LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Năm trăm Đại A-la-hán cùng tạo luận
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch Phạn sáng Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

CHƯƠNG VII: ĐỊNH UẨN

Phẩm Thứ Hai: LUẬN VỀ DUYÊN

(Từ cuối quyển 162 – quyển 165)

Có tám Đẳng chí, đó là bốn Tĩnh lự, bốn Vô sắc. Có ba Đẳng chí, đó là Vị tương ưng, Tịnh và Vô lậu. Trong này, bảy địa trước đều có đủ ba loại, địa thứ tám chỉ có hai loại, đó là trừ ra Vô lậu. Các chương như vậy và giải thích về nghĩa từng chương đã lĩnh hội rồi, tiếp theo cần phải phân biệt rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì cần phải ngăn chặn tông chỉ của người khác để hiển bày nghĩa lý của mình. Đó là hoặc có người nói: Tám Đẳng chí không thâu nhiếp tất cả các Đẳng chí. Hoặc có người nói: Đẳng chí chỉ là Tịnh và Vô lậu chứ không phải là Vị tương ưng. Hoặc có người nói: Cõi Dục và Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng có Vô lậu. Hoặc có người nói: Không có thành tựu Đẳng chí. Vì ngăn chặn các loại ý chấp lạ lùng như vậy, hiển bày tám Đẳng chí thâu nhiếp tất cả Đẳng chí, cho đến có thành tựu Đẳng chí, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Nếu tám Đẳng chí thâu nhiếp tất cả Đẳng chí, thì trong Tỳnại-da nói nên hiểu thế nào? Như nói: “Đức Phật đã tiến vào Đẳng chí, tất cả Thanh văn-Độc giác hãy còn không biết tên gọi ấy; Độc giác đã tiến vào Đẳng chí, tất cả Thanh văn không biết; Xá-lợi-tử đã tiến vào, những Thanh văn khác không biết; Đại Mục-kiền-liên đã tiến vào, trừ ra Xá-lợi-tử, Thanh văn khác không biết.” Tại sao nói tám Đẳng chí thâu nhiếp tất cả Đẳng chí?

Đáp: Tất cả Đẳng chí đều thâu nhiếp ở trong tám Đẳng chí, nhưng bởi vì chủng tánh Bát-nhã có sai biệt, cho nên khiến Đẳng chí đã tiến vào-rời ra cũng có mạnh-yếu. Yếu thì đối với mạnh không có thể đoán biết, cho nên đưa ra cách nói này. Vì vậy cho nên nói lúc Đức Phật nhập Niết-bàn, tiến vào Đẳng chí Bất Động Minh; lúc Xá-lợi-tử nhập Niết-bàn, tiến vào Đẳng chí Sư Tử Phấn Tấn; lúc Đại Mục-kiền-liên nhập Niết-bàn, tiến vào Đẳng chí Hương Tượng Tần Thân; lúc tôn giả A-nan-đà nhập Niết-bàn, tiến vào Đẳng chí Hoàn Phong, đều bởi vì Căn-Tuệ có sai biệt, cho đến lúc nhập Niết-bàn, đã tiến vào Đẳng chí cũng có sai biệt.

Hỏi: Đẳng trì và Đẳng chí có gì sai biệt?

Đáp: Có người nói: Đẳng trì lấy pháp làm Thể, Đẳng chí lấy năm Uẩn làm Thể.

Có người nói: Đẳng trì chỉ một sát-na, Đẳng chí thì nối tiếp nhau.

Có người nói: Các Đẳng trì tức là Đẳng chí. Có lúc Đẳng chí không phải là Đẳng trì, đó là Đẳng chí Vô tưởng, Đẳng chí Diệt tận.

Có người nói: Cũng có lúc Đẳng trì không phải là Đẳng chí, đó là Đẳng trì tương ưng với tâm bất định. Vì vậy nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc Đẳng chí không phải là Đẳng trì, đó là hai Định không có tâm.

2. Có lúc Đẳng trì không phải là Đẳng chí, đó là Đẳng trì tương ưng với tâm bất định.

3. Có lúc Đẳng chí cũng là Đẳng trì, đó là tất cả các Định có tâm.

4. Có lúc không phải là Đẳng chí cũng không phải là Đẳng trì, đó là trừ ra những tướng trước.

Tĩnh lự thứ nhất có ba loại, đó là Vị tương ưng, Tịnh và Vô lậu. Vị tương ưng, đó là Ái tương ưng, Ái có thể giữ tâm buộc chặt vào cảnh, tướng ấy thuận với Định cho nên một mình nhận lấy tên gọi ấy, những nhân duyên khác như trước đã nói. Tịnh đó là thiện hữu lậu. Vô lậu đó là Thánh đạo.

Hỏi: Định thiện hữu lậu, có vết bẩn, có hỗn loạn, có chất độc, có gai nhọn, có rò rỉ, có sai lầm, tại sao gọi là Tịnh?

Đáp: Tuy không phải là hoàn toàn Tịnh, mà bởi vì Tịnh thuộc phần ít cho nên gọi là Tịnh. Nghĩa là không xen tạp phiền não, trái ngược với phiền não, dẫn dắt phát khởi Tịnh thuộc thắng nghĩa vô lậu, thuận với Thánh đạo, quyến thuộc của Vô lậu.

Hỏi: Đẳng chí Vô lậu là Tịnh thuộc thắng nghĩa, vì sao không gọi là Tịnh?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói, thì nên biết là có khác.

Có người nói: Vô lậu gọi là Tịnh, điều ấy tất cả đều biết rõ ràng; hữu lậu gọi là Tịnh, không phải là tất cả đều biết, vì vậy chỉ nói đến hữu lậu.

Có người nói: Lập thành tên gọi dựa vào nghĩa sai biệt, Định thiện hữu lậu, đầu tiên là trái với pháp nhiễm, nghĩa của Tịnh là hơn hẳn, cho nên gọi là Tịnh; Thánh đạo đoạn trừ lậu, nghĩa của Vô lậu là hơn hẳn, cho nên gọi là Vô lậu.

Như Tĩnh lự thứ nhất có ba loại, cho đến Vô sở hữu xứ có ba loại cũng như vậy. Phi tưởng phi phi tưởng xứ chỉ có hai loại, đó là trừ ra Vô lậu, bởi vì cõi Dục và Hữu Đảnh không có Thánh đạo.

Hỏi: Vì sao hai địa này không có Thánh đạo?

Đáp: Bởi vì không phải là ruộng đất, không phải là đồ chứa, cho đến nói rộng ra.

Lại nữa, cõi Dục không phải là địa của Định, không phải là địa của Tu, không phải là địa của lìa nhiễm, Hữu Đảnh thì mông muội-chậm chạp-yếu kém; phải là địa của Định, địa của Tu, địa của lìa nhiễm, sáng tỏ-nhanh nhạy-mạnh mẽ thì mới có Thánh đạo.

Có người nói: Cõi Dục tăng mạnh về trạo cử, Hữu Đảnh tăng mạnh về trầm lặng; phải là địa không quá nhiều trạo cử, không quá nhiều trầm lặng thì mới có Thánh đạo.

Có người nói: Cõi Dục thì tán loạn, Hữu Đảnh thì do dự; phải là địa vắng lặng-quyết định thì mới có Thánh đạo.

Có người nói: Cõi Dục và Hữu Đảnh là phía dưới-phía trên, Thánh đạo ở giữa không thuộc về phía nào.

Có người nói: Cõi Dục-Hữu Đảnh là gốc rễ của nghiệp nhân và quả báo(hữu) cho nên không có Thánh đạo, đó là cây sinh tử, hoặc là gốc rễ ở dưới, thân-cành… ở trên; hoặc là gốc rễ ở trên, thân-cành ở dưới. Cõi Dục thì gốc rễ ồn ào hỗn tạp, nói là gốc rễ ở dưới, bởi vì có đủ năm nẽo. Hữu Đảnh thì gốc rễ khó lìa bỏ, nói là gốc rễ ở trên, bởi vì lìa bỏ cuối cùng. Nếu dựa vào gốc rễ ồn ào hỗn tạp làm cây sinh tử, thì cõi Dục làm gốc rễ, bốn Tĩnh lự làm thân, ba Vô sắc làm cành, Hữu Đảnh làm nhánh lá. Nếu dựa vào gốc rễ khó lìa bỏ làm cây sinh tử, thì Hữu Đảnh làm gốc rễ, ba Vô sắc làm thân, bốn Tĩnh lự làm cành, cõi Dục làm nhánh lá. Vì vậy nói cõi Dục-Hữu Đảnh là gốc rễ của nghiệp nhân và quả báo. Bởi vì là gốc rễ của nghiệp nhân và quả báo, cho nên không có Thánh đạo.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là Ái cõi Dục chưa hết. Bởi vì Ái của địa dưới chưa hết, cho nên chắc chắn thành tựu Ái của địa trên, chắc chắn chưa đạt được Tịnh-Vô lậu Căn bản của địa trên.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là dị sinh sinh vào cõi Dục và cõi Phạm Thế, Ái cõi Phạm Thế không còn. Bởi vì sinh vào địa này hoặc là địa dưới, mà Ái của địa này chưa hết, cho nên chắc chắn thành tựu Tịnh của địa này, chắc chắn không thành tựu Vị tương ưng của địa này. Vả lại, bởi vì dị sinh cho nên không thành tựu Vô lậu.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng-Tịnh chăng?

Đáp: Có, đó là Thánh giả sinh trên cõi Phạm Thế. Bởi vì Thánh giả sinh ở địa trên, cho nên chắc chắn thành tựu Vô lậu của địa dưới. Chắc chắn không thành tựu Vị tương ưng-Tịnh của địa dưới, bởi vì Vị tương ưng đã đoạn, Tịnh vượt qua cõi-địa thì xả.

Hỏi: Sinh ở địa trên cũng thành tựu tâm Thông quả của địa dưới, vì sao nói là không thành tựu Tịnh của địa dưới?

Đáp: Có người nói: Vô phú vô ký cũng gọi là Tịnh, mà trong này không nói đến, bởi vì đó là quả của địa trên, cho nên không gọi là Tịnh của địa dưới. Vả lại, tất cả các địa có thể đạt được thì trong này nói đến, tâm Thông quả ở cõi Vô sắc không có, vì vậy không nói đến.

Nói như vậy thì Tịnh của Định nói đến trong này là thiện hữu lậu, cho nên không phải là vấn nạn.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Vị tương ưng-Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là dị sinh sinh vào cõi Dục, Ái cõi Dục không còn, Ái cõi Phạm Thế chưa hết, và sinh ở cõi Phạm Thế, Ái cõi Phạm Thế chưa hết. Bởi vì sinh vào địa này hoặc là địa dưới, mà Ái của địa này chưa hết, cho nên chắc chắn thành tựu Vị tương ưng-Tịnh của địa này. Vả lại, bởi vì dị sinh cho nên không thành tựu Vô lậu.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Vị tương ưng-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh chăng?

Đáp: Không có, bởi vì thành tựu Vị tương ưng-Vô lậu của địa này, thì chắc chắn thành tựu Tịnh của địa này.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng chăng?

Đáp: Có, đó là Thánh giả sinh vào cõi Dục và cõi Phạm Thế, Ái cõi Phạm Thế không còn. Bởi vì Thánh giả sinh vào địa này hoặc là địa dưới, mà Ái của địa này không còn, thì chắc chắn thành tựu Tịnh-Vô lậu của địa này chứ không phải là Vị tương ưng.

Hỏi: Có thể có lúc thành tựu Vị tương ưng-Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Có, đó là Thánh giả sinh vào cõi Dục, Ái cõi Dục không còn, Ái cõi Phạm Thế chưa hết, và sinh ở cõi Phạm Thế, Ái cõi Phạm Thế chưa hết. Bởi vì Thánh giả sinh vào địa này hoặc là địa dưới, mà Ái của địa này không còn. Bởi vì Ái của địa này chưa hết, thì chắc chắn thành tựu ba loại của địa này.

Hỏi: Có thể có lúc không thành tựu Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là Thánh giả sinh vào cõi Dục và cõi Phạm Thế, Ái cõi Phạm Thế không còn.

Những văn như vậy đều nói như bản luận, tùy theo sự thích hợp ngược lại với thành tựu, cần phải nói rộng ra.

Hỏi: Ái cõi Phạm Thế không còn, cũng không thành tựu Tịnh thuộc phần lui sụt của Tĩnh lự thứ nhất, vì sao trong này không nói?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói đến không thành tựu toàn phần, ở cõi ấy tuy không thành tựu thuận phần lui sụt, mà thành tựu loại khác, cho nên không nói đến.

Hỏi: Vì sao Tịnh của Định vượt qua cõi-địa thì xả, chứ không phải là Vô lậu?

Đáp: Tịnh của Định là hữu lậu, rơi vào cõi-địa, sinh ở địa trên chán ngán địa dưới, và bởi vì không có tác dụng thì xả. Vô lậu tuy rơi vào địa mà không rơi vào cõi, sinh ở địa trên mà không chán ngán địa dưới, tuy không có tác dụng mà không xả.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là lúc từ cõi Phạm Thế không còn Ái mà lui sụt, và lúc trên cõi Phạm Thế chết đi sinh vào cõi Dục.

Hỏi: Lúc ở cõi Phạm Thế không còn Ái mà lui sụt, cũng đạt được Tịnh thuộc phần lui sụt của Tĩnh lự thứ nhất, vì sao trong này không nói?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói đến đạt được toàn phần, ở cõi ấy chỉ đạt được phần ít, cho nên không nói đến.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là lúc dị sinh không còn Ái cõi Dục, bởi vì lúc ấy lìa nhiễm cõi Dục là đạo giải thoát thứ chín, đạt được Tịnh Căn bản của Tĩnh lự thứ nhất.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng-Tịnh chăng?

Đáp: Có, đó là lúc dựa vào Tĩnh lự-Tĩnh lự trung gian, tiến vào Chánh tánh ly sinh, và lúc đạt được quả A-la-hán.

Hỏi: Tiến vào Chánh tánh ly sinh, cũng đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, đó là Thế tục trí Hiện quán biên, vì sao trong này không nói?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói đến đạt được toàn phần, lúc ấy chỉ đạt được phần ít, cho nên không nói đến.

Có người nói: Trong phần vị tiến vào Chánh tánh ly sinh, phần nhiều không đạt được, chỉ đạt được trong ba sát-na, cho nên không nói đến.

Có người nói: Chỉ vào lúc Thế đệ nhất pháp diệt đi, Khổ pháp trí nhẫn sinh ra, gọi là tiến vào Chánh tánh ly sinh, bởi vì lúc bấy giờ chỉ đạt được Vô lậu cho nên không nói đến Tịnh.

Hỏi: Lúc đạt được quả A-la-hán, trước đó đã đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, đó là lúc tiến vào Chánh tánh ly sinh, vì sao lại nói là đạt được Vô lậu?

Đáp: Văn này chỉ cần nói lúc tiến vào Chánh tánh ly sinh, không cần nói đạt được quả A-la-hán, mà đưa ra cách nói này là muốn hiển bày lúc trước tuy đạt được Vô lậu của Học nhưng chưa đạt được Vô học, vì thế cho nên nói lại.

Hỏi: Nếu như vậy thì cũng phải nói lúc khởi lên Triền trên cõi Phạm Thế mà lui sụt quả A-la-hán, bởi vì lúc bấy giờ trở lại đạt được Vô lậu của Học?

Đáp: Lý cũng nên nói mà không nói đến, bởi vì muốn hiển bày Vô lậu là công đức thù thắng, vào lúc thắng tiến hiển bày đạt được thì thuận, lúc lui sụt hiển bày đạt được thì không thuận, cho nên không nói đến.

Hỏi: Nếu như vậy thì lúc đạt được quả thuộc Học, và lúc Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, đều đạt được Vô lậu thù thắng, vì sao trong này không nói?

Đáp: Phần vị này trước là Học, nay đã đạt được cũng là Học, cho nên không nói đến. Vì vậy cho nên cũng không nói đến Vô học luyện căn.

Hỏi: Lúc đạt được quả A-la-hán, cũng đạt được vô lượng pháp thiện hữu lậu, vì sao không nói là cũng đạt được Tịnh?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Vô lậu thì rời bỏ trước-đạt được sau, cho nên nói đến; hữu lậu không rời bỏ trước mà đạt được sau, cho nên không nói đến.

Có người nói: Nay đã đạt được và trước đã đạt được, đều gọi là Tịnh, nghĩa không có gì sai biệt, không như Học và Vô học có tướng sai biệt, cho nên không nói đến.

Có người nói: Tuy là đạt được nhưng bởi vì không nhất định cho nên không nói đến, đó là bởi vì sinh ở cõi Dục và cõi Phạm Thế đạt được quả A-la-hán là đạt được, sinh ở địa trên thì không đạt được.

Có người nói: Trong này nói về đạt được tất cả, lúc ấy đạt được phần ít, cho nên không nói đến.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Vị tương ưng-Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là lúc ở trên cõi Phạm Thế chết đi sinh vào cõi Phạm Thế, bởi vì lúc Trung Hữu sinh ra thì cả hai đều đạt được.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Vị tương ưng-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Lúc A-la-hán khởi lên Triền của cõi Phạm Thế mà lui sụt, đều đạt được hai loại, vì sao nói là không có?

Đáp: Nên nói là có, tức là trước đây đã nói; mà nói là không có, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trước không thành tựu, nay thành tựu thì gọi là đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất; trước đã thành tựu, cho nên không nói đến.

Có người nói: Trước đây đã nói Vô lậu là công đức thù thắng, vào lúc thắng tiến hiển bày đạt được thì thuận, lúc lui sụt hiển bày đạt được thì không thuận, cho nên không nói đến.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng chăng?

Đáp: Có, đó là lúc Thánh giả không còn Ái cõi Dục, bởi vì lúc đạt được quả Bất hoàn thì cả hai đều đạt được.

Hỏi: Có thể có lúc đạt được Vị tương ưng-Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Lúc khởi lên Triền của cõi Phạm Thế mà lui sụt quả A-la-

hán, ba loại đều đạt được, vì sao không nói đến?

Đáp: Bởi vì lúc bấy giờ Tịnh đạt được phần ít, cho nên không nói đến; Vô lậu nói như trước.

Hỏi: Đạt được và thành tựu có gì sai biệt?

Đáp: Có người nói: Tên gọi tức là sai biệt, đó gọi là đạt được, gọi là thành tựu.

Có người nói: Chưa đạt được mà đạt được thì gọi là đạt được, đã đạt được mà đạt được thì gọi là thành tựu.

Có người nói: Lúc đầu đạt được thì gọi là đạt được, về sau nhiều lần đạt được thì gọi là thành tựu.

Có người nói: Trước không thành tựu mà thành tựu thì gọi là đạt được, trước thành tựu mà thành tựu thì gọi là thành tựu.

Có người nói: Trước không có hệ thuộc mà có hệ thuộc thì gọi là đạt được, trước có hệ thuộc mà có hệ thuộc thì gọi là thành tựu.

Có người nói: Lần đầu đạt được thì gọi là đạt được, đạt được rồi không đoạn mất thì gọi là thành tựu.

Có người nói: Lần đầu gặt hái thì gọi là đạt được, đạt được rồi không mất thì gọi là thành tựu. Vì vậy đạt được chỉ thuộc về lúc đầu, thành tựu bao gồm lúc đầu và về sau. Đó gọi là sự sai biệt giữa đạt được và thành tựu.

Hỏi: Có thể có lúc rời bỏ Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là lúc không còn Ái cõi Phạm Thế.

Những văn như vậy đều nói như bản luận, tùy theo sự thích hợp ngược lại với đạt được, cần phải nói rộng ra.

Hỏi: Lúc Ái cõi Phạm Thế không còn, cũng rời bỏ Tịnh thuộc phần lui sụt, vì sao trong này không nói?

Đáp: Trong này nói về rời bỏ tất cả, lúc ấy chỉ rời bỏ phần ít, cho nên không nói đến.

Hỏi: Đạt được quả-luyện căn và phần vị lui sụt, đều có lúc chỉ rời bỏ Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là pháp khác, vì sao trong này không nói?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói về rời bỏ mà không đạt được, lúc ấy rời bỏ trở lại đạt được, cho nên không nói đến.

Hỏi: Rời bỏ và không thành tựu có gì sai biệt?

Đáp: Tên gọi tức là sai biệt, đó gọi là rời bỏ, gọi là không thành tựu. Như vậy đều ngược lại với đạt được-thành tựu như trước, cần phải nói rộng ra.

Hỏi: Có thể có lúc lui sụt Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh-Vô lậu chăng?

Đáp: Không có, bởi vì rời bỏ phiền não không gọi là lui sụt.

Hỏi: Có thể có lúc lui sụt Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng-Vô lậu chăng?

Đáp: Có, đó là lúc dị sinh từ cõi Dục không còn Ái mà lui sụt.

Hỏi: Có thể có lúc lui sụt Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vị tương ưng chăng?

Đáp: Có, đó là lúc Thánh giả từ cõi Dục không còn Ái mà lui sụt.

Hỏi: Có thể có lúc lui sụt pháp khác chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Lúc khởi lên Triền của hai cõi trên mà lui sụt quả Vô học, và lúc từ chủng tánh mà lui sụt, đều có lúc lui sụt Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là pháp khác, vì sao trong này không nói?

Đáp: Có người nói: Cần phải nói mà không nói đến, thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong này nói về lui sụt mà không đạt được, lúc ấy tuy lui sụt mà trở lại đạt được, cho nên không nói đến.

Hỏi: Rời bỏ và lui sụt có gì sai biệt?

Đáp: Tên gọi tức là sai biệt, đó gọi là rời bỏ, gọi là lui sụt.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm lúc thắng tiến và lui sụt, lui sụt chỉ riêng lúc lui sụt.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm lúc giảm bớt và tăng thêm, lui sụt chỉ riêng lúc giảm bớt.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm lúc ở trên và ở dưới, lui sụt chỉ riêng lúc ở dưới.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm lúc thịnh và suy, lui sụt chỉ riêng lúc suy.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm ba loại như Vị tương ưng…, lui sụt chỉ có hai loại, trừ ra Vị tương ưng.

Có người nói: Rời bỏ bao gồm lợi căn và độn căn, lui sụt chỉ riêng độn căn. Đó là sự sai biệt giữa rời bỏ và lui sụt.

Nên biết trong này có sáu loại thành tựu, sáu loại không thành tựu, năm loại đạt được, ba loại rời bỏ, hai loại lui sụt, để trình bày về ba loại sai biệt như Vị tương ưng-Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất. Như nói về Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ nói cũng như vậy. Đây là nói chung, trong đó có sai biệt như lý nên biết. Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có đủ ba loại, cho nên không hiển bày về chủng loại, nhưng đối với hai loại vốn có cũng dựa theo như trên, nên biết!

*******

 

Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất có bốn loại, đó là thuận phần lui sụt, thuận phần an trú, thuận phần thắng tiến, thuận phần quyết trạch.

Thuận phần lui sụt, đó là nếu trú vào pháp này thì phần nhiều là lui sụt mất đi. Thuận phần an trú, đó là nếu trú vào pháp này thì phần nhiều là không lui sụt mất đi và cũng không thắng tiến. Thuận phần thắng tiến, đó là nếu trú vào pháp này thì phần nhiều là thắng tiến. Thuận phần quyết trạch, đó là nếu trú vào pháp này thì phần nhiều có thể tiến vào Chánh tánh ly sinh.

Lại nữa, thuận phần lui sụt, đó là cùng với các phiền não lấn átxen tạp lẫn nhau, phiền não không gián đoạn thì pháp này hiện rõ trước mắt, pháp này không gián đoạn thì phiền não hiện rõ trước mắt. Thuận phần an trú, đó là có thể quán xét địa dưới là Thô-Khổ-Chướng mà sinh ra chán bỏ, có thể quán xét địa mình là Tĩnh-Diệu-Ly mà vui thích an trú. Thuận phần thắng tiến, đó là có thể quán xét địa mình là Thô-KhổChướng mà sinh ra chán bỏ, có thể quán xét địa trên là Tĩnh-Diệu-Ly mà sinh ra vui thích. Thuận phần quyết trạch, tức là Noãn-Đảnh-Nhẫn- Thế đệ nhất pháp…

Lại nữa, thuận phần lui sụt, đó là tùy thuận với phiền não. Thuận phần an trú, đó là tùy thuận với địa mình. Thuận phần thắng tiến, đó là tùy thuận với địa trên. Thuận phần quyết trạch, đó là tùy thuận với Thánh đạo. Phần này hoặc làm hành tướng Thánh, hoặc làm hành tướng khác mà hướng về Thánh đạo, tiến vào giải thoát.

Như Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Hữu Đảnh tùy theo thích hợp cũng như vậy.

Hỏi: Có thể có lúc Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, lìa nhiễm mà đạt được, lìa nhiễm mà rời bỏ, lui sụt mà đạt được, lui sụt mà rời bỏ, sinh ra mà đạt được, sinh ra mà rời bỏ chăng?

Đáp: Có, đó là thuận phần lui sụt của Tĩnh lự thứ nhất, lúc lìa nhiễm của cõi Dục thì đạt được, lúc lìa nhiễm của cõi Phạm Thế thì rời bỏ, lúc khởi lên Triền của cõi Phạm Thế mà lui sụt thì đạt được, lúc khởi lên Triền của cõi Dục mà lui sụt thì rời bỏ, lúc từ địa trên chết đi sinh vào cõi Phạm Thế thì đạt được, lúc từ cõi Phạm Thế chết đi sinh vào cõi Dục thì rời bỏ; cho đến Hữu Đảnh tùy theo thích hợp cũng như vậy.

Hỏi: Nếu ở cõi Dục chết đi sinh vào Tĩnh lự thứ hai, ở Tĩnh lự thứ hai chết đi sinh vào Tĩnh lự thứ nhất, thì lúc ấy ở Tĩnh lự thứ nhất, pháp nào lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được? Pháp nào lúc sinh trở lại thì đạt được, lúc chết đi thì không rời bỏ? Pháp nào lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì đạt được? Pháp nào lúc chết đi thì không rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được?

Đáp: Lúc ấy ở Tĩnh lự thứ nhất, thuận phần thắng tiến và thuận phần quyết trạch lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được; thuận phần lui sụt và do sinh mà được lúc sinh trở lại thì đạt được, lúc chết đi thì không rời bỏ; thuận phần an trú lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì đạt được; trừ ra những tướng trước, còn lại các pháp lúc chết đi thì không rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được.

Hỏi: Nếu ở Tĩnh lự thứ nhất chết đi sinh vào Tĩnh lự thứ hai, ở Tĩnh lự thứ hai chết đi sinh vào Tĩnh lự thứ nhất, thì lúc ấy ở Tĩnh lự thứ nhất, pháp nào lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được? Pháp nào lúc sinh trở lại thì đạt được, lúc chết đi thì không rời bỏ? Pháp nào lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì đạt được? Pháp nào lúc chết đi thì không rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được?

Đáp: Lúc ấy ở Tĩnh lự thứ nhất, thuận phần thắng tiến và thuận phần quyết trạch lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được; thuận phần lui sụt lúc sinh trở lại thì đạt được, lúc chết đi thì không rời bỏ; thuận phần an trú và do sinh mà được lúc chết đi thì rời bỏ, lúc sinh trở lại thì đạt được; trừ ra những tướng trước, còn lại các pháp lúc chết đi thì không rời bỏ, lúc sinh trở lại thì không đạt được.

Như Tĩnh lự thứ nhất đối với Tĩnh lự thứ hai, như vậy cho đến Vô sở hữu xứ đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng như vậy. Như địa Căn bản, như vậy các địa Cận phần cũng phải nói rộng ra.

Hỏi: Có thể có lúc khởi lên Triền của Tĩnh lự thứ hai mà lui sụt Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Có, đó là Vô học của Tĩnh lự thứ nhất, và đối trị của bảy địa trên-Học của Tĩnh lự thứ nhất…

Hỏi: Có thể có lúc khởi lên Triền của Tĩnh lự thứ hai mà lui sụt Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Có, đó là A-la-hán đã tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, và tu xen tạp Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất…

Nếu tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, thì lúc ấy cũng tu Vô lậu chăng? Cho đến nói rộng ra.

Tu có bốn loại, đó là tu đạt được, tu luyện tập, tu đối trị, tu loại bỏ. Trong này, hai loại tu trước gọi là pháp thiện hữu vi, hai loại tu sau gọi là pháp hữu lậu.

Các Sư nước ngoài nói: “Tu có sáu loại, đó là bốn loại trước, và tu phòng hộ, tu phân biệt.”

Tu phòng hộ, tức là tu Căn, như trong kinh nói: “Nếu đối với sáu căn khéo điều phục, khéo che chở, khéo đề phòng, khéo giữ gìn, khéo tu dưỡng thì có thể dẫn đến niềm vui của đời sau.” Tu phân biệt, tức là tu Thân, như trong kinh nói: “Ở trong thân này có lông-tóc-răngmóng…”

Hai loại tu sau ở đây nên biết chính là thuộc về tu đối trị và tu loại bỏ, vì thế cho nên tu chỉ có bốn loại. Trong này dựa vào hai loại tu để soạn luận, đó là tu đạt được và tu luyện tập.

Như nơi khác nói: “Nếu tu Pháp trí thì lúc ấy cũng tu Loại trí chăng? Cho đến nói rộng ra.” Đó là cũng dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đạt được và tu luyện tập.

Nơi khác lại nói: “Nếu đạo quá khứ thì tất cả đạo ấy đã tu-đã an chăng? Cho đến nói rộng ra.” Đó là cũng dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đạt được và tu luyện tập.

Như nơi khác nói: “Nếu tu Thân thì lúc ấy tu Giới chăng? Cho đến nói rộng ra.” Đó là dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đối trị và tu loại bỏ.

Nơi khác lại nói: “Nếu tu Nhãn căn thì lúc ấy tu Nhĩ căn chăng? Cho đến nói rộng ra.” Đó là cũng dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đối trị và tu loại bỏ.

Như nơi khác nói: “Nếu tu Tam-ma-địa Không, thì lúc ấy cũng tu Tam-ma-địa Vô nguyện chăng? Cho đến nói rộng ra.”

Nơi khác lại nói: “Nếu tu Thân niệm trú, thì lúc ấy cũng tu Thọ niệm trú chăng? Cho đến nói rộng ra.” Đó là cũng đều dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đạt được và tu luyện tập.

Như nơi khác nói: “Nếu tu Tưởng về Vô thường, thì lúc ấy tư duy về Tưởng Vô thường chăng? Cho đến nói rộng ra.” Có người nói: Đó là dựa vào tu đạt được mà soạn luận. Có người nói: Đó là dựa vào tu luyện tập mà soạn luận. Có người nói: Đó là dựa vào hai loại tu mà soạn luận, gọi là tu đạt được và tu luyện tập.

Như nơi khác nói: “Thế nào là pháp nên tu? Đó là pháp thiện hữu vi.” Pháp này tuy là có đủ nghĩa của bốn loại tu, mà nơi ấy chỉ dựa vào hai loại tu để soạn luận, đó là tu đạt được và tu luyện tập.

Bởi vì nghĩa này cho nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có pháp có hai loại tu trước mà không có hai loại tu sau, đó là pháp hữu vi vô lậu.

2. Có pháp có hai loại tu sau mà không có hai loại tu trước, đó là pháp nhiễm ô-vô phú vô ký.

3. Có pháp có đủ bốn loại tu, đó là pháp thiện hữu lậu.

4. Có pháp không có cả bốn loại tu, đó là pháp Vô vi.Hỏi: Vì sao gọi là Tu?

Đáp: Tu khắp nơi cho nên gọi là Tu. Thường xuyên luyện tập cho nên gọi là Tu. Xông ướp cho nên gọi là Tu. Học hỏi cho nên gọi là Tu. Làm cho trong sáng cho nên gọi là Tu. Nên biết trong này hiện tại là do Tu luyện tập mà hiển bày, vị lai là do Tu đạt được mà hiển bày.

Lại nữa, hiện tại luyện tập cho nên gọi là Tu, vị lai đạt được cho nên gọi là Tu.

Lại nữa, hiện tại thọ dụng cho nên gọi là Tu, vị lai dẫn phát cho nên gọi là Tu.

Lại nữa, hiện tại làm việc cho nên gọi là Tu, vị lai thỏa mãn mong muốn cho nên gọi là Tu.

Lại nữa, hiện tại ở trong thân cho nên gọi là Tu, vị lai đạt được tự tại cho nên gọi là Tu.

Lại nữa, hiện tại hiện rõ trước mắt cho nên gọi là Tu, vị lai thành tựu cho nên gọi là Tu.

Hỏi: Vì sao lúc pháp thiện đã đạt được hiện rõ ở trước mắt thì không tu vị lai?

Đáp: Bởi vì đã suy yếu, đã thọ dụng, đã làm việc, đã thỏa mãn mong muốn.

Lại nữa, bởi vì đã tu, đã ngừng, cho nên thế mạnh và tác dụng không còn.

Lại nữa, lúc pháp đã đạt được hiện rõ trước mắt, thì thọ dụng chỉ có từ từ hết chứ không còn thế mạnh nào khác, làm sao có thể tu vị lai? Như người thọ dụng tài sản đã tích lũy trước đây, chỉ có từ từ giảm bớt chứ không có gì tăng thêm.

Lại nữa, làm cho công dụng khởi lên thì có thể tu vị lai, không phải là khởi lên pháp đã từng đạt được; bởi vì cần phải làm công dụng, cho nên không tu vị lai.

Lại nữa, nếu pháp đã đạt được hiện rõ ở trước mắt, lại có thể tu vị lai, thì lúc Đức Phật nhập Niết-bàn, hiện khởi tất cả Tĩnh lự-Giải thoátĐẳng trì-Đẳng chí, lúc bấy giờ cũng sẽ tiếp tục tu vị lai. Như vậy thì lúc Tận trí hiện khởi, sẽ không đạt được đầy đủ tất cả công đức, làm sao có thể gọi là việc làm đã đến nơi cuối cùng? Bởi vì không có sai lầm này, cho nên lúc pháp đã đạt được hiện rõ ở trước mắt, không tu các công đức khác của vị lai.

Hỏi: Nếu tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, thì lúc ấy cũng tu Vô lậu chăng? Giả sử tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, thì lúc ấy cũng tu Tịnh chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất mà không phải là Vô lậu: Đó là đã đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Vô lậu; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, chứ không phải là Vô lậu.

Đã đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt: Đó là dị sinh và Thánh giả, hoặc là Học, hoặc là Vô học, hoặc là Thanh văn, hoặc là Độc giác, hoặc là Như Lai, hoặc là trú trong pháp lạc hiện tại, hoặc là quán xét những việc làm trước đây, hoặc là dạo chơi trong công đức, hoặc là thọ dụng Thánh tài, lúc khởi lên Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục đã từng đạt được hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Nhưng bởi vì phần vị hiện rõ trước mắt tức là tu luyện tập, cho nên được gọi là tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất.

Hoặc là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Vô lậu: Đó là lúc dị sinh lìa nhiễm của cõi Dục, nếu cuối cùng là đạo giải thoát, thì khởi lên Tĩnh lự thứ nhất Căn bản hiện rõ ở trước mắt.

Ngay lúc dị sinh vì lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, dựa vào Tĩnh lự thứ nhất làm đạo gia hạnh. Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ nhất dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát. Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ nhất khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp. Có người nói: Cũng khởi lên Trì tức niệm.

Những lúc như vậy, tuy khởi lên Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chưa từng đạt được, mà không tu Vô lậu.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, chứ không phải là Vô lậu: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là Định Vị chí-Tĩnh lự trung gian.

Đó là lúc dị sinh lìa nhiễm của cõi Dục, dựa vào Định Vị chí, khởi lên đạo giải thoát thứ chín. Ngay lúc dị sinh vì lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, dựa vào Định Vị chí khởi lên đạo gia hạnh. Ngay lúc dị sinh đã lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán. Ngay lúc dị sinh vì lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, dựa vào Tĩnh lự trung gian khởi lên đạo gia hạnh. Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự trung gian khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Vô lậu.

2. Có lúc tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất mà không phải là Tịnh: Đó là đã đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất thuộc Thế tục trí, và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất thuộc Vô lậu trí, lúc ấy hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh.

Đã đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt: Đó là các Thánh giả, hoặc là Học cho đến hoặc là Như Lai, hoặc là trú trong pháp lạc hiện tại cho đến hoặc là thọ dụng Thánh tài, lúc khởi lên Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất đã từng đạt được hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Nhưng bởi vì phần vị hiện rõ trước mắt tức là tu luyện tập, cho nên được gọi là tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh: Đó là dựa vào Tĩnh lự thứ nhất mà tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong ba tâm, Hiện quán về Đạo trong bốn tâm.

Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, lúc lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất cho đến Vô sở hữu xứ, là chín đạo vô gián-chín đạo giải thoát, và lúc lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là chín đạo vô gián-tám đạo giải thoát.

Lúc Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ nhất luyện căn làm Kiến chí, là đạo vô gián-đạo giải thoát. Có người nói: Trừ ra lúc là đạo giải thoát, bởi vì lúc này cũng là tu thuộc đạo thế tục. Nói như vậy thì lúc bấy giờ chỉ là tu thuộc đạo vô lậu, bởi vì cùng Kiến đạo đạt được quả.

Lúc A-la-hán Thời giải thoát dựa vào Tĩnh lự thứ nhất luyện căn làm Bất động, là chín đạo vô gián-tám đạo giải thoát.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất thuộc Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Cận phần Tĩnh lự thứ hai cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đó là lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, nếu ngay Cận phần Tĩnh lự thứ hai làm gia hạnh, thì lúc ấy là chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Cận phần Tĩnh lự thứ hai, khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ hai để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ hai, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Lúc tâm tu xen tạp Tĩnh lự thứ hai-Tĩnh lự trung gian, ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ hai dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và lúc Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ hai, khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói: Cũng khởi lên Trì tức niệm.

Lúc dựa vào Tĩnh lự thứ hai, khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc dựa vào Tĩnh lự thứ hai, khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai, nếu ngay Cận phần Tĩnh lự thứ ba làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Cận phần Tĩnh lự thứ ba, khởi lên ba Vô lượng, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ ba để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, cho đến lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng. Nói rộng ra như Tĩnh lự thứ hai. Sai biệt là trừ ra Giải thoát-Thắng xứ và Hỷ vô lượng, còn lại đều như trước.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu ngay Cận phần Tĩnh lự thứ tư làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Cận phần Tĩnh lự thứ tư, khởi lên ba Vô lượng, Tịnh giải thoát, bốn Thắng xứ sau, tám Biến xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Lúc tâm tu xen tạp Tĩnh lự thứ tư-Tĩnh lự trung gian, ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và lúc Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư, khởi lên ba Vô lượng, Tịnh giải thoát, bốn Thắng xứ sau, tám Biến xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện.

Lúc dựa vào Tĩnh lự thứ tư, khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; khởi lên Nguyện trí-Vô tranh-Định Biên tế, và lúc tăng trưởng; lúc dựa vào Tĩnh lự thứ tư, khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, nếu ngay Cận phần Không vô biên xứ làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát. Ngay lúc Thánh giả dựa vào Không vô biên xứ để lìa nhiễm của Không vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Không vô biên xứ, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc Thánh giả khởi lên Không vô biên xứ, Giải thoát-Biến xứ thế tục, Niệm trú thế tục; lúc dựa vào Không vô biên xứ, khởi lên hai Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc dựa vào Không vô biên xứ, khởi lên Không Không-Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Không vô biên xứ, nếu ngay Cận phần Thức vô biên xứ làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Thức vô biên xứ để lìa nhiễm của Thức vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Còn lại nói rộng ra như Không vô biên xứ.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Thức vô biên xứ, nếu ngay Cận phần Vô sở hữu xứ làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Vô sở hữu xứ để lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Còn lại cũng nói rộng ra như Không vô biên xứ, sai biệt là trừ ra Biến xứ.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, nếu ngay Cận phần Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ để lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, dùng Phi tưởng phi phi tưởng xứ làm gia hạnh, lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc Thánh giả khởi lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Giải thoát-Tiệm trú; dựa vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lúc khởi lên hai Vô ngại giải, Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng. Lúc khởi tâm tiến vào Định Diệt tận-Tưởng vi tế.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh.

Và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ.

Đó là đã lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí tiến vào Chánh tánh ly sinh, lúc ấy là đạo loại trí. Dựa vào Định Vị chí lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ, lúc ấy là tất cả đạo vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lúc ấy là chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Đã lìa nhiễm cõi Dục, Tín thắng giải dựa vào Định Vị chí luyện căn làm Kiến chí, lúc ấy là đạo vô gián-giải thoát.

A-la-hán Thời giải thoát dựa vào Định Vị chí luyện căn làm Bất động, lúc ấy là chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong ba tâm, Hiện quán về Đạo trong bốn tâm. Dựa vào Tĩnh lự trung gian, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất cho đến Vô sở hữu xứ, lúc ấy tất cả là đạo vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lúc ấy là chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, lúc ấy là đạo vô gián-giải thoát.

A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, lúc ấy là chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự thứ hai tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong ba tâm, Hiện quán về Đạo trong bốn tâm. Dựa vào Tĩnh lự thứ hai, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai cho đến Vô sở hữu xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự thứ hai, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Lúc tâm đầu và sau tu xen tạp Tĩnh lự thứ hai; lúc dựa vào Tĩnh lự thứ hai khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu, Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng hai Vô ngại giải vô lậu.

Như dựa vào Tĩnh lự thứ hai, như vậy dựa vào Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ tư, nói rộng ra cũng như vậy, sai biệt là lìa nhiễm của địa trên.

Dựa vào Không vô biên xứ, lìa nhiễm của Không vô biên xứ cho đến Vô sở hữu xứ, nếu ô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Không vô biên xứ, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Lúc khởi lên Không vô biên xứ vô lậu, Giải thoát, Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng hai Vô ngại giải vô lậu.

Như dựa vào Không vô biên xứ, như vậy dựa vào Thức vô biên xứ, dựa vào Vô sở hữu xứ cũng như vậy, sai biệt là lìa nhiễm của địa trên.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất chứ không phải là Tịnh.

3. Có lúc tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất cũng là Vô lậu: Đó là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu; hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí-Vô lậu trí lúc ấy hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu.

Hoặc là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt mà tu Vô lậu: Đó là lúc Thánh giả dùng đạo thế tục lìa nhiễm của cõi Dục, lúc đầu khởi lên là đạo giải thoát của địa Căn bản.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Lúc tâm tu xen tạp Tĩnh lự thứ nhất-Tĩnh lự trung gian, ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và lúc Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt mà tu Vô lậu.

Hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh: Đó là dựa vào Tĩnh lự thứ nhất tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong một tâm. Nếu dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục, lúc cuối cùng khởi lên là đạo giải thoát của địa Căn bản.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất đạt được quả A-la-hán, lúc Tận trí bắt đầu khởi lên.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh và cuối cùng là đạo giải thoát.

Lúc tâm đầu và sau tu xen tạp Tĩnh lự thứ nhất; lúc dựa vào Tĩnh lự thứ nhất khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu, Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là Định Vị chí và Tĩnh lự trung gian.

Đó là Thánh giả dùng đạo thế tục lìa nhiễm của cõi Dục, ngay lúc dựa vào Định Vị chí khởi lên đạo giải thoát cuối cùng.

Dựa vào Định Vị chí để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến

Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Định Vị chí đã lìa nhiễm cõi Dục, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Đã lìa nhiễm cõi Dục, Thánh giả dựa vào Định Vị chí, khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện; lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự trung gian, để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh

Dựa vào Tĩnh lự trung gian, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự trung gian, khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện; lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu.

Và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ.

Đó là dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục, ngay lúc dựa vào Định Vị chí khởi lên đạo giải thoát cuối cùng.

Dựa vào Định Vị chí để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Dựa vào Định Vị chí đạt được quả A-la-hán, lúc Tận trí bắt đầu khởi lên. Dựa vào Định Vị chí đã lìa nhiễm cõi Dục, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh và cuối cùng là đạo giải thoát.

Đã lìa nhiễm cõi Dục, Thánh giả dựa vào Định Vị chí, lúc khởi lên Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong một tâm. Dựa vào Tĩnh lự trung gian để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Dựa vào Tĩnh lự trung gian đạt được quả A-la-hán, lúc Tận trí bắt đầu khởi lên. Dựa vào Tĩnh lự trung gian, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh và cuối cùng là đạo giải thoát. Dựa vào Tĩnh lự trung gian, khởi lên Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự thứ hai tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong một tâm. Dựa vào Tĩnh lự thứ hai đạt được quả A-la-hán, lúc Tận trí bắt đầu khởi lên. Dựa vào Tĩnh lự thứ hai, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, lúc ấy cuối cùng là đạo giải thoát.

Như nói dựa vào Tĩnh lự thứ hai, dựa vào Tĩnh lự thứ ba-thứ tư cũng nên nói như vậy.

Dựa vào Không vô biên xứ đạt được quả A-la-hán, lúc Tận trí bắt đầu khởi lên. Dựa vào Không vô biên xứ, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, lúc ấy cuối cùng là đạo giải thoát.

Như nói dựa vào Không vô biên xứ, dựa vào Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, cũng nên nói như vậy.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu.

********

 

4. Có lúc không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất cũng không phải là Vô lậu, đó là đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí-Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí-Vô lậu trí lúc ấy hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu; hoặc là tất cả tâm nhiễm ô-tâm vô ký hiện rõ ở trước mắt; hoặc là trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận, sinh ở cõi trời Vô tưởng.

Đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ cõi Dục-Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là lúc công đức thế tục đã từng đạt được của các địa này hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Lại không phải là Tĩnh lự thứ nhất, cho nên đối với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất đều không có nghĩa của tu.

Đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ. Đó là lúc công đức vô lậu đã từng đạt được của các địa này hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Lại không phải là Tĩnh lự thứ nhất, cho nên đối với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất đều không có nghĩa của tu.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ cõi Dục- Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ nhất, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đó là lúc dị sinh khởi lên quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, và những Tuệ do Văn-Tư mà thành của cõi Dục chưa từng đạt được, hiện rõ ở trước mắt. Dị sinh lìa nhiễm của cõi Dục, lúc ấy là các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Ngay lúc dị sinh chưa lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Lúc đã lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí khởi lên NoãnĐảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian, lúc khởi lên Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Cận phần Tĩnh lự thứ hai, làm gia hạnh lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ hai, dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát; khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Ngay lúc dị sinh lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai, lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ ba, dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát; khởi lên ba Vô lượng, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-ĐảnhNhẫn-Thế đệ nhất pháp. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Ngay lúc dị sinh lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ tư, dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát; khởi lên ba Vô lượng, Tịnh giải thoát, bốn Thắng xứ sau, tám Biến xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Ngay lúc dị sinh lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc dị sinh khởi lên Giải thoát-Biến xứ và Niệm trú của Không vô biên xứ.

Ngay lúc dị sinh lìa nhiễm của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc dị sinh khởi lên Giải thoát-Niệm trú của Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và Biến xứ của Thức vô biên xứ.

Nếu các Thánh giả khởi lên quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, và những Tuệ do Văn-Tư mà thành của cõi Dục chưa từng đạt được, hiện rõ ở trước mắt.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục lìa nhiễm của cõi Dục, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát; dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Chưa lìa nhiễm cõi Dục, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc Thánh giả chưa lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện; lúc khởi tâm Vi Vi tiến vào Định Diệt tận.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, đó là chưa lìa nhiễm cõi Dục tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về bốn Đế đều trong bốn tâm.

Đã lìa nhiễm cõi Dục, dựa vào Định Vị chí tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong bốn tâm, Hiện quán về Đạo trong ba tâm. Dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Chưa lìa nhiễm cõi Dục, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lúc chưa lìa nhiễm cõi Dục, khởi lên Niệm trú vô lậu.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ nhất, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất và Vô lậu.

Hoặc là tất cả tâm nhiễm ô hiện rõ ở trước mắt, đó là tâm tương ưng với phiền não-tùy phiền não của ba cõi. Bởi vì Thể tánh ấy thuận phần lui sụt, tương ưng với nặng nề giải đãi; phải là Thể tánh thuận phần thắng tiến, tương ưng với nhẹ nhàng tinh tiến thì mới có thể tu được.

Tất cả tâm vô ký hiện rõ ở trước mắt, đó là tâm vô phú vô ký của ba cõi. Bởi vì tánh của tâm ấy không cứng rắn-không tồn tại-không chân thật, yếu kém như hạt giống hư hoại; phải là tánh cứng rắn-tồn tại-chân thật, mạnh mẽ thì mới có thể tu được.

Hoặc là trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận, bởi vì hai Định ấy không có tâm, cần phải dựa vào có tâm thì mới có thể tu được.

Sinh ở cõi trời Vô tưởng, có người nói: Ở cõi trời ấy không còn Chúng đồng phần thì tâm thiện không khởi lên. Có người nói: Ở cõi trời ấy, tâm thiện tuy khởi lên mà không phải là sở y của tu, cho nên không có nghĩa của tu.

Trong này chỉ nói đến người sinh vào địa của Tu mà không Tu, nhưng sinh vào nơi khác cũng có lúc không Tu, bởi vì dễ dàng biết được cho nên không nói.

Như nói về Tĩnh lự thứ nhất, Tĩnh lự thứ hai-thứ ba nói cũng như vậy. Bởi vì các địa này vào lúc lìa nhiễm của địa dưới, cuối cùng là đạo giải thoát, đều có lúc tiến vào địa Căn bản, có lúc không tiến vào.

Hỏi: Nếu tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư, thì lúc ấy cũng tu Vô lậu chăng? Giả sử tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư, thì lúc ấy cũng tu Tịnh chăng?

Đáp: Nên làm thành bốn câu phân biệt:

1. Có lúc tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư mà không phải là Vô lậu: Đó là đã đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Vô lậu.

Đã đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt: Đó là dị sinh và Thánh giả, hoặc là Học cho đến hoặc là Như Lai, bởi vì trú trong pháp lạc hiện tại…, lúc khởi lên Tĩnh lự thứ tư thuộc thế tục đã từng đạt được hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Nhưng bởi vì phần vị hiện rõ trước mắt tức là tu luyện tập, cho nên được gọi là tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư.

Hoặc là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Vô lậu: Đó là lúc dị sinh lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, cuối cùng là đạo giải thoát, và vì lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, nếu Tĩnh lự thứ tư làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ tư, dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát; lúc khởi lên ba Vô lượng, Tịnh giải thoát, bốn Thắng xứ sau, tám Biến xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Vô lậu.

2. Có lúc tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư mà không phải là Tịnh: Đó là đã đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư thuộc Thế tục trí, và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư thuộc Vô lậu trí, lúc ấy hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là Tịnh.

Đã đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt: Đó là các Thánh giả, hoặc là Học cho đến hoặc là Như Lai, bởi vì trú trong pháp lạc hiện tại…, lúc khởi lên Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư đã từng đạt được hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Nhưng bởi vì phần vị hiện rõ trước mắt tức là tu luyện tập, cho nên được gọi là tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư.

Hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh: Đó là dựa vào Tĩnh lự thứ tư mà tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong ba tâm, Hiện quán về Đạo trong bốn tâm.

Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư cho đến Vô sở hữu xứ, lúc ấy là tất cả đạo vô gián-giải thoát. Lúc lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là chín đạo vô gián-tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, lúc ấy là đạo vô gián-đạo giải thoát. A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, lúc ấy là chín đạo vô gián-tám đạo giải thoát.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư thuộc Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là Tịnh: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đó là lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ hai để lìa nhiễm của Tĩnh

lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Định Vị chí, đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Thánh giả dựa vào Định Vị chí, lúc khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện; lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Lúc tâm tu xen tạp Tĩnh lự thứ nhất-Tĩnh lự trung gian, đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và lúc Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói: Cũng khởi lên Trì tức niệm.

Lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự trung gian để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Thánh giả dựa vào Tĩnh lự trung gian, lúc khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện; lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Như nói dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, như vậy dựa vào Tĩnh lự thứ hai, tĩnh lự thứ ba nói cũng như vậy. Sai biệt là dựa vào Tĩnh lự thứ ba trừ ra Hỷ vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, còn lại đều nói như trước.

Ngay lúc Thánh giả dùng đạo thế tục để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, nếu ngay lúc ấy dùng Cận phần Không vô biên xứ làm gia hạnh, thì tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy dùng đạo thế tục lìa nhiễm của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Định Vô sắc, dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của bốn Vô sắc, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Định Vô sắc, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả khởi lên Vô sắc, Giải thoát thế tục và hai Biến xứ sau; ngay lúc ấy dựa vào Định Vô sắc, khởi lên Niệm trú thế tục, hai Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng hai Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Không Không- Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng; lúc khởi tâm tiến vào Định Diệt tận-Tưởng vi tế.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là Tịnh.

Và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là Tịnh: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ.

Đó là dựa vào Định Vị chí lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là tất cả đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Định Vị chí đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Định

Vị chí khởi lên Niệm trú vô lậu, tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ nhất lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là tất cả đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Lúc tâm đầu và sau tu xen tạp Tĩnh lự thứ nhất; ngay lúc Thánh giả đã lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ nhất khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu, Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Tĩnh lự Trung gian nói như Định Vị chí, Tĩnh lự thứ hai-thứ ba nói như Tĩnh lự thứ nhất.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Không vô biên xứ, lìa nhiễm của Không vô biên xứ cho đến Vô sở hữu xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Dựa vào Không vô biên xứ, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Lúc khởi lên Giải thoát vô lậu của Không vô biên xứ; lúc dựa vào Không vô biên xứ, khởi lên Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng hai Vô ngại giải vô lậu.

Như nói dựa vào Không vô biên xứ, như vậy dựa vào Thức vô biên xứ, dựa vào Vô sở hữu xứ cũng như vậy, sai biệt là lìa nhiễm của địa trên.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là Tịnh.

3. Có lúc tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư cũng là Vô lậu, đó là chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt, mà tu Vô lậu; hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu.

Chưa đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt mà tu Vô lậu: Đó là lúc Thánh giả dùng đạo thế tục lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, cuối cùng là đạo giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Tĩnh lự thứ tư để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Lúc tâm tu xen tạp Tĩnh lự thứ tư-Tĩnh lự trung gian, ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc Thánh giả dựa vào Tĩnh lự thứ tư, khởi lên ba Vô lượng, Tịnh giải thoát, bốn Thắng xứ sau, tám Biến xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư, lúc khởi lên Vô ngại giải, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải thế tục; lúc khởi lên Nguyện trí-Vô tranh-Định Biên tế, và lúc tăng trưởng; dựa vào Tĩnh lự thứ tư, lúc khởi lên Không Không-Vô nguyện Vô nguyện-Vô tướng Vô tướng, và lúc tăng trưởng.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Tịnh của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt mà tu Vô lậu.

Hoặc là chưa đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh: Đó là dựa vào Tĩnh lự thứ tư tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về Khổ-Tập-Diệt đều trong một tâm.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư đạt được quả A-la-hán, lúc ấy Tận trí bắt đầu khởi lên.

Dựa vào Tĩnh lự thứ tư, Tín thắng giải luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh. A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh và cuối cùng là đạo giải thoát.

Lúc tâm đầu và sau tu xen tạp Tĩnh lự thứ tư; lúc dựa vào Tĩnh lự thứ tư khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu, Niệm trú vô lậu, và lúc tăng trưởng Vô ngại giải vô lậu.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư hiện rõ ở trước mắt mà tu Tịnh.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ.

Đó là dựa vào Định Vị chí cho đến Tĩnh lự thứ ba, lúc lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, cuối cùng là đạo giải thoát.

Ngay lúc dựa vào địa ấy đạt được quả A-la-hán, Tận trí bắt đầu khởi lên, và lúc dựa vào địa ấy A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, thì cuối cùng là đạo giải thoát.

Dựa vào Định Vô sắc lúc đạt được quả A-la-hán, Tận trí bắt đầu khởi lên. Ngay lúc dựa vào địa ấy, A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động, thì cuối cùng là đạo giải thoát.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu.

4. Có lúc không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư cũng không phải là Vô lậu: Đó là đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí-Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt; hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí-Vô lậu trí lúc ấy hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu; hoặc là tất cả tâm nhiễm ô-tâm vô ký hiện rõ ở trước mắt; hoặc là trú trong Định Vô tưởng-Định Diệt tận, sinh ở cõi trời Vô tưởng.

Đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt: Trong này, địa khác dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là lúc công đức thế tục đã từng đạt được của các địa này hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Lại không phải là Tĩnh lự thứ tư, cho nên đối với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư đều không có nghĩa của tu.

Đã đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ. Đó là lúc công đức vô lậu đã từng đạt được của các địa này hiện rõ ở trước mắt, thế lực ấy hãy còn không sánh bằng từ sát-na thứ hai, huống là có thể tu công đức vị lai nào khác? Lại không phải là Tĩnh lự thứ tư, cho nên đối với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư đều không có nghĩa của tu.

Hoặc là chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ cõi Dục trừ ra Tĩnh lự thứ tư, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đó là lúc dị sinh khởi lên quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, và những Tuệ do Văn-Tư mà thành của cõi Dục chưa từng đạt được, hiện rõ ở trước mắt, thì lúc ấy dị sinh lìa nhiễm của cõi Dục, là tất cả đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Định Vị chí khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự thứ nhất để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, lúc ấy khởi lên đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, ba đạo giải thoát; khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Tĩnh lự trung gian để lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, lúc ấy khởi lên đạo gia hạnh.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian, khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú, ba Nghĩa quán, Noãn-Đảnh-Nhẫn-Thế đệ nhất pháp.

Như nói dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, như vậy dựa vào Tĩnh lự thứ hai, Tĩnh lự thứ ba nói cũng vậy. Sai biệt là lìa nhiễm của địa trên, và Tĩnh lự thứ ba trừ ra Giải thoát-Biến xứ-Hỷ vô lượng.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Cận phần Tĩnh lự thứ tư, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Cận phần Không vô biên xứ, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư, lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Không vô biên xứ, khởi lên lìa nhiễm của địa dưới, là đạo giải thoát thứ chín, và lúc khởi lên để lìa nhiễm của địa mình, là đạo gia hạnh; lúc khởi lên Giải thoát-Biến xứ và Niệm trú của Không vô biên xứ.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Cận phần Thức vô biên xứ, lìa nhiễm của Không vô biên xứ, lúc ấy là các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Như dựa vào Không vô biên xứ, như vậy dựa vào Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cũng như vậy. Sai biệt là Vô sở hữu xứ trừ ra Biến xứ.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Cận phần Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, lúc ấy là các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Ngay lúc dị sinh dựa vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khởi lên lìa nhiễm của địa dưới, là đạo giải thoát thứ chín, và lúc khởi lên Giải thoát-Niệm trú của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nếu Thánh giả thì khởi lên quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú, ba Nghĩa quán, và những Tuệ do Văn-Tư mà thành của cõi Dục chưa từng đạt được, hiện rõ ở trước mắt.

Ngay lúc ấy Thánh giả dùng đạo thế tục, lìa nhiễm của cõi Dục cho đến Tĩnh lự thứ hai, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục cho đến Tĩnh lự thứ hai, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả dùng đạo thế tục, lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát. Dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Định Vị chí luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Định Vị chí khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ nhất luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ nhất dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Tĩnh lự thứ nhất, khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự trung gian luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự trung gian, khởi lên ba Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Trì tức niệm, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ hai luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ hai dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Tĩnh lự thứ hai, khởi lên bốn Vô lượng, hai Giải thoát đầu, bốn Thắng xứ trước, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói: Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ ba luyện căn làm Kiến chí, nếu thế tục làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ ba dẫn dắt phát khởi năm thần thông, các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, và Tha tâm trí thông thế tục, lúc ấy là đạo giải thoát.

Ngay lúc ấy dựa vào Tĩnh lự thứ ba, khởi lên ba Vô lượng, quán Bất tịnh, Niệm trú thế tục, ba Nghĩa quán, bảy Xứ thiện. Có người nói:

Lúc ấy cũng khởi lên Trì tức niệm.

Lúc khởi tâm Vi Vi tiến vào Định Diệt tận.

Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Thế tục trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu.

Và chưa đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu: Trong này, địa khác cũng dùng tên gọi của Trí mà nói, tức là từ Định Vị chí cho đến Tĩnh lự thứ ba.

Đó là dựa vào Định Vị chí cho đến Tĩnh lự thứ ba, tiến vào Chánh tánh ly sinh, Hiện quán về bốn Đế đều trong bốn tâm. Dùng đạo vô lậu lìa nhiễm của cõi Dục, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Dùng đạo thế tục lìa nhiễm của cõi Dục, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh.

Dựa vào Định Vị chí lìa nhiễm của hai Tĩnh lự đầu, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Định Vị chí luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Định Vị chí khởi lên Niệm trú vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự thứ nhất lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ nhất luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ nhất khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu và Niệm trú vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự trung gian lìa nhiễm của hai Tĩnh lự đầu, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự trung gian luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự trung gian khởi lên Niệm trú vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự thứ hai lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ hai, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát. Lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ hai luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ hai khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu và Niệm trú vô lậu.

Dựa vào Tĩnh lự thứ ba lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy là đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát.

Chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, Tín thắng giải dựa vào Tĩnh lự thứ ba luyện căn làm Kiến chí, nếu vô lậu làm gia hạnh, thì lúc ấy tất cả là đạo gia hạnh-vô gián-giải thoát.

Ngay lúc ấy Thánh giả chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, dựa vào Tĩnh lự thứ ba khởi lên Tha tâm trí thông vô lậu và Niệm trú vô lậu. Những lúc như vậy, khởi lên chưa từng đạt được không phải là Tĩnh lự thứ tư, Vô lậu trí hiện rõ ở trước mắt, mà không tu Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu.

Hoặc là tất cả tâm nhiễm ô, cho đến sinh ở cõi trời Vô tưởng, nói như trong phần Tĩnh lự thứ nhất trước đây.

Như nói về Tĩnh lự thứ tư, cho đến Vô sở hữu xứ nói cũng như vậy, bởi vì các địa này vào lúc lìa nhiễm của địa dưới, cuối cùng là đạo giải thoát, đều chắc chắn tiến vào địa Căn bản.

Hỏi: Vì sao dựa vào địa Cận phần lìa nhiễm của cõi Dục cho đến Tĩnh lự thứ hai, cuối cùng là đạo giải thoát, hoặc là ngay nơi Cận phần, hoặc là tiến vào Căn bản? Lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ ba, cho đến Vô sở hữu xứ, cuối cùng là đạo giải thoát quyết định tiến vào địa Căn bản?

Đáp: Bởi vì ba Cận phần dưới và địa Căn bản tiếp nhận có sai biệt, cho nên vào lúc cầu đạt được địa Căn bản, có lúc thì có thể tiến vào, có lúc thì không thể tiến vào; ba Cận phần trên cùng với địa Căn bản không có gì sai biệt, cho nên vào lúc cầu đạt được địa Căn bản, nhất định là có thể tiến vào.

Các Sư Du-già dựa vào địa Cận phần lìa nhiễm của địa dưới, nhất định đối với địa Căn bản của mình sinh tâm vui thích, lực của tâm có thể khởi lên thì nhất định lập tức khởi lên.

*******

 

Nếu lúc đầu (tối sơ) tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất? Cho đến nói rộng ra.

Bắt đầu (sơ) có bốn loại:

  1. Bắt đầu tiến vào Chánh tánh quyết định.
  2. Bắt đầu đạt được quả.
  3. Bắt đầu lìa nhiễm.
  4. Bắt đầu chuyển căn.

Trong này dựa vào hai loại bắt đầu để soạn luận, đó là đạt được quả và chuyển căn.

Bắt đầu đạt được quả, đó là đạt được quả A-la-hán lúc bắt đầu Tận trí.

Bắt đầu chuyển căn, đó là A-la-hán Thời giải thoát luyện căn làm Bất động lúc đạo giải thoát cuối cùng.

Hỏi: Vì sao ở trong bốn loại bắt đầu chỉ dựa vào hai loại bắt đầu để soạn luận?

Đáp: Nếu lúc bấy giờ tu công đức của tất cả các địa, thì trong này dựa vào đó để soạn luận, chỉ có hai phần vị bắt đầu có thể tu như vậy, cho nên dựa vào đó để soạn luận.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâm-tâm sở pháp ấy nên nói là có Tầm-có Tứ chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là có Tầm-có Tứ, hoặc là không có Tầm-chỉ có Tứ, hoặc là không có Tầm-không có Tứ.

Có Tầm-có Tứ, đó là đã tu Định Vị chí và Tĩnh lự thứ nhất.

Không có Tầm-chỉ có Tứ, đó là đã tu Tĩnh lự trung gian.

Không có Tầm-không có Tứ, đó là đã tu ba Tĩnh lự trên, ba Vô sắc dưới.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâmtâm sở pháp ấy nên nói là tương ưng với Hỷ căn chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là tương ưng với Lạc căn, hoặc là tương ưng với Hỷ căn, hoặc là tương ưng với Xả căn.

Tương ưng với Lạc căn, đó là đã tu Tĩnh lự thứ ba.

Tương ưng với Hỷ căn, đó là đã tu Tĩnh lự thứ nhất và Tĩnh lự thứ hai.

Tương ưng với Xả căn, đó là đã tu Định Vị chí, Tĩnh lự trung gian, Tĩnh lự thứ tư, ba Vô sắc dưới.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâmtâm sở pháp ấy nên nói là tương ưng với Lạc căn chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là tương ưng với Lạc căn, hoặc là tương ưng với Hỷ căn, hoặc là tương ưng với Xả căn, nghĩa giải thích như trước.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâmtâm sở pháp ấy nên nói là tương ưng với Xả căn chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là tương ưng với Lạc căn, hoặc là tương ưng với Hỷ căn, hoặc là tương ưng với Xả căn, nghĩa giải thích như trước.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâm-tâm sở pháp ấy nên nói là Không vô biên xứ thâu nhiếp chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là Không vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Thức vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Vô sở hữu xứ thâu nhiếp.

Không vô biên xứ thâu nhiếp, đó là đã tu Không vô biên xứ.

Thức vô biên xứ thâu nhiếp, đó là đã tu Thức vô biên xứ.

Vô sở hữu xứ thâu nhiếp, đó là đã tu Vô sở hữu xứ.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Thức vô biên xứ, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâm-tâm sở pháp ấy nên nói là Thức vô biên xứ thâu nhiếp chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là Không vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Thức vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Vô sở hữu xứ thâu nhiếp, nghĩa giải thích như trước.

Hỏi: Nếu lúc đầu tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ, lúc bấy giờ đã đạt được các tâm-tâm sở pháp Vô lậu khác của vị lai, thì tất cả tâmtâm sở pháp ấy nên nói là Vô sở hữu xứ thâu nhiếp chăng?

Đáp: Tất cả tâm-tâm sở pháp ấy hoặc là Không vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Thức vô biên xứ thâu nhiếp, hoặc là Vô sở hữu xứ thâu nhiếp, nghĩa giải thích như trước.

Hỏi: Vì sao trong này đối với Tĩnh lự hỏi về Tương ưng, đối với Vô sắc thì hỏi về Thâu nhiếp?

Đáp: Đó là ý của người soạn luận muốn như vậy, tùy theo ý đó để soạn luận, nhưng không trái với pháp tướng thì không cần phải vặn hỏi.

Có người nói: Đối với Tĩnh lự và Vô sắc đều cần phải hỏi cả hai loại, mà không hỏi thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Vì nêu rõ các loại văn từ-các loại giải thích, nhờ vào các loại văn từ-các loại giải thích, cho nên nghĩa sẽ dễ dàng hiểu được.

Có người nói: Vì nêu rõ hai môn loại, hai phương thức, hai giai đoạn, hai ngọn đuốc, hai ánh sáng, hai cảnh vật, hai loại văn từ mô phỏng. Như đối với Tĩnh lự nói về Tương ưng, đối với Vô sắc cũng như vậy; như đối với Vô sắc nói về Thâu nhiếp, đối với Tĩnh lự cũng như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự thô thiển dễ nhìn thấy-dễ nhận biết, cho nên hỏi về Tương ưng; Vô sắc vi tế khó rõ ràng-khó hiểu được, cho nên hỏi về Thâu nhiếp.

Có người nói: Tĩnh lự có các loại tướng không tương tự với nhau, cho nên hỏi về Tương ưng; Vô sắc thì không như vậy, cho nên hỏi về Thâu nhiếp.

Có người nói: Tĩnh lự có các loại Thọ-các loại Căn, cho nên hỏi về Tương ưng; Vô sắc thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự có nhiều công đức-nhiều lợi ích thù thắng, cho nên hỏi về Tương ưng; Vô sắc thì không như vậy.

Có người nói: Tĩnh lự có Trí duyên với khắp nơi, cho nên hỏi về Tương ưng; Vô sắc chỉ có Trí duyên với địa trên địa mình, cho nên chỉ hỏi về Thâu nhiếp.

Hỏi: Vì sao trong này đối với Tĩnh lự cũng Thâu nhiếp Vô sắc, đối với Vô sắc thì không Thâu nhiếp Tĩnh lự?

Đáp: Đó là ý của người soạn luận muốn như vậy, cho đến nói rộng ra.

Có người nói: Đối với Tĩnh lự và Vô sắc đều cần phải Thâu nhiếp cả hai, mà không nói Thâu nhiếp thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Vì nêu rõ các loại văn từ-các loại giải thích, nhờ vào các loại văn từ-các loại giải thích, cho nên nghĩa sẽ dễ dàng hiểu được.

Có người nói: Vì nêu rõ hai môn loại, hai phương thức, hai giai đoạn, hai ngọn đuốc, hai ánh sáng, hai cảnh vật, hai loại văn từ mô phỏng, cho đến nói rộng ra.

Có người nói: Vô sắc dựa vào Tĩnh lự, bởi vì trước phải đạt được Tĩnh lự rồi sau mới đạt được Vô sắc, cho nên đối với Tĩnh lự cũng Thâu nhiếp Vô sắc. Tĩnh lự không dựa vào Vô sắc, cho nên đối với Vô sắc không Thâu nhiếp Tĩnh lự.

Có người nói: Đối với Tĩnh lự cũng không Thâu nhiếp Vô sắc, bởi vì nói về không có Tầm-không có Tứ…, có ý khác nhau. Nghĩa là không có Tầm-không có Tứ, chỉ nói về ba Tĩnh lự sau; tương ưng với Xả căn, chỉ nói về Vị chí-Tĩnh lự trung gian và Tĩnh lự thứ tư. Bởi vì Tĩnh lự và Vô sắc đều có tướng khác nhau, cho nên tuy tu lẫn nhau mà không Thâu nhiếp lẫn nhau.

Có người nói: Đối với Vô sắc cũng phải Thâu nhiếp Tĩnh lự, nên đưa ra cách nói này: “Hoặc là Định Vị chí Thâu nhiếp, cho đến hoặc là Vô sở hữu xứ Thâu nhiếp.” Nhưng mà không nói là muốn hiển bày Vô sắc không phải là gia hạnh tiến vào Tĩnh lự, bởi vì Tĩnh lự hiện rõ trước mắt không nhất định phải nhờ vào Vô sắc.

Có người nói: Sinh ở địa Tĩnh lự có thể khởi lên Vô sắc, sinh ở địa Vô sắc thì không có thể khởi lên Tĩnh lự.

Có người nói: Thánh giả sinh vào Tĩnh lự về sau có thể sinh đến Vô sắc, sinh đến Vô sắc về sau không có thể sinh vào Tĩnh lự. Vì thế cho nên đối với Tĩnh lự Thâu nhiếp Vô sắc, đối với Vô sắc không Thâu nhiếp Tĩnh lự.

Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất, Cho đến nói rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Cần phải ngăn chặn ý của phái Thí Dụ, bởi vì phái ấy ở trong tánh của duyên không hiểu rõ ràng, cho nên nói duyên không phải là có thật. Nay muốn hiển bày rõ ràng về tự tánh của các duyên, khiến cho biết các duyên đều là có thật, cho nên soạn ra phần luận này.

Hỏi: Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất, cùng với Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với Vị tương ưng của địa mình làm Nhân, Đẳng vô

gián, Sở duyên và Tăng thượng. Nhân là ba nhân, tức là nhân Tương ưng-Câu hữu và Đồng loại. Đẳng vô gián, đó là Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất Đẳng vô gián, Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt. Sở duyên, đó là Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất làm Sở duyên cho Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất. Tăng thượng, đó là không ngăn ngại đối với sinh khởi, và chỉ riêng không có chướng ngại.

Trong này, Nhân duyên như pháp của hạt giống, Đẳng vô gián duyên như pháp của sự phát triển, Sở duyên duyên như pháp của cây gậy chống đỡ, Tăng thượng duyên như pháp của sự mang lại mong muốn.

Cùng với Tịnh của địa mình làm Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Đẳng vô gián, đó là Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất Đẳng vô gián, Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt. Như Ái-Kiến-MạnNghi của Tĩnh lự trên, là phiền não Đẳng vô gián, Tịnh của Định hiện rõ ở trước mắt.

Đây là nói chung. Nếu nói riêng biệt thì Tịnh có bốn loại, đó là thuận phần lui sụt, thuận phần an trú, thuận phần thắng tiến, thuận phần quyết trạch.

Trong này, có người nói: Vị tương ưng Đẳng vô gián, chỉ có thuận phần lui sụt hiện rõ ở trước mắt. Có người nói: Cũng khởi lên thuận phần an trú.

Sở duyên, đó là Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất, làm Sở duyên cho Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất. Tăng thượng, đó là không ngăn ngại đối với sinh khởi, và chỉ riêng không có chướng ngại. Không phải là Nhân, bởi vì pháp nhiễm ô cùng với pháp thiện không phải là như pháp của hạt giống.

Bởi vì nghĩa này cho nên Vị tương ưng cùng với Tịnh của địa mình, nếu nói chung thì làm ba duyên, nếu nói riêng thì hoặc là ba-hoặc là hai duyên, nghĩa là cùng với hai phần trước là ba duyên, cùng với hai phần sau là hai duyên.

Cùng với Vô lậu của địa mình làm Sở duyên và Tăng thượng. Sở duyên, đó là làm Sở duyên cho phẩm Loại nhẫn-Loại trí của Khổ-Tập. Tăng thượng, nói như trước. Không phải là Nhân, bởi vì pháp hữu lậu cùng với pháp vô lậu không phải là như pháp của hạt giống. Không phải là Đẳng vô gián, bởi vì phiền não Đẳng vô gián không khởi lên Thánh đạo hiện rõ ở trước mắt.

Bởi vì nghĩa này cho nên Vị tương ưng cùng với Vô lậu của địa mình, nếu nói chung thì làm hai duyên, nếu nói riêng thì hoặc là haihoặc là một duyên, nghĩa là cùng với phẩm Loại nhẫn-Loại trí của KhổTập là hai duyên, cùng với phẩm Loại nhẫn-Loại trí của Diệt-Đạo và tất cả các phẩm Pháp nhẫn-Pháp trí là một duyên.

Cùng với Tịnh-Vô lậu của ba Tĩnh lự trên làm Sở duyên và Tăng thượng. Sở duyên, bởi vì pháp ấy duyên với Vị tương ưng của địa dưới. Tăng thượng, đó là không ngăn ngại đối với sinh khởi, và chỉ riêng không có chướng ngại. Không phải là Nhân duyên, bởi vì nhiễm ô đối với không nhiễm ô không phải là pháp của hạt giống. Không phải là Đẳng vô gián duyên, bởi vì đã lìa nhiễm của địa dưới thì mới có thể khởi lên Tịnh-Vô lậu của địa Căn bản trên.

Cùng với pháp còn lại làm một Tăng thượng. Pháp còn lại, đó là Vị tương ưng của ba Tĩnh lự trên, và tất cả Vô sắc. Tăng thượng, nghĩa nói như trước. Không phải là Nhân duyên, bởi vì pháp khác cõi-địa thì nhân-quả dứt đoạn, và bởi vì pháp khác chủng loại không phải là hạt giống. Không phải là Đẳng vô gián duyên, bởi vì đã lìa nhiễm của địa dưới thì nhiễm của địa trên mới hiện rõ trước mắt, và bởi vì trái ngược nhau. Không phải là Sở duyên, bởi vì phiền não của địa trên và Vô sắc Căn bản, không duyên với pháp hữu lậu của địa dưới.

Hỏi: Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất, cùng với Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với Tịnh của địa mình làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Nhân là ba nhân, tức là nhân Tương ưng-Câu hữu và Đồng loại. Đẳng vô gián, đó là Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất Đẳng vô gián, Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt. Sở duyên, đó là làm Sở duyên cho Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất. Tăng thượng, nghĩa nói như trước.

Đây tức là nói chung. Nếu nói riêng biệt thì Tịnh có bốn phần: Đó là thuận phần lui sụt cùng với thuận phần lui sụt làm bốn duyên, cùng với thuận phần an trú cũng như vậy; cùng với hai phần còn lại làm ba duyên, trừ ra Đẳng vô gián. Thuận phần an trú cùng với thuận phần an trú làm bốn duyên, cùng với thuận phần thắng tiến cũng như vậy; cùng với thuận phần quyết trạch làm ba duyên, trừ ra Đẳng vô gián, cùng với thuận phần lui sụt làm ba duyên trừ ra Nhân duyên, bởi vì pháp mạnh mẽ không phải là nhân của pháp yếu kém. Thuận phần thắng tiến cùng với thuận phần thắng tiến làm bốn duyên, cùng với thuận phần quyết trạch cũng như vậy; cùng với thuận phần lui sụt, có người nói: Chỉ làm Sở duyên và Tăng thượng, bởi vì thuận phần thắng tiến không gián đoạn thì thuận phần lui sụt không hiện rõ trước mắt. Nói như vậy thì cũng hiện rõ ở trước mắt, cho nên cùng với thuận phần lui sụt làm ba duyên, trừ ra Nhân duyên, bởi vì pháp ấy yếu kém; cùng với thuận phần an trú cũng như vậy. Thuận phần quyết trạch cùng với thuận phần quyết trạch làm bốn duyên, cùng với thuận phần lui sụt làm Sở duyên và Tăng thượng; cùng với thuận phần an trú, có người nói: Chỉ làm Sở duyên và Tăng thượng, bởi vì thuận phần quyết trạch không gián đoạn thì thuận phần an trú không hiện rõ trước mắt. Nói như vậy thì cũng hiện rõ ở trước mắt, cho nên cùng với thuận phần an trú làm ba duyên, trừ ra Nhân duyên; cùng với thuận phần thắng tiến cũng như vậy.

Cùng với Vô lậu của địa mình làm Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Đẳng vô gián, đó là Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất Đẳng vô gián, Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất hiện rõ ở trước mắt; đây là chỉ từ phần thuận quyết trạch, có người nói: Cũng từ phần thuận thắng tiến. Sở duyên, đó là làm Sở duyên cho Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất. Tăng thượng, nói như trước. Không phải là Nhân duyên, bởi vì pháp hữu lậu không phải là nhân của pháp vô lậu.

Cùng với Vị tương ưng của địa mình làm Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Đẳng vô gián, như Ái-Kiến-Mạn-Nghi của Tĩnh lự trên, Tịnh của Định Đẳng vô gián thì phiền não hiện rõ ở trước mắt. Nên biết đây là từ phần thuận lui sụt, hoặc là phần thuận an trú khởi lên, bởi vì đã lìa nhiễm-chưa lìa nhiễm của địa mình, khởi lên phiền não của địa mình thì có sai biệt. Sở duyên, bởi vì Vị bám lấy địa mình thuộc Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất. Phần còn lại nói như trước.

Cùng với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai-thứ ba làm Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Đẳng vô gián, đối với Tĩnh lự thứ hai thuận theo thứ tự tiến vào, đối với Tĩnh lự thứ ba thuận theo hiện khởi tiến vào, nên biết là từ phần thuận thắng tiến mà tiến vào Tịnh của địa trên chứ không phải là gì khác. Phần còn lại nói như trước.

Cùng với Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư làm Sở duyên và Tăng thượng. Không có Đẳng vô gián, bởi vì cách rất xa. Phần còn lại nói như trước.

Cùng với pháp còn lại làm một Tăng thượng. Pháp còn lại, đó là Vị tương ưng của ba Tĩnh lự trên, và tất cả Vô sắc. Tăng thượng, nghĩa nói như trước.

Trong này, sai biệt là cùng với Tịnh-Vô lậu của Vô sắc, không phải là Đẳng vô gián, bởi vì cách rất xa. Phần còn lại nói như trước.

Hỏi: Cũng có Đẳng vô gián duyên, đó là tâm thiện của Tĩnh lự thứ nhất lúc mạng chung sinh lên địa trên, vì sao trong này không nói?

Đáp: Cần phải nói pháp ấy làm Đẳng vô gián và Tăng thượng, mà không nói đến thì nên biết là nghĩa có khác.

Có người nói: Trong chương Định Uẩn này chỉ nói về thiện của Định và phiền não của Định, mạng chung tiến vào thai chỉ là thiện sinh ra và phiền não sinh ra, cho nên không nói đến.

Có người nói: Trong chương Định Uẩn này chỉ nói về thiện Căn bản và phiền não, mạng chung tiến vào thai chỉ trú vào Cận phần chứ không trú vào Căn bản, vì vậy không nói đến.

Hỏi: Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, cùng với Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với Vô lậu của địa mình làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Nhân là ba nhân, tức là nhân Tương ưng-Câu hữu và Đồng loại. Sở duyên, đó là làm Sở duyên cho phẩm Đạo nhẫnĐạo trí. Phần còn lại nói như trước.

Đây tức là nói chung. Nếu nói riêng biệt thì phẩm Pháp trí cùng với phẩm Pháp trí làm bốn duyên; cùng với phẩm Loại trí làm ba duyên, trừ ra Sở duyên.

Phẩm Loại trí cùng với phẩm Loại trí làm bốn duyên; cùng với phẩm Pháp trí làm ba duyên, trừ ra Sở duyên.

Phẩm Khổ-Tập-Diệt trí cùng với phẩm Khổ-Tập-Diệt trí làm ba duyên, trừ ra Sở duyên; cùng với phẩm Đạo trí làm bốn duyên.

Phẩm Đạo trí cùng với phẩm Đạo trí làm bốn duyên; cùng với phẩm Khổ-Tập-Diệt trí làm ba duyên, trừ ra Sở duyên.

Phẩm Vị tri đương tri căn cùng với phẩm Vị tri đương tri căn làm bốn duyên; cùng với phẩm Dĩ tri căn cũng như vậy; cùng với phẩm Cụ tri căn làm ba duyên, trừ ra Đẳng vô gián.

Phẩm Dĩ tri căn cùng với phẩm Dĩ tri căn làm bốn duyên; cùng với phẩm Cụ tri căn cũng như vậy; cùng với phẩm Vị tri đương tri căn làm hai duyên, trừ ra Nhân và Đẳng vô gián. Trừ ra Nhân, bởi vì sau sinh ra trước, sinh không phải là Nhân. Trừ ra Đẳng vô gián, bởi vì Tu đạo Đẳng vô gián, Kiến đạo không hiện rõ ở trước mắt.

Phẩm Cụ tri căn cùng với phẩm Cụ tri căn làm bốn duyên; cùng với phẩm Vị tri đương tri căn và phẩm Dĩ tri căn làm hai duyên, trừ ra Nhân và Đẳng vô gián.

Phẩm Pháp trí Vô học cùng với phẩm Loại trí thuộc Học làm một Tăng thượng, phẩm Loại trí Vô học cùng với phẩm Pháp trí thuộc Học làm một Tăng thượng. Bởi vì nói chung cho nên nói là cùng với Vô lậu của địa mình làm bốn duyên. Nếu nói sai biệt thì có hoặc là bốn-ba-haimột duyên như vậy.

Cùng với Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai-thứ ba làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Bởi vì pháp Vô lậu không rơi vào cõi, cho nên địa khác làm Nhân duyên, nói như trước.

Cùng với Tịnh của địa mình và Tịnh của Tĩnh lự thứ hai-thứ ba làm Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng.

Trong này, đối với Tịnh của địa mình, có người nói: Trừ ra phần thuận lui sụt, cùng với ba phần còn lại làm Đẳng vô gián.

Có người nói: Chỉ cùng với hai phần sau làm Đẳng vô gián, đối với Tịnh của địa trên cũng như vậy.

Nói như vậy thì lúc dần dần tiến vào, cũng cùng với phần thắng tiến làm Đẳng vô gián, lúc vượt lên trên tiến vào chỉ cùng với phần thuận quyết trạch làm Đẳng vô gián.

Hỏi: Vì sao lúc vượt lên trên tiến vào chỉ có phần thuận quyết trạch, cùng với đạo Vô lậu làm Đẳng vô gián duyên cho nhau, lúc khác thì không như vậy?

Đáp: Đối với lúc vượt lên trên, chỉ có căn thiện mạnh mẽ kiên cố, có thể cùng dẫn dắt phát khởi phần thuận quyết trạch mạnh mẽ kiên cố, phần khác thì không như vậy.

Cùng với Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và Tịnh của Vô sắc làm Sở duyên-Tăng thượng. Bởi vì phẩm Loại trí của Tĩnh lự thứ nhất là đối trị với Vô sắc, cho nên cùng với Tịnh của Vô sắc cũng làm Sở duyên. Phần còn lại nói như trước.

Cùng với Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư và Vô lậu của Vô sắc làm Nhân-Sở duyên và Tăng thượng. Bởi vì phẩm Đạo loại trí của Vô sắc cũng duyên với phẩm Loại trí của Tĩnh lự thứ nhất. Phần còn lại nói như trước.

Cùng với pháp còn lại làm Tăng thượng. Pháp còn lại, đó là cùng với tất cả Vị tương ưng. Tăng thượng, nghĩa nói như trước. Bởi vì Vô lậu cùng với Vị hết sức trái ngược nhau, cho nên không có Đẳng vô gián. Tham không có thể duyên với pháp Vô lậu, cho nên không phải là Sở duyên. Vô lậu cùng với nhiễm ô không phải là pháp của hạt giống, cho nên không phải là Nhân.

Hỏi: Nếu Vô lậu cùng với Vị hết sức trái ngược nhau, thì tại sao làm Tăng thượng?

Đáp: Đối với không gián đoạn khởi lên tuy hết sức trái ngược nhau, mà lúc đang sinh khởi thì qua lại không chướng ngại gì, cho nên có thể lần lượt chuyển đổi làm Tăng thượng lẫn nhau.

Hỏi: Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ hai cùng với Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ hai… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với Vị tương ưng của địa mình làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với Tịnh của hai Tĩnh lự đầu, làm Đẳng vô gián-Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với tất cả Vô lậu của Tĩnh lự và Tịnh của Tĩnh lự thứ ba-thứ tư, làm Sở duyên-Tăng thượng. Cùng với pháp còn lại làm một Tăng thượng. Pháp còn lại, đó là Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất-thứ ba-thứ tư, và tất cả Vô sắc.

Trong này, cùng với Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất làm Đẳng vô gián, đó là Sư Du-già ở Tĩnh lự thứ hai, Tịnh của Định không gián đoạn, khởi lên các phiền não, tâm lúc ấy nóng bức phiền muộn như bị lửa đốt, lập tức quay trở về Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất. Vì vậy trong kinh nói: “Thà khởi lên tác ý chán ngán đi cùng Tĩnh lự thứ nhất, chứ không khởi lên tác ý yếu kém đi cùng Tĩnh lự thứ hai.”

Hỏi: Lúc ấy khởi lên Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất như thế nào?

Đáp: Có người nói: Khởi lên phần thuận an trú, bởi vì dễ khởi lên.

Có người nói: Khởi lên phần thuận thắng tiến, bởi vì phòng hộ địa trên, vả lại ở đây đã nói là cùng với Vị tương ưng của Tĩnh lự thứ nhất làm một Tăng thượng.

Hỏi: Tâm nhiễm ô của Tĩnh lự thứ hai mạng chung sinh vào Tĩnh lự thứ nhất, thì có Đẳng vô gián duyên, vì sao không nói?

Đáp: Cần phải nói là cùng với tâm ấy làm Đẳng vô gián-Tăng thượng, mà không nói đến thì nên biết là nghĩa này có khác.

Có người nói: Trong chương Định Uẩn này chỉ nói về phiền não của Định, mạng chung tiến vào thai là phiền não sinh ra, cho nên không nói đến.

Có người nói: Trong chương Định Uẩn này chỉ nói về phiền não của địa Căn bản, mạng chung tiến vào thai chỉ trú vào phiền não của địa Cận phần, cho nên không nói đến. Phần còn lại tùy theo thích hợp, nói như trước.

Hỏi: Tịnh của Tĩnh lự thứ hai, cùng với Tịnh của Tĩnh lự thứ hai… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với Tịnh của địa mình làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với tất cả Vô lậu của Tĩnh lự và Tịnh của Tĩnh lự thứ nhất-thứ ba-thứ tư, và Vị tương ưng của địa mình, làm Đẳng vô gián-Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với pháp còn lại làm một Tăng thượng, phần này cũng như trước tùy theo thích hợp nói rộng ra.

Hỏi: Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai, cùng với Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai… làm mấy duyên?

Đáp: Cùng với tất cả Vô lậu của Tĩnh lự làm Nhân, Đẳng vô gián, Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với tất cả Tịnh của Tĩnh lự làm Đẳng vô gián-Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với Tịnh của Vô sắc làm Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với Vô lậu của Vô sắc làm Nhân-Sở duyên và Tăng thượng. Cùng với pháp còn lại làm một Tăng thượng, phần này cũng tùy theo thích hợp nói rộng ra như trước.

Từ Tĩnh lự thứ ba cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có năm-bamột-hai lượt hỏi đáp, nói rộng ra như bản luận, nên biết.

Hỏi: Như lúc dùng đạo thế tục lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ tư và ba Vô sắc dưới, tất cả đạo vô gián đều duyên với địa dưới, vì sao không nói Vị tương ưng-Tịnh của Tĩnh lự thứ tư và ba Vô sắc dưới cùng với Tịnh của địa trên làm sở duyên?

Đáp: Điều này cũng cần phải nói, mà không nói đến thì nên biết là có khác.

Có người nói: Trong chương Định Uẩn này chỉ nói về địa Căn bản, chín đạo vô gián chỉ là địa Cận phần, cho nên không nói đến.

Hỏi: Như thế nào là Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba-thứ tư, cùng với Tịnh-Vô lậu của Vô sắc làm Đẳng vô gián?

Đáp: Chỉ là phẩm Loại trí.

Hỏi: Vì sao không phải là phẩm Pháp trí?

Đáp: Có người nói: Bởi vì phẩm Pháp trí dựa vào địa dưới-duyên với địa dưới, nghĩa là phẩm Pháp trí chỉ dựa vào cõi Dục, chỉ duyên với các hành của cõi Dục, và Nhân của hành ấy-Diệt hành ấy-Đạo đối trị của hành ấy. Tịnh-Vô lậu của Vô sắc thì không như vậy, cho nên phẩm Pháp trí không phải là Đẳng vô gián duyên của địa ấy.

Có người nói: Phẩm Pháp trí chỉ duyên với cõi Dục và Diệt-Đạo của địa ấy, duyên với cõi Dục và Diệt-Đạo của địa ấy không gián đoạn, không đạt được thì duyên với cảnh của địa Vô sắc, bởi vì cách rất xa, cho nên phẩm Pháp trí này không phải là Đẳng vô gián duyên của Vô sắc.

Có người nói: Bởi vì địa Vô sắc không phải là sở y-sở duyên và địa của phẩm Pháp trí, nghĩa là bốn Tĩnh lự tuy không phải là sở y-sở duyên của phẩm Pháp trí, mà là địa của phẩm Pháp trí; cõi Dục tuy không phải là địa của phẩm Pháp trí, mà là sở y-sở duyên của phẩm Pháp trí. Các địa Vô sắc không có sự việc như vậy, cho nên không phải là phẩm Pháp trí không gián đoạn mà khởi lên.

Hỏi: Vì sao Tịnh-Vô lậu của Vô sắc chỉ duyên với Đạo thuộc phẩm Loại trí của địa dưới, chứ không phải là Đạo thuộc phẩm Pháp trí?

Đáp: Bởi vì Đạo thuộc phẩm Pháp trí không phải là đối trị của địa ấy.

Hỏi: Lẽ nào không phải Đạo thuộc phẩm Pháp trí cũng là đối trị của địa ấy chăng?

Đáp: Tuy là đối trị của địa ấy mà không phải là Căn bản, cũng không phải là toàn phần, cho nên không nói đến. Nghĩa là tuy đối trị với pháp do Tu mà đoạn của địa ấy, nhưng không phải là đối trị với pháp do Kiến mà đoạn của địa ấy. Vả lại, tuy Diệt-Đạo pháp trí là đối trị với địa ấy, mà không phải là Khổ-Tập pháp trí.

Có người nói: Phẩm Loại trí là đối trị chủ của địa ấy, phẩm Pháp trí là đối trị khách của địa ấy, cho nên không phải là Sở duyên của địa ấy.

Nhưng Tịnh-Vô lậu của Tĩnh lự-Vô sắc, hoặc là địa dưới-hoặc là địa trên không gián đoạn mà khởi lên, từ địa dưới khởi lên thì gọi là thuận theo thứ tự-thuận theo vượt lên, từ địa trên khởi lên thì gọi là ngược với thứ tự-ngược với vượt lên, cùng loại khởi lên thì gọi là thuần nhất, khác loại khởi lên thì gọi là xen tạp, địa không gián đoạn thì gọi là theo thứ tự, địa có gián đoạn thì gọi là vượt lên. Có gián đoạn chỉ có thể vượt qua một địa. Đây gọi là Tỳ-bà-sa tóm lược ở nơi này.

Hỏi: Đã nói đến Định vượt qua (siêu định) thì gia hạnh như thế nào?

Đáp: Lúc tu Định vượt qua, người tu Định ấy trước tiên khởi lên tâm thiện của cõi Dục, từ đây không gián đoạn tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp đến tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ hai, lần lượt cho đến tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ đó trở lại tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này xoay vòng theo nhau tu tập, làm cho thuần thục khéo léo như con đường của vua rồi, tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai, lần lượt cho đến tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ đó trở lại tiến vào Vô lậu của Thức vô biên xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này xoay vòng theo nhau tu tập, làm cho thuần thục khéo léo như con đường của vua rồi, tiếp tục tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ; từ Hữu lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này xoay vòng theo nhau tu tập, làm cho thuần thục khéo léo như con đường của vua rồi, tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ Vô lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại vượt qua tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này xoay vòng theo nhau tu tập, làm cho thuần thục khéo léo giống như con đường của vua, đến đây thì thành tựu đầy đủ gia hạnh của Định vượt qua. Từ đây tiếp tục tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ Vô lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất. Như vậy gọi là thành tựu đầy đủ Định vượt qua.

Có Sư khác nói: Lúc tu Định vượt qua (siêu định), trước tiên khởi lên tâm thiện của cõi Dục, từ đây không gián đoạn tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp đến tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ hai, lần lượt cho đến tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ đó trở lại tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo luyện tập thành thạo rồi, tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai, lần lượt cho đến tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ đó trở lại tiến vào Vô lậu của Thức vô biên xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo luyện tập thành thạo rồi, tiếp tục tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ hai, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ tư, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Thức vô biên xứ, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ. Từ đó trở lại tiến vào Vô lậu của Thức vô biên xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo luyện tập thành thạo rồi, tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ hai, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ tư, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ, tiếp theo tiến vào Hữu lậu của Thức vô biên xứ, tiếp theo tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ, tiếp theo tiến vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ đó trở lại tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ, lần lượt cho đến tiếp tục trở lại tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo luyện tập thành thạo rồi, tiếp tục tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ; từ Hữu lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo luyện tập thành thạo rồi, tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ Vô lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Đối với các địa này khéo léo tu tập thành thạo rồi, thì gọi là thành tựu đầy đủ Định vượt qua. Từ đây tiếp tục tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Vô sở hữu xứ; từ Vô lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại vượt qua tiến vào Hữu lậu của Không vô biên xứ; từ Hữu lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ nhất.

Từ đây tiếp tục tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất; từ Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Vô sở hữu xứ; từ Hữu lậu của Vô sở hữu xứ, trở lại vượt qua tiến vào Vô lậu của Không vô biên xứ; từ Vô lậu của Không vô biên xứ, vượt qua tiến vào Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba; từ Hữu lậu của Tĩnh lự thứ ba, vượt qua tiến vào Vô lậu của Tĩnh lự thứ nhất. Như vậy gọi là thành tựu đầy đủ Định vượt qua.

Lại có người nói: Trước đây đã nói đều là gia hạnh, từ phần vị này về sau tự tại xoay vòng theo nhau vượt qua tiến vào các Định, không có gì chướng ngại mới gọi là thành tựu đầy đủ, nhưng nhất định không có thể vượt qua tiến vào Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Vì sao không có thể vượt qua tiến vào Tĩnh lự thứ tư?

Đáp: Bởi vì pháp của vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn và đệ tử bậc Thánh vượt qua tiến vào các Định đều là như vậy, cho nên không cần phải hỏi.

Có người nói: Các pháp vượt qua Định vốn là thuận theo từ từ khởi lên, nếu từ đó vượt qua thì pháp chỉ vượt qua một, bởi vì thế lực không hơn được. Như lúc bước lên bậc thang cũng cần phải từ từ bước lên, có lúc nhảy qua nhưng không có ai có thể nhảy qua hai bậc, bởi vì thế lực không đến được.

Có người nói: Bởi vì pháp của con đường khởi lên sau đó đều như trước, cho nên chỉ vượt qua một. Nghĩa là lúc người tu quán hành bắt đầu vượt qua Định, từ năm tiến vào năm, từ bốn tiến vào bốn, Chi số bằng nhau cho nên có thể dễ dàng vượt qua tiến vào, sau đó cũng như vậy, cho nên không vượt qua hai.

Có người nói: Như Sở duyên duyên cho nên chỉ vượt qua một, nghĩa là người tu quán hành không nghĩ đến tác ý, đối với Sở duyên duyên chỉ có thể vượt qua một.

Hỏi: Vì sao người tu quán hành vượt qua đối với Sở duyên?

Đáp: Bởi vì lúc ấy không nghĩ đến tác ý dùng Tĩnh lự thứ nhất, đối với cảnh của chín địa, duyên riêng biệt với mỗi một cảnh, trong đó chỉ có thể khởi lên duyên với một địa.

Nghĩa là duyên với cõi Dục không gián đoạn thì có thể phía trên duyên với Tĩnh lự thứ nhất, hoặc là Tĩnh lự thứ hai chứ không phải là địa nào khác. Duyên với Tĩnh lự thứ nhất không gián đoạn thì có thể phía dưới duyên với cõi Dục, phía trên duyên với Tĩnh lự thứ hai, hoặc là Tĩnh lự thứ ba chứ không phải là địa nào khác. Duyên với Tĩnh lự thứ hai không gián đoạn thì có thể phía dưới duyên với cõi Dục, hoặc là Tĩnh lự thứ nhất, phía trên duyên với Tĩnh lự thứ ba, hoặc là Tĩnh lự thứ tư chứ không phải là địa nào khác. Duyên với Tĩnh lự thứ ba không gián đoạn thì có thể phía dưới duyên với Tĩnh lự thứ nhất, hoặc là Tĩnh lự thứ hai, phía trên có thể duyên với Tĩnh lự thứ tư, hoặc là Không vô biên xứ chứ không phải là địa nào khác. Như vậy cho đến duyên với Phi tưởng phi phi tưởng xứ không gián đoạn thì có thể phía dưới duyên với Thức vô biên xứ, hoặc là Vô sở hữu xứ chứ không phải là địa nào khác.

Như dựa vào Định thứ nhất, như vậy dựa vào các Định sau tùy theo sự thích hợp đối với Sở duyên duyên đều cần phải nói rộng ra.

Như không có thể vượt qua Sở duyên của hai địa, vượt qua Định cũng như vậy, cho nên không tiến vào Tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao nói Tịnh giải thoát tiếp theo khởi lên năm tâm, tâm của Tịnh giải thoát duyên với cõi Dục, tùy miên biến hành của Tĩnh lự thứ tư có thể duyên với địa trên địa mình cho đến Hữu đảnh, lẽ nào không phải là có thể vượt qua Sở duyên của hai địa hay sao?

Đáp: Nói đến tâm không nhiễm ô thì không có thể vượt qua hai, bởi vì tâm ấy là nhiễm ô cho nên không trái ngược nhau.

Hỏi: Như Khổ pháp trí duyên với cõi Dục không gián đoạn thì khởi lên Khổ loại nhẫn, cho đến duyên với Hữu đảnh, vì sao nói là tâm không nhiễm ô thì không có thể vượt qua hai? Đáp: Đó chỉ là duyên chung cho nên không gọi là vượt qua, bởi vì cũng cùng duyên với địa khác, cho nên không phải là vấn nạn.

Hỏi: Nơi nào có thể vượt qua Định?

Đáp: Ở cõi Dục chứ không phải là cõi Sắc-Vô sắc, ở nẽo người chứ không phải là nẽo khác, ở ba châu chứ không phải là châu Bắc Câu-lô, người nam-người nữ đều có thể vượt qua Định.

Tôn giả Tăng-già-phiệt-tô nói rằng: “Chỉ riêng châu Thiệm Bộ, chỉ riêng người nam có thể vượt qua Định, châu khác và người nữ bởi vì sở y yếu kém cho nên không có thể vượt qua.”

Nói như vậy thì châu khác và người nữ cũng có thể vượt qua Định,

bởi vì những nơi ấy cũng đạt được tự tại đối với Tam-ma-địa.

Hỏi: Những Bổ-đặc-già-la nào có thể vượt qua Định?

Đáp: Là Thánh giả chứ không phải là dị sinh, là Vô học chứ không phải là Học; trong Vô học thì Bất thời giải thoát chứ không phải là Thời giải thoát; ở trong Bất thời giải thoát cần phải đạt được công đức thù thắng của Nguyện trí-Định Biên tế…, sau đó mới có thể vượt qua.

Hỏi: Vì sao chỉ riêng Bất thời giải thoát Vô học mới có thể vượt qua Định?

Đáp: Cần phải trong sự nối tiếp nhau không có các phiền não, đối với Định đạt được tự tại thì mới có thể vượt qua Định; trong sự nối tiếp nhau của Học hãy còn có phiền não, Thời giải thoát đối với Định không đạt được tự tại, cho nên không có thể vượt qua Định.

Hỏi: Những căn thiện nào không gián đoạn thì có thể vượt qua Định?

Đáp: Những căn thiện như Vô lượng, Giải thoát, Thắng xứ, Biến xứ, các thần thông… không gián đoạn thì đều không có thể vượt qua Định; chỉ riêng căn thiện của những hành tướng như Vô thường…không gián đoạn thì có thể vượt qua Định. Nguyên cớ thế nào? Bởi vì cần phải là căn thiện mạnh mẽ nhanh nhạy và tăng thượng thì mới có thể vượt qua Định.