PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: MẬT TÂM CỦA BỒ-TÁT

Đại bí mật chủ Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ bảo Đại Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Sao gọi là mật tâm, nghiệp tâm thanh tịnh của Bồ-tát? Tịch Tuệ nên biết! Bồ-tát tạo các nghiệp là từ trí mà tạo chứ không phải do mạn tạo, không diệt thần thông diệu trí, mà lại dùng thần thông diệu trí để du hý thị hiện, kiến lập tất cả sự nghiệp thần thông đều từ nơi thế lực rộng lớn mà thành tựu. Trí tướng ấy có khả năng thành lập tất cả hành tướng. Lại nữa, thần thông diệu tuệ ấy có khả năng quán thấy các pháp. Lại nữa, thần thông trí tức là tướng vô tận đối với tất cả mọi nơi đều có thể tùy thuận. Lại nữa, thần thông trí có thể tùy theo đối tượng mà hiện tất cả sắc tướng, do đối với mỗi sắc ấy đều hiện ra khắp cả. Lại nữa, thần thông trí có khả năng hòa nhập vào tất cả âm thanh, do đối với khoảng trước sau âm thanh đều bình đẳng. Lại nữa, thần thông trí có khả năng quán sát hết tất cả tâm hữu tình, do dùng tự tánh của tâm quán sát nên có thể thấy. Lại nữa, thần thông trí có thể nhớ nghĩ việc trong vô biên kiếp, do vì khoảng trước sau không có gián đoạn. Lại nữa, thần thông trí có khả năng biết pháp của tất cả chủng loại, đều do hành tướng của giải thoát trí. Lại nữa, thần thông trí đối với pháp lậu tận thuận thời mà cầu, vì phân tỏ rõ thời điểm đó không để vượt quá. Lại nữa, thần thông trí tức là xuất thế gian vì là sự lựa chọn quyết định của bậc Thánh. Lại nữa, thần thông trí này hàng Thanh văn, Duyên giác đều không thể thấu triệt được nguồn gốc của nó. Lại nữa, thần thông trí tức là nghĩa thậm thâm, có khả năng hàng phục các tà ma ngoại đạo. Lại nữa, thần thông trí có thể đưa đến Bồ-đề đạo tràng, hiện chứng tất cả pháp Phật tối thượng. Lại nữa, thần thông trí có thể tùy thuận chuyển diệu pháp luân. Lại nữa, thần thông trí có khả năng điều phục mọi việc của hữu tình. Lại nữa, thần thông trí được đại quán đảnh, được tự tại trong tất cả các pháp.

Này Tịch Tuệ! Đấy là mật tâm nghiệp tâm thanh tịnh của Bồtát. Do tâm thanh tịnh cho nên không bị nhiễm ô, thanh bạch, trong sáng lìa các phiền não, có khả năng điều phục việc ác, làm các việc thiện, khéo đi vào thiền định giải thoát Chánh định, Chánh thọ, rốt ráo không đọa vào các nẻo. Tận pháp vô sinh tùy niệm liền sinh không bị Dục giới làm động, không do trói buộc sinh; không do trói buộc diệt; không do trói buộc khởi. Vì sao? Vì có khả năng giải thoát tất cả phân biệt, giải thoát mọi tạp nhiễm trói buộc, giải thoát sự điên đảo chấp thủ đeo bám. Như vậy là giải thoát sinh, giải thoát diệt, giải thoát khởi. Tuy là có sinh nhưng không có sở sinh. Như vậy là đầy đủ pháp Đại thừa của chư Phật. Nhưng pháp Phật ấy, trong mười phương nếu tìm cầu kỹ lưỡng chắc chắn thì không có sở đắc, cũng không phải là không sở đắc. Vì tất cả pháp Phật là không có sở đắc, cũng không phải không có sở đắc, cho nên mới có thể tùy theo đó mà được tất cả pháp, tất cả pháp Phật. Thế nên trong tất cả pháp, tất cả pháp Phật, không có pháp, cũng chẳng phải không có pháp. Tại sao vậy? Vì tất cả pháp xét cho kỹ để tìm cầu, thì không có sở đắc, cũng không phải không có sở đắc, tức là không có pháp nào có thể tính đếm được, vì tất cả pháp đã vượt ra ngoài sự tính đếm suy lường. Nếu biết rõ tánh của tất cả pháp là bình đẳng thì trong đó không có pháp cũng không phải không có pháp để chấp trước. Đây tức là nghĩa của các pháp không chấp trước. Nếu thông đạt được nghĩa này thì đó là nghĩa của Đại vô. Nếu không thông đạt thì đó là vô nghĩa, cũng không phải là vô nghĩa, do vì hiện tiền an lập vô nghĩa có thể thấy. Nếu bậc trí tuệ nào có thể biết rõ nó là chướng ngại, thì đó là tuệ vô ngại. Nếu đối với tuệ mà không chướng ngại, thì là không chấp trước. Nếu không chấp trước, thì không trụ. Nếu không trụ thì không tận. Nếu không tận thì không siêng, không nhác. Nếu không siêng, không nhác thì không phải không ngã. Nếu không phải không ngã thì là vô ngã. Nếu vô ngã thì không thủ. Nếu không nắm giữ thì không tranh cãi. Nếu không tranh cải thì là không tranh luận, như vậy là không luận. Đây gọi là pháp Sa-môn, chính là pháp của Sa-môn. Thí như hư không xưa nay bình đẳng. Do hư không bình đẳng, cho nên không phải Dục giới buộc, không phải Sắc giới buộc, không phải Vô sắc giới buộc. Do vậy nên đối với tất cả mọi nơi không bị trói buộc. Do không trói buộc, cho nên không có hình hiển sắc và các tướng trạng. Do không sắc tướng cho nên tùy thuận với giác liễu. Nếu tùy thuận giác liễu như vậy thì có thể phân biệt sai biệt đối với tất cả.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Sao gọi là tùy thuận giác liễu? Sao gọi là phân biệt sai biệt?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Không có một pháp nhỏ nào có thể được. Đấy gọi là tùy thuận giác liễu. Do giác liễu, cho nên có phân biệt sai biệt. Thế nên trong pháp đó mới có hai thuyết này.

Tịch Tuệ nên biết! Đấy gọi là mật tâm nghiệp tâm thanh tịnh của Bồ-tát.

Đại bí mật chủ Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ lại bảo Đại Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Này thiện nam! Mật tâm của Bồ-tát nghĩa là tu hạnh Từ biết là vô ngã, nếu tu hạnh Bi thì không chúng sinh; nếu tu hạnh Hỷ, thì không thọ giả; nếu tu hạnh Xả thì không có nhân; nếu tu hạnh Bố thí thì thân được điều phục; nếu tu hạnh Trì giới, thì tâm được tịch tĩnh; nếu tu hạnh Nhẫn nhục thì tâm được vô tận tướng; nếu tu hạnh tinh tấn thì tâm lìa tướng; nếu tu hạnh Thiền định thì tâm được an định; nếu tu hạnh Tuệ thì tâm không suy xét; nếu tu hạnh bốn Niệm xứ thì tâm không có niệm, cũng không tác ý; nếu tu hạnh bốn Chánh đoạn thì tâm ngay thẳng bình đẳng; nếu tu hạnh bốn Thần túc thì tâm không hý luận; nếu tu Tín căn thì tâm không chấp trước; nếu tu Tinh tấn căn thì tâm không tìm hiểu; nếu tu Niệm căn thì tâm được trí tự nhiên; nếu tu Định căn thì trí tâm được tánh bình đẳng; nếu tu Tuệ căn thì được vô căn bản tâm; nếu tu năm Lực thì được tâm không khuất phục; nếu tu bảy Giác chi thì được tâm có tuệ phân biệt; nếu tu tám Chánh đạo thì tâm được vô sở tu; nếu tu Xa-ma-tha thì tâm được tịch chỉ; nếu tu Tỳ-bát-xá-na, thì được tâm vô sở quán; nếu tu bốn Thánh đế thì được tâm thông đạt Tất cánh không; nếu tu tác ý về Phật thì được tâm vô tác ý; nếu tu tác ý về Pháp thì được tâm bình đẳng với pháp giới; nếu tu tác ý về Tăng, thì tâm được vô trụ; nếu tu hạnh thành thục hữu tình thì được tâm bản lai thanh tịnh; nếu tu hạnh nhiếp thọ chánh pháp thì được tâm pháp giới không sai biệt; nếu tu hạnh trang nghiêm cõi Phật thì được tâm bình đẳng như hư không; nếu tu hạnh Vô sinh pháp nhẫn thì tâm được vô sở đắc; nếu tu hạnh Bất thoái chuyển địa thì được tâm không chuyển mà chuyển; nếu tu hạnh thành tựu các tướng thì được tâm vô tướng; nếu tu hạnh trang nghiêm quả Bồ-đề thì được tâm viên mãn ba cõi; nếu tu hạnh hàng phục các ma thì được tâm rộng nhiếp các hữu tình; nếu tu hạnh hướng đến giác ngộ thì được tâm tùy giác liễu tự tánh của pháp giới; nếu tu hạnh chuyển pháp luân thì được tâm không chuyển, cũng không phải không chuyển; nếu tu hạnh đại Niết-bàn thì được tâm tùy quán tự tánh của sinh tử.

Này Tịch Tuệ! Nên biết nếu ai tu được, các pháp như trên thì được nhẫn Bồ-tát, được pháp bí mật của tâm, được tâm nghiệp thanh tịnh. Nếu Bồ-tát thanh tịnh như vậy rồi thì tâm của tất cả hữu tình cũng thanh tịnh. Có như vậy Bồ-tát mới có thể hòa nhập vào tâm của tất cả hữu tình, tất cả tâm của hữu tình đều từ tâm quang minh của đại Bồ-đề mà có. Ví như hư không, dù bất cứ nơi nào cũng đều hòa nhập vào cả. Tâm của Bồ-tát cũng lại như vậy, trụ vào tất cả xứ, để rồi hòa nhập tất cả xứ.

Đại bí mật chủ Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ tuyên nói chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn về mật thân, mật ngữ và tâm mật của Bồ-tát. Lúc đó có bảy vạn hai ngàn trời và người trong hội phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ, ba vạn hai ngàn Bồ-tát được Vô sinh pháp nhẫn, tám vạn bốn ngàn người xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh; tám ngàn Tỳ-kheo không thọ các pháp, tâm được giải thoát, ý giải lậu tận. Đồng thời tam thiên đại thiên thế giới chấn động ánh sáng rạng ngời chiếu khắp mọi nơi. Hư không tự nhiên mưa các hoa trời, lại trong hư không có trăm ngàn thứ âm nhạc vi diệu không trổi tự vang, trong tiếng âm nhạc đó phát ra tiếng như vầy: “Nếu các hữu tình đã được thọ ký rồi, thì mới được nghe chánh pháp của Đại bí mật chủ Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ nói, nghe rồi thọ trì đọc tụng như lý tu hành, rồi đem truyền đạt rộng rãi cho người khác, vĩnh viễn không quên mất tâm Bồ-đề. Nên biết người ấy đã trồng nhiều căn lành mới được thành tựu, đã trồng rất nhiều căn lành ở nơi các Đức Phật, siêng năng tu hành tất cả phước hạnh tối thắng, tất cả hữu tình mà làm lợi ích lớn.”