NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

2. TRÊN ĐƯỜNG HỘI NHẬP, MONG CÁC BẠN TRẺ HÃY CỐ GẮNG GIỮ LẤY NHỮNG TINH TÚY CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Các bạn trẻ thân mến,
Có lẽ các bạn đang bị vằng vặc giữa nếp sống buông thả theo tự do cá nhân của người Mỹ và nếp sống gò bó của gia đình Việt Nam. Thật là tội nghiệp cho các bạn quá. Ở trường thì thầy cô giảng dạy tự do cá nhân, về đến nhà lại bị gò bó ngay vào khung khổ, kiểu cách của một gia đình Việt Nam. Có khi nào các bạn tự hào về nguồn gốc dân tộc, cũng như văn hóa mà cha anh chúng ta đã lưu truyền lại không ? Nếu chưa, xin đề nghị các bạn hãy soi gương mà coi, xem chúng ta là ai ? Mặt mũi chúng ta thế nào ? Chúng ta từ đâu đến mảnh đất nầy ? Chúng ta cần giữ và cần bỏ gì khi sinh sống trên đất nước nầy ?

Các bạn trẻ Việt Nam thân thương,
Dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn là những người Việt Nam về hình hài, vóc dáng và truyền thống. Các bạn hãy suy nghĩ cho kỹ để không bị những hoàn cảnh mới biến chúng ta thành những con người lai căng, mất gốc. Hãy sống, hãy hòa nhập, hãy nói tiếng Mỹ cho thật lưu loát, hãy học hành cho thật giỏi giang. Hãy đi thẳng vào lòng của xã hội Âu Mỹ; tuy nhiên, đừng để cho mình bị biến thành một thứ lai căng, không nói ra được một câu tiếng nước mình. Đừng để cho các bạn biến thành một đám trẻ hỗn hào, không biết kính trên nhường dưới. Đừng để cho những cám dỗ của văn minh vật chất lôi cuốn các bạn đi vào con đường sa đọa của sì ke, ma túy, nghiện ngập để cuối cùng phải gia nhập vào băng nầy đảng nọ, chuyên đột nhập và cướp phá sự an cư lạc nghiệp của gia đình các đồng hương mình. Mong các bạn trẻ Việt Nam cố giữ lấy những tinh túy của văn hóa cổ truyền cao đẹp, nhưng vẫn hấp thụ điều hay lẽ quý của xứ người để tạo thành một cộng đồng Việt Nam thật đặc sắc, thật ưu tú nơi xứ lạ quê người.

Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà trong đó vật chất thì dư thừa, dư thừa đến độ chúng ta không còn chỗ nào để dung chứa. Ngược lại, các bạn có cảm thấy chúng ta thiếu thốn rất nhiều về tinh thần hay không ? Các bạn có cảm thấy mình đang bơ vơ lạc lõng ngay từ trong gia đình, đến học đường và xã hội hay không? Tại sao chúng ta lại cảm thấy bơ vơ lạc lõng như vậy ? Có lẽ tại vì chúng ta thiếu sự cảm thông và tin tưởng lẫn nhau. Từ thiếu thông cảm và tin tưởng nầy, thay vì sống thực cho mình và cho người, chúng ta lại luôn luôn đóng kịch. Ở nhà thì đóng kịch theo ở nhà, đến trường thì đóng kịch với thầy cô, lúc đến với bạn bè lại đóng một vai tuồng khác trong vỡ kịch đời. Các bạn có thể tưởng tượng được hậu quả của cuộc sống giả dối nầy hay không? Đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn vào cộng đồng chúng ta, các bạn cũng đủ thấy những gì nhan nhản xảy ra. Các bạn có thấy không đạo lý luân thường bị đảo lộn ? Các bạn có thấy không con cái chẳng những không nghe lời, mà lắm khi còn mắng chửi cha mẹ nữa là khác ? Các bạn có thấy không đua đòi bắt chước theo trẻ con Âu Mỹ để được gì, nếu không nói là bụi đời, hoặc lãnh án tù vì giết cha giết mẹ ? Các bạn có thấy không hạnh phúc gia đình bị tan rã, băng hoại và tương lai tuổi trẻ thật là vô cùng mờ mịt ?

Các bạn trẻ thân mến,
Làm sao để các bạn thoát ra khỏi thảm trạng nầy đây ? Có lẽ các bạn chưa đủ trưởng thành để thấy rằng cuộc đời nầy giả tạm và mong manh hơn sương khói. Có lẽ dù ai có nói gì thì các bạn cũng chưa tin là cuộc đời nầy nó nhanh như ánh điện chớp. Rồi sau nầy các bạn sẽ thấy và sẽ hiểu. Vấn đề bây giờ và ở đây là làm sao để tuổi trẻ các bạn vượt thoát được những thảm trạng hiện tại. Các bạn trẻ thân thương, không ai trong chúng ta có quyền lựa chọn sanh ra làm con trai hay con gái, trong gia đình giàu hay nghèo, trong giai tầng thượng lưu hay hạ tiện, da trắng hay da đen, Tàu hay Việt… Đức Phật đã từng dạy : “Chúng sanh đến với cõi Ta Bà nầy vì nghiệp lực và ra đi hay trở lại cũng chính vì những nghiệp lực nầy.” Như vậy mỗi người trong chúng ta đều có sẵn một mớ hành trang lúc đi vào đời, không thể quăng bỏ, mà cũng không thể nhờ ai xách giùm được. Xin các bạn hãy thành thật và thẳng thắn với chính mình, gia đình và bạn hữu mình. Nói như vậy không có nghĩa là khuyên các bạn nên thụ động. Ngược lại, nói như vậy là mong các bạn hãy suy nghĩ lại cách sống hiện tại của các bạn. Hãy thành thật mà công nhận rằng chính các bạn còn tự lừa dối mình, huống là cha mẹ, thầy cô hay bạn hữu ? Các bạn có khi nào thật sự lắng nghe các bậc cha mẹ chưa ? Các bạn có khi nào thẳng thắn nhận xét và so sánh những gì bạn nghĩ với những lời dạy dỗ của cha mẹ chưa ? Chúng ta đã nghe nhiều lắm những bậc cha mẹ, chỉ khư khư nhồi nhét ý kiến của mình cho con trẻ. Tuy nhiên, nếu các bạn thành tâm suy nghĩ, thì các bạn sẽ nhận thấy rằng chính các bạn cũng khư khư giữ lấy thiển kiến của mình. Mà có chắc gì những thiển kiến ấy là đúng đâu ? Chính vì vậy mà các bạn thấy đó, gia đình chúng ta đang sống, vốn dĩ đã phức tạp, trở nên phức tạp hơn. Mối giao cảm giữa cha mẹ, vốn dĩ đã thiếu vắng, trở nên thiếu vắng hơn. Chính vì vậy mà trong gia đình, trống nầy cứ đánh xuôi, nhưng kèn kia cứ thổi ngược. Mạnh ai nấy suy nghĩ và cho rằng những gì mình nghĩ là đúng, những gì người khác nghĩ là sai. Chính vì vậy mà bao nhiêu đau thương, hiềm khích cũng như rạn nứt và đổ vỡ đang xảy ra ngay trong những gia đình Việt Nam chúng ta.

Các bạn trẻ thân mến,
Cách duy nhứt để thoát ra khỏi thảm trạng nầy là cả các bạn lẫn các bậc cha mẹ hãy cùng nhau thoát ra khỏi những cái vỏ ốc mà bấy lâu nay chúng ta đã khép kín trong đó. Hãy chấm dứt ngay ý tưởng tự cho rằng những gì mình nghĩ là đúng, còn những gì của người là sai. Hãy ngồi lại với các bậc cha mẹ, hãy lắng nghe những gì họ nói, kiểm nghiệm xem những thứ ấy có thích hợp với những gì bạn đang nghĩ, hoặc đang làm hay không ? Nếu những lời dạy dỗ ấy không thích hợp, các bạn hãy cùng các bậc cha mẹ tìm ra một phương thức khả dĩ vừa lòng đôi bên. Chuyện nầy không dễ, nhưng không dễ không có nghĩa là chúng ta không làm được. Hãy cố gắng lên hỡi các bạn trẻ !