KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu

 

III. PHÂN TÍCH RÕ KINH NÀY THUỘC TẠNG VÀ THỪA NÀO

“Tạng” tức là Tam tạng, là ba kho tàng kinh điển Đức Phật đã giảng thuyết. Gồm tạng Kinh, tạng Luận và tạng Luật. Ba tạng kinh này biểu thị cho ba môn học vô lậu: Giới, Định, Huệ.

Tạng Kinh là môn học về Định, tạng Luật là môn học về Giới, tạng Luận là môn học về Huệ. Quý vị thường nhìn thấy tiêu đề ghi trên các cuốn kinh là Tam tạng Pháp sư, có nghĩa là nói đến người thông thạo cả ba tạng này.

Mặc dù kinh tạng có nhiều chương liên quan đến Giới học và Huệ học nhưng kinh cũng đề cập nhiều đến Định học. Ví dụ như Kinh Thủ-lăng-nghiêm là dạy chúng ta tu tập thiền định. điều này đã được giảng rõ ở lý do thứ tư, khi Đức Phật giảng thuyết kinh này là để hiển bày tánh định của chúng sinh và khuyến khích mọi người đạt được thực chứng.

Có một chương rất quan trọng trong kinh này là chương đức Phật giảng nói về “Tứ chủng thanh tịnh minh hối.” Đây là lời dạy về giới luật. Nhưng kinh này chủ yếu giảng giải cho việc tu định, nên không được xếp vào tạng Luật, mà được xếp vào tạng Kinh.

“Thừa” có nghĩa là hai thừa trong đạo Phật: Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa giống như cỗ xe nhỏ chỉ có thể chở được một vài người, đó là cỗ xe của hàng Thanh văn và Bích-chi Phật. Đại thừa là Bồ-tát thừa, ví như xe limousine có thể chở rất nhiều người. Kinh này Đức Phật giảng nói pháp Đại thừa cho hàng bồ-tát, được Chư Phật hộ niệm. Vì là lời dạy cho hàng bồ-tát nên khiến cho hàng a-la-hán bỏ pháp nhỏ hướng về pháp lớn, phát tâm bồ-đề và tu tập đạo bồ-tát.

Chẳng hạn, khi A-nan từ nhà con gái Ma-đăng-già trở về tịnh xá rồi thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy con đường mà chư Phật Như Lai trong quá khứ đã tu đạo giác ngộ.

Toàn Kinh Thủ-lăng-nghiêm là Đức Phật giảng giải, đáp ứng cho sự thỉnh cầu của A-nan. Đó là pháp tu tập cho hàng bồ-tát. Do vậy, kinh này được xếp vào pháp Đại thừa hơn là pháp Tiểu thừa.