LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Năm trăm Đại A-la-hán cùng tạo luận
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch Phạn sáng Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

CHƯƠNG III: TRÍ UẨN

Phẩm Thứ Hai: LUẬN VỀ NGŨ CHỦNG

(Từ cuối quyển 97 – đầu quyển 99)

Thế nào là Tà kiến? Các chương như vậy và giải thích về nghĩa từng chương, đã lĩnh hội rồi tiếp theo cần phải giải thích rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh. Như trong kinh nói: “Tỳ kheo nên biết! Những người tà kiến, như nhận thức của mình mà giấy khởi nghiệp thân-ngữ, suy nghĩ, mong cầu, nguyện hạnh đều là chủng loại ấy. Tất cả các pháp như vậycó thể dẫn đến quả không đáng yêu thích, quả không đáng vui mừng, quả không thuận theo mong muốn, quả không như ý. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì tà kiến này là cách nhìn xấu ác.” Trong kinh tuy nói như vậy, mà không phân biệt về nghĩa ấy, kinh là nơi nương tựa căn bản của luận này, điều gì kinh chưa nói thì nay cần phải nói đến điều ấy. Lại nữa, trước đây tuy nói tổng quát về ba loại Kiến-Trì và Tuệ, mà chưa nói riêng biệt thế nào là tà kiến, thế nào là tà trí? Phần luận trước là nơi nương tựa căn bản của phần luận này, điều gì phần luận ấy chưa nói thì nay cần phải nói đến, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là tà kiến?

Đáp: Nếu không an lập thì năm Kiến đều gọi là tà kiến. Nghĩa là nếu không an lập tên gọi năm Kiến như Tát-ca-da… và hành tướng sai biệt, thì năm Kiết ấy đều gọi là tà kiến, bởi vì đều suy đoán sai lạc đối với sở duyên. Nếu an lập thì chỉ có các kiến như không có bố thí, không có yêu thích, không có thờ cúng, không có diệu hạnh, không có ác hạnh, không có quả dị thục của nghiệp diệu hạnh, ác hạnh… gọi là tà kiến. Nghĩa là nếu an lập tên gọi và hành tướng sai biệt của năn Kiến như Tát-ca-da…, thì chỉ làm chuyển đổi hành tướng không có, một mình nó gọi là tà kiến, bởi vì nó tà nhất trong các tà. Như nói bơ thối và chiênđồ-la xấu xa…

Hỏi: Thế nào là tà trí?

Đáp: Sáu thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô. Trong này, năm thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô, đó là tham-sân tương ưng với Tuệ. Y thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô, đó là năm Kiến và Tham-Sân-Mạn-NghiVô minh bất cọng, cùng với Triền, Cấu khác tương ưng với Tuệ. Như vậy, tất cả đều gọi là tà trí.

Đã nói về tự tánh của tà kiến, tà trí, tướng xen tạp và không xen tạp nay sẽ nói.

Hỏi: Các tà kiến là tà trí chăng?

Đáp: Các tà kiến là tà trí, nghĩa là suy sét tìm tòi sai lạc thì nhất định xem sét quyết đoán sai lạc. Có lúc tà trí không phải là tà kiến, đó là năm thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô, tức là Tham-Sân tương ưng với Tuệ, và trừ ra năm Kiến còn lại ý thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô, tức là Tham-Sân-Mạn-Nghi-Vô minh bất cọng cùng với Triền-Cấu khác tương ưng với Tuệ.

Hỏi: Tà kiến thâu nhiếp tà trí hay là tà trí thâu nhiếp tà kiến?

Đáp: Tà trí thâu nhiếp tà kiến, không phải là tà kiến thâu nhiếp tà trí. Không thâu nhiếp những loại nào? Đó là năm thức tương ưng với Tuệ nhiễm ô, bởi vì có tướng xem xét quyết định mà không mà không có tướng suy đoán.

Hỏi: Thành tựu các tà kiến, đó là tà trí chăng?

Đáp: Thành tựu các tà kiến cũng là tà trí, bởi vì tà trí nhiều cho nên Kiến cũng kà Trí, tức là phần vị Đạo loại trí chưa hẳn đã sinh. Có lúc thành tựu tà trí mà không phải là tà kiến, đó là họ thấy dấu tích, tức là Đạo loại trí đã sinh. Các phần vị Hữu học gọi là Học thấy dấu tích, bởi vì đã thấy đầy đủ dấu tích của bốn Thánh đế. Đây là nói tồng quát. Nếu nói riêng biệt thì có nhiều, có ít, nghĩa là hoặc thành tựu tà trí của chín địa, cho đến hoặc có người thành tựu tà trí của một địa; trong mỗi một địa hoặc có lúc thành tựu tà trí của chín phẩm, cho đến hoặc có lúc thành tựu tà trí của một phẩm.

Hỏi: Các tà kiến đã đoạn, đã biết khắp, đó là tà trí chăng?

Đáp: Các tà trí đã đoạn, đã biết khắp không phải là tà trí, đó là Học thấy dấu tích. Đây là nói tổng quát. Nếu nói riêng biệt thì có nhiều, có ít, nghĩa là hoặc có tà trí của chín địa mà không phải là đã đoạn, đã biết khắp, cho đến hoặc có tà trí của một địa mà không phải là đã đoạn, đã biết khắp; trong mỗi một địa hoặc có tà trí của chín phẩm mà không phải là đã đoạn, đã biết khắp, cho đến hoặc có tà trí của một phẩm mà không phải là đã đoạn, đã biết khắp, bởi vì đoạn chín phẩm tà trí nhiễm ô.

Thế nào là Chánh kiến? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh. Như trong kinh nói: “Những người Chánh kiến như cách nhìn của mình, phát khởi nghiệp thân ngữ, suy nghĩ, mong cầu, nguyện hạnh đều là chủng loại ấy. Tất cả như vậy có thể dẫn đến quả đáng yêu, đáng thích, đáng vui, đáng mừng, thuận theo mong muốn, được như ý. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì Chánh kiến này là cách nhìn hiền thiện.” Trong kinh tuy có nói như vậy mà không phân biệt về nghĩa ấy, kinh là nơi nương tựa căn bản của luận này, điều gì kinh chưa nói thì nay cần phải nói đến. Lại nữa, trước đây tuy nói tổng quát về ba loại Kiến, Trí và Tuệ, mà chưa nói riêng biệt thếnào là Chánh kiến, thế nào là Chánh trí? Phần luận trước là nơi nương tựa căn bản của phần luận này, điều gì phần luận ấy chưa nói thì nay cần phải nói đến. Lại nữa, trước đây tuy đã nói về tà kiến – tà trí, mà nay cần phải nói đến pháp đối trị gần của chúng, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Chánh kiến?

Đáp: Tận trí-Vô sinh trí vốn không thâu nhiếp ý thức tương ưng với Tuệ thiện. Ở đây có hai loại:

  1. Hữu lậu.
  2. Vô lậu.

Hữu lậu, tức là Chánh kiến thế tục, như trước đã nói rộng. Vô lậu, đó là Nhẫn vô lậu và tám Trí về Học – Chánh kiến Vô học.

Hỏi: Thế nào là Chánh trí?

Đáp: Năm thức tuơng ưng với Tuệ thiện, và Nhẫn vô lậu vốn không thâu nhiếp ý thức tương ưng với Tuệ thiện. Ở đây có hai loại:

  1. Hữu lậu, tức là Chánh kiến thế tục.
  2. Vô lậu, tức là tám Trí về Học-Vô học.

Đã nói về tự tánh của chánh kiến – chánh trí, tương xen tạp và không xen tạp nay sẽ nói đến.

Hỏi: Các chánh kiến là chánh trí chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc chánh kiến mà không phải là chánh trí, đó là Nhẫn vô lậu, bởi vì loại này có tướng của Kiến mà không có tướng của Trí.

2. Có lúc Chánh trí mà không phải là chành kiến , đó là năm thức tương ưng với Tuệ thiện, và Tận trí – Vô sinh trí, bởi vì những loại này có tướng của Trí mà không có tướng của Kiến.

3. Có lúc Chánh kiến cũng là chánh trí, đó là Nhẫn vô lậu Tận trí, Vô sinh trí vốn không thâu nhiếp ý thức tương ưng với Tuệ thiện. Ở đây có hai loại:

– Hữu lậu, tức là Chánh kiến thế tục.

– Vô lậu, tức là tám Trí về Học – Chánh kiến Vô học. Bởi vì hai loại này đều có đủ tướng của Kiến và Trí.

4. Có lúc không phải là Chánh kiến cũng không phải là Chánh trí, đó là trừ ra những tướng trước. Tướng là thuộc về danh, nói rộng ra như trước. Nghĩa là trong Hành Uẩn trừ ra các Tuệ thiện, còn lại các Hành Uẩn và bốn Uẩn toàn phần, cùng với pháp vô vi làm thành câu thứ tư.

Ở đây thâu nhiếp bốn câu phân biệt dựa theo Định nên biết.

Hỏi: Thành tựu các Chánh kiến thì đó là Chánh trí chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: giả sử thành tựu Chánh trí thì đó là Chánh kiến chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Ai thành tựu Chánh kiến – Chánh trí?

Đáp: Người không đoạn mất căn thiện. Đây là nói tổng quát. Nếu nói riêng biệt thì có nhiều, có ít, nghĩa là hoặc có người chỉ thành tựu hai loại của cõi Dục, hoặc có người chỉ thành tựu hai loại của cõi Vô sắc, hoặc có người chỉ thành tựu hai loại vô lậu của cõi Sắc, hoặc có người chỉ thành tựu hai loại vô lậu của cõi Vô sắc, hoặc có người chỉ thành tựu hai loại của cõi Dục-Sắc, hoặc có người chỉ thành tựu hai loại của cõi Sắc – Vô sắc, hoặc có người thành tựu hai loại của cõi Dục – Sắc – Vô sắc, hoặc có người thành tựu hai loại vô lậu của cõi Dục – Sắc, hoặc có người thành tựu hai loại vô lậu của cõi Sắc – Vô sắc, hoặc có người thành tựu hai loại vô lậu của ba cõi.

Hỏi: Các Chánh kiến đã đoạn – đã biết khắp, đó là Chánh trí chăng?

Đáp: Đúng như vậy. Hỏi: Giả sử Chanh 1trí đã đoạn – đã biết khắp thì đó là Chánh kiến chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Ai đã đoạn – đã biết khắp đối với Chánh kiến và Chánh trí?

Đáp: A-la-hán. Đây là nói tổng quát. Nếu nói riêng biệt thì có nhiều – có ít, nghĩa là dị sinh Hữu học đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, đã đoạn – đã biết khắp về Chánh kiến – Chánh trí của tám địa; cho đến dị sinh Hữu học đã lìa nhiễm cõi Dục mà chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, đã đoạn – đã biết khắp về Chánh kiến – Chánh trí của một địa. Dựa vào cứu cánh mà nói thì chỉ có A-la-hán.

 

*******

Như trong kinh nói: “Thế nào là tà kiến? Đó là không có bố thí, không có yêu thích, không có thờ cúng… Thế nào là Chánh kiến? Đó là có bố thí, có yêu thích, có thờ cúng…”

Hỏi: Bố thí, yêu thích, thờ cúng có gì sai biệt?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: không có gì sai biệt. Như có tụng nói:

“Nếu bố thí bậc phước điền Tăng, thì gọi là khéo Thí – Ái – Tự,

Thế gian hiểu rõ mà ca ngợi, điều ấy sẽ đạt được quả lớn.”

Lại có người nói: cũng có sai biệt, đó là tên gọi tức là sai biệt, loại này gọi là bố thí, loại này gọi là yêu thích, loại này gọi là thờ cúng, cho nên tên gọi ba loại khác nhau.

Có người nói: Nghĩa của ba loại này cũng sai biệt.

Ngoại luận thì nói: “Không có bố thí, nghĩa là không có phước bố thí của ba loại. Không có yêu thích, nghĩa là không có phước bố thí cho Bà-la-môn riêng biệt. Không có thờ cúng, nghĩa là không có bố thí cho nhiều Bà-la-môn.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không ở trong đền thờ lớn; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn trong đền thờ lớn.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không ở trong đền thờ trời; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn ở trong đền thờ trời.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không cúng tế thần lửa; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn cúng tế thần lửa.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn tại gia; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn xuất gia.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không tu Định; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn tu Định.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không tu khổ hạnh; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-lamôn tu khổ hạnh.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không khéo luyện tập đọc tụng Phệ-đà và bàn luận về chi phần Phệ-đà; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn khéo luyện tập đọc tụng Phệ-đà và bàn luận về chi phần Phệ-đà.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn không có đủ hiểu biết và thực hành; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn có đủ hiểu biết và thực hành.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí của ba loại; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Bà-la-môn; không có thờ cúng, đó là không có phước thờ cúng trời thần.”

Nội luận thì nói: “Không có bố thí, nghĩa là không có phước của quá khứ. Không có yêu thích, nghĩa là không có phước của vị lai. Không có thờ cúng, nghĩa là không có phước của hiện tại.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của thân nghiệp; không có yêu thích, đó là không có phước của ngữ nghiệp; không có thờ cúng, đó là không có phước của ý nghiệp.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của tánh Thí; không có yêu thích, đó là không có phước của tánh Giới; không có thờ cúng, đó là không có phước của tánh Tu.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí cho ruộng Bi; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho ruộng Ân; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thì cho ruộng Phước.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của sự vui thích lúc sắp bố thí; không có yêu thích, đó là không có phước của tâm thanh tịnh lúc đang bố thí; ; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí rồi hoan hỷ không hối tiếc gì.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có niềm tin thanh tịnh để tự mình bố thí; không có yêu thích, đó là không có tiền của và giáo pháp đã bố thí; không có thờ cúng, đó là không có người tiếp nhận những vật bố thí.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có tiền của và giáo pháp đã bố thí; không có yêu thích, đó là không có người tiếp nhận những vật bố thí; không có thờ cúng, đó là không có phước nghiệp tự mình bố thí.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của lúc sắp bố thí; không có yêu thích, đó là không có phước của lúc đang bố thí; không có thờ cúng, đó là không có phước của lúc tiếp nhận sử dụng.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của lúc bố thí; không có yêu thích, đó là không có phước của lúc tiếp nhận sử dụng; không có thờ cúng, đó là không có phước của niệm tuỳ thuận về sau.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của tác ý bố thí; không có yêu thích, đó là không có phước của thân – ngữ bố thí; không có thờ cúng, đó là không có phước của sự tiếp nhận sử dụng vật ấy.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước của tự mình bố thí; không có yêu thích, đó là không có quả đạt được do bố thí; không có thờ cúng, đó là không có thửa ruộng đã bố thí.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí cho nẽo ác; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho loài người; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho loài trời.

Lại nữa, không có bố thí, đó là không có phước bố thí cho dị sinh; không có yêu thích, đó là không có phước bố thí cho Thánh giả Hữu học; không có thờ cúng, đó là không có phước bố thí cho Thánh giả Vô học.” Như vậy gọi là sự sai biệt của ba loại.

Các Tuệ sai lệch (Tả tuệ) đều là Kiết chăng? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày về Chánh lý. Nghĩa là hoặc có người nói: Tự tánh của các Tuệ nhiễm ô không phải là Kiết. Họ đưa ra cách nói này: Vì sao là Tuệ mà có nghĩa của ràng buộc? Vì loại bỏ cái chấp ấy để hiển bày về Tuệ nhiễm ô lấy Kiến làm tự tánh thì do Kiết thâu nhiếp, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Các Tuệ sai lệch đều là Kiết chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt, bởi vì Tuệ sai lệch và Kiết đều có rộng, hẹp:

1. Có loại là Tuệ sai lệch mà không phải là Kiết, đó là trừ ra hai Kiết, còn lại Tuệ nhiễm ô. Trừ ra hai Kiết, đó là trừ ra kiết Kiến – kiết Thủ. Còn lại Tuệ nhiễm ô, đó là Tham-Sân-Mạn-Nghi-Vô minh bất cọng và những Triền, Cấu khác tương ưng với Tuệ, bởi vì những loại này có tướng của Tuệ sai lệch chứ không có tướng của Kiết.

2. Có lúc là Kiết mà không phải là tuệ sai lệch, đó là bảy Kiết – tức là bảy loại như Ái…, bởi vì những loại này có tướng của Kiết chứ không có tướng của Tuệ sai lệch.

3. Có lúc là Tuệ sai lệch cũng là Kiết, đó là hai Kiết – tức là kiết Kiến – kiết Thủ, bởi vì loại này có đủ hai tướng.

4. Có lúc không phải là Tuệ sai lệch cũng không phải là Kiết, đó là trừ ra những tướng trước. Tướng là thuộc về danh, nói rộng ra như trước. Điều này lại là thế nào? Đó là trong Hành uẩn trừ ra Tuệ nhiễm ô và bảy Kiết khác, còn lại các Hành uẩn và bốn Uẩn toàn phần, cùng với pháp vô vi làm thành câu thứ tư.

Hỏi: Vì sao gọi là sai lệch (Tả), sai lệch là nghĩa gì?

Đáp: Vì ý thích sai lệch, rơi vào phẩm sai lệch, cho nên gọi là sai lệch, tức là nghĩa của sự sai lệch lạc kỳ quái bởi vì trái với bình thường. Lại nữa, loại ấy đối với phần thiện – chánh lý – giải thoát, đều vượt bỏ sai trái cho nên gọi là sai lệch. Lại nữa, vì không tốt lành cho nên gọi là sai lệch; như có người ở tại tháp thờ Đức Phật-Hiền Thánh và miếu thờ Thiên Thần, không đi vòng quanh về phía phải, vì không tốt lành cho nên gọi là sai lệch. Lại nữa, tác dụng không phải là khéo léo thuận tiện, cho nên gọi là sai lệch như thế gian thấy có những người thuận tay trái, đều nói là những người này không phải là người khéo léo thuận tiện. Lại nữa, bởi vì những hành động không chính đáng cho nên gọi là sai lệch; như nói ngoại đạo là người tu đạo sai lệch, bởi vì lời nói và việc làm của họ đều không chính đáng.

Hỏi: Nếu Tuệ mhiễm ô gọi là Tuệ sai lệch, thì tại sao nói thân Phật có ánh sáng bên trái (Tả quang)?

Đáp: Thiết lập tên gọi bên trái nhờ vào nghĩa khác nhau, nghĩa là Tuệ nhiễm ô vượt bỏ trái với phẩm thiện-chánh lý-giải thoát, cho nên thiết lập tên gọi của sai lệch; Đức Phật có ánh sáng thường xuyên (Thường quang) dựa vào thân mà phát khởi, bởi vì luôn luôn an trú cho nên thiết lập tên gọi của bên trái, không giống như ánh sáng khác phát khởi và mất đi không nhất định. Bởi vì thân Đức Phật có ánh sáng thường xuyên phát ra một Tầm, ngay cả bụi nhỏ và côn trùng li ti…, do uy lực của ánh sáng nhấp nhoáng đều không đến gần thân được.

Lại có người nói: Đức Phật có ba ánh sáng chiếu rọi làm mất đi ánh sáng khác, những ánh sáng ấy đều làm cho trở thành bên trái, vì thế cho nên nói thân Đức Phật có ánh sáng bên trái. Ba ánh sáng của Đức Phật là:

1. Ánh sáng nơi thân Đức Phật làm thành màu sắc vàng ròng, ánh sáng này chiếu vào các núi vàng thì làm cho uy lực ánh sáng của núi ấy chìm mất không còn hiện rõ.

2. Ánh sáng noi hàm răng của Đức Phật có màu sắc rất tươi sáng, lúc ánh sáng này chiếu vào núi Tuyết chúa, thì làm cho uy lực ánh sáng của núi ấy chìm mất không còn hiện rõ.

3. Ánh sáng nơi trí của Đức Phật thanh tịnh soi chiếu khắp nơi, ánh sáng này chiếu vào ngoại đạo, tà luận đều làm cho sụp đổ, chìm mất không còn hiện ra. Ba ánh sáng như vậy khiến cho những ánh sáng khác giảm đi và chìm mất, đều trở thành tánh bên trái, cho nên gọi là bên trái.

Có người nói như vậy: Ánh sáng vàng ròng nơi thân Đức Phật lúc chiếu vào hàm răng đã phát ra ánh sáng tươi sáng, hiển bảy khuôn mặt của Đức Phật tăng thêm sự uy nghiêm; như ánh sáng mặt trời sáng chói giữa mùa Thu chiếu rọi núi Tuyết, làm cho núi chúa ấy càng thêm uy nghiêm.

Hỏi: Chư Phật đều có ánh sáng bên trái phủ khắp thân thể một Tầm như vậy, luôn luôn phát ra soi chiếu hay không?

Đáp: Chư Phật đều có ánh sáng bên trái phủ khắp thân thể một Tầm như vậy, luôn luôn phát ra soi chiếu.

Hỏi: Nếu như vậy thì trong Bổn Sự của Phật Nhiên Đăng, làm sao thông hiểu? Như trong kinh nói: “Ánh sáng nơi thân của Đức Nhiên Đăng Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác sáng chói rộng lớn, soi chiếu như ánh đèn vòng quanh khắp khu thành khoảng một Du-thiện-na, trải qua mười hai năm ngày – đêm không khác nhau, chỉ nhìn hoa nở ra và khép lại để biết ngày đêm.” Đã như vậy thì tại sao chư Phật đều có ánh sáng thường xuyên một Tầm?

Đáp: Kinh ấy không nói Đức Nhiên Đăng Như Lai khắp toàn thân đã phát ra ánh sáng thường xuyên một Tầm, mà chỉ nói Đức Phật ấy vì giáo hóa hữu tình, hiện ra thần thông biến hóa to lớn, phát ra ánh sáng biến hóa soi chiếu, trải qua mười hai năm để làm Phật sự.

Có người nói như vậy: Không phải là thân chư Phật đều có ánh sáng thường xuyên một Tầm như vậy, bởi vì ánh sáng nơi thân Đức Phật không phải là tướng tốt thâu nhiếp, hoặc là lớn, hoặc là nhỏ phát khởi và diệt đi không nhất định.

Lời bình: Nên đưa ra cách nói này: Chư Phật đều có ánh sáng bên trái phủ khắp thân thể một Tầm như vậy, luôn luôn phát ra soi chiếu, tuy không phải là tướng tốt thâu nhiếp mà pháp vốn như vậy luôn luôn có, cho nên thân của chư Phật thường có ánh sáng uy nghiêm vi diệu thù thắng.

Thế nào là Kiến thuộc Học? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Trước đây tuy nói tổng quát về ba loại là Kiến-Trí-Tuệ, mà chưa nói riêng biệt thế nào là Kiến thuộc Học, thế nào là trí thuộc Học, thế nào là Tuệ thuộc Học? Phần luận trước là nơi nương tựa căn bản của phần luận này, điều gì phần luận ấy chưa nói thì nay cần phải nói đến, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Kiến thuộc Học?

Đáp: Tuệ thuộc Học, đó là Nhẫn vô lậu và tám Trí về Học; từ Khổ pháp trí nhẫn cho đến Định Kim cang dụ, các Tuệ vô lậu đều gọi là Kiến thuộc Học.

Hỏi: Thế nào là Trí thuộc Học?

Đáp: Tám Trí về Học, đó là bốn Pháp trí và bốn Loại trí.

Hỏi: Thế nào là Trí thuộc Học?

Đáp: đó là Kiến thuộc Học và trí thuộc Học gọi chung là Tuệ thuộc Học, bởi vì Kiến-Trí cùng có tướng của Trạch pháp.

Đã nói về tự tánh của Kiến-Trí-Tuệ thuộc Học, tướng xen tạp và không xen tạp nay sẽ nói đến.

Hỏi: Các Kiến thuộc Học là Trí thuộc Học chăng?

Đáp: Các Trí thuộc Học cũng là Kiến thuộc Học, bởi vì Trí thuộc Học chắc chắn có tướng suy đoán. Có lúc Kiến thuộc mà không phải là Trí thuộc Học, đó là Nhẫn vô lậu, bởi vì Nhẫn này chưa có tướng xem xét quyết định.

Hỏi: Các Kiến thuộc Học là Tuệ thuộc Học chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Gỉa sử Tuệ thuộc Học thì đó là Kiến thuộc Học chăng?

Đáp: Đúng như vậy, bởi vì Kiến và Tuệ ở phần vị Học có khắp các tâm vô lậu.

Hỏi: Các Trí thuộc Học là Tuệ thuộc Học chăng?

Đáp: Các Trí thuộc Học cũng là Tuệ thuộc Học. Có lúc Tuệ thuộc Học mà không phải là Trí thuộc Học, đó là Nhẫn vô lậu, nghĩa nói như trước. Nghĩa thâu nhiếp của ba loại này dựa theo Định nên biết.

Hỏi: Các Kiến thuộc Học thành tựu, đó là trí thuộc Học chăng?

Đáp: Các Trí thuộc Học thành tựu cũng là Kiến thuộc Học, bởi vì Trí tức là Kiến. Có lúc Kiến thuộc Học thành tựu mà không phải là Trí thuộc Học, đó là lúc Khổ pháp trí nhẫn hiện rõ ở trước mắt, bởi vì lúc bấy giờ chưa có Trí vô lậu.

Hỏi: Các Kiến thuộc Học thành tựu, đó là Tuệ thuộc Học chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Giả sử Tuệ thuộc Học thành tựu thì đó là Kiến thuộc Học chăng?

Đáp: Đúng như vậy, bởi vì kiến-Tuệ ở phần vị Học nhất định phải cùng thành tựu.

Hỏi: Các Trí thuộc Học thành tựu, đó là Tuệ thuộc Học chăng?

Đáp: Các trí thuộc Học thành tựu cũng là Tuệ thuộc Học. Có lúc Tuệ thuộc Học thành tựu mà không phải là Trí thuộc Học, đó là lúc Khổ pháp trí nhẫn hiện rõ ở trước mắt, bởi vì Nhẫn có tướng của Tuệ chứ không có tướng của Trí.

Thế nào là Kiến thuộc Vô học? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: trước đây tuy nói tổng quát về ba loại là Kiến-Trí-Tuệ, mà chưa nói riêng biệt thế nào là Kiến thuộc Vô học, thế nào là trí thuộc Vô học, thế nào là Tuệ thuộc Vô học? Phần luận trước là nơi nương tựa căn bản của phần luận này, điều gì phần luận ấy chưa nói thì nay cần phải nói đến, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Kiến thuộc Vô học?

Đáp: Tận trí-Vô sinh trí vốn không thâu nhiếp Tuệ thuộc Vô học, đó là Chánh kiến Vô học.

Hỏi: Thế nào là Trí thuộc Vô học?

Đáp: Tám Trí về Vô học, đó là bốn Pháp trí và bốn Loại trí.

Hỏi: Thế nào là Tuệ thuộc Vô học? Đáp: Kiến thuộc Vô học-Trí thuộc Vô học gọi chung là Tuệ thuộc Vô học, bởi vì Kiến, Trí nhất định có tướng của Trạch pháp.

Đã nói về tự tánh của ba loại này, tướng xen tạp và không xen tạp nay sẽ nói đến.

Hỏi: Các Kiến thuộc Vô học là Trí thuộc Vô học chăng?

Đáp: Các Kiến thuộc Vô học cũng là Trí thuộc Vô học, bởi vì

trong phần vị Vô học có năng lực suy đoán thì chắc chắn phải xem xét quyết định. Có lúc Trí thuộc Vô học mà không phải là Kiến thuộc Vô học, đó là Tận trí-Vô sinh trí, bởi vì hai Trí này ngưng tìm cầu, không suy đoán nữa.

Hỏi: Các Kiến thuộcc Vô học là Tuệ thuộc Vô học chăng?

Đáp: Các Kiến thuộc Vô học cũng là Tuệ thuộc Vô học. Có lúc Tuệ thuộc Vô học mà không phải là Kiến thuộc Vô học, đó là Tận trí – Vô sinh trí, bởi vì Trí này chỉ có hai loại tướng là Trạch pháp và xem xét quyết định.

Hỏi: Các Trí thuộc Vô học là Tuệ thuộc Vô học chăng?

Đáp: Đúng như vậy.

Hỏi: Giả sử Tuệ thuộc Vô học thì đó là Trí thuộc Vô học chăng?

Đáp: Đúng như vậy, bởi vì Trí – Tuệ thuộc Vô học cùng có khắp các tâm vô lậu của Vô học.

Nghĩa thâu nhiếp của ba loại này dựa theo Định nên biết. Các Ala-hán không có vị nào không thành tựu ba loại này, vì thế cho nên ba loại này lần lượt chuyển đổi về nhau đều trả lời là đúng như vậy. Ba loại thuộc về Học, Vô học không nói đến Đoạn là bởi vì đều không có Đoạn.

Thế nào là Kiến thuộc Phi học phi vô học? Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Trước đây tuy nói tổng quát về ba loại là Kiến-Trí-Tuệ, mà chưa nói riêng biệt thế nào là Kiến thuộc Phi học phi vô học, thế nào là Trí thuộc Phi học phi vô học, thế nào là Tuệ thuộc Phi học phi vô học. Phần luận trước là nơi nương tựa căn bản của phần luận này, điều gì phần luận ấy chưa nói thì nay cần phải nói đến, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Thế nào là Kiến thuộc Phi học phi vô học?

Đáp: Nhãn căn, năm Kiến, Chánh kiến thế tục, tướng của ba Kiến này, nói rộng ra như trước, đó là quan sát nhìn nhận…

Hỏi: Thế nào là Tuệ thuộc Phi học phi vô học?

Đáp: Năm thức tương ưng với Tuệ, và ý thức tương ưng với Tuệ hữu lậu cùng gồm chung ba loại, đó là thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký, rộng ra như trước nói.

Hỏi: Thế nào là Tuệ thuộc Phi học phi vô học?

Đáp: Năm thức tương ưng với Tuệ, và ý thức tương ưng với Tuệ hũu lậu. Trí tuệ hữu lậu cùng có khắp tất cả các phẩm tâm hữu lậu, bởi vì đều có tướng của Trạch pháp và xem xét quyết định.

Đã nói về tự tanh của ba loại này, tướng xen tạp và không xen tạp nay sẽ nói đến.

Hỏi: Các Kiến thuộc Phi học phi vô học, là Trí thuộc Phi học phi vô học chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt, bởi vì Kiến và Trí này cùng có rộng, hẹp. Trong này, câu thứ nhất nghĩa là nhãn căn, bởi vì chỉ có năng lực quán sát nhìn nhận chứ không phải là xem xét quyết định; câu thứ hai nghĩa là năm thức tương ứng với Tuệ…, bởi vì có tướng xem xét quyết định chứ không có tướng suy đoán; câu thứ ba nghĩa là năm kiến – Chánh kiến thế tục, bởi vì đều có tướng suy đoán và xem xét quyết định; câu thứ tư nghĩa là trừ ra những tướng trước. Tướng là thuộc về danh. Nói rộng ra như trước. Điều này lại là thế nào? Đó là trong Sắc uẩn trừ ra nhãn căn, còn lại các Sắc uẩn; trong Hành uẩn trừ ra Tuệ hữu lậu, còn lại các Hành uẩn, và ba uẩn toàn phần, cùng với pháp vô vi làm thành câu thứ tư.

Kiến Tuệ thuộc Phi học phi vô học đối với nhau làm thành bốn câu phân biệt cũng như vậy. Trí Tuệ thuộc Phi học phi vô học đối với nhau, bởi vì tự tánh như nhau cho nên đều trả lời là đúng như vậy.

Nghĩa thâu nhiếp của ba loại này dựa theo Định nên biết. Thành tựu và Đoạn nói rộng ra dựa theo phần thứ nhất trước đây nói, nên biết về tướng ấy. Nếu thành tựu một loại thì nhất định có hai loại còn lại; tùy theo một loại đã đoạn đã được biết khắp thì hai loại còn lại cũng như vậy, cho nên tiếp tục hỏi lẫn nhau, đều trả lời là đúng như vậy.

Như Đại Phạm Thiên dấy lên nói như vậy: Ta là Phạm, là Đại Phạm được tự tại. Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: các loại ác kiến (kiến thú) khiến cho các hữu tình ở trong sinh tử khởi lên nhiều chấp trước dẫn đến nhiều điều vô nghĩa, làm nơi nương tựa to lớn cho sinh tử khổ đau. Nghĩa là có các loại ác kiến này thì chắc chắn đối với ba cõi, qua lại xoay vòng nhận chịu những nổi khổ đau phiền muộn, liên tục hướng vào thai mẹ tối tăm dơ bẫn, dừng lại phía dưới Sinh tạng, phía trên thục tạng, bị các thứ bất tịnh luôn luôn làm cho bức bách quá sức; lúc ra khỏi âm môn (cửa mình) của mẹ thì nhận chịu những nổi khổ ác liệt, sinh ra nằm trên cỏ giống như dao sắt cắt da. Những nổi khổ như vậy vô số kể không sao nói hết, đều do không biết rõ lỗi lầm tai họa của kiến chấp. Muốn làm cho biết rồi mà chán ngán ghét bỏ để mà đoạn diệt, cho nên soạn ra phần luận này.

Như Đại Phạm Thiên dấy lên nói như vậy: “Ta là Phạm, là Đại Phạm được tự tại, ta đối với thế gian có năng lực tạo tác biến họa, có năng lực sinh ra, là cha của tất cả thế gian.”

Điều này đối với năm Kiến thì do Kiến nào thâu nhiếp, kiến Đế nào mà đoạn bỏ được Kiến này? Trong này, dùng hai sự suy xét tìm tòi về các loại Kiến:

  1. Dùng tự tánh.
  2. Dùng đối trị.

Dùng tự tánh, nghĩa là các loại Kiến này lấy gì làm tự tánh? Dùng đối trị, nghĩa là các loại Kiến này lấy gì để đối trị?

Trong chương Tạp Uẩn – chương Kiến Uẩn – luận Sinh Trí, cũng đều dùng hai sự suy xét tìm tòi về các loại Kiến, đó là dùng tự tánh và dùng đối trị.

Như luận Sinh Trí đưa ra cách nói như vậy: “Sa môn Kiều-Đápma là người lừa dối làm mê hoặc thế gian. Đức Phật nhờ vào đạo này đã vượt lên trên huyền ảo lừa dối. Người kia bài báng đạo này là kiến thâu nhiếp, là do kiến Đạo mà đoạn tự tánh ấy, là lúc Đạo trí phát sinh đối trị với nó, có năng lực đoạn trừ ác kiến điên đảo phân biệt không thật, suy xét tìm tòi không thật như vậy, làm cho vĩnh viễn diệt mất.”

Lại trong luận ấy nói: “Đức Thế Tôn tại sao keo kiệt với A-lahán? Đức Phật nhờ vào đạo này đã vượt lên trên keo kiệt tiếc nuối, người kia bài báng đạo này là tà kiến thâu nhiếp, là do kiến Đạo mà đoạn tự tánh ấy, là lúc Đạo trí phát sinh đối trị với nó, có năng lực đoạn trừ suy xét tìm tòi không thật như vậy…”

Trong kinh Phạm Võng cũng dùng hai sự suy xét tìm tòi về các loại Kiến:

  1. Dùng tự tánh.
  2. Dùng đẳng khởi.

Trong kinh Phạm Vấn chỉ dùng một sự suy xét tìm tòi về các loại Kiến, đó là dùng đẳng khởi.

Như vậy các nơi hợp lại dùng ba sự để suy xét tìm tòi về các loại Kiến:

  1. Dùng tự tánh.
  2. Dùng đẳng khởi.
  3. Dùng đối trị.

Hiếp Tôn giả nói: “Không cần phải suy xét tìm tòi về các loại ác Kiến. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì người nào có trí mà nhọc công vất vả truy hỏi người không sáng suốt, người mù lòa tối tăm vì sao rơi xuống hố?”

Lời bình: Nên dùng ba sự để suy xét tìm tòi về các loại Kiến. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì nếu dùng ba sự để suy xét tìm tòi về các loại Kiến, thì tuy là dị sinh có đủ phiền não ràng buộc, mà các loại ác kiến vĩnh viễn không hiện hành giống như Thánh giả. Trong này nên nói đến nhân duyên của Pháp sự Thật, như trong chương Tạp Uẩn đã nói rộng về sự việc ấy.

Trả lời câu hỏi trước đây: “Ta là Phạm, là Đại Phạm được tự tại”, là chọn lấy pháp thua kém làm pháp hơn hẳn, do Kiến thủ thâu nhiếp và do kiến Khổ mà đoạn.

Trong này, Phạm Vương thật sự không phải là Phạm chân thật, không phải là Đại Phạm chân thật, không phải là đối với tất cả đều được tự tại, mà cho rằng chính mình thật sự là Phạm chân thật, là Đại Phạm chân thật, khắp nơi tất cả đều được tự tại, vị ấy đối với pháp thấp kém mà chấp làm tốt đẹp nhất, cho nên Kiến thủ thâu nhiếp là tự tánh của nó. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì thù thắng nhất trong các pháp thì chỉ có Niết-bàn, thù thắng nhất trong mọi hữu tình thì chỉ có Thánh giả ở quả vị Phật, tâm được tự tại mà đối với pháp cũng được tự tại. Thanh văn và Độc giác tuy chưa được tự tại đối với các pháp, mà đã được tự tại đối với tâm. Phạm Vương đối với hai loại tự tại đều chưa có thể đạt được, mà vị ấy tự cho mình đã được tự tại. Bởi vì đối với pháp thấp kém mà chấp là hơn hẳn, cho nên do Kiến thủ thâu nhiếp. Lúc Khổ trí phát sinh có thể đoạn trừ ác kiến điên đảo, phân biệt không thật, suy xét tìm tòi không thật như vậy, làm cho vĩnh viễn diệt mất, cho nên nói do thấy Khổ mà đoạn trừ là do đối trị của nó. Bởi vì Kiến thủ này sinh ra từ nơi Khổ, cho nên lúc thấy Khổ thì Kiến này vĩnh viễn diệt mất; như mặt trời vừa mới mọc thì sương mỏng lập tức tan đi, như hạt sương đọng đầu ngọn cỏ làn gió lay động liền rời mất.

“Ta đối với thế gian có năng lực tạo tác biến hóa, có năng lực sinh ra, là cha của tất cả.” Không phải là nhân mà chấp là nhân, do Giới cấm thủ thâu nhiếp và do kiến Khổ mà đoạn. Trong này ý nói: Các loài hữu tình từ trong thân cho đến vật bên ngoài, tất cả đều cảm theo nghiệp của mình, mà Phạm Vương kia nói là tự mình có năng lực biến hóa sinh ra, là cha của tất cả. Không phải là nhân mà chấp làm nhân, Giới cấm thủ thâu nhiếp là tự tánh của nó, do kiến Khổ mà đoạn là pháp đối trị của nó, như trước nên biết.

Như chư Thiên cõi Phạm dấy lên nói như vậy: Vị này là Phạm, là Đại Phạm được tự tại, vị này đối với thế gian có năng lực tạo tác biến hóa, có năng lực sinh ra, là cha của chúng ta.

Hỏi: Điều này đối với năm Kiến thì Kiến nào thâu nhiếp, kiến Đế nào mà đoạn bỏ được kiến này? Đáp: “Vị này là Phạm, là Đại Phạm được tự tại,” là chọn lấy pháp thua kém làm pháp hơn hẳn, do Kiến thủ thâu nhiếp và do kiến Khổ mà đoạn. Trong này, chư Thiên cõi Phạm, chấp Đại Phạm Vương là Phạm, là Đại Phạm được tự tại rộng khắp; đối với pháp thua kém chấp làm pháp hơn hẳn, do Kiến thủ thâu nhiếp là tự tánh của nó, do kiến Khổ mà đoạn là pháp đối trị của nó, nói rộng ra như trước.

“Vị này đối với thế gian có năng lực tạo tác biến hóa, có năng lực sinh ra, là cha của chúng ta.” Không phải là nhân mà chấp làm nhân, Giới cấm thủ thâu nhiếp và do kiến Khổ mà đoạn. Trong này, chư Thiên cõi Phạm, chấp Đại Phạm Vương là người tạo tác biến hóa khắp nơi thế gian, là người sinh ra làm cha cho họ; không phải là nhân mà chấp làm nhân, Giới cấm thủ thâu nhiếp là tự tánh của nó, do kiến Khổ mà đoạn là pháp đối trị của nó, nói rộng ra như trước.

Hỏi: Trong này là Phạm, là Đại Phạm được tự tại, có gì sai biệt?

Đáp: Là Phạm, đó là chấp vào quả thuộc năm Thủ uẩn của Phạm Vương, là thanh tịnh, tịch tĩnh, an lạc chân thật; là Đại Phạm, đó là chấp vào quả thuộc năm Thủ uẩn của Phạm Vương, tôn quý nhất ở trong các sự thanh tịnh, tịch tĩnh, an lạc chân thật; được tự tại, đó là chấp vào quả thuộc năm Thủ uẩn của Phạm Vương, có tác dụng thù thắng nhất, thống lãnh thâu nhiếp tất cả đều được tự tại. Như vậy đều gọi là chọn lấy phần thua kém làm pháp hơn hẳn, nghĩa là chấp khổ đau uế tạp làm thanh tịnh an lạc chân thật, và có tác dụng thù thắng nhất của thanh tịnh an lạc. Thanh tịnh an lạc chân thật, đó là Diệt đế và Đạo đế. Diệt đế và Đạo đế đều là thù thắng chân thật, bởi vì trong tất cả các pháp thì Niết-bàn thù thắng nhất, là Thiện, là Thường vượt lên trên pháp khác; trong pháp hữu vi thì Thánh đạo là thù thắng nhất, bởi vì có năng lực vĩnh viễn vượt lên trên pháp sinh tử, bởi vì tất cả tùy miên không tùy tăng. Như có tụng nói:

“Diệt thù thắng đối với các pháp, Đạo thù thắng đối với hữu vi,

Ở trong tất cả các hữu tình, Như Lai là bậc thù thắng nhất.”

Hỏi: Ở trong cõi Phạm Thế thì Phạm Vương là thù thắng nhất, quán sát vị ấy là thù thắng thì đúng là Chánh kiến, tại sao nói đó là ác kiến?

Đáp: Nếu nói là chỉ thù thắng ở trong cõi Phạm Thế thì có lẽ không phải là ác kiến, nhưng mà vị ấy nói rằng thù thắng nhất đối với tất cả, cho nên thuộc về ác kiến, bởi vì vị ấy so với chư Phật, Độc giác, Thanh văn chư Thiên cõi trên đều là thua kém. Vả lại, vị ấy chấp xằng bậy vào quả thuộc năm Thủ uẩn giống như Diệt-Đạo chân thật, cho nên thuộc về ác kiến.

Hỏi: Trong này “Đối với thế gian có năng lực tạo tác biến hóa, có năng lực sinh ra, là cha của tất cả…” có gì sai biệt?

Đáp: Đối với thế gian, đó là đối với hữu tình thế gian và khí thế gian; có năng lực tạo tác biến hóa, đó là có năng lực tạo tác khí thế gian, và có năng lực biến hóa làm hữu tình thế gian; có năng lực sinh ra, đó là có năng lực sinh ra mọi vật thuộc trí vô tình, hiển bày lại nghĩa tạo tác; là cha của tất cả…, đó là cha của tất cả hữu tình, hiển bày lại nghĩa biến hóa. Cái chấp này đều là không phải nhân mà chấp làm nhân, đó là chấp vào quả thuộc năm Thủ uẩn của Phạm Vương, có năng lực tạo tác biến hóa làm ra tất cả thế gian. Nhưng các thế gian thuộc trí hữu tình, đều từ phiền não, nghiệp của mình mà sinh ra; thuộc trí vô tình, là do sức mạnh tăng thượng thuộc nghiệp của tất cả hữu tình cùng dẫn dắt phát khởi. Đó là đối với quả thua kém chấp làm nhân hơn hẳn, đã không phải là nhân mà chấp làm nhân, cho nên thuộc về Giới cấm thủ. Loại này và Kiến thủ trước đây cùng mê lạc đối với quả, Khổ để sinh ra cho nên đều do kiến Khổ mà đoạn. Vả lại, do sức mạnh của Ngã thường chấp đã dẫn dắt, cho nên như loại kia đều thành tựu, do kiến Khổ mà đoạn.

Đã nói về tự tánh của ác kiến và đối trị, đẳng khởi của nó như vậy, vì sao trong kinh Phạm Võng nói đến đẳng khởi ấy? Như kinh ấy nói: “Trước lúc kiếp hoại, các loài hữu tình phần nhiều từ nơi này chết đi sinh vào trong Chúng đồng phần của cõi Cực Quang Tịnh. Lúc kiếp này thành, ở giữa hư không trước đó có cung trời cõi Phạm khởi lên, lúc ấy cõi Cực Quang Tịnh có một hữu tình, phước nghiệp và thọ mạng đã hết, từ cõi trời ấy chết rồi sinh đến trong cung trời cõi Phạm, tự nhiên cư trú một mình trải qua thời gian dài, sau đó liền khởi lên niệm ái nghĩ đến bạn bè, làm thế nào để cho các hữu tình khác sinh đồng phần như mình làm bạn bè với mình?”

Hỏi: Vị ấy vì duyên gì mà khởi lên niệm ái này?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: “Không cần phải truy hỏi tại sao người không sáng suốt-người ngu si mù lòa ngã nhào trên đường đi.”

Có người đưa ra cách nói này: Người hướng về nơi ấy, lúc bấy giờ pháp vốn như vậy mà khởi lên niệm ái này, nghĩa là lực của pháp vốn như vậy thì sinh ra duyên ấy.

Lại có người nói: Từ vô thỉ đến nay, các loài hữu tình thích gần gũi học tập với nhau, do lực của thói quen xuyên suốt làm cho sinh ra niệm ái ấy, cho nên niệm ái ấy nhờ vào lực của nhân mà khởi lên.

Hoặc có người nói: Bởi vì người ấy chưa trừ diệt niệm ái thâu nhiếp chúng, đó là trước kia ở nơi này làm vị thầy hướng dẫn cho đồ chúng, sau đó sinh đến cõi trời ấy hãy còn có tập khí sót lại, do thế lực này làm cho khởi lên niệm ái kia.

Có sư khác nói: Trời cõi Cực Quang Tịnh đi đến cõi Phạm Thế, khởi lên Tĩnh lự thứ nhất hóa làm các loại thân, cùng với Đại Phạm Vương chơi đùa vui vẻ, sau đó ngưng biến hóa trở về cung trời của mình, thế là Phạm Vương truy tìm đồng bạn ưa thích, khởi lên niệm ái này.

Có người đưa ra cách nói này: Phạm Vương tự mình khởi lên Tĩnh lự thứ nhất hóa làm thân chư Thiên cõi Phạm mà tự đùa vui một mình, sau khi đã mệt mõi thì dừng lại thần thông, chư Thiên biến hóa ẩn hết rồi, dấy lên ý nghĩ như vậy: Ai có năng lực thường xuyên khởi lên các thân chư Thiên biến hóa, làm thế nào để cho các loài hữu tình khác sinh đồng phần như mình làm bạn bè với mình?

Có người khác lại nói: Phạm Vương trước đó khởi lên Thiên nhãn ở nơi của mình trông thấy cõi khác bên cạnh mình, Phạm phụ-Phạm chúng cung kính vây quanh Đại Phạm Thiên Vương. Trông thấy rồi nghĩ rằng: Hình sắc dung mạo và uy quang của vị kia không phải là hơn hẳn so với mình, vị ấy có đồ chúng mà mình đơn độc không có ai, làm thế nào để khiến các loài hữu tình khác sinh đến chỗ của mình làm đồ chúng của mình?

Kinh ấy lại nói: “Lúc Phạm Vương đang khởi lên suy nghĩ như vậy, thì các loài hữu tình khác ở cõi trời Cực Quang Tịnh, các hữu tình hết tuổi thọ-hết nghiệp-hết phước, đều từ cõi ấy chết đi sinh đến cõi Phạm Thế. Phạm Vương trông thấy rồi dấy lên ý nghĩ như vậy: Các hữu tình này là do mình biến hóa ra.”

Hỏi: Vì sao Phạm vương khởi lên ý nghĩ này?

Đáp: Bởi vì Phạm Vương kia trước đó khởi lên suy nghĩ mong cầu (Tư nguyện), các loài hữu tình ấy thuận theo ý niệm mà sinh đến, cho nên Phạm Vương kia khởi lên ý nghĩ như vậy.

Có người đưa ra cách nói này: Phạm Vương biến hóa làm ra các Phạm chúng rồi, tiến vào Định trung gian, đã tiến vào Định rồi, lúc Phạm chúng hóa ra ẩn đi thì các hữu tình ở cõi Cực Quang Tịnh mạng chung sinh đến cõi Phạm Thế. Sau đó Đại Phạm Vương từ trong Định đứng dậy rồi, đã trông thấy Phạm chúng liền dấy lên nghĩ như vậy:

Phạm chúng đã biến hóa trước đây lẽ ra đã ẩn hết rồi, nay các hữu tình hiện rõ ở trước mắt, hoặc đúng là lực biến hóa của mình làm cho sinh ra, hoặc có thể là do suy nghĩ mong cầu trước đây mà sinh ra? Vì vậy Đại Phạm dấy lên ý nghĩ như vậy: Các hữu tình này là do mình biến hóa ra.

Kinh ấy lại nói: “Phạm chúng đã sinh ra dấy lên ý nghĩ này: Chúng ta đã từng thấy hữu tình có tuổi thọ lâu dài như vậy.” Hỏi: Họ ở nơi nào đã từng thấy Phạm Vương?

Đáp: Ngay lúc ở cõi Phạm Thế đã từng trông thấy Phạm Vương, nhưng mà không nhớ rõ đã từng thấy nơi nào; như đã từng thấy một người ở nơi tụ tập đông đúc, sau đó trải qua thời gian dài lại có dịp trông thấy nhau, tuy đã rõ ràng đã từng gặp nhau mà không nhớ nơi chốn.

Có người đưa ra cách nói này: Họ trú trong phần vị Trung Hữu đã từng thấy Phạm Vương. Nếu như vậy thì tại sao đã từng thấy Đại Phạm sống lâu? Bởi vì thân Trung Hữu cầu mong nhanh chóng đến nơi sinh ra chứ không tồn tại lâu dài.

Lại có người nói: Họ từ cõi trời Cực Quang Tịnh đi đến cung trời cõi Phạm để chơi đùa vui vẻ, lúc bấy giờ đã từng thấy Phạm Vương.

Hỏi: Họ đã mất đi ở Tĩnh lự thứ hai, làm sao có thể nhớ lại sự việc của đời trước ở cõi trên?

Đáp: Các Phạm chúng ấy lài nhiễm của địa mình, lại dựa vào Tĩnh lự thứ hai khởi lên thần thông của trí Túc trú tùy niệm, có năng lực nhớ lại sự việc đã từng thấy của địa trên.

Hỏi: Nếu như vậy thì tại sao Đại Phạm Vương khởi lên ác kiến này?

Đáp: Từ phần vị lìa nhiễm mà lui sụt cho nên Phạm Vương lại khởi lên ác kiến.

Hỏi: Lẽ nào không phải cõi sắc không có nghĩa lui sụt hay sao?

Đáp: Lúc bắt đầu thành lập thì ở đó cũng có lui sụt. Có sư khác nói: Họ dùng trí thuộc Bổn tánh niệm sinh nhớ lại sự việc đã từng thấy ở địa trên.

Hỏi: Lẽ nào không phải cõi Sắc không có trí thuộc Bổn tánh niệm sinh hay sao?

Đáp: Lúc kiếp bắt đầu thành lập thì cõi Sắc cũng có thể có trí thuộc Bổn tánh niệm sinh.

Hoặc có người nói: Phạm Vương trước đó tiến vào Tĩnh lự trung gian trú trong thời gian dài, các Phạm chúng kia từ địa trên mất đi, sinh vào trong cõi Phạm Thế trông thấy Đại Phạm Vương sống lâu, uy quang rộng lớn vô cùng, không dám gần gũi. Sau khi ra khỏi Định rồi, bảo các Phạm chúng cùng thăm hỏi lẫn nhau, lúc ấy các Phạm chúng cùng nói với nhau rằng: Chúng ta đã từng thấy hữu tình có tuổi thọ lâu dài như vậy.

Kinh ấy lại nói: “Lúc ấy các Phạm chúng dấy lên ý nghĩ này: Chúng ta đều là do Phạm Vương hóa ra, từ đó mà sinh ra, vị ấy là cha của chúng ta.”

Hỏi: Vì sao họ khởi lên ý nghĩ như vậy?

Đáp: Họ nghe Phạm Vương nhiều lần nói ra điều này: ta có năng lực tạo tác biến hóa, Ta có năng lực sinh ra, là cha của các người. Nghe rồi hết sức tin tưởng, lại đã từng thấy Phạm Vương có tuổi thọ lâu dài, đã hết sức sinh ra niềm tin sâu nặng, cho nên khởi lên ý nghĩ như vậy. như có vị Quốc vương thật sự không có tác dụng kỹ năng gì, nhưng đối với các quan thì sự kiêu ngạo khoa trương: Ta ở thời gian xưa kia có uy lực dũng mãnh vô cùng, tự mình dẫn đầu quân lính phá tan kẻ địch hùng mạnh. Đại Vương, bạn bè thân thích và người trong nước đều được yên vui.

Lại có người nói: Phạm chúng kia nghe Phạm Vương nhiều lần nói như trước, vì xem xét quyết định cho nên liền khởi lên thần thông của trí Túc trú tùy niệm, quán sát về Uẩn nối tiếp nhau trước đây của mình và người, dần dần cho đến bắt đầu Kiết sinh tâm (tâm ở phần vị Trung hữu tiến vào thai mẹ), mà không thể nào nhìn thấy phần vị mạng chung trước đó, bởi vì thần thông của cõi dưới không có năng lực nhìn thấy cảnh của cõi trên. Họ dựa vào lực thần thông biết là Đại Phạm Vương tồn tại lâu dài từ đời trước, sau đó khởi lên suy nghĩ về chúng ta, chúng ta liền sinh ra. Vì vậy biết chắc chắn chúng ta đều là do Phạm Vương hóa ra, từ vị ấy mà sinh ra, vị ấy là cha của chúng ta. Bởi vì dựa vào lực thần thông mà Phạm chúng kia khởi lên ý nghĩ như vậy.

Hỏi: Lúc kiếp bắt đầu thành lập có mấy loại hữu tình cùng lúc phát khởi cách nhìn và ý tưởng điên đảo đã nói như trước?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này: Trong Tiểu Thiên thế giới có một Đại Phạm-mười Độc Phạm-ngàn Phạm chúng; trong Trung Thiên thế giới có ngàn Đại Phạm-mười ngàn Độc Phạm-ngàn ngàn Phạm chúng; trong Đại Thiên thế giới có ngàn ngàn Đại Phạm, Câu-chi Độc Phạm, trăm Câu-chi Phạm chúng.

Lại có người nói: Trong Tiểu thiên thế giới có một Đại Phạmngàn Độc Phạm-mười ngàn Phạm hcúng; trong Trung thiên thế giới có ngàn Đại Phạm-mười ngàn Độc Phạm, Câu-chi Phạm chúng; trong Đại thiên thế giới có mười ngàn Đại Phạm, Câu-chi Độc Phạm, trăm Câuchi Phạm chúng.

Có người dựa vào đủ cách nói: Trong Đại thiên thế giới có Câu-chi Đại Phạm, trăm Câu-chi Độc Phạm, trăm ngàn Câu-chi Phạm hcúng.

Lời bình nói: Nên nói như vậy: Trong Đại Thiên thế giới có Câuchi Đại Phạm, trăm Câu-chi Độc Phạm, mười Câu-chi-na-dữu-đa Phạm chúng. Lúc kiếp bắt đầu thành lập cùng lúc phát khởi cách nhìn và ý tưởng điên đảo đã nói như trước.

Hỏi: Đại Phạm Thiên Vương trú ở nơi nào, Phạm phụ-Phạm chúng trú ở nơi nào?

Đáp: Các Sư phương Tây đưa ra cách nói như vậy: “Đại Tĩnh lự thứ nhất có ba nơi riêng biệt:

  1. Nơi của Phạm chúng thiên.
  2. Nơi của Phạm phụ thiên.
  3. Nơi của Đại Phạm thiên.

Nơi này tức là Tĩnh lự trung gian.” Các luận sư nước Ca-thấp-di-la nói: “Địa Tĩnh lự thứ nhất chỉ có hai nơi, tức là trong Phạm phụ Thiên có nơi tịch tĩnh thù thắng cao nhất, như gần cạnh thôn xóm có vườn rừng tốt đẹp, là nơi thường cư trú của Đại Phạm Vương. Nơi này chính là Tĩnh lự trung gian.”

Hỏi: Thân lượng của Đại Phạm Thiên … như thế nào?

Đáp: Thân lượng của Đại Phạm Vương là một Du-thiện-na rưỡi, thân lượng của Phạm Phụ thiên là một Du-thiên-na, thân lượng của Phạm Phụ chúng thiên là nửa Du-thiện-na.

Hỏi: Thọ lượng của Đại Phạm Thiên… như thế nào?

Đáp: Thọ lượng của Đại Phạm Vương là một kiếp rưỡi; thọ lượng của Phạm phụ thiên là một kiếp, thọ lượng của Phạm chúng thiên là nửa kiếp. Nên biết nơi này bốn mươi Trung kiếp hợp lại làm một kiếp.

Hỏi: Đại Phạm Thiên Vương chỉ cư trú một mình trải qua thời lượng bao nhiêu, cùng cư trú với Thiên chúng trải qua thời lượng bao nhiêu, trở lại tách rời với Thiên chúng trải qua thời lượng bao nhiêu?

Đáp: Có người đưa ra cách nói này? Trải qua năm Trung kiếp chỉ cư trú một mình, trải qua năm Trung kiếp cùng cư trú với Thiên chúng, trải qua năm Trung kiếp trở lại tách rời với Thiên chúng.

Lại có người nói: Trải qua Trung kiếp chỉ cư trú một mình, trải qua mười Trung kiếp cùng cư trú với Thiên chúng, trải qua mười Trung kiếp trở lại tách rời với Thiên chúng.

Lời bình: Nên nói như vậy: Trải qua nữa kiếp chỉ cư trú một mình,

trải qua nữa kiếp cùng cư trú với Thiên chúng, trải qua nữa kiếp trở lại tách rời với Thiên chúng. Hai mươi Trung kiếp là số lượng của nữa kiếp.

Phạm phụ-Phạm chúng dựa vào tâm của địa Vị chí mạng chung rồi đầu thai, Đại Phạm dựa vào tâm của Tĩnh lự trung gian mạng chung rồi đầu thai. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì mạng chung rồi đầu thai thì tâm chỉ tương ưng vời xả thọ, mà xả thọ chỉ có ở địa Cận phần Tĩnh lự thứ nhất, chứ không phải là địa căn bản.

Dấy khởi các kiến này, mình chấp nhận tất cả. Loại này đối với năm kiến thì do kiến nào thâu nhiếp? Cho nên nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt về nghĩa trong kinh. Nghĩa là trong kinh nói: “Phạm chí Trường Trảo đi đến trú xứ của Đức Phật mà thưa với Đức Phật rằng: Thưa Kiều-Đáp-ma! Nên biết là tôi không chấp nhận tất cả…” Tuy trong kinh nói ra điều này mà không nói đến loại này đối với năm Kiến thì do kiến nào thâu nhiếp, thấy rõ đế nào mà đoạn bỏ được Kiến này? Kinh là nơi nương tựa căn bản của luận này, điều gì kinh chưa nói thì nay cần phải nói đến, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao gọi là Phạm chí Trường Trảo?

Đáp: Bởi vì thân và móng tay-chân của Phạm chí ấy đều dài, mà tạm thời nói là Phạm chí Trường Trảo.

Hỏi: Vị ấy lại vìu sao giữ móng tay-chân dài như vậy?

Đáp: Bởi vì vị ấy tham lam luyện tập theo đuổi sự nghiệp, không có thời gian để cắt bỏ. Có người nói như vậy: Vị ấy luôn luôn ở trong núi, móng tay-chân và râu tóc tuy dài mà không có người để cắt bỏ. Lại có người nói: Lúc vị ấy ở nhà vui thích luyện tập đàn-sáo, về sau tuy xuất gia mà hãy còn yêu thích móng tay dài, cho nên không cắt bỏ,

Có sư khác nói: Vị ấy xuất gia ở trong pháp của ngoại đạo, trong pháp của ngoại đạo có người giữ lại móng tay, cho nên nói vị ấy là Phạm chí Trường Trảo. Trong này, dùng hai sự để suy xét tìm tòi về các loại Kiến:

  1. Dùng tự tánh.
  2. Dùng đối trị.

Như văn nên biết.

Hỏi: Ác kiến này đẳng khởi như thế nào?

Đáp: Tôn giả Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên, tìm đến Đức Phật xin xuất gia, là đẳng khởi nói ở đây. Nghĩa là Phạm chí Trường Trảo, là cậu của Xá-lợi-tử, đã từng dạy cho Tôn giả về sách luận của ngoại đạo, nghe Xá-lợi-tử và Đại Mục-kiền-liên xuất gia theo Phật, trong lòng rất buồn phiền hối hận dấy lên suy nghĩ như vậy; Cảnh của trí vô cùng vô tận, giả sử hiểu sâu xa thì cuối cùng có nghĩa quay trở lại, Kiều-Đápma kia đa văn trí tuệ chắc chắn phải hơn hẳn Xá-lợi-tử…, mà nhất định phải có người hơn được, Kiều-Đáp-ma nhất định còn có người khác có thể hơn hẳn ông ta, như vậy lần lượt chuyển đổi thì cảnh của trí vô cùng vô tận, vì vậy mình không nên không tìm ra mọi cách! Dấy lên ý niệm này rồi đi đến trú xứ của Đức Phật mà thưa với Đức Phật rằng: Thưa Kiều-Đáp-ma! Nên biết là tôi không chấp nhận tất cả. Đức Thế Tôn bảo rằng: Ông có chấp nhận cách nhìn đã dấy khởi này hay không? Lúc ấy Phạm chí kia dấy lên tư duy này: Nếu trả lời rằng chấp nhận thì trái với cách mà mình đã lập, nếu nói không chấp nhận thì không hề có tông chỉ gì cả, nếu không hề có tông chỉ thì không phải là bàn luận về đạo! Tư duy rồi xấu hổ mà đứng im lặng không nói gì.

Lại nữa, Phạm chí Trường Trảo là người Đoạn kiến, vị ấy quán xét tất cả về sau sẽ chắc chắn đoạn dứt, cho nên Đức Phật bảo rằng: Cách nhìn do ông đã dấy khởi cũng sẽ đoạn dứt phải không?

Lại nữa, Phạm chí Trường Trảo là người do dự, vị ấy quán xét tất cả đều có thể do dự, cho nên Đức Phật bảo rằng: Ông đối với cách nhìn của mình cũng do dự phải không?

Nhưng mà Phạm chí ấy có trí xem xét về tướng, tự biết cách mà mình đã lập chắc chắn sẽ rơi vào thế thua cuộc, cho nên Phạm chí ấy đứng im lặng không nói gì. Đức Thế Tôn bảo rằng: Vô lượng hữu tình cùng chung cách nhìn với ông, ông cũng giống như họ. Nghĩa là các thể gian dựa vào ba loại nhìn nhận (kiến):

1. Có một loại người, khởi lên nhìn nhận như vậy, thiết lập cách nói như vậy, mình chấp nhận tất cả.

2. Có một loại người, khởi lên nhìn nhận như vậy, thiết lập cách nói như vậy, mình không chấp nhận tất cả.

3. Có một loại người, khởi lên nhìn nhận như vậy, thiết lập cách nói như vậy, mình chấp nhận một phần-không chấp nhận một phần.

Trong này, nếu nói tất cả mình đều chấp nhận, thì đó là dựa vào cách nhìn này mà sinh ra ái-tham trước; nếu nói tất cả mình đều không chấp nhận, thì đó là dựa vào cách nhìn này mà không sinh ra ái-tham trước; nếu nói mình chấp nhận một phần-không chấp nhận một phần, thì đó là dựa vào cách nhìn này mà một phần sinh ra ái-tham trước, một phần không sinh ra ái-tham trước.

Hỏi: Tất cả các loại kiến thì không có loại nào không có thể sinh ra ái mà tham đắm, tại sao Đức Thế Tôn nói dựa vào cách nhìn kia có người không sinh ra ái mà tham đắm?

Đáp: Nên biết rằng kinh ấy có ý nghĩa riêng, đó là người Thường kiến, chấp có đời sau thì đối với nghiệp có năng lực dẫn dắt phát khởi quả báo của đời sau, suy nghĩ mà sinh ra ái-tham đắm; nếu là người đoạn kiến, chấp không có đời sau thì đối với nghiệp có Như-lai dẫn dắt phát khởi quả báo của đời sau, suy nghĩ không sinh ra ái-tham trước, đó là ý nghĩ mà kinh ấy đã nói. Nhưng mà các loại kiến thì không có loại nào không có thể sinh ra ái-tham trước, đó là người đoạn kiến tin rằng có hiện tại tiến vào thai làm ban đầu-lúc mạng chung làm sau cuối, bác bnỏ không có đời khác. Ở trong cách nhìn này sinh ra ái-tham trước, bảo vệ cái chấp không khác gì so với người Thường kiến.

******

 

Như trong kinh nói: Đức Phật bảo với Phạm chí: Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn… rời bỏ ác kiến mà không giữ lấy, thì nên biết rằng loại này trong ít lại ít hơn.”

Hỏi: Loại này thế nào là trong ít lại ít hơn?

Đáp: Hữu tình ở thế gian, tánh ngu si chậm chạp thì như đất trên mặt đất, tánh thông minh trí tuệ thì như đất trên móng tay; trong tánh thông minh trí tuệ, tà kiến nhiều mà Chánh kiến thì ít, thí dụ như trước nói, vì thế cho nên gọi là trong ít lại ít hơn.

Hỏi: Như chương Kiến Uẩn nói Đoạn kiến và Thường kiến thì lần lượt chuyển đổi trái ngược nhau, vì sao trong này nói có một loại người khởi lên cách nhìn như vậy, mình chấp nhận một phần-không chấp nhận một phần, mà không trái ngược nhau?

Đáp: Trong này nói một Bổ-đặc-già-la, nếu chấp Sắc uẩn làm Thường thì đó là chấp bốn Uẩn làm Đoạn, nếu chấp bốn Uẩn làm Thường thì đó là chấp Sắc uẩn làm Đoạn, cho nên hai cách nhìn này không phải là trái ngược lẫn nhau. Trong chương Kiến Uẩn nói hai Bổđặc-già-la, một chấp Sắc là Thường, một chấp sắc là Đoạn, cho đến chấp Thức cũng có hai loại, cho nên hai cách nhìn ấy lần lượt chuyển đổi trái ngược nhau.

Kinh ấy lại nói: “Lúc Đức Thế Tôn nói về pháp của các loại kiến này, Phạm chí Trường Trảo xa lìa trần cấu, ở trong các pháp phát sinh nhãn Pháp nhãn thanh tịnh, lúc ấy Xá-lợi-tử thọ giới cụ túc đã trải qua

nửa tháng, thuận theo quán xét pháp này đạt được A-la-hán.” Hỏi: Lúc ấy Xá-lợi-tử thuận theo quán xét pháp nào?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu đưa ra cách nói như vậy: “Tôn giả Xá-lợitử liền thuận theo quán xét về pháp của các loại kiến mà Đức Thế Tôn nói cho Phạm chí kia, thành tựu quả vị A-la-hán.”

Lại có người nói: Tông giả Xá-lợi-tử liền thuận theo quán xét về pháp mà Phạm chí đã quán về đạo đạt được quả Dự lưu, thành tựu quả vị A-la-hán.

Có người đưa ra cách nói này: Tôn giả Xá-lợi-tử liền thuận theo quán xét về pháp mà Phạm chí có năng lực chứng Học đạt được quả Dự lưu, thành bậc A-la-hán.

Đại đức nói rằng: Lúc ấy Xá-lợi-tử thuận theo quán xét về pháp duyên khởi có tánh sai biệt của mười hai chi, thành tựu quả vị A-la-hán. Đó gọi là pháp mà Xá-lợi-tử đã thuận theo quán xét.

Dấy khởi các kiến này, có A-la-hán bị Thiên ma làm cho hỗn loạn mà lỡ chảy ra bất tịnh. Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt sau khi Đức Phật Niết-bàn, giả danh Tỳkheo mà khởi lên ác kiến, giúp cho người có trí nhận biết mà kềm chế, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Dấy khởi các kiến này, có A-la-hán bị Thiên ma làm cho hỗn loạn mà lỡ chảy ra bất tịnh. Loại này đối với năm kiến thì thuộc về kiến nào, thấy rõ Đế nào mà đoạn bỏo được kiến này?

Đáp: Không phải là nhân mà chấp làm nhân thì thuộc về Giới cấm thủ, do kiến Khổ mà đoạn. Trong này, không phải là nhân mà chấp làm nhân, nghĩa là bất tịnh kia từ phiền não sinh ra, mà nói là bị Thiên ma làm cho hỗn loạn mà chảy ra, vốn là lấy Giới cấm thủ để làm tự tánh. Do kiến Khổ mà đoạn là hiển bày về pháp đối trị của nó, lúc Khổ trí phát sinh cóo năng lực đoạn bỏ ác kiến điên đảo, phân biệt không thật, suy xét tìm tòi không thật như vậy, làm cho vĩnh viễn diệt mất, cho nên nói là do kiến khổ mà đoạn, nói rộng ra như trước.

Hỏi: Dấy khởi các kiến này, có A-la-hán đối với sự giải thoát của mình, hãy còn có chỗ không hiểu biết gì. Loại này đối với năm kiến thì thuộc về kiến nào, thấy rõ đế nào mà đoạn bỏ được kiến này?

Đáp: Bài báng Trí-Kiến vô lậu của A-la-hán thì thuộc về tà kiến, do kiến đạo mà đoạn. Trong này, bài báng Trí-Kiến vô lậu của A-lahán, nghĩa là A-la-hán đối với sự giải thoát của mình, nhờ vào Trí-Kiến vô lậu đã lài bỏ không hiểu biết gì, mà nói là hãy còn có chỗ không hiểu biết gì, là bác bỏ không có Trí-Kiến vô lậu ấy, cho nên lấy Tà kiến để làm tự tánh. Do kiến Đạo mà đoạn là hiển bày về pháp đối trị của nó, lúc đạo trí phát sinh có năng lực đoạn bỏ ác kiến điên đảo… như vậy, cho đến nói rộng ra như trước nên biết.

Hỏi: Dấy khởi các kiến này có A-la-hán đối với sự giải thoát của mình, hãy còn có chỗ nghi hoặc. Loại này đối với năm kiến thì thuộc về kiến nào, thấy rõ đế nào mà đoạn bỏ được kiến này?

Đáp: Bài báng A-la-hán vượt qua nghi hoặc thì thuộc về Tà kiến, do kiến đạo mà đoạn. Trong này, bài báng A-la-hán vượt qua nghi hoặc, nghĩa là A-la-hán đối với sự giải thoát của mình, nhờ vào đạo vô lậu đã đoạn dứt nghi hoặc, mà nói là hãy còn có chỗ nghi hoặc, là bác bỏ không có đạo ấy, cho nên lấy tà kiến để làm tự tánh. Do kiến đạo mà đoạn là hiển bày về pháp đối trị của nó, lúc đạo trí phát sinh có năng lực đoạn bỏ ác kiến điên đảo… như vậy, cho đến nói rộng ra như trước nên biết.

Hỏi: Dấy khởi các Kiến này, có A-la-hán chỉ nhờ vào người khác mà được độ thoát. Loại này đối với năm kiến thì thuộc về Kiến nào, thấy rõ Đế nào mà đoạn bỏ được kiến này?

Đáp: Bài báng A-la-hán không có chướng ngại-không có rời bỏ, hiện lượng Tuệ nhãn-Thân chứng tự tại thì thuộc về Tà kiến, do kiến đạo mà đoạn. Trong này, bài báng A-la-hán không có chướng ngạikhông có rời bỏ, hiện lượng tuệ nhãn-thân chứng tự tại, nghĩa là A-lahán thật sự tự mình chứng được không có chướng ngại-không có rời bỏ, hiện lượng Tuệ nhãn-Thân chứng tự tại, không phải là chỉ nhờ vào người khác mà được độ thoát, nhưng nói là chỉ nhờ vào người khác cho nên được độ thoát, là bài báng Thánh đạo, cho nên lấy Tà kiến để làm tự tánh. Do kiến đạo mà đoạn là hiển bày về pháp đối trị của nó, lúc đạo trí phát sinh có năng lực đoạn bỏ ác kiến điên đảo… như vậy, cho đến nói rộng ra như trước nên biết.

Hỏi: Dấy khởi các Kiến này, Đạo và Đạo chi, hoặc là do ngôn từ mà gọi. Loại này đối với năm kiến thì thuộc về Kiến nào, thấy rõ đế nào mà đoạn bỏ được kiến này?

Đáp: Không phải là nhân mà chấp làm nhân thì thuộc về Giới cấm thủ, do kiến khổ mà đoạn. Trong này, không phải là nhân mà chấp làm nhân, nghĩa là các Thánh đạo cần phải tu mới đạt được, mà nói là do ngôn từ có thể gọi làm cho phát khởi, cho nên lấy Giới cấm thủ để làm tự tánh. Do kiến khổ mà đoạn là hiển bày về pháp đối trị của nó, lúc khổ trí phát sinh có năng lực đoạn bỏ ác kiến điên đảo… như vậy, cho đến nói rộng ra như trước nên biết. Loại này đối với quả của khổ chấp làm nhân của đạo, cho nên lúc thấy khổ thì vĩnh viễn đoạn bỏ kiến này.

Đã nói về tự tánh của năm loại ác kiến và pháp đối trị của nó.

Đẳng khởi là thế nào? Đó là nhân duyên của Đại Thiên, là Đẳng khởi nói đến ở đây.

Xưa ở nước Mạt-thổ-la có một người chủ buôn tuổi trẻ cưới vợ sinh ra một bé trai, diện mạo đoan chánh, đặt cho tên gọi Đại Thiên. Thời gian chưa bao lâu, người chủ buôn mang vật báu đi xa đến nước khác, lần lượt vòng quanh buôn bán qua một thời gian dài không trở về. Người con trai trưởng thành nhiễm uế (quan hệ tình dục) với mẹ, sau đó nghe cha trở về thì lòng dạ đã lo sợ, cùng với mẹ bày mưu kế liền giết chết cha mình. Kẻ ấy đã tạo ra một nghiệp vô gián rồi. Sự việc dần dần lộ ra rõ ràng, liền dẫn mẹ mình lần lượt vòng quanh tìm nơi chạy trốn, ẩn náu trong thành Ba-tra-lê. Sau một thời gian, kẻ ấy lại gặp Tỳ-kheo A-la-hán đã cúng dường ở nước mình, lại sợ rằng sự việc bại lộ, liền tìm cách giết chết Tỳ-kheo ấy. Đã tạo ra nghiệp vô gián thứ hai rồi, tâm càng ưu sầu buồn thảm. Sau đó lại thấy mẹ mình quan hệ lại với người khác, liền giận dữ nói rằng: Tôi vì điều này mà tạo ra hai tội nặng, lưu lạc đến nước khác lênh đênh mãi không yên, nay bà còn bỏ tôi mà yêu thích người khác, xấu xa như vậy thì ai có thể chịu đựng nổi! Thế là tìm cách trở lại giết chết mẹ mình. Kẻ ấy tạo ra nghiệp vô gián thứ ba rồi, nhờ vào sức mạnh của căn thiện không đoạn mất ấy, cho nên ưu sầu hối hận hết sức, quên ăn bỏ ngủ trằn trọc không yên, tự mình suy nghĩ tội nặng nhờ vào đâu mà diệt trừ hết? Kẻ ấy sau đó nghe đồn Sa-môn Thích tử có pháp diệt tội, liền đi đến nơi Tăng già-lam Kê Viên, ở bên ngoài cổng già lam gặp một Tỳ-kheo chầm chậm bước kinh hành, tụng bài kệ rằng:

Nếu người đã tạo ra tội nặng, tu tập pháp thiện để diệt trừ,

Người ấy có thể chiếu thế gian, như vầng trăng ra khỏi mây che.

Lúc ấy kẻ tạo tội nghe rồi vui mừng nhảy lên sung sướng, biết là quay về với giáo pháp của Phật thì nhất định có năng lực diệt hết tội lỗi. Vì vậy lập tức đi đến trú xứ của một Tỳ-kheo, tha thiết cố sức cầu xin độ cho xuất gia. Lúc ấy Tỳ-kheo thấy đã cố sức cầu xin, liền độ cho xuất gia chứ không tra hỏi kỹ càng, lại đặt tên là Đại Thiên mà giảng dạy khuyên nhắc. Đại Thiên thông minh trí tuệ, xuất gia không bao lâu thì có thể tụng trì văn nghĩa trong ba Tạng, ngôn từ rõ ràng khéo léo, dễ dàng có thể cảm hóa dẫn dắt, cả thành Ba-tra-lê không có ai không quy kính ngưỡng mộ. Nhà vua nghe tiếng, mời gọi thường xuyên vào trong cung, cúng dường cung kính mà thỉnh cầu nói pháp. Sau đó đã rời khỏi cung vua, ề trong chùa Tăng, vì tư duy không chính đáng cho nên mộng thấy chảy ra bất tịnh. Nhưng vị ấy trước đây xưng là A-la-hán, mà khiến đệ tử giặt y phục đã vấy bẩn, đệ tử thưa rằng: A-la-hán thì các lậu đã hết, nay tại sao Thầy vẫn còn có chuyện này? Đại Thiên bảo rằng: Bị Thiên ma làm cho nhiễu loạn, ông không nên cảm thấy quái lạ. Nhưng mà sai lầm chảy ra (lậu thất), tóm lược có hai loại:

  1. Phiền não.
  2. Bất tịnh.

Sai lầm phát ra phiền não thì sao như vậy? Bởi vì A-la-hán tuy không còn phiền não, mà lẽ nào không có những sự việc như đại tiệntiểu tiện-nhổ mũi-khác đàm… hay sao? Nhưng các Thiên ma thường xuyên đối với Phật pháp mà sinh ra ghen ghét, thấy người tu pháp thiện thì đến phá hoại, cho dù A-la-hán cũng bị chúng nhiễu loạn, cho nên Ta sai lầm chảy ra là do Thiên ma đã làm, nay ông không cần phải có sự nghi ngờ cảm thấy quái lạ. Đó gọi là Đẳng khởi thuộc ác kiến thứ nhất.

Vả lại, Đại thiên kia muốn làm cho đệ tử hoan hỷ gần gũi, cố ý tìm cách lần lượt thọ ký riêng biệt về bốn quả Sa-môn. Lúc ấy đệ tử của ông ta cúi đầu lạy thưa rằng: Bậc A-la-hán cần phải có trí chứng đắc, tại sao chúng còn đều không tự mình biết mình. Vị ấy liền bảo rằng: Các A-la-hán cũng có chỗ không hiểu biết gì, nay các ông không nên không tin vào chính mình, nghĩa là các sự không hiểu biết gì tóm lược có hai loại:

  1. Nhiễm ô, bậc A-la-hán đã không có.
  2. Không nhiễm ô, bậc A-la-hán hãy còn có.

Vì vậy hạng các ông không thể nào tự mình biết được. Đó gọi là Đẳng khởi thuộc ác kiến thứ hai.

Lúc ấy đệ tử lại thưa với ông ta rằng: Từng nghe Thánh giả đã vượt qua nghi hoặc, atị sao chúng con ở trong Đế chân thật hãy còn ôm lòng nghi hoặc? Vị ấy lại bảo rằng: Các A-la-hán cũng có chỗ nghi hoặc, nghi có hai loại:

  1. Nghi thuộc tánh tùy miên, A-la-hán đã đoạn trừ.
  2. Nghi về xứ-phi xứ, A-la-hán chưa đoạn trừ.

Độc giác đối với loại này mà hãy còn thành tựu, huống là Thanh văn các ông mà tự xem thường có thể không có nghi hoặc đối với các Đế chân thật hay sao? Đó gọi là Đẳng khởi thuộc ác kiến thứ ba.

Sau đó đệ tử của ông ta mở các kinh ra đọc, nói A-la-hán có Tuệ nhãn bậc Thánh, đối với sự giải thoát của mình có năng lực tự mình chứng biết, vì vậy thưa với Thầy rằng: Chúng con nếu là A-la-hán thì phải tự mình chứng biết, tại sao chỉ nhờ vào Thầy làm cho tiến vào chứ không có trí hiện hành có năng lực tự mình chứng biết? Vị ấy liền trả lời rằng: Có A-la-hán chỉ nhờ vào người khác mà tiến vào chứ không có năng lực tự mình biết được, như Xá-lợi-tử trí tệu bậc nhất, Đại Mụckiền-liên thần thông bậc nhất, nếu Đức Phật chưa thọ ký thì các vị ấy không tự mình biết được, huống là nhờ vào người khác để tiến vào mà có thể tự mình biết rõ hay sao? Vì vậy các ông không cần vặn hỏi đến cùng đối với điều này. Đó gọi là Đẳng khởi thuộc ác kiến thứ tư.

Nhưng Đại Thiên kia tuy tạo ra nhiều điều ác, mà ácc căn thiện không đoạn diệt, cho nên sau đó vào giữa đêm tự mình suy nghĩ về tội nặng, sẽ nhận chịu các nỗi khổ đau dữ dội ở nơi nào, lo buồn sợ hãi bức bách làm cho nhiều lần nói to lên: Đau khổ thay! Đệ tử ở gần bên cạnh nghe mà kinh hãi cảm thấy quái lạ, sáng sớm thăm viếng hỏi han, sinh hoạt thường ngày yên ổn hay không? Đại Thiên trả lời rằng: Ta rất an lạc. Đệ tử liền thưa: Nếu như vậy thì đêm qua tại sao nói to là đau khổ thay? Vị ấy liền bảo rằng: Ta gọi Thánh đạo, ông không cần phải lấy làm quái lạ, nghĩa là các Thánh đạo nếu không chí thành gọi đau khổ thì nói mạng chung sẽ không hiện khởi, cho nên đêm qua Ta nhiều lần nói to là đau khổ thay! Đó gọi là Đẳng khởi thuộc ác kiến thứ năm.

Đại Thiên về sau tập hợp năm sự về ác kiến đã nói trước đây, mà làm bài tụng nói:

Còn sự dạy dỗ không biết gì, do dự tiến vào nhờ người khác, đạo nhờ vào thanh mà phát khởi, đó gọi là Phật dạy chân thật.

Về sau, trong chùa Kê Viên, nhiều Tỳ-kheo Thượng tọa dần dần đều qua đời, vào đêm của ngày mười lăm lúc bố tát, thứ tự là Đại Thiên bước lên chỗ ngồi thuyết giới, vị ấy liền tự tụng bài kệ của mình làm ra. Lúc bấy giờ người Hữu học-Vô học-Đa văn-Trì giới-tu Tĩnh lự trong chúng, nghe bài kệ đã nói ấy, không có ai không kinh hãi chỉ trích: Quái gở thay, người ngu si lẽ nào nói ra như vậy, điều này ở trong ba Tạng chưa từng nghe đến! Tất cả lập tức so sánh sửa lại bài tụng ấy rằng: Còn sự dạy dỗ chưa biết gì, do dự tiến vào nhờ người khác, Đạo nhờ vào thanh mà phát khởi, ông nói trái với lời Phật dạy.

Thế là suốt đêm tranh cãi không dứt, cho đến sáng bảnh thì bộ phái càng trở thành mạnh mẽ, dân chúng trong thành cho đến quan lại, lần lượt cùng nhau đến giải hòa nhưng đều không thể nào chấm dựt được. Nhà vua nghe tin tự mình rời khỏi cung đi đến chùa Tăng, thế là hai bộ phái đều chấp vào bài tụng của mình. Lúc ấy nàh vua nghe rồi cũng tự mình sinh lòng nghi ngờ, liền thưa với Đại Thiên: Ai sai-ai đúng, bây giờ chúng tôi nên dựa vào bộ phái nào? Đại Thiên thưa với nhà vua: Trong Giới kinh nói nếu muốn dập tắt tranh cãi thì dựa vào lời nói của nhiều người. Nhà vua liền lệnh cho Tăng của hai bộ phái cư trú tách biệt, trong bộ phái Thánh hiền thì người lớn tuổi tuy nhiều mà Tăng số ít, trong đó bộ phái Đại Thiên thì người lớn tuổi tuy ít mà Tăng số nhiều. Nhà vua liền thuận theo số nhiều mà dựa vào chúng của Đại Thiên, quở trách chế phục bộ chúng còn lại, sự việc kết thúc nhà vua trở về cung.

Lúc bấy giờ sự tranh cãi trong chùa kê Viên hãy còn chưa dứt, sau đó tùy theo cách nhìn khác nhau liền phân làm hai Bộ:

  1. Thượng tọa bộ.
  2. Đại chúng bộ.

Lúc ấy các vị Hiền Thánh biết chúng sai trái, liền rời chùa Kê Viên muốn đi đến nơi khác. Các quan nghe tin đồn liền nhanh chóng thưa với nhà vua, nhà vua nghe nói đã nổi giận lập tức truyền lệnh các quan rằng: Nên dẫn tất cả đến bên bờ sông Hằng, dùng thuyền rách chở ra giữa dòng cho chìm xuống, thì nghiệm đúng phái này là Thánh hay là phàm! Các quan vâng lệnh nhà vua ban ra, liền dẫn đi nghiệm xét thử xem. Lúc ấy các vị Hiền Thánh đều khởi lên thần thông, giống như chim Nhạn chúa giương cánh mà bay lượn giữa hư không, lại dùng thần lực hút lấy những người chưa đạt được thần thông đang ở trong thuyền cùng rời chùa Kê Viên, hiện bày các loại thần thông biến hóa, là ra các loại hình tướng, sau đó cưỡi hư không theo hướng Tây Bắc mà đi.

Nhà vua nghe thấy rồi sinh lòng hổ thẹn hối hận vô cùng, buồn phiền bất tỉnh ngã khụy xuống đất, lấy nước vẩy vào mới tỉnh lại, lập tức sai người đi tìm nơi các vị ấy đến. Người đi tìm trở về cho biết là ở nước Ca-thấp-di-la. Nhà vua lại cố sức thỉnh cầu trở về nhưng các vị Tăng đều từ chối lời thỉnh cầu. Nhà vua liền xả bỏ toàn bộ dất nước Cathấp-di-la, tạo lập chùa Tăng sắp xếp yên ổn cho chúng Hiền Thánh, hễ nơi nào trước đây đã biến hóa làm ra các loại hình tướng, thì dùng dấu hiệu đề tên là chùa tăng, nghĩa là số lượng có năm trăm chỗ như chùa Kê Viên… Lại sai người đi sứ mang nhiều châu báu, lo liệu mọi thứ đồ vật mà cúng dường đầy đủ. Vì vậy từ lúc ấy đến nay, ở nước này có nhiều các chúng Hiền Thánh duy trì giữ gìn Phật pháp.

Tương truyền từ lúc làm ra cho đến bây giờ hãy còn rất nhiều. Vua Ba-tra-lê đã mất đi chúng Hiền Thánh ấy, tự mình theo cúng dường Tăng ở chùa Kê Viên. Về sau đại Thiên nhân dịp đi qua thôn làng, có người xem tướng gặp được, lúc ấy trộm nhìn rồi người ấy nói: Nay

Thích tử này sau bảy ngày nữa chắc chắn là mạng chung. Đệ tử nghe tin ưu sầu sợ hãi mà thưa trình cho biết, vị ấy liền trả lời rằng: Ta đã biết từ lâu. Về đến chùa Kê Viên sai các đệ tử phân tán đi khắp nơi nói cho nhà vua và các quan chức-Trưởng giả-Cư sĩ trong thành Ba-tra-lê biết, sau bảy ngày nữa Ta sẽ Niết-bàn. Nhà bua và tất cả mọi người nghe tin thảy đều than tiếc đau buồn. Đến ngày thứ bảy thì vị ấy mạng chung, vua và các quan cùng tất cả dân chúng trong thành đau xót nhớ thương, cùng lo liệu củi thơm, và các vật dụng như dầu bơ-hoa hương … tập trung vào một nơi mà hỏa táng thi hài. Lúc cầm lửa đến đốt thì hễ đến nơi là tắt, tìm đủ mọi cách nhưng cuối cùng không thể nào đốt được. Có thầy xem tướng nói với mọi người rằng: Vị ấy không cần những đồ dùng hỏa táng thù thắng này đâu, nên lấy phân chó mà rắc vào cho dơ bẩn. Thế la làm theo lời nói ấy, châm lửa vào lập tức bừng cháy lên, trong chốc lát đốt cháy thi hài, phút chốc thành tro bụi, gió mạnh bất ngờ thổi đến làm cho bay tản ra không sót lại gì. Bởi vì đó là Đẳng khởi của ác kiến trước kia, cho nên những người có trí cần phải mà tránh ác kiến!