Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hòa

 

Pháp Trí Hòa Thượng Thoát Hỏa Tai

Lửa cháy mạnh, cuồng phong dữ dội
Niệm Quán Âm, lửa tắt, gió ngưng.

Trong thời đại Dao – Tần, có Hòa thượng Pháp Trí. Một hôm, có việc cần Ngài phải đi xa. Khi đi qua một vùng hoang vắng, mênh mông có nhiều lau sậy, lắm cỏ rậm rạp, lại nhằm mùa nắng gió. Ngay khi ấy có người đốt cỏ, lửa cháy mạnh. Đột nhiên một trận cuồng phong từ đâu thổi tới dữ dội, làm cho lửa cháy lan khắp nơi. Chung quanh Hòa thượng được bao bọc toàn là lửa, không còn nơi nào tránh né.

Ngài bèn ngồi xuống, xếp bằng hai chân, nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ-tát: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát”. Giây lát, lửa cháy gần đến bên Ngài, tự nhiên Ngài cảm thấy trong cơ thể phát ra một luồng hơi nóng, liền đó Ngài ngất xỉu, giây lâu mới tỉnh lại.

Khi tỉnh dậy Ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy những lùm cây lau cách Ngài chừng ba thước đều bị cháy trụi thành tro, mà trong ba thước chưa hề cháy tới. Nhờ đấy Ngài được khỏi nạn chết thui. Ngài thầm nghĩ đó chính là oai đức thần thông của Quán Thế Âm Bồ-tát mới khiến được như vậy. Nếu Ta chẳng biết xưng niệm thời đã vong mạng lâu rồi!

Lời bàn:

Cho nên, chúng ta thấy khi niệm Phật hoặc Bồ-tát cốt yếu là tâm được chuyên nhất: ngoài quên cả thế giới lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); trong quên cả sinh mạng, thân thể. Năng sở đều mất, ngay lúc đó Quán Thế Âm trong tự tâm chúng ta hiện tiền để cứu thoát tai nạn.

Trong tự tâm của chúng ta hàm chứa “nhân quả”. Cho nên trong tâm có lửa cháy nên mới cảm nhận được “cái nóng’ của lửa bên ngoài. Nếu nhất tâm niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát thì tự nhiên lửa trong tâm được thu thập lại, vì thế lửa bên ngoài làm sao đốt cháy chúng ta được!

Đứng về phương diện bình dân mà nói, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm thì khỏi bị tai nạn về lửa, nhưng đứng về phương diện thực tập từ bi mà nói, khi mình có lòng thương ở trong trái tim thì lửa hận thù không cháy lên được, và mình không thấy nóng. Bồ-tát Thích Quảng Đức khi ngồi xuống giữa ngã ba Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, tưới xăng lên người, đốt lửa tự thiêu, và Ngài đã ngồi yên trong lửa đỏ!

Đối với một người khác, chỉ cần phỏng một chút xíu ở tay là đã la trời la đất, nhưng ở đây lửa cháy toàn thân thể, Ngài vẫn ngồi rất yên, rất thẳng. Nếu không có lòng thương, làm sao ngồi yên và thẳng được như vậy? Cái biển lửa đó đối với Ngài giống như một ao sen, rất là trong mát. Có lòng thương thì tất cả mọi thứ đều trở thành tươi mát.

Trước khi tự thiêu, Ngài có để lại một số bài thơ, ngôn từ trong thơ không chứa đựng một chút bực bội hay căm thù nào cả. Tự hiến mình cho lửa đỏ để mong Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ bừng tỉnh, để đừng đàn áp Phật giáo nữa. Chết, nhưng chết rất nhẹ nhàng, chết mà chết bằng thi ca. Báo chí đã chụp hình, quay phim và chỉ, bốn, năm tiếng đồng hồ sau là hình ảnh Ngài ngồi trong lửa đỏ đã được phổ biến khắp cùng trên thế giới, làm cho thế giới chấn động. Ngọn lửa đó như bức thông điệp hòa bình trực tiếp gởi đi thông qua nhục thân Bồ-tát Thích Quảng Đức. Cố nhiên khi có niềm thương ở trong lòng rồi thì ngọn lửa đó không còn nóng nữa. Có đức Quán Thế Âm trong lòng là mình có sự che chở.

Điều này chúng ta có thể thấy được trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu có tình thương đối với mọi người, thì dù có cực nhọc, chúng ta cũng không thấy cực nhọc, trái lại chúng ta còn bắt gặp niềm vui trong đó nữa. Làm những điều cho người mà mình không thương, không yêu, dù đó là việc đơn giản nhất cũng sẽ trở nên khó khăn vô cùng. Trái lại, làm tất cả, hi sinh tất cả cho người mình yêu, dù có khó khăn gấp mấy đi nữa cũng thấy vui, thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng sung sướng lắm! Đi vào lửa mà lửa không cháy được có nghĩa là như vậy.