KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu

 

II. NHÂN DUYÊN PHÁT KHỞI KINH NÀY

Giáo lý là những lời dạy của bậc Thánh, của Đức Phật, hoặc của bồ-tát để giáo hóa chúng sinh. Giáo lý phát khởi từ nhân và duyên. Những nhân duyên này hình thành là do ở chúng sinh. Nếu không có chúng sinh sẽ không có chư Phật. Nếu không có chư Phật sẽ không có giáo lý. Nhân duyên và lý do khởi phát giáo lý là để giúp cho chúng sinh chấm dứt sinh tử. Đây là lý do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  thị hiện ở thế gian. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói rõ:

“Đức Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên, một việc lớn lao nhất mà thị hiện trên thế gian này.”

Việc lớn lao ấy là gì? Đó là vấn đề sinh tử của con người. Vì con người không hiểu tại sao họ sinh ra, rồi tại sao họ lại chết đi? Họ tiếp tục trôi qua cuộc sống chết. Một khi họ hiểu ra, thì họ đã cận kề với sinh tử. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện ở thế gian là để chỉ cho chúng sinh hiểu được tại sao họ lại sinh ra và tại sao họ lại chết đi?

Anh sẽ về đâu sau khi chết?

Anh sẽ đi đâu khi được sinh ra?

Một khi được sinh ra trong đời, chúng sinh bị bận rộn suốt đời, phải tìm nơi để ở, kiếm áo quần để mặc, kiếm thực phẩm để ăn… đến nỗi họ chẳng còn thì giờ để giải quyết việc sinh tử. Đây là điều mà mọi người đều phải vướng bận. Họ nói: “Tôi phải làm việc khổ nhọc và bận rộn để có được ngày hai bữa ăn, áo quần, nhà ở…”

Chẳng ai bận tâm tìm cách làm sao để chấm dứt sinh tử. Họ chẳng biết thắc mắc: “Tại sao ta đến trần gian này. Tại sao tôi ở đây? Ta từ đâu đến đây?

Khi quý vị gặp người nào đó, quý vị thường hỏi: “anh từ đâu tới? anh ở đây bao lâu rồi?” Nhưng người ta không bao giờ tự đặt những vấn đề cho chính mình. Họ quên mất mình từ đâu tới. Họ quên mất rồi mình sẽ về đâu? Họ quên mất không tự hỏi ở chính mình: “Tôi sẽ đi đâu khi tôi chết?” Chỉ vì người ta quên mất việc phải tự hỏi mình vấn đề trên. Cho nên Đức Phật mới đến thế giới này để nhắc nhở, thúc giục chúng ta giải quyết được vấn đề sinh tử.

Kinh Pháp Hoa nói rằng:

“Đức Phật Thế Tôn, duy chỉ một đại sự nhân duyên mà thị hiện nơi thế gian này là khiến cho chúng sinh khai mở được tri kiến phật, để chỉ bày cho chúng sinh tri kiến phật, để giúp cho chúng sinh giác ngộ được tri kiến phật và khiến cho chúng sinh thể nhập vào tri kiến phật…”[1]

Nói chung, tất cả mọi chúng sinh xưa nay vốn đều có sẵn tri kiến phật. Trí tuệ sẵn có xưa nay của chúng sinh vốn đồng một thể tánh với chư Phật. Nhưng trí tuệ ấy ở chúng sinh được ví như vàng thô đang còn nằm trong mỏ như đã đề cập ở trên. Trước khi được khai quật lên thì vàng vốn chưa được hiển bày. Một khi quý vị đã nhận thức được Phật tánh vốn thường hằng, thường hiện hữu trong mình, ắt là quý vị mới như pháp tu hành, mới có thể khai quật mỏ vàng, mới tinh luyện được chất vàng ròng không còn dính tí quặng hoặc cấu bẩn trong đó.

“Bổn hữu Phật tánh của bạn ở đâu?

Bổn hữu trí tuệ của chúng ta ở đâu?”

Phật tánh được hiện hữu từ ngay trong phiền não của chúng ta. Một người ai cũng có phiền não và ai cũng có Phật tánh. Trong hàng phàm phu, thì phần phiền não hiển lộ nhiều hơn là Phật tánh. Phiền não ví như tảng băng, trí tuệ ví như nước, Phật tánh được ví như hơi nước. Tánh ướt của hơi nước đều có sẵn trong cả hai thứ băng và nước. Cũng thế, Phật tánh hiện hữu trong cả trí tuệ và phiền não. Nhưng khi tánh ướt của nước còn có chung trong cả hai dạng băng và nước, thì tính chất vật lý của nó có sự khác biệt. Một cục nước đá nhỏ thì cứng và có thể gây thương tích nếu người ta va phải vào nó. Cũng thế, quý vị có thể làm tổn thương người khác bằng phiền não của mình, nhưng một vài giọt nước thì vô hại nếu quý vị tưới nó lên mọi người. Cũng như thế, người có trí tuệ dùng lời nói từ hòa của họ có thể làm cho mọi người vui vẻ ngay cả khi quở trách người khác. Nếu quý vị dùng phiền não của mình để làm phiền người khác, thì sự si mê của mình cũng như đống lửa cháy lan tới người khác ngay khi vừa thốt ra lời nói. Thực vậy, quý vị có thể làm người khác bực bội rất nhiều nếu một trong hai người nổi nóng và chắc chắn người ấy sẽ bị tổn thương.

Người ta có thể trở về với bản tâm của mình nếu tự chuyển hóa được phiền não thành trí tuệ. Sự chuyển hóa đó được ví dụ như khi băng tan thành nước. Bạn không thể cho rằng băng chẳng phải là nước vì băng tan rồi mới thành nước. Bạn cũng không thể nói rằng nước chẳng phải là băng vì nước đông lại thì thành băng. Tính chất chung nhất của hai thứ ấy là tánh ướt.

Tương tự như vậy, không ai có thể phủ nhận rằng chúng sanh kia chẳng phải là Phật, hay Đức Phật kia chẳng phải là chúng sinh. Đức Phật là phật trong chúng sinh và chúng sanh là chúng sanh trong Phật.

Quý vị nên nhận thức rõ nguyên lý này. Quý vị chỉ cần chuyển hóa, tức là làm cho băng tan. Việc này rất có ích cho mọi người.

Tôi nói rằng nước không thể làm hại người, nhưng có người sẽ không đồng ý, vì mọi người đều biết sự nguy hiểm của sự chết đuối và nạn lũ lụt.

Thật sự là quá nhiều nước cũng làm hại con người. Nhưng trong khi ví dụ, tôi chỉ đề cập đến một lượng nước nhỏ. Nếu quý vị muốn đưa ra những điều vô lý để phản bác những chuyện vô lý thì có thể kể đến vô cùng tận. Quý vị nên nắm bắt cho được ý chính chứ đừng bị chướng ngại bởi những cá biệt. Nếu quý vị luôn luôn tìm ra những lý lẽ để phản bác, thì dù tôi có nói gì quý vị vẫn không tin được. Nếu quý vị có niềm tin thì khi tôi nói trứng mọc trên cây, quý vị cũng tin tôi. Với niềm tin như vậy, quý vị mới phát sinh được trí tuệ. Nếu không có niềm tin như thế, trí tuệ chân chính bao giờ mới được hiển lộ?

Trí tuệ chân chính phát sinh từ sự si độn, chính là khi băng tan thành nước, đó là trí tuệ. Khi nước đông thành băng đó là si độn. Phiền não chẳng là gì khác ngoài si độn. Nếu quý vị thông minh sáng suốt hoàn toàn thì quý vị không còn phiền não nữa.

Khi tôi giảng kinh là làm cho đạo lý được sáng tỏ. Đừng bận tâm tìm tòi những cá biệt để phê phán, bình phẩm về đạo lý. Hai việc này hoàn toàn khác biệt nhau. Quý vị nên tiếp tục lắng lòng nghe, khi nghe kỹ rồi quý vị sẽ hiểu được những gì tôi nói là chính xác. Còn nếu chỉ nghe qua loa, quý vị không thể nắm bắt được. “Ông ta nói gì vậy?”, quý vị thắc mắc: “Tôi chẳng hiểu gì cả.” Trước đây, quý vị chưa từng được nghe làm sao nay có thể hiểu được?” Nếu quý vị có khả năng hiểu được Phật pháp khi trước đây chưa từng nghe giảng nói một lần nào cả, thì trí tuệ của quý vị thật là kỳ đặc. Có lẽ quý vị đã từng nghe pháp từ trong đời trước. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời này quý vị được nghe. Lần đầu tiên mới nghe thấy có vẻ quen thuộc nhưng dần dần càng nghe càng thấy quen hơn. Cũng như vậy, khi quý vị gặp một người nào đó lần đầu, thấy họ có vẻ quen quen, nhưng nếu trước đó đã gặp nhau vài lần rồi thì quý vị liền nhận ra họ ngay.

Khi quý vị nhận ra được tự tánh mình chính là Phật tánh, là quý vị chuyển hóa được phiền não thành bồ-đề. Chứng bồ-đề có nghĩa là giác ngộ. Giác ngộ chân chính là không chấp trước vào một pháp nào cả. Nếu quý vị còn chấp trước là còn chưa giác ngộ. Mặc dù nay tôi chưa được giác ngộ nhưng tôi không chấp trước.

Có người sẽ thắc mắc: “Hòa thượng nói rằng Hòa thượng không có chấp trước, nhưng Hòa thượng cũng nói rằng mình chưa được giác ngộ. Như thế phải chăng Hòa thượng cũng giống như chúng con?”

Tôi không giống như quý vị, nếu quý vị đã hết sạch chấp trước, quý vị sẽ trở thành người giác ngộ. Tôi chưa giác ngộ là vì tôi chưa muốn giác ngộ. Tôi muốn được sống cùng với mọi người. Nhưng tâm thức của quý vị không giống như của tôi, vì tôi không thể từ bỏ mọi loài chúng sinh nên tôi nhìn mọi người đều hoàn thiện cả. Vì lý do này nên tôi chưa muốn giác ngộ. Nói thật ra, tôi có trái tim của một bồ-tát ước nguyện cho mọi loài được lợi lạc, chớ chẳng quan tâm gì đến chính mình. Tôi đã nói với quý vị rằng để đạt được sự giác ngộ thì dù có xuống địa ngục hay phải chịu vô hạn khổ đau tôi cũng vui lòng. Nếu có thức ăn ngon tôi cũng chỉ ăn tí chút rồi biếu cho người khác dùng. Cũng như vậy, tôi đã nếm được chút hương vị giải thoát rồi, và bây giờ tôi muốn để cho toàn thể quý vị nếm trải hương vị ấy. Để nếm được hương vị giải thoát, quý vị phải nghiêm khắc với phiền não trong chính mình. Khi quý vị không còn phiền não nữa và đã chuyển hóa được vô minh, trí tuệ sẽ phát sinh và quý vị trở nên tự tại. Đây gọi là khai mở được tri kiến phật  trong mình rồi, là quý vị đã khai quật được mỏ vàng rồi, đến lúc quý vị cần phải hiển bày tri kiến phật ấy ra. Quý vị cần siêng năng chăm chỉ, cũng như cần phải có sức người để đào đất lấy vàng lên vậy. Trước tiên, quý vị phải gạn bỏ bùn đất, rồi dần dần đãi vàng ra từ trong cát.

Hiển bày tri kiến phật là hướng dẫn chúng sinh phương pháp chân thật tinh tấn tu hành. Để được hiển bày tri kiến phật cần phải hành trì tĩnh tọa, tham thiền hằng ngày. Cho đến một lúc nào đó, tâm bỗng nhiên thấu thoát, quán thông mọi sự. Đó là lúc quý vị đã được khai ngộ. Quý vị hiểu ra: “Ồ! xưa nay chỉ là cái đó ư? ” Khi ấy mọi vấn đề sinh tử của con người đều được giải quyết một cách minh bạch. Đây được gọi là ngộ tri kiến phật.

Tri kiến phật  hoàn toàn không giống như tri kiến chúng sinh phàm phu của chúng ta. Chúng sinh dùng tri kiến của mình để khởi dậy không ngừng vọng tưởng, phát sinh tâm chấp trước. Chỉ cần ai đối xử với mình không tốt một chút, mình cũng sinh ra phiền não rồi. Thực ra, nếu mình đối xử với mọi người tốt đẹp, thì làm sao mà người ta lại đối xử không đẹp đối với mình? Hiểu rõ quy luật này rồi ta mới biết chẳng phải do người ta đối xử không tốt với mình mà chính là do mình đối xử không tốt với người ta.

Đó là:

Một tay vỗ chẳng nên kêu

Hai tay gộp lại vang rền âm thanh.

Mọi người đều đảnh lễ Đức Phật với lòng cung kính tột cùng vì Đức Phật là bậc toàn thiện. Đây là lý do tại sao chẳng ai mà không phát khởi thiện tâm khi nghĩ đến Đức Phật.

Có người nói: “Tôi không tin như vậy, vẫn có người phỉ báng Đức Phật thôi!”

Ai mà phỉ báng Đức Phật thì người ấy không được kể là người, đơn giản là họ không hiểu vì sao mình được làm thân người, vì thế nên họ phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Họ không hiểu được vấn đề cốt tủy của cuộc đời mình là gì? Nếu họ biết tại sao họ được làm thân người, họ sẽ không phỉ báng Tam bảo.

Chúng ta thể nhập vào tri kiến phật ngay khi ta được giác ngộ. Điều này cần phải có công phu hành trì. Quý vị cần phải tham cứu và phải thực hành nhiều hơn nữa, rồi hồi quang phản chiếu. Khi chơn tánh sáng suốt chiếu sáng bản tâm mình rồi, quý vị sẽ trở thành người có trí tuệ đó là nhập tri kiến phật, không hai không khác. Đức Phật giảng kinh thuyết pháp chỉ là để giúp cho chúng sinh khai, thị, ngộ, nhập  tri kiến phật này.

Nói tóm lại, đây là lý do mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giảng kinh, thuyết pháp trong hơn 300 hội, suốt bốn mươi chín năm trong thế gian.

Nếu đem bộ kinh Thủ-lăng-nghiêm xét kỹ, có sáu nhân duyên Đức Phật thuyết kinh nầy:

Ỷ vào đa văn, không tu tập định lực.

A-nan là đệ tử vừa là em họ của Đức Phật, A-nan rất thông minh, đọc rất nhiều và biết rất nhiều. A-nan theo Đức Phật xuất gia hàng chục năm rồi, nên nhớ được toàn bộ lời Đức Phật đã thuyết trong các pháp hội. Trí nhớ của Ngài rất phong phú, khi nghe qua một lần rồi thì không bao giờ quên được. A-nan không phải gắng sức để nhớ, vậy mà thông thường các học giả phải tự mình học kỹ những nguyên lý mà họ đọc được trong kinh sách, rồi mới vận dụng được những điều mình đã học. Thái độ của những học giả này là: “Hãy xem sự hiểu biết của tôi đây nè! Tôi biết rõ hơn quý vị nhiều. Tôi đã có bằng Tiến sĩ khoa học, triết học, văn chương…”

Mặc dù A-nan có được khả năng thông minh một cách tự nhiên. Nhưng ỷ vào khả năng ấy quá nhiều mà thờ ơ với việc công phu tu tập phát triển tuệ giác và định lực. A-nan cho rằng định lực không quan trọng: “Tôi biết rất nhiều điều, và tôi có tri thức, chừng đó là đủ rồi. Định lực chẳng có gì quan trọng, nói rằng nhờ có định nên huệ được phát sinh, còn tôi đã có được trí huệ rồi.” Nên A-nan hoàn toàn bỏ quên công phu tu tập định lực.

Kinh Thủ-lăng-nghiêm được Đức Phật giảng do lời thỉnh cầu của A-nan. Phát xuất từ việc A-nan không tu tập định lực. Khi đại chúng tọa thiền, tham công án, thì A-nan đọc sách hoặc viết lách gì đó.

Sự thù thắng của pháp hội giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm lần đầu này bao gồm cả việc thực hành tọa thiền, chiêm nghiệm lại những hiểu biết đã thu nhận được khi nghe giảng kinh. Quý vị thực tập thiền quán để có được sự tương ưng với tri kiến thu nhận từ chỉ thú của kinh. Thông qua nỗ lực công phu thiền định và quán chiếu như vậy, quý vị có thể được khai ngộ. Nhưng chủ yếu là quý vị phải phát huy song song cả hai mặt định lực và chiêm nghiệm lại những điều đã được học.

Ngài A-nan thì khác, Ngài không tu tập thực tướng bát-nhã. Ngài nghĩ rằng mình sẽ đạt được quả vị Phật thông qua văn tự bát-nhã, Ngài nghĩ rằng mình là em họ của Đức Phật, người đã đạt được Phật quả rồi thì thế nào cũng giúp cho mình được quả vị Phật thôi, nên chẳng phải bận tâm tu tập làm gì. Nên A-nan đã tiêu phí thời giờ vào việc học tập đa văn như vậy.

Theo Kinh Thủ-lăng-nghiêm, một hôm A-nan đang trên đường khất thực, mang bình bát đến từng nhà theo thứ tự. Trong khi một mình trên đường đi thì gặp con gái của

Ma-đăng-già. Đó là một phu nữ theo “mốt sống mới.” Đặc biệt A-nan rất đẹp trai. Khi con gái của Ma-đăng-già thấy A-nan, cô ta liền mê đắm, nhưng không biết làm sao cám dỗ A-nan được. Cô ta về nhà nói với mẹ rằng “Mẹ phải giúp con lấy A-nan làm chồng. Nếu không con chết mất.” Bấy giờ Ma-đăng-già là một tín đồ ngoại đạo, thuộc phái Ta-tỳ-ca-la,[2]  còn gọi là Kim đầu. Bà ta có một loại chú thuật gọi là Tiên Phạm thiên. Bà ta tu luyện chú thuật ngoại đạo này và sử dụng nó rât linh nghiệm. Do bà Ma-đăng-già rất thương con gái mình, nên bà ta dùng chú Tiên Phạm thiên để mê hoặc A-nan. Do thiếu định lực, nên A-nan không thể tự chủ được, bị chú thuật dẫn dắt đến nhà cô con gái của Ma-đăng-già, nơi A-nan suýt bị phạm giới dâm.

Trong năm giới, quan trọng nhất là giới giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì Ngài A-nan gần như sắp phạm vào giới tà dâm. Đức Phật biết được toàn bộ những gì sắp xảy ra. Biết rằng người em của mình đang gặp nạn. Ngài liền trì chú Thủ-lăng-nghiêm để giải trừ chú thuật Tiên Phạm thiên của ngoại đạo Ta-tỳ-ca-la. A-nan mê muội đến mức như người say rượu hoặc say ma túy. Ngài hoàn toàn quên bẵng mọi việc trước đây. Nhưng khi Đức Phật trì chú Thủ-lăng-nghiêm thì năng lực của minh chú liền phát khởi trong A-nan và quét sạch mọi mê muội trong tâm, khiến A-nan liền thức tỉnh. A-nan mới nhận ra được tại sao mình bị vướng vào tình huống như thế này.

A-nan trở về tinh xá, quỳ trước chân Đức Phật, khóc lóc thảm thiết:

“Con từ trước đến nay, con chỉ ỷ lại vào học rộng hiểu nhiều, mà không chịu tu tập để hoàn chỉnh đạo lực. Kính mong Thế tôn chỉ bày cho con phương pháp tu tập định lực của chư Phật trong mười phương để được thành tựu đạo lực.”

Nhân đó, Đức Phật mới nói kinh Thủ-lăng-nghiêm. Đây là nguyên nhân thứ nhất mà kinh này được ra đời.

Nhân duyên thứ hai là:

  1. Cảnh giác đối với cuồng huệ – Bảo hộ cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến.

Có nhiều người thông minh trong đời, mặc dù họ có tri thức mà vẫn không vận hành theo chánh đạo được. Thay vì vậy, họ sử dụng tri thức ấy để làm hại con người. Họ ngập sâu vào tà kiến và không muốn sửa đổi để quay về với chính kiến. Họ cứ cho rằng họ đúng. Họ tự cho mình là kẻ thông minh xuất chúng rồi xử sự theo cách rất hồ đồ, mê muội. Nên Kinh Thủ-lăng-nghiêm là một lời cảnh cáo cho lớp người này.

Ngạn ngữ có câu:

Thông minh nãi thị âm chất chủng

Âm chất dẫn nhập thông minh lộ

Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện

Á́c khủng nhân tri, cánh thị đại ác”

Nghĩa là:

Do đời trước có gieo trồng chút ít nhân đức hạnh, có thể họ đã học hành siêng năng chăm chỉ, hoặc đã tụng đọc Kinh Phật rất nhiều, nhưng tính thông minh này được tựu thành do các việc thiện này. Đó gọi là âm chất,[3] người bình thường không thể thấy được. Tính thông minh này không thể nào thành tựu ở trong những người không hề làm việc thiện, hoặc những người đánh trống khua chiêng, quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí rằng: “Tôi đã từng làm những việc thiện như thế, như thế….” Những người này có làm việc thiện thật, nhưng đây không phải là “chân thiện.”

Việc thiện chỉ được công nhận khi người làm một cách âm thầm–đó là chân thiện. Nên nói:

“Làm việc thiện mà muốn người ta biết đến, thì chẳng phải là chân thiện.

Làm việc ác mà sợ người khác biết được đó là việc đại ác.”

Những người làm việc thiện mà muốn mọi người đều biết việc thiện của mình thì đó không phải là việc chân chính. Họ chỉ là những người ham thích sự nổi danh.

Việc ác lớn nhất là người ta âm thầm làm nhưng lo sợ người khác phát hiện được nên tìm mọi cách để che dấu.

Hạt nhân đức hạnh đã âm thầm gieo trong những đời trước sẽ cho chúng ta hưởng quả báo thông minh trong đời này. Nhưng nếu chúng ta không vận dụng sự thông minh đó vào việc thăng hoa và lợi lạc, trong việc trau dồi đức hạnh và làm việc thiện, mà làm những việc ác thì sự thông minh lanh lợi ấy là trí thông minh của thứ kiến giải nửa vời, không phải là tri kiến chân chính.

Chẳng hạn, vào thời Tam quốc ở Trung Hoa có viên tướng Tào Tháo được xem là cực kỳ thông minh, nhưng lại đa nghi như quỷ. Và vua Nghiêu[4] được gọi là người thông minh nhưng ác độc. Cũng thế, ở Mỹ, một người thông thái thường được gọi là người ác. Thực vậy, người ta đồn đãi với nhau gọi tôi là thần là thánh. Mà thực ra tôi chẳng thích ai gọi tôi là thần cả. Những người này nghĩ rằng khi gọi như vậy có nghĩa là khen ngợi tôi, nhưng trong Phật pháp,tôi xem đó là lời phỉ báng. Quý vị không nên đánh giá các vị thần quá cao, họ chưa đạt được một quả vị gì lớn lao cả. Họ chỉ là những vị Hộ pháp, công việc chính của Hộ pháp là hộ trì Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.

Những bậc đại thiện nếu bị đọa lạc cũng sẽ đọa vào hàng quyến thuộc ma. Nếu có người làm những việc đại ác mà thức tỉnh và sửa đổi thì người ấy được xem là bậc đại thiện vì họ đã có can đảm tự sửa chính mình.

Tuy nhiên, có người đã từng gieo trồng hạt giống tốt trong khi đó, họ không để ý đến những cảm ứng đặc biệt từ hạnh nghiệp của mình, mà lại làm những việc ác và lừa lọc người khác; do vậy nên họ trở thành những kẻ cực ác, vì họ là những người đã biết rõ điều hay lẽ phải mà lại cố ý làm điều tà vạy.

Người có càn huệ thường làm những việc điên đảo, những việc kỳ quặc mà vẫn cảm thấy rằng mình đúng đắn. Đến mức có thể giết người và tự cho rằng: “Nếu ta không giết người ấy, nó sẽ giết những người khác. Nhưng vì ta đã giết nó rồi, nó sẽ không còn giết người khác được nữa.”

Thực ra, anh ta không phải là một kẻ mang bản tính sát nhân chút nào cả, nhưng anh ta lại có thành kiến với nạn nhân. Đây là một ác ý. Có nhiều kẻ vốn đã phạm sai lầm, lại thường tạo ra một lý do chính đáng cho hành vi sai trái của mình, họ thường tạo ra câu chuyện có tình tiết rất hay để tránh khỏi sự buộc tội của luật pháp. Mặc dù anh ta sai trái, nhưng anh ta lại tin chắc rằng mình sẽ thắng. Đây là “cuồng huệ.” Kinh Thủ-lăng-nghiêm góp phần thức tỉnh cho mọi người, giúp họ đối trị lại những bào chữa phát xuất từ ác ý. Kinh cảnh báo cho những kẻ này hãy thay đổi lối suy nghĩ, đừng mang giữ các tà ý đó nữa, đừng tin chắc rằng các tà ý ấy là đúng nữa, và sửa đổi lại những ý nghĩ ấy  để có thể trở về chính đạo, với tư tưởng chân thật.

  1. Chỉ rõ chân tâm, hiển bày căn tánh.

Kinh Thủ-lăng-nghiêm là bộ kinh chỉ thẳng vào tâm để cho chúng ta nhận ra được bản tâm, và chứng nhập được Phật tánh.

Thế tâm ấy là gì? Đó là chân tâm, vốn không thể thấy được. Tâm nằm trong lồng ngực mà quý vị có thể trông thấy được, đó chỉ là trái tim, nhiệm vụ nó là để giúp cho quý vị sống còn. Đó không phải là chân tâm. Trái tim ấy chắc chắn không thể nào dẫn quý vị đến sự hiểu biết chân chính. Nếu trái tim trong lồng ngực quý vị là chân tâm, thì lẽ ra nó phải cùng đồng hành với quý vị khi chết đi. Vậy mà sau khi chết thân xác quý vị còn đó mà trái tim vẫn nằm yên trong thân.

Thế nên trái tim thịt ấy không phải là chân tâm. Tâm chân thật của quý vị chính là Phật tánh.

“Thế Phật tánh ở nơi đâu?”

Phật tánh chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Kinh văn sẽ giải thích đạo lý này rất chi tiết. Trong kinh cũng sẽ giải thích “Thập phiên hiển kiến” (mười lần chỉ bày tánh thấy), đó là “chân tâm.”

Đây là nguyên nhân thứ ba khiến Đức Phật tuyên thuyết bộ kinh này, là để chỉ bày rõ cho chúng sinh Thường Trụ Chân Tâm Tánh Tịnh Minh Thể (thể tánh thanh tịnh sáng suốt thường trụ của chân tâm). Chơn tâm này vốn không đi, không đến, không biến đổi, không dao động. Chơn tâm ấy là bản thể, không bị nhiễm ô. Bản chất của chân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Thể tánh của chân tâm hoàn toàn sáng suốt.

  1. Hiển thị chân tánh của định lực và khuyến khích việc tu chứng.

Có rất nhiều pháp môn trong việc tu tập định lực. Ngoại đạo cũng có nhiều loại định. Vậy nên trong khi tu tập định lực, chỉ cần:

“Sai chi hào ly,

Thất chi thiên lý”

(chỉ cần sai lầm bằng một mảy tóc, thì sẽ uổng công đi xa cả ngàn dặm)

Do vậy nên quý vị nên tu tập theo chánh định, tránh tu tập theo lối tà định. Các loại định do ngoại đạo và Tiểu thừa tu tập đều là tà định, chẳng phải là chánh định. Vì các loại định ấy không lưu xuất từ chân tánh, nên sẽ không bao giờ đạt được Thánh quả, bất luận tu tập dụng công lâu hay mau. Nên nói:

Tánh định ma phục triêu triêu lạc

Vọng niệm bất khởi xứ xứ an”

(Chân tánh an định, ma chướng bị hàng phục, nên ngày ngày đều sống trong an vui. Vọng niệm không sinh, mọi nơi chốn đều an nhiên.)

Tại sao hành giả bị ma chướng khi tu tập? Tại sao nghiệp chướng sinh khởi. Chỉ vì trong tự tánh của họ chưa có được định lực. Nếu tự tánh thường an trú trong định, tất cả ma sự đều bị hàng phục.

Có rất nhiều loại ma, trong kinh Thủ-lăng-nghiêm giảng giải về Năm mươi loại ấm ma. Thực ra, có rất nhiều, rất nhiều loại ma: thiên ma, địa ma, nhân ma, quỷ ma, yêu ma. Thiên ma là ma ở các cõi trời, thường đến đây để nhiễu loạn những người tu tập thiền định. Địa ma cùng với các loài nhân ma, quỷ ma, yêu ma thì ở trên đất và các loài quái dị khác thường quấy phá thiền định của quý vị.

“Tại sao nó làm việc ấy?”

Vì trước khi quý vị chứng được Phật quả, quý vị đã từng là quyến thuộc với ma. Khi quý vị quyết định xa lìa quyến thuộc nhà ma để tu tập thiền định, chấm dứt sinh tử, phá vỡ vòng luân hồi, thì ma vương vẫn còn yêu thích quý vị. Nó yêu thương quý vị, không muốn quý vị bỏ đi. Thế nên nó đến não loạn tinh thần và nhiễu loạn công phu thiền định của quý vị.

Nếu không có đủ định lực, quý vị có thể bị xoay chuyển bởi ma sự và kết cuộc là thành đồ chúng của ma. Nếu quý vị có được định lực thì không bị nó sai sử, quý vị sẽ được “như như bất động,  liễu liễu thường minh.”

Như như bất động là có định lực, liễu liễu thường minh là có năng lực trí tuệ sáng suốt. Có được đầy đủ năng lực trí tuệ và có định lực thì chẳng có loài ma nào có thể xoay chuyển được quý vị. Nhưng nếu không có được đầy đủ năng lực định huệ, quý vị sẽ thành quyến thuộc với ma, thành con cháu của chúng. Điều ấy cực kỳ nguy hiểm.

Lý do ngoại đạo không có được tánh định vì họ chỉ dụng công ở ngành ngọn chứ không dụng công ở phần gốc rễ, họ công phu ngay nơi xác thân hư huyễn. Sai lầm của họ là đồng nhất thức thứ sáu, là tâm thức thường nghiệm với chân tâm. Kết quả của sự dụng công ấy là đạt được một chút ít kinh nghiệm ở cảnh giới tịch diệt, nhưng những gì họ cảm nhận được đều là không thực. Họ bắt ép mình không được sinh khởi vọng tưởng nhưng họ không khai quật ra được căn nguyên của vọng tưởng ấy, nên không thể nào chấm dứt sinh tử được. Điều ấy cũng giống như dùng đá đè cỏ vậy… khi dời đá đi, cỏ mọc lại ngay. Khi những người tu theo ngoại đạo buông xả nỗ lực ngăn ngừa vọng niệm, thì cũng như dời đá đi nơi khác. Phương pháp tu tập ấy không đạt được cứu cánh rốt ráo.

Trong công phu thiền định, hành giả nên tham thoại đầu “Ai là người niệm Phật?”  Do tham cứu miệt mài đề tài ấy nên hành giả quét sạch tất cả các pháp và lìa tất cả các tướng. Khi tham cứu “ai”, hành giả thâm nhập vào cội nguồn của vọng tưởng và chuyển hóa chúng. Nếu quý vị công phu theo chiều hướng này, sẽ có ngày quý vị hoát nhiên khai ngộ. Lúc ấy quý vị mới biết được mặt mũi mình dọc hay ngang. Còn khi chưa khai ngộ, quý vị chẳng thể biết được mặt mũi mình hướng về phía nào. Nhưng một khi đã khai ngộ rồi, quý vị sẽ biết được hết thảy và đạt được tự tại.

Khi Đức Phật giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm này, có rất nhiều phái ngoại đạo ở Ấn Độ không quan tâm đến ý nghĩa giác ngộ, họ thích bắt chước những thói quen của bò và chó, đây là một pháp tu do một số người khi nhập định, thấy được một con bò được tái sinh trong cõi trời, nên họ kết luận. “Ta phải tập theo thói quen của loài bò.” Anh ta bắt đầu ăn cỏ, sống trong chuồng bò, học cả cách ngủ như bò. Khi không ngủ, anh ta có được chút định lực, nhưng anh ta không đạt được kết quả chân thực, vì đó hoàn toàn là tà định.

Thời ấy có ́ ngoại đạo làm như vậy là vì trong khi ngủ, họ mơ thấy một con chó được tái sinh trên cõi trời. Người này quyết định rằng nếu mình bắt chước những hành vi của loài chó thì mình cũng có thể được sinh ở cõi trời. anh ta tự rập khuôn mình theo loài chó, canh chừng cổng nhà, dùng thức ăn và ngủ như loài chó. Nhưng cuối cùng cũng không thành tựu rốt ráo.

Có những ngoại đạo kỳ cựu khác tu tập Vô tưởng định, khi ấy hành giả không còn suy nghĩ về một điều gì cả. Hành giả không còn vọng niệm nữa, cuối cùng hành giả được sinh vào Vô tưởng thiên. Nhưng tái sinh ở Vô tưởng thiên không phải là cứu cánh tối hậu, cuối cùng cũng phải đọa lạc. Đây cũng được xem là một loại tà định. Tất cả phương pháp tập định do ngoại đạo truyền dạy đều không rốt ráo, không có căn bản, không như công phu tu tập chân chính là để nhận ra tự tánh vốn sẵn có nơi mình.

Đem tâm phân biệt (thức) và vọng tưởng mà tu học Phật pháp cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm, không thể nào thành tựu được, dù quý vị có tu hành như thế trải qua vô số kiếp, cũng không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi, chẳng thể nào thành Phật được. Điều cần yếu cho những người thiết tha tu tập là phải thân cận một bậc minh sư có tri kiến chân chánh, để giúp cho hành giả đạt được định lực chân chính.

Để đạt được năng lực chánh định, có khi hành giả cũng phải trải qua sự khảo nghiệm của ma vương.

Như tôi đã đề cập trước đây, có rất nhiều loại ma: nội ma và ngoại ma. Ngoại ma thì hàng phục không khó mấy, nhưng loài ma phát sinh từ trong tâm minh thì rất khó hàng phục.

Có loại ma thường gây bệnh tật cũng rất khó hàng phục. Khi tôi vào khoảng mười bảy, mười tám tuổi, đang học Phật pháp nên rất tự cao. Tính tự cao đã sai sử tôi phát biểu những lời ngông cuồng như sau: “Ai cũng sợ ma, nhưng tôi chẳng sợ. Đúng ra ma phải sợ tôi.”

Quý vị có bao giờ nói những lời ngông cuồng như thế không? “Bất luận là loại ma gì, thiên ma, địa ma, nhân ma, yêu ma, quỷ ma, tinh ma… tôi đều chẳng sợ.”

Sau khi tôi vừa tuyên bố như thế xong, quý vị đoán biết điều gì xảy đến không? Tôi liền bị ma bệnh tấn công. Sau đó chính tôi là kẻ sợ ma, không phải ma sợ tôi. Vì căn bệnh làm cho tôi không thể nào cử động được, giống như bị kẹp trong cái ách, thân tôi không tuân theo sự điều khiển của tôi nữa. Tôi bảo nó đi nhưng nó không thể đi, tôi bảo nó ngồi cũng không ngồi được. Từ sáng đến tối, tôi phải nằm trên giường, không ăn uống gì được cả. Tôi đã bị mắc vào bẫy ma. Tôi nhận ra những gì tôi đã tuyên bố đều là sai trái. Tôi đã huênh hoang rằng mình không sợ ma, nhưng bây giờ khi gặp ma bệnh, tôi chẳng còn chút sức lực nào cả.

Tôi bệnh đến nỗi quên hết mọi chuyện, như thể là sắp chết đến nơi. Nhưng ngay khi tiến dần đến hơi thở cuối cùng–khi tôi hầu như chết rồi–thì một việc xảy ra, tôi thấy ba vị Vương hiếu tử ở Mãn Châu gồm một tăng sĩ, một đạo sĩ và một cư sĩ, cả ba đến rủ tôi đi chơi. Tôi theo họ ra ngoài. Ngay khi ra khỏi cửa, tôi liền bước đi, nhưng chân tôi không hề chạm đất dù chẳng phải ở trên máy bay mà thấy như ở trong khoảng không. Cũng chẳng phải như đằng vân giá vũ, mà giống như mình được bao bọc bởi một lớp hư không. Tôi như bước đi trên những nóc nhà và chẳng bao lâu thấy mọi vật ở phía dưới đều rất nhỏ.

Tôi đi qua rất nhiều ngôi chùa danh tiếng, những rặng núi cao, những dòng sông rộng lớn. Tôi đến được Tứ đại danh sơn của Trung Hoa: Ngũ đài sơn, Nga mi sơn, Cửu hoa sơn và Phổ-đà sơn. Bất kỳ ở đâu, tôi cũng đến được rất nhiều chùa và gặp rất nhiều người. Chúng tôi không dừng lại ở Trung Hoa, một lát sau chúng tôi đi qua nước khác, nơi ấy người dân có tóc vàng và mắt xanh. Chúng tôi đi nơi này đến nơi khác rất nhanh tựa như xem phim, từng cảnh từng cảnh chớp nhoáng trên màn hình, chuyển cảnh thường xuyên, nhưng đây chẳng phải là màn ảnh hoặc máy chiếu phim, thực sự là tôi thấy mình từ nơi này đến nơi khác rõ ràng.

Sau khi được thấy và nghe nhiều nơi, nhiều việc, tôi trở về lại trước cửa phòng mình. Tôi mở cửa rồi nhìn vào căn nhà của mình, trên giường là một người như tôi. Ngay đó, tôi nhận ra mình mang hai thực thể hoàn toàn giống nhau. Hơi thở đã kéo tôi nhập lại làm một. Cha mẹ tôi kêu lên “chưa chết.” Họ đang ngồi bên xác tôi mừng rỡ nói: “Còn sống.” Rồi tôi nhận ra được, biết  mình đang nằm bất động trên giường. Tôi biết mình đang bị bệnh, tôi hỏi cha mẹ tôi chuyện gì đã xảy ra. Song thân tôi bảo rằng tôi đã bất tỉnh nặng suốt bảy tám ngày nay, dường như đã chết. Thế nên tôi là xác chết biết đi. Tôi nghĩ rằng mình đã chết và cũng vừa như mới sinh ra. Sau đó tôi không còn dám ngông cuồng nữa. Tôi không bao giờ nói rằng tôi chẳng sợ ma mà ma phải sợ tôi nữa. Hãy nhớ lời khuyên nhủ này: “Bất luận làm việc gì cũng đừng tuyên bố những lời như tôi nói. Nếu quý vị tuyên bố: “Tôi chẳng sợ gì cả.” thì trong tương lai quý vị sẽ gặp ngay những sự kiện làm cho quý vị phải hốt hoảng. Còn nói: “Tôi thận trọng trong tất cả mọi việc.” thì rất tốt. Nói chung đừng nuôi dưỡng ngay cả những chuyện vô ích như thế.”

Trước khi tôi bị bệnh, tôi là giảng viên ở Hội Đạo Đức. Tôi thuyết giảng về sự lợi ích của lòng khoan dung, hạnh đoan chính. Không những tôi chỉ khuyến khích mọi người khác làm việc thiện, mà chính tôi cũng thực hành hạnh lợi tha. Tôi thực hành đến mức độ cảm thấy mình có đạt được chút ít công phu.

Có lần tôi đọc bài viết về mẫu mực trong đời sống của Chang-Yu-Husuan, tôi quyết định được làm theo như ông ta. Tôi nguyện thề với trời rằng tôi sẽ thực hành giống như Chang-Yu-Hsuan. Nhưng sau khi tôi phát lời thề rồi tôi lại tiếc.

Tôi tự vấn mình một cách nghi ngờ rằng: “Có ích gì khi bắt chước như ông ta?” Và lạ thay, ngay vào chiều đó ma liền đến để thử xem tôi có thực sự giữ vững lời thề hay không? Nếu quý vị có lời phát nguyện, chư vị bồ-tát sẽ đến để thử nghiệm quý vị. Cốt yếu là quý vị đừng tuyên bố một cách ngạo mạn. Cẩn trọng tránh xa những điều dễ dãi làm mình hài lòng và cả những điều khiến mình bực bội, bằng cách giữ tâm mình thường hướng vào việc tu đạo. Đừng sống với tâm phàm phu và đem tâm chân chính hướng vào công phu. Tu có nghĩa là đi ngược chiều với hư vọng. Người tu tập với tâm mong cầu hư vọng thường nghĩ rằng: “Ta phải chứng được quả vị Phật ngay.” Nên trong khi ngồi thiền, anh ta thấy thân thể của mình như thân thể của Đức Phật đang phóng hào quang làm chấn động quả đất. Thực ra, chẳng có điều gì xảy ra cả. Sự chứng nghiệm ấy chỉ là hư vọng, chẳng phải là thành tựu đạo nghiệp.

Có người nghĩ rằng: “Khi tôi ngồi thiền, tôi thấy Đức Phật thọ ký cho tôi rằng: “Ông sẽ thành Phật, đừng bận tâm tu hành làm gì nữa. Ông đã là Phật rồi.” Đây cũng là một sự chứng nghiệm hư vọng, không phải là chân thật thành tựu đạo quả.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  thành đạo khi ngồi thiền dưới cây bồ-đề. Ngài thiền định suốt bốn mươi chín ngày, đến một sáng khi Ngài thấy sao mai vừa ló dạng, Ngài bừng ngộ. Ngài nói: “Lạ thay! Lạ thay! Lạ thay! Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Tất cả đều có thể thành Phật.”

Tuy nhiên, trước khi Ngài thành Phật, thiên ma đã khảo nghiệm Ngài. Nó biến thành gái đẹp đến trước Ngài, nói những lời quyến rũ, tìm cách làm cho Ngài từ bỏ con đường tu đạo để kết hôn với cô ta. Nhưng Đức Phật thường ở trong chánh định, không hề lay động bởi cái nhìn của loài yêu quái này. Ngài chỉ có tâm niệm: “Cô tưởng mình đẹp lắm sao? Thực ra, cô chỉ là đàn bà xấu xa ác độc. Có vô số nếp nhăn chạy trên khuôn mặt cô, từ mắt mũi cô đang chảy ra những nước mắt, ghèn, đầy nước và đờm dãi trong mũi, và nước miếng trong cổ họng. Toàn thân cô thật dơ bẩn, thế mà cô còn đến để lừa tôi.”

Đức Phật đã quán sát được tâm niệm của Ma vương từ trong chánh định, và hóa giải ma lực ấy, bắt nó hiện thành người đàn bà già nua xấu xí, tóc bạc, răng long, mũi chảy đầy dãi, bà ta trông thật ác độc. “Bà hãy tự nhìn ngắm mình xem.”– Đức Phật bảo. Ma vương nhìn lại mình, xấu hổ bỏ chạy. Có rất nhiều ma vương đến để thử thách Đức Phật, nhưng Đức Phật không hề bị xoay chuyển. Do không bị ma vương xoay chuyển nên Đức Phật thành tựu giác ngộ.

Khi hành giả tận lực công phu tu đạo cũng giống như vậy. Giai đoạn quan trọng nhất là trải qua sự khảo nghiệm của ma vương. Khi quý vị chưa có được công phu, ma vương chẳng cần thử thách. Nhưng một khi đã có được chút ít công phu rồi, thì ma vương rất thích thử thách. Nếu không nhận ra ma sự đến như một cuộc khảo nghiệm, thì quý vị liền bỏ cuộc tu hành và theo làm đồ chúng của ma. Nếu quý vị muốn công phu đến mức thành tựu thực sự, quý vị phải có được tánh định, thì chân tánh của quý vị không hề lay động, tự nhiên quý vị sẽ có được định lực và sự thành tựu của quý vị là rất chân thực, không phải là hư vọng. Còn nếu quý vị bị xoay chuyển bởi ma, thì định lực của quý vị không phải chánh định mà là tà định, không bao giờ đưa quý vị đến quả vị Phật được.

Trước đây, tôi đã đề cập đến tà định do những người học theo hành vi của bò và chó. Làm sao loài bò và chó mà họ bắt chước lại tái sinh được ở cõi trời? Vì trong một đời kiếp trước, con bò ấy đã tu tập mười thiện nghiệp, nhưng trước đó nó hoàn toàn làm những việc ác. Quả báo của ác nghiệp khiến nó phải thọ thân bò, còn quả báo của việc tu tập mười thiện nghiệp khiến sau khi chết được tái sinh ở cõi trời. Con chó cũng như thế. Họ không biết những nhân duyên trong quá khứ đã dẫn con bò và chó tái sinh ở cõi trời, những người nầy tưởng rằng nó chỉ làm bò và chó trong kiếp hiện tại rồi hưởng được phước báo sinh ở cõi trời thôi. Thế nên họ mù quáng bắt chước theo bò và chó. Họ chẳng được gì khi tu tập như vậy, dĩ nhiên là chẳng thành tựu được điều gì cả.

Thực ra, thành tựu đạo nghiệp có nghĩa là chân thực nhận ra năng lực chánh định và trí tuệ sáng suốt vốn tự có sẵn, đầy đủ, tròn đầy, trong mỗi người. Năng lực chánh định và trí tuệ ấy hỗ tương dung nhiếp, hoàn chỉnh cho nhau, không ngăn ngại nhau. Đó là nhận ra thể tánh chân thực vốn có của chính mình. Đó có nghĩa là nhận ra được chân tâm của mình.

  1. Tiêu hủy vọng tưởng điên đảo, phá trừ mê lầm nhỏ nhiệm vi tế.

Vọng tưởng điên đảo là những tâm niệm không chân chính. Thực ra, mọi người đều bị vướng trong vòng điên đảo. Hãy xem suy nghĩ của họ thì rõ, khi A-nan và con gái của Ma-đăng-già trở về đảnh lễ Đức Phật, A-nan cầu thỉnh Đức Phật xin được chỉ dạy phương pháp tu tập định lực. Sau khi nghe Đức Phật dạy bảo rồi, A-nan trình bày bài kệ, mở đầu là:

Diệu trạm, tổng trì, bất động tôn

Thủ-lăng-nghiêm vương thế hy hữu

Bất động tôn là Thủ-lăng-nghiêm đại định, toàn câu này xưng tán Đức Phật Thích-ca Mâu-ni  là hy hữu, hiếm có. Như ý trong câu thứ ba của bài kệ:

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

(Làm tiêu tan vọng tưởng điên đảo từ ức kiếp của con).

Từ đời này sang đời khác, từ vô lượng vô biên kiếp, A-nan đã sống với vọng tưởng điên đảo, suy nghĩ về những việc không chân chính. Vọng tưởng điên đảo này là vô số vọng tưởng mà hàng phàm phu chúng ta thường khởi dậy. Yếu chỉ của kinh Thủ-lăng-nghiêm là phá hủy và làm tiêu tan những vọng tưởng điên đảo này và phá trừ những mê lầm rất vi tế nhỏ nhiệm từ tâm thức.

Những mê lầm vi tế này rất nhỏ nhiệm vì không thể nhìn thấy được. Tai không thể nghe được, tâm ý không thể hình dung được. Ngay khi ta vừa khởi dậy một niệm tưởng vô minh, thì ba món vi tế hoặc liền phát sinh theo, cho dù khoảnh khắc một niệm rất nhanh và ngắn ngủi. Vi tế hoặc được ví như bụi trần. Nếu trong một căn phòng có đặt một tấm kính, ta sẽ thấy các hạt bụi nhỏ li ti bay khắp căn phòng, tấm kính tức thời dính ngay các hạt bụi lăng xăng ấy. Những hạt bụi trần này sẽ bám vào kính một cách vô tình cho đến khi dày như một đám mây. Những mê lầm vi tế của chúng ta cũng giống như những hạt vi trần bám trên kính vậy.

Căn bản, tự tánh của ta giống như một tấm kính vi diệu là Đại viên cảnh trí. Vì tâm ta luôn khởi dậy những niệm mê mờ vi tế (vi tế hoặc), nên tấm gương trở nên bị nhuốm bụi và càng ngày càng mờ đi. Đại sư Thần Tú có bài kệ:

Thân thị bồ-đề thọ

Tâm như minh kính dài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

Tạm dịch:

Thân như cây bồ-đề

Tâm như đài gương sáng

Luôn luôn siêng lau phủi

Chớ để nhuốm bụi trần

Có người cho rằng bài kệ này không đúng. Tôi cho rằng bài kệ này rất hay. Tại sao? Đại sư Thần Tú dạy chúng ta phải thường siêng năng tu tập, thường lau chùi đài gương tâm cho thật sáng, đừng để đài gương tâm bị bám bụi trần. Phải siêng lau chùi vào buổi sáng rồi buổi tối. Vì khi quý vị lau chùi sạch những bụi trần vi tế nhỏ nhiệm thì đài gương sáng từ tự tánh sẽ chiếu diệu. Trước khi được giác ngộ, quý vị phải tôn trọng và phải nên tu tập theo tinh thần này.

Lục Tổ Đại sư Huệ Năng lại có bài kệ:

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh kính diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai

Tạm dịch:

Tánh giác chẳng gốc ngọn

Gương sáng cần chi đài

Xưa nay thể vắng lặng

Đâu có gì trần ai .1

Lời kệ này lưu xuất từ một bậc đã hoàn toàn chứng ngộ. Người khai ngộ bản tâm mới có thể nhận ra và tu tập theo tinh thần của bài kệ này.

Nên nói:

“Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện

Lục căn hốt động bị vân già”

(Khi một niệm không sinh, thì định lực và Phật tánh liền hiển hiện.

Khi mắt tai, mũi, lưỡi, thân, ý bỗng dưng khởi dậy đòi làm chủ, khi ấy cũng giống như bầu trời bỗng dưng bị mây che.)

Vậy nên quý vị phải nên chấm dứt sạch mọi điên đảo vọng tưởng và tiêu trừ sạch mọi mê mờ vi tế thì quý vị mới mau chứng ngộ Phật tánh. Vậy mà, bất hạnh thay, không mấy ai muốn chứng ngộ Phật tánh. Người ta thích trôi nổi trong vòng ngũ trược,[5] trôi lăn trong sinh tử và quên mất đường về. Họ lấy sự đau khổ làm niềm vui, quay lưng lại với giác ngộ, kết dính với trần lao phiền não. Dù họ chưa chấm dứt được vòng luân hồi sinh tử, nhưng họ cứ nghĩ một cách vô lý rằng họ tốt đẹp. Họ tự cho rằng: “Hãy xem, tôi rất thông minh và đẹp trai, ai nhìn tôi cũng yêu thích và tôi biết rằng mọi người không được như tôi”

Thực ra, những người như vậy cũng giống như tấm gương bị bụi bám. Bụi bám càng nhiều, gương càng mờ cho đến khi không còn sáng trong nữa. Họ có thể nghĩ rằng họ thông minh lanh lợi trong đời này, nhưng hãy chờ mà xem, có khi mười đời sau, tính thông minh ấy sẽ không còn nữa và họ sẽ ngu đần như loài heo.

Thế nên trong đời này, chúng ta phải quyết định chúng ta sẽ hướng về đâu. Chúng ta phải nhận định rõ ràng nơi đâu ta sẽ đến, đường nào ta phải đi. Đó là niềm tin tưởng, hy vọng.

  1. Mở bày hai pháp môn

Vì lợi ích cho chúng sinh đời này và đời vị lai. Đức Phật mở bày hai pháp môn: bình đẳng là pháp “thật” và pháp môn phương tiện là pháp “quyền.” Pháp quyền thì không thực, chỉ dùng tạm thời và không thường xuyên. Còn pháp thật thì chân thực và không bao giờ biến đổi. Đó là hai pháp quyền và thật. Có thể minh họa hai pháp đó bằng câu chuyện sau đây:

Một hôm Đức Phật thấy một đứa bé đang chập chững đi về hướng một cái giếng, chỉ còn một chút xíu nữa là rơi xuống nước, chắc chắn nó sẽ chết đuối trước khi người lớn đến cứu được. Đức Phật biết nếu Ngài gọi đứa bé quay trở lui chưa chắc nó đã nghe lời, mà vẫn cứ đi. Thay vì vậy nên Ngài nói: “Trong tay Như Lai có cây kẹo, hãy trở lui nhanh, Như Lai sẽ cho con cây kẹo ấy.”

Khi đứa bé nghe nói được cho kẹo để ăn, liền quay trở lại. Thực ra chẳng có gì trong tay Đức Phật cả. Nhưng Đức Phật có nói dối không? Ngài có đánh lừa đứa bé không? Không. Đứa bé gần như sắp rơi xuống giếng. Nếu Đức Phật không thuyết phục đứa bé bằng cách như thế để khiến nó quay lui tức khắc thì nó sẽ bị chết đuối. Nên Đức Phật đã nắm bàn tay lại và bảo rằng có kẹo ở trong ấy. Đứa bé đến với Ngài chỉ vì muốn ăn kẹo.

Pháp quyền được dùng để giáo hóa chúng sinh. Vốn là chẳng có gì cả, nhưng Đức Phật lại khéo léo nói với mọi chúng sinh rằng:

“Như Lai có một kho báu, hãy đến đây, Như Lai sẽ cho quý vị một viên ngọc minh châu vô giá và các thứ trân quý khác…” Vốn chúng sanh còn nhiều tâm tham nên họ liền đến với Như Lai để được giáo hóa, được món lợi. Nên chúng sinh được thuyết phục bằng pháp môn phương tiện. Đó là pháp quyền, là phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng hữu tình.

Pháp bình đẳng – pháp thật,  và pháp phương tiện – pháp quyền đều được dùng để giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm. Nhờ vào hai pháp môn này, chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và có được sự an lạc rốt ráo, đạt được kết quả chứng ngộ Phật tánh.

Hai pháp này đều làm lợi lạc cho mọi chúng sinh đời này và đời sau. Đời “hiện tại” ở đây có thể là thời Đức Phật giáo hóa, cũng có thể là thời bây giờ. Chúng sinh trong đời hiện tại và vị lai đều có được sự lợi lạc và được thăng hoa nhờ giáo pháp ấy. Khiến cho chúng sinh hiểu được ý nghĩa và sự lợi ích của hai pháp quyền và thật cho chúng sinh đời nay và đời sau là mục đích cuối cùng trong sáu duyên khởi của giáo lý Như Lai.

 

[1] Phẩm Tín giải, thứ 4.

[2] S: Kapila.

[3]Âm chất: Việc họa phúc, tốt xấu mà người không thể biết được.

[4] Yao:  Ðế Nghiêu: Họ Y Kì , tên Phóng Huân, con của Ðế Cốc,  lên ngôi năm 2357 trước Công Nguyên (Giáp Thìn) tại vị 100 năm, nhường ngôi cho Ðế Thuấn.

1 Thích Quảng Hạnh dịch.

[5] Ngũ trược : kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược.