Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Sở hữu nhất thiết chúng sinh, dĩ cập Diễm Ma La giới, tam ác đạo trung, lai sinh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, bất phục cánh đọa ác thú”. (Tất cả chúng sinh cho đến những kẻ từ trong cõi Diễm Ma La, trong ba đường ác sinh sang cõi tôi, nhận pháp hóa của tôi ắt thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chẳng đọa vào đường ác nữa). Đây là nguyện thứ hai: “Bất đọa ác thú nguyện”. Theo sách chú giải của cụ Hoàng: Diễm Ma La giới (cõi Diễm Ma La) là thế giới của vua Diễm Ma La (Yamaraja). Diễm Ma La còn được phiên âm là Viêm Ma, Diễm Ma, Diêm Ma, Diêm Ma La v.v… , dịch nghĩa là “Phược” nghĩa là trói buộc tội nhân. “Diễm Ma La” dịch nghĩa là Bình Đẳng Vương. (Trong tập tục xưa gọi là vua Diêm La, đây là Ngũ điện Diêm Vương). Vị vua này chuyên ghi chép, xử đoán, quản trị cái nghiệp sinh tử, tội phước của thế gian, làm chúa địa ngục, tám ngục nóng, tám ngục lạnh và các tiểu địa ngục quyến thuộc v.v… quyết đoán thiện ác, sai sử quỉ tốt truy bắt tội nhân, tra khảo, trừng phạt chẳng lúc nào ngơi.

Kinh Tam Khải nói: Tương phó Diễm Ma Vương, tùy nghiệp nhi thọ báo. Thắng nhân sinh thiện đạo, ác nghiệp đọa Nê Lê” (Giao cho vua Diễm Ma, theo nghiệp thọ báo. Nhân thù thắng thì sinh vào đường lành, ác nghiệp đọa Nê Lê).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Tương phó Diễm Ma Vương chính là đem người tạo nghiệp đến trước vua Diêm La để vua trị tội, thẩm phán họ. Nếu họ có tâm thiện, hành vi thiện, vua Diêm La đưa họ đến ba đường lành. Nếu tâm hành họ bất thiện, sẽ đưa họ đến địa ngục. Vua này rất công bằng, không xử oan ai, nhất định chiếu theo tâm hành trong quá khứ của họ mà phán xét. Bốn câu trên không phải để dọa người mà là chân tướng sự thật.

Nên biết lục đạo là nhân gian tạo nghiệp. Ba đường ác và ba đường lành đều là nơi tiêu nghiệp. Trong tiêu nghiệp họ cũng tạo nghiệp, đặc biệt là nhân gian. Nhân gian là đường thiện, tiêu nghiệp họ lại tạo nghiệp. Cõi trời tiêu nghiệp nhiều, tạo nghiệp ít. Cõi ngạ quỉ, súc sinh tiêu ác nghiệp nhiều, tạo nghiệp ít. Trong địa ngục hoàn toàn là tiêu nghiệp, không có tạo nghiệp. Vì thế, sau khi tiêu hết nghiệp, họ lại đến nhân gian. Nếu may mắn gặp được thiện tri thức, gặp được pháp môn Tịnh Độ, rất có thể họ sẽ thoát được lục đạo, ra khỏi mười pháp giới, nhân duyên này rất khó được.

Ngày nay, chúng ta đã gặp, phải biết điều này may mắn vô cùng: Thân người khó được, nay đã được; Phật pháp khó nghe nay đã được nghe, đặc biệt là pháp môn Tịnh Độ vô cùng thù thắng này, phải biết trân trọng, chớ để luống qua. Ở đây chỉ nói khái quát về tình hình trong lục đạo, nếu nói tường tận, nói mãi cũng không cùng!

Tôi có biên tập một quyển sách tên là “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Thập Yếu”, nếu nói tường tận bộ kinh này từ đầu đến cuối phải mất vài năm. Đây là một môn học có phân lượng rất lớn, học bộ kinh này rất có lợi ích, sẽ không còn dám khởi ác niệm; ác niệm không có đương nhiên không tạo ác nghiệp. Có thể nói, trong A-lại- da thức của mỗi chúng sinh đều đầy đủ tất cả chủng tử của pháp thế và xuất thế gian. Pháp nào khởi hiện hành đều phải dựa vào duyên; không duyên tuy có chủng tử cũng không khởi hiện hành.

Chúng ta phải tạo duyên với Phật A Di Đà, bằng cách “Nhớ Phật, Niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”, đây là Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta. Thời gian gần đây, chúng ta nghe đến rất nhiều thiên tai, cảm thấy vấn đề này ngày càng nghiêm trọng! Phật dạy: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là chân tâm, thức là vọng tâm; vọng tâm không lìa chân tâm. Tâm động liền biến ra tất cả pháp, tâm không động tất cả pháp không còn. “Động” này là dao động. Thiên tai là do một loại dao động không bình thường. Bình thường là tương ứng với tánh đức, không bình thường là trái với tánh đức.

Ngay đến các nhà khoa học cũng nói: “Dự ngôn về năm 2012 không đáng sợ”, họ nói: “Đây là một dấu hiệu cảnh giác cao độ cho toàn nhân loại trên địa cầu, là một cơ hội tốt để thay đổi chính mình. Phải đoạn ác tu thiện, phải cải tà quy chánh, phải đoan chánh tâm niệm, nhân loại sẽ đưa địa cầu này đến một cảnh giới tốt đẹp hơn”. Họ nói rất có lý, rất giống với những gì mà Phật nói. Nếu không thay đổi ý niệm, rắc rối liền đến, thiên tai ngày càng nghiêm trọng!

– Thế nào là ý niệm tốt nhất?

– Đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ là ý niệm tốt nhất; nhớ Phật niệm Phật là sự nhớ nghĩ tốt nhất; chia sẻ báo cáo tâm đắc học tập Kinh Vô Lượng Thọ với mọi người là ý niệm tốt nhất.

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ:

Diêm Ma Vương còn được dịch là Song Vương vì anh và em gái cùng làm vua địa ngục. Anh coi đàn ông, em coi đàn bà, nên gọi là Song Vương.

Luận Câu Xá chép: “Cõi nước vua Diễm Ma: ở phía dưới Thiệm Bộ châu chừng năm trăm du-thiện-na (do-tuần) có vương  quốc Diễm Ma. Cõi nước có kích thước cũng cỡ đó, lần lượt thay phiên nhau mà trụ. Hễ cõi này tan hoại thì dời qua cõi khác”.

Phẩm địa ngục của Kinh Trường A Hàm cũng nói: “Diêm Phù Đề Nam, Đại Kim Cang sơn nội, hữu Diêm La vương cung, vương sở trị xứ, tung quảng lục thiên do-tuần” (Phía Nam châu Diêm Phù Đề, trong núi Đại Kim Cang có cung vua Diêm La là chỗ vua Diêm La cai trị, ngang dọc sáu ngàn do-tuần).

Tam ác đạo” (ba đường ác) còn gọi là “tam ác thú” hay “tam đồ”, là chỗ sinh về của hết thảy chúng sinh tạo nghiệp nên gọi là “ác đạo”. Ba đường: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh gọi là “tam ác đạo”.

“Thọ ngã pháp hóa”: Câu này rất quan trọng! Chữ “ngã” là A Di Đà Phật tự xưng. Theo Hòa Thượng Tịnh Không : Thế giới Cực Lạc thù thắng cũng ở câu này! A Di Đà Phật vì người vãng sinh, giảng kinh thuyết pháp xưa nay chưa từng gián đoạn. Nơi đó, sáu trần thuyết pháp đều do A Di Đà Phật thị hiện đủ loại thân biến hóa, thành đủ loại chim đến thuyết pháp. Nếu bạn ưa thích khổng tước thì hiện thân khổng tước; ưa thích hạc trắng thì hiện thân hạc trắng, thậm chí đến gió reo, nước chảy v.v… tất cả mọi sự vật ở thế giới Cực Lạc đều là hóa thân của Phật A Di Đà. Thật không thể nghĩ bàn!

Tất thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề: Câu này thuộc loại tôn trọng không dịch, ý nghĩa là Ắt thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. “Chánh Giác” là không phải “tà giác”, cũng không phải “ảo giác”. Cái “giác” của phàm phu chúng ta là “ảo giác”.

– Tiêu chuẩn của Chánh” là gì?

– “Phiền não chướng” đoạn dứt, “giác” đó mới gọi là “Chánh Giác”. Phiền não chưa dứt, “giác” đó là không “chánh”.

– Sao gọi là phiền não ?

– Còn có ngã chấp! Nói hơi thô thiển một chút: Vẫn còn có ý nghĩ lợi ích riêng tư, có ý nghĩ về tôi thì không phải Chánh Giác.

Cho nên, trong quá trình tu học Phật pháp, người chứng quả A-la-hán đã đoạn dứt “Kiến tư phiền não” mới được gọi là Chánh Giác. Tam quả dưới A-la-hán còn đang trên đường hướng về Chánh Giác, vẫn chưa đạt đến Chánh Giác. Hướng lên trên nữa, phải đoạn hết “Trần Sa phiền não” tức đoạn hết phân biệt, thì gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Bốn mươi mốt phẩm vô minh đoạn hết mới là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là quả vị Như Lai, Phật quả của Viên giáo.

Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sinh ở cõi Ta Bà này chia thành ba giai đoạn: Chánh Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không chia thành ba giai đoạn, A Di Đà Phật chỉ dạy mọi người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc đều thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là chỗ thù thắng không gì bằng của thế giới Cực Lạc. Chư Phật Như Lai ở thế giới khác dạy học, có thể nói là dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp tiến sĩ, dạy rất vất vả! Thế giới Cực Lạc chỉ có lớp tiến sĩ, dưới nữa đều không làm, việc này thật cừ khôi! Chúng sinh địa ngục, chúng sinh đường ác…chỉ cần được vãng sinh, đều   được tham gia lớp tiến sĩ này.

Nên nhớ: Chúng sinh đường ác vì một niệm bất giác, sai lầm mà đọa đường ác, thực tế họ có thiện căn rất sâu dày. Việc này không nên cho rằng kỳ lạ, có thể bản thân chúng ta cũng nhất thời hồ đồ làm chuyện sai quấy, cũng đã từng đến địa ngục, nhờ Bồ Tát Địa Tạng đến giáo hóa, chỉ dạy khiến chúng ta giác ngộ quay đầu vượt thoát cảnh giới địa ngục.

“Bất phục cánh đọa ác thú”: Chẳng đọa vào đường ác nữa; cho thấy chúng sinh trong ác đạo, thiện căn kém cõi, lại lắm túc nghiệp, nhờ nguyện lực của Phật gia bị, nhiếp thọ vãng sinh, sinh sang cõi kia thảy đều thành Phật. Đây thật là thánh nguyện vô thượng, từ bi đến cùng cực của A Di Đà Như Lai.

Tóm lại, chương này gồm hai đại nguyện:

Một là chúng sinh trong đường ác nếu được vãng sinhvề thế giới Cực Lạc sẽ chẳng đọa vào ác thú nữa, biểu thị Di Đà bi tâm vô tận, hóa độ không sót.

Hai là hễ được vãng sinh thảy đều thành Phật, rốt ráo Bồ Đề.

“Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Vô Thượng Chánh Giác” (Được thỏa nguyện này mới làm Phật, chẳng thỏa nguyện này, chẳng giữ lấy Vô Thượng Chánh Giác). Trong các nguyện sau, chỉ nói gọn là “bất thủ Chánh Giác” (chẳng giữ lấy Chánh Giác).

Có số đồng tu nặng tâm từ bi, mong muốn đời sau vẫn làm pháp sư, vẫn độ chúng sinh, không muốn vãng sinh về thế giới Cực Lạc, thử hỏi: Đời sau họ có được vừa lòng thỏa ý hay không? Thật quá khó nói! Đời sau nhất định bạn không làm chủ nổi mà nghiệp lực của bạn làm chủ! Không phải muốn đời sau làm người thì làm người; muốn làm pháp sư thì làm pháp sư, muốn làm vua thì làm vua v.v…, làm gì có chuyện dễ dàng như vậy! Cái khó ở chỗ phàm phu trong lục đạo luôn bị nghiệp lực chi phối, mức thấp nhất phải là “Pháp giới Tứ Thánh” mới ra khỏi lục đạo, không còn bị nghiệp lực làm chủ. Nhà Phật thường nói chỉ có người thừa nguyện tái lai, mới có thể theo nguyện lực của họ.

– “Nguyện lực” và “nghiệp lực” khác nhau ở chỗ nào?

– Khác nhau ở chỗ: Người theo “nguyện lực” đến thọ sanh, như Kinh Kim Cang nói: “Ngoài không dính tướng, trong không động tâm”, đó là theo “nguyện lực”. Cũng trong Kinh Kim Cang nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, người này mới đích thực là “thừa nguyện tái lai”. Nếu thấy sắc, nghe tiếng vẫn còn phân biệt, vẫn còn ý nghĩ sinh khởi đó là “nghiệp lực”, không phải “nguyện lực”. Nói cách khác, theo “nguyện lực” mà đến, người này thật sự đã nhìn thấu, thật sự đã buông xả. “Nghiệp lực” là chưa nhìn thấu, cũng chưa buông xả, đây là chỗ không giống nhau.

Trên kinh Phật nói: Chúng sinh trong lục đạo, chỉ có cõi người là dễ giác ngộ. Dễ giác ngộ, nhưng thử hỏi có được mấy người giác ngộ?! Đừng nói chi đến chúng sinh trong ba đường ác, càng khó đến dường nào! Hiểu được chân tướng sự thật mới biết trân quí nhân duyên hiện tại, mới biết nắm bắt thật chắc cái cơ duyên này, quyết trong đời này nhất định thành tựu; tất cả những sự việc khác đều là vụn vặt tầm thường của luân hồi lục đạo.

Phải chuyên tinh thâm nhập một môn, những kinh luận khác, pháp môn khác đợi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ học tiếp, việc đầu tiên phải nghĩ cách về được thế giới Cực Lạc. Cho nên, tôi dạy mọi người: Trong Tứ Hoằng thệ nguyện, hai nguyện đầu, hiện tại chúng ta phải làm xong; hai nguyện sau đến thế giới Cực Lạc làm tiếp.

Trong vô lượng pháp môn, mỗi pháp môn điều kiện rất khó : Phải đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, đoạn Vô Minh phiền não. Lấy cái thô thiển nhất là Kiến Tư phiền não, chúng ta cũng chưa làm được! Thật không phải dễ dàng!

Triều Đường, Thiền tông Lục Tổ Huệ Năng là một đại đức giáo hóa có thành tựu nhất, dưới pháp hội của ngài, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ chỉ có bốn mươi ba người. Thử nghĩ xem!

Người học với ngài có bao nhiêu người? Khiêm tốn nhất cũng phải có mấy chục vạn người. Trong mấy chục vạn người chỉ có bốn mươi ba người thành tựu, mới biết cái khó của đoạn phiền não. Chỉ có niệm Phật vãng sinh thì tương đối dễ dàng, không cần “đoạn” phiền não, chỉ cần “phục” phiền não là được. “Phục” dễ hơn “đoạn” rất nhiều. Chỉ cần phiền não không phát tác thì gọi là ‘phục’.

Chúng ta hạ công phu ở chỗ này: Ý nghĩ vừa khởi, liền dùng câu “A Di Đà Phật” hàng phục, đè nó xuống. Ý niệm thứ nhất vừa khởi lên thì niệm thứ hai là A Di Đà Phật. Quyết không để niệm thứ nhất biến thành niệm thứ hai, niệm thứ ba v.v…, nếu liên tục mãi như thế sẽ thành nghiệp lực. Ý niệm thứ nhất vừa khởi đó là mê hoặc (nhưng vẫn chưa tạo nghiệp), ý niệm thứ hai là A Di Đà Phật, đã hàng phục được ý niệm ban đầu thì lấy chi mà tạo nghiệp. Đây là công phu, thường ngày chúng ta cần phải thực hiện thật miên mật trong tâm, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cảnh duyên, dứt khoát không được lơ là; lơ là thì vọng niệm liền sinh. Nếu thực sự dụng công thì vạn người tu, vạn người đều được vãng sinh.

Nên nhớ: Môi trường sống ở thế giới Cực Lạc quá tốt. Nhìn lại môi trường sống của chúng ta hiện nay, trong kinh Phật nói là “ngũ trược ác thế”, trược ác đến cực điểm! Uống đắng, ăn độc! e rằng vài năm nữa nước cũng không uống được! Không khí cũng không hít thở được! Vậy phải làm sao?! Chỉ có cách nhanh chóng và hiệu quả nhất di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là vĩnh viễn được an toàn, vĩnh viễn an vui không gì sánh bằng!

KINH VĂN:

Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới, sở hữu chúng sinh, linh sanh ngã sát, giai cụ tử ma chân kim sắc thân, tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng, đoan chánh tịnh khiết tất  đồng nhất loại. Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Lúc tôi thành Phật, khiến cho tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới sinh trong cõi tôi đều được đầy đủ thân sắc vàng ròng, ba mươi hai tướng đại trượng phu, đoan chánh, tịnh khiết giống hệt như nhau. Nếu họ hình dáng sai khác, có xấu đẹp thì chẳng giữ lấy Chánh Giác.

GIẢNG:

Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới, sở hữu chúng sinh, linh sanh ngã quốc, giai cụ tử ma chân kim sắc thân” (Lúc tôi thành Phật, khiến cho tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới sinh trong cõi tôi đều được đầy đủ thân sắc vàng ròng): Đây là nguyện thứ ba “Thân tất kim sắc nguyện” (nguyện thân có sắc vàng ròng). Câu “thập phương thế giới sở hữu chúng sinh” (chúng sinh ở mười phương thế giới) bao gồm cả chúng ta trong đó, tất cả đều được Phật hộ niệm.

“Linh sanh ngã sát, giai cụ tử ma chân kim sắc thân”: Chữ “tử ma” có nghĩa là thanh tịnh, vô nhiễm đến cực điểm. Theo Hòa Thượng Tịnh Không :“Chân kim sắc thân”, chữ “kim sắc” ở đây chỉ là biểu pháp. Chúng ta ngày nay chấp tướng, nghe nói thân Phật có sắc vàng ròng, liền đắp tượng Phật, dùng vàng tô lên toàn thân Phật. Thử nghĩ hiện nay nếu có người nào đó xuất hiện với toàn thân đều bằng vàng, ắt hẳn mọi người sẽ cho là quái vật, kinh sợ mà bỏ chạy!

Cho nên, chữ “kim sắc” ở chỗ này chỉ là biểu trưng cho sự chân thật thanh tịnh vô nhiễm. Trong tất cả kim loại ở thế gian đều bị ô-xy hóa, đổi màu, duy chỉ có vàng là không thay đổi, nên   vàng được xem là kim loại quí. Thân kim sắc của Phật, Bồ Tát đều mang ý nghĩa: Tâm Phật, Bồ Tát vĩnh viễn không thay đổi, đó là chân tâm.

Chúng ta hiện nay lập ra cương lĩnh tu học: “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Mười chữ này biểu thị cho chân tâm. “Chân thành” chính là không mảy mai hư ngụy. “Thanh tịnh” là không mảy mai ô nhiễm. Lợi ích riêng tư là ô nhiễm; “tham, sân, si, mạn” là ô nhiễm; ham muốn là ô nhiễm v.v… Những thứ này thảy đều buông xả hết cho thật sạch sẽ, vĩnh viễn không bị ô nhiễm, đây là “thân kim sắc thanh tịnh”. “Bình đẳng” là không có cao thấp. Phàm phu có tâm cao thấp; có cao thấp thì không bình đẳng. Chư Phật đối với tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới, mãi mãi không có phân cao thấp, đây là “thân kim sắc bình đẳng”. Ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên, niệm niệm là tỉnh giác“thân kim sắc chánh giác”. Từ bi là tâm thương yêu vô điều kiện, yêu thương tất cả chúng sinh, vĩnh viễn không đổi là “thân kim sắc từ bi”.

Đây đều là nói cái tốt của thân tướng: thanh tịnh, vô nhiễm, vĩnh hằng bất biến. Vĩnh hằng bất biến chính là khỏe mạnh, sống lâu, không già, không bệnh, không suy, không hoại, không cần thuốc men, không cần bác sĩ, ngay đến danh tự cũng không có. Một thế giới “chân, thiện, mỹ, tuệ” như vậy, ngoài thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn đến đâu mà tìm?! Phải hiểu được ý nghĩa chân thật của “kim sắc” này mới không nhầm lẫn, không làm sai lệch ý của Phật.

Đại sư Thiện Đạo nói: “Chư Phật dục hiển thường trụ bất biến chi tướng, thị cố hiện hoàng kim sắc” (tạm dịch: Chư Phật vì muốn hiển thị tướng thường trụ bất biến mà hiện ra sắc thân vàng ròng). Nay trong đại nguyện này, Phật muốn khiến cho hết thảy chúng sinh vãng sinh đến thế giới Cực Lạc đều có thân tướng giống hệt như ngài, đều có “thân kim sắc” rực rỡ, sáng bóng như màu của vàng ròng để hiển thị: Chúng sinh và Phật không hai, chân thật đều bình đẳng.

Sách Hội Sớ, đại đức xưa của Nhật Bản giới thiệu thế giới Cực Lạc: “Ngã quốc nhân dân, thuần nhất kim sắc, vô hữu hảo ác, bỉ ngã bình đẳng, tình tuyệt vi thuận” (Nguyện rằng nhân dân trong cõi tôi, thuần một sắc vàng, chẳng có xấu đẹp; ta và người đều bình đẳng, dứt tuyệt ý tưởng trái, thuận). Rất nhiều người sau khi nghe “giai cụ tử ma chân kim sắc thân”(đều được đầy đủ thân sắc vàng óng) liền chau mày, lắc đầu! Cái thế giới này không có gì thú vị, không muốn đi! Cho nên, phải hiểu được ý nghĩa chân thật của nó.

– Cái đẹp chân thật có tiêu chuẩn không ?

– Nếu có tiêu chuẩn thì liền hết đẹp !

– Vì sao ?

– Tiêu chuẩn mỗi người một khác! Giả như có năm loại màu sắc bày ra trước mắt: Người thích màu đỏ cho rằng màu đỏ đẹp. Người thích màu xanh cho màu xanh đẹp v.v… Rốt cuộc màu nào đẹp? Màu nào không đẹp?

Thế giới Tây Phương Cực Lạc có rất nhiều người từ khắp mười phương đến, quan niệm thẩm mỹ của mỗi người cũng khác, đến thế giới Cực Lạc mỗi người đều được tùy tâm ưa thích, vậy thì tốt rồi! Cho nên, phải biết đẹp xấu không có tiêu chuẩn mới là đẹp thật; có tiêu chuẩn liền hết đẹp ngay! Nhưng, trong cái “không có tiêu chuẩn” cũng có một “tiêu chuẩn tuyệt đối”, đó chính là “chân thật vĩnh viễn không thay đổi”.

Trước đây có người nói với tôi không muốn đến Cực   Lạc.

Tôi hỏi vì sao ? Vì nơi đó không tốt !

– Không tốt ở chỗ nào ?

– Nhà cửa đều giống nhau, có gì đẹp đâu! Nhà nhà đều là bảy lớp lan can, bảy lớp hàng cây, xem xong một nhà thì không muốn xem thêm nhà thứ hai nữa! Không bằng San Francisco mỗi nhà đều khác nhau, kiểu dáng, màu sắc đều không giống nhau, rất là xinh đẹp.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng đều như vậy! Biến hóa vô cùng không có cái nào mà không phải tùy tâm ưa thích. Chữ “thất” là bảy, đó không phải là con số, “thất” là đại biểu cho viên mãn; tùy tâm ưa thích chính là viên mãn.

“Tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng” (Ba mươi hai tướng đại trượng phu): Đây là nguyện thứ tư “Tam thập nhị tướng nguyện”. Ba mươi hai tướng này chẳng phải riêng đức Phật mới có, Chuyển Luân Thánh Vương cũng có đủ ba mươi hai tướng.

Trí Độ Luận, quyển tám mươi tám có nói Phật hiện ra tướng đại nhân này vì “thuận theo quan niệm của người Thiên Trúc nơi cõi Diêm Phù Đề trong thế gian, nên hiện ra ba mươi hai tướng”. Thuyết này rất tuyệt! Phật vốn ly tướng lại hiện có tướng là thuận theo tập tục thế gian này. Thật sự đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không phải chỉ ba mươi hai tướng mà là vô lượng tướng; trong mỗi tướng có vô lượng vẻ đẹp, nói không thể hết!

Theo Tam Tạng Pháp Số, quyển bốn mươi tám, ba mươi hai tướng là:

1. Bàn chân bằng phẳng, lòng bàn chân không chỗ nào lõm xuống.

2. Tướng bánh xe ngàn căm: Dưới chân có hình bánh xe.

3. Ngón tay dài nhọn: Ngón tay thon dài.

4. Chân tay mềm mại.

5. Chân tay có màng lưới: Giữa các ngón chân, ngón tay có màng lưới nối liền nhau giống như chân vịt ngỗng.

6. Gót chân đầy đặn không khuyết.

7. Lưng bàn chân vun tròn: Mu bàn chân cao đầy, tròn trịa.

8. Bắp đùi nai chúa: Bắp đùi Phật tròn trịa, nuột nà như bắp đùi nai chúa.

9. Tay dài quá gối: Tay dài qua khỏi đầu gối.

10. Mã âm tàng: Nam căn của Phật ẩn kín trong cơ thể như âm ngựa.

11. Thân to rộng: Chiều cao của Phật bằng với khoảng cách hai tay giang ra.

12. Lỗ chân lông có sắc xanh: Nơi mỗi lỗ chân lông mọc một sợi lông sắc xanh, nhưng các sợi lông chẳng mọc loạn xị.

13. Lông trên thân mướt đẹp: Lông trên thân mọc xoáy về phía phải, hướng lên trên, mượt mà.

14. Thân sắc vàng: Màu sắc thân Phật như màu vàng ròng.

15. Thường quang chiếu xa một trượng: Thân Phật tỏa quang minh, mỗi phía đều xa đến cả trượng (quang minh thường chiếu từ nơi thân Phật gọi là “Thường Quang” để phân biệt với “Phóng Quang” là quang minh do đức Phật phóng ra khi thọ ký hoặc sắp tuyên giảng đại Pháp. Một trượng là 3.33m).

16. Da dẻ mềm mại, mượt mà: Da dẻ mềm mại, trơn láng.

17. Bảy chỗ bằng phẳng, đầy đặn: Bảy chỗ là hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, hai vai và đảnh đầu. Cả bảy chỗ ấy đều bằng phẳng, đầy đặn, không khuyết hãm.

18. Hai nách đầy đặn.

19. Thân như tướng sư tử: Thân thể đầy đặn, đẹp đẽ, oai nghi đoan nghiêm như sư tử chúa.

20. Thân thể đoan trực: Thân hình đoan chánh, không cong vẹo.

21.  Vai tròn đầy: Hai vai tròn trịa, đầy đặn.

22. Bốn mươi cái răng: Phật có đủ cả bốn mươi cái răng.

23. Răng trắng, khít, bằng: Bốn mươi cái răng đều trắng sạch, mọc khít khao.

24. Bốn răng nanh trắng sạch: Bốn răng nanh lớn nhất nhưng thật trắng sạch.

25. Má đầy như má sư tử: Hai gò má tròn đầy như tướng gò má sư tử.

26. Nước miếng trong họng có vị ngon ngọt nhất: Trong cổ họng Phật thường có chất nước miếng khiến cho ăn vật gì cũng trở thành thơm ngon nhất.

27. Lưỡi rộng dài: Lưỡi to mà dài, mềm mại, thanh mảnh, khi thè ra che cả khuôn mặt đến tận mí tóc.

28. Phạm âm vang sâu xa: “Phạm” nghĩa là thanh tịnh. Âm thanh của Phật thanh tịnh nhưng nghe vang rất xa.

29. Mắt có màu cám thanh: Tròng con mắt có màu cám thanh (xanh biếc, hơi pha sắc đỏ).

30. Lông mi như (lông mi của) trâu chúa: Lông mi mắt đẹp như lông mi mắt trâu chúa.

31. Giữa hai chân mày có tướng bạch hào: Giữa hai chân mày có một sợi lông trắng, uyển chuyển cuộn về bên phải, thường phóng quang minh.

32.  Trên đảnh có Nhục Kế: “Nhục Kế” tiếng Phạn là Ô- sắt-nị (Usni), dịch là “Nhục Kế”. Trên đảnh Phật có thịt gồ cao lên như hình búi tóc, còn gọi là “Vô Kiến Đảnh Tướng”.

Các kinh luận khác nói về ba mươi hai tướng có đôi chút sai khác. (Theo chú giải cụ Hoàng Niệm Tổ: “Vô Kiến Đảnh Tướng” chỉ tướng nhục kế trên đảnh đầu của Phật. Từ Nhục Kế tỏa ra hào quang vô lượng, ngay cả những vị Thập Địa Bồ Tát chỉ thấy nổi được một phần, ngoài ra không ai thấy được tướng trạng của Nhục Kế, nên gọi là “Vô Kiến Đảnh Tướng”. Trong Kinh Bảo Tích có ghi: Ngài Mục Kiền Liên nương vào sức thần thông bay lên không trung vượt qua vô lượng thế giới để nhìn cho rõ đảnh tướng của Phật Thích Ca, nhưng ngài vẫn không thấy được.

Sư Vọng Tây viết: “Do bởi nguyện ấy, các chúng sinh đã vãng sinh đều đủ các tướng, chẳng cần tu mà tự được. Hỏi: Sau khi hoa nở hay là trước khi hoa nở được đầy đủ các tướng? Đáp: Chẳng đợi đến khi hoa nở, hễ sinh về đấy ắt liền có”.

Đoan chánh tịnh khiết tất đồng nhất loại. Nhược hình mạo sai biệt, hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác”: Đây là nguyện thứ năm “Thân vô sai biệt nguyện” (Nguyện cho thân không sai biệt). Nguyện rằng: Chúng sinh trong cõi nước tôi, dung mạo, hình dáng thảy đều đoan chánh tịnh khiết giống hệt như nhau, nếu còn phân ra xấu, tốt sai khác, tôi nguyện chẳng thành Phật.

Đại sư Đàm Loan nói: “Do chẳng giống nhau nên thân có quí, hèn. Do thân có quí, hèn nên thị phi sinh khởi. Thị phi đã khởi thì chìm đắm mãi trong ba cõi. Vì vậy, Phật hưng khởi lòng đại bi, khởi lên nguyện bình đẳng”. Đây là Đại sư đã chỉ rõ nguyên nhân A Di Đà Phật phát khởi nguyện này vậy.