LƯỢC SỬ TỊNH ĐỘ GIÁO TRUNG QUỐC

Nguyên tác: Lý Thế Kiệt
Việt dịch: Thích Quảng Ân

 

I. LỜI MỞ ĐẦU

Tịnh độ giáo là đặt niềm tin vào chư Phật và có sự tồn tại của cõi Tịnh độ, và cầu mong được sự nhiếp hộ của chư Phật, sau khi chết kỳ vọng được vãng sanh về cõi Tịnh độ. Đây là một phái của Phật giáo Đại thừa.

Các kinh điển Đại thừa đều nói có vô lượng chư Phật ở các cõi Tịnh độ và sự thật đang giáo hóa tất cả chúng sanh. Nhưng nói một cách cụ thể giữa chư Phật và các cõi Tịnh độ đó thì rất ít, chỉ có một số kinh nói đến các vị Phật như Di-đà, A-súc, Dược Sư v.v… Trong đó, kinh điển nói về Phật A-di-đà là nhiều nhất. Vả lại, còn nói rõ Phật A-di-đà ngay nơi Nhân vị phát nguyện tu hành và kiến tạo trang nghiêm cõi Tịnh độ ở Tây phương Cực lạc. Đây là sự thật có thể chứng minh rằng cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà là cõi Tịnh độ tiêu biểu điển hình. Do đó, ở Ấn Độ từ trước đến nay tín ngưỡng về Tịnh độ Di-đà rất thịnh hành. Trong “Thập trụ tỳ-bà-sa luận” của ngài Long Thọ; “Cứu cánh nhất tánh bảo tánh luận”1 của ngài Kiên Tuệ; “Vô lượng thọ kinh Ưu-bà-đê-xá” của ngài Thế Thân … đều có nói rõ về ý “nguyện sanh”. Kinh Đại bi (quyển 2), kinh Đại pháp cổ (quyển thượng), kinh Văn Thù Sư Lợi phát nguyện, kinh Đại phương đẳng vô tưởng v.v…, có nói về Tỳ-kheo Tỳ-bà-ca, Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly-xa Đồng Tử, Văn Thù Sư Lợi, Tăng Trưởng Nữ Vương v.v… đều nguyện sanh Tịnh độ. Với những sự kiện này về sau được truyền đến Trung Quốc khiến cho hàng ngàn, vạn người Tăng, tục quy y Tam bảo, truyền bá khắp các nước Đông phương và trở thành tín ngưỡng thực tiễn các dân tộc trong nhiều quốc gia.

II. KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ TRUNG QUỐC

Tịnh độ giáo từ Đông truyền sang, vào năm thứ hai niên hiệu Quang Hòa, vua Linh Đế thời hậu Hán (179 Tây Lịch), ngài Chi Sấm (Chi-lâu-ca-sấm) dịch kinh “Bát-chu tam-muội” đầu tiên. Về sau, có ngài Chi Khiêm đời nhà Ngô, Trúc Pháp Hộ đời nhà Tây Tấn v.v… dịch kinh Đại A-di-đà, kinh Bình đẳng giác. Lại có ngài Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần, Bảo Vân đời Lưu Tống, Cương-lương-da-xá v.v… dịch kinh A-di-đà, luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ v.v… Kinh điển Tịnh độ tiếp tục truyền, người xuất gia, tại gia tín ngưỡng ngày càng đông. Người đầu tiên đề xướng cầu vãng sanh Tây Phương là ngài Khuyết Công Tắc. Song, về sau người tiếp tục đề xướng việc nguyện vãng sanh nỗi tiếng nhất là ngài Huệ Viễn, đời Đông Tấn. Tại núi Lô Sơn ở phương nam, ngài Huệ Viễn lập “Bạch liên xã” cùng đại chúng tinh tấn tu hành niệm Phật tam-muội. Tất cả y vào kinh “Bát-chu tam-muội” mà cầu mong thấy Phật vãng sanh. Từ đây, Tịnh độ giáo trở thành một giáo phái chính tại Trung Quốc.

Từ đời Lưu Tống về sau, tín ngưỡng về Tịnh độ được truyền khắp các nơi. Kinh Vô lượng thọ được giảng giải và lưu hành đọc tụng. Tượng Phật Di-đà tạo dựng rất nhiều. Đến thời vua Tuyên Võ Đế (Bắc Ngụy), ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch “Vô lượng thọ kinh Ưu-ba-đề-xá” của ngài Thế Thân; ngài Đàm Loan lại dựa vào đây chú giải, cùng nương vào luận “Thập trụ Tỳ-bà-sa” mà nói lên hai cách “khó tu” (nan hành) và “dễ tu” (dị hành) và chủ trương thuyết về bổn nguyện cầu tha lực. Đây mới là xiển minh trình bày rõ ý nghĩa nguồn gốc lập giáo Tịnh độ. Nhân đây, lấy vùng Tịnh Châu ở phương bắc làm trung tâm và người cầu nguyện vãng sanh tăng lên rất đông.

Thời đại nhà Chu, Tùy việc nghiên cứu về kinh văn rất hưng thịnh, các ngài Huệ Viễn, Linh Dụ, Cát Tạng, Pháp Thường v.v… mỗi ngài đều có trước tác sớ giải kinh Vô lượng thọ, Quán kinh v.v… Đồng thời các ngài Trí Giả, Đạo Cơ, Trí Nghiễm, Ca Tài v.v… cũng trước tác về những kinh đó và luận về Phật Thân độ, và trình bày những vẻ đẹp ấy. Lúc này, những người thuộc phái “Địa luận” (Địa luận tông) và các hệ phái khác đều có khuynh hướng nghiêng về tín ngưỡng Di-đà. Nhưng các luận sư thuộc học phái Nhiếp luận, dùng Quán kinh … của phàm phu vãng sanh làm “Biệt thời ý thuyết”, theo thứ tự vãng sanh là việc không thể được. Nhân đây, sự truyền bá của Tịnh độ bị tổn hại không ít. Đến thời đại nhà Đường, ngài Đạo Xước, Thiện Đạo v.v… và nhiều đại sư xuất hiện đều kế thừa giáo chỉ của ngài Đàm Loan, chủ trương bổn nguyện cầu tha lực của chư Phật, tuyên truyền về tư tưởng mạt pháp, đề xướng cốt yếu của thời giáo tương ưng2. Đặc biệt là đại sư Thiện Đạo với tính cách mẫu mực xưa nay, đã soạn “Quán kinh sớ” để luận phá lập nghĩa của các luận sư, đồng thời củng cố cơ sở độc lập về giáo nghĩa Tịnh độ. Pháp Nhiên Thượng Nhơn người Nhật Bản, tôn thờ học thuyết này và cũng đề xướng tông Tịnh độ ở Nhật Bản. Về sau, đại sư Thiện Đạo trở thành đối tượng học giả nghiên cứu của Tịnh độ Nhật Bản. Đương thời, tại Trường An và các nơi khác có các ngài Trí Thủ, Tỉnh Ngộ, Huệ Tịnh, Viên Trắc, Đạo Huệ, Đạo Ngân, Hoài Cảm v.v… đều viết sớ giải về các kinh Di-đà, Quán kinh v.v…

Ở Tân La (Triều Tiên), có các ngài Từ Tạng, Nguyên Hiểu, Nghĩa Tượng, Pháp Vị, Huyền Nhất, Cảnh Hưng, Nghĩa Tịch, Thái Hiền, Tuần Luân v.v… đều trước tác kinh sớ, nghiên cứu bổn văn kinh điển Tịnh độ. Đến đây, trào lưu tư tưởng Tịnh độ đạt đến đỉnh cao tột.

Năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường, ngài Tuệ Nhật (Tam Tạng Từ Mẫn) từ Ấn Độ trở về Trung Quốc, thấy đồ chúng Thiền tông lúc này cho rằng Tịnh độ là phương tiện kiến giải hư vọng, đưa con người đến chỗ mê muội. Ngài phản kích khuynh hướng này một cách mạnh mẽ và chủ trương đề xướng phương pháp niệm Phật cầu vãng sanh. Từ đó, ngài tự lập nên một trường phái riêng. Tiếp đến, các ngài Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Phi Tích v.v… kế thừa theo học thuyết này mà dùng phương pháp niệm Phật tam-muội làm Thiền môn thâm diệu vô lượng, bài xích những người tu Thiền tự tâm cao ngạo. Trong số những người tu Thiền ấy cũng có người hưởng ứng theo phương pháp này, đó chính là ngài Tuyên Thập đệ tử của Ngũ Tổ. Ngài Tuyên Thập lại đề xướng Nam sơn niệm Phật môn thiền tông3. Ở Nam Dương, Tuệ Trung là học trò của Lục Tổ cũng đề xướng Hành Giải song tu. Đến ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là người được truyền thừa của tông Pháp Nhãn, đặc biệt là nói rõ lý “Chơn không diệu hữu” và cổ súy Thiền Tịnh song tu. Ngài cũng trước tác bộ “Duy tâm luận” rất nổi tiếng. Vì trong đó có bài kệ “Tứ liệu giản” nói: “Có Thiền, Tịnh như hổ mọc thêm sừng”, và từ đó văn chương của ngài được lưu lại nghìn đời sau.

Thời đại nhà Tống, các ngài Thiên Y Nghĩa Hoài, Tuệ Lâm Tông Bổn, Cô Tô Thủ Nạp, Trường Lô Tông Di, Hoàng Long Tử Tâm, Chơn Hiết Thanh Liễu chuyên tu về Tịnh độ. Cư sĩ Dương Kiệt, Vương Cổ, Giang Công Vọng, Vương Điền, Vương Nhật Hưu thì thực hành Thiền Tịnh song tu. Đây đều là sự tiếp nhận di phong của các bậc tiền bối mà trước đã nói rõ.

Trong Thiên Thai tông cũng có rất nhiều người tôn sùng và am hiểu về Tịnh độ tông. Thời đại nhà Tống có: Hành Tĩnh, Trừng Hoặc, Nghĩa Thông, Nguyên Thanh, Văn Bị, Tuân Thức, Tri Lễ, Trí Viên, Nhơn Nhạc, Tùng Nghĩa, Trạch Anh, Tông Hiểu v.v… lần lượt soạn ra các bộ như Quán sớ kinh, A-di-đà kinh sớ và các sách khác, nhằm xiển dương về giáo chỉ của Tịnh độ. Trong đó, “Quán kinh sớ diệu tông sao” của ngài Tứ Minh Tri Lễ là nỗi tiếng nhất. Ngài đã chủ trương buộc tâm quán tưởng đức Phật, là một học thuyết luận về sự dung hợp của Thiên Thai và Tịnh độ. Về sau, ở Dư Hàng có ngài Nguyên Chiếu đã kết hợp với Nam sơn luật tông mà mở rộng và xiển dương Tịnh độ giáo, làm các sớ giải về Quán kinh, tạo thành học thuyết của một trường phái. Môn nhơn có những vị Dụng Khâm, Giới Hộ v.v… làm các sách chú thích, trong đó thuật lại những lời dạy của Tổ. Về sau, đến đời Nam Tống, ngài Tuấn Nhưng lại lấy tư tưởng này truyền đến Nhật Bản. Qua những sự kiện này, có thể nói rằng thời đại nhà Tống, Tịnh độ giáo rất hưng thịnh. Lúc này, giáo pháp của Kết xã niệm Phật đang lưu hành ở phía nam, do sự truyền bá của các ngài: Tĩnh thường, Tuân Thức, Tri Lễ, Bổn Như, Linh Chiếu, Tống Di, Đạo Thâm … . Số người tu sĩ cũng như tại gia tu tập theo Kết xã niệm Phật rất đông. Đây chính là sự kế thừa tôn phong Lô sơn bạch liên xã của ngài Huệ Viễn đã thành lập trước kia. Gần giống như tôn phong của ngài Thiện Đạo, Pháp Chiếu …

Đầu đời Nam Tống, ngài Từ Chiếu Tứ Nguyên đề xướng Bạch liên tông, sau đến phổ độ ở Lô Sơn tiếp nối sự kiện thuật lại ở đây. Ngài trước tác “Liên tông bảo giám” mà lược nói rõ tông chỉ, nhưng trong đó có nghiêng về sự mê tín. Sau đó, do đệ tử là Thiệp Phong Tục làm những việc rối loạn, nhân đây bị ngăn cấm, đây gọi là giặc Bạch liên giáo.

Thời đại nhà Nguyên về sau, pháp môn Thiền Tịnh song tu lại thịnh hành. Các ngài như: Trung Phong Minh Bổn, Thiên Da Duy Tắc, Sở Thạch Phạm Kì, Đoạn Vân Trí Triệt v.v… đều hướng tâm về Tây phương. Thiên Thai tông có: Trạm Đường Tánh Trừng, Ngọc Cương Mong Nhuận, Ngân Giang Diệu Hiệp, Vân Ốc Thiện Trụ v.v… cũng rất tán dương về Tịnh độ.

Đến triều đại nhà Minh có: Sở Sơn Thiệu Kỳ, Không Cốc Cảnh Long, Cô Âm Tịnh Cầm, Nhất Nguyên Tông Bổn, Vân Thê Chu Hoằng, Tử Bách Chơn Khả, Hám Sơn Đức Thanh, Bác Sơn Nguyên Lai, Trạm Nhiên Viên Trừng, Cổ Sơn Nguyên Hiền, Vi Lâm Đạo Bái v.v… đều đề xướng Thiền Tịnh hợp nhất. Trong đó, người nổi tiếng nhất là Châu Hoành (Liên Trì đại sư). Ngài sống vào giữa năm Long Khánh (triều nhà Minh, năm 1567), cư trú ở núi Vân Lâu, thành phố Hàng Châu, chuyên tu niệm Phật tam-muội, chú giải kinh Di-đà, trước tác rất nhiều sách nhằm hoằng truyền Thiền Tịnh nhất hướng. Sự cảm hóa của Ngài đã trở thành phong cách mới trong việc giảng dạy lúc bấy giờ.

Trong Thiên Thai tông, có các ngài như: Vô Ngại Phổ Trí, Diên Khánh Đạo Hạnh, Cự Am Đại Hữu, U Khê Truyền Đăng, Linh Phong Trí Húc, Cổ Thiệp Thành Thời v.v… đều soạn sách xiển dương về giáo lý Tịnh độ. Trong đó, ngài Trí Húc đề xướng “Tam học nhất nguyên luận” không phải lập ba tông: Thiền, Giáo, Luật thành thế chân vạc mà chủ trương ba tông quy về một, đó chính là pháp môn Tịnh độ. Thời gian sau có cư sĩ Viên Hoành Đạo, Trang Quảng Hoàng v.v… cũng có trước tác và tuyên truyền pháp môn này.

Đến triều đại nhà Thanh, giữa đời Khang Hy, tín ngưỡng Tịnh độ đều do những người cư sĩ tuyên truyền như: Chu Khắc Phục, Du Thành Mẫn, Chu Mộng Nhan v.v… biên tập truyện vãng sanh. Giữa năm Khang Hy, có Bành Thiệu Thăng, Bành Hy Tốc v.v… trước tác Vãng sanh truyện, khuyến tu Tịnh nghiệp. Cuối thời Khang Hy, Thật Hiền Tư Tế kế thừa sự nghiệp của Chu Hoành, kết thành Liên Xã tại Hàng Châu, rất hưng thịnh và giáo pháp được tuyên truyền mạnh mẽ. Nhân đây, ngài được mọi người kính mến nên tôn xưng ngài là Vĩnh Minh tái thế. Những vị như: Hành Sách, Tục Pháp, Minh Hoành, Minh Đức, Tế Năng, Phật An, Thật Thành, Tế Tĩnh v.v… đều kế thừa tu Tịnh nghiệp. Về sau, Thụy Chương, Hồ Đỉnh v.v… tiếp tục biên chép Vãng sanh truyện; sau này có Đạt Mặc, Ngộ Khai, Trương Sư Thành, Chân Ích Nguyện v.v… đều có trước tác sách, tuyên dương Tịnh độ.

Từ triều đại nhà Tống về sau, Tịnh độ giáo rất hưng thịnh ở vùng phía nam Chiết Giang. Triều đại nhà Thanh lấy Bắc kinh làm Quốc đô, lại rất sùng kính Lạt-ma giáo, nên tín ngưỡng Tịnh độ cũng chỉ hưng thịnh ở phía nam.

Từ triều đại nhà Minh về sau, Phật giáo mất đi sức lực hoạt động, không có người và thiếu những trước tác có tính sáng tạo vĩ đại, nhưng khuynh hướng tín nguỡng về Phật Di-đà rất phổ biến và lưu thông ở dân gian. Tăng tục hợp lực tu tập rất hưng thịnh, Kết xã niệm Phật trở thành tông phái có tính phổ biến trên toàn quốc. Thiền là pháp môn căn bản của Phật giáo Trung Quốc. Song, Tịnh độ giáo lại là pháp môn phổ biến nhất ở Nhật Bản cũng giống như đây vậy.

III. HỆ THỐNG TỊNH ĐỘ GIÁO Ở TRUNG QUỐC

Nhìn chung, Tịnh độ giáo ở Trung Quốc tóm lược có ba giáo phái:

Thứ nhất là hệ thống của ngài Lô Sơn Huệ Viễn pháp sư.

Thứ hai là Hệ thống của ngài Đạo Xước, Thiện Đạo …

Thức ba là Hệ thống của ngài Tam Tạng Từ Mẫn.

Hệ thống của ngài Lô Sơn Huệ Viễn thì nương vào pháp Bát-chu tam-muội, mục đích là mong cầu thấy Phật và được vãng sanh. Thầy của ngài Huệ Viễn là ngài Đạo An, thầy của ngài Đạo An là ngài Phật Đồ Trừng (ngài Phật Đồ Trừng vì mục đích truyền bá đạo Phật ở phương Đông, nên Ngài đã tới thành Lạc Dương niên hiệu Vĩnh Gia năm thứ tư, đời vua Hoài Đế, Tây Tấn). Đây là hệ truyền thứ nhất của Tịnh độ giáo ở Trung Quốc, nhằm vào năm 310 Tây Lịch.

Thầy của ngài Thiện Đạo là ngài Đạo Xước, thầy của ngài Đạo Xước là ngài Đàm Loan. Ngài Đàm Loan được thọ pháp từ ngài Bồ-đề-lưu-chi (ngài Bồ-đề-lưu-chi là người Bắc Thiên Trúc, tới Lạc Dương vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Bình, đời Tuyên Võ Đế, Bắc Ngụy). Đây là hệ truyền thứ hai của Tịnh độ giáo ở Trung Quốc, nhằm vào năm 508 Tây Lịch. Các ngài Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo … đều truyền bá vãng sanh Tịnh độ, chủ yếu đề xướng nhờ năng lực bổn nguyện của Như Lai mà có thể vãng sanh và đắc được quả vị Bất thối. Muốn biết một cách rõ ràng về những điều này, xin xem học thuyết của các ngài.

Tam Tạng Từ Mẫn Tuệ Nhật là người trước năm 748 Tây Lịch, ngài đến Ấn Độ và lưu lại đây trước sau tất cả là mười tám năm. Ngài được thọ pháp “Tam Tạng Ấn Độ”. Đây là hệ truyền thứ ba của Tịnh độ giáo ở Trung Quốc. Ngài chủ trương tư tưởng Giáo Tịnh hợp nhất, Thiền Tịnh kếp hợp, Giới Tịnh song tu. Tư tưởng này đã được các bậc Cao đức kế thừa truyền bá trải qua nhiều đời, như các ngài Diên Thọ, Châu Hoành, Phổ Chiếu, Pháp Chiếu, Nguyên Chiếu, Trí Húc … đều là các bậc Cao đức thuộc hệ thống này.

IV. NHỮNG ĐẶC SẮC CỦA BA HỆ PHÁI LỚN TỊNH ĐỘ TÔNG.

Tịnh độ giáo ở Trung Quốc gồm có ba hệ lớn: Lô Sơn, Thiện Đạo, Từ Mẫn. Sự lưu truyền của ba hệ phái này như ở trên đã nói rõ. Vậy, nội dung và khuynh hướng của ba hệ phái này có những đặc sắc gì? Về phương diện giáo lý của Tịnh độ có rất nhiều luận đề quan trọng như: Vấn đề về tín tâm, quán pháp, niệm Phật, vãng sanh, Tịnh độ, pháp tu, Nhơn sanh quan … đều là đối tượng bàn luận nghiên cứu. Song, nghiên cứu những vấn đề này một cách cặn kẽ thì nó thuộc về vấn đề giáo lý của Tịnh độ, nó chẳng phải là đối tượng chính để khảo cứu. Bây giờ chỉ nói đặc sắc khuynh hướng về lịch sử phát triển Tịnh độ của ba hệ phái này.

Thứ nhất, sự tích Tịnh độ của Lô Sơn Huệ Viễn cực kỳ rõ ràng, trước tác cũng có lưu truyền, Kết xã niệm Phật chiếm một địa vị trong xã hội lúc bấy giờ, đã quy tập rất nhiều người học cao hiểu rộng. Ngài Huệ Viễn là người nỗi danh một thời, nuôi dạy rất nhiều đệ tử, số đồ chúng mà ngài cảm hóa không phải là ít; nhưng những đối tượng ngài Huệ Viễn giáo hóa đều là bậc cao sĩ và ẩn sĩ. Phong cách dạy học của hệ này là lấy sự hiểu biết, giảng giải nghĩa lý làm mục đích. Tịnh độ quan của hệ này là lấy cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà làm Ứng độ. Nơi mà kẻ phàm phu vãng sanh gọi là Sự tịnh thô quốc (Sự Tịnh độ). Không có biện pháp đến Tướng Tịnh độ và Chơn Tịnh độ, bởi vì trong kiến giải này nói rằng cõi Tịnh độ là do cảm ứng tư tưởng nghiệp báo. Do đó, việc dạy học của phái này là lý luận có tính thường thức. Nhân đây, về sau có các trường phái của hệ Duy thức đều lấy Di-đà Tịnh độ làm “Biệt thời ý thuyết”, Tam luận, Thiên thai, Hoa nghiêm, Duy thức … Tịnh độ quan của các hệ phái đó đều có kiến giải này. Dĩ nhiên, kết luận này cũng chính là do từ lý luận đã được triển khai mà có. Nhưng, tông giáo cần phải có phương hướng của tông giáo, tông giáo phải có tính bình dân và tính siêu việt thì mới đặc sắc.

Do quan điểm Tịnh độ của ngài Huệ Viễn truyền cho đến nay học lý lệch lạc, họ hiểu Phật trí do từ “Đại bi tâm” mà phát, lý trí đương nhiên cũng có thể vậy, nhưng cần phải từ đại bi tâm mà có. Song căn bản lập trường về sự giảng dạy của ngài Thiện Đạo chính là lấy “Bổn nguyện của Phật” làm cơ sở và theo “Cường nguyên duyên khởi luận” là thế giới quan căn bản của Tịnh độ giáo. Cõi Tịnh độ của Phật Di-đà là quốc độ trang nghiêm do bổn nguyện của ngài thành lập nên là Báo độ chứ không phải là Ứng hóa độ. Đây là “Thị báo phi hóa luận”, một hệ thống không kém phần lộn xộn của các luận sư: Tịnh Ảnh (Huệ Viễn), Thiên Thai, Gia Tường … Ngài Thiện Đạo nói: “Cái nhân tu hành không có mất, từ nơi cái nhân mà chiêu lấy cái quả, cái quả ứng bởi cái nhân, nên gọi là Báo”. Đức Phật A-di-đà là đấng đã hội đủ tư cách này. Cho nên quốc độ của Báo Phật là Báo độ, phàm phu cũng có thể vãng sanh vào Báo độ này. Lại có một số vị (sư) nhận xét về quốc độ này rất là thấp kém, thậm chí cho rằng kẻ phàm phu và hàng nhị thừa không thể vãng sanh về đó. Tuy rằng chấp nhận Báo độ cũng chỉ biết một phần nào của Thông báo, không biết nguyên nhân của Biệt báo. Nguyên lý thành lập Tịnh độ là bởi bốn chữ “Nguyện lực thành tựu”. Vậy, bản chất Tịnh độ là như thế nào? Chính là Thể của Tịnh độ là Niết bàn, quả vị chứng đắc ở đó là Pháp tánh vô vi.

Tư tưởng hệ thống của ngài Thiện Đạo là người ác, phàm phu đều vãng sanh về Báo độ, và luận về chỉ phương lập tướng … đã xác lập cái đặc sắc của Tịnh độ giáo, nhờ tư tưởng này mà khiến cho mọi người đều có hy vọng sẽ được vãng sanh về Báo độ ấy. Và nhờ thế mà dân chúng trong xã hội tinh tấn dõng mãnh tu tập, dựa vào tự viện tông giáo nơi núi rừng thâm sâu rồi phổ biến tông giáo rộng rãi đến xã hội hiện thực. Trong thực tế, mọi người đều có thể được cứu giúp, nhân đây đã phát huy được “bổn lai diện mục” của Tịnh độ giáo. Tịnh độ giáo học phái của ngài Thiện Đạo rất phổ cập, đã đem lại nhiều lợi ích cho mọi người, ví dụ như: Thế giới quan nhẫn khổ, thế giới quan sáng tạo ánh sáng, thế giới quan nghiệp báo và thế giới quan báo ân v.v… đối với tinh thần sinh hoạt của con người, hệ phái này có sự cống hiến rất lớn. Nhờ vậy, cuộc sống của nhân dân được bình an và ổn định vô cùng. Đây là sự cống hiến vĩ đại của Tịnh độ giáo trong lịch sử quốc dân. Như vậy, đến đây chúng ta có thể giải thích về các vấn đề này đối với các hệ phái Huệ Viễn, Thiện Đạo, Từ Mẫn như sau :

Sự lợi ích giáo pháp Tịnh độ của Huệ Viễn là quy tập bậc thượng căn (giai cấp thượng lưu).

Sự lợi ích giáo pháp Tịnh độ của Thiện Đạo thì phổ biến ở hạ căn (bình dân).

Tịnh độ giáo tổng hợp cả hai hạng thượng căn và hạ căn chính là Tịnh độ giáo nghĩa Thiền Tịnh kết hợp của hệ phái Từ Mẫn. Tịnh độ giáo của hệ này lại thích hợp với hạng trung căn. Do đó, trong lịch sử, Tịnh độ giáo là tông giáo được phổ biến thượng, trung, hạ căn. Qua đây, chúng ta có thể chứng minh được sự diễn biến về lịch sử của Tịnh độ giáo:

Sự lợi ích giáo pháp hệ phái ngài Huệ Viễn là hạng thượng căn. Sự lợi ích giáo pháp hệ phái ngài Thiện Đạo là hạng hạ căn. Sự lợi ích giáo pháp hệ phái ngài Tuệ Mẫn là hạng trung căn.

Xét về lịch sử phổ biến của ba hạng căn thì đây chỉ là cách nhìn nhận riêng của người viết, cũng là một cách nhìn trên một đại thể mà thôi. Trong thực tế ba hệ phái này đều có sự phổ biến cả ba hạng căn trên. Tịnh độ giáo xưa nay vốn phổ biến cả ba hạng căn, nhưng mỗi hệ ấy đều có sự phát huy đặc biệt, có tính thích hợp, có kết quả tác dụng riêng. Những đặc sắc đó chính là sự thích hợp của ba hệ phái đối với ba hạng căn mà trong phần lịch sử trên đã nói rõ.

Về vấn đề của Tịnh độ và Tịnh độ giáo của hệ Từ Mẫn là một việc cần phải nói rõ lại điểm này, nhưng phạm vi bài viết có hạn xin nhường lại cơ hội sau nói rõ hơn. Cuối cùng thì không thể không nói đến Phật giáo đời nhà Đường, Tống về sau các tông truyền bá yếu dần, chỉ có hai tông là Thiền và Tịnh vẫn còn phồn thịnh. Tịnh độ giáo của hệ Từ Mẫn phát triển cả hai tông này (Thiền, Tịnh). Bởi do có khuynh hướng chiết trung và tính tổng hợp nên hệ thống này đã trở thành hệ thống chính, có tác dụng đến giới tư tưởng “hạ lưu” tiềm ẩn lúc bấy giờ. Tóm lại, có thể nói rằng hệ thống này thích hợp nhất đối với hạng trung lưu, và thời gian không nhiều nên cũng không luận đàm về học thuyết của hai hệ phái lớn trước, đến đây cái lý cũng đã hoàn mãn vậy!