CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

26. Bà Lê Thị Mạnh (1923- 2006)

Bà vợ của ông [Đồng Văn Lễ] tên là Lê Thị Mạnh (1923- 2006), tính tình rộng rãi, hiếu thuận, cần mẫn, siêng năng, chịu khổ chịu khó gánh vác công chuyện gia đình. Chẳng hề se sua chưng diện, trọn đời không cất giữ bạc tiền. Chưa từng ngồi lê đôi mách bàn chuyện dở xấu của người. Mỗi khi chồng con bố thí, haytham gia các công tác từ thiện xã hội… bà đều tùy hỷ, nung đúc thêm hơn.

Năm 45 tuổi, bà phát tâm trường chay, lễ Phật, hết lòng niệm Phật cầu sanh Tây Phương.

Bà không biết chữ, nhưng thích nghe băng đĩa kinh giảng lắm, nhứt là những khi có bậc thiện trí thức đến nhà, bàn luận diễn giải Phật lý, bà rất đỗi vui mừng.

Ngoài phần tự tu ra, bà còn thường xuyên cùng bạn đạo đi cầu an, cầu siêu cho các thân hữu xa gần.

Khi tuổi quá lục tuần, mọi việc giao phó lại cho các con. Bà sớm chiều chỉ lo lễ niệm, lụi hụi lau dọn các ngôi thờ phượng luôn được tươm tất, trang nghiêm.

Bà thường xuyên khuyên nhắc con cháu tu hành, lạy Phật, niệm Phật để vãng sanh Phật Quốc. Những khi lên xe cộ ghe tàu, hay lúc dự lễ tiệc trong thân thuộc, bà thường ngồi im, có người cháu thấy lạ hỏi.

Bà đáp:

– “Lo ngồi niệm Phật. Chớ biết nói gì bây giờ!”

Qua bao lần chứng kiến bạn đạo, chồng và con vãng sanh nên tín tâm nguyện tâm của bà vô cùng sâu chắc và khẩn thiết, sự hành trì mỗi lúc một thêm thuần thục sâu dầy. Nên bà:

“Quyết một kiếp Tây Phương đến chốn,
Phá chư ma trừ hỗn độn tâm.
Quyết không chịu kiếp luân trầm,
Dầu sao cũng quyết Lôi Âm dựa kề.”

Tháng 8 năm 2005, bà bỗng nhiên lâm bệnh, cứ đi cầu là ra máu, các con đưa đi Bệnh Viện Đa Khoa An Giang để điều trị. Hai tuần sau, bác sĩ mới phát hiện “khối u đại tràng”, liền làm thủ tục hồ sơ chuyển bà lên Thành Phố. Bà kêu các con chở bà về nhà. Các con cháu xúm lại năn nỉ đòi đưa bà đi Sài Gòn để phẫu thuật. Bà nói:

– “Đi về nhà uống thuốc Thầy rồi niệm Phật vãng sanh, chớ không có đi đâu hết! Có mổ bệnh cũng không thể hết! Các con cãi má, má sẽ đập đầu chết! Hãy để tiền mổ đó lo tuần thất, lo bố thí, làm phước…!”

Gia quyến đành phải nghe theo. Về đến nhà, bà vừa uống thuốc Nam, vừa niệm Phật. Dù bệnh ung thư hành hạ dữ dội, bà vẫn an nhiên nhẫn chịu, không hề rên rỉ than đau. Bà còn khuyên nhắc bạn bè, con cháu cố gắng niệm Phật tu hành, hầu xứng đáng với lòng mong mỏi của Thầy Tổ:

“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.”

Để mãi mãi là quyến thuộc chân thật, không phải ly tan, tạm bợ như cõi trần đầy khổ đau này :

“Sau hưởng đặng phước thừa của Phật,
Hồn nhẹ nhàng vượt khỏi tử sanh.
Nguyện đem công quả tu hành,
Cứu trong Tông Tổ vãng sanh Liên Đài.
Về Phật Quốc ngày ngày an lạc,
Cả giống dòng giải thoát luân trầm.
Rồi đem đạo pháp huyền thâm,
Độ trong sanh chúng hết lầm hết mê.
Cả vạn vật đồng về Phật cảnh,
Chẳng luyến trần ảo ảnh gạt lường.
Nguyện cầu chư Phật mười phương,
Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh.”

Suốt 7 tháng trường hoan hỷ trả nghiệp, đến đầu tháng 3 năm 2006 bà nói với các con:

– “Ráng lo đám giỗ Tía con đi, rồi mời đồng đạo đến cầu nguyện cho má. Má chết!”

Khi lễ giỗ ông cụ vừa xong (ngày 6 tháng 3 năm 2006) thấy sức khỏe của bà suy kém, các con yêu cầu hộ niệm. Bà ngăn lại:

– “Thôi, chừng nào gần tới, má sẽ cho hay!”

Từ đó, bà chuyên niệm Phật. Các con luân phiên nhau túc trực hộ niệm cho bà, khi hỏi gì bà cũng đáp:

– “Con đừng hỏi, để má niệm Phật!”

Người ngoài đến, bà cũng giữ nguyên trạng thái đó.

Ngày 18 tháng 3 năm 2006 bà bảo con đi mời đồng đạo đến hộ niệm cho bà. Chương trình hộ niệm bắt đầu liên tục ngày lẫn đêm.

Khi đó, có người ngồi gần bên cạnh hỏi nhỏ:

– “Trước khi cô chết, cô có trăn trối gì hông, cô Năm?”

Bà đáp:

– “Hông! Bây giờ, nhắc nhở con cháu niệm Phật thôi, chớ hổng có dặn dò điều gì hết. Vì từ nào tới giờ dạy nhiều rồi, bây giờ hổng có dạy nữa, để niệm Phật ra đi!”

Hộ niệm đến 3 giờ 30 phút sáng ngày 19 tháng 3 năm 2006 môi bà đang động, bỗng dưng ngừng lại, tỉnh táo an lành qua đời. Bà hưởng thọ 83 tuổi.

Trước khi bà mất khoảng vài giờ, trong nhà bà xuất hiện một mùi thơm kỳ lạ, lan ra tận sau hè và sang qua bên kia rạch hơn 70 mét. Có nhiều người thắc mắc không biết mùi gì, chạy tới chạy lui lục lạo kiếm tìm.

(Thuật theo lời Mai – Sen – Loan, con và dâu của hai ông bà)