HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

II. DÒNG SINH MỆNH VÔ TẬN

Thế giới xưa nay vốn không được hoàn mãn, xưa nay vốn đầy dẫy những thống khổ, thế nhưng sự khổ nạn của nhân loại hiện nay càng lúc càng nhiều, đây là điều mà mọi người có thể cảm nhận được một cách thấm thía. Mọi người đối xử với nhau, không có tinh thần hòa lạc thông cảm, mà toàn là sân hận, đấu tranh với nhau càng lúc càng dữ dội, loạn đến nỗi sự sinh hoạt của nhân loại không còn một chút hứng thú gì nữa. Nếu muốn tiêu diệt những khổ nạn trên thế gian này, chỉ có cách duy nhất là mọi người đều phụng hành Phật pháp. Y vào Phật pháp mà điều luyện nhân tâm, cứu tế thế gian, thì đây mới là biện pháp tốt đẹp nhất.

Lý do mà thế giới trở thành bi thảm như hiện nay là vì bị đầu độc bởi hai luồng tư tưởng. Hai luồng tư tưởng này vốn đã có từ xa xưa, nhưng đến gần đây lại trở thành “hoành hành” hơn. Hai luồng tư tưởng nào?

(a) Một là, điểm đặc trưng của nền văn minh cận đại là lòng nhiệt thành đối với tôn giáo đã trở nên giảm thiểu, thậm chí đến trình độ bài xích tôn giáo, hoặc hủy diệt tôn giáo. Điều này do vì trong thời đại hiện nay, tư tưởng và tinh lực của loài người đều có khuynh hướng tập trung vào việc nghiên cứu thế giới vật chất. Đối với tự thân loài người, nhìn thấy hiện tượng tụ tập phân tán của vật chất bèn cho rằng sau khi chết là hết. Cho rằng tự thân đối với tất cả những sự tạo tác trong hiện đời, đều không cần phải gánh vác trách nhiệm. Tinh thần đạo đức bắt đầu xuống dốc. Trong thời đại này, số người chủ trương quan niệm này quả thật là quá nhiều. Y vào Phật pháp mà nói, đây là những kẻ tà kiến, bài bác nhân quả, không tin có đời trước, không tin có đời sau, mà chỉ tin có hiện tại. Bọn họ cho rằng chết rồi là không còn gì, chỉ còn sót lại một mớ vật chất, không cần có trách nhiệm gì với hành vi trong đời này. Đây là một sự kiện trái ngược với tôn giáo. Loại tư tưởng sai lầm này hoàn toàn xuất phát từ quan niệm “tư lợi” của thế gian, và triết học “Duy vật.”

(b) Hai là, ở Tây phương có một số tư tưởng gia cho rằng tất cả sự vật trên thế gian đều thường ở trong trạng thái đấu tranh. Kẻ nào khéo đấu tranh thì sẽ được tồn tại, đạt được thắng lợi. Những tư tưởng do triết học “đấu tranh” gieo rắc, tạo thành tâm lý ám ảnh, cho rằng mọi người đều là thù địch, khẩn trương, kinh hoàng, tàn khốc, sát hại. Luật “mạnh được yếu thua” của luận điệu tiến hóa tự nhiên này là một loại tư tưởng đại biểu!

Từ lúc hai loại tư tưởng này lưu hành phổ biến, quan niệm của nhân loại bắt đầu có sự biến hóa mạnh mẽ. Một phương diện, cho rằng chết là hết, hoàn toàn không có trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra trong hiện đời, một phương diện khác, nghĩ rằng muốn tiếp tục sinh tồn thì không thể không đấu tranh với kẻ khác. Loại tư tưởng duy vật, đấu tranh này đã đem đến tai họa to tát cho nhân loại hiện nay. Nếu muốn triệt để cải chánh loại quan niệm này, cần phải xúc tiến từ hai phương diện: (a) Nhân sinh không phải là duy vật luận, chết không phải là hết, mà chúng ta phải hoàn toàn có trách nhiệm với hành vi của chúng ta hiện đời. (b) Lý tưởng của nhân sinh không phải là sự đấu tranh không ngừng, mà giữa mọi người cần phải có thái độ hợp tác với nhau, kính trọng yêu thương lẫn nhau. Dưỡng thành một phong khí của xã hội là tự mình có trách nhiệm, đối xử hòa lạc với nhau, thì mới có thể giảm bớt sự khổ nạn cho thế gian. Điều này chỉ có Phật pháp mới có thể triệt để đương đầu với hai loại tư tưởng sai lầm này, đem đến sự cải cách tận gốc rễ. Hiện nay, trước tiên từ lập trường của Phật pháp nêu rõ sự thực về sự diên tục của sinh mệnh.

(1)  Hữu tình là căn bổn.

Nhân sinh và vũ trụ, nếu nhìn từ phương diện diên tục (tiếp tục kéo dài), phát triển, sinh động, biến đổi không ngừng, sinh tồn liên tục, thì điều này không nhất định chỉ có Phật giáo mới đề cập đến, mà các tôn giáo hoặc triết học cũng thường có cái nhìn tương tự này. Đối với sự sinh tồn liên tục, bọn họ thường nhìn theo lối này: (a) Từ vũ trụ luận mà nhìn, không những loài người và các loài động vật khác như vậy, mà cả hoa lá cỏ cây, núi cao nước chảy, v.v… đều là sự biểu hiện sinh động dòng sinh mệnh lớn của vũ trụ. Tất cả mọi sự vật trong vũ trụ đều trình hiện một sự sinh tồn sống động, cho nên vũ trụ luôn luôn đang ở trong tình trạng phát triển tiến hóa không ngừng. (b) Từ nhân sinh luận mà nhìn thì chú trọng đến xã hội. Từ sự sinh sôi nẩy nở của chủng tộc, sự hổ trợ của nhân loại, nhìn thấy được xã hội sinh tồn liên tục, tràn đầy sức sống. Loại quan điểm này, từ vũ trụ và xã hội, không chắc có thể cải chánh được những độc tố đã được đề cập ở trên. Bởi vì nói đến vũ trụ và xã hội, ít nhiều đã có khuynh hướng khách quan hóa toàn diện, hình thành sự đối lập với chính mình. Nếu như quá chú trọng đến toàn thể mà xem nhẹ cá nhân thì điều này trở thành “phi tôn giáo.”

Tất cả sự vật trên thế gian, nếu như phân loại thông thường, có thể phân thành: khoáng vật, thực vật và động vật; hoặc có thể phân thành: vật lý, tâm lý và sinh lý. Nếu như chú trọng đến nhân loại, thì có thể trong sự hoạt động tâm lý của loài động vật, phân ra nhân loại là loài có lý trí. Đối với những điều này, Phật pháp nói đến “dòng sinh mệnh vô tận”, là xuất phát từ sự hiện hữu của “hiện tượng tâm lý”, mà hơn nữa, là nói đến mỗi sinh mệnh độc lập. Mỗi đơn vị sinh mệnh đều là dòng sinh mệnh kéo dài vô tận (không ngừng nghỉ), giống như dòng sông lớn chảy mãi không ngừng. Sinh mệnh, xưa nay trong kinh điển Phật giáo vốn không có thuật ngữ này, mà chỉ gọi là “hữu tình” hoặc “mệnh giả” (vật có sinh mệnh). Hữu tình có nghĩa là có tình thức, có tình ái. “Mệnh giả”, tức là cá thể từ nghiệp báo mà đến, có thọ mạng trong một khoảng thời gian. Cho nên Phật pháp nói về “dòng sinh mệnh”, không phải là nói về phương diện sinh lý, mà là nói về loài có hoạt động “tâm lý”, đại khái có hàm nghĩa gần giống như “động vật.” Cho nên, cỏ cây hoa quả, núi sông đất đá, đều không phải là hạch tâm hoặc là đương thể của sinh mệnh. Đồng thời, Phật pháp nói về hữu tình hoặc mệnh giả, không phải chỉ nói riêng về vật lý, sinh lý hoặc tâm lý, mà là hiện tượng sinh mệnh của phức hợp thể (tổng thể của cả ba), cho nên không giống như một số học giả chỉ chú trọng về phương diện tinh thần. Đối với loài người mà nói, tuy có thể nói sinh mệnh là tự thể của từng cá nhân, nhưng thực ra là thông với tất cả loài hữu tình. Phật pháp từ tất cả hữu tình mà quán sát dòng sinh mệnh vô tận của họ. Từ quan điểm này, Phật giáo và triết học của Ấn Độ tương đối tiếp cận với nhau.

(2)  Hữu tình là dòng sinh mệnh nối tiếp.

Chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc rằng: Hễ là sinh mệnh (có tình thức), thì sau khi chết, tuyệt đối không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn. Tương tự, trước khi sinh ra cũng không phải là hoàn toàn không có gì. Sự kết thúc của một sinh mệnh trước, là sự bắt đầu của một sinh mệnh kế tiếp. Giống như đòn cân, đầu này lên cao thì đầu kia xuống thấp. Dòng sinh mệnh cũng giống như vậy, chảy liên tục không ngừng. Đệ tử Phật phải nên có sự tin hiểu vững chắc đối với quan niệm sinh mệnh liên tục ba đời. Hầu hết các tôn giáo, như đạo Thiên Chúa và đạo Hồi, đều thừa nhận và nói đến sự sinh diệt không ngừng của một sinh mệnh. Bọn họ cho rằng người tin thần (thượng đế), sau khi chết được sinh lên Thiên quốc, kẻ làm ác bị đọa địa ngục, nghĩa là sau khi chết vẫn tồn tại. Thế nhưng bọn họ chỉ chú trọng sự việc đời này chuyển sang đời sau (nhị thế luận), còn Phật giáo và các tôn giáo Ấn Độ thì đề cập cả ba đời (tam thế luận), chú ý đến đời trước. Nhị thế luận không đề cập đến đời trước, có thể là vì đời trước đang ở nơi cư trú của thần (khác biệt với thần, hoặc cùng một thể với thần), không biết vì lý do gì mà lại sinh đến thế gian này, ôm lấy nỗi khổ đau của thế gian, và tựa hồ như toàn bộ hướng về sự đọa lạc (sinh lên cõi trời chỉ là số ít). Đã không có nhân tố quá khứ khác biệt, thì không có cách nào để thuyết minh về sự thống khổ và khoái lạc, thông tuệ và ngu si, yểu mệnh và trường thọ, những hình tướng chúng sinh trăm ngàn khác biệt trong đời này. Nếu như nói đây là ý muốn của thần, thì điều này không làm thỏa mãn tâm ý của mọi người. Vả lại, sự thống khổ nhiều hơn khoái lạc, đọa xuống nhiều hơn thăng lên, như vậy không tránh khỏi sự kiện là thần quá ư tàn khốc! Cho nên chỉ có sinh mệnh quan của tam thế luận mới có thể đầy đủ và chánh xác để hoàn thành được lý niệm về dòng sinh mệnh tương tục này!

Sự sinh diệt không ngừng của sự lưu chuyển ba đời, không chỉ là sự sinh, mà bao hàm cả sự “tử” (chết). Sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh, sinh tử tử sinh, kéo dài vô hạn, đây là ý nghĩa mà ở đây muốn nói về dòng sinh tử vô tận. Sinh sinh không ngừng, cũng có nghĩa là tử tử không ngừng. Nhưng người đời mong cầu sự sinh tồn cho nên chỉ chuyên nói “sinh sinh”, đây là từ tâm mong cầu của hữu tình mà kiến lập. Trong sự lưu chuyển của sinh tử ba đời, hoặc giả, có người tưởng tượng có một chủ thể bất biến. Thật ra, chỉ giống như những làn sóng trong biển lớn bị gió thổi, từng đợt từng đợt dâng lên rồi lại hụp xuống, hụp xuống rồi lại dâng lên. Điều này không chỉ riêng có sự trồi hụp của mặt sóng, nếu như tĩnh tâm quán sát, từng giọt nước của biển lớn cũng đều đang ở trong trạng thái dao động không ngừng.

Nói đến vấn đề sinh tử biến hóa không ngừng này, có thể đưa ra ví dụ: (a) Như dòng suối, xuất phát từ khe núi, chảy qua nhiều địa thế khác nhau. Như lúc nước ít, nước từ khe đá chảy ra, từng giọt từng giọt, giống như từng đóa hoa nho nhỏ, tiếng kêu tí tách. Hoặc là trong giòng nước có nhiều cỏ lá bít lối, khiến cho dòng nước bị ngăn lại không di động. Còn như đến lúc nước lớn thì nước chảy gấp xuống, nếu bị những tảng đá ngăn lại thì tràn qua như những đợt sóng, hoặc trở thành những xoáy nước ào ạt. Còn đến lúc nước quá nhiều thì lại trở thành bao la như đại dương, phẳng lặng không còn một gợn sóng. Hình thái của dòng nước rất khác nhau, đều chỉ là do nguồn nước lớn hay nhỏ, hoặc là trong nước có lẫn lộn những tạp vật khác.  Sự lưu chuyển của dòng sinh mệnh trong ba đời cũng tương tự như vậy, có lúc thì rất khoái lạc, có lúc thì rất thống khổ, có lúc thì rất thông minh, có lúc thì rất ngu si, có lúc thì tuổi thọ ngắn ngủi, có lúc thì sống lâu nhiều kiếp. Tất cả những sự khác biệt này đều là do đời trước tích tập những nghiệp nhân khác nhau. (b) Từ lúc sinh ra cho đến lúc chấm dứt của một sinh mệnh (khoảng trung gian đương nhiên là một sự diên tục), giống như bắn pháo bông, từng phát từng phát, trước sau phóng ra những màu sắc khác nhau. Sự diên tục của sinh mệnh của hữu tình, nhìn có vẻ như có sự gián đoạn ở khoảng giữa (lúc chết tái sinh qua đời sau), nhưng lại không phải là hoàn toàn kết thúc. Đây là từng đợt nghiệp lực của quá khứ ảnh hưởng đến từng đợt nghiệp lực ở vị lai, chứ không phải một lần hoàn thành rồi không biến đổi. Dòng sinh mệnh ba đời, phải nên tin hiểu giống như vậy.

Dòng sinh mệnh tương tục ba đời, không phải vĩnh hằng bất biến, mà là biến hóa không ngừng, từ đời trước đến đời sau. Sinh mệnh hiện tại, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngu hoặc trí, hoặc khỏe mạnh hoặc bệnh hoạn, hoặc làm người hoặc làm súc sinh, các loại khác nhau, không có gì khác lạ, chỉ là do nghiệp nhân từ đời trước ảnh hưởng (đương nhiên có rất nhiều trường hợp do nhân đời này mà thành tựu). Trong đời quá khứ, tư tưởng hoặc chánh xác hoặc tà vạy, hành vi hoặc hợp pháp hoặc phi pháp, đối với người khác có lợi hoặc có hại, vô hạn hoạt động phức tạp tạo thành nghiệp lực ảnh hưởng đến đời này. Hiện đời không phải là mới từ “hoàn toàn không có gì” mà sinh ra, mà là một sự nối tiếp quá khứ, thọ hưởng quả báo của quá khứ. Tương tự, trong hiện đời, tư tưởng, hành vi, tất cả hoạt động đối với người khác và chính mình đều tạo thành nghiệp lực mới (cùng với nghiệp đời quá khứ còn sót lại), đợi đến lúc sinh mệnh kết thúc, lại bắt đầu khai triển một sinh mệnh mới. Từ một sinh mệnh này đến một sinh mệnh khác, thoạt nhìn thì giống như từng giai đoạn, không có sự tương quan, nhưng thực sự là một quá trình liên tục không bao giờ gián đoạn. Sự kiện nhân quá khứ sinh khởi quả hiện tại, nhân hiện tại (và nhân quá khứ) sinh khởi quả vị lai, cái trước ảnh hưởng cái sau, quốc gia, xã hội, gia đình cũng giống như vậy. Cho nên sinh mệnh quan ba đời tương tục này, có thể nói là phù hợp với sự thực nhất, dễ dàng tin nhận nhất.

Có một số người học Phật, nhưng lại xem thường sự “tương tục ba đời”, hiểu lầm ý nghĩa chân thực của giải thoát, trở thành tiêu cực, đánh mất chủ trương, cho rằng đời người hoàn toàn vô ý nghĩa, cho nên bọn họ không thể nỗ lực “đình chỉ việc ác”, mà cũng không nghĩ đến “tích cực hành thiện.” Điều này, thực sự, là một sự sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Trong sự lưu chuyển tương tục ba đời, những kẻ đó trong tương lai sẽ gặp phải những hậu quả vô cùng bất hạnh.

(3) Sự tồn tại “sắc tâm” nhưng “phi sắc tâm” của hữu tình.

Hữu tình, mệnh giả, phần trên đã nói qua, không phải chỉ là sinh lý, mà là tinh thần và thân xác – thân tâm, hoặc giả, nói đó là sự hoạt động hòa hợp của danh sắc. Y theo Phật pháp mà nói, yếu tố tổ hợp thành hữu tình: (a) Về phần tinh thần là bốn uẩn (thọ, tưởng, hành và thức). (b) Thân xác, tức là sắc uẩn trong năm uẩn. Sắc pháp, ước định phức hợp thể mà nói, có ba mươi sáu vật, tức là: da, thịt, xương, máu, v.v…; ước định những yếu tố đơn thuần mà nói, có cơ cấu sinh lý là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, có cơ cấu vật lý là sắc, thanh, hương, vị, xúc, cùng với những nhân tố vật chất cơ bản là đất, nước, gió, lửa. Về tâm pháp, ước định sự nhận thức chính yếu để phân loại thì có sáu thức: y vào nhãn căn mà nhận rõ “sắc” (màu sắc, hình dạng, tư thái, …) là nhãn thức; nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức; y vào thân căn mà biết rõ cảm giác (mềm cứng, trơn nhám, …) là thân thức. Năm thức này cũng gần giống như “kinh nghiệm cảm quan” trong sinh lý học. Thứ sáu là ý thức. Thức này đối với ấn tượng mà năm thức trước nhận biết, đem mỗi thức trước mà phân biệt nhận định lần nữa. Nội dung của ý thức vô cùng rộng lớn: trong, ngoài, quá khứ, vị lai, hiện tại, sự thực, sự giả dối, đều là đối tượng mà ý thức nắm bắt. Sáu thức là sáu hoạt động tâm lý, và là sáu loại hoạt động phức tạp. Mỗi thức đồng thời có tác dụng tình cảm là thọ, tác dụng nắm bắt đối tượng là tưởng, có hoạt động ý chí là hành (tư), và nhiều tâm sở pháp khác. Ngoài ra còn có những hoạt động tinh thần vi tế, trong Phật pháp gọi là “ý thức vi tế”, mà tâm lý học cận đại gọi là hạ ý thức và tiềm ý thức. Đối với người đời, tâm lý phù động, chạy theo ngoại cảnh, thì không thể dễ dàng biết được (những hoạt động tâm lý vi tế này). Chỉ có những bậc chân thực tu hành, tâm địa an định, thì mới có thể quán sát biết được ít nhiều. Hoạt động của tâm lý vi tế cũng rất là phức tạp: (a) Nhận thức về tự ngã: Trong sự hoạt động của thân tâm hòa hợp, do vì sinh mệnh có hình thái tương tự (tương tự như nhất thể), tương tục (giống như thường hằng), và vì sự không tự giác (về sự tương tự tương tục), cho nên đều khởi lên quan niệm về tự ngã, cho rằng tự ngã là chân thực tồn tại, và điều này trở thành quan niệm nội tại nhất của tất cả sự hoạt động. (b) Cá tính khác biệt: Cá tính tuy không phải là tuyệt đối, nhưng trong một cuộc đời, những tính cách, hứng thú, thiên trọng tình cảm, thiên trọng lý trí, v.v…, trước sau (Hán: thỉ chung) bảo tồn một loại tính chất thống nhất. (c) Sự bảo tồn kinh nghiệm: Các nhà Duy thức học thiết lập riêng biệt hai loại mạt na thức và a lại gia thức. Mạt na thức tương ưng với “tự ngã kiến”, còn a lại gia thức là kẻ bảo tồn kinh nghiệm. Sự khác biệt của cá tính của mỗi hữu tình có thể thông qua hai thức này mà biết được. Sự phân tích về hữu tình và mệnh giả ở đây, y vào loài người mà nói, đại khái là như vậy.

Từ sự phân tích mà nhìn, hữu tình chẳng qua chỉ là như thế. Có thể có người cảm giác rằng đây là một sự tổ hợp có tính chất cơ giới (máy móc), nhưng trên thực tế, sinh mệnh không phải chỉ là như vậy. Trong sự hòa hợp giữa tinh thần và vật chất, hiện khởi vẻ thống nhất về hình tướng và tác dụng. Hữu tình thống nhất tất cả, bảo tàng (chứa giữ) tất cả những sự kiện về thân tâm. Tuy trong một cuộc đời, thân tâm không ngừng biến hóa, hoặc ngừng nghỉ hoặc liên tục, hoặc ít hoặc nhiều, nhưng thỉ chung, hữu tình vẫn biểu hiện một sự thống nhất. Cho nên hữu tình không phải chỉ là tâm, cũng không phải chỉ là sắc, tuy không thể tách rời khỏi sắc và tâm, nhưng lại không phải là sắc và tâm. Nếu như tách rời khỏi hoạt động của thân tâm để tìm cầu một chủ thể riêng biệt, thì đây là điều tuyệt đối không thể có được. Thế nhưng trong sự hoạt động hòa hợp của thân và tâm, sinh mệnh – hữu tình không đồng với sắc, mà cũng không đồng với tâm, mà chỉ là một sự tồn tại. Thí dụ như phòng ốc là do các vật liệu như gỗ, gạch, ngói, xi măng, v.v…, tạo thành. Tách rời khỏi những vật liệu này, đương nhiên không thể gọi là phòng ốc. Cần phải kết hợp  các thứ vật liệu này với nhau, lại do sự thiết kế và kiến trúc của nhân công, thì mới hiển xuất hình tướng và tác dụng của phòng ốc. Thế nhưng chúng ta không thể cho rằng phòng ốc chỉ là gỗ, gạch, ngói, xi măng, v.v… Hữu tình cũng giống như vậy, trong sự thống nhất của thân và tâm, cùng với sự thống nhất trước sau. Hữu tình không chỉ là sự kết hợp của thân tâm, mà còn phải là sự thống nhất giữa thân và tâm để khiến (cho hữu tình) trở thành một sinh mệnh “nhất thể.”

Phật pháp nói về sinh mệnh – hữu tình, tuy thân tâm đang trong một diễn trình tiến hóa không ngừng, hai bên (thân, tâm) sinh khởi tác dụng nương tựa vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng từ vô thỉ đến nay, mỗi một hữu tình đều sinh hoạt một cách tương đối độc lập. Mỗi một hữu tình là một hệ thống thân tâm hòa hợp khác biệt. Không chỉ cá tính, năng lực, sinh hoạt có thể khác nhau rất xa, mà hơn nữa, mỗi người khởi vọng kiến về tự ngã, trong sự hoạt động mù quáng, đều có khuynh hướng làm lợi cho mình, tổn hại kẻ khác. Phật pháp nói về dòng sinh mệnh vô tận, là từ mỗi một hữu tình, chứ không phải từ toàn thể vũ trụ hoặc xã hội mà nói.

Các hữu tình y vào sự hòa hợp của thân tâm mà tồn tại, từ lúc sinh ra cho đến chết, có tính chất giai đoạn. Lúc mới sinh ra, thân tâm hổ tương hợp tác, hổ tương xúc tiến sự sinh trưởng. Giả sử mỗi phương diện thân thể hoặc tâm thức, có những bệnh thái không chánh thường, thân tâm cũng ảnh hưởng với nhau. Đến lúc già nua, thân tâm càng lúc càng suy lão, thân và tâm không còn hợp tác điều hòa, cuối cùng là tử vong. Thế nhưng, ở giai đoạn sinh mệnh kết thúc, lại chuẩn bị cho một sinh mệnh mới bắt đầu phát triển. Hữu tình, trong cục diện biến đổi này, thỉ chung đều khởi lên tác dụng hợp tác trong sự thống nhất.

(4) Đời trước và đời sau.

Sự lưu chuyển ba đời của sinh mệnh, người đời cảm thấy khó tin nhận, đây quả là một vấn đề nan giải. Nếu như dùng những sự ghi chép trong kinh sách xưa nay ở trong cũng như ngoài nước để chứng minh sự thực về đời trước và đời sau, thì bọn họ lại cho rằng đó là truyền thuyết khó tin, chưa từng thấy qua. Có người từ trong bộ Nhị Thập Tứ Sử trích lục những sự tích liên quan đến đời trước và đời sau thì lại không được mọi người xem trọng. Sự bí ẩn của sinh mệnh trong dòng lưu chuyển vô tận, vốn có thể y vào thiền định, dẫn phát thần thông lực – thân tâm sinh khởi những kinh nghiệm siêu thường, mới có thể thấy rõ quá khứ và vị lai. Thế nhưng, người đời chưa từng trải qua sự tu tập, không có những loại kinh nghiệm siêu thường này, cho nên cũng không có biện pháp nào miễn cưỡng họ tin nhận. Đối với những người này, ngay cả đức Phật cũng không biết phải làm sao.

Thuở trước, khi có người hoài nghi về ba đời, hỏi đức Phật về đời trước đời sau. Đức Phật bèn vì kẻ ấy nói một thí dụ: Ví như phía bên kia của dãy núi có một tàng cây cao lớn, cành lá xum xuê. Nếu như chịu trèo qua đỉnh núi thì có thể thấy được. Nếu như chỉ nhìn qua một bên, hoặc nhìn xuống chân núi, không chịu y theo con đường đã được chỉ dẫn mà đi tìm, thì làm sao thấy được? Cho nên người đời, đang một mực theo đuổi ngoại cảnh, không nghe lời chỉ dẫn, không chịu tu tập thiền định, không đạt được tịnh tín, chỉ dựa vào sự hiểu biết của các cảm quan mắt thấy tai nghe, phủ định sự lưu chuyển ba đời, sự thực về sinh mệnh, cho đó là mê tín, thì cũng giống như người điếc cho rằng không có âm thanh, mắc phải bệnh nặng mê lầm nên không tin!

Lý do mà người đời không dễ dàng tiếp nhận quan niệm về dòng sinh mệnh ba đời, chủ yếu là quá tin tưởng vào kinh nghiệm (về thực tại) của ngũ quan, có khuynh hướng duy vật. Các nhà Duy vật cho rằng vật chất là nguồn gốc tối sơ, dòng ý thức của sinh mệnh chỉ là do vật chất phát sinh, không thể tách rời khỏi vật chất mà tồn tại. Cho nên sau khi thân xác chết đi, ý thức không còn hiện khởi, bọn họ (duy vật) bèn cho rằng hoàn toàn không còn gì. Nhưng y theo Phật pháp mà nói: Vật chất sinh diệt không ngừng. Cái “diệt” trong sinh diệt, không có nghĩa là trở thành hoàn toàn không còn gì, mà có nghĩa là tồn tại dưới một trạng thái khác. Tất cả hiện tượng vật chất, đều là đang ở trong tiến trình thành hoại. Vật chất, bất luận là tập hợp hoặc phân tán, trong sự chuyển hóa giữa “vật chất” và “năng lượng”, mọi người đều biết rằng vật chất là bất diệt (ý nghĩa của “tồn tại” không có nghĩa là không có hiện tượng sinh diệt). Tâm thức của hữu tình, không phải do vật chất sản sinh, chẳng qua là nương tựa vào vật chất để hiện khởi tác dụng của chúng. Con người chết đi, sau khi các cơ cấu sinh lý bị giải thể, cái tâm thức sinh diệt không ngừng đó, tuy không còn sinh khởi tác dụng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn diệt mất. Khi nhân duyên hội hợp (trở lại), cái tâm thức (bị diệt) trước kia, lại do duyên mà dẫn khởi sự tiếp tục sinh diệt của tâm thức (ở một thân xác mới). Từ định luật “vật chất bất biến”, phô bày kiến giải sai lầm của Duy vật luận, và tin nhận sự “bất diệt” của tâm thức. Diệt nhưng không phải là hoàn toàn không có gì, “diệt”, nhưng làm nhân “năng sinh” cho sự sinh tồn. Như vậy, đối với sự diên tục không ngừng của sinh mệnh, có thể dựa vào lý luận mà sinh khởi lòng tin vững chắc. Sau khi có tín niệm về sự diên tục của sinh mệnh, tự mình có thể gầy dựng một nhân sinh quan sáng sủa, tràn đầy sinh lực, từ đây nỗ lực sáng tạo sinh mệnh mới cho chính mình.

Hễ là “tồn tại” thì không thể tách rời khỏi đặc tính của thời gian. Thời gian giống như đầu của mũi tên, một bên chỉ về phía trước, một bên chỉ về phía sau. Thời gian là tên gọi khác của tính chất “trước sau”, không thể tách rời khỏi quá khứ, hiện tại và vị lai. Bất kỳ sự vật nào đều không thể ra khỏi phạm vi của thời gian tính. Nếu như không có quá khứ mà chỉ có hiện tại, hoặc tuy có hiện tại mà không có vị lai, đây là điều không hợp lý. Vật chất không tách rời khỏi ba đời, sự tồn tại của tâm thức và sinh mệnh, tương tự, cũng quán triệt ba đời. Một vật, lúc chưa có sự hiện khởi (hiện tại), hoặc sau khi hiện khởi liền diệt mất, dù cho không thể quán sát sự tồn tại của nó, nhưng nó vẫn là có (hiện hữu). Không thể từ “không có gì” mà xuất hiện (thành có), mà cũng không từ “có” mà biến thành “hoàn toàn không có gì.” Cho nên, nếu như không tin sinh mệnh và tâm thức tương thông cả ba đời (trước sau), tức là mất đi đặc tính của thời gian, cũng giống như đã phủ định sự tồn tại của chính mình. Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại hiện thực của chính mình, thì làm sao có thể không có quá khứ và vị lai?

Nhân quả, trong thế tục đế, đều được mọi người công nhận. Nhân quả mà Phật pháp nói đến, tuy cũng có nhân quả đồng thời, nhưng chủ yếu là nói về loại nhân quả trước sau (cái trước sinh khởi cái sau, cái trước ảnh hưởng cái sau). Như làm một việc gì, nói một lời gì, sẽ đưa đến một sức ảnh hưởng, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc đúng hoặc sai, đây là nhân quả. Như trong gia đình, những lời nói hoặc việc làm, hoặc chánh đáng, hoặc sai lầm, đều ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, hoặc một người nào đó trong gia đình. Người trong gia đình bị ảnh hưởng bởi lời nói và hành vi, tạo tác một hành động nào đó, lại ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia, nhưng điều chốt yếu nhất vẫn là ảnh hưởng chính mình. Thế nhưng, người ở đời lại rất xem thường vấn đề này. Nên biết, mỗi một hành động, không những hướng ngoại ảnh hưởng đến kẻ khác, mà lại còn hướng nội ảnh hưởng đến chính mình. Chẳng hạn, một hành động sai lầm về quân sự, chính trị của một nước, không những ảnh hưởng đến quốc tế, mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đối với trong chính quốc gia họ. Như vậy, một vấn đề trong gia đình, có thể ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng quốc gia, nhưng lại càng ảnh hưởng mạnh đến chính gia đình đó. Tương tự, lời nói hành động của một cá nhân, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, quốc gia, nhưng chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến tự thân. Tất cả những lời nói hành động thiện ác của chúng ta, đều do sự hoạt động nội tâm mà dẫn khởi hoạt động của thân thể lời nói. Lúc đang ảnh hưởng kẻ khác, thì cũng đồng thời dẫn khởi sự ảnh hưởng đến tự thân tâm, trở thành một tiềm lực, trở thành nhân duyên cho tương lai. Nếu như có thể tin sâu việc thân tâm của mình sẽ sinh khởi ảnh hưởng đối với chính mình, thì có thể tin hiểu cội nguồn của động lực khai sáng sinh mệnh đời sau. Chúng ta có hành động ý thức, hoặc thiện hoặc ác, tất nhiên ảnh hưởng chính mình, do tự thân nhận thọ hậu quả của chúng, chết rồi không phải là hết, mà những nghiệp lực thiện ác đã tạo từ đời trước vẫn phải là do chính mình gánh chịu. Do đây không thể không thừa nhận sự diên tục của sinh mệnh, từ đời trước đến đời sau. Nếu không, không thể nào an lập trách nhiệm đạo đức.

Đối với sự diên tục của sinh mệnh (niềm tin về sự diên tục từ đời trước đến đời sau), tốt nhất là mọi người nên phản tỉnh một chút: Tự mình hy vọng không có đời sau phải không? Tin rằng mình sau khi chết đi thì không còn gì nữa phải không? Đang lúc nghĩ tưởng đến sự đoạn diệt của chính mình trong tương lai, trong tâm tự nhiên sinh khởi một tâm trạng bức rức về sự trống rỗng và huyễn diệt. Ai ai cũng có sự tham luyến về sự diên tục của sinh mệnh mình, dù cho chúng ta (cho rằng) chết là hết, nhưng nội tâm (hạ ý thức) lại không phải như vậy. Những thanh niên hiện đang khỏe mạnh, đối với vấn đề sống chết không xem là quan trọng. Tự mình sẽ chết! Đây quả thật là vấn đề không thể tưởng tượng (đối với họ).  Thế nhưng, một khi cái chết thực sự sắp đến, thì lại hiện xuất sự bi ai tham luyến sinh mệnh. Một người đang mang bệnh nặng, thường hay hỏi những câu như: Mặt trời mọc chưa? Trời vẫn chưa tối phải không? Bọn họ trong những cơn bệnh triền miên, nhận biết được sự uy hiếp của cái chết, đều hy vọng có thể khỏe mạnh trở lại, hy vọng mạng sống kéo dài thêm một thời gian nữa. Phật pháp nói: Sự luyến ái đối với sinh mệnh của một hữu tình là vượt hơn tất cả. Nếu như sinh mệnh hiện nay kề cận cái chết, thì trong tâm liền cảm thấy vô cùng sợ hãi, sầu não, đặc biệt là những người ác. Đến lúc quả thật không còn có thể sống sót, thì lại hy vọng trong tương lai được tồn tại. Cho nên sự diên tục của hữu tình trong đời vị lai (sau khi chết không phải là hết), đều được cảm nhận bởi tất cả hữu tình. Điều này có sự thực để làm bằng chứng, có sự yêu cầu tâm lý, chẳng qua là bị giải thích một cách sai lạc bởi những nhà Thần ngã luận mà thôi.

Sự triển khai không gián đoạn trong từng mỗi thời kỳ của dòng sinh mệnh, sinh tử chưa cùng tận, liên tục kéo dài vô tận. Phàm phu thì lưu chuyển không cùng, còn các bậc hiền thánh thì tiến hóa không ngừng, mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Như dân gian ở Trung quốc có tục thờ cúng tổ tiên, đây không phải chỉ là con cái kỷ niệm cha mẹ (tổ tiên), mà là phát xuất từ lòng tin ông bà tổ tiên vẫn còn tồn tại. Nếu như chết là hết (không còn gì) thì việc thờ cúng, tưởng nhớ tổ tiên, há chẳng phải là việc dư thừa! Há vẫn còn có thể phổ biến như vậy, tiếp tục lưu truyền dài lâu như vậy hay sao? Cho nên, nếu như có thể phản tỉnh thân tâm, tin chắc sự diên tục của tinh thần và sinh mệnh, quán sát triệt để ý muốn của sự sinh tồn, tin tưởng sinh mệnh quan đối với sự diên tục ba đời. Nếu như tự mình không phải là những kẻ duy vật luận tầm thường, ai mà không tự nhiên thừa nhận (sự diên tục ba đời của sinh mệnh).

(5) Ai là kẻ lưu chuyển.

Đây là điều không thể hiểu rõ dễ dàng. Theo ý kiến thông thường, sự lưu chuyển ba đời của một sinh mệnh, cần phải có một chủ thể bất biến, hoặc gọi là “ngã”, hoặc gọi là “linh hồn”, như vậy mới có thể đi từ đời trước đến đời sau, đi từ hiện tại đến vị lai. Bọn họ cảm nghĩ rằng nếu không có một chủ thể bất biến, từ đời trước đến đời sau, khoảng giữa sẽ có sự gián đoạn. Cho nên trong Phật pháp mới có những học phái thông tục chủ trương “bất khả thuyết ngã”, “chân ngã”, “chân tâm”, v.v… Thế nhưng, y theo ý nghĩa đặc biệt thù thắng của Phật pháp, sự lưu chuyển ba đời được thành lập trên duyên khởi quan “vô thường”, “vô ngã”, khẳng định rằng tất cả vật chất, tinh thần, sinh mệnh đều ở trong trạng thái biến hóa không ngừng, không có một chút gì là bất biến. Trong hoạt động thân tâm vô thường vô ngã, sinh mệnh diên tục (tuy không thường hằng nhưng) không gián đoạn. Bởi vì tất cả những việc đã tạo tác, tuy đã diệt mất vào quá khứ, nhưng không phải là hoàn toàn mất hẳn (không còn gì). Ảnh hưởng lực (nghiệp lực) đối với thân (tâm) quyết chắc là tồn tại. Điều này có nghĩa là: Tất cả những hành vi đã được tạo tác, chuyển hóa thành “động năng”, mà không bị diệt mất. Đợi đến lúc sinh mệnh hiện tại biến hóa hoại diệt rồi, tựa hồ như có sự gián đoạn (giữa đời trước và đời sau), nhưng động năng (nghiệp lực) tồn tại đó lại dẫn phát và khai triển thành sự hoạt động thân tâm mới, một sinh mệnh mới. Đời trước không phải là đời sau, cục diện hoàn toàn khác hẳn. Nếu như từ phương diện thân, tâm mà nhìn, thì không có sự “bất biến.” Thế nhưng, tiền nhân hậu quả, giữa thân đời trước và thân đời sau lại có một sự quan hệ mật thiết.

Thí dụ trong một quốc gia có nhiều đảng phái (giống như sự hoạt động của một thân thể có những quan hệ nghiệp lực khác nhau), ý kiến chánh trị phần lớn đều khác nhau. Hiện tại do đảng A chấp chánh, y cứ vào ý kiến chánh trị của đảng A mà thi hành chánh sách quốc gia. Còn những đảng phái khác, tuy cũng có ảnh hưởng chánh trị ít hay nhiều, nhưng không thể thực hiện chủ trương của họ. Đợi đến khi mãn một nhiệm kỳ thì các đảng phái khác đều hoạt động mạnh mẽ trở lại. Nếu như đảng B được đắc cử thì đảng A đương nhiên phải thoái vị, thậm chí bị cải tổ lại, hoặc bị giải tán, và lại xuất hiện một chánh phủ mới, tất cả chánh sách đều được cải đổi. Cái trước và cái sau tiếp nối nhau, nhưng nội dung có một sự cải biến to tát. Thế nhưng trong sự biến đổi này, những thành quả của thời đại trước vẫn ảnh hưởng sâu xa đến thời đại sau. Tuy có sự biến đổi lớn lao, nhưng chung quy cũng chỉ là sự diên tục của nền chính trị của một nước. Thuyết “diên tục ba đời” của Phật pháp, chủ trương không có một chủ thể bất biến, tất cả đều là một sự sinh diệt không ngừng. Đây chỉ là do một hệ nghiệp lực nào đó đạt được thế lực lớn, hiện xuất một đơn vị thân tâm hòa hợp, còn những nghiệp lực khác và các nghiệp lực mới sinh khởi, tạm thời chưa thể khởi động tác dụng của chúng. Đợi đến lúc sinh mệnh cũ cáo chung, thì trong hệ thống nghiệp lực phức tạp của sinh mệnh đó lại có một hệ nghiệp lực chiêu cảm thành một thân tâm mới, một sinh mệnh mới ở đời sau. Bởi vì nghiệp lực thiện ác khác nhau, tạo thành sự thăng tiến hoặc đọa lạc khác nhau. Trong một sinh mệnh quan vô thường vô ngã này, làm gì mà có một sinh mệnh có thực thể?

Lại như một trường học, vị hiệu trưởng cũ đã ra đi, một số giáo viên đã về hưu, một số học sinh tốt nghiệp cũng đã rời bỏ ngôi trường. Thế nhưng, vẫn còn vị hiệu trưởng mới, các giáo viên và học sinh khác của ngôi trường đó. Ngoài ra, danh tiếng của trường, học phong của trường, ít nhiều vẫn còn được tiếp tục duy trì. Ngay cả trong trường hợp ngôi trường được dời đến địa điểm khác, phòng ốc được hoàn toàn xây cất mới mẽ, thế nhưng vẫn là ngôi trường đó, vẫn còn những quan hệ mật thiết với ngôi trường cũ. Những thế hệ cựu học sinh tốt nghiệp ở ngôi trường đó vẫn gọi nó là “ngôi trường cũ.” Cái trước không phải là cái sau, cái sau không phải là cái trước, tất cả đều được cải biến, nhưng chung quy vẫn là một ngôi trường, trở thành một sự diên tục không gián đoạn. Phật pháp nói về lưu chuyển sinh tử, diên tục ba đời, chúng ta cũng phải nên hiểu như những thí dụ vừa nêu trên.

(6) Lưới ánh sáng của sinh mệnh.

Những người đời nhìn vũ trụ và xã hội như một sự “sinh sinh” (sinh rồi lại sinh) không ngừng nghỉ, và đem quan điểm “sự sinh lớn” (Hán: đại sinh) của vũ trụ mà nhìn mỗi cá nhân. Phật pháp thì không thể như vậy. Phật pháp chú trọng đến mỗi một con người, chú trọng đến sự hoạt động tình cảm và ý thức của từng một hữu tình. Phật pháp khẳng định mỗi một con người, mỗi một hữu tình là một đơn vị sinh mệnh, sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh, một cách không gián đoạn. Nhân đây, có người hiểu lầm cho rằng Phật pháp là đa nguyên luận. Bọn họ không biết rằng, Phật pháp, một mặt khẳng định từ vô thỉ đến nay, có sự diên tục của tất cả hữu tình, một mặt khác lại khẳng định là tất cả hữu tình đều không phải là những chủ thể tồn tại độc lập không biến đổi. Cho nên, đây là đơn vị sinh mệnh tương đối, tuy có đầy đủ những hoạt động cá biệt, nhưng sự thực là: thân tâm trong sự biến hóa không ngừng đó, lại không có gì là đây mà không phải là kia. Hữu tình liên quan với nhau, nương tựa vào nhau mà tồn tại, không ai có thể tách rời ra khỏi tất cả hữu tình khác mà có thể tồn tại độc lập. Như vậy làm sao có thể nói Phật pháp là đa nguyên?

Mỗi một hữu tình – sinh mệnh, là vô thường, vô ngã, cho nên trong sự diên tục trước sau, hoạt động tương quan với nhau, giữa hữu tình và hữu tình, xuất hiện những sinh mệnh có hình thái giống nhau. Chẳng hạn như sự kết hợp giữa nam nữ, sinh con đẻ cái, giữa cha mẹ và con cái, trở thành sự sinh sôi nảy nở của sinh mệnh gia tộc (hoặc chủng tộc). Lại từ gia tộc trở thành xã hội, quốc gia, nhân vì sự hợp tác và hổ trợ giữa các giai tầng, diên tục thành sinh mệnh của quốc gia hòa hợp sinh động. Thế nhưng, đây đều là y vào sinh mệnh diên tục của mỗi cá nhân (ở đây nói về con người) mà thành lập. Lấy sự sinh sinh không ngừng của mỗi con người làm hạch tâm. Điều này cũng giống như một ngọn đuốc. Giả sử có nhiều ngọn đuốc được tập trung tại một chỗ, phát ra ánh sáng rực rỡ. Nếu như đứng từ xa, có thể nhìn lầm là một ngọn đuốc lớn, mà không biết rằng đó chỉ là nhiều ngọn đuốc nhỏ tập hợp lại, mỗi ngọn phát ra ánh sáng mà trở thành một lưới ánh sáng.

Núi sông đất đá, cỏ cây lùm rừng, đức Phật gọi chúng là vô tình, tức là không có tình thức, không có sinh mệnh. Thế nhưng, do nghiệp lực tăng thượng (của loài người), cho nên những vật vô tình này cũng hiện khởi hình thái của sinh mệnh vô thức (không có ý thức). Nhưng chúng không phải là đương thể của sinh mệnh, mà hữu tình mới là hạch tâm của sinh mệnh. Nghiệp lực tăng thượng chung của hữu tình, ảnh hưởng đến vật vô tình làm cho chúng hiện khởi hình tướng sinh mệnh, đây cũng giống như ánh sáng chiếu rọi khắp nơi thì tất cả mọi vật đều được bao trùm trong ánh sáng đó.

Nếu như không hiểu rõ theo đường hướng này, mà lại từ toàn thể vũ trụ hoặc toàn thể xã hội mà bàn về vấn đề “sinh sinh không cùng”, thì đây là một sự điên đảo đầu đuôi, vô cùng sai lạc! Kết quả là xem trọng bề ngoài mà xem thường bên trong, xem trọng toàn thể mà xem nhẹ cá thể, bị rơi vào lập trường “phi tôn giáo.” Bọn họ tin tưởng vật chất bất diệt, tin tưởng vào giá trị xã hội, nhưng lại xem thường sự bất diệt của sinh mệnh của từng cá thể, xem thường giá trị đạo đức của mỗi cá nhân. Bọn họ nghiêng nặng đến sự cải tạo những hoàn cảnh bên ngoài, mà lại xem thường sự cải tạo tự ngã. Kết quả, nếu không phải là những kẻ chủ trương “duy vật luận”, thì cũng là người đi cùng đường với bọn họ. Tín đồ Phật giáo chú trọng đến sự “sinh sinh không ngừng” của từng mỗi hữu tình, tin chắc vào giá trị của hành vi của mỗi hữu tình, từ sự “tự mình làm tự mình chịu” (Hán: tự tác tự thọ) đến “cùng nhau làm cùng nhau chịu” (Hán: cộng tác cộng thọ). Từ sự triển chuyển tăng thượng của nhân loại, hổ trợ để cộng tồn, thực hiện sự tiến bộ của xã hội. Do sự sinh hoạt trong lành, hòa lạc của nhân loại (hữu tình) mà toàn thể vũ trụ đều tràn đầy sức sống hòa hài, linh động.

(7) Sự vui sướng và khổ đau của sinh mệnh.  

Sinh mệnh, trong sự lưu chuyển ba đời, là (tập hợp của) vô số mắt lưới nhân quả, mà mỗi hữu tình là một mắt lưới. (Đối với sự) sinh, mọi người ai cũng ưa thích, đều hy vọng sống một cuộc sống thoải mái, thế nhưng, hiện thực nhân gian không phải hoàn toàn giống như lý tưởng, mà trước mắt đầy dẫy những sự khó khăn phiền muộn. Nói thật, sinh mệnh của nhân loại vẫn là khổ nhiều vui ít. Y vào Phật pháp mà nói, hữu tình có đặc tính tình ái, vốn không phải là hoàn toàn tốt đẹp (Hán: tận thiện), mà bao hàm một đặc tính mâu thuẫn. Đối với nhân loại, những sự khổ đau, phiền muộn, khủng bố, bi ai, thất vọng đều đến cùng một lúc với sự xuất hiện của sinh mệnh. Dù cho bạn có ca ngợi sinh mệnh, tán thán tương lai huy hoàng của sinh mệnh như thế nào, nhưng sự thực, vĩnh viễn vẫn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết của sinh mệnh. Bất luận chúng ta yêu thương bảo hộ tự thân như thế nào, thì cuối cùng nó cũng sẽ chết. Những cảnh ngộ về nhân sự và vật chất, bất luận là hòa hài, phong phú như thế nào, đều đã bao hàm bên trong những sự không được tự tại. Những sự việc bất như ý, thường là chiếm tám, chín phần. Đau khổ nhưng lại yêu thương bảo hộ nó (sinh mệnh), mà thật sự nó cũng chỉ là đối tượng độc nhất (để yêu thương ái hộ). Nhân sinh, sinh mệnh hữu tình, quả thật là mâu thuẫn! Mâu thuẫn!

Những sự kiện vừa đáng yêu, vừa đáng ghét của sinh mệnh hiện thực, điều thứ nhất mà chúng ta cần phải làm là “ngừng ác và hướng thiện”, khiến cho sự diên tục ba đời của tự ngã hướng về con đường tiến bộ phía trước. Tiến thêm một bước, chúng ta cần phải tu học pháp xuất thế (giới, định, tuệ), đối với sinh mệnh không triệt để, đầy dẫy khổ đau này, hãy làm một phen triệt để cải tạo, để giải trừ tất cả những khổ đau. Đem sinh mệnh lưu chuyển ba đời, tịnh hóa để trở thành một sinh mệnh cứu cánh viên mãn.