Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
QUYỀN THỰC
THÁNH ĐẠO VÀ PHẬT GIÁO

Phần III
Vai trò cầu pháp và hộ pháp của chư thiên qua các buổi vấn đạo thời chư Phật tại thế

A. Đối chiếu với Quyền pháp, Thực pháp và Tứ Tất Đàn:

Tứ Tất Đàn là bốn phương thức chư Phật dùng để hóa độ chúng sinh tất cả căn cơ. Theo định nghĩa, tất là tất cả, đàn là bố thí. Tất đàn là bố thí rộng lớn khắp cả căn tánh chúng sinh từ bậc đại trí đến hàng hạ liệt.

Có bốn loại tất đàn: Thế tục tất đàn, Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn, và Đệ nhất nghĩa tất đàn.

Trong bốn tất đàn thì chúng ta có thể thấy rõ ba tất đàn đầu thuộc Quyền giáo, tức không phải cứu cánh. Riêng Tất Đàn thứ tư là Thực giáo, tức Đệ Nhất Nghĩa. Thật sự, khi đã dùng ngôn tự để chuyển đạt việc giáo hóa thì tạm nói rằng tất cả đều là Quyền pháp. Tuy nhiên, Quyền pháp không phải là một cái gì kém giá trị hơn Thực pháp như đã nói ở các trang trên. Về điểm này xin được trình bày rộng hơn ở đề mục thứ VII Nhiều Đường Vào Thực Tướng.

1/. Quyền giáo, thế tục tất đàn: Phật tùy thuận lối hiểu thông thường của trí thế gian mà nói nghĩa nhân duyên cho nên gọi là thế tục. Chư thiên cũng tùy thuận theo trí tuệ hạn hẹp của các cõi Trời thấp, và trí tuệ của người thế gian nên trước Phật vì họ mà vấn đạo khiến muôn loài lợi ích. Tuy rằng chưa lập tức phá ác sinh thiện nhưng được pháp hỷ đầy đủ.

Kinh Thiên Thỉnh Vấn, Ngài Huyền-Trang dịch, ghi lại như sau:

“Tôi nghe như vầy: một thời kia đức Thế-Tôn ở nơi vườn của ông Cấp-Cô-Độc, trong rừng Thệ Đa, nước Thất-La-Phạt (Sràvasti). Khi ấy, có một người Trời dung-nhan đẹp lạ, vào khoảng giữa đêm, thân tới nơi Phật, đỉnh lễ chân Phật, rồi đứng lui về một bên. Vị Thiên-nhân ấy uy quang rực rỡ, soi sáng khắp cả vườn rừng Thệ Đa. Bấy giờ vị Thiên-nhân kia nói ra bài tụng vi-diệu, thỉnh vấn Đức Phật:

– Gì là dao gươm sắc? Gì là thuốc độc? Gì là lửa cháy bừng? Gì là tối mù-mịt?

Khi ấy đức Thế-Tôn cũng dùng bài tụng đáp lại vị Thiên-nhân kia:

– Lời thô: dao gươm sắc, Tham-dục: thuốc độc, Lửa giận cháy bừng, Vô-minh tối mù-mịt.

Thiên-nhân lại thỉnh-vấn:

– Người nào là được lợi? Người nào là mất lợi? Gì là giáp-trụ bền? Gì là dao gậy tốt?

Đức Thế-Tôn đáp:

– Người cho là được lợi. Người nhận là mất lợi. Nhẫn là giáp-trụ bền. Tuệ là dao gậy tốt.

Thiên-nhân lại thỉnh-vấn:

– Gì gọi là giặc-cướp? Gì là của Trí-nhân? Gì mà trong cõi người cõi trời cho rằng hay cướp-bóc?

Đức Thế-Tôn đáp:

– Nghĩ tà là giặc cướp. Giới là của Trí-nhân. Trong các cõi trời người, phạm giới là cướp bóc.

2/. Quyền giáo, vị nhân tất đàn: Còn gọi là Sinh Thiện tất đàn, Phật vì muốn khai phát thiện căn vốn có của người nghe pháp mà dùng tất đàn này khi thuyết pháp khiến chúng sinh sau khi nghe kinh thì ưa thích làm điều thiện.

Thiên nhân lại thỉnh-vấn:

– Vật gì lửa không cháy, gió cũng chẳng xé tan; nước không làm mục nát, lại phù-trì thế-gian? Gì cùng vua chống giặc, dũng-mãnh kháng cự, không bị nhân, phi nhân xâm-đoạt?

Đức Thế-Tôn đáp:

– Phúc, lửa không cháy được. Gió cũng chẳng xé tan. Phúc, nước không làm mục, thường phù-trì thế-gian. Phúc, cùng vua chống giặc, dũng mãnh kháng cự, không bị nhân, phi nhân xâm-đoạt.

Thiên-nhân lại thỉnh-vấn:

– Con nay còn ngờ-vực. Thỉnh Phật trừ đoạn. Đời nay đến đời sau, ai tự dối cực độ?

Đức Thế-Tôn đáp:

– Người có nhiều của báu mà không hay tu phúc. Đời nay đến đời sau, họ tự dối cực độ.

Bấy giờ, người Trời kia nghe Phật Thế-Tôn nói kinh này rồi, vui mừng hớn-hở, ngợi khen chưa từng có, đảnh lễ chân Phật và liền ngay trước Phật hốt nhiên biến mất.

3/. Quyền giáo, đối trị tất đàn: Còn gọi là Đoạn Ác tất đàn, Phật vì muốn phá ác tâm của người nghe pháp ví như vì người bệnh mà ban cho diệu dược, đối trị các phiền não sân hận, mê đắm của chúng sinh, khiến họ tránh sinh tâm ác.

Kinh “Ta-Miệt-Nẵng-Pháp Thiên Tử thọ tam quy y khỏi sinh vào ác đạo”, Đại sư Pháp Thiên đời Tống dịch, ghi lại như sau:

“Khi ấy, Thiên chủ Đế Thích vì lòng thương cảm nên đi đến chỗ Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp, bảo:

– Này Thiên tử! Vì sao mà ông lăn lộn trên đất, than khóc bi thảm, nói những việc khổ làm cho người thấy động lòng thương xót?.

Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp nghe lời hỏi ấy, liền đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chắp tay thưa:

– Thưa Thiên chủ Đế Thích! Hiện nay mạng sống của con chỉ còn bảy ngày, sau khi chết sẽ bị đọa vào cõi Diêm-phù-đề, ở thành Vương Xá, do nghiệp tạo từ đời trước nên bị làm thân heo. Thưa

Thiên chủ! Khi đã thọ thân ấy thì trong nhiều năm phải ăn uống đồ dơ bẩn, con thấy khổ như vậy nên rất buồn lo.

Thiên chủ Đế Thích nghe rồi, rất thương xót nên bảo với Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp:

– Này Thiên tử! Ông có thể thành tâm quy y Tam bảo, nên nói lời như vầy:

Quy y Phật, đấng Lưỡng Túc.

Quy y Pháp, bậc lìa dục.

Quy y Tăng, chúng tôn quý.

Lúc đó, Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp vì sợ chết phải bị đọa vào loài súc sinh nên thưa với Đế Thích:

– Thưa Kiều-thi-ca! Hôm nay con xin như nguyện.

Thiên tử thọ tam quy y rồi, tâm luôn nhớ nghĩ đến Tam bảo, cho tới lúc mạng chung.

Bấy giờ, Thiên chủ Đế Thích quán xét xem vị Thiên tử kia sinh vào nơi chốn nào. Sinh vào thành lớn Vương xá, thuộc cõi Nam Diêm-phù-đề thọ thân heo chăng, hay chẳng thọ thân heo? Đế Thích vận dụng hết Thiên nhãn để quán xét mà chẳng thấy, lại quan sát nơi cõi ngạ quỷ, súc sinh cũng không thấy. Lại quan sát cõi người ở thế giới Ta-bà cũng lại chẳng thấy, cho đến chư Thiên của cõi Tứ Thiên vương và trời Đao-lợi, xem xét hết thảy cũng đều không thể thấy. Lúc này Thiên chủ Đế Thích do không thấy nên sinh tâm nghi ngờ, bèn đi đến chỗ Đức Phật nơi rừng cây Kỳ-đà, đảnh lễ sát chân Phật, lui ra ngồi một bên thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nay con không biết Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp kia thác sinh vào nơi chốn nào?

Đức Thế Tôn dùng chánh biến tri bảo Đế Thích:

– Này Kiều-thi-ca! Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp đã được sinh lên cõi trời Đâu-suất, hưởng thọ năm thứ dục lạc.

Thiên chủ Đế Thích nghe Phật nói rõ như vậy liền hết sức vui mừng, tâm ý thư thái, các căn sung mãn, liền ở trước Phật nói kệ:

– Nếu quy y Thế Tôn
Thì chẳng đọa đường ác
Xả bỏ thân người rồi
Sẽ được thọ thân trời.

Nếu quy y chánh pháp
Chẳng đọa vào đường ác
Xả bỏ thân người rồi
Sẽ được thọ thân trời.

Nếu quy y Thánh tăng
Chẳng đọa vào đường ác
Xả bỏ thân người rồi
Sẽ được thọ thân trời.

Phật nói kệ:

– Không biết danh hiệu Phật, Pháp, Tăng
Người ấy cuối cùng chẳng được gì
Ở mãi chốn sinh tử luân hồi
Như hoa Ca-thi giữa hư không.

4/. Thực giáo, đệ nhất nghĩa tất đàn: Tuy dùng phương tiện thuyết giáo dù là hữu ngôn hay vô ngôn, Phật giúp chúng sinh thấy được thật tướng của vạn pháp, gọi là chứng nhập diệu lý.

Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, quyển II:

Phật dạy:

“Này Phạm thiên! Nếu hành giả cho rằng: Ta thấy biết về khổ là hư vọng, ta đoạn được tập là hư vọng, ta chứng được diệt là hư vọng, ta tu được đạo là hư vọng. Vì sao? Vì người ấy đã bỏ mất sự hộ niệm của chư Phật, do đó gọi là hư vọng. Thế nào là được chư Phật hộ niệm? Đó là không nhớ nghĩ về tất cả các pháp. Nếu hành giả trụ trong niệm ấy thì không trụ trong tất cả tướng. Nếu không trụ trong tất cả tướng thì trụ nơi thật tế. Nếu trụ nơi thật tế gọi là chẳng trụ nơi tâm. Nếu chẳng trụ nơi tâm, người ấy gọi là người nói lời chân thật, chẳng phải nói lời dối vọng”.

Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, quyển IV:

Phật dạy:

“Này Phạm thiên! Ở đời vị lai, có Tỳ-kheo không tu thân, giới, tâm, trí tuệ, người ấy nói tướng sinh tử là khổ đế, các duyên hòa hợp là tập đế, nói pháp diệt là diệt đế, dùng hai pháp để cầu tướng là đạo đế, cho đó là Phật nói, thì Như Lai bảo rằng đó là kẻ ngu si, thuộc về bè đảng của ngoại đạo, Như Lai chẳng phải là thầy của người ấy. Người ấy chẳng phải là đệ tử của ta, đã rơi vào tà đạo, bỏ mất chánh pháp, nên nói là hữu đế.”

Phạm thiên thưa:

-Thưa Đại sĩ! Tánh của pháp Như như, không có thọ ký.

Bồ-tát Võng Minh nói:

-Tướng thọ ký của các Bồ-tát đều cũng như thế, cũng giống như tánh của pháp Như như.

Phạm thiên hỏi:

-Làm sao nhận biết pháp không hai?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu không hai có thể nhận biết thì chẳng phải là không hai. Vì sao? Vì tướng không hai là không thể nhận thức.
Này Phạm thiên! Hai tức là nghiệp của thức, không thể nhận biết về pháp của Đức Phật đã giảng nói. Pháp ấy không như chỗ đã giảng nói. Vì sao? Vì pháp ấy không có văn tự.

B. Đối chiếu với Tứ Giáo và Tứ Thánh đế theo Pháp Hoa Tông:

Trong Tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, Viên) của Pháp Hoa Tông do vị khai tổ là Trí Giả Đại Sư (538-597) lập ra thì Viên giáo được xem là Thực giáo, ba giáo môn còn lại là Quyền giáo. Chư vị Thanh văn thuộc về Tạng giáo, Duyên giác thuộc về Thông giáo, Bồ tát thuộc về Biệt giáo, chư Phật thuộc về Viên giáo.

Tạng giáo sánh với đế thứ nhất trong Tứ thánh đế tức Sinh Diệt Tứ Đế, là lối hiểu nhân quả qua thế giới hiện tượng. Thông giáo sánh với đế thứ hai tức Vô Sinh Diệt Tứ Đế, là lối hiểu về Không. Biệt giáo sánh với đế thứ ba tức Vô Lượng Tứ Đế, là lối hiểu về Giả. Viên giáo sánh với đế thứ tư tức Vô Tác Tứ Đế, là lối hiểu về Trung đạo.

Ở đây chúng ta lại nhắc đến bài kệ [24:18] Trung Luận, những đoạn văn nói về Tứ thánh đế sau đây tôi cũng không ngần ngại lấy ra từ bản văn “Nền Tảng Phật Học Thiên Thai Tông” do giáo sư Paul Swanson biên soạn nguyên tác Anh ngữ mà tôi đã dịch sang Việt ngữ, nxb Phương Đông ấn hành năm 2010 tại Việt Nam, vì đối với các bản văn tự tay mình dịch thuật thì mình dễ thâm nhập vì quen thuộc hơn các bản văn khác.

Trí Giả Đại Sư viết: Trong bài kệ [24:18] Trung Luận: {Nhân duyên sở sinh pháp} chỉ cho sinh diệt. {Ngã thuyết tức thị Không} chỉ cho vô sinh. {Diệc vi thị giả danh} chỉ cho vô lượng. {Diệc thị trung đạo nghĩa} chỉ cho vô tác.

Trước hết, qua “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” và “Maha Chỉ Quán”, Thiên Thai Trí Khải đã khế hợp bốn dòng kệ nầy với bốn cách giải thích về tứ thánh đế. Tứ thánh đế, nói ngắn gọn, là bốn giáo lý căn bản về Khổ, Tập, Diệt , Đạo, là những điều được nói đến thường xuyên trong tất cả hệ thống Phật học. Bốn lối giải thích tứ đế là sinh diệt vô sinh, vô lượng, và vô tác (T46.5b15).
Lối phân chia bốn cách để giải thích tứ đế nầy từ Thiên Thai Trí Khải, dù rằng đại sư nói rằng lấy từ phẩm “Thánh Hạnh”, kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh Đại Bát Niết Bàn có thuyết chi tiết về tứ đế, tám loại khổ, nhân của khổ v.v… nhưng bốn thứ lớp chú giải nầy nên đưa về cho Sư Trí Khải. Lối phân loại bốn mặt nầy không đưa ra bốn loại tứ đế, bởi vì chỉ có một tứ đế được nói đến qua bốn cách nhìn, giải thích.

Trong “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” (T33, 700c-702a), Sư Trí Khải luận rất rõ ràng từng điểm một về sự tương hợp giữa Tứ Đế và sự phân loại Tứ Giáo của Pháp Hoa Tông: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo. Tứ Giáo là hệ thống Sư Trí Khải phân loại toàn thể giáo lý Phật theo nội dung. Mặc dù giáo lý chỉ có một và không chống trái nhau, nhưng từng nội dung giáo thuyết được nhấn mạnh tùy thuận khả năng lãnh hội của người nghe, không gian, thời gian, và trường hợp thuyết giáo.

1/. Tạng giáo và Sinh diệt tứ đế 生滅四 諦: Đây là sự nhấn mạnh trên dòng tuôn chảy không dừng của thế giới hiện tượng. Vạn sự vạn vật tương sinh tương diệt trong màng lưới của nhân duyên. Từ cái thấy nầy, như Sư Trí Khải từng nói: “Khổ đi qua ba chặng đường sinh, dị, và diệt. Tập cuốn trôi theo bốn trạng thái ô nhiễm của tâm. Đạo chinh phục và giảm dần ô nhiễm. Diệt dứt trừ Ngã, về với Vô Ngã” (T46.5b15-16). Trong cách Sư Trí Khải dùng chữ, đây là cảnh “biến dị” 變異 (T46.5b18). Đây cũng là cách chú giải câu kệ thứ nhất: “Nhân duyên sở sinh pháp”.

Tạng giáo chỉ Phật giáo Tiểu Thừa, hoặc nói rõ hơn, nội dung các kinh A Hàm. Giáo lý nầy nhấn mạnh trên sự thuyết minh về Tứ Diệu Đế và sự sinh diệt thường xuyên của các pháp hữu vi.
Theo như đoạn kinh “Đế Thích Sở Vấn” (Đại sư Pháp Hiền, đời Tống dịch) trích dẫn dưới đây, người đọc có thể nhận ra dễ dàng con đường tương sinh tương diệt nói trên. Chúng ta thấy rằng chỉ trong một đoạn kinh hỏi đạo ngắn gọn của một vị thiên chủ mà có thể phá bỏ con đường từ sinh đến diệt. Đế Thích tức Thích Đề Hoàn Nhân, chủ cung trời Đao Lợi, một trong 12 vị trấn thủ ở phương Đông, tích cực thủ hộ Phật pháp, khi Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu nghe thì vị trời này cầm bảo cái theo hầu Đức Phật. Trong các bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa thì ngài dạy rằng vị trời Đế Thích còn có hiệu là Ngọc Hoàng Thượng Đế theo Đạo giáo.
“Thiên chủ Đế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Các hàng trời, người, A tu la, Càn Thát Bà cùng với các hàng phàm phu khác vì sao mà bị phiền não?

Phật dạy rằng:

– Do thương ghét mà bị phiền não. Này Thiên chủ Đế Thích! Những hàng trời, người, A tu la, Càn thát bà cho đến các chúng sanh khác nếu thường hay suy nghĩ: “Than ôi! Tự ta đối với người khác trước hết đừng có xâm hại, cũng đừng oán thù, không tranh giành chống đối, không kiện cáo, tranh hơn thua, lại cũng đừng lôi kéo lẫn nhau. Tại sao ta lại làm những việc như vậy?” Này Thiên chủ! Những việc như thế là do lòng thương ghét nổi lên nên mới sanh ra phiền não.

Bấy giờ Thiên chủ Đế Thích được nghe Phật dạy, hoan hỷ tin nhận, lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Phiền não thương ghét lấy gì làm nhơn, do đâu tập khởi, vì sao sanh ra, lấy gì làm duyên, do đâu mà có, do đâu mà không?

Phật dạy rằng:

– Này Thiên chủ! Phiền não thương ghét do kẻ oán người thân làm nhơn, do kẻ oán người thân tập khởi, từ kẻ oán người thân sanh ra, lấy oán thân làm duyên, do có oán thân mà có phiền não thương ghét. Nếu không có oán, thân sẽ không có thương ghét.

Lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Oán thân nhơn đâu mà có, từ đâu tập khởi, do đâu sanh ra, lấy gì làm duyên, tại sao lại có, làm sao để không có?

Phật dạy rằng:

– Này Đế Thích, do dục làm nhơn, vì dục tập khởi, do dục sanh ra, do dục mà có oán thân. Nếu không có dục sẽ không có oán thân.

Lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Nhưng dục này nhơn đâu mà có, do đâu tập khởi, do đâu phát sanh, dựa đâu làm duyên, tại sao lại có, làm sao để không có?

Phật dạy rằng:

– Này Đế Thích! Dục do mê lầm mà có, từ mê lầm tập khởi, do mê lầm sanh, nương mê lầm làm duyên, nhơn mê lầm mà có, nếu không có mê lầm sẽ không có dục.

Lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Mê lầm do nhân gì, tập gì, sanh gì, duyên gì mà có mê lầm này. Do đâu có mê lầm, do đâu không có?

Phật bảo Đế Thích:

– Lấy hư vọng làm nhân, từ hư vọng tập khởi, do hư vọng phát sanh, nương hư vọng làm duyên, do có hư vọng nên có mê lầm, do có mê lầm nên có dục, do có dục nên có oán thân, do có oán thân nên có thương ghét, do có thương ghét nên mới có dao kiếm đánh nhau, tố tụng, tranh giành, trong lòng sanh ra quanh co, khúc khuỷu, lời nói không thành thật, khởi lên muôn ngàn các thứ nghiệp xấu, là pháp bất thiện như vậy, dẫn đến sự tập khởi của khối đại khổ được tích tụ. Này Thiên chủ! Nếu không có hư vọng liền không có mê lầm, nếu không có mê lầm liền không có tham dục, nếu không có tham dục liền không có oán thân sanh ra, oán thân không có, thương ghét tự trừ. Vì không có thương ghét thì dao kiếm đánh nhau, tố tụng đấu tranh, trong lòng quanh co khúc khuỷu, lời nói không thành thật, các thứ nghiệp xấu là pháp bất thiện đều được tiêu trừ; như thế là toàn bộ khối khổ lớn được tiêu diệt.

Lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Pháp hư vọng lấy pháp gì để diệt trừ, cho đến các vị hành giả phải thực hành như thế nào?

Phật dạy rằng:

– Này Thiên chủ! Diệt trừ hư vọng đó là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nhờ tám pháp này diệt trừ được hư vọng. Nếu các vị hành giả thực hành pháp này thì gọi là thực hành các pháp diệt trừ hư vọng.

Bấy giờ, Đế Thích lại bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Tất cả chúng sanh, sự ưa muốn, nhớ nghĩ và sắc tướng có giống nhau không?

Phật dạy rằng:

– Chẳng giống nhau. Này thiên vương! Tất cả chúng sanh không đồng một ưa muốn, không đồng một nhớ nghĩ, không đồng một sắc tướng. Này Thiên chủ, tất cả chúng sanh tuy mỗi mỗi đều ở trong cảnh giới của mình, nhưng không biết các cảnh giới sai biệt. Vì không biết các cảnh giới sai biệt cho nên mới đi vào con đường tối tăm, trở lại chấp pháp si mê cho đó là chơn thật. Các chúng sanh này không biết các cõi muôn ngàn sai biệt, điều họ biết được chỉ là cảnh giới tối tăm. Tuy có chút hiểu biết nhưng cũng thường đi vào con đường tăm tối, chấp chặt lấy si mê mà cho là chơn thật”.

Về việc chứng đắc quả Thánh nơi các cung Trời được ghi lại trong đoạn kinh “Phật nói Kinh Nhân Tiên” (Đại Sư Thần Pháp Hiền phụng chiếu dịch) nói về vua Tần Bà Sa La, cha của vua A Xà Thế, đắc quả Tu Đà Hoàn và Tư Đà Hàm tại cung trời Tỳ Sa Môn thiên vương:

“Như vầy tôi nghe. Một thời đức Phật ở trong tinh xá Khôn Tả Ca thành Na Đề Ca. Cùng với đại chúng câu hội. Bấy giờ Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn. Nước Ma Già Đà là đất Thế Tôn thành Chánh giác, tối thắng không sánh được mà đất tối thắng này, do vua Tần Bà Sa La làm chủ. Chỉ mong Thế Tôn vì chúng con nói nơi sanh xứ của vị vua này sau khi mạng chung.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghe lời thỉnh của ngài A Nan liền yên lặng. Ngài A Nan thấy Đức Phật trầm lặng thì biết đã nhận lời cầu thỉnh của mình nên đảnh lễ nơi chân Thế Tôn rồi trở về chỗ ngồi.
Sau một đêm, Thế Tôn mặc y đem theo dụng cụ bình bát đi vào thành Na đề ca theo thường lệ mà khất thực xong trở về chỗ của mình, thay đồ rửa chân, sau khi ăn xong thì kinh hành. Sau đó trở về chỗ ngồi, quán sát lại những lời hỏi của ngài A Nan: “Vua nước Ma Già Đà là Tần Bà Sa La, sau khi mạng chung đã sanh nơi xứ nào? Dùng hạnh nguyện nào? Đắc quả báo nào?”.

Khi quán sát việc này, nương thần thông của Phật, ở trong hư không, có tiếng xưng danh.

– Thế Tôn! Con là Nhân Tiên. Thiện Thệ! Con là Nhân Tiên!.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn nghe được tiếng nói trong hư không, liền đứng lên từ chỗ ngồi đi đến nơi chúng Thanh Văn. Tôn giả A Nan đi đến chổ của Phật, lộ vai bên phải đảnh lễ nơi chân Thế Tôn trước mặt Phật, bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Nhân nào duyên nào mà vui mừng hơn những lúc bình thường?

Phật bảo Ngài A Nan rằng:

– Theo như lời thỉnh của con, vua Tần Bà Sa La nước Ma già đà và các Ưu bà tắc, sau khi diệt độ nơi này, sẽ sanh nơi xứ nào, dùng hạnh nguyện nào, đắc quả báo nào. A Nan! con xưa nay có nghe qua danh xưng Nhân Tiên này không?

Ngài A Nan bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn, con chưa nghe có người tên này nhưng khi con nghe danh này rồi thì vui mừng đến rúng động toàn thân.

Tôn giả A Nan nói xong lại nghe trên hư không lại có lời nói rằng:

– Thế Tôn! con là vua Tần Bà Sa La.! Con là vua Tần Bà Sa La! Ngày xưa con tên là Nhân Tiên, sau khi mệnh chung, sanh nơi nhân gian được làm vua người, chứng quả Tu Đà Hoàn. Nay sanh lại lần 7, sanh trong cung Tỳ Sa Môn làm Thiên vương tử, cũng mang tên là Nhân Tiên, Thế Tôn! Khi con làm con của Thiên vương Tỳ Sa Môn, vẫn có thể nhớ biết được những pháp vi diệu thanh tịnh cực kỳ an lạc Phật nói, đương lai chứng được quả Tư Đà Hàm.

2/. Thông giáo và Vô sinh diệt tứ đế 無生滅四諦: Chỗ nầy khẳng định tất cả là Không (T46.5b19). Ngã không đến mà cũng không đi bởi vì không hề có cái gọi là chủ tể cố định. Khổ không thực có, và vì vậy, không thực sự có khổ nhân. Trên đường Đạo không có nhiễm ô để diệt trừ hoặc làm vơi bớt. Tất cả các pháp hữu vi, như định nghĩa, thiếu một cái ngã vĩnh viễn, bất biến, tự lập. Vậy thì cái gì thực sự luôn sinh diệt?. Đây là điều được nói đến trong dòng kệ thứ hai: “Ngã thuyết tức thị Không”.

Thông giáo trình bày, mặc dù không giới hạn, về Bát Nhã; nhấn mạnh trên Không, sự thiếu vắng một chủ tể của vạn sự vạn vật. Nội dung của giáo lý thì có cả Đại thừa và Tiểu thừa, cho nên được gọi là “Thông”.

Cũng trong Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn kinh, chúng ta thấy một đoạn kinh ở một cảnh giới tâm thức khác.

Phạm Thiên thưa:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp môn của Như Lai?

Đức Phật dạy:

– Mắt là môn giải thoát, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là môn giải thoát. Vì sao? Vì mắt là không, không ngã, không ngã sở, tánh của nó là như nhiên. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là không, không ngã, không ngã sở, tánh của chúng cũng là như nhiên.

Phạm Thiên thưa:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là phương tiện?

Đức Phật dạy:

– Như Lai thật không chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, cũng không thủ đắc về bố thí, cũng không thủ đắc về keo kiệt, không chấp trì giới cũng không chấp phá giới, không chấp nhẫn nhục cũng không chấp sân giận, không chấp tinh tấn cũng không chấp lười biếng, không chấp thiền định cũng không chấp tâm tán loạn, không chấp trí tuệ cũng không chấp quả vị của trí tuệ, không chấp Bồ-đề cũng không chấp Niết-bàn, không chấp khổ cũng không chấp vui.

3/. Biệt giáo và Vô lượng tứ đế: 無量 四 諦 Chỗ nầy muốn nói rằng mặc dù muôn sự không có chủ tể, nhưng vẫn có muôn hình tướng giả hiện. Như THiên Thai Trí Khải nói chỉ trong một cõi cảnh mà có vô lượng khổ não (như cõi người), thì biết làm sao mà tính kể cho hết những khổ não nầy trong các cảnh giới khác từ địa ngục đi lên. Có vô lượng khổ đau thì có vô lượng nhân gây tạo gồm “tham, sân, si, và những ô nhiễm từ thân, khẩu, và ý (T46.5c3). Vì thế cho nên đường Đạo cũng muôn mặt, hoặc là những phân tích của giới khoa bảng, hoặc trí tuệ huyền vi, hoặc phương tiện vụng về hay tinh xảo, những đoạn đường quanh có hay bằng phẳng, dài hay ngắn, giáo pháp giả lập hay vẹn toàn. Sau cùng, có vô lượng hình tướng hoại diệt vì có vô lượng ảo vọng và ô nhiễm.

Thiên Thai Trí Khải nói ngay rằng tất cả chỉ là từ “lối nói tương đối”, và không hề có bất cứ sự khác biệt bởi vì tất cả đều thiếu một chủ tể. Tuy nhiên, “không phải là sai hoặc lầm khi nói đến vô số hình tướng khác biệt nầy” (T46. 5C9-10), bao lâu hành giả còn thấy được rằng đây chỉ là tạm nói mà thôi. Đây là điều được nói đến trong dòng kệ thứ ba: “Diệc vi thị giả danh”.

Biệt giáo thuộc về các Bồ tát. Khác với sự nhấn mạnh trên Không của Thông giáo, giáo lý nầy đồng thời chứng được Giả và vô vàn hiện tướng. Vị Bồ tát nầy, với trí và bi, bước trở vào thế gian tạm bợ, dùng phương tiện thiện xảo mà cứu chúng sinh vượt thoát muôn ngàn mê vọng của chính họ.

Cũng trong quyển “Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn Kinh”, phẩm Bốn Pháp, chúng ta thấy các câu hỏi quan trọng của một vị cõi Trời Phạm Thiên về hạnh Bồ Tát như sau:

Bấy giờ, Phạm thiên Tư Ích nói kệ xong, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là tâm kiên cố, không hề mệt mỏi của Bồ-tát?

Thế nào là Bồ-tát có lời nói chắc thật không hố tiếc?

Thế nào là Bồ-tát làm tăng trưởng các căn lành?

Thế nào là Bồ-tát không còn lo sợ, oai nghi chẳng động?

Thế nào là Bồ-tát thành tựu pháp thanh tịnh?

Thế nào là Bồ-tát khéo biết từ quả vị này đến quả vị khác?

Thế nào là Bồ-tát giỏi dùng phương tiện đối với chúng sinh?

Thế nào là Bồ-tát giáo hóa tất cả muôn loài?

Thế nào là Bồ-tát đời đời không mất tâm Bồ-đề?

Thế nào là Bồ-tát có thể thực hành nhất tâm mà không hề xen tạp?

Thế nào là Bồ-tát mong cầu tất cả pháp báu?

Thế nào là Bồ-tát khéo ra khỏi tội lỗi của sự hủy hoại giới cấm?

Thế nào là Bồ-tát kheo ngăn chận, diệt trừ phiền não?

Thế nào là Bồ-tát hoàn toàn hội nhập vào đại chúng?

Thế nào là Bồ-tát biết thực hành pháp thí?

Thế nào là Bồ-tát đạt đầy đủ năng lực mà không mất thiện căn?

Thế nào là Bồ-tát không do người khác giáo hóa mà tự mình có thể thực hành sáu pháp Ba-la-mật?

Thế nào là Bồ-tát có thể chuyển bỏ thiền định để sinh lại cõi Dục?

Thế nào là Bồ-tát ở trong pháp của Phật đạt được quả vị không thoái chuyển?

Thế nào là Bồ-tát khổng đoạn các chủng tử của Phật?.

Tiếp theo là một đoạn vấn đáp giữa Bồ-tát Võng Minh và vị Trời cõi Phạm:

Phạm Thiên thưa:

– Thưa Đại sĩ! Chẳng phải là Đại sĩ đã thực hành sáu pháp Ba-la-mật rồi sau mới được thọ ký sao?

Bồ-tát Võng Minh đáp:

– Đúng như lời ông nói, Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật, sau đó mới được thọ ký.

Này Phạm thiên! Nếu Bồ-tát xả bỏ tất cả phiền não thì gọi là Bố thí ba-la-mật. Đối với các pháp mà không có chỗ sinh khởi thì gọi là Trì giới ba-la-mật. Đối với các pháp mà không làm tổn thương thì gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật. Đối với các pháp luôn xa lìa tướng thì gọi là Tinh tấn ba-la-mật. Đối với các pháp không có chỗ trụ thì gọi là Thiền định ba-la-mật. Đối với các pháp đều không hý luận, thì gọi là Trí tuệ ba-la-mật.

Này Phạm thiên! Bồ-tát thực hành sáu pháp Ba-la-mật như vậy thì nẻo hành hóa của Bồ-tát ở đâu?

Phạm thiên thưa:

– Không có nơi chốn hành hóa. Vì sao? Vì phàm có nơi chốn hành hóa thì đều là chẳng hành.

Bồ-tát Võng Minh nói:

– Nếu hành tức là chẳng hành, nếu chẳng hành tức là hành, thì này Phạm thiên! do vậy nên biết: Không có nơi chốn hành tức là Bồ-đề. Đúng như ông đã hỏi: Nếu Bồ-tát được thọ ký Bồ-đề thì tánh của pháp Như như cũng được thọ ký, sự thọ ký của tôi cũng lại như vậy.

Phạm thiên thưa:

– Thưa Đại sĩ! Tánh của pháp Như như, không có thọ ký.

Bồ-tát Võng Minh nói:

– Tướng thọ ký của các Bồ-tát đều cũng như thế, cũng giống như tánh của pháp Như như.

Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn, Tam tạng Pháp sư Xà-Na-Quật-Đa đời Tùy dịch, ghi lại lời vấn đạo của thiên tử về trí tuệ của Bồ Tát, và giải đáp của Ngài Văn Thù như sau:

Lúc bấy giờ, Thiên tử Thương Chủ và vô lượng chư Thiên, trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau, cùng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân, nhiễu quanh theo hướng bên phải ba vòng, đem đủ thứ phẩm vật cúng dường Đức Như Lai, vì muôn nghe pháp nên họ ở trước Đức Thế Tôn và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, khi đó Thiên tử Thương Chủ chắp tay, hướng về phía Phật, bạch:

– Bạch Thế Tôn! Xin thỉnh Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử giảng nói chánh pháp. Hôm nay trong chúng hội này có các Thiên tử từ lâu đã được Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giáo hóa tạo sự thành tựu, những vị ấy nếu lãnh hội được trí tuệ, biện tài của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi sẽ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, đã phát tâm rồi tất ở trong Phật pháp không còn thoái chuyển.

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

– Này Thiện nam! Ông nên vì Thiên tử Thương Chủ và chư Thiên khác mà giảng nói giáo pháp quan trọng.

Lúc ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi vâng lời Phật dạy, bảo Thiên tử Thương Chủ:

– Ông nên nhất tâm lắng nghe, lãnh thọ, ghi nhớ kỹ, tôi sẽ vì ông phân biệt giảng nói rõ ràng. Như các Đại Bồ-tát hội nhập vào trí Nhất thiết trí, đối với tất cả pháp đều thông đạt đến bờ bên kia, mau chóng thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, thì đối với Nhất thiết trí phải nên tu hành.

Này Thiện nam tử! Luận về trí của các Đại Bồ-tát, đó là trí nhận biêt Khổ, trí thực hiện giải thoát, trí nhận biết Tập, trí tu tập căn lành, trí nhận biết Diệt, trí xuất sinh, trí nhận biết Đạo, trí chẳng phải là đạo, trí nhận biết nhân, trí không mất, trí nhận biết quả, trí thâu tóm chứng đắc các duyên, trí tích tập xét đoán, trí chân thật, trí Phật, trí tự tại, trí nhân duyên sinh, trí thị hiện thí dụ, trí nhận biết ấm, trí dứt trừ các nhiễm của dục, trí nhận biết cảnh giới, trí mở bày pháp giới, trí nhận biết nhập, trí quán xét không tụ, trí bố thí, trí không quá thời, trí nhận biết giới, trí thành tựu cho những chúng sinh không giữ giới, trí nhẫn nhục, trí tinh tấn, trí khéo làm các việc, trí thiền định, trí hồi chuyển thiền, trí nhận biết trí tuệ, trí nhận thức, trí phương tiện, trí thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, trí Từ, trí nhận biết phàm phu thừa, trí Bi, trí không mệt mỏi, trí Hỷ, trí hoan hỷ ưa thích pháp, trí Xả, trí thành tựu pháp của chư Phật, trí hóa độ chúng sinh, trí quan sát, trí luôn phụng hành, trí không phải nơi chôn khiến an trụ, trí chánh cần, trí chánh giác, trí thần túc, trí quán xét các hành không tạo tác, trí nhận biết tín, căn, lực, trí Nhất thiết trí siêu việt, trí căn lực tinh tấn, trí không bị tất cả phiền não bức bách, trí niệm căn lực, trí không quên mất tất cả các pháp, trí Tam-muội căn lực, trí tất cả pháp bình đẳng trí, trí căn lực, trí các căn thù thắng, trí Bồ-đề phần, trí chứng đạo, trí vượt qua các thứ phi đạo, trí duyên dựa, trí nhận biết tận, trí nhận biết các căn lành không cùng tận, trí vô sinh, trí đạt được các pháp Nhẫn vô sinh, trí niệm Phật, trí thành tựu tự thân, trí niệm Pháp, trí chuyển pháp, trí niệm Tăng, trí hội nhập vào A-tỳ-bạt tăng bình đẳng, trí niệm thí, trí không bỏ chúng sinh, trí niệm giới, trí đầy đủ các nguyện, trí niệm không, trí không tạo các việc ác, trí không nhớ nghĩ các pháp, trí nhận biết các tâm Từ, trí viên mãn, trí thực hiện đầy đủ các việc không nhàm chán, trí nhận biết thuốc của các chúng sinh, trí phương tiện để thực hành như pháp, trí xứ phi xứ, trí phi xứ không tạo tác, trí mười lực, trí thuận theo hai thừa, trí không sợ hãi, trí nhận biết chỗ tạo sự chướng ngại và không chướng ngại đối với các pháp, trí không chấp vào thân quá khứ, trí không trụ vào thức, trí không chấp vào thân vị lai, trí chẳng hành theo các pháp, trí không chấp vào thân hiện tại, trí bất định chẳng trụ, trí nhận biết thân là tối thượng, trí nhận biết chúng sinh, trí khiến được độ thoát, trí nhận biết nghiệp là quan trọng, trí phân biệt tiếng của các chúng sinh, trí nhận biết tâm ý là quan trọng, trí nhận biết sự phát khởi tâm hành của các chúng sinh, trí không lầm lỗi, trí nhận chỗ lầm lỗi của chúng sinh, trí ưa thích và không ưa thích, trí diệt trừ tranh chấp, trí không quên chánh niệm, trí khiến chúng sinh tâm loạn được an trụ, trí thâu tóm các thiền định, trí thâu tóm các chúng sinh biếng nhác không thực hiện pháp của chư Phật, trí biết thời để giáo hóa chúng sinh, trí phương tiện, trí Bát-nhã.
Này Thiên tử! Đây chính là trí của các Đại Bồ-tát, nhờ những trí như vậy, nên Bồ-tát đạt được trí vô ngại của chư Phật.

4/. Viên giáo và Vô tác tứ đế 無作四諦: Đây là sự diễn đạt chân lý tối thượng vượt trên khái niệm và ngôn từ. Không có sự phân biệt giữa khổ, tập, diệt, và đạo. Tất cả là Một. Đây là cái thấy trong dòng kệ thứ tư: “Diệc thị Trung Đạo nghĩa”.

Viên giáo là chân lý như nó là. Đó là viên mãn; chân thực, và chân lý toàn vẹn, không gì khác hơn. Đó là vi diệu, bất khả tư nghị, vượt trên ngôn từ và khái niệm. Đó là thực tại được tiếp nhận viên toàn bởi chư Phật. Đó là Trung Đạo, tức trí tuệ vào được thể tánh ngay chính nơi hiện hữu giả tạm thiếu chủ tể.

Bấy giờ vị Trời Phạm Thiên Tư Ích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đã tu tập hạnh gì mà được chư Phật thọ ký đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật bảo:

– Nếu Bồ-tát không hành nơi pháp sinh, không hành nơi pháp diệt, không hành pháp thiện, không hành pháp bất thiện, không hành pháp thế gian, không hành pháp xuất thế gian, không hành pháp có tội, không hành pháp không có tội, không hành pháp hữu lậu, không hành pháp vô lậu, không hành pháp hữu vi, không hành pháp vô vi, không hành pháp tu đạo, không hành pháp đoạn trừ, không hành pháp sinh tử, không hành pháp Niết-bàn, không hành pháp thấy, không hành pháp nghe, không hành pháp hiểu, không hành pháp biết, không hành theo bố thí, không hành theo xả bỏ, không hành theo trì giới, không hành nơi che giấu, không hành nơi nhẫn nhục, không hành theo thiện, không hành theo phát khởi, không hành tinh tấn, không hành thiền định, không hành Tam-muội, không hành nơi trí tuệ, không hành theo hành, không hành theo nhận thức, không hành theo thủ đắc.

Này Phạm thiên! Nếu Bồ-tát thực hành như vậy thì được chư Phật thọ ký đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì mọi nẻo hành hóa đều là tướng chấp giữ. Không tướng chấp giữ, không tướng phân biệt tức là Bồ-đề. Nếu có nơi chôn, đối tượng thì không phải Bồ-đề, không có nơi chốn như vậy tức là Bồ-đề. Mọi nẻo hành hóa hiện có đều là phân biệt, không phân biệt là Bồ-đề. Mọi nẻo hành hóa đều là sinh khởi, không sinh khởi là Bồ-đề. Mọi nẻo hành hóa là hý luận, không hý luận là Bồ-đề. Vì vậy nên biết, nếu Bồ-tát vượt qua mọi nẻo hành hóa thì được thọ ký.

Trong phẩm 4 “Hiểu rõ các pháp”, là lời Phật dạy về Thánh đế:

– Này Phạm thiên! Do nhân duyên này, ông nên biết Thánh đế chẳng phải là khổ, tập, diệt, đạo. Gọi Thánh đế là nhận biết về khổ không sinh, đó là Khổ thánh đế. Biết về tập không hòa hợp, đó là Tập thánh đế. Ở trong pháp diệt hoàn toàn, nhận biết là không sinh, không diệt, đó là Diệt thánh đế. Đối với tất cả các pháp đều bình đẳng, dùng pháp không hai mà chứng đắc đạo, đó là Đạo thánh đế. Vì chẳng phải lìa sinh tử mà đạt được Niết-bàn nên gọi là Thánh đế.

Có thể thấy được rằng chỉ nơi một quyển kinh thưa hỏi về giáo pháp của chư Phật của một vị thiên chủ cõi trời Phạm thiên mà đã bao hàm bốn thứ lớp đi từ thấp lên cao, từ cái thấy vạn pháp do nhân duyên sinh cho đến vạn pháp đồng nhất thể. Vì vậy, người giới hạn trong cái thấy từ cảnh giới của chính mình, thì quên rằng Phật chỉ vì tùy cơ thuyết giáo mà phân chia giáo pháp Phật ra làm nhị thừa, tam thừa, ngũ thừa v.v…. Phẩm Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm nói về cảnh giới của một Bồ Tát Sơ Địa cũng đã có thể hóa hiện hàng trăm ứng thân, đồng thời giáo hóa chúng sinh, huống chi là chư Phật từ trong cái gọi là “bản địa thùy tích” mà ứng hiện thân. Chân thân tạm gọi là bản địa, phân thân gọi là thùy tích. Đức Thích Ca Mâu Ni từng dạy Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp lâu xưa, nay hiện thân một trượng sáu thô xấu, nhận lấy dáng dấp của người cõi thế gian để dễ hóa độ chúng sinh nơi cõi nước này.

Đối với sự chấp về cái thấy, kinh Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn ghi như sau:

“Phạm Thiên hỏi:

– Ai có thể thấy Phật?

Bồ-tát Văn-Thù-Sư-Lợi đáp:

– Nếu không chấp vào nhục nhãn, không chấp vào Thiên nhãn, không chấp vào Tuệ nhãn, thì đó gọi là có thể thấy Phật”.

Một đoạn kinh khác nói về trí tuệ vô lậu của vị Trời Phạm Thiên:

Phạm thiên Tư Ích nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

– Nếu hành giả ở trong bình đẳng chẳng thấy các pháp thì đó gọi là chứng đắc Thánh đạo.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Vì sao chẳng thấy?

Phạm thiên Tư ích đáp:

– Xa lìa hai tướng nên chẳng thấy, chẳng thấy tức là chánh kiến.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Ai có thể đạt được chánh kiến về thế gian?

Phạm thiên đáp:

– Người không hủy hoại tướng thế gian.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Thế nào là không hủy hoại tướng thế gian?

Phạm thiên đáp:

– Tướng Như của sắc không riêng, không khác. Tướng Như của thọ, tưởng, hành, thức cũng không riêng, không khác. Nếu hành giả thấy năm ấm bình đẳng với tướng Như thì đó gọi là chánh kiến về thế gian.

Sau đó, chư Thiên tán thán thần chú Phật nói, bạch cùng Phật quả vị các ngài đã chứng được, phát nguyện hộ trì Phật pháp, phẩm 17, kinh Phạm Thiên Sở Vấn:

“Khi Đức Phật thuyết giảng về diệu lực của chú thuật này thì bốn vị Thiên vương hết sức kinh sợ, liền cùng với vô lượng quỷ thần và hàng quyến thuộc vây quanh đi đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ và thưa:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con là Tứ Thiên Vương đã chứng quả vị Tu-đà-hoàn, thuận theo lời dạy của Phật, chúng con đều sẽ thống lĩnh hàng quyến thuộc cùng với đám tùy tùng luôn theo bảo vệ vị Pháp sư kia. Nếu các thiện nam, thiện nữ nào dốc giữ gìn pháp, có thể trì tụng, giảng thuyết kinh này, thì Tứ Thiên vương chúng con sẽ đi đến chỗ ở của những vị đó để ủng hộ”.

Tiếp theo đây là đoạn kinh văn Phật thọ ký cho người Trời:

“Đức Phật bảo Phạm thiên Tư ích:

– Ông thấy Thiên tử Bất Thoái Chuyển chăng?

– Thưa con đã thấy.

– Này Phạm thiên! Thiên tử Bất Thoái Chuyển ấy từ nay về sau trải qua ba trăm hai mươi vạn a-tăng-kỳ kiếp sẽ được thành Phật, hiệu là Tu-di Đăng Vương, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới tên là Diệu Hóa, kiếp tên Phạm Thán. Cõi Phật đó dùng thuần vàng Diêm-phù-đàn, lưu ly làm đất, chúng Tăng hoàn toàn là bậc Bồ-tát, không có các thứ ma oán, các vật cần dùng ứng hợp với niệm liền hiện ra. Thọ mạng của Đức Phật ấy là vô lượng, không thể tính kể”.

Vì muốn dùng sự đối chiếu như trên để các phương thức trở nên dễ thấy khiến người đọc có thể tiếp nhận sự tương tục và tương tác từ nhiều luồng tư tưởng nên tôi tạm dùng hai lối phân chia A và B này. Vào thế kỷ thứ 6, Trí Giả Đại Sư khi thuyết Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển I, thay vì đối chiếu, đại sư đã phối hợp Tứ Tất Đàn với Tứ Đế và Tứ giáo, khiến đường hướng giáo hóa càng thêm minh bạch:

– Thế Tục tất đàn phối hợp với Sinh diệt tứ đế của Tạng giáo.

– Vị Nhân tất đàn phối hợp với Vô sinh tứ đế của Thông giáo.

– Đối Trị tất đàn phối hợp với Vô lượng tứ đế của Biệt giáo.

– Đệ Nhất Nghĩa tất đàn phối hợp với Vô tác tứ đế của Viên giáo.

Trở lại với vai trò vì chúng sinh vấn pháp và hộ pháp của chư thiên, tự điển Huệ Quang, trang 3346, ghi như sau về hai mươi vị Trời (Nhị Thập Chư Thiên) được thờ trong các tự viện của Pháp Hoa Tông cho thấy rằng chư thiên không tách rời Phật đạo:

“Theo “Chư Thiên Truyện” do Ngài Hành Đình soạn vào đời Nam Tống, Trung Quốc, các chùa của tông Thiên Thai ngày xưa có thờ 16 pho tượng của chư thiên, về sau lại thờ thêm 4 vị nữa là Nhật Cung Thiên Tử, Nguyệt Cung Thiên Tử, Ta Kiệt La Long Vương, và Diệm Ma Long Vương.

1. Phạm Thiên Vương: thống lĩnh Phạm chúng, làm chủ cõi Đại thiên.

2. Đế Thích Thiên Chủ: trên đỉnh Tu Di, tức Đao Lợi Thiên Chủ.

3. Tỳ Sa Môn Thiên Vương: tức Đa Văn Thiên ở phương Bắc.

4. Đề Đầu Lợi Tra Thiên Vương: tức Trì Quốc Thiên ở phương Đông.

5. Tì Hưu Lặc Xoa Thiên Vương: tức Tăng Trưởng Thiên ở phương Nam.

6. Tì Lưu Bác Xoa Thiên Vương: tức Quảng Mục Thiên ở phương Tây.

7. Kim Cang Mật Tích Thiên: cầm chày báu, biết rõ sự tích bí mật của Như Lai.

8. Ma Hê Thủ La Thiên: Vị Thiên chủ cao quý nhất trong ba cõi.

9. Tán Chỉ Đại Tướng: Con thứ của quỷ Tử Mẫu, hộ trì chánh pháp, diệt ác.

10. Đại Biện Thiên: có đầy đủ biện tài vô ngại, lưu thông Phật pháp.

11. Công Đức Thiên: giúp chúng sinh thành tựu phước đức, ngự ở Kim Tràng Tối Thắng.

12. Vi Đà Thiên Tướng Quân: Một trong tám tướng quân của vua Trời phương Nam, hộ trì Phật pháp, thống lãnh ba châu.

13. Kiên Cố Địa Thần: Thần làm chủ mặt đất.

14. Bồ Đề Thụ Thần: Vị Thần giữ gìn cây Bồ Đề nơi Phật thành đạo.

15. Quỷ Tử Mẫu Thiên: Mẹ của tất cả quỹ, ban con cái cho người cầu xin.

16. Ma Lợi Chi Thiên: dạo đi trước mặt trời, mặt trăng, cứu nạn đao binh.

17. Nhật Cung Thiên Tử: phá sự tối tăm, thành thục vạn vật.

18. Nguyệt Cung Thiên Tử: phát ánh sáng ban đêm.

19. Ta Kiệt La Long Vương: Đại Quyền Bồ Tát, thứ 7 trong 177 Long Vương.

20. Diệm Ma Long Vương: Vị Trời đứng đầu địa ngục”.