Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

LỜI NÓI ĐẦU

Sách Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giải Diễn Nghĩa, Quyển ba nầy: Từ phẩm thứ mười bốn đến phẩm hai mươi ba là đúc kết những tinh hoa của Kinh Vô Lượng Thọ giải nghĩa, giảng lần mười và lần thứ mười một, do Hòa Thượng thượng Tịnh hạ Không chủ giảng, phối hợp cùng với sách chú giải kinh Vô Lượng Thọ của cụ Hoàng Niệm Tổ.

Do kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ mười của Hòa thượng thượng nhân chỉ đến phẩm hai mươi ba là hết, nên bắt đầu từ phẩm hai mươi bốn “Tam Bối Vãng Sinh” trở đi, chỉ phối hợp kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ mười một (tức Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa) cùng với sách chú giải của Cụ Hoàng.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Sách chú giải của cụ Hoàng thật quá tuyệt vời, không thể không khâm phục lễ lạy sát đất. Có thể nói: Tam tạng, mười hai bộ kinh đều có trong sách chú giải này. Đây là tàng kinh nhỏ, nên nó có độ sâu nhất định, có độ khó nhất định; nếu không có căn bản của Đại thừa rất khó tiếp thu… Chúng ta có lý do tin rằng: Sách chú giải này nhất định phổ độ chúng sinh vãng sinh Tây phương Cực Lạc, viên thành Phật đạo”.

Trong phẩm thứ hai mươi sáu “Lễ Cúng Thính Pháp”, đức Phật có dạy: “Giác liễu nhất thiết pháp, do như mộng, huyễn, hưởng” (Hiểu rõ tất cả pháp như mộng, huyễn, tiếng vang) nhưng vẫn “chuyên cầu Tịnh Phật độ”. Cho nên, tuy tuổi đã cao (bảy mươi chín), sức yếu, nhất là sau khi lâm trọng bệnh nhiễm covid, phải hai lần cấp cứu nằm bệnh viện suốt cả tháng.

Rất may, nhờ Pháp lực, Phước lực của hồng ân Tam Bảo che chở mà Diệu Âm Phổ Hạnh tôi đã vượt qua.

Sau khi bình phục, cho dù sức khoẻ và năng lực không còn như trước, nhớ đến kinh Vô Lượng Thọ trước đây, tôi chỉ mới thực hiện được quyển một và hai, phần còn lại vẫn chưa viết, nên chúng tôi quyết định phải cố gắng tận dụng hết sức mình để chu toàn “sứ mệnh” chuyển tải tất cả lời giảng của Hòa thượng Ân sư cùng phối hợp với sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, với hy vọng toàn bộ những thuyết giảng của Hòa thượng cùng chú giải của cụ Hoàng sẽ giúp các liên hữu đồng tu có được cái nhìn, cái hiểu chính xác hơn về kinh Vô Lượng Thọ và Pháp môn Tịnh độ.

“Tín giải” sâu sắc, chính xác về lời Phật dạy, mới có thể “Hành, Chứng”, thực hành đúng như lý, như pháp, hoàn toàn không sai lệch, hầu đạt đến cảnh giới của chư Phật Như Lai.

Lời thuyết giảng của Hòa thượng Ân sư, quả thật là chân ngôn, Thật ngữ, là ngọn đuốc soi đường cho chúng sinh thời mạt pháp. Tuy Hòa thượng đã viên tịch (ngày 26-7-2022), trụ thế chín mươi sáu tuổi, nhưng pháp âm của Ngài vẫn lưu truyền muôn thuở.

Chúng ta cung kính Hòa thượng, không phải chỉ cung kính nhục thân xá lợi của Ngài, mà cần phải thực tiễn cho được lời dạy của Ngài trong cuộc sống hàng ngày, đó mới thật sự là tri ân Hòa thượng.

Mặt khác, đức từ phụ Phật Thích Ca, với tâm lượng đại từ bi vô bờ bến, Ngài đã quán xét thấy căn cơ của chúng sinh thời mạt pháp: Túc nghiệp sâu nặng, trí tuệ nông cạn, tâm lực yếu kém, tà tâm tán loạn, lại thêm ám chướng, nghịch duyên chất chồng, rất khó gặp được minh sư, thiện hữu. Nếu chỉ có tu phước mà không lo tu tập, quyết chí vãng sinh thì có khác nào như Vĩnh Gia Huyền Giác thiền sư nói: “Người tu phước được sinh lên cõi trời sẽ chiêu vời quả khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã mãn lại rơi hoàn xuống đất!”

Cho nên, từ Định Môn (niệm Phật tam-muội, được nhất tâm bất loạn) để dạy người Thượng căn; đức Phật còn mở ra Tán Môn cho người kém định lực. Chỉ cần “vì sinh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh niệm Phật”, là nhất định thành tựu

Kính mong quý liên hữu hãy bớt dần sự duyên ràng buộc mà phát khởi tín tâm, nguyện tâm kiên cố, chí tâm niệm Phật thì nhất định vãng sinh.

Viết đến đây, bỗng dưng chúng tôi nhớ đến khai thị của một vị Thầy: “Chúng sinh thời đại nầy đi đâu cũng có mạng lưới điện thoại, mạng internet v.v… khống chế chặt chẽ! Người tu hành trong thời đại nầy, muốn dựa vào sức tu của mình để tìm cầu giải thoát, vượt khỏi luân hồi, là điều không thể được! Như con ruồi bị sa vào lưới nhện, càng tung cánh vẫy vùng thì càng bị buộc chắt! Nếu không gặp được giáo lý thuần chánh của pháp môn Tịnh Độ, chúng ta chỉ biết khóc mà không còn nước mắt!”

Hôm nay (24-10-2022), tình cờ cũng là phước duyên, chúng tôi được nghe bài pháp của Hòa thượng Tuyên Luật sư Thích Minh Thông thuyết giảng cho Tăng, Ni ở Việt Nam tại Luật Viện chùa Huệ Nghiêm, với tiêu đề “Pháp môn niệm Phật, con đường giải thoát”. Nhận thấy bài thuyết giảng của Hòa thượng vô cùng quý báu và hữu ích đối với người tu Tịnh Độ, nên xin được mạn phép tóm gọn, viết ra đây một vài ý chính mà Hòa thượng đã nêu ra để chia sẻ với các đồng tu:

1. – Cùng quan điểm với Bồ tát Long Thọ và Pháp Nhiên thượng nhân, Hòa thượng cũng công nhận: Pháp môn Tịnh Độ là “dị hành đạo” (ai cũng tu được), không phải “Thánh giáo môn” là “nan hành đạo” (khó áp dụng cho chúng sinh thời Mạt pháp). Nếu ai muốn thoát ly luân hồi sinh tử ngay trong đời nầy, ngoài pháp môn niệm Phật ra, không có con đường thứ hai (Các pháp môn khác phải trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp).

2. – Pháp môn Tịnh Độ đã được Phật thuyết giảng từ thời A Hàm, là giai đoạn sớm nhất trong cuộc đời giáo hóa của đức Phật. “Nếu ai nói Tịnh Độ không phải của Phật thuyết mà do người sau nói, người đó đối với giáo lý Phật rất là sơ cơ! Hoặc giả, nói Tịnh Độ là của Tàu chế, thì đó là dốt nát chưa biết gì Phật pháp”.

3. – Hạnh phúc của người tu là không bị ngũ dục lục trần lôi cuốn, biết được chắc chắn con đường mình đang đi và sẽ đạt đến. Nếu chỉ lờ mờ nhai trên văn tự, chưa biết kết cuộc con đường sẽ đến đâu thì đó là việc đáng buồn!

4. – Chủ trương Luật học của chùa Huệ Nghiêm chỉ có hai điều, gói gọn trong bốn chữ: “Trì giới, Niệm Phật”. Vì sao vậy? – Vì trì giới là để chế ngự ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), nhưng chưa phải là cứu cánh, chưa giúp ta thoát khỏi sinh tử, luân hồi. Muốn ra khỏi sinh tử luân hồi phải nhất tâm kiên trì niệm Phật, phải phát nguyện vãng sinh, phải “Nam mô A Di Đà Phật”. Được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc tức là đã tiêu trừ được ngũ dục.

Trong giới luật có ba giai đoạn là “Giới-Định-Tuệ”:

– Giớibắt (chỉ mới hạn chế)

– Định trói (an trụ tâm ở một chỗ)

– Tuệ giết (tiêu diệt phiền não)

Ngày nay, muốn trọn vẹn Giới-Định-Tuệ là việc không làm nổi! Cho nên, Trì giới chỉ là để cột trói ngũ dục, không cho nó phát triển. Muốn có Tuệ, phải chí tâm niệm Phật để giải quyết vấn đề sinh tử, hầu tiến đến Phật quả. Ngoài câu niệm Phật, không có con đường thứ hai. Đây là khẳng định! Là chắc chắn như vậy! Sinh đến thế giới Cực Lạc thì đâu còn phiền não, ngũ dục để mà cột trói nữa.

5. – Cuối cùng, Hòa thượng khuyên chúng ta nên nhẹ nhàng đối với mọi việc xung quanh, xem đây chỉ là nhà trọ, quê hương ta chính là thế giới Cực Lạc.

Pháp môn nào cũng có nhân tu và quả chứng của nó. Điều quan trọng là phải nhận rõ đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện. Đừng bao giờ để phương tiện chiếm chỗ. Cứu cánh là đạt đến Phật quả, ra khỏi luân hồi, sinh tử; còn phương tiện là sống ở thế gian nầy, còn phân biệt cách này, cách khác. Như kinh điển đức Thế Tôn có nói Chân Đế và Tục Đế. Nếu là Chân Đế thì “bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp”. Phải chọn lựa con đường hẳn hoi, mới xứng đáng một đời gặp được chánh pháp, được làm thân người.

Hòa thượng tha thiết mong tất cả chúng ta sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên bước đường tu, cũng nguyện cầu chư Phật gia hộ chúng ta được an lành trong ánh từ quang của chư Phật; tất cả đều thuận duyên và nghịch cảnh sẽ tan biến.

Sau đây, là quan điểm rất chính xác về Tịnh Độ tông trong “Vãng Sinh Tịnh Độ Luận Giảng Ký” của Ngài Ấn Thuận và Ngài Đàm Loan, xin được viết ra đây để chia sẻ cùng các liên hữu như sau: “Tịnh Độ không phải chỉ là lý tưởng của Tịnh Độ tông mà còn là khuôn mẫu lý tưởng chung cho mọi tông phái của Đại thừa Phật giáo nữa” “Đại thừa có thể nói với Tiểu thừa rằng: Chúng ta không có gì khác nhau, chẳng qua anh  cá nhân và tôi tập thể mà thôi. Tất cả mọi nỗ lực của tôi làm là để thành tựu sự thanh tịnh cho tất cả chúng sinh. Anh tôn thờ Phật như một cá nhân hoàn toàn thanh tịnh; tôi tôn thờ Phật như Pháp thân thanh tịnh biến khắp không gian và thời gian; mà mỗi vị Phật xuất hiện trong đời chỉ là một hiện thân cá nhân của Pháp thân thanh tịnh ấy. Anh thực hiện sự thanh tịnh viên mãn để Niết Bàn hóa toàn thể hiện hữu của cá nhân anh; tôi thực hiện sự thanh tịnh viên mãn cho toàn thể chúng sinh để tịnh độ hóa toàn thể vũ trụ…” “ Những hiểu lầm về Tịnh Độ cần phải được tẩy rửa; tín tâm vào Tịnh Độ phải được thành lập, trước khi chúng ta có thể bước vào con đường Đại thừa Bồ tát đạo”. “Chỉ có xu hướng Đại thừa mới duy nhất hiển lộ được toàn thể chân lý cho tất cả mọi loài, mới lấy sự giác ngộ của đức Phật làm lý tưởng cứu cánh, mới nuôi dưỡng và phát triển ánh sáng giác ngộ đến mức viên mãn”.

Để nhất trí trong vấn đề nầy, Hòa thượng Thích Thái Hòa, trong buổi thuyết giảng cho Tăng, Ni ở Luật Viện chùa Huệ Nghiêm (Việt Nam) có gởi một thông điệp: “Phật Tổ không có Nam Bắc; Thầy Tổ cũng không có Nam Bắc, chỉ có tâm phân biệt con người mới có Nam Bắc”. Và theo quan điểm của Hòa thượng Tịnh Không: “Muốn duy trì, cống hiến nền đạo pháp Giác Ngộ của Phật Đà đến với mọi quần chúng thì Tăng phải khen Tăng”.

Thành tựu quyển 3, Sách Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giải Diễn Nghĩa nầy, nếu có được chút công đức nào, xin thành kính dâng lên đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đức từ phụ Phật A Di Đà, cùng mười phương chư Phật. Thành kính dâng lên cố Hòa thượng Ân sư thượng Tịnh hạ Không, người đã khai sáng cho chúng tôi về pháp môn Tịnh Độ. Nếu không có Ngài chúng tôi cũng không thể có phước duyên thành tựu được ba quyển sách kinh Vô Lượng Thọ Giải Diễn Nghĩa nầy.

Xin thành kính dâng lên cố đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, cố đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh, cố Hòa thượng thượng Thiền hạ Tâm v.v…, cùng tất cả lịch đại Tổ Sư. Thành kính tri ân cố Đại Sĩ Hạ Liên Cư, cố Kim Cang Thượng Sư Hoàng Niệm Tổ đã dày công khó nhọc hội tập, sưu tầm và chú giải kinh Vô Lượng Thọ nầy một cách rất công phu, viên dung và tường tận.

Xin thành kính tri ân sư phụ trụ trì chùa Duy Trung ở Quảng Nam đã từ bi lân mẫn nạp thọ bộ sách nầy và phổ biến trên youtube của chùa, đồng thời cũng trợ duyên giúp chúng tôi đánh máy bản thảo kinh Vô Lượng Thọ  Giải Diễn Nghĩa, Quyển 3 nầy. Đây quả thật là ân đức chẳng thể nghĩ bàn, cũng là ân đức của chư Phật hộ niệm.

Một lần nữa, xin cho con được đê đầu đảnh lễ tri ân sư phụ cùng các Thầy chùa Duy Trung với tất cả tấm lòng thành kính của con.

Xin thành kính đảnh lễ tri ân Thầy Chủ nhiệm Ban Biên Tập và toàn thể Ban Biên Tập “Tạng Thư Phật Học” đã hoan hỉ nạp thọ bộ sách nầy và quan tâm hết mực, dành rất nhiều thời gian để hòa âm, chỉnh sửa phần thiếu sót ghi âm MP3, video và nhạc đệm của kinh Vô Lượng Thọ Diễn Nghĩa (Quyển 1 và Quyển 2) nầy và đưa vào kênh “Suối nguồn Pháp Bảo” (trực thuộc Tạng Thư Phật Học).

Xin thành kính tri ân Ban Biên Tập của trang Thư Viện Hoa Sen đã hoan hỉ đăng tải bộ sách này dưới dạng PDF và ghi link kết nối đến kênh youtube “Kinh Vô Lượng Thọ Diễn Nghĩa”

Xin đa tạ tấm lòng tùy hỉ của liên hữu Diệu Hằng đã gởi đến chúng tôi bản PDF của kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ mười và lần thứ mười một (tức Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa) của Hòa Thượng Ân Sư. Nhờ vậy mà bắt đầu từ phẩm hai mươi trở đi, chúng tôi không còn phải mất rất nhiều thời gian để chép lại từ băng giảng như đã làm trước đây.

Cũng không quên tri ân đến chú Hồ Sĩ Trung (nhà in), đến Quách Kim Thành – người bạn thân trẻ đã hết lòng hỗ trợ chúng tôi trên phương diện tinh thần; xin tri ân đến Huệ Lộc, Huệ Thọ, gia đình Huệ Phước – Kim Chi. Nhất là Kim Chi đã nhiệt tình,dành rất nhiều thời gian giúp chúng tôi scan bản thảo gởi đến chùa Duy Trung và chỉnh sửa rất nhiều lỗi sai trong kỹ thuật và in ấn.

Xin tri ân tất cả mọi nhân duyên trong đời đã giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện nầy. Từ việc lớn đến việc nhỏ, tất cả đều là vô lượng công đức.

Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ chư vị Bồ Đề tâm kiên cố, niệm lực Bất Thoái, cùng nhau hội ngộ nơi thế giới Cực Lạc của đức từ phụ Phật A Di Đà.

Xin hồi hướng trang nghiêm Phật Tịnh Độ, hồi hướng đến tất cả Ân Sư, phụ mẫu, oan gia trái chủ, quyến thuộc bằng hữu, pháp giới chúng sinh đều được vãng sinh Tây phương Cực Lạc.

Nguyện Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, thiên hạ thái bình, tiêu tai miễn nạn, chúng sinh an lạc.

Nam mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô A Di Đà Phật

Diệu Âm Phổ Hạnh
Cẩn chí
Sydney, Úc Châu ngày 24-10-2022