NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI

Hòa Thượng Thích Đỗng Minh

LỜI NGƯỜI TẬP THÀNH

Theo bộ Luật Trùng Trị do ngài Trí Húc tập yếu thì vấn đề thọ giới có 7 trường hợp do đức Phật chế định và 3 trường hợp tùy khai, tóm lược như sau:

1- Kiến đế đắc giới: Trường hợp này là như 5 anh em ông Kiều-trần-như vừa nghe đức Thế Tôn trình bày về Tứ diệu đế liền thành thọ giới và đắc giới.

2- Thiện lai đắc giới: Trường hợp này là dành cho những vị có túc căn đầy đủ, vừa gặp đức Thế Tôn, được Ngài gọi “Thiện lai Tỳ-kheo” liền thành thọ giới và đắc giới.

3- Tam ngữ đắc giới: Trường hợp này là đức Phật thành đạo chưa bao lâu, có người gặp Ngài, tự xướng lên rằng: “Con xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng” , liền được gọi là thọ giới và đắc giới.

4- Tam quy thọ giới: Trường hợp này là Tăng đoàn đầu tiên gồm 1.250 vị Tỳ-kheo đi du hóa các phương, có người phát tâm xuất gia, Tăng đoàn hướng dẫn họ nói Tam quy 3 lần thì họ liền đắc giới.

5- Tự thệ thọ giới: Trường hợp này là như ngài Ma-ha Ca-diếp ban đầu xuất gia chưa từng gặp Phật, Ngài tự thề rằng: “Trong thế gian này ai là bậc tối chánh giác thì vị ấy là thầy của tôi, tôi là đệ tử vị ấy”, ngài liền đắc giới. Ngài đắc giới rồi, sau mới gặp đức Thế Tôn.

6- Bát pháp thọ giới: Trường hợp này là bà Đại Ái Đạo cùng 500 người nữ chấp nhận 8 pháp “Không được vượt qua” thì liền đắc giới.

7- Bạch Tứ Yết-ma đắc giới: Trường hợp này là sau khi một lần bạch 3 lần Yết-ma (Bạch Tứ Yết-ma) thì liền đắc giới.

Trên đây là 7 trường hợp do đức Thế Tôn chế định.

Còn 3 trường hợp tùy khai như sau:

– Tùy khai thứ nhất là cho Ni chúng 8 lần bạch Yết-ma (4 lần bản pháp, 4 lần chánh pháp) để thọ giới.

– Tùy khai thứ hai là Tỳ-kheo-ni Pháp Dự nhờ người tin cậy thay mình đến Đại Tăng thọ chánh pháp yết-ma.

– Tùy khai thứ ba là nơi biên địa cho 5 vị giới sư truyền giới Cụ túc.

Như vậy là cộng thành 10 trường hợp thọ giới và đắc giới.

Xưa nay chúng ta đều dùng cách Bạch Tứ Yết-ma làm tông bổn, nó có khả năng kế tục ngôi Tam bảo, tạo ra vô biên phước lợi, cho nên trong 7 cách đắc giới nó là tối tôn, tối diệu, tối ư quan trọng, vì:

– “Kiến đế” chỉ có 5 vị Tỳ-kheo đầu tiên.

– “Thiện lai” chỉ hạn cuộc nơi kim khẩu.

– “Tam ngữ”, “Tam quy” chỉ hạn cuộc khi Phật chưa chế pháp Bạch Tứ Yết-ma.

– “Tự thệ” chỉ mình ngài Đại Ca-diếp.

– “Bát pháp” chỉ hạn cuộc trong trường hợp bà Đại Ái Đạo và 500 Tỳ-kheo-ni đầu tiên.

Riêng cách Bạch Tứ Yết-ma mà đắc giới là cương lĩnh giáo hóa của đức Phật, chánh pháp cửu trụ, đạo quả ba thừa không chấm dứt là nhờ đó.

Tuy nhiên, Phật pháp bất định pháp, tùy theo phong tục tập quán chứ không cố định. Tất cả các trường phái thuộc Phật giáo trên thế giới hiện nay cách truyền giới đều không giống nhau về phương thức cũng như về túc số, tại Việt Nam các hệ phái Phật giáo cũng vậy. Do đó, Thầy Tổ chúng ta đã từng nói: “Thiền môn quy củ bất đồng”.

Theo tinh thần cầu đạo thì quan trọng là ở chỗ: Một bên Giới tử (người cầu giới) một lòng tha thiết cầu đạo, một bên Giới sư (người truyền giới) rủ lòng thương đối với đàn hậu tấn, bên cảm bên ứng, hai luồng điện gặp nhau là Giới tử đắc giới. Tất cả nghi lễ đều là trợ duyên mà thôi, nhưng không thể không có (Phương tiện tùy nghi, vô thi bất khả).

Luật Ngũ phần nói: “Cho phép khiBố-tát, Tự tứ, Tăng tập hợp, truyền giới Cụ túc”. Có nhiều vị hỏi tôi về việc các giới tử thọ giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni trong thời gian an cư thì tính tuổi hạ thế nào? Tôi xin giải thích vấn đề này theo trong bộ Nam hải ký quy để quý vị rõ:

Nếu tính theo lịch Ấn Độ thì:

– Từ 16 tháng 9 đến rằm tháng giêng là mùa Đông.

– Từ 16 tháng giêng đến rằm tháng 5 là mùa Xuân.

– Từ 16 tháng 5 đến rằm tháng 9 là mùa Hạ (mùa mưa).

Như vậy mỗi mùa có 4 tháng vì một năm chỉ có 3 mùa.

Còn tính theo lịch Việt Nam thì một năm có 4 mùa, thành ra mỗi mùa chỉ có 3 tháng.

Vấn đề an cư thì có tiền an cư và hậu an cư:

– Tiền an cư là ngày 16 tháng 4.

– Hậu an cư là 16 tháng 5.

Từ ngày 16 tháng 5, trong vòng một ngày một đêm là thời gian chót của hậu an cư. Trước và trong thời gian đó mà vị nào thọ Cụ túc giới thì cũng được thọ hậu an cư, cho đến mãn 3 tháng thì được tính là một tuổi hạ. Ví như người đời, ngày chót của tháng chạp hạ sanh thì qua mồng một của tháng giêng cũng tính là một tuổi.

Nếu 17 tháng 5 mới thọ Cụ túc giới thì không được thọ hậu an cư, chỉ gọi là Tỳ-kheo chưa có tuổi hạ, đợi cho đến sang năm mới thọ tiền an cư hoặc thọ hậu an cư, sau 3 tháng mới gọi là Tỳ-kheo một tuổi hạ. Ví như người đời, sáng mồng một tháng giêng mới hạ sanh, cho đến cuối năm cũng chỉ gọi là một tuổi.

Nếu 17 tháng 5, tướng mặt trời vừa xuất hiện, người nào thọ Cụ túc vào giờ ấy, trong số người cùng hạ, họ là kẻ lớn nhất, do không được hậu an cư vậy. Ví như người sanh vào giờ Tý của tháng giêng.

Nếu tối 16 tháng 5 vừa hết, người nào thọ Cụ túc giới vào giờ ấy thì trong số người đồng hạ, họ là người nhỏ nhất, do thọ hậu an cư vậy. Ví như người sanh vào giờ Hợi của tháng chạp.

Luật Thập tụng nói: “Thọ đại giới trước, dù chỉ trong giây lát (tu du) cũng phải ngồi trước”.

Có người hỏi: “Tỳ-kheo giới cùng với Bồ- tát giới, hoặc thọ giới có trước có sau, vậy nên y theo thứ tự bên nào để sắp xếp chỗ ngồi?”.

Đáp: – Theo bộ Thích thiêm nói: Đại thừa, Tiểu thừa đều thông dụng Luật nghi, thuộc về phạm vi Luật nghi nào thì dựa vào Luật nghi ấy để quyết định vị thứ. Vậy nên Bồ-tát ở nơi Đại thừa thì thành đại, ở nơi Tiểu thừa thì thành tiểu.

Có chủ thuyết nói: Thọ Bồ-tát giới không thành Tăng luân, vì Bồ-tát giới là Thông giới, chung cho cả xuất gia và tại gia nên chỉ dựa vào thời gian thọ giới Tỳ-kheo mà sắp xếp vị thứ.

Đây là một vấn đề tế nhị và rắc rối, chúng ta nên vận dụng và thể tất cho nhau, chứ không nên chấp nhất để rồi sanh phiền não, vô ích!

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có nghi truyền giới thống nhất nên Bắc, Trung, Nam đều áp dụng khác nhau. Riêng ở Nha Trang (Khánh Hòa) mấy năm nay tôi dựa vào Luật Tạng, dựa vào các tập nghi truyền giới của Hòa thượng Trí Thủ và của Hòa thượng Thiện Hòa… soạn để áp dụng. Nay tôi tập thành lại để khỏi tản mát, ngõ hầu tiện cho người phụng hành khi hữu sự. Kính mong chư Tôn đức góp ý cho những chỗ thiếu sót để tập NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI này được hoàn chỉnh.

Cẩn bạch

Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh