TU PHẬT
NGHI-THỨC YẾU-LƯỢC
Biên soạn: Hòa-Thượng Thiền-Sư Thích Từ-Quang

QUYỂN NHỨT

TAM-BẢO KINH

CÁC ĐIỀU CẦN-YẾU CHO PHÁI TẠI-GIA

CHƯƠNG 3
ỨNG-DỤNG ĐẠO-LÝ NHÂN-QUẢ

Nhân là nguyên-nhân, Quả là kết-quả.

Ví dụ: trồng cây, gieo hột giống là nhân, hột giống đâm chồi nẩy nhánh, nhờ đất nước âm-dương bổ-trợ làm duyên, cây lớn lên sanh trái, trái tức là quả. Trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu.

Biết trồng giống ngọt, hưởng trái ngọt, trồng giống chua, hưởng trái chua; gieo giống nào gặt giống nấy, đó là chơn-lý công-bình.

Làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, tất cả nhân-nghiệp lành dữ đều có quảbáo phân-minh như bóng theo hình, duy có một điều là thời-tiết lãnh-thọ quả-báo đến sớm hay muộn.

Quả-báo đại-khái có ba loại:

1. Hiện-báo: quả-báo nhãn-tiền, tạo và thọ chỉ trong một đời.

Ví dụ: trong đời hiện-tại, làm lành có ngay báo lành, làm dữ có ngay báo dữ.

2. Sanh-báo: quả-báo ở đời kế tiếp.

Ví dụ: đời trước tạo nhân, đời này thọ quả, hoặc đời này tạo nghiệp, đời sau thọ báo.

3. Hậu-báo : quả-báo cách lâu đời mới thọ.

Ví dụ: đời này tạo nhân, cách mấy đời về sau mới thọ quả.

Dầu có trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo, vẫn không hề mất, đến khi gặp nhân-duyên thì phải chịu ngay quả-báo.

Có tạo nghiệp tất phải thọ báo, có vay tất phải có trả.

Trong vòng luân-hồi sanh-tử ở lục phàm, vay rồi trả, trả đủ lại vay, nhân bao biển quả, quả suốt nguồn nhân, trước sau đều tự mình, tự tác hoàn tự thọ, định-nghiệp sử-nhiên, vị-tất than trách luống công.

Hiển-nhiên đạo-lý nhân-quả cảm-ứng thiên-nhiên chí-công là chơn-lý tuyệt-đối.

Vậy muốn tiến-hóa đến chí-thiện, thì làm người, nhứt là người tu-hành, có bổn-phận phải nương theo luật nhân-quả và áp dụng triệt-để chơn-lý đó.

Bất-luận gặp quả nào, người tu-hành cũng:

– không cho lay chuyển chí-nguyện,
– đắc-thất đừng thay lòng,
– thạnh-suy đừng đổi dạ,
– giàu sang không kiêu-hãnh,
– bần-tiện không thối tâm,
– hằng giữ đức-tánh thiểu-dục tri-túc,
– chuyên-cần cải-thiện đời sống của mình,
– sanh-hoạt phải thức-thời,
– lập nghiệp phải tùy-cơ,
– gặp quả vui vẫn không háo-thắng mà hành-động sai lầm,
– gặp quả khổ vẫn không nản chí mà làm việc mê-muội.

Điều ấy chứng tỏ người tu-hành không nên sợ quả mà phải sợ nhân, lúc nào cũng cẩn-thận về chỗ tạo nhân và luôn luôn lo tạo nhân lành.

Thiết-tưởng trong thiên-hạ có một nhân lành cao quí cực điểm, khả-dĩ thành-tựu viên-mãn quả phước an-lạc vĩnh-cữu cho nhân-sanh đó là công-phu tu-hành chơn-chánh.

 

Muốn biết nhân đời trước, nên nghiệm xét quả đời nay.

Muốn biết quả đời sau, nên nghiệm xét nhân hiện-tại.

Kinh Nhân-Quả