NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

3. AI DẪN DẮT TUỔI TRẺ ?

Tuổi trẻ hôm nay đang ở trong một hoàn cảnh khác hẳn hoàn toàn tuổi trẻ năm xưa. Trong cuộc sống văn minh vật chất nầy, tôi tự hỏi không biết tuổi trẻ có còn những giây phút ngồi trầm ngâm, ngắm cảnh, nhìn sự xanh tươi của cây cối và vạn vật, để cho lòng mình được đôi phần tươi mát hay không ? Tuổi trẻ năm xưa vì chinh chiến triền miên mà không tự chủ được bản thân mình, thì tuổi trẻ của cái thời thanh bình nầy có tự chủ được họ hay không ? Thật tình mà nói, trong cái xã hội văn minh vật chất nầy, cuộc sống của mọi người đều bị quay cuồng và cuốn hút vào trong đó. Cha mẹ vì sinh kế phải quần quật suốt ngày; có khi cả tuần lễ chưa gặp mặt con cái đến một lần. Về phần con cái, ngoài trường học ra, các em còn biết nương tựa vào đâu ? Thật là tội nghiệp, các em chỉ còn biết nương tựa vào những bạn bè trang lứa, những người mù phải dẫn dắt nhau đi trên những đoạn đường đầy chông gay hiểm trở. Như vậy tương lai các em sẽ đi về đâu chắc quý vị đã hiểu. Chính vì vậy mà ta thấy quá nhiều băng đảng, quá nhiều sự hư hỏng của tuổi trẻ. Đa số các vụ nổi loạn của thanh thiếu niên đều phát xuất từ sự trống vắng của tâm hồn. Nhưng ai gây ra sự trống vắng nầy ? Nếu đổ thừa cho mấy em thì quả tình oan cho mấy em quá. Các em nào có tội tình gì, các em chỉ là những chiếc băng thu, hễ thu thế nào thì phát ra cũng thế ấy. Hễ gần băng đảng, thì từ lời nói đến hành vi đều phải giống như băng đảng thôi. Nếu đổ thừa cho hoàn cảnh xã hội thì e rằng hơi hàm hồ vì đa phần các bậc cha mẹ ở đây đã biết hoàn cảnh xã hội bên ngoài rồi, phó thác hay không phó thác con mình cho xã hội là tự mình mà thôi. Nếu đổ thừa do bởi nền giáo dục tắc trách thì cũng có một phần. Tuy nhiên, bậc làm cha mẹ, nếu là những Phật tử thuần thành, luôn tìm hiểu và tự đặt câu hỏi xem coi mình đã có góp phần cho sự hư hỏng ấy không ?

Nếu mình nói có, mình sẽ thấy thương mấy em vô cùng. Tội nghiệp mấy em, không tìm được nơi nương tựa, nên mấy em đành phải dấn bước lang thang. Rồi với bao cám dỗ của cuộc đời, các em phải sa chân vào tội lỗi. Khi các em biết như vậy là tội lỗi thì chuyện đã dĩ lỡ, không còn cách nào thoát ra, nên các em đành chịu. Các em thì đành chịu, nhưng chúng ta là những bậc cha mẹ, nhứt là những người con Phật, chúng ta có đành chịu hay không? Xin đề nghị với quý vị là Không. Tại sao phải đành chịu ? Tại sao phải nhắm mắt để cho con em mình tiếp tục đi vào con đường sa đọa khi chúng ta có Phật, khi ánh Đạo Vàng của Ngài vẫn chiếu khắp muôn phương ? Xin chia sẻ, không riêng gì những ai có con em hư hỏng mới đau lòng; chúng ta là những người con Phật đều cảm thấy đau lòng như nhau. Đau lòng không có nghĩa là buông trôi. Người Phật tử luôn lấy cái Bi, Trí và Dũng của nhà Phật ra mà đương đầu với trở ngại và khó khăn. Xin hãy dẫn dắt con em chúng ta ra khỏi con đường sa đọa. Xin hãy mạnh dạn nhìn vào cuộc sống và định đoạt cho tương lai của con em mình. Đừng để cho các em tiếp tục làm những con thiêu thân nữa. Hãy dành thật nhiều thì giờ cho con em mình. Tiền bạc còn có cơ hội kiếm được, chứ tương lai con em mình làm sao kiếm đây ? Hãy thử cùng nhau suy nghiệm câu nói của cổ nhân để tìm ra một đáp số cho vấn đề hiện tại: “Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền,” cho dù có tiền bạc đầy kho, chúng ta cũng khó mà mua được con cháu tốt đấy quý vị ạ ! Chúng ta nên nhớ bổn phận làm cha mẹ, không hướng dẫn dạy dỗ con cái, chẳng những các em hư, mà hư luôn những thế hệ mai sau nữa. Còn nếu như sanh con mà không dạy thì thà là đừng sanh; hoặc giả mắc bận kiếm tiền thì đợi sau khi kiếm tiền rồi hẳn sanh.

Làm cha mẹ, chúng ta nên dìu dắt con cái ngay từ lúc còn nhỏ. Hướng các em đến gần với Phật pháp bằng những hành động cụ thể; lấy đời sống của chính mình là gương tốt cho các em. Chuyện gì mình không muốn các em làm, thì mình đừng làm. Không muốn con cái hư hỏng bài bạc, thì mình đừng bài bạc. Không muốn con rượu che be bét, thì tự mình đừng rượu chè. Không muốn con cái lêu lổng thì mình phải tạo điều kiện cho các em ở nhà. Điều mà tuổi trẻ cần nhứt là tình thương. Xin hãy mở rộng cửa tình thương mà đón lấy các em, cho dù chúng ta có phải đóng bớt đi những cánh cửa hái ra tiền, hoặc giả phải hy sinh những thụ hưởng cá nhân, chúng ta cũng nên làm.

Tóm lại, tuổi trẻ là mầm non của xã hội, là những hạt giống cho tương lai. Những hạt giống nầy có đâm chồi nẩy lộc hay không là do chúng ta có bón phân tưới nước hay không mà thôi. Muốn có một xã hội lành mạnh, hạnh phúc và an vui, chúng ta phải khéo uốn nắn và giáo dục tuổi trẻ ngay từ thời thơ ấu. Hãy khuyến khích, khuyên lơn, vỗ về, an ủi và dịu ngọt, thay vì phạt vạ, rầy rà, giận hờn, phiền trách, hay chê bai. Hãy tạo cơ hội cho tuổi trẻ được cạnh kề những người tốt. Hãy sống cho có hiếu thảo, đạo nghĩa và nề nếp thì tuổi trẻ sẽ tự nhiên cũng sống như vậy. Hãy sống kính trên nhường dưới, trung hậu, siêng năng, thì tuổi trẻ cũng sẽ sống như vậy. Hãy tránh xa những dục lạc tầm thường thì tuổi trẻ cũng sẽ không tìm đến dục lạc. Khi trẻ con làm được điều hay điều tốt, ta nên tán thưởng và khuyến khích. Khi các em phạm phải lỗi lầm, ta nên khéo léo chỉ vạch cho các em thấy những lỗi lầm ấy, mà không hề chạm đến lòng tự ái của các em. Chưởi rủa, hăm he, hoặc hành hạ trẻ con không thôi, đã một hạ sách, chứ đừng nói là trung hay thượng sách. Làm như vậy chỉ gây cho trẻ con thêm sợ hãi và xa lánh chúng ta mà thôi. Đừng bao giờ xưng hô với con mình là thằng nầy con nọ; cũng đừng bao giờ gọi các em bằng “Nó” trước mặt ai. Phật đã không từng dạy chúng ta về sự bình đẳng của mọi người hay sao ? Chúng ta nên gọi trẻ con bằng tên, hoặc bằng con hay cháu và xưng với các em bằng vai vế của mình. Thí dụ như mình muốn gọi con út của mình lại cho mình hỏi việc học hành trong trường lớp, thì mình nên nói : “Tí, con hãy lại đây kể cho ba, hoặc mẹ nghe về chuyện học hành trong lớp của con tuần rồi; hoặc Tí, tuần rồi con học có giỏi không?” Như vậy tuổi trẻ sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái khi nói chuyện với các bậc cha mẹ. Thêm vào đó, chúng ta lúc nào cũng nên làm gương cao quý cho tuổi trẻ nghe theo. Tuổi trẻ thì lúc nào cũng háo thắng, nhưng cái háo thắng của các em rất hồn nhiên và dễ thương. Thí dụ như ở trường học, các em không muốn thua sút một ai vì thế khi ta hỏi các em rằng con học có giỏi không thì các em sẽ trả lời “giỏi” một cách rất hồn nhiên và dễ thương. Tuy nhiên, chúng ta phải tế nhị trong việc hướng trẻ con về đức tánh khiêm nhường. Chúng ta phải giải thích cho các em một cách tường tận về sự khác biệt giữa ganh đua và ganh tị. Biết được tuổi trẻ háo thắng và ỷ lại, chúng ta không nên bao giờ chê trách các em trước mặt ai, cho dù các em có lỗi thật sự. Ngược lại, chúng ta nên nói riêng với các em khi không có mặt ai. Nói như tâm tình giữa một con người với một con người, chứ không nói như một kẻ trên người trước với một kẻ dưới. Chúng ta nên thường hay đem những gương hạnh của Phật và các bậc hiền triết lỗi lạc ra mà kể cho các em nghe, nhưng trước nhất chúng ta phải hằng sống theo các hạnh lành ấy. Điều tối kỵ là không bao giờ dùng chữ “ngu” với con trẻ vì theo các nhà Tâm Lý Học Tây Phương thì nếu ta cứ nói mãi một điều gì với trẻ thì các em sẽ nghĩ các em là như vậy. Thí dụ như ta cứ ngày ngày bảo con mình ngu, thì một lúc nào đó, các em sẽ nghĩ rằng các em ngu đần vô dụng thật. Cũng đừng bao giờ áp đặt cho tuổi trẻ phải thế nầy thế nọ, hoặc bắt buộc con cái phải nghe và làm theo ý mình, khi các em không hiểu mình muốn nói gì. Điều tốt nhất là mình phải giải thích cặn kẽ những gì mình muốn. Đừng bao giờ ỷ mình lớn tuổi mà bắt ép tuổi trẻ phải nghe theo, hoặc phải tuân theo lệnh của mình. Hãy lắng lòng nghe theo lời dạy của cổ nhân: “Trẻ tấn lên thì già lú lẫn.” Nhớ như vậy để thấy rằng có lắm khi người lớn chúng ta cũng sai trái. Nếu chúng ta làm được những điều nầy, thì chẳng những tự nhiên tuổi trẻ sẽ xích lại rất gần với chúng ta, mà các em còn trở nên ngoan ngoãn nữa. Lúc đó chúng ta muốn tìm những đứa trẻ hư hèn lang thang ngoài phố không phải là chuyện dễ. Xin hãy vì tương lai tuổi trẻ mà tự sửa mình trước. Tuổi trẻ không những rất cần những bậc cha mẹ luôn dồn cho các em những tình yêu thương chân thật, mà các em còn cần ở những bậc nầy một đường hướng giáo dục thực tiễn và hợp lý nữa.