TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

A2. Phần thuyết giảng chính thức
B1. Nói rõ Bồ tát có thể tu hành lục độ
C1. Nói rộng các hạnh tu thành Bồ tát
D1. Khuyến phát tâm nguyện
E1. Khuyến phát tâm tổng quát
F1. Nói rõ tướng phát tâm

[Giải]   Hiện nay giảng phẩm Phát tâm Bồ đề, tức là nói về ý nghĩa và hành tướng của sự phát tâm. Phát Bồ đề tâm, tâm này, phần trên đã nói về sự phát lòng mong cầu Bồ đề, hoặc cầu thành Phật, khởi tâm cầu chứng đắc Phật quả. Có thể nói, phát tâm mong cầu, hoặc phát tâm thệ nguyện, tức là nói về tâm mong cầu Bồ đề. Đến bậc Sơ trụ, thành tựu thắng giải; từ Thập trụ đến Thập hồi hướng, đầy đủ dục, thắng giải và niệm; đến Tứ gia hạnh vị đắc định; lúc lên Sơ địa chứng đắc vô lậu trí; lúc đó mới là Bồ tát chân chánh. Còn thực chất của sự sơ phát tâm, tức là lòng mong cầu (Hán: nguyện dục).

 

Phẩm hai: Phát tâm Bồ đề

G1. Thiện Sinh hỏi:

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng sinh vì sao phát tâm Bồ đề?”

[Giải]    “Vì sao”, có nhiều nghĩa, như: do nhân duyên gì? Tại sao? Dùng phương pháp nào?

G2. Thế Tôn thuyết giảng
H1. Phân biệt nói chi tiết
I1. Tin hiểu phát Bồ đề tâm

– Thiện nam tử! (1) Vì hai việc nên phát tâm Bồ đề: một là tăng tuổi thọ, hai là thêm tài sản. (2) Lại có hai việc: một là vì không muốn chủng tính Bồ đề đoạn tuyệt, hai là vì muốn đoạn trừ phiền não tội khổ của chúng sinh. (3) Lại có hai việc: một là tự quán sát mình trong vô lượng đời chịu bao nhiêu là khổ não mà vẫn không được lợi ích, hai là tuy có chư Phật xuất hiện nhiều như số cát sông Hằng, các Ngài cũng không thể độ thoát mình, mà chính mình phải tự độ. (4) Lại có hai việc: một là tu các nghiệp lành, hai là những nghiệp lành đã tu sẽ không mất. (5) Lại có hai việc: một là vì muốn thắng hơn tất cả quả báo của trời người, hai là vì muốn thắng hơn tất cả quả báo của Nhị thừa. (6) Lại có hai việc: một là vì cầu nẻo giác ngộ nên nhận chịu nhiều khổ não, hai là vì muốn được vô lượng sự lợi ích rộng lớn. (7) Lại có hai việc: một là quán sát chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở quá khứ, vị lai, đều giống như mình, hai là quán sát thâm sâu rằng Bồ đề là pháp có thể chứng được, vì thế phát tâm tu tập. (8) Lại có hai việc: một là quán sát Bồ tát lục trụ, tuy có tâm thoái chuyển, vẫn còn thù thắng hơn tất cả Thanh văn, Duyên giác, hai là siêng năng truy cầu quả vị Vô thượng Chính giác. (9) Lại có hai việc: một là mong tất cả chúng sinh đều được giải thoát, hai là mong quả báo giải thoát của chúng sinh vượt hơn quả báo của ngoại đạo. (10) Lại có hai việc: một là không xả bỏ tất cả chúng sinh, hai là xa lìa tất cả phiền não. (11) Lại có hai việc: một là vì đoạn trừ khổ não của chúng sinh trong đời nầy, hai là vì ngăn chận khổ đau của chúng sinh trong đời sau. (12) Lại có hai việc: một là vì muốn đoạn trừ sự chướng ngại của trí tuệ, hai là vì muốn đoạn trừ thân chướng của chúng sinh.

[Giải]    Tin hiểu (Hán: tín giải), phát Bồ đề tâm, có mười hai cặp. Đây đều là các bậc ngoại phàm bắt đầu phát tâm, chưa đạt đến quả vị Thập tín, tức là sự phát tâm của các ngoại phàm đang tiến nhập vào giai vị Thập tín.

(1) Đầu tiên nói đến hai việc, đối với người bình thường, tức là sống lâu và giàu có, nhiều phước báo, thọ mạng lâu dài. Đây tuy là sự mong cầu của kẻ bình thường, thế nhưng, vẫn phải đợi đến quả vị Phật mới đầy đủ phước đức và thọ mạng.

(2) Lại có hai việc, (a) vì không muốn hạnh Bồ tát đoạn tuyệt, (b) vì muốn đoạn trừ tất cả phiền não tội khổ cho chúng sinh.

(3) Lại có hai việc, (a) vì nhân quả ba đời đã hiển minh, nhận rằng mình đã tạo nghiệp thọ khổ mà vẫn chưa từng được lợi ích, (b) vì chư Phật nhiều như số cát của vô lượng sông Hằng đều không thể độ thoát mình.

(4) Lại có hai việc, (a) vì muốn cứu thế lợi nhân, làm việc thiện rộng lớn, thế nhưng người đời do vì muốn cầu kiến thức, cầu kinh nghiệm, đến khi có thể làm việc thiện thì tuổi già đã đến, cho nên những việc đã làm nửa chừng đứt đoạn, chỉ có phát tâm Bồ đề là không mất.

(5) Lại có hai việc, vượt hơn tất cả, như phần trên đã nói.

(6) Lại có hai việc, (a) vì nguyện không sợ sự nhận chịu nhiều khổ não, nếu như không lập chí nguyện kiên cố, sẽ không thành tựu, (b) vì được vô hạn sự lợi ích, lợi ích tất cả thế giới, được rồi sẽ mất, chỉ có sau khi phát tâm Bồ đề là không mất.

(7) Lại có hai việc, (a) chư Phật đời quá khứ, vị lai, lúc chưa phát tâm tu hành, cũng giống như mình, (b) nếu như quả Bồ đề không thể đắc, thì đó chỉ là vọng tưởng, còn nếu có thể đắc, thì phải nên lập chí mong cầu.

(8) Lại có hai việc, (a) bậc Thất trụ không thoái chuyển, bậc Lục trụ trở xuống đều có thoái chuyển, thế nhưng vẫn thù thắng hơn Duyên giác, (b) phát tâm tinh tiến cầu Bồ đề, cũng phải cần lập nguyện.

(9) Lại có hai việc, muốn làm cho chúng sinh được giải thoát thù thắng hơn sự giải thoát của ngoại đạo, cũng cần phải lập nguyện.

(10) Lại có hai việc, (a) Bồ tát dùng tâm Đại bi độ tất cả chúng sinh, chúng sinh vô tận, cho nên phải không xả bỏ chúng sinh, (b) tự mình đoạn phiền não, mới có thể độ người khác.

(11) Lại có hai việc, (a) vì muốn đoạn trừ sự khổ não hiện tại và vị lai của chúng sinh, cho nên phải lập nguyện, (b) vì chúng sinh vô tri, Bồ tát có thể dùng trí tuệ và từ bi đoạn trừ sự vô tri của chúng sinh.

(12) Lại có hai việc, sự chướng ngại của trí tuệ là sở tri chướng, Phật trí của chúng sinh bị vô minh, vô tri che chướng, thân báo chướng của chúng sinh là do nghiệp phiền não chiêu cảm, tức là phiền não chướng. Muốn đoạn trừ hai chướng này, cho nên phát Bồ đề nguyện.

I2. Tu tập phát Bồ đề tâm

Thiện nam tử! Do năm việc mà phát tâm Bồ đề: một là gần gũi bạn lành, hai là trừ tâm nóng giận, ba là tuân lời thầy dạy, bốn là sinh lòng thương xót, năm là tu hành tinh tiến. Lại có năm việc phát tâm Bồ đề: một là không thấy lỗi người, hai là tuy thấy lỗi người, nhưng tâm không nghĩ nhớ đến, ba là tuy làm lành, không sinh lòng kiêu mạn, bốn là thấy người làm lành, không sinh lòng ghen ghét, năm là quán sát tất cả chúng sinh, tưởng như con một của mình.

[Giải]    Đây là dùng sự tu tập hai loại “năm việc” mà phát tâm Bồ đề. Đây là do học tập mà phát tâm, tức là Bồ tát thập tín.

Vì muốn trưởng thành tâm Bồ đề, cho nên tu tập: (1) Gần gũi bạn lành. Phật, Bồ tát đều là bạn lành. (2) Đoạn trừ tâm nóng giận. (3) Tuân lời thầy dạy. (4) Sinh lòng thương xót chúng sinh. (5) Tu hành tinh tiến.

Lại có năm việc: (1) Quán sát kẻ khác, nên nhìn chỗ tốt, không nhìn lỗi lầm của họ. (2) Bồ tát dùng phương tiện giúp đỡ người khác, nhưng vẫn không thể làm cho họ cải đổi, tuy vậy vẫn không nuối tiếc. (3) Phát tâm tu hành, giả sử chứng được thiện pháp hoặc cảnh giới lành, hoặc chứng đắc thiền định thanh tịnh, hoặc được tiếng tăm, v.v…, nếu sinh tâm kiêu mạn, thì cũng giống như bỏ thuốc độc vaò trong món ăn thượng vị, trở thành phước lành hữu lậu. (4) Nếu sinh tâm ganh ghét, ắt trở thành hữu lậu. (5) Có hai đứa con, hoặc giả sẽ có tâm thiên vị, nếu như chỉ có một đứa, quyết không có tâm khác biệt.

Trên đây là chưa chân thực phát tâm, bất quá do sự tin hiểu nên tu tập sự phát tâm mà thôi.

I3. Chân chánh phát Bồ đề tâm

Thiện nam tử! Người trí sau khi phát tâm Bồ đề, có thể hủy diệt nghiệp ác to như núi Tu Di. Người trí vì ba việc mà phát tâm Bồ đề: một là vì thấy chúng sinh thọ khổ trong đời ác năm trược, hai là vì thấy Đức Như Lai có đạo lực thần thông không thể nghĩ bàn, ba là vì nghe tám thứ âm thanh vi diệu của Đức Như Lai. Lại do hai việc: một là biết rõ sự khổ đau của thân mình, hai là hiểu rõ chúng sinh khổ như mình khổ, vì muốn đoạn trừ sự khổ cho họ, cũng như trừ sự khổ cho chính mình.

[Giải]    Ở đây dùng ba việc, hai việc để thuyết minh. Có trí thắng giải thì sự phát tâm mới là chân thực phát tâm, có thể hủy diệt nghiệp ác to như núi Tu di. Núi Tu di, dịch là Diệu cao, tức là ngọn núi cao nhất ở thế giới này.

Người trí, nhân ba việc mà phát tâm: (1) dùng tâm Đại bi, quán sát chúng sinh ở trong năm trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mệng trược, khởi tâm muốn cứu độ, nhưng không thể thực hiện được nếu không có Vô thượng Bồ đề; điều (1) này là “dưới muốn độ chúng sinh”; (2) thấy thần lực của Phật, muốn thành tựu những sự nghiệp như Phật; (3) nghe pháp âm của Phật, cho nên muốn thành Phật. Hai điều này là “trên cầu thành Phật đạo”.

Tám thứ âm thanh vi diệu: (1) ngọt ngào, (2) mềm mỏng, (3) hòa nhã, (4) thông tuệ, (5) không dối, (6) sâu sắc, (7) không lầm lẫn, (8) không cùng tận.

Ba điều trên, bên trong là do từ bi trí tuệ, bên ngoài nhờ vào giáo pháp thù thắng, cho nên phát tâm.

Lại có hai việc, (1) tự mình biết một cách rõ ràng, biết một cách thâm sâu thống thiết về sự khổ, đây là khổ đế của Thanh văn, nghĩa là ba khổ, tám khổ. Điều này là pháp chung cho ba Thừa; (2) tức là pháp Đại thừa bất cộng, bởi vì có tâm Đồng thể Đại bi. Câu (1), phát tâm chung cho cả ba Thừa, câu (2), duy phát tâm Bồ đề Đại thừa.

H2. Nêu rõ chánh tông

Thiện nam tử! Nếu có người phát tâm Bồ đề, phải biết người đó có thể lễ lạy sáu phương, và sẽ được sống lâu, giàu có. Điều nầy không giống như bọn ngoại đạo đã nói.

[Giải]    Nếu có thể phát tâm, tức là thành Bồ tát, tức là có thể tăng trưởng tuổi thọ và tài sản, mà cũng tức là tăng trưởng pháp tài, có thể độ chúng sinh, có thể thành Phật đạo. Đây tức là nêu rõ chánh tông của bổn kinh khác với ngoại đạo.