Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Giới Thiệu Sơ Lược

CHÁNH VĂN:

Đời Đường, sách vở Thiền tông do “Đường” Thần Hội soạn, gom lại thành một quyển.

Sau khi Lục tổ Huệ Năng tịch mười chín năm, nhằm niên hiệu Khai Nguyên năm thứ mười tám, Thần Hội lên phương Bắc kinh đô Lạc Dương, mở đầu tuyên dương Nam tông Huệ Năng là Thiền tông chánh thống. Ngài cùng với Bắc tông đương thời là Sùng Viễn, biện luận triển khai tà chánh, đúng sai của Thiền tông Nam Bắc, hết sức công kích Bắc tông chẳng phải Thiền tông chánh thống.

GIẢNG:

Gọi Đường Thần Hội vì ngài Thần Hội sống trong đời Đường ở Trung Quốc. Khai Nguyên năm thứ mười tám là năm 732 Dương lịch, chỗ khác nói năm thứ tám. Tôi cũng ghi lại đầy đủ cho người sau có điều kiện nghiên cứu, tham khảo chính xác hơn.

Đoạn này rất quan trọng. Lục tổ Huệ Năng sau khi được y bát của Ngũ Tổ, Ngài đi về phương Nam. Trong hội Huỳnh Mai, có ngài Thần Tú là Giáo thọ sư, sau khi Ngũ Tổ tịch, Ngài về phương Bắc truyền bá nên gọi là Bắc tông. Bắc tông với Nam tông ở đây căn cứ vào sự truyền thiền của hai Ngài đặt, chớ không phải Bắc tông, Nam tông như ở Việt Nam chúng ta.

Đệ tử của Tổ Huệ Năng là ngài Thần Hội, đệ tử của Đại sư Thần Tú là ngài Sùng Viễn. Hai hệ khác nhau, các đệ tử tranh luận cho ra lẽ bên nào là Thiền tông chánh thống, nên chúng ta thường nghe nói Nam Năng, Bắc Tú. Ngài Thần Tú có làm bốn câu kệ:

Thân thị bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.

Dịch:

Thân như cây bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.

Ngài nói thân như cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng. Trong ví dụ này có cây bồ-đề, có đài, có gương sáng tức là có hai. Luôn luôn phải lau chùi, chớ để dính bụi nhơ. Gương và bụi, phải chùi bụi cho gương sáng. Như vậy là còn đối đãi.

Lục Tổ làm một bài kệ ngược lại:

Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch:

Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?

Bồ-đề vốn không phải là cây, gương sáng cũng chẳng do nơi đài, đó là phá hết hai bên. Xưa nay không một vật, chỗ ấy xưa nay không có một vật, tại sao phải lau bụi bặm?

Chúng ta thấy rõ bài kệ của Lục Tổ phủi sạch hết, trong khi bài kệ của ngài Thần Tú còn đối đãi, còn đối đãi là còn hai, còn pháp tức còn bệnh. Do đối đãi nên thấy có bệnh thật, có thuốc thật để trị bệnh. Điều này không phải là sai với giáo lý Phật dạy, nhưng còn nằm trong đối đãi, chưa phải cứu kính. Cho nên hai tông khác nhau ở điểm đó.

Lục Tổ thấy thân không thật, tâm không thật nên nói “Bồ-đề bổn vô thọ”, tức Bồ-đề không có cây, thân này không phải là gốc của Bồ-đề. “Minh cảnh diệc phi đài”, gương sáng thì tự nó sáng, không phải đợi có đài mới sáng, đây là phá chấp hai. Bởi không còn hai mới nhận ra được cái xưa nay không một vật.

Như tôi đã nói cái hay biết của mình tức là tâm. Cái biết đó không tướng mạo, không nhiễm nhơ. Thấy nghe mà dấy niệm phân biệt, mới có thương ghét. Thấy nghe mà không có niệm phân biệt, tất cả đều qua tai qua mắt rồi mất, không tạo nghiệp thương ghét. Còn niệm thì còn dính mắc, không có niệm nào hết thì dính mắc vào đâu? Đã không dính mắc thì chùi làm gì, nên Tổ nói gương tự sáng khỏi phải lau bụi.

Một bên còn thấy có pháp có bệnh, nên có thuốc để trị bệnh. Như nói pháp Lục độ: Bố thí trị san tham, Trì giới trị phá giới, Nhẫn nhục trị sân nhuế v.v… Tuy là pháp Đại thừa, nhưng vẫn còn có pháp để đối trị. Còn thấy hai bên nên gọi là tu tiệm, tức gỡ từ từ. Thấy thân thật, tâm phải quấy thật, người ta chửi nhịn không nổi đâu, cho nên tu rất cay đắng. Bây giờ thấy thân tâm đều không thật, lời chửi như gió bay thì có gì phải nhẫn? Đốn giáo nằm ở chỗ đó. Khi phá được mê lầm rồi, chúng ta vượt qua mọi thứ hết sức dễ dàng. Còn một chút lầm, dù tu nghiệp thiện, nhưng khó bỏ được cố chấp thì cũng không thể giải thoát.

Tu gỡ từng phần, từng phần gọi là Tiệm giáo. Còn thấy một lần xong hết, gọi là Đốn giáo. Nghĩa là thấy rõ thân này không thật, tâm này không thật, nhưng có một cái thật luôn hiện tiền. Nhờ thấy vậy nên bỏ cái không thật, sống với cái thật sẵn có nơi mình, đơn giản gần gũi làm sao! Như vậy mới thấy chúng ta ngu mê, bội bạc vô cùng. Chính cái thật của mình lại phủi bỏ, không thèm nhớ. Nhớ chuyện tào lao ở đâu, đem vô rồi phân chia khôn dại với nhau, sanh ra cãi vã đủ thứ phiền não. Cả đời sống trong điên đảo không bao giờ an ổn được.

Người thấy rõ thân, tâm vọng tưởng không thật thì bỏ rất dễ, như trở bàn tay không có gì khó hết. Bởi vậy có câu “hồi đầu thị ngạn”, xoay đầu là bờ. Chuyển mê liền thành giác liền, chớ có gì đâu. Như ban đêm trong nhà mở đèn sáng, có người đứng ngay cửa, nếu ngó ra ngoài thì thấy tối, còn xoay nhìn trở lại thì thấy sáng, có khó khăn gì. Chỉ một cái xoay lưng, quay đầu liền là bờ giác, có xa đâu. Thế nhưng không biết tại sao chúng ta lại không chịu chuyển? Khóc lên khóc xuống nhưng không chuyển, cứ thế mà khổ đến vô cùng.

Thiền chánh thống của ngài Thần Hội là chỉ thẳng, xoay lại là chân, không cần đối trị nên gọi là đốn. Pháp tu còn đối trị của ngài Thần Tú gọi là tiệm.

CHÁNH VĂN:

Qua nhiều phen Thần Hội hoằng dương Nam tông đốn giáo của Tổ Huệ Năng, mới được xác lập địa vị chánh tông, được xã hội thừa nhận, sau cùng thay thế hẳn vị trí Bắc tông.

GIẢNG:

Khi ngài Thần Hội chưa về phương Bắc giáo hóa, người phương này thấy Bắc tông của ngài Thần Tú cũng hay, nên ứng dụng tu theo Tiệm giáo. Đến khi ngài Thần Hội về phương Bắc giảng dạy, mọi người mới thức tỉnh đây thật đúng là pháp Đốn giáo của Lục Tổ.

CHÁNH VĂN:

Đối với Nam tông Huệ Năng, sẽ nói ở phần sau, Thần Hội là nhân vật đã phát huy rõ ràng và khai thác tác dụng những điểm trọng yếu. Ngài cho Lục tổ Huệ Năng thuộc dòng truyền chánh thức. Tư tưởng kia đối với tư tưởng Tổ Huệ Năng, đích xác là trung thực kế thừa. Tư tưởng ấy, không chỉ thể hiện ở trong “Nam tông định thị phi luận”, mà cũng thể hiện ở trong quyển Ngữ lục của Thần Hội.

Toàn quyển sách, dùng hình thức vấn đáp về Đốn giáo kiến tánh thành Phật của Nam tông Huệ Năng. Hết thảy các vấn đề đều được giải đáp rõ ràng đơn giản. Trong đó, quan điểm rất chủ yếu như tuyên dương đốn ngộ, lấy Vô niệm làm tông, thật mới mẻ đột xuất.

GIẢNG:

Thiền tông Đốn giáo lấy Vô niệm làm tông, ngài Thần Hội đã tuyên dương như thế là chánh thức truyền nối chân tinh thần của Lục Tổ. Bởi còn dấy niệm là còn tâm sanh diệt. Lặng dấy niệm mới là vô niệm, vô niệm mới là chỗ chân thật của chính mình. Nên nói Vô niệm là tông, là chủ hay là gốc.

CHÁNH VĂN:

Như nói “Đại sư Tổ đời thứ sáu của ta, thường hay nói đơn đao trực nhập, ngay đó thấy rõ Chân tánh, không nói cấp bậc từ từ”. “Giác liễu tức là Phật tánh, không giác liễu tức là vô minh” nhưng giác cùng bất giác chỉ ở trong một niệm, “một niệm tương ưng” liền được thành Phật. “Chỉ hiển bày đốn môn ngay nơi một niệm tương ưng, thật không do cấp bậc từ từ.”

GIẢNG:

Chỗ chân thật đó, thấy được thì thấy chớ không theo thứ lớp. Phật tánh là cái hằng giác, hằng liễu tri, còn cái không hiểu không giác là vô minh. Như thân giả tưởng là thật, tâm hư dối tưởng là thật, là vô minh.

Giác và bất giác trong một niệm suy nghĩ thôi. Như chúng ta biết rõ thân không thật, tâm giả dối không thật, thời gian biết rõ đó bao lâu? Chỉ biết liền xong, không có xa xôi gì hết. Ở đây chẳng nói bữa nay quán tay mình có mấy lóng, ngày mai quán lên tới cổ tay, quán từ từ như thế gọi là thứ lớp. Pháp tu này đi thẳng, biết rõ tướng duyên hợp hư dối không thật. Một niệm biết rõ là thích hợp, nên nói một niệm tương ưng liền được thành Phật. Nói thành Phật nghe cao siêu quá, nhưng Phật ở đây đơn giản lắm. Thành Phật là giác ngộ, mà giác ngộ là thấy đúng lẽ thật về con người của mình. Chỉ vậy thôi.

Tất cả pháp Phật dạy đều căn cứ vào con người, còn ở bên ngoài chỉ là phần phụ. Quán lại con người là gốc. Ông Phật sẵn có nơi mình, ta nhận lại thì gọi là thành Phật. Phật của mình thì không từ đâu tới, cũng không ai cho, chỉ nhận chân được Tánh giác hằng hữu nơi mình, đó là Phật. Như một vật quí ta cất kỹ nên không nhớ, bây giờ tìm hoài không ra. Bất thần nhớ lại đến ngay chỗ đó xới lên thấy, khi thấy gọi là được nhưng thật ra nó đã có sẵn, chớ không phải ta mới được. Nên nói được mà không phải được, chẳng qua quên đi, bây giờ tìm lại thấy thôi. Nói thành Phật cũng vậy, chẳng qua ông Phật đã sẵn từ lâu, nhưng vì chúng ta quên, bây giờ nhận lại tạm gọi là thành.

CHÁNH VĂN:

Đối với pháp Vô niệm làm tông, ắt thừa nhận thể ngộ Phật tánh là chìa khóa đốn ngộ thành Phật.

GIẢNG:

Nói Vô niệm làm tông tức thừa nhận thể ngộ được Phật tánh của mình là chìa khóa thành Phật. Khi ngồi thiền năm mười phút, nửa giờ hay một giờ không có niệm nào dấy lên, hằng tỉnh, hằng sáng, đó là vô niệm, là đang sống với ông Phật của mình. Thiền sư Đạo Nguyên ở Nhật Bản nói “một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật”.

CHÁNH VĂN:

Như nói: “nói năng, suy niệm là dụng của Chân như, Chân như tức là thể của niệm, do nghĩa đó nên lập Vô niệm làm tông”.

GIẢNG:

Nói năng suy nghĩ là dụng của Chân như, cũng như tất cả sóng dấy lên là dụng của mặt biển. Thế thì có lượn sóng nào ngoài mặt biển không? Nhưng sóng có phải mặt biển không? Nếu nhìn và đếm lượn sóng này số một, số hai cho tới trăm ngàn lượn, số đó có phải là mặt biển chưa? Chưa, nhưng không có lượn nào ngoài mặt biển cả. Như vậy sóng là dụng của mặt biển, sóng lặng thì trở về mặt biển bình yên. Cho nên tất cả niệm của chúng ta lặng thì trở về Chân như, Phật tánh. Do nghĩa đó nên lập Vô niệm làm tông.

Khi vô niệm ta nói hết niệm chớ không nói Chân như. Hết niệm là chủ, là gốc, không tìm kiếm gì nữa. Như vậy cả ngày đi đứng nằm ngồi không có một niệm nào dấy lên, lúc đó ta là kẻ ngu hay là Phật con? – Phật con, nhưng người đời nói ta ngu. Bởi người đời sống theo thế tục, còn mình sống với tâm giải thoát, hai con đường khác nhau hoàn toàn, nên mới gọi người tu là người xuất trần.

CHÁNH VĂN:

Từ cách thức ấy, xem xét kỹ một vài tư tưởng cơ bản, cùng kinh Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng rất nhất trí.

Nhân đây một số học giả như Hồ Thích, từng nhận Thần Hội là tác giả kinh Pháp Bảo Đàn; thậm chí nói Thần Hội là Tông sư khai sơn chân chánh của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc, nên cho Thần Hội là Tổ thứ bảy Thiền tông. Theo cách nói phỏng đoán như thế, rõ ràng là sai sự thật. Do đó, nói một cách đúng đắn, Lục tổ Huệ Năng cơ bản là người khai sáng Thiền tông. Kinh Pháp Bảo Đàn cơ bản là thật lục truyền pháp của Lục tổ Huệ Năng, cũng khó có thể làm thay đổi sự thật lịch sử.

GIẢNG:

Như vậy kinh Pháp Bảo Đàn là của Lục Tổ, ngài Thần Hội chỉ là người phụ họa thôi, chớ không phải chánh thức sáng lập.

CHÁNH VĂN:

Thần Hội, xác nhận rõ ràng là người tuyên dương tư tưởng Huệ Năng, chỉ hay thuyết minh phần giao hảo, lý giải chỗ đột xuất, lãnh hội rõ tư tưởng Huệ Năng, nhưng không có đột phá nguyên tắc cơ bản Huệ Năng.

GIẢNG:

Nghĩa là ngài Thần Hội có những phát minh, nhưng không phải là đột phá hay chống đối lại tư tưởng của Tổ Huệ Năng.

CHÁNH VĂN:

Do đó, Thiền sư Tông Mật thường chính xác chỉ ra: “Tông của Hà Trạch, hoàn toàn là pháp Tào Khê, không có giáo chỉ riêng.”

GIẢNG:

Thiền sư Tông Mật xác nhận ngài Thần Hội căn cứ theo lời dạy của Lục Tổ mà truyền bá Thiền tông Đốn giáo, hoàn toàn không có ý chỉ khác.

CHÁNH VĂN:

So sánh và đánh giá tư tưởng, cùng địa vị ứng tác của Thần Hội hợp với đương thời, không vượt quá phạm vi. Nhưng hoàn toàn khẳng định giá trị tư tưởng, cùng sự cống hiến của Thần Hội là hợp lý và rất cần thiết.

Quan hệ với bản ghi chép Ngữ lục của Thần Hội trong một quyển sách ở động Đôn Hoàng, đã phát hiện ra ba vị:

1. Hồ Thích đã khảo sát và gồm thâu lại một bản, ghi tựa là “Thần Hội Hòa thượng di tập”.

2. Người Nhật Bản tên Thạch Tỉnh Quang Hùng in ấn bản giảo đính của Linh Mộc Đại Chuyết.

3. Năm 1975 người Nhật vào Thỉ Nghĩa Cao phát hiện một quyển sách cũ rách nát, đề là “Nam Dương Hòa thượng vấn đáp tạp chinh nghĩa” (Lưu Trừng sưu tập).

Phần cơ bản ở trên bản thứ ba cùng bản thứ hai giống nhau, chỉ nên bổ túc những điểm thiếu sót của bản thứ hai. Quyển sách này đã tuyển chọn bản giảo đính của Linh Mộc Đại Chuyết. Trong hai bản của hai vị kia, đã bao gồm những chỗ thiếu sót của bản Linh Mộc, cũng nên gom lại chọn ra, để bổ túc thêm phần thiếu sót phía sau.

(Văn tự này thiếu phần đầu, về sau có Bác Lãm Đạo nhân tìm được tục bản).