TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm Ba: Tâm Đại bi

[Giải]  Trước tiên biện minh sinh nhân của tâm Đại bi, tức là phẩm Đại Bi, kế đó biện minh liễu nhân của sự giải thoát, tức là phẩm Giải Thoát.

F2. Biện minh nguyên nhân phát tâm
G1. Nguyên nhân phát sinh tâm Đại bi
H1. Hỏi đáp về nguyên nhân phát tâm
I1. Hỏi chung về nguyên nhân phát tâm

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bọn ngoại đạo Lục sư không nói nhân quả, Như Lai lại nói nhân có hai thứ: một là sinh nhân, hai là liễu nhân. Như Thế Tôn vừa nói, nguyên nhân phát tâm Bồ đề là sinh nhân hay liễu nhân?”

[Giải]    Bi, tức là chữ bi trong từ bi, trong “bi thiên mẫn nhân”, cũng là tâm thương xót, đây là nghĩa của chữ bi; tâm bi là khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh. Lại cần phải thấu rõ chúng sinh vốn là không, thì mới có thể gọi là Đại bi, đây không phải chỉ là lòng yêu mến những người thân ái của mình.

Thế nhưng, tâm bi có sâu có cạn; khi chưa thành Phật, thì tâm bi đều cần phải đợi có nhân duyên mới phát khởi; khi đã thành Phật, thì tâm bi không cần phải đợi nhân duyên, đây tức là đồng thể vô duyên đại bi. Trong phẩm này biện minh làm thế nào để phát khởi tâm bi, sau đó thăng tiến phát Bồ đề tâm.

Chữ “phát”, tức là phát kiến, hoặc phát sinh. Phát kiến, trong khoa học gọi là phát minh; chẳng qua phát sinh là sinh nhân, còn phát kiến là liễu nhân. Đoạn này hỏi chung về nhân của sự phát tâm. Thiện Sinh hỏi Phật về ý nghĩa đó. Lục sư, trong phẩm một đã giảng qua. Đối với ngoại đạo, nhân quả không thể thành lập, bọn họ tuy nói nhân quả, cũng đồng như không nói; tức là lý luận nhân quả của bọn Lục sư, không thể thông đạt. Như Lai, tức là một biệt hiệu tôn xưng Đức Phật. Sinh nhân, tức là cái có thể sinh quả; liễu nhân, tức là minh liễu nhân, giống như trong nhà, ánh sáng của đèn vừa chiếu, thì mọi vật trong nhà đều hiện rõ ràng; đồ vật trong nhà không phải do ánh đèn sinh ra, chẳng qua nhờ ánh đèn mà được phát hiện.

Hai phẩm đầu đều nói về phát tâm Bồ đề, như vậy rốt ráo chữ “phát” của “phát tâm” nghĩa là phát sinh hay phát kiến?

I2. Trả lời chung về ý nghĩa của nguyên nhân
J1. Nói đại lược hành tướng của nguyên nhân

– Thiện nam tử! Ta vì chúng sinh, hoặc nói một nhân, hai nhân, ba nhân, bốn nhân, năm nhân, hoặc nói sáu, bảy, cho đến mười hai nhân. Nói một nhân tức là sinh nhân. Hai nhân là sinh nhân và liễu nhân. Ba nhân là phiền não, nghiệp chướng và khí thế giới. Bốn nhân tức là bốn Đại. Năm nhân tức là năm chi vị lai của mười hai nhân duyên. Sáu nhân như trong khế kinh đã nói. Bảy nhân như trong kinh Pháp Hoa đã nói. Tám nhân tức là tám chi hiện tại của mười hai nhân duyên. Chín nhân như trong kinh Đại Thành đã nói. Mười nhân, như Như Lai đã giảng cho ưu bà tắc Ma Nam. Mười một nhân, như trong kinh Trí Ấn đã nói. Mười hai nhân tức là mười hai nhân duyên.

Thiện nam tử! Tất cả pháp hữu lậu có vô lượng vô biên nhân. Tất cả pháp vô lậu cũng có vô lượng vô biên nhân. Người trí, vì muốn biết tất cả, nên phát tâm Bồ đề. Đức Như Lai, vì biết tất cả, nên được gọi là Nhất thiết trí.

[Giải]    Từ mười hai nhân trở lên, có chỗ nói mười lăm y xứ, hai mươi bốn nhân, nhẫn đến vô lượng nhân. Mười hai nhân tức là mười hai nhân duyên, mà mọi người thường hay đề cập đến.

Một nhân: Tức là sinh nhân. Từ nhân sinh ra tức là quả, có thể sinh quả tức là nhân.

Hai nhân: Trong kinh Niết Bàn thường nói đến sinh nhân, liễu nhân.

Ba nhân: Phiền não và nghiệp là nội nhân; khí thế giới (núi sông, đất đá, …) là ngoại nhân.

Bốn nhân: Tứ đại, tức là đất, nước, gió, lửa; cũng có nghĩa là nội thân (thân thể) và ngoại khí (thế giới) đều do đất, nước, gió, lửa cấu thành. Lại nữa, bốn duyên thông thườn, tức là nhân duyên, duyên duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên, cũng gọi là bốn nhân.

Năm nhân: Năm chi vị lai của mười hai nhân duyên, tức là ái, thủ, hữu, sinh và lão tử.

Sáu nhân: Như trong khế kinh đã nói. Tiếng Phạn tu đa la, tu đố lộ, tiếng Hán dịch là khế kinh, là tên chung của kinh điển. Nhân vì Đức Phật thuyết pháp khế lý, khế cơ, cho nên gọi đầy đủ là khế kinh. Nếu không khế lý thì không thể phù hợp chân lý, nếu không khế cơ thì không thể hóa độ chúng sinh. Sáu nhân, trong các luận Đại, Tiểu thừa đều nói đến: (1) năng tác nhân, (2) câu hữu nhân, (3) đồng loại nhân, (4) tương ưng nhân, (5) biến hành nhân, và (6) dị thục nhân.

Bảy nhân: Trong kinh Pháp Hoa không có đoạn văn nào nói rõ về bảy nhân, chẳng qua trong phẩm Phương tiện có thập  như thị, nếu trừ bỏ hai phần cuối, tức quả báo và bổn mạt, thì phần đầu tức là bảy nhân.

Tám nhân: Tam chi hiện tại trong mười hai nhân duyên, tức là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu.

Chín nhân: Xuất xứ từ kinh Đại Thành.

Mười nhân: Ưu bà tắc Ma Nam, là em của Đức Phật, vì phải thừa kế ngôi vua nên chưa thể xuất gia.

Hai kinh này, còn phải đợi khảo xét.

Trong các luận Đại thừa có nói rõ mười loại nhân, tức là: (1) tùy thuyết nhân, (2) quán đãi nhân, (3) khiên dẫn nhân, (4) sinh khởi nhân, (5) nhiếp thọ nhân, (6) dẫn phát nhân, (7) định dị nhân, (8) đồng sự nhân, (9) tương vi nhân, (10) bất tương vi nhân.

Sáu nhân đầu, trong Câu Xá Luận có nói rõ; mười nhân, trong Du Già Sư Địa Luận có nói rõ.

Mười một nhân: Trong kinh Trí Aán, bản tiếng Hán, không tìm thấy mười một nhân, mà chỉ thấy nói đến bảy nhân phát Bồ đề tâm: (1) phát Bồ đề tâm giống như chư Phật Bồ tát; (2) vì muốn hộ trì chánh phát đang bị hoại diệt mà phát Bồ đề tâm; (3) thấy chúng sinh bị sự khổ bức não bèn khởi lòng đại bi mà phát Bồ đề tâm; (4) Bồ tát vì muốn giáo hóa các chúng sinh khác mà phát Bồ đề tâm; (5) vì muốn bố thí mà phát Bồ đề tâm; (6) nhân vì kẻ khác phát Bồ đề tâm mà phát Bồ đề tâm; (7) thấy Đức Như Lai tướng hảo trang nghiêm và nghe lời Phật dạy mà phát Bồ đề tâm. Chỉ có bảy nhân như thế, hoặc giả, bản chữ Hán chỉ dịch giảm lược.

Mười hai nhân, tức là mười hai nhân duyên, nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Vì mười hai nhân duyên này triển chuyển là nhân cho nhau, nên gọi là mười hai nhân.

Hữu lậu (lậu = rỉ), như bình trà rỉ thì trà sẽ cạn, nhà rỉ thì sẽ bị dột.

Các pháp vô lậu, nếu phân biệt nói về nhân của chúng, thì có đến vô lượng vô biên, như nói sáu ba la mật, tám vạn bốn ngàn ba la mật, vô lượng ba la mật; các pháp hữu lậu cũng giống như thế.

Người trí, vì muốn biết tất cả các nhân hữu lậu, vô lậu, cho nên phát Bồ đề tâm. Đức Phật vì biết vô lượng vô biên nhân của tất cả các pháp, cho nên được xưng là bậc Nhất thiết trí.

J2. Chính thức biện minh Đại bi là nguyên nhân sinh khởi Bồ đề tâm

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh phát tâm Bồ đề, hoặc do sinh nhân, hoặc do liễu nhân, hoặc do cả hai. Nay ông nên biết, sinh nhân tức là Đại bi, vì tâm Đại bi nên mới phát tâm Bồ đề, vì thế tâm Đại bi là sinh nhân.

[Giải]    Phát tâm Bồ đề, hoặc có sinh nhân, hoặc có liễu nhân, hoặc có sinh nhân và liễu nhân. Sinh nhân, tức là tâm Đại bi; không có tâm Đại bi thì không thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Không muốn thoát ly sinh tử, cũng không thể phát tâm Bồ đề. Chẳng hạn như Tiểu thừa cũng muốn thoát ly sinh tử, nhưng vì không có tâm Đại bi, cho nên không thể gọi là phát tâm Vô thượng Bồ đề. Cho nên muốn phát tâm Bồ đề, cần phải từ tâm Đại bi phát khởi, giống như rãi hại giống, không có hạt giống thì lúa không sinh trưởng, phát Bồ đề tâm cũng như vậy, không có tâm Đại bi thì tâm Bồ đề không sinh trưởng.

H2. Hỏi đáp về sự tu tập tâm Đại bi
I1. Thiện Sinh hỏi phương pháp tu tập tâm Đại bi

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào tu tập tâm Đại bi?

[Giải] Ở đây Thiện Sinh hỏi Phật, làm thế nào để chứng đắc tâm Đại bi.

I2. Như Lai nói hành tướng của tâm Đại bi
J1. Ba mươi sáu nguyên nhân sinh khởi tâm Đại bi

– Thiện nam tử! (1) Người trí thấy rõ tất cả chúng sinh bị chìm đắm trong biển lớn sinh tử chịu nhiều khổ não, vì muốn cứu vớt nên sinh tâm Đại bi; (2) lại thấy chúng sinh chưa được mười Lực, bốn pháp Vô úy, tâm Đại bi, ba Niệm v.v…, bèn nghĩ như vầy: ‘Ta làm thế nào để cho họ được đầy đủ’, nên sinh tâm Đại bi; (3) lại tuy thấy chúng sinh lòng đầy oán thù cay độc mà vẫn xem họ như người thân thuộc, nên sinh tâm Đại bi; (4) lại thấy chúng sinh mê mờ chánh đạo, không có người dẫn dắt, nên sinh tâm Đại bi; (5) lại thấy chúng sinh nằm trong vũng bùn ngũ dục, không có cách nào ra khỏi, mà lại còn buông lung phóng dật, nên sinh tâm Đại bi; (6) lại thấy chúng sinh thường bị của cải, vợ con ràng buộc, không thể xả bỏ, nên sinh tâm Đại bi; (7) lại thấy chúng sinh do sắc đẹp, sức mạnh, sống lâu mà sinh kiêu mạn, nên sinh tâm Đại bi; (8) lại thấy chúng sinh bị ác tri thức, như bọn Lục sư chẳng hạn, dối gạt, mà vẫn tưởng là quyến thuộc, nên sinh tâm Đại bi; (9) lại thấy chúng sinh trong ba cõi, chịu nhiều khổ não mà vẫn tham luyến, nên sinh tâm Đại bi; (10) lại thấy chúng sinh tạo nghiệp thân, khẩu, ý xấu xa, độc ác, nhân đây chịu nhiều quả báo khổ não, mà vẫn mê muội, nên sinh tâm Đại bi; (11) lại thấy chúng sinh thèm khát ngũ dục như người khát uống nước mặn, nên sinh tâm Đại bi; (12) lại thấy chúng sinh tuy muốn cầu vui mà không tạo nhân vui, tuy không thích khổ mà ưa gây nhân khổ, muốn hưởng cảnh vui cõi trời mà lại thiếu giới hạnh, nên sinh tâm Đại bi; (13) lại thấy chúng sinh đối với sự vật không ngã, ngã sở, mà tưởng là ngã, ngã sở, nên sinh tâm Đại bi; (14) lại thấy chúng sinh lưu chuyển một cách vô định trong năm cõi, nên sinh tâm Đại bi; (15) lại thấy chúng sinh sợ sinh, già, chết, mà cứ tạo nghiệp sinh, già, chết, nên sinh tâm Đại bi; (16) lại thấy chúng sinh thân tâm chịu nhiều thống khổ mà vẫn tạo nghiệp, nên sinh tâm Đại bi; (17) lại thấy chúng sinh đau khổ khi ân ái bị chia lìa, mà vẫn không chịu dứt sự ân ái, nên sinh tâm Đại bi; (18) lại thấy chúng sinh ở trong sự tăm tối của vô minh, mà không biết thắp sáng đèn trí tuệ, nên sinh tâm Đại bi; (19) lại thấy chúng sinh bị lửa phiền não đốt cháy, mà không chịu cầu nước thiền định tam muội, nên sinh tâm Đại bi; (20) lại thấy chúng sinh vì thú vui ngũ dục mà tạo vô lượng nghiệp ác, nên sinh tâm Đại bi; (21) lại thấy chúng sinh, tuy biết sự thống khổ của ngũ dục, mà vẫn cầu mãi không thôi, như người đói ăn cơm có thuốc độc, nên sinh tâm Đại bi; (22) lại thấy chúng sinh ở trong đời ác, gặp vua bạo ngược, chịu nhiều khổ sở, mà vẫn buông lung, nên sinh tâm Đại bi; (23) lại thấy chúng sinh lưu chuyển trong tám cảnh khổ, nhưng vẫn không biết cách đoạn trừ gốc khổ, nên sinh tâm Đại bi; (24) lại thấy chúng sinh, đối với cảnh đói khát, lạnh nóng, không được tự tại, nên sinh tâm Đại bi; (25) lại thấy chúng sinh hủy phạm giới luật, bị đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, nên sinh tâm Đại bi; (26) lại thấy chúng sinh hình dáng, sức lực, tuổi thọ, an ổn và biện tài, không được tự tại, nên sinh tâm Đại bi; (27) lại thấy chúng sinh thân thể tàn khuyết, nên sinh tâm Đại bi; (28) lại thấy chúng sinh, sinh ở nơi biên địa, không tu pháp lành, nên sinh tâm Đại bi; (29) lại thấy chúng sinh, sinh nhằm đời đói khát, thân thể ốm gầy, cướp đoạt lẫn nhau, nên sinh tâm Đại bi; (30) lại thấy chúng sinh, sinh trong kiếp đao binh, giết hại lẫn nhau, lòng ác độc hừng hẫy, sẽ chịu vô lượng quả báo khổ, nên sinh tâm Đại bi; (31) lại thấy chúng sinh, gặp Phật ra đời nói Pháp thanh tịnh như mùi vị Cam Lộ, mà không biết tu học, nên sinh tâm Đại bi; (32) lại thấy chúng sinh, tin thầy tà bạn ác, không chịu nghe lời thầy hay bạn lành, nên sinh tâm Đại bi; (33) lại thấy chúng sinh, giàu có, của cải tràn đầy, mà không chịu bố thí, nên sinh tâm Đại bi; (34) lại thấy chúng sinh, cầy sâu cuốc bẫm, buôn tảo bán tần, nhọc nhằn gian khổ, nên sinh tâm Đại Bi; (35) lại thấy chúng sinh, cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ, quyến thuộc không thương mến nhau, nên sinh tâm Đại bi.

Thiện nam tử! (36) Người trí nên quán sát sự vui thiền định của cõi trời Phi tưởng Phi phi tưởng, như sự khổ địa ngục, mà tất cả chúng sinh đều phải nhận chịu, nên sinh tâm Đại bi.

[Giải]    Ở đây Đức Phật dùng ba mươi sáu nhân biện minh về sự phát tâm Đại bi. Muốn được tâm Đại bi như Phật, cần phải thấu triệt chúng sinh bổn tính vốn là “không”.

Ba mươi sáu nhân là:

(1) Thấu rõ chúng sinh chìm đắm trong biển khổ, vì muốn cứu bạt họ;

(2) Thấy chúng sinh không có mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, v.v…, vì muốn làm cho họ được đầy đủ. Nếu nói rộng, thì còn có mười tám pháp bất cộng, ba mươi hai tướng, tám mươi hảo, v.v…

(3) Đây tức là vì muốn xem oán, thân, bình đẳng không có sai khác.

(4) Thấy chúng sinh không ai chỉ đạo dẫn dắt, vì muốn dẫn dắt họ.

(5) Thấy chúng sinh chìm đắm trong ngũ dục, tức là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, mà lại còn phóng dật, vì muốn cứu vớt họ.

(6) Thấy chúng sinh bị tài vật trói buộc mà tạo ác, vì muốn làm cho họ xa lìa.

(7) Thấy chúng sinh vì có sức khoẻ, sắc đẹp, tuổi thọ lâu dài mà sinh kiêu mạn, vì muốn họ hối hận, cải đổi.

(8) Aùc tri thức, tức là bạn ác; dối gạt, tức là cố ý điên đảo, thị phi, giả vờ thân ái, giống như bọn ngoại đạo Lục sư chẳng hạn; vì muốn chúng sinh xả bỏ bạn ác.

(9) Khổ, nói tóm lược, có ba loại, tức là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ; vì muốn làm cho chúng sinh biết rõ và xa lìa sự khổ.

(10) Mười điều ác, thân có ba: sát hại, trộm cắp, tà dâm; miệng có bốn: nói dối, nói lời vô nghĩa, nói đâm thọc, nói lời ác; ý có ba: tham, sân, si; vì muống đoạn trừ mười điều ác.

(11) Chúng sinh khát khao mong cầu ngũ dục, càng cầu càng khổ; vì muốn họ hối hận, cải đổi.

(12) Chúng sinh không muốn khổ mà cứ tạo nhân khổ, muốn cầu vui mà không chịu tạo nhân vui; vì muốn cho họ làm đúng như sở nguyện.

(13) Ngã sở, tức là những vật mà ngã có được (sở hữu), tức là trên phương diện pháp luật, gọi là sở hữu quyền. Không những sở hữu của ngã là không, mà tứ đại, ngũ uẩn cũng đều là không. Chỗ nào tìm “ngã”? Chúng sinh không biết điều này, vì muốn cho họ biết rõ, nên phát tâm Đại bi.

(14) Cõi (Hán: hữu), có ba cõi, năm cõi, hai mươi lăm cõi khác biệt. Năm cõi, còn gọi là năm nẽo, nghĩa là người, trời, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; vì muốn chúng sinh vượt  thoát sự lưu chuyển.

(15) Sợ, nhưng lại cứ tạo, do vì ngu si không biết. Vì muốn cho chúng sinh biết được điều này.

(16) Nhiều người, nhân vì thân, tâm bị bệnh khổ, mà tạo thêm nhiều nghiệp sát sinh; vì muốn làm cho bọn họ hối hận, cải đổi.

(17) Muốn đoạn trừ “ái biệt ly khổ”, trước tiên phải đoạn trừ tâm luyến ái; vì muốn làm cho chúng sinh đoạn trừ được tâm này.

(18) Muốn diệt trừ sự tăm tối của vô minh, cần phải có ánh sáng trí tuê; vì muốn chúng sinh được trí tuệ chói sáng.

(19) Muốn diệt trừ lửa phiền não, cần phải có nước tam muội, tam muội tức là định; cổ đức thường nói: “tâm an tĩnh tự nhiên được mát mẽ”; vì muốn chúng sinh được sự mát mẽ này.

(20) Ngũ dục vốn không phải là sự vui chân thật, vì muốn chúng sinh không vì ngũ dục mà tạo ác nghiệp.

(21) Có người biết rõ ngũ dục là khổ, nhưng vẫn truy cầu không thôi; vì muốn tâm họ ngừng dứt sự truy cầu này.

(22) Có người gặp vua ác (nhà cầm quyền bạo ngược), không biết tránh né, mà còn buông lung; muốn cho bọn họ hối cải.

(23) Tám cảnh khổ, tức là sinh, lão, bệnh, tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh; vì muốn đoạn trừ sự khổ này.

(24) Vì muốn chúng sinh được tự tại với cảnh đói khát, nóng lạnh.

(25) Chúng sinh không thể tự ý thức sự hủy phạm cấm giới sẽ bị khổ báo; muốn cho họ hối cải.

(26) Sắc lực, là sắc đẹp và tuổi thọ, tức là sống lâu an lạc. Chúng sinh đối với hai điều này đều không được tự tại; vì muốn cho họ được tự tại.

(27) Thân thể tàn khuyết, là do ác nghiệp chiêu cảm; vì muốn làm cho bọn họ tự hối cải.

(28) Biên địa, tức là nơi không có Phật pháp giáo hóa; vì muốn chúng sinh được sự giáo hóa của Phật pháp.

(29) Như hiện tại, bọn thổ phỉ cướp đoạt lẫn nhau, đều là do sự đói khát ốm yếu; vì muốn miễn trừ sự đói khát cho chúng sinh.

(30) Thế giới đại chiến, càng thêm tàn hại, chúng sinh sẽ nhận chịu vô lượng khổ; vì muốn miễn trừ sự tàn hại. Như hiện nay ( năm 1935), các nước đang ngừng chiến tranh, cầu hòa bình; tức là có thể từ đây sinh tâm đại bi, phát tâm thực hiện hòa bình.

(31) Có chúng sinh, tuy nghe Phật thuyết pháp, nhưng không thể thọ trì, vì muốn làm cho họ cải biến.

(32) Theo tà bỏ chánh, ắt sẽ bị khổ lớn; vì muốn bọn họ cải tà quy chánh.

(33) Có của cải mà không chịu bố thí, nhân đây tạo ác; vì muốn làm bọn họ hối cải.

(34) Vì muốn giải trừ sự khổ nhọc của các hàng nông phu, thợ thuyền, buôn bán.

(35) Không thương mến nhau, cũng là do ác nghiệp chiêu cảm; vì muốn là cho bọn họ hối cải.

(36) Nói một câu tổng quát, ba cõi đều là khổ. Giả như, sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, được sống lâu tám vạn đại kiếp, thế nhưng, theo sự quán xét của Phật pháp, trong tương lai vẫn bị đọa và địa ngục thọ khổ, bởi vì vẫn còn trong luân hồi. Tất cả chúng sinh, không ai mà không như vậy.

Ba mươi lăm câu đầu là nói riêng từng trường hợp, còn câu cuối (36) là nói tổng quát. Vì thấy chúng sinh nhận chịu các sự khổ não như vậy nên sinh tâm đại bi.

J2. Đặc biệt chỉ rõ bốn nguyên nhân sinh khởi tâm Đại bi

Thiện nam tử! (1) Trước khi đắc đạo, quán sát như thế, gọi là tâm Bi; nếu đã đắc đạo, thì gọi là tâm Đại bi. Vì sao? Lúc chưa đắc đạo, dù có quán sát, sự quán sát chỉ có giới hạn, nên chúng sinh cũng có giới hạn, cho nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, sự quán sát cùng chúng sinh đều vô hạn, cho nên gọi là tâm Đại bi. (2) Hơn nữa, lúc chưa đắc đạo, tâm Bi vẫn còn bị lay chuyển, thế nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, tâm Bi không còn bị lay chuyển, nên gọi là tâm Đại bi. (3) Khi chưa đắc đạo, không thể cứu vớt tất cả chúng sinh, nên gọi là tâm Bi; khi đã dắc dạo, có thể cứu vớt tất cả, nên gọi là tâm Đại bi. (4) Lúc chưa đắc đạo, tâm Bi chưa tương ưng với trí tuệ, nên gọi là tâm Bi; khi đã đắc đạo, tâm Bi tương ưng với trí tuệ, nên gọi là tâm Đại bi.

[Giải]    Muốn chứng đắc trí “sinh không” (tức nhân ngã không), hoặc “sinh pháp không” (nhân ngã, pháp ngã không), phải cần bậc Tu đà hoàn, Bích chi phật, và Bồ tát sơ địa trở lên mới được gọi là đắc đạo. Nếu theo nghĩa rộng mà nói, thì Bồ tát sơ trụ, thắng giải hành địa phát Bồ đề tâm cũng có thể gọi là đắc đạo, các pháp vô biên, bởi vì đắc sinh pháp không trí vô biên, quán sát chúng sinh cũng vô biên, cho nên gọi là Đại bi. Hơn nữa, sinh pháp không trí, tất cả bình đẳng, tuy tương ưng với những sự khổ não của chúng sinh, nhưng (sinh pháp không) trí vẫn không biến động, thường thường như vậy, cho nên gọi là đại bi. Lúc chưa đắc đạo, ắt không được như vậy, cho nên chỉ gọi là Bi. Lại từ phương diện “công dụng” mà nói, dùng “phổ biến cứu độ hay không”, và “cùng tuệ cộng hành hay không” làm tiêu chuẩn phân biệt giữa bi và đại bi. Đây là dùng bốn loại hành tướng hiển rõ tâm đại bi.

I3. Kết luận chỉ rõ sự lợi ích của tâm Đại bi
J1. Nói tổng quát sự lợi ích của tâm Đại bi

Thiện nam tử! Người trí tu tâm Đại bi, tuy chưa thể đoạn trừ khổ não cho chúng sinh, đã có vô lượng lợi ích.

Thiện nam tử! Sáu pháp Ba la mật đều lấy tâm Đại bi làm gốc.

[Giải]    Tương thân tương ái với chúng sinh, không kết oán với họ, cho nên có vô lượng lợi ích.

J2. Nói riêng sự lợi ích của tâm Đại bi đối với Bồ tát tại gia

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là Bồ tát xuất gia, hai là Bồ tát tại gia. Bồ tát xuất gia tu tập tâm Đại bi không khó, Bồ tát tại gia tu tập tâm Đại bi mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên trói buộc.

Thiện nam tử! Kẻ tại gia nếu không tu tập tâm Đại bi, không thể đắc giới Ưu bà tắc. Sau khi tu tập tâm Đại bi, sẽ được đắc giới.

Thiện nam tử! Bậc xuất gia chỉ có thể tu trọn vẹn năm pháp Ba la mật, không thể tu trọn vẹn Bố thí Ba la mật. Kẻ tại gia thì có thể tu tròn cả sáu pháp. Vì sao? Vì họ trong tất cả thời gian, có thể tu tập bố thí tất cả. Vì thế, kẻ tại gia trước tiên phải tu tâm Đại bi. Nếu đã tu tập tâm Đại bi, kẻ đó sẽ được đầy đủ trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. Nếu tu tâm Đại bi, vật khó bố thí có thể bố thí, điều khó nhẫn nhịn có thể nhẫn nhịn, những việc khó làm đều có thể làm. Do đây biết rằng, tất cả các pháp lành, đều lấy tâm Đại bi làm gốc.

[Giải]    Người tại gia phải lo cho tự thân mình, cho gia đình mình, vì phải gặp nhiều ác duyên, cho nên khó tu tâm bi. Thế nhưng, đắc được giới thể Ưu bà tắc hay không, phải dùng điều kiện “có thể tu tâm bi hay không” mà đoán định, tức là dùng tâm bi là giới thể.

Người tại gia, nếu chân thực phát tâm, thường thích tu thiện, ưa bố thí. Người xuất gia, phần nhiều thường bố thí pháp, mà khó thực hành tài thí; người tại gia đối với tài thí và pháp thí, đều có thể thực hành đầy đủ. Thế nhưng, muốn hành bố thí, trước hết phải tu tập tâm bi; cổ đức nói: “từ bi là gốc, phương tiện là cửa”, cho nên Bồ tát tại gia phải nên chú ý tu tập tâm bi. Nếu không như thế, ắt dễ khởi tâm tham, sân, si, mà tạo nghiệp ác. Trí tuệ Đại thừa, nếu không có tâm bi, thì không thể sinh khởi; trí tuệ mà không có tâm bi đi kèm, chẳng qua chỉ là trí tuệ ngoài miệng, hoặc trên sách vở mà thôi; rời khỏi “những lời rỗng tuếch” đó, chắc chắn là không còn trí tuệ.

J3. Tổng kết sự lợi ích rộng lớn của tâm Đại Bi

Thiện nam tử! Nếu có kẻ tu tập tâm Đại bi như vậy, phải biết kẻ ấy có thể phá tan nghiệp ác to như núi Tu di, không bao lâu sẽ chứng quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Kẻ ấy dù tu chút thiện, sẽ được quả lành như núi Tu di.

[Giải]    Tâm Đại bi giống như lửa, nghiệp ác giống như cũi; có lửa tức là có thể đốt rụi hết cũi, cho nên không bao lâu có thể thành tựu Chánh giác.