngoài tợ hồ không phù hợp, nhưng bên trong quả thật do chú trọng đến những điểm khác nhau, ai nấy có sở trường riêng và cũng có khuyết điểm riêng nên mỗi cách có những thiếu sót riêng. Nếu có thể chọn lấy những chỗ lợi ích thì chẳng đến nỗi trở thành thói tệ, pháp môn sẽ may mắn lắm!

Tuy vậy, rất khó! Pháp do Như Lai, chư Tổ đã lập, hậu nhân làm theo còn bị biến thành tệ hại, huống gì bọn ta? Ai nấy chỉ nên giữ lấy một pháp ngõ hầu tự lợi và kiêm dùng pháp đó để lợi ích người hữu duyên thì mới nên! Kẻ vô duyên Phật còn chẳng độ được, dù chúng ta có lập đủ cách cũng sẽ chỉ có thể nói “không làm gì được” mà thôi! Hai lá thư của Úy Như đã khen ngợi Bất Huệ quá mức khiến cho người ta thẹn thùng không lánh vào đâu được! Trọn chẳng được học theo cái lối ấy, học theo sẽ khiến người khác nghi ngờ, miệt thị cổ nhân, đâm ra cả mình lẫn người cùng bị tổn hại! Thư ông viết cũng rất hữu lý, nhưng Quang sự việc quá nhiều, không rảnh rang trình bày rõ. Những lời thỉnh vấn nếu phù hợp bèn đáp, nếu không hợp bèn bảo đi hỏi cao nhân khác. Như các cửa tiệm ngoài chợ, mỗi tiệm có bán hàng hóa chuyên biệt: Hoặc chỉ một món hàng mà có thể thông thương làm nước giàu, hưng gia lập nghiệp; hoặc bán nhiều món hàng nhưng chẳng qua cũng chỉ nhằm để thông thương, nước giàu, hưng gia, lập nghiệp mà thôi.

Chúng tôi đã chẳng dựng đại pháp tràng, nhặt cơm thừa canh cặn bị vất bỏ ở cửa nhà trưởng giả đại phú để tự nuôi thân; nếu ai chẳng nề hà hôi chua bèn chẳng ngại chuyền tay trao lại. Nếu không, hãy cứ mặc lòng lấy gan rồng tủy phượng để tự bồi bổ, há có nên nói “tặng hết cho mọi người, khiến cho ai nấy đều hưởng thứ cơm thừa canh cặn của ta mới đẹp dạ mình” ư? Ở chợ, nếu cửa hàng chuyên bán một thứ luôn luôn phát đạt thì kẻ bán nhiều mặt hàng cũng sẽ trích vốn [để buôn mặt hàng đó]. Sao riêng chuyện hoằng pháp lợi sanh lại chẳng giống như thế? Ngàn căn cơ đều cùng dạy chính là lý do xuất thế của Như Lai. Như Lai giáng tích thị hiện làm thiện tri thức, cũng chẳng lấy đó làm chuẩn. Tôi pháp gì cũng chẳng thông, chỉ chịu niệm Phật thì cũng có thể cậy vào đó để liễu sanh tử; tôi cũng chẳng thẹn vì mình không thông, chỉ thẹn mình ngôn hạnh không tương ứng, hữu danh vô thực mà thôi!

(thư thứ sáu)

Giấc mộng tốt lành kỳ lạ, đặc biệt, ắt có con quý xuất loại bạt tụy nối dòng thư hương, kế nghiệp tổ tông, do Phật, trời ban cho. Lòng vui mừng, an ủi khôn cầm, chúc mừng, chúc mừng! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều có đủ đức tướng, trí huệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”. Do vậy, biết trí huệ, đức tướng chúng sanh và Phật giống nhau. Ấy chính là Tánh Đức! Do có vọng tưởng, chấp trước và lìa vọng tưởng, chấp trước nên chúng sanh và Phật khác hẳn nhau. Đấy chính là Tu Đức vậy.

Tu Đức có thuận, có nghịch. Tu thuận theo tánh thì càng tu càng gần, tu đến cùng cực bèn chứng triệt để, tuy chứng nhưng trọn chẳng được điều gì! Tu nghịch với tánh thì càng tu càng xa, tu đến cùng cực bèn vĩnh viễn đọa trong ác đạo, đọa nhưng trọn chẳng mất gì. Hiểu rõ điều này thì kẻ ngu có thể là hiền, kẻ hiền có thể là ngu, kẻ thọ bị chết yểu, kẻ chết yểu được sống thọ, phú quý, bần tiện, con cháu đầy đàn hay tuyệt diệt, mỗi chuyện đều có thể tự mình làm chủ, có chỗ nương tựa có thể thành không nơi nương tựa, không nơi nương tựa có thể thành có nơi nương tựa; như núi cao không lên được, con người không có cách nào thì cũng chẳng ngại đục vách núi xếp bậc rồi cũng lên thẳng được chót đảnh. Con người xưa nay không biết đến nghĩa lý “tùy tâm tạo nghiệp, tùy tâm chuyển nghiệp”; bao nhiêu kẻ đại thông minh, đại học vấn trở thành bỏ sạch mọi công trước, lại còn di hại bao kiếp!

Nếu chẳng tu đức thì thân dù giàu trùm thiên hạ, quý như thiên tử, hoặc quan vị cao cùng cực, thanh thế lừng lẫy như địa vị tể tướng, phụ thần, có hay không những kẻ ngay trong đời này thân bị giết, nhà tan cửa nát? Như vậy những gì thân mình tự có được đều chẳng thể nương cậy được! Viên Liễu Phàm khá hiểu nghĩa này, nên coi hết thảy những gì mình được hưởng thụ không gì chẳng phải do nhân trước định sẵn! Thế tục thường gọi “tiền nhân” là trời, “thiên định thắng nhân” nghĩa là khó chuyển được cái nhân trước! Nhân định cũng có thể thắng được trời nghĩa là tu trì chống lại nghiệp thì nhân trước chẳng đáng nương cậy! Tức là dùng cái nhân hiện tại làm nhân để tiêu diệt cái nhân trước. Nếu mặc tình làm càn thì sẽ trở thành trái ngược lại. Hiểu điều này thì kẻ ngu sẽ thành hiền, kẻ dở tệ, tầm thường sẽ thành siêu quần, bạt tụy; đều do chính mình giữ cái lòng tu đức và tùy thời khéo dạy mà thôi! Há chẳng nên nỗ lực tài bồi ngõ hầu giấc mộng tốt đẹp trở nên có căn cứ hay sao?

 (thư thứ bảy)

Nhất Hạnh Cư Tập[6] nét chữ khắc quá nhỏ, in tạm mấy ngàn bộ, là do các vị Úy Như v.v… không chăm sóc tử tế. Bản in được duyệt sửa khá tinh tế, không thấy sai ngoa. Sách này quả thật là đại hộ vệ cho Tịnh tông, nhưng cũng có chỗ có thể làm cho người khác mắc bệnh. Nay tôi không thể không bảo cho ông biết, những người khác cũng do đây mà hiểu đại lược. Nhị Lâm cư sĩ (Bành Tế Thanh) rất tin vào cầu cơ, những lời giáng cơ được ông chép lại rất phù hợp với giáo pháp. Nếu chịu hành trì theo đó ắt được đại lợi ích. Nhưng thời thế khi ấy khác, thời này lại khác! Nếu chấp rằng lời giáng cơ ắt đều phù hợp với giáo pháp nhà Phật, đều có thể nương theo những lời ấy ắt sẽ mắc lỗi do cầu cơ bèn nghịch giáo. Những kẻ giáng cơ đa số là linh quỷ, chân tiên rất ít! Dẫu chân tiên đi nữa, há có thể hơn được chư Phật, chư Tổ ư? Chớ nên viện cớ “Nhị Lâm cư sĩ còn tin vào lời giáng cơ, lẽ nào chúng ta dám không tin!” thì là lầm lạc quá lắm!

Trong sách ấy có lời Bạt ghi Thiền Tông Bí Mật Liễu Nghĩa kinh do chính Phật đã nói. Ông Nhị Lâm chưa mở mang Sai Biệt Trí, nên tạo thành đầu mối bịa đặt bừa bãi cho người đời sau. Kinh này ở chùa Pháp Vũ trước kia cũng có một bản, Quang đã từng đọc qua; lời lẽ thật sự không có lỗi lầm gì, nhưng toàn là những câu trích từ các kinh Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang…và Lục Tổ Đàn Kinh, cũng như những câu dung hội hai tông Thiền – Tịnh trong Tịnh tông ghép thành. Bậc thông gia xem thấy cố nhiên được lợi ích, còn kẻ không thông suốt dùng chuyện này làm chuẩn để đánh giá mọi lời giáng cơ thì trật rồi. Do vậy, Quang bèn đốt đi để diệt mối hại. Nhị Lâm đem sách ấy giảo chánh, in lại; đó là vì trí của Nhị Lâm chỉ biết đến mặt lợi ích, không biết sách sẽ gây ra mối tệ vô cùng: Mai sau có những kẻ biến tà thuyết thành chánh giáo đều sẽ dùng lời Bạt ấy để xướng xuất. Nếu Ấn Quang khắc in sách ấy sẽ trọn chẳng khắc lời Bạt ấy. Lưu thông Phật pháp chẳng phải là chuyện nhỏ nhặt, há chẳng nên cẩn thận từ đầu ư?

Tôi là người ngoài cõi đời, cần gì phải mừng Tết, mừng thọ? Năm Dương Lịch đã hết, cần gì phải gởi thiệp chúc mừng? Há chẳng phải là vô sự bèn sanh sự? Dẫu hết năm Âm Lịch cũng chẳng cần phải ăn mừng. Thói tục phù phiếm nhân tình thế gian ấy nếu có nhân duyên tiện dịp bèn đề vài câu còn được, chứ riêng vì lẽ mừng tuổi bèn từ xa vài ngàn dặm gởi đến một phong thư thì chẳng bằng lắng lòng, giảm việc, có hay hơn không?

(thư thứ tám)

Nhận được thư, biết ông trong cơn bệnh nhờ sức Tam Bảo biến hiểm thành lành, mới biết sanh tử trắng tay; nếu không thâm nhập một môn sẽ chẳng làm được gì. Nhân nghiên cứu, đọc các sách Tịnh tông mới biết Di Đà vì ta phát nguyện, lập hạnh để mong thành Phật. Ta do trái nghịch Di Đà hạnh nguyện nên bao kiếp dài lâu thường luân hồi lục đạo, vĩnh viễn làm chúng sanh. Hiểu rõ Di Đà là Phật trong tâm ta, ta là chúng sanh trong tâm Di Đà. Đã là một mà phàm và thánh khác nhau một trời một vực là vì ta một mực mê trái nên mới thành ra nông nỗi ấy. Tín tâm như thế mới là chân tín. Từ tín tâm này, phát ra cái nguyện quyết định vãng sanh, hành cái hạnh quyết định niệm Phật, ngõ hầu thâm nhập pháp giới Tịnh Độ, thành tựu ngay trong một đời, siêu nhập thẳng vào Như Lai địa như mẹ con gặp gỡ, vui sướng vĩnh viễn.

Tuy nhiên, biết không khó, làm được mới khó. Trong đời có hạng người nói xuông, khoe mẽ[7] nghe được lý “tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai biệt”, hoặc do duyệt Giáo tham Tông ngộ được lý ấy, bèn nói: “Ta đã giống hệt Phật thì tu hay chứng còn có ích gì”, bèn buông tâm phóng ý trong hết thảy cảnh duyên, lầm lạc bảo: “Sáu trần chính là giác, tham – sân – si chính là Giới – Định – Huệ, cần gì phải chế tâm nhiếp thân, không dây tự trói?” Loại kiến giải này hèn kém nhất, chính là chấp Lý phế Sự, bác không nhân quả, như dùng bánh vẽ để khỏi đói, xây nhà trên không, tự lầm, lầm người, tội há thể cùng tận nổi? Do thiện nhân chuốc lấy ác quả, tam thế chư Phật gọi kẻ ấy là “hạng đáng thương xót”. Ông nên nương vào lý tâm Phật, nhân quả bất nhị này để thiết thực tu trì pháp Tín – Nguyện – Hạnh thì vãng sanh sẽ có ngày, có hy vọng thành Phật, may mắn lắm thay!

Bài tựa Thiền Tông Bí Mật Liễu Nghĩa Kinh nơi sách Nhất Hạnh Cư Tập tôi đã nói với ông Úy Như rồi, ông ta viết thư trả lời: “Ông ta chưa hề thấy kinh ấy, nên lúc khắc đã sơ ý bỏ qua, sẽ bỏ bài tựa ấy đi, ngõ hầu khỏi tạo nên nghi ngờ, lầm lạc”. Tôi lại bảo khắc chữ to hơn, hòng [sử dụng bản gỗ khắc] in được nhiều lần hơn; ông ta cũng cho biết đã bảo thợ khắc chữ to hơn, lại còn cho biết trong đầu tháng Hai sẽ lên miền Bắc. Quang cũng chẳng hỏi ông ta đã trở lại làm việc cho chính quyền hay chưa? Ở Bắc Kinh hiện đang lập xưởng in kinh, nếu Úy Như không chăm sóc sẽ không xong. Toa thuốc cữ hút thuốc phiện[8] truyền xa bốn phương, ai nương theo đó cữ thuốc, khi dùng hết thuốc bệnh bèn lành, quả thật là thần phương (bài thuốc tuyệt hay).

Như Lai thuyết pháp vốn thích ứng căn cơ, vì thế mới có chuyện vì Thật bày ra Quyền, khai Quyền hiển Thật, năm thời ban bố giáo pháp. Lại vì cậy vào Tự Lực để liễu thoát thì khó khăn, cậy vào Phật Lực để liễu thoát thì dễ dàng; lại thêm chúng sanh đời Mạt căn cơ hèn kém; do vậy, Phật đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ, ngõ hầu ba căn thượng, trung, hạ cùng được lợi ích, cùng chứng Bất Thoái. Đời có kẻ ham cao chuộng xa, chẳng xét thời cơ, thường dạy người tu tập những pháp đa phần chẳng thể khế ngộ, ý họ tuy rất tốt lành, nhưng ước về Giáo lại chẳng thể thích hợp căn cơ, nên dùng sức nhiều lại được lợi ích ít ỏi!

(thư thứ chín)

Thư ông gởi đến khá hợp thuyết Chuyên Tu của ngài Thiện Đạo, lại còn khế ngộ người căn cơ tầm thường, hèn kém. Rất vui! Chúng sanh mỗi người tập khí sai khác, mỗi người thiên về một chỗ. Kẻ ngu thiên về hèn kém, tầm thường, bậc trí thiên nơi cao thượng. Nếu kẻ ngu yên chịu phận ngu, chẳng dụng tâm tạp loạn, chuyên tu Tịnh nghiệp thì ngay trong đời này quyết định được vãng sanh, có thể nói là không ai sánh kịp kẻ ngu ấy. Nếu người trí chẳng cậy vào trí, vẫn cứ theo đuổi một môn cậy vào Phật từ lực, cầu sanh Tịnh Độ, thì có thể nói là “đại trí”. Nếu ỷ vào kiến giải của chính mình, miệt thị Tịnh Độ sẽ thấy từ kiếp này sang kiếp khác trầm luân ác đạo, có muốn được bén gót những gã ngu trong hiện thời cũng hoàn toàn chẳng thể được!

Tôi thật sự yêu mến, hâm mộ những kẻ hiểu sâu xa Tánh, Tướng, Tông, Giáo kia, nhưng chẳng dám thuận theo. Vì sao? Dây ngắn chẳng kéo được nước sâu, giấy nhỏ không thể bọc rộng, nguyên do là vậy! Chứ không phải là hết thảy mọi người đều phải bắt chước việc tôi làm. Nếu cũng hèn kém giống như tôi mà muốn học theo hành vi của bậc đại thông gia, muốn diệu ngộ ngay tự tâm, xem đọc biển giáo, tôi sợ chẳng thể thành bậc đại thông gia; trái lại còn bị hạng ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật vãng sanh Tây Phương thương xót! Há chẳng phải là quá khéo biến thành vụng to, bay lên không lại rớt xuống vực sâu ư? Một lời bao trùm hết: Phải tự xét kỹ căn cơ của chính mình mà thôi! Chúng ta chỉ nên an phận chịu ngu, mặc cho người khắp cõi đời đều là bậc thông gia, chỉ mong Phật pháp được rực sáng trong đời, chúng sanh đều được độ thoát mà thôi, còn gì sướng hơn! Cũng mong ông đem lời này bảo với Sư Thọ. Thầy Hoằng Nhất muốn lánh vào ở trong núi sâu, đáng gọi là bậc có lòng tin sốt sắng, chân tu, tôi vui mừng vô lượng!

***

[1] Thập Vãng Sanh kinh chính là kinh Phật Thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc, được xếp vào quyển 87 của Vạn Tục Tạng Kinh, không rõ ai đã dịch kinh này từ Phạn sang Hán. Nội dung kinh này dạy 10 pháp quán niệm để được vãng sanh Cực Lạc thế giới.

[2] Mã Tăng Ma là thọ nghiệp sư của hòa thượng Pháp Tràng.

[3] Điển cố “học phú ngũ xa” (học khắp năm xe) xuất phát từ câu văn trong sách Trang Tử: “Huệ Thí hữu phương, kỳ thư ngũ xa”. Huệ Thí là một triết gia thời Chiến Quốc, học vấn rất rộng. Câu trên có ý nói Huệ Thí học rất rộng, đọc rất nhiều sách, phải dùng năm cái xe mới chở hết được!

[4] Ý nói: Nếu viết nhiều chữ trong một tờ giấy, trẻ có thể nhớ âm đọc, cầm lên đọc nằm lòng nhưng không nhận biết từng chữ.

[5] Nguyên văn: “Tự liễu hán”, từ điển Phật Quang Sơn giảng: “Tự liễu hán: Chỉ hạng người không có ý niệm lợi tha, chỉ mong chính mình được lợi ích. Chỉ biết đến thân mình, không quan tâm đến đại cuộc. Nhà Thiền thường gọi kẻ chỉ tự mình tu hành, không có ý niệm độ sanh là Tự Liễu Hán”. Ở đây, Tổ tự xưng mình là Tự Liễu Hán vì có những người chỉ trích pháp môn Tịnh Độ là ích kỷ, chỉ lo cầu giải thoát cho riêng mình.

[6] Đây là một tác phẩm của Bành Thiệu Thăng, xiển dương Tịnh Độ, đồng thời dẫn dụng những công án bên Nho để xiển dương Phật pháp. Ông viết tác phẩm này trong khi đang bế quan tu Nhất Hạnh tam-muội tại Văn Tinh Các.

[7] Nguyên văn là “lược hư hán”, tự điển Phật Quang Sơn giải thích: Đây là thuật ngữ nhà Thiền chỉ kẻ thích nói xuông, làm ra vẻ tu hành. Lược là “lược thủ” (cướp lấy), Hư là hư vọng không thật. “Lược hư” tức là nói xuông, mô phỏng ngôn ngữ của người khác, làm ra vẻ.

[8] Bài thuốc này được đăng tải trong phần phụ lục thuộc quyển 4 của Ấn Quang Văn Sao.