HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

III. TÂM LÀ CHỦ ĐẠO CỦA TẤT CẢ PHÁP

Hôm nay tôi muốn dùng đề mục này: “Tâm là chủ đạo của tất cả pháp” để thuyết minh trong tất cả sự vật của vũ trụ nhân sinh, tâm (thức) chiếm lĩnh tác dụng lãnh đạo.

Khoa học hiện đại phi thường phát đạt, thậm chí có uy lực chinh phục không gian, thành tựu rất lớn, có thể nói có sự cống hiến lớn lao đối với xã hội của nhân loại. Thế nhưng, những điều mà chúng ta cảm nhận lại hoàn toàn tương phản. Trong tâm mọi người cảm nhận rõ ràng là sự thống khổ của nhân loại đang càng lúc càng gia tăng không ngừng. Tinh thần của mỗi người đều cảm thấy như đang bị uy hiếp, đặc biệt khẩn trương. Cho nên sự phát minh vật chất của khoa học, tuy cũng đem đến ít nhiều sự tốt đẹp, thế nhưng sự tệ hại mà chúng đem đến, thực sự cũng không phải ít.

Y vào Phật pháp mà nói, tất cả pháp đều y vào sự quan hệ của tâm mà tồn tại, đặc biệt là tất cả hoạt động của nhân loại đều lấy tâm là chủ tể, làm lãnh đạo. Nhân đây, nếu như quá xem trọng sự phát triển khoa học vật chất, chế ngự thiên nhiên, nhưng lại quên việc đối với bổn thân, quên đi sự chinh phục, cải tạo tự tâm, thì kết quả nhất định sẽ là “sự phát triển thành tựu của khoa học vật chất sẽ là nhân tố tăng gia sự thống khổ.” Nên biết rằng bất luận sự việc gì trên thế gian, chỉ cần khéo biết vận dụng thì không sự việc gì là không tốt. Không những những sự vật mà mọi người đều biết là tốt đều là có lợi ích, mà ngay cả một cọng cỏ độc, một chiếc lá khô mà mọi người xem là vật không có giá trị, cũng đều có sự hữu dụng. Thế nhưng, nếu không khéo vận dụng, thì tất cả mọi vật đều có thể trở thành vật nguy hại cho chúng ta. Tâm, tức là vị chủ đạo của sự vận dụng tất cả vật này. Cho nên nếu chỉ cầu sự phát triển bên ngoài, mà không từ phương diện tâm thức (là chủ tể sự vật) mà cầu sự cải tạo, thì không thể khéo vận  dụng ngoại vật. Điều này, từ cái nhìn của Phật giáo, cho đến từ cái nhìn của các tôn giáo khác, đương nhiên sẽ không có kết quả tốt đẹp. Đây không phải cho rằng không cần sự tiến bộ vật chất, mà chỉ muốn nói rằng tâm thức của chúng ta cần phải khéo léo trong sự vận dụng sự vật. Cho nên chúng ta phải nên gia tăng sự nhận thức đối với tính chất chủ tể, tính chất trọng yếu của tâm trong vũ trụ nhân sinh.

(1) Nói sơ lược về tất cả pháp và tâm.

Hiện nay, trước tiên trình bày đơn giản về ý nghĩa của tất cả pháp và tâm. “Tất cả pháp”, nói đơn giản, tức là tất cả sự lý, tất cả sự vật, cùng với pháp tắc, trật tự của tất cả mọi sự mọi vật. Phàm tất cả những gì là đối tượng nhận thức của chúng ta, khiến cho chúng ta có thể biết được, hiểu được, thì gọi là “tất cả pháp.” Còn cái gì gọi là “tâm?” Trong Phật pháp, “tâm”, còn được gọi là “ý”, hoặc gọi là “thức”, tức là cái tác dụng tinh thần mà chúng ta có thể cảm giác được. Dĩ nhiên là còn có những phần tâm thức chúng ta không dễ dàng nhận thức được, mà những người hiện nay gọi là “tiềm thức” (Hán: tiềm ý thức, hạ ý thức).

Nói đến sự quan hệ của cái tâm này và tất cả các pháp, trong Phật pháp, tựa hồ có nhiều lối giải thích khác nhau. Thật ra đều là nhất quán, chỉ là vì lập trường khác nhau cho nên giải thích khác nhau mà thôi. Giống như chùa Thiện Đạo (ở Đài Bắc, Đài Loan) này, nếu đứng ở phía bên này mà nhìn thì thấy nó như thế này, nếu đứng ở phía bên kia mà nhìn thì thấy nó như thế khác. Như vậy, đồng một cảnh vật, đứng từ những khía cạnh khác nhau thì đưa đến những cái nhìn khác nhau. Phật pháp đối với sự quan hệ giữa tâm và tất cả pháp cũng giống như vậy, cho nên chúng ta cần phải phân biệt ra để giải thích.

(A) Từ cái nhìn cách biệt của sự “tĩnh chỉ.”

Trước hết, từ quan điểm tĩnh chỉ mà quán sát tống hợp, phân tích, loại biệt. Trong sự phân loại (từ phương diện tống hợp), chủ yếu phân biệt làm hai loại là hữu tình và vô tình. Thế nào là hữu tình? Thế nào là vô tình? Các vật lớn như địa cầu, các vì sao, v.v…, nhỏ như một cọng cỏ, một giọt nước, một hạt bụi, v.v…, đều là vật vô tình. Đức Phật thường nói: “Cỏ cây lùm rừng, núi sông đất đá là vô tình. Những vật chất này không có tác dụng tinh thần, cũng không có tác dụng tự giác.” Thế nào là hữu tình? Loài người, cho đến những loài vật nhỏ bé như trùng, kiến, hoặc các loài vật to lớn như cá voi, khủng long, v.v…, nếu có tác dụng tinh thần, có tác dụng tự giác, thì đều gọi là hữu tình. Đây là phương pháp phân loại căn bổn nhất của Phật pháp đối với vũ trụ vạn vật.

Người đời thường nói đến hai loại là có sinh mạng và không có sinh mạng, và cho rằng loài cỏ cây là có sinh mạng. Thế nhưng, cỏ cây hoa quả hoàn toàn không có tác dụng tinh thần, cho nên không thể gọi chúng là hữu tình có sinh mạng. Các nhà thần giáo cho rằng loài động vật  không có linh hồn, hoàn toàn khác biệt với loài người. Phật giáo không thể chấp nhận một loại quan niệm như vậy. Trên thực tế, các loài động vật chỉ là có trí năng thấp hơn loài người, nhưng trên một số phương diện khác, so ra còn cao hơn loài người. Cho nên Phật pháp phân làm hai loại hữu tình và vô tình là điều rõ ràng nhất, mà lại bao hàm tất cả mọi loài.

Ngoài ra, trên phương diện phân tích, phương pháp phân loại của Phật giáo rất gần với khoa học. Chẳng hạn, trên phương diện vật chất, phân tích đến trình độ rất vi tế gọi là “cực vi”; trên phương diện tâm thức, phân tích thành các loại “thức”, các loại “tâm sở” (các loại tác dụng của tâm thức). Y vào Phật pháp có các phương pháp phân loại: năm uẩn, sáu giới, sáu xứ đều là biểu thị sự phân biệt giữa hai loại vật chất và tinh thần. Chẳng hạn như năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, và thức), sắc là vật chất, còn thọ, tưởng, hành, thức là tinh thần. Sáu giới (đất, nước, gió, lửa, hư không, và thức), thì năm loại đầu là vật chất, còn thức là tinh thần. Sáu xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý), thì năm loại trước là sinh lý (vật chất), còn ý là tâm lý (tinh thần). Cho nên sự phân loại của Phật giáo, tất cả vạn vật của thế gian đều không ngoài hai loại vật chất và tinh thần.

Tác giả của Tân Duy Thức Luận cho rằng:

“Phật giáo vốn có cái nhìn nhị nguyên.” Thật ra, lối nhận xét này là từ sự hiểu biết thông thường, là cái nhìn từ các phương diện “tĩnh chỉ”, “phân tích”, mà nói. Thế nhưng, Phật pháp còn có cái nhìn từ phương diện “động”, từ phương diện “tương quan.” Cho nên, tuy có hai loại đối đãi, nhưng chúng có phải là tuyệt đối nhị nguyên khác biệt hay không, đây vẫn còn là vấn đề cần phải thảo luận.

(B) Từ cái nhìn tương quan của sự “cơ động.”

Cái nhìn từ sự tương quan của tất cả cơ động, vật chất và tinh thần, trên phương diện hữu tình, rõ ràng là mỗi bên đều không thể phân ra cách biệt. Trong kinh điển có hai câu rất nổi tiếng: “Thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức.” Thức là tác động chủ quan của tinh thần, danh sắc là vật chất và là sự khách quan hóa của tinh thần, duyên có nghĩa là nương tựa vào.

Thông thường, mọi người đem thân thể (vật chất) và tác dụng tinh thần phân làm hai loại cá thể độc lập, đây là cái nhìn từ phương diện tĩnh chỉ, cơ giới. Trong cái nhìn “tương quan” của Phật pháp, nếu như thân thể của chúng ta không có tác dụng tinh thần thì sẽ trở thành vật chết. Ngược lại, nếu như thân thể băng hoại thì tinh thần cũng không thể nào biểu hiện. Cho nên, tinh thần và vật chất, tâm lý và sinh lý, có một sự nương tựa nhau mà tồn tại, mỗi phần không thể tự tồn tại riêng biệt.

Có thí dụ nói: Trong một gian phòng đang bị lửa cháy, có một người mù và một người què đang ở trong đó. Người mù thì không biết chạy thoát hướng nào, người què tuy biết lối thoát nhưng không đi được. Hai người bèn nghĩ ra biện pháp, người què lợi dụng đôi chân của người mù, còn người mù thì lợi dụng đôi mắt của người què. Người mù bèn cỏng người què thì hai người có thể chạy thoát khỏi nơi hiểm nạn. Thí dụ này muốn nói rằng: Thân thể không có tinh thần thì không thể hoạt động, tinh thần không có thân thể thì cũng không có tác dụng. Hai bên quan hệ với nhau, thực sự cũng mật thiết như vậy. Cho nên thân và tâm, tinh thần và vật chất, nương tựa nhau để tồn tại, thì mới có thể biểu hiện tất cả những hoạt động của hữu tình.

Phần trên là ước định sự quan hệ đồng thời mà nói, nếu ước định quan hệ trước sau mà nói, thì tinh thần tác dụng cần phải được gia tăng (sự quan trọng). Trong kinh nói: “Ý là dẫn đạo”, “thức duyên danh sắc.” Tất cả pháp, không những có quan hệ với tinh thần, mà hơn nữa, tinh thần còn có tác dụng lãnh đạo. Tức là nói rằng: Tinh thần và vật chất, không những có quan hệ nương nhau tồn tại, và còn dùng tinh thần làm chủ đạo. Mọi người đều cho rằng Phật pháp là “duy tâm luận”, những câu như “tam giới duy tâm”, “vạn pháp duy thức” là những câu khẩu đầu thiền mà mọi người thường ưa nói. Nếu như y vào nghĩa học của Phật pháp, bất luận Đại thừa hoặc Tiểu thừa, không nhất định nói duy tâm hoặc duy thức. Nếu luận về tất cả pháp đều do tâm chuyển biến mà chuyển biến theo, bất luận trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc rõ ràng, hoặc tiềm ẩn, thì loại “do tâm luận” này đều được các học phái Đại thừa và Tiểu thừa công nhận. Hiện nay, chúng ta y theo “do tâm luận” mà mọi người công nhận để thuyết giảng.

(2) Tâm là nhân tố quan trọng của tất cả pháp.

Khí thế gian, như là núi sông đất đá, cây cỏ lùm rừng; báo thể như là các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cùng với các pháp như tâm, tâm sở, v.v…, được gọi chung là tất cả pháp. Tâm và tất cả pháp, rốt ráo có những quan hệ nào? Cần phải nói khẳng định rằng tâm và tất cả pháp có quan hệ mật thiết, và hơn nữa, rất là quan trọng.

Đức Phật nói: “Tất cả pháp đều do nhân duyên sinh.” Hàm nghĩa của “nhân duyên” là nguyên nhân, là điều kiện, hoặc quan hệ. Mọi sự vật trên thế gian, đều phải y vào các loại nhân tố, quan hệ thì mới có thể tồn tại, có thể hiện khởi. Chẳng hạn như một gian phòng cần phải y vào các nhân duyên như gạch, ngói, gỗ, đá, nhân công, v.v…, thì mới có thể hiện khởi. Suy đoán đến tất cả mọi sự vật, quyết chắc là không có sự vật nào lìa nhân duyên mà có thể được thành lập. Nếu cho rằng (có sự vật) không cần phải y vào nhân duyên mà hiện khởi, tự nhiên mà có, tồn tại độc lập, thì Phật pháp quyết sẽ không đồng ý với loại tư tưởng này, bởi vì nếu chúng ta tùy tiện quán sát bất cứ sự vật nào, quyết chắc không lìa nhân duyên mà có thể được thành lập. Phần trên đã nói qua: “Nếu thiếu nhân duyên sinh lý (căn) thì tinh thần không thể hiện khởi tác dụng, còn như thân thể mà không có tâm thức thì cũng biến hoại mà không còn hoạt động.” Lại như nhãn căn thấy hình sắc, cần phải y vào các nhân duyên như nhãn thức, v.v…, thì mới có thể trở thành nhận thức. Cho đến một ngọn cỏ, một hạt cát, một viên gạch đều y vào cac nhân duyên khác nhau để được thành lập.

Ngay cả đem vật chất phân tích đến trình độ cực vi, như điện tử, cũng vẫn là “hòa hợp thể” (vật thể hòa hợp), do nhân duyên hợp thành. Loại lý luận này, không phải chỉ có Phật giáo giảng nói một cách triệt để, mà các học giả thế gian cận đại cũng không thể không thừa nhận, ngoại trừ những kẻ mê tín thần giáo thì mới vẫn còn tin là có thần, tự thành, tự hữu, mà không cần có nhân duyên.

Tất cả pháp y vào các nhân duyên khác để tồn tại, ở trong tất cả những nhân duyên khác này, có một nhân duyên đặc biệt quan trọng, một điều kiện không thể thiếu sót, đó là “tâm.” Nói một cách khác, tất cả pháp đều không tách rời sự quan hệ với tâm, nếu thiếu sót nhân tố “tâm”, thì không thể tồn tại được như vậy. Nói đến “tâm” là nhân duyên, ý nghĩa lại không phải đơn thuần, thế nhưng trong việc “y vào tâm mà sinh khởi”, có một điều quan trọng nhất, tức là tất cả đều y vào “thức” mà được an lập. Điều này muốn nói rằng, sự tồn tại của mọi pháp, tồn tại được như thế, là do trải qua tác dụng tâm thức của chúng ta. Nếu tâm thức của chúng ta không như vậy, thì mọi người nhận thức vật đó cũng sẽ không như vậy. Hiện nay đưa ra một thí dụ. Chúng ta y vào sự phân biệt hình sắc là do nhãn (căn) phát ra nhãn thức, sự nhận thức của mọi người đều gần giống nhau. Mọi người đều thấy như nhau, hoa màu đỏ, xanh, vàng, tím, trắng, v.v…, hình dạng lớn nhỏ, v.v…, cho nên mọi người có cảm tưởng rằng đóa hoa đó nhất định phải là như vậy. Giả như có một người nào đó, nhãn căn phát khởi nhãn thức bị biến đổi, hoặc nhãn căn của họ khác với mọi người, người đó sẽ không thấy những hình sắc mà mọi người nhìn thấy. Ví như mọi người thấy màu đỏ, nhưng người đó lại cho là màu tro, hoặc mọi người thấy hình dạng đóa hoa bình thường, nhưng người đó lại thấy đóa hoa biến dạng, không bình thường. Nếu như vậy, mọi người đều cho rằng người đó là “bất bình thường”, hoặc nói người đó bị “mù màu sắc.” Đối với nhân loại, chúng ta không thể không tôn trọng sự nhận thức chung (thế tục đế). Nếu mọi người nói đó là màu đỏ, thì người (khác thường) đó cũng phải thừa nhận đó là màu đỏ, và phải tự thừa nhận là mình sai. Thế nhưng loài súc sinh lại không đồng (với loài người), như loài trâu không thể thấy màu đỏ mà chỉ có thể thấy màu vàng tro. Giả như có một con trâu thấy có màu đỏ, thì trong sự nhận thức chung của loài trâu, thì con trâu (thấy màu đỏ) đó chỉ có cách là thừa nhận mình có bệnh (bất thường). Như vậy, rốt ráo hoa đó là màu gì? Thật sự, không thể tách rời khỏi sự nhận thức mà quyết định. Lại có một số người, tâm lý sinh khởi biến hóa, trong khi mọi người khác cảm thấy là tốt, là vui sướng, thì kẻ ấy lại cảm thấy chán ghét, hoặc đau khổ. Hoặc giả, mọi người không thấy được, không nghe được, nhưng kẻ ấy lại thấy được, nghe được! Đương nhiên, trong sự nhận thức chung của loài người, kẻ ấy lại là một người bị bệnh “bất thường.” Nhưng sự thật, chưa chắc đã là như vậy. Cho nên những điều mà mọi người nhận thức được, cho rằng chính xác phải là như vậy, trên thực tế, đều chỉ là được thành lập trên một sự nhận thức chung mà thôi. Còn như trong sự nhận thức của những người “khác thường”, hoặc của một loài khác, như súc sinh, như quỷ thần, như loài trời, thì những điều mà chúng ta cho rằng “quả đúng như vậy”, sẽ trở thành những điều “không phải như vậy”, khác biệt với sự nhận thức của chúng ta. Cho nên nói “tất cả pháp đều y vào thức mà được an lập.” Nếu như tâm thức sinh khởi sự biến hóa thì ngoại cảnh được nhận thức cũng sẽ trở nên khác biệt. Về điểm này, thế gian cũng có không ít những trường hợp có thể chứng minh. Chẳng hạn như lửa, đối với người thường là nóng, đốt cháy làm thương tổn đến da thịt. Thế nhưng, đối với các phù thủy (hoặc các ngoại đạo) đi trên than nóng đỏ hừng hực lại không có cảm giác đau đớn, và cũng không bị tổn thương. Đây tức là tâm thức biến hóa ảnh hưởng đến sự quan hệ với căn (thân thể) và cảnh (ngoại giới). Cho nên Phật pháp nói: “Chúng ta có cảm tưởng là như vậy, đều là do sự quan hệ dính liền với tâm thức.” Có thể nói rằng tâm thức là nhân chung (trong tất cả nhân duyên), còn sự vật là quả. Tâm và ngoại cảnh có một quan hệ nhân quả không thể tách rời nhau. Cho nên nếu như tâm biến hóa thì ngoại cảnh cũng theo đó mà biến hóa. Ví như một công ty, nhiều người hợp chung cổ phần mà thành lập. Giả như có người cần phải “chia cổ phần” (Anh: stock sharing), nếu lớn thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty, còn nếu nhỏ thì sẽ ảnh hưởng đến sự biến hóa của sự nghiệp (của nhiều người). Tâm là nhân tố cho sự tồn tại của tất cả sự vật cũng giống như vậy.  Chúng ta thử nghĩ, trong tất cả các pháp mà chúng ta biết được, có thể nào tìm ra một sự việc không quan hệ với tâm mà có thể tồn tại (như nó hiện đang tồn tại) hay không?

(3) Bằng chứng tâm có thể ảnh hưởng đến báo thể.
(A) Ước định sự ảnh hưởng hiện tại.

Báo thể tức là thân thể của chúng ta. Báo thể hiện nay là do nghiệp lực đời trước chiêu cảm. Sau khi sinh ra, nhận sự dưỡng dục của cha mẹ, sự dinh dưỡng của ẩm thực, dần dần được trưởng thành. Trong cuộc đời này, báo thể của chúng ta, có thể trong phạm vi cục hạn của nghiệp lực, sinh khởi sự biến hóa rất lớn. Trong đây có những thành phần tùy vào sự biến hóa của tâm thức mà biến hóa theo. Chẳng hạn đem tướng mạo để bàn luận, tục ngữ có câu: “Tâm có thể tu (bổ) tướng mạo.” Câu này thực sự cũng có lý.

Hiện nay dùng một câu truyện Tây phương làm bằng chứng: Có một họa sĩ dự định vẽ một bức họa của chúa Jesus. Ông ấy muốn tìm một người tướng mạo trang nghiêm, phúc hậu, cao quý, cương nghị, công chánh, thuần khiết để có thể biểu hiện được những mỹ đức của Jesus. Sau đó, rốt cuộc cũng tìm được một thanh niên tướng mạo vô cùng đoan nghiêm. Người họa sĩ đạt được mục đích, và không cần hỏi, người thanh niên đó cũng được trả một món tiền rất khả quan. Sau đó vài năm, người họa sĩ lại muốn vẽ một bức họa của Satan (ma vương). Tướng mạo của Satan, đương nhiên phải là xấu ác, hung bạo, khiến cho người nhìn phải sinh tâm sợ hãi. Người họa sĩ bèn đến một tử ngục (nhà tù của những người bị án tử hình), tìm một người có tướng mạo như vậy để làm người mẫu. Sau đó người họa sĩ cũng tìm được một tử tù đúng ý. Sau khi thương lượng giá cả, gã tử tù cũng đồng ý và người họa sĩ đã đạt được mục đích. Thế nhưng, sau đó lại phát hiện rằng người mẫu cho bức họa Satan cũng chính là người mẫu cho bức họa Jesus. Cùng là một người, tại sao tướng mạo lại có thể biến đổi kinh dị như vậy? Té ra nguyên nhân là người mẫu đó sau khi nhận được món tiền trước kia bèn bắt đầu ăn chơi xa xỉ, rượu chè, không việc gì không làm, dần dần bị đọa lạc. Sau khi hết tiền, hắn bèn trở thành một gã lưu manh, trộm cướp, bị bắt giam vào ngục. Sau đó lại vượt ngục, làm ác, lại bị bắt giam, nhiều lần như thế, tâm thái của hắn biến thành hung hăng, hiểm ác, tướng mạo hoàn toàn bị biến đổi. Những sự thật này, Trung quốc cũng có rất nhiều trường hợp. Đây chẳng phải là bằng chứng của sự việc “do tâm thức ảnh hưởng báo thể” hay sao?

Gần đây báo chí có đăng, nói là quý bà quý cô, mỗi ngày đều lo chăm sóc sắc đẹp, hy vọng bảo trì tuổi xuân, hoặc gia tăng mỹ lệ. Các chuyên gia sắc đẹp, ngược lại, lại cảnh cáo họ rằng: “Không nên tức giận, tâm tình phải hòa hài vui vẻ, phải thường nở nụ cười tươi tắn. Điều này so với việc sửa sắc đẹp còn hiệp quả hơn nhiều. Nếu thường hay giận dữ, mỗi khi trợn mắt, nhíu mày, nhăn mặt, hoặc giả, lo lắng sầu khổ, do vì trong tâm biến ác, ảnh hưởng đến sự biểu hiện của khuôn mặt, lâu ngày thì tất cả sự trang điểm dung nhan đều không có hiệu quả.” Đây chẳng phải là bằng chứng rằng tâm thức có thể ảnh hưởng đến báo thể hay sao?

(B) Ước định sự ảnh hưởng tương lai.

Sự kiện tâm có thể ảnh hưởng báo thể trong tương lai tương đối khó hiểu hơn, nhưng từ trí thức hiện có cũng có thể suy luận để biết được ít nhiều. Có một lần, đức Phật và các đệ tử đang ở trong một khu vườn. Có vô số các loài chim, lông cánh đủ loại màu sắc đẹp đẽ. Các đệ tử hỏi đức Phật: “Tại sao lông của các loài chim có các màu sắc khác nhau?” Đức Phật trả lời vắn tắt: “Có các loại tâm khác nhau cho nên có các loại màu sắc khác nhau.” Chúng ta hãy suy ngẫm xem câu trả lời của đức Phật có ý nghĩa gì? Căn cứ vào sự chứng thực của các nhà động vật học: “Các loài chim nhỏ, sinh ra có lông màu đỏ vàng xanh trắng, có năng lực nhận biết các loại màu sắc khác nhau. Còn loài trâu chỉ có thể nhận biết màu vàng tro, cho nên lông của chúng cũng chỉ có màu vàng tro.” Điều này có thể thấy, do vì chúng nhận biết được điều gì, cho nên ảnh hưởng đến báo thể, sinh ra có những màu sắc như vậy. Có nhiều loài côn trùng đều có “màu sắc” bảo hộ. Như sinh sống trong bụi cỏ xanh, thì có màu xanh. Sinh sống trong các mô đất, thì có màu đất. Hơn nữa, lại có “tư thái” bảo hộ. Có một số sinh sống trên cây, thì giống như những que cây. Có một số giống hệt như lá cây. Những sự kiện này lại càng có thể chứng minh cho lý luận này: “Nhân vì sống trong hoàn cảnh như vậy, đối với màu sắc và hình thái chung quanh, có một sự nhận thức thâm thiết, cho nên, để tiện cho ý muốn ẩn náu và bảo hộ tự thân, thân thể bèn sinh khởi sự biến hóa, màu sắc và hình thái nhân đó mà cũng giống như hoàn cảnh chung quanh. Do vì tâm thức có nhiều loại khác biệt, cho nên thân sắc cũng có nhiều loại khác biệt. Đây chẳng phải là đã chứng minh lời Phật nói hay sao? Những nhà Duy vật luận cho rằng vật chất quyết định tất cả. Thật ra, nếu không trải qua tác dụng kinh nghiệm, không dẫn khởi sự đồng loại với các sự vật khác để tiện cho ý muốn ẩn núp, che chở chính mình, thì dù thế nào cũng không ảnh hưởng đến báo thể mà có sự cải biến. Đức Phật nói: “Có các loại tâm thức khác nhau cho nên có các loại màu sắc khác nhau”, nói lên rằng do sự yêu cầu của tâm thức mà ảnh hưởng đến sự biến hóa của báo thể. Điều này tuy là từ chủng loại của động vật, đời này truyền qua đời khác, trước sau ảnh hưởng nhau mà nói; thế nhưng, tự thể của (tất cả) chúng sinh, từ đời trước đến đời sau, thọ sự ảnh hưởng quyết định của tâm thức, từ sự suy luận vừa nêu trên, cũng có thể tin hiểu được. Báo thể tương lai của chúng ta, thực sự đã thọ nhận sự ảnh hưởng quyết định của tâm thức hiện tại, cho nên báo thể hiện đời của chúng ta là đang nhận thọ sự ảnh hưởng của tâm thức từ đời trước. Đây cũng là điều có thể tin hiểu được.

(4) Tâm là nhân tố quyết định hành vi thiện ác.

Hành vi, là chỉ cho tất cả những hoạt động đối với người khác, hoặc đối với sự việc. Y vào Phật pháp mà nói, bao quát tất cả hoạt động của thân thể, ngữ ngôn (kể cả văn tự), và nội tâm. Động tác của thân thể, ngữ ngôn có thiện, có ác. Lại có một loại không thuộc về thiện hoặc ác, gọi là “vô ký”, chẳng hạn như động tác bưng một tách trà thì không thể xếp loại là thiện hay ác. Trên phương diện đối xử với người, hoặc đối xử với vật, có thiện ác khác biệt. Phàm những việc gì có ích lợi cho người khác, được quốc gia tưởng lệ, được xã hội xưng tán thì là thiện, là đạo đức. Ngược lại, nếu có hại cho người khác, tức là ác, là không đạo đức. Hành vi sở dĩ trở thành thiện ác, ắt phải là do nội tâm ảnh hưởng đến nó. Ở quê của tôi (quê của ngài Ấn Thuận ở tỉnh Triết Giang), nếu có người gọi một bà già là “lão thái bà” (bà cụ), thì đây là không tôn trọng, là khinh miệt. Thế nhưng tại vùng Tứ Xuyên, Quý Châu, nếu gọi một bà già là “lão thái bà” thì đây lại là một sự tôn kính, khiến cho người nghe cảm thấy vui sướng. Cùng một câu nói, nhân vì sự khinh miệt hoặc tôn trọng khác nhau mà ý nghĩa trở thành hoàn toàn khác biệt. Cùng một câu nói, đôi lúc có thể là thiện, cũng có thể là ác, đều là trải qua ác ý hay thiện ý mà khi phát ra, người nghe có cảm giác xấu hoặc tốt khác nhau. Cho nên thiện và ác, không phải chỉ trên mặt ngữ ngôn (văn tự), bởi vì nếu đem câu nói ra phân tích thành từng chữ (đơn tự), từng âm (đơn âm), thì sẽ thấy nó mất đi ý nghĩa thiện ác. Thế nhưng, dưới sự dẫn phát của thiện ý hoặc ác ý, các chữ đơn được liên kết thành câu được phát biểu thì sẽ trở thành thiện hoặc ác. Động tác của thân thể cũng giống như vậy. Ví như đánh người khác, đương nhiên là không tốt. Thế nhưng, như người mẹ dạy con, bất đắc dĩ phải đánh nó, thật sự trong tâm người mẹ còn đau khổ hơn đứa con bị đánh. Cho nên trong phạm vi dạy dỗ con cái, không thể nói người mẹ là ác. Lại như trẻ con, tính hay bắt chước người khác. Nghe người khác chửi tục bèn bắt chước chửi tục. Nhưng nó hoàn toàn không có ác ý, nên không thể nói nó là ác. Cho nên pháp luật đối với những vị thành niên phạm tội, xử phạt cũng tương đối nhẹ, hơn nữa, sự xử phạt có tính chất giáo dục.

Cố ý làm thiện chắc chắn sẽ được thiện báo; cố ý làm việc ác, trong đời này ắt sẽ bị sự chế tài của pháp luật, đời sau lại sẽ bị ác báo. Nếu vô ý làm ác, tuy có lỗi lầm, nhưng bị trừng phạt tương đối nhẹ. Nếu vô tâm làm việc thiện thì giá trị đạo đức sẽ ít ỏi. Cho nên hành vi là do nội tâm dẫn phát, thông thường phải trải qua hai giai đoạn, trước tiên là dự tính, kế đó là quyết định. Sau đó phát sinh thành động tác – động thân, động khẩu (hoặc động bút – viết lách), thì mới có giá trị thiện, hoặc ác. Hành vi thiện ác, chủ yếu là quyết định ở nội tâm, cho nên pháp luật đối với người phạm pháp, cần phải thẩm tra động cơ của họ, là dự mưu hay là ngẫu nhiên (mà phạm tội). Điều này trên đại thể nhất trí với kiến giải của Phật pháp. Hơn nữa, cần phải biết là không những nội tâm có thiện có ác, mà ngay cả bản thân của hành vi cũng có thiện có ác. Bởi vì ngữ ngôn và động tác của thân thể đã hàm chứa nhân duyên của nội tâm, và có thành phần của tâm. Nếu hàm chứa thiện tâm thì trở thành thiện sự, nếu hàm chứa ác tâm thì trở thành ác sự. Do đây có thể thấy rằng hành vi thiện ác đều là do tâm lực tác động, cho nên nếu muốn khuyên giải người khác hướng thiện làm thiện thì cần phải khuyên răn họ cải tạo từ tâm.

(5) Từ thiền định thuyết minh tâm lực sai khiển căn thân.

Thiền định, trong Phật pháp, phái Du già ở Ấn Độ, Đạo giáo ở Trung Quốc, đều có kinh nghiệm về sự tu tập, hoặc sâu hoặc cạn. Chẳng qua, từ khi Thiền tông ở Trung Quốc hưng khởi về sau, dùng sự ngộ nhập làm chủ yếu, ít có người có kinh nghiệm tu tập thiền định thâm sâu. Chính tôi (Ấn Thuận) cũng không có kinh nghiệm, thế nhưng, do tự thân nghe được, thấy được những sự tu tập (thiền định) cũng không phải ít, cho nên cũng có thể biết được một cách sơ lược. Năm ngoái, tôi đến Thái Lan, trong một ngôi chùa của một tông phái lớn, thấy được một vị tăng gốc Tiều Châu biểu diễn nhập định. Ông ấy ngồi xuống chưa đến một phút là đã nhập định. Đem cánh tay ông ấy nâng lên, thì cánh tay ấy cứ  một mực giơ lên (mà không cảm thấy mỏi mệt).

Cử động thân thể của chúng ta, phần lớn do tâm ý dẫn phát mà tuân hành. Thế nhưng, như sự hô hấp của chúng ta thì không thể bảo nó ngừng nghỉ được. Máu huyết lưu thông trong thân thể, nội tạng và gân thịt trong thân thể đều không thể khống chế bằng tâm lực thông thường. Chúng chỉ có thể tuân theo luật tự nhiên. Thế nhưng, trong sự tu thiền định, thì sẽ có năng lực để khống chế chúng. Dùng phương pháp nào? Không ngoài việc tập trung tâm lực, không để cho tâm phân tán đến nơi khác, thì tâm sẽ dần dần được an định. Sau khi tâm định, thì thân tâm của chúng ta sẽ phát sinh những hiện tượng dị thường, hoặc giả, phát sinh những lực lượng siêu thường. Các vị nếu như có tu định, hoặc có ít nhiều kinh nghiệm, nhất định sẽ có lòng tin vững chắc đối với sự việc nội tâm làm chủ thân căn.

Căn thân, tức là thân thể của chúng ta, bao quát tất cả các cơ quan ở trong (Hán: nội tạng), đều có thể do tâm lực khống chế, điều khiển. Tôi (Ấn Thuận) thường nói một ví dụ: Khi đun một ấm nước, nếu như mở nắp ấm để cho hơi nước tỏa khắp nơi thì sẽ hoàn toàn không có lực lượng, nhưng nếu đậy nắp lại khiến cho hơi nước không bị phân tán, lực lượng được tập trung, thì hơi nước sẽ phát sinh lực lượng lớn, khiến cho nắp ấm bị bung ra. Ứng dụng nguyên lý này có thể khiến cho hơi nước khởi động tàu thủy, hoặc xe lửa. Tương tự, tâm lực của chúng ta yếu ớt, thường bị phân tán dao động. Nếu tán loạn hoặc hôn trầm tương đối nặng, thì ngay cả những lý lẽ thông thường, chúng ta nghe cũng không nhớ, không hiểu. Nếu như có thể dùng định để tập trung tâm lực, không tán loạn, thì sẽ xuất hiện những lực lượng khó mà so sánh.

Lực lượng và quá trình điều khiển thân căn của thiền định cũng giống như tình trạng dùng thuốc gây mê (Hán: ma túy) trong y học. Lúc sắp sửa giải phẫu, dùng thuốc gây mê để khiến cho một phần những bộ phận của thân tâm của người bệnh đình chỉ hoạt động. Đầu tiên là không còn khởi lên sự ức tưởng, kế đến, ký ức của đại não bị gián đoạn. Sau đó không còn biết cảm giác khổ lạc, đó chính là lúc có thể tiến hành sự giải phẫu. Trong giai đoạn tiến hành giải phẫu, có sự hô hấp, có sự chuyển động của tim mạch. Đợi đến lúc giải phẫu hoàn thành, chất gây mê mất dần lực lượng, cảm giác đau đớn trở lại, sự ghi nhớ cũng trở lại. Giả như trong lúc giải phẫu, bổng nhiên người bệnh không còn hô hấp, thì đây là sự giải phẫu thất bại, mà sinh mệnh cũng chấm dứt. Quá trình của sự giải phẫu này, so ra cũng tương hợp với sự nhập định. Nếu tu đến Sơ thiền, mắt không còn thấy, tai không còn nghe, nhưng ý thức vẫn còn tương đương hoạt động, vẫn còn tư tưởng ức niệm. Tu đến Nhị thiền, “vô tầm vô tứ”, thì không còn sự ức tưởng (đây là định cảnh vô phân biệt). Tu đến Tứ thiền thì không còn cảm giác thống khổ, cũng không còn cảm giác khoái lạc. Lúc ấy, sự hô hấp của thân thể ngừng lại. Tu đến Không vô biên xứ, nhiệt độ của thân thể hạ thấp và biến thành lạnh giá. Thế nhưng, định tâm lúc đó vẫn còn tồn tại. Đợi đến lúc xuất định, tâm vừa động, thì nhiệt độ gia tăng, bắt đầu hô hấp trở lại. Cảm giác khổ vui, hoạt động của tư tưởng, tất cả đều khôi phục như cũ. Những người tu định thuần thục, đạt đến trình độ “siêu tác ý vị” (không còn tác ý), thì chỉ cần trong một niệm liền có thể nhập định, so với thuốc gây mê còn thù thắng và nhanh chóng hơn nhiều. Thuốc gây mê chỉ là dùng vật lý để ảnh hưởng sinh lý, mỗi khi phân lượng quá nhiều hoặc quá ít, có thể dẫn khởi sự đột nhiên biến hóa của sinh lý, ảnh hưởng sự hô hấp của phổi, khiến cho nhịp tim ngừng đập, làm cho mất mạng. Còn như tu thiền định là dùng tâm lý để ảnh hưởng sinh lý, hô hấp tuy đình chỉ, nhịp tim hoặc nhiệt độ đều không còn, thế nhưng sẽ không bị chết. Hoặc giả có người hoài nghi: “Hô hấp, nhịp tim ngừng nghỉ, toàn thân lạnh giá mà lại có lẽ nào không chết?” Sự thật cũng không có gì kỳ lạ. Căn cứ trên sự thực nghiệm của khoa học, giả sử đột nhiên đem một người đặt vào trong một nơi cực lạnh, toàn thân bị đóng băng, giống như người chết. Thế nhưng, khi đem trở ra, đặt tại một nơi ấm áp, để cho nhiệt độ dần dần trở lại bình thường, thì vẫn có thể khiến cho người đó sống lại. Có thể thấy rằng sự ngừng nghỉ của hô hấp, của nhịp tim, không nhất định phải là chết, chỉ cần nội tạng không bị hư hoại. Y vào Phật pháp mà nói: “Chỉ cần thức không lìa thân” thì vẫn có thể sống được.

Những sự tích kỳ dị này, từ thiền định phát sinh, còn có nhiều sự tích khác, nhưng trong Phật pháp không được xem là quá quan trọng. Bởi vì bất luận tu đến trình độ cao cách mấy, định cũng không thể giúp cho hành giả thoát ly sinh tử. Thế nhưng, quá trình của sự tu định là có thực. Nếu như y vào định mà tu tập phát sinh chân trí tuệ, thì đây là điều vô cùng quan trọng! Ngoại đạo tu tinh luyện khí cũng không ngoài sự tập trung tâm lực, dẫn khởi sự biến hóa của thân tâm. Từ những bằng chứng vừa nêu trên mà nhìn, chúng ta cần phải tin tưởng vào tâm lực của chính mình, trên thực tế, rất là mạnh mẽ.

(6) Sự ảnh hưởng của tâm đối với sự vật bên ngoài.

Phần trên nói về “chủ tể lực” (sức mạnh sai khiển) của tâm đối với thân căn, tâm phát động sự thiện ác, cùng với tâm có thể ảnh hưởng đến báo thể, v.v…, đều là chú trọng đến tâm và các tổ chức thân tâm của hữu tình. Hiện nay nói đến sức mạnh ảnh hưởng của tâm đối với sự vật bên ngoài thân. Chẳng hạn như sự kiến trúc của chùa (Thiện Đạo) này, sự thi thiết của những con đường chung quanh chùa, kế hoạch đô thị, đều là y vào tâm lực của con người mà quyết định. Như sự phát minh gần đây về vệ tinh nhân tạo, bom nguyên tử, hỏa tiển, v.v…, thoạt nhìn thì có vẻ là vật bên ngoài, không liên quan gì đến tâm thức, nhưng nếu nghiên cứu lại thì sẽ thấy tất cả đều do sự đòi hỏi của tâm thức của con người cho nên mới có sự phát minh không ngừng. Nếu truy vấn xem tâm thức con người đang cần thiết những gì, thì không cần nói cũng biết rằng chủ yếu là vì muốn đấu tranh (hơn thua), muốn khống chế, muốn cưỡng đoạt, do đây mà tập trung tâm lực, hướng đến những phương diện đó mà thâm nhập (đào sâu), và cứ như thế, phát minh đủ loại. Y vào những sự yêu cầu khác nhau, mà khai triển những loại tri thức khác nhau, dẫn xuất những hoạt động khác nhau, đưa đến những sự thành tựu khác nhau.

Chẳng hạn như trên thị trường phát sinh một vụ án mạng là một thương nhân tự sát vì lý do kinh tế, thì lập tức sẽ có nhiều người đến tìm hiểu. Những ký giả sẽ đến phỏng vấn để đưa tin tức lên mặt báo, cho biết tình hình của sự việc đã phát sinh là đủ, nhưng cơ quan cảnh sát thì vẫn điều tra tại sao tự sát, còn có nhân tố nào khác trong vụ án mạng này. Những nhà kinh tế thì nhìn từ khía cạnh vấn đề kinh tế, những nhà xã hội thì cũng quan tâm đến là làm thế nào để đề phòng sự kiện tương tự phát sinh, còn gia quyến của người chết thì đương nhiên lại có những tâm trạng khác. Tùy vào sự phản ứng, đòi hỏi khác nhau của tâm thức của mỗi người, mà trong cùng một vấn đề lại phát sinh những công tác khác nhau, dẫn xuất những thành quả khác nhau. Suy luận rộng ra, tất cả những hoạt động văn hóa trên thế gian, những tiến bộ khoa học, v.v…, đều y vào tâm lực mà tiến triển.

Không chỉ như vậy, ngay cả sự khổ lạc (của một địa phương, của một quốc gia, của một thế giới), hoặc sự trị (thịnh trị) loạn (loạn lạc), an nguy của thế giới, đều là y vào tâm lực mà tạo thành. Giả sử tâm thức của mọi người đều hướng thiện, tôn trọng đạo đức, tuân thủ pháp luật, thì thế giới này sẽ trở thành thế giới hòa lạc, thanh tịnh. Ngược lại, nếu phần lớn làm ác, không tôn trọng đạo đức, không tuân thủ pháp luật, thì thế giới sẽ biến thành xấu ác, bạo tàn. Cho nên kinh Phật nói: “Tâm thanh tịnh ắt là cõi nước sẽ thanh tịnh.” Hiện nay dùng ví dụ nhỏ để suy luận việc lớn. Lúc trước, trong thời kỳ Thanh Đảo chịu sự quản lý của người Đức, thì tình hình vệ sinh vô cùng tốt đẹp. Quản lý vệ sinh, chẳng qua chỉ cần độ mười người. Đến lúc người Nhật chiếm cứ Thanh Đảo, dùng vài chục người quản lý công tác vệ sinh, nhưng lại không như trước. Sau này, người Nhật giao lại cho chánh quyền Trung Quốc, số người quản lý vấn đề vệ sinh càng lúc càng đông, mà kết quả càng lúc càng xuống cấp. Điều này không phải là do tâm lực khác nhau hay sao?

Tâm lực của chúng ta, không những có thể khiến cho thân thể sinh khởi biến hóa, mà đối với hoàn cảnh bên ngoài cũng có thể phát khởi những ảnh hưởng quan trọng, thậm chí khiến cho toàn cả thế giới hoàn toàn biến đổi. Tâm lực có thể chuyển đổi hoàn cảnh, có thể khiến hoàn cảnh chuyển đổi tốt, mà cũng có thể chuyển đổi xấu. Chẳng qua, nếu như chuyển hướng xấu ác khổ não, thì chúng ta cũng khó mà tưởng tượng nổi. Đối với sự hiểu biết thông thường của chúng ta, lực lượng của tâm cần phải thông qua thân thể, tay chân của chúng ta thì mới có thể cải biến hoàn cảnh, thế nhưng, nếu tâm lực đạt đến giai đoạn cao cấp, thì có thể không cần thông qua động tác của tay chân mà vẫn có thể ảnh hưởng đến hoàn cảnh bên ngoài.

(7) Kết luận.

Không phải chỉ có Phật pháp mới xem trọng lực lượng của tâm, mà các tôn giáo khác, nếu xem trọng đạo đức, thì cũng xem trọng tâm lực. Nhân loại đều mong muốn hòa bình, an lạc, thì phải xem trọng lực lượng này của tâm. Nếu như mọi người xem nhẹ (nội tâm), chỉ chú trọng đến sự phát triển hoàn cảnh vật chất bên ngoài, mà không chịu cải biến tự tâm, thì sẽ vĩnh viễn không đạt đến mục đích (hòa bình an lạc). Người xưa có thí dụ nói: Nếu như một cổ xe ngừng lại không di động, thì nên đánh con trâu? Hay là đánh chiếc xe? Đương nhiên là phải đánh con trâu. Con trâu bị đánh đau thì sẽ chạy. Một khi trâu chạy thì xe cũng sẽ chạy theo. Điều này muốn nói: Mong cầu hoàn cảnh biến đổi, thế giới hòa bình, trước tiên phải chú trọng đến sự cải thiện nội tâm. Nhân loại hiện nay, có thể nói là càng lúc càng thông minh! Đủ các loại phát minh, sáng tạo, càng lúc càng đa dạng. Những sự việc ngoài ngàn dặm, không những nghe được, mà còn có thể thấy được. Hiện nay đang chinh phục không gian, tiến hành việc chiếm lĩnh mặt trăng. Và cũng có người đã tính đến việc mua bán địa ốc trên mặt trăng rồi! Tâm lực của nhân loại, không thể không nói là cũng đang khai triển rất lớn, nhưng rốt ráo là cho mục đích gì? Mọi người đều biết rằng, mục đích của nhân loại, nếu không là việc chiếm lĩnh ưu thế chiến tranh, tăng cường quyền lực khống chế thế giới, thì cũng là vì muốn khai thác tài nguyên. Mọi người đều đang tranh nhau chạy về hướng này, mà quên mất đi sự cải thiện tự tâm. Chẳng lạ gì cục diện hiện nay, thế giới có vẻ càng lúc càng tiến bộ, nhưng thực sự, tình thế càng lúc càng khẩn trương, càng lúc càng đáng sợ.

Tâm của chúng ta, nếu hướng về trí tuệ, hướng về từ bi,  hướng về quang minh, hướng về hòa bình, thì có thể lãnh đạo hành vi hướng về con đường thiện mà tiến bước. Báo thể cũng cải thiện, thế giới cũng biến thành thanh tịnh, an lạc. Ngược lại, tâm của mọi người chuyên hướng đến việc chinh phục vật chất, dẫn phát sự tàn khốc, đấu tranh, kết quả là chúng ta chưa từng chinh phục được vật chất, mà ngược lại trở thành nô lệ cho vật chất, bị vật chất sai sử. Giống như đu xích đu, cảm thấy đắc ý cho rằng có thể đưa xích đu lên thật cao, nhưng lại không ngờ rằng mình đang bị xích đu không chế, nếu không chú ý, có thể bị té xuống đất trọng thương.

Tôi muốn kết luận hai điểm: (1) Chuyên hướng vật chất cầu tiến bộ, cầu thỏa mãn, kết quả bị vật chất làm chủ mình, không thể đạt được hạnh phúc chân thật. (2) Mục đích của Phật pháp là muốn chúng ta phải tịnh hóa nội tâm, dẫn phát hành vi thanh tịnh, ảnh hưởng báo thể, đưa đến sự thanh tịnh của thế giới.

Ngoài Phật pháp ra, các giáo phái Ấn Độ, học thuyết của Nho gia, v.v…, nhất hướng xem trọng tâm lực, chú trọng sự tập trung tâm lực, hàm dưỡng đức tính. Cho nên, biết được sức mạnh chủ tể của tâm, sau đó cải thiện, khuếch triển hợp lý, có thể nói đây là điểm quan trọng của tinh thần Đông phương. Hiện nay giảng sơ lược vấn đề này, hy vọng mọi người sẽ đặt nặng sự cải tiến nội tâm, nhất trí hướng thượng, hướng thiện, hướng từ bi, tiến bước trên con đường chánh. Cải biến sự lệch lạc của sự quá chú trọng đến vật chất bên ngoài của thời đại hiện nay, cứu vãn vận mệnh nguy hại của sự hướng về xấu ác, hướng về ngu si, hướng về tà vạy của sự khuếch trương duy vật.

Tuệ Oánh ghi.