Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Lời Đầu Sách

Thiền tông truyền thừa ở Trung Hoa, dưới Lục Tổ, không ít các bậc tác gia đã khuấy nước sông thành tô lạc, ném đại địa trên đầu sợi lông, hồi cơ chuyển vị đại dụng hiện tiền. Mỗi vị có một nét xuất cách riêng. Song có thể nói, người rống tiếng sư tử làm chấn động đất Bắc, nêu cao tông chỉ Tào Khê, không ai hơn Thiền sư Thần Hội.

Nhận thấy được cốt tủy đó, Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm đã giảng giải tác phẩm Thiền sư Thần Hội cho Tăng Ni tại viện, nắm được tiêu chỉ thiền đốn ngộ mà xông thẳng vào đất thật. Quyển Thiền sư Thần Hội này gồm có ba phần: một là Tiểu sử Thiền sư Thần Hội, hai là Thần Hội Ngữ Lục và ba là Hiển Tông Ký do Ngài trước tác. Trong đó hai phần sau do Sư cô Hạnh Diệu trích dịch từ Thiền tạng, dưới sự chứng nghĩa của Hòa thượng.

Pháp yếu là tâm tủy của người xưa truyền đạt cho người sau, phải là bậc tâm thông trí sáng mới đảm đương nổi. Thật may mắn cho hàng hậu học chúng ta vẫn còn chút duyên mọn được nghe lại những dòng pháp yếu này. Nếu là khách hữu duyên biết đâu chừng cũng sẽ giật mình, toát mồ hôi thốt lên hai chữ “đâu ngờ”!

Chúng tôi không dám mong cầu diễm phúc đó, song trộm nghĩ nhân duyên Phật pháp thì mênh mông không thể nghĩ lường. Vì vậy chúng tôi cúi đầu đảnh lễ Ân sư được ghi chép lại những lời giảng giải của Ngài, kết tập thành sách với hi vọng những hành giả khát khao tu thiền sẽ có chỗ khải phát.

Được sự hoan hỉ chấp thuận và kiểm chứng của Hòa thượng, quyển Thiền sư Thần Hội giảng giải này ra đời như một cẩm nang cho người tu thiền hơn là một bản luận dành cho học giả tra cứu nghiên tầm. Trong đó, tìm hoa từ mỹ ngữ chắc chắn sẽ thất vọng, nhưng nếu là hành giả quyết tâm tu hành, hi vọng có chỗ vào.

Vì ghi lại từ lời giảng của Hòa thượng, nên tác phẩm không sao tránh khỏi những sơ suất tất yếu, rất mong các bậc thiện hữu tri thức lượng thứ cho. Được vậy, chúng tôi không ngại gởi đến chư pháp lữ chút nhân duyên này. Cầu mong tất cả được hàm triêm lợi lạc.

Lập Đông 2001

BAN VĂN HÓA THƯỜNG CHIẾU

***

Tiểu Sử Thiền Sư Thần Hội

CHÁNH VĂN:

Thiền sư Thần Hội sanh năm 668, tịch năm 760 đời Đường. Sư họ Cao quê ở Tương Dương, lúc nhỏ theo thầy học Nho. Sư thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang, sau nghiên cứu Phật pháp. Sư theo Pháp sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xướng, tại phủ nhà xuất gia, học thông kinh luật.

GIẢNG:

Trước khi giảng Ngữ lục của ngài Thần Hội, chúng ta cũng nên nhớ lại tiểu sử của Ngài, như vậy mới thấm được những lời Ngài dạy. Sau Ngữ lục Thần Hội, chúng tôi sẽ giảng tiếp tác phẩm Hiển Tông Ký cũng của Ngài viết, gom hai quyển lại thành một tập, để người sau theo đó biết rõ tinh thần của Thiền sư Thần Hội. Trước hết tôi nói phần tiểu sử.

Thiền sư Thần Hội sanh năm 668, tịch năm 760 đời Đường. Sư họ Cao quê ở Tương Dương, lúc nhỏ theo thầy học Nho. Sư thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang, sau nghiên cứu Phật pháp. Sư theo Pháp sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xướng, tại phủ nhà xuất gia, học thông kinh luật.

Đó là giới thiệu lúc Ngài còn ở tại nhà.

CHÁNH VĂN:

Năm mười bốn tuổi là Sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, Sư tìm đến yết kiến Lục tổ Huệ Năng. Tổ hỏi:

– Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến có đem được gốc theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?

Sư thưa:

– Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Tổ bảo:

– Sa-di! Ông đâu nên dùng lời đó!

GIẢNG:

Năm mười bốn tuổi Ngài là Sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, tìm đến yết kiến Lục tổ Huệ Năng. Từ đây về sau chúng ta mới thấy điểm kỳ đặc của Ngài.

Tổ hỏi: “Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến có đem được gốc theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?”

Ngài Huệ Năng đã là Tổ mà đối trước một Sa-di mười bốn tuổi, lại nói năng hết sức khiêm tốn: “Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến, có đem được gốc theo chăng?” Nếu chúng ta, có lẽ mình sẽ nói: “Ông điệu từ đâu đến đó?” Cho nên chúng ta không bằng các ngài là vì vậy.

Sư thưa:“Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ.”

Chúng ta thấy một vị Sa-di mười bốn tuổi mà đối đáp như vậy, đủ biết Ngài thông minh thế nào. Khi nghe Tổ hỏi: “nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem” Ngài thưa: “lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ”, cái con thấy Ngài đó là chủ. Mới mười bốn tuổi mà đã trả lời rất kỳ đặc.

Tổ quở: “Sa-di! Ông đâu nên dùng lời đó!” Nghĩa là Sa-di còn nhỏ, đâu nên nói to như vậy.

CHÁNH VĂN:

Sư thưa:

– Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?

Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy, hỏi:

– Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?

Ngài nói:

– Con cũng đau, cũng chẳng đau.

Lục Tổ bảo:

– Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy.

GIẢNG:

Khi Ngài hỏi Hòa thượng ngồi thiền thấy hay không thấy, rõ ràng đã lộ tính trẻ con ra rồi. Bởi vậy Lục Tổ mới ra uy để thử Ngài, Tổ không trả lời thấy hay chẳng thấy, mà đập cho ba gậy hỏi: “Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?” Nếu trẻ con khác bị đánh ba gậy thì khóc, nhưng ở đây Ngài nói: “Con cũng đau cũng chẳng đau.” Lục Tổ bèn bẻ lại: “Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.”

CHÁNH VĂN:

Ngài hỏi:

– Thế nào cũng thấy, cũng chẳng thấy?

Tổ bảo:

– Ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy.

GIẢNG:

Tổ dạy thường thấy lỗi nơi tâm mình, không thấy lỗi của người khác, đó là chỗ thấy và không thấy của Ngài. Chúng ta có được như Tổ chưa? Mình thấy là thấy lỗi lầm của người khác, quên đi những nghĩ suy tính toán lỗi lầm của mình. Tổ dạy một câu rất thường đối với chú Sa-di, nhưng rất quan trọng với người tu chúng ta.

Ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, tâm mình vừa khởi một niệm xấu ác liền thấy, không cho nó sanh. Không thấy việc phải quấy của người khác, tức không thấy cái hay cái dở của người. Chúng ta ngày nay có thấy giống như Tổ hay thường thấy lỗi xấu của người, không thấy sai lầm của mình?

CHÁNH VĂN:

Tổ hỏi:

– Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi nói đau thì đồng với phàm phu ắt khởi tâm giận hờn.Trước ngươi nói thấy cũng chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy Tự tánh mà dám cợt với người.

Sư liền lễ bái sám hối.

GIẢNG:

Tổ bẻ lại, nếu ông nói không đau thì như cây cỏ, nếu nói đau thì đồng phàm phu, bị đau liền nổi tức lên. Ông đã không thấy Tự tánh mà dám đùa với ta?

Ngài Thần Hội biết lỗi như vậy là sai nên xin sám hối.

CHÁNH VĂN:

Tổ bảo:

– Nếu ngươi tâm mê không thấy, nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết, tự thấy lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Sư lễ bái hơn trăm lạy, cầu xin sám hối. Từ đây Sư ở lại hầu hạ Tổ không lúc nào rời.

GIẢNG:

Tổ quở một phen nữa. Nếu ngươi mê chưa biết, nên hỏi thiện tri thức chỉ dạy cho. Nếu ngộ rồi thì tự thấy tánh, y pháp tu hành, tới đây hỏi làm chi nữa. Ngươi đã mê không thấy tâm mình trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy, tự ông đã chẳng thấy, giờ hỏi ta ngồi thiền thấy hay không thấy? Tổ quở lần này hơi đậm.

Nghe tới đây ngài Thần Hội thấy lỗi lầm lớn của mình, nên lễ lạy liên miên cầu xin sám hối và nguyện ở lại làm Thị giả hầu hạ Lục Tổ, không lúc nào rời.

CHÁNH VĂN:

Một hôm Tổ bảo đại chúng:

– Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?

Sư bước ra thưa:

– Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ bảo:

– Đã nói với các ngươi là không tên, không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh; ngươi lại đi lấy tranh che đầu cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.

Sư lễ bái lui ra.

GIẢNG:

Tổ vừa hỏi cái không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết là gì chăng? Ngài liền bước ra thưa: Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội. Lanh lẹ như thế ấy, bởi Ngài còn trẻ biết đâu nói đó, đâu có dè dặt trúng trật gì, nên liền bị Tổ quở:

– Đã nói với các ngươi là không tên, không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh; ngươi lại đi lấy tranh che đầu cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.

Ngươi lại đi lấy tranh che đầu cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải. Câu này chúng ta hiểu thế nào? Cái chân thật của chính mình không có tên, không có họ. Nhưng vì đối đãi tạm lập ra bản nguyên, Phật tánh… nếu nói bản nguyên, nói Phật tánh là chạy theo bên ngoài rồi, chưa hiển lộ được cái chân thật. Cho nên Tổ nói đã lấy tranh che đầu, như vậy là trở thành hàng tri giải, tức hiểu biết theo từ ngữ, chớ không thấy được cái thật của mình. Nghe thế Ngài liền lễ bái lui ra.

CHÁNH VĂN:

Có sáu điều nghi trong kinh tạng, Sư đem ra hỏi Lục Tổ:

– Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Chỗ thấy của con chưa thông suốt.

Tổ bảo:

– Định là định tâm kia, đem giới để giới hạnh kia, trong tánh thường có tuệ chiếu, tự thấy tự biết sâu.

GIẢNG:

Ngài hỏi: Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Lục Tổ chỉ nói đơn giản: Định là định tâm kiađem giới để giới hạnh kia. Định cái tâm lăng xăng lộn xộn của chính mình đó. Còn giới là giới cái gì? Là giới ngăn cấm những hành vi sai lầm tội lỗi. Tuệ nhân chỗ nào khởi?Ngài đáp: Trong tánh thường có tuệ chiếu, tự thấy tự biết sâu, tuệ này không phải do học hiểu, không phải từ đâu đến, mà nơi Tự tánh của mình hằng sáng, hằng chiếu soi. Nhận được như thế, đó là tuệ. Tuệ này tự thấy, tự biết chớ không ở đâu đến, cũng không ai dạy được.

CHÁNH VĂN:

Lại hỏi:

– Xưa không nay có, có vật gì? Xưa có nay không, không vật gì? Tụng kinh chẳng thấy nghĩa có không, thật giống người cỡi lừa lại tìm lừa.

Lục Tổ dạy:

– Niệm trước nghiệp ác xưa không, niệm sau thiện sanh nay có. Niệm niệm thường làm hạnh lành, đời sau sanh người trời chẳng khó. Chính ngươi nay nghe ta nói, ta tức xưa không nay có.

GIẢNG:

Ngài Thần Hội trích trong kinh Niết-bàn hỏi: Xưa không nay có, xưa có nay không là có vật gì, không vật gì? Nếu người tụng không hiểu nghĩa có không, giống như người cỡi lừa tìm lừa.

Lục Tổ nói niệm trước nghiệp ác xưa không, tức xưa không có nghiệp ác, bây giờ khởi niệm ác là xưa không mà nay có. Niệm sau thiện sanh nay có, tức là nay có niệm thiện. Nói rõ hơn là niệm ác xưa không, niệm thiện nay có. Nếu người luôn luôn mỗi niệm thường làm hạnh lành thì đời sau sanh ra ở cõi người, cõi trời không khó gì.

Chính ngươi nay nghe ta nói, ta tức xưa không nay có. Bây giờ ngươi đang nghe ta nói đây, là ta xưa không mà nay có. Đó là giải nghĩa xưa không nay có, xưa có nay không.

CHÁNH VĂN:

Sư hỏi:

– Đem sanh diệt dẹp diệt, đem diệt diệt dẹp sanh, không rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy in mù điếc.

Tổ bảo:

– Đem sanh diệt dẹp diệt khiến người không chấp tánh, đem diệt diệt dẹp sanh khiến người tâm lìa cảnh. Nếu lìa được hai bên tự trừ bệnh sanh diệt.

GIẢNG:

Sư cũng dẫn kinh Niết-bàn hỏi: Đem sanh diệt dẹp diệt, đem diệt diệt dẹp sanh, không rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy in mù điếc. Tổ đáp: Đem sanh diệt dẹp diệt khiến người không chấp tánh, nghĩa là đem sanh diệt để dẹp diệt tức dạy người không chấp Tự tánh của mình. Bởi vì Tự tánh trong lặng, nên dẹp cái diệt là dẹp cái chấp trong lặng đó. Đem diệt diệt dẹp sanh khiến người tâm lìa cảnh, bởi vì sanh là cảnh bên ngoài, cảnh bên ngoài diệt được thì tâm không còn chấp cảnh. Nên nói đem diệt diệt dẹp sanh khiến người tâm lìa cảnh.

Nếu lìa được hai bên tự trừ bệnh sanh diệt, nếu lìa được hai bên tức bên sanh bên diệt, là tự trừ được bệnh sanh diệt. Như vậy Lục Tổ muốn chỉ dạy người tu đừng kẹt bên diệt, bên sanh; còn thấy sanh còn thấy diệt là còn ở trong sanh tử. Nếu lìa được sanh diệt hai bên, tránh khỏi bệnh sanh tử, tức là giải thoát sanh tử.

CHÁNH VĂN:

Hỏi:

– Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn. Người không ngộ đốn tiệm trong tâm thường mê muội.

Tổ đáp:

– Nghe pháp trong đốn mà tiệm. Ngộ pháp trong tiệm mà đốn. Tu hành trong đốn mà tiệm. Chứng quả trong tiệm mà đốn. Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội.

GIẢNG:

Ngài Thần Hội thưa với Tổ: Người đối với lý đốn tiệm của Phật Tổ dạy không ngộ không nhận được, người này trong tâm thường sanh mê muội.

Tổ dạy:  Nghe pháp trong đốn mà tiệm. Ngộ pháp trong tiệm mà đốn. Tu hành trong đốn mà tiệm. Chứng quả trong tiệm mà đốn. Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội.

Thế nào là nghe pháp trong đốn mà tiệm? Đốn là nhanh, tiệm là chậm. Như quí vị đang nghe tôi giảng là “trong đốn”, còn suy nghĩ để hiểu là tiệm. Bởi vì nghe thì nghe liền nên gọi đốn, nhưng suy nghĩ để hiểu, để nhận ra cái hay cái dở thì phải từ từ nên nói tiệm. Đó là nghĩa “nghe pháp trong đốn mà tiệm”.

Thế nào là ngộ pháp trong tiệm mà đốn? Bởi khi suy gẫm pháp thấm nhuần từ từ, huân tu từ từ bỗng dưng liễu ngộ được. Khi liễu ngộ được rất nhanh, nhưng lúc suy nghĩ, huân tu thì chậm. Nên nói ngộ pháp trong tiệm mà đốn. Ai tu cũng phải tiệm, nhưng đến giai đoạn ngộ thì nhất định là đốn, chớ không tiệm. Bởi vì thấy là thấy liền, còn không thấy thì thôi, chớ không thể có chuyện thấy từ từ.

Thế nào là chứng quả trong tiệm mà đốn? Chúng ta từ bước đầu khởi tu cho tới ngày chứng quả, đường dài thăm thẳm, đó là tiệm. Nhưng khi tới đích rồi thì rất nhanh, đó là đốn. Cũng như người chạy đua, khởi đầu chạy đến hết đoạn đường thì chạy dài dài, nhưng tới đích thì bước chót là kết quả. Như vậy ngay nơi bước chân tới đích, ta thấy kết quả liền, đó là đốn. Còn từ chỗ bắt đầu chạy phải chạy dài dài nhiều bước, đó là tiệm. Cho nên nói chứng quả trong tiệm mà đốn. Nghĩa là chứng quả thì đốn, nhưng phải tiệm tu mới đốn chứng, chớ không thể đốn chứng được liền.

Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội. Nghĩa là hiểu được nghĩa đốn tiệm này, tức hiểu nghĩa nhân quả của nó, khi ngộ rồi không có mê muội nữa.

CHÁNH VĂN:

Hỏi:

– Trước định sau tuệ, trước tuệ sau định; định tuệ cái nào sanh trước, cái nào sanh sau là đúng?

Lục Tổ dạy:

– Thường sanh tâm thanh tịnh, trong định mà có tuệ. Ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định. Định tuệ đồng, không trước sau, tu cả hai tự tâm chánh.

GIẢNG:

Ngài Thần Hội hỏi giữa định và tuệ, cái nào trước, cái nào sau? Theo giáo lý Nguyên thủy, người tu giới, định, tuệ thì định trước tuệ sau. Nhưng ở đây Lục Tổ dạy: Thường sanh tâm thanh tịnh trong định mà có tuệ. Ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định. Hai câu này đủ cho chúng ta tu rồi.

Thường sanh tâm thanh tịnh tức là trong mọi trường hợp, tâm mình không dấy niệm, không nghĩ tưởng, trong sáng, hiểu biết rõ ràng, đó là tâm thanh tịnh, là định. Định mà hiểu biết rõ ràng là tuệ. Như vậy định và tuệ đồng thời, chớ không tách riêng, không phải chờ cái này có rồi cái kia mới có, mà ngay trong định đã có tuệ.

Ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định.

Đối với tất cả cảnh chúng ta không dấy niệm, đó là định. Định mà thường biết tất cả cảnh là tuệ. Như vậy định tuệ của Lục Tổ nói, rõ ràng không phải do ngồi mới được, mà quên hết thân cảnh, gọi là định. Ngay nơi cảnh, thấy người thấy vật, thấy tất cả mà không có niệm dính mắc cái gì hết, đó là định. Trong định ấy vẫn biết người, biết cảnh rõ ràng, thấy đâu biết đó là tuệ. Nên nói định tuệ không tách rời nhau.

Định tuệ đồng, không trước sau, tu cả hai tự tâm chánh.

Định và tuệ đồng thời, không nói cái nào trước cái nào sau hết, trong định có tuệ, trong tuệ có định. Vì vậy người tu cả hai tự tâm được chánh, nghĩa là định tuệ đồng thời thì tâm được ngay thẳng. Nhiều người cứ nghĩ rằng khi nào ngồi thiền sáng lên, có hào quang mới gọi là tuệ, còn bình thường thấy người thấy cảnh thì không có tuệ. Hoặc cho rằng tới lui qua lại, thấy người thấy cảnh thì không định. Nhưng sự thật thấy đủ thứ mà tâm không dính thì gọi là định.

Định ở đây không phải đè kềm cho nó lặng, mà đối tất cả hình tướng chung quanh chúng ta đều thấy, đều biết nhưng không khởi niệm chạy theo cái nào hết, lúc đó chúng ta đang định. Định này gọi là đại định. Đại định của nhà Thiền không phải ngồi quên thân, mà là khi đối với tất cả sáu trần ở bên ngoài, chúng ta không dính kẹt cái nào hết. Đi đứng nằm ngồi hình thức nào cũng đều được như vậy gọi là đại định.

CHÁNH VĂN:

Hỏi:

– Trước Phật sau pháp, trước pháp sau Phật, nguồn gốc Phật pháp từ đâu khởi?

Lục Tổ đáp:

– Nói, tức trước Phật sau pháp. Nghe, tức trước pháp sau Phật. Nếu luận nguồn gốc Phật pháp, xuất phát trong tâm tất cả chúng sanh.

GIẢNG:

Người ta thường đặt câu hỏi Phật có trước hay pháp có trước? Trong kinh Kim Cang, Phật nói kinh này là mẹ ba đời chư Phật. Mẹ ba đời chư Phật tức kinh có trước, như vậy pháp có trước Phật có sau. Nhưng trong kinh A-hàm, ta nghe nói Phật thuyết Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v… là pháp từ Phật thuyết, như vậy Phật có trước pháp có sau. Thế thì thuyết nào đúng? Đó là điều nhiều người thắc mắc.

Ở đây Lục Tổ bảo: Nói, tức trước Phật sau pháp. Nghe, tức trước pháp sau Phật. Nếu luận nguồn gốc Phật pháp, xuất phát trong tâm tất cả chúng sanh. Nói tức là Phật nói pháp, như vậy có Phật mới có pháp. Cho nên đứng về mặt thuyết pháp thì Phật trước pháp sau. Còn đứng về mặt nghe pháp thì trước pháp sau Phật, vì nghe rồi chúng ta hiểu, ứng dụng tu hành sau mới thành Phật, nên nói pháp trước Phật sau.

Kinh Kim Cang nói “pháp này là mẹ ba đời chư Phật” tức pháp sanh ra Phật, như vậy pháp trước Phật sau. Tại sao pháp trước Phật sau? Như xưa kia chúng ta mê lầm không biết, cứ ngỡ tất cả sự vật trên thế gian do Thượng đế hay Tạo hóa tạo ra, nhưng đức Phật thấy các pháp do nhân duyên sanh, chớ không có vị nào tạo ra. Thấy như Ngài là giác ngộ, còn chúng ta tưởng tượng về một đấng Tạo hóa hay Thượng đế là mê.

Giác ngộ từ một vấn đề đến tất cả vấn đề thì thành Phật. Cho nên người thấy đúng như thật, giác ngộ đầy đủ gọi là viên mãn, là Phật. Nhưng giác ngộ cái gì? Giác ngộ bản chất muôn pháp từ nhân duyên sanh, tất cả đều vô thường. Như vậy pháp nhân duyên, lý vô thường có trước hay sau Phật? Trước Phật. Hiểu như vậy mới giải quyết được những thắc mắc trên.

CHÁNH VĂN:

Lục Tổ biết sắp đến ngày qui tịch nên họp chúng lại bảo:

– Ta đến tháng tám sắp lìa thế gian các ngươi có nghi phải ra hỏi sớm, ta sẽ vì các ngươi giải nghi, khiến các ngươi hết mê lầm, sau khi ta đi rồi không có người dạy các ngươi.

Toàn chúng đều khóc dầm dề, chỉ có Sư thần tình chẳng động, cũng không ứa nước mắt.

Tổ bảo:

– Thần Hội tiểu sư lại được thiện ác khen chê vui buồn v.v… đều chẳng động, các ngươi chẳng bằng.

Sau Sư đến Tây kinh thọ giới Cụ túc.

GIẢNG:

Các vị khóc bị chê, chỉ có ngài Thần Hội là tỉnh táo, không động gì hết, nên Tổ bảo các vị kia không bằng. Trên đây là giai đoạn Ngài ở với Lục Tổ.

CHÁNH VĂN:

Niên hiệu Khai Nguyên năm thứ tám 720 Tây lịch(1), vua Đường Huyền Tông thỉnh Sư về chùa Long Hưng tại Nam Dương, lại đến Lạc Dương. Sư đã thắp sáng ngọn đuốc Thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ. Trước kia hai kinh đô này chỉ dùng pháp thiền tiệm tu của ngài Thần Tú, đến nay mới nhận rõ đốn tiệm hai tông. Vì thế phái thiền Thần Tú trước thạnh, từ đây suy dần dần.

Khoảng niên hiệu Thiên Bảo 756 Tây lịch, Ngự sử Lư Dịch a tùng cùng môn đồ Thần Tú tâu dối với Vua rằng, Sư nhóm họp đồ chúng manh tâm làm phản. Vua Huyền Tông mời Sư về kinh đô để tham vấn. Ra mắt Vua, Sư giải bày rất hợp lý, Vua rất hài lòng. Vua mời Sư dời về ở Quân Bộ, sau Vua ra sắc lệnh đày Sư ra đến ở viện Bát-nhã chùa Khai Nguyên tại Kinh Châu.

Sau vua Túc Tông xuống chiếu thỉnh Sư vào cung cúng dường và lập ngôi chùa Hà Trạch thỉnh Sư trụ trì ở đó. Nơi đây, Sư hiển phát tông phong của Lục Tổ, đồ chúng tham học rất đông.

GIẢNG:

Như vậy chính Ngài trở về phương Bắc khai triển Thiền của Lục Tổ, do đó đối với Thiền tiệm tu của ngài Thần Tú chia làm hai tông: đốn và tiệm. Vì Ngài ở chùa Hà Trạch nên sau gọi Thần Hội – Hà Trạch.

CHÁNH VĂN:

Sư dạy chúng:

– Phàm người học đạo phải đạt tột nguồn gốc của mình. Hàng Tứ quả, Tam hiền đều gọi là điều phục; Bích-chi, La-hán chưa dứt hoài nghi; Đẳng giác, Diệu giác liễu đạt tường tận. Giác có cạn sâu, giáo có đốn tiệm. Tiệm giáo trải kiếp a-tăng-kỳ vẫn còn luân hồi, đốn giáo chỉ khoảng co duỗi cánh tay liền lên Diệu giác. Nếu trước không giống đạo, luống học biết nhiều. Tất cả tại tâm, tà chánh do mình. Không nghĩ một vật tức là tâm mình, không phải chỗ biết của trí, không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây. Pháp Tam-ma-đề chân thật không có đi đến, dứt mé trước sau. Nếu biết vô niệm là Tối thượng thừa, rộng suốt trời xanh, chóng mở kho báu. Tâm chẳng phải sanh diệt, tánh bặt đổi dời. Tự tịnh thì niệm cảnh không sanh, vô tác thì vin theo tự dứt.

GIẢNG:

Đây là lời dạy thiết tha của ngài Thần Hội đối với các hàng đồ đệ. Ngài nói người học đạo phải đạt tột nguồn gốc của mình. Hàng Tứ quả, Tam hiền là do điều phục phiền não mà lên Tứ quả, Tam hiền. Hàng Bích-chi, La-hán chưa dứt hoài nghi, bởi vì các ngài tuy tới chỗ vô sanh, nhưng chưa nhận ra được Phật tánh của chính mình. Đến hàng Đẳng giác, Diệu giác mới liễu ngộ tột cùng Tánh giác của mình. Bởi vậy giác có cạn sâu, giáo có đốn tiệm.

Tiệm giáo trải kiếp a-tăng-kỳ vẫn còn luân hồi.

Bởi vì tiệm giáo dạy tu ba vô số kiếp mới được chứng quả giải thoát. Vì vậy nếu chỉ tu một vô số kiếp thì cũng vẫn còn luân hồi.

Đốn giáo chỉ khoảng co duỗi cánh tay liền lên Diệu giác.

Nói điều này nghe như đùa phải không? Đưa ra co lại liền lên Diệu giác. Mau hay chậm? Rất mau. Đó là những chỗ người học phải nghi.

Thật ra không có gì phải nghi cả, nói co duỗi cánh tay là còn chậm, phải nói trong chớp mắt kìa. Tại sao? Bởi vì hai bên mê và giác cũng như tối và sáng. Như trong nhà ban đêm không có đèn, nhìn vô thấy tối mò, bây giờ có người bật công-tắc đèn cháy sáng lên, thì bóng tối chạy đi bao lâu? Nó đi từ từ cho ánh sáng hiện ra lần lần, hay đèn vừa cháy là sáng liền? Cũng thế, mê là chúng sanh giác là Phật. Mê, giác như tối với sáng đổi nhau. Đang tối bừng sáng lên liền hết tối, chỉ trong chớp mắt. Như vậy nói khoảng co duỗi cánh tay đâu có quá.

Bởi vì đốn giáo đặt nền tảng tu trong cái mê và cái ngộ. Nếu không thấy đạo, không thấy được chân lý là mê. Từ mê chợt thấy đạo, chợt thấy chân lý là giác, nhanh như trở bàn tay từ úp lật sang ngửa. Như vậy sự tu không đặt ở chỗ dẹp phiền não từ từ. Nói sân quá gỡ lần lần, năm nay bớt một chút, năm tới bớt chút nữa, tham cũng vậy gỡ lần lần. Đó là dẹp phiền não từ từ, tu như thế đến ba a-tăng-kỳ kiếp mới xong.

Ở đây đặt trọng tâm giữa mê và giác. Thấy tất cả thân thật, cảnh thật, tâm suy nghĩ là thật, đó là mê. Khi bừng sáng thấy tất cả những thứ ấy hư dối, không thật là giác. Thấy rõ như vậy còn gì tham sân, nên nói hết trong chớp mắt. Chúng ta thấy cái gì cũng thật hết, nói nặng thật, ngó ngang thật, hành động nào đối với mình cũng thật hết. Do đó muốn dẹp tâm đố kỵ hay ghét giận không hết được. Còn người thấy tất cả là trò chơi, không có gì quan trọng, như ảo mộng có gì phải trừ, phải dẹp. Chỉ đổi một cái nhìn là phiền não hết liền. Nếu không đổi cái nhìn mà cứ ráng kềm chế, ít hoặc vừa thì dễ sanh bực bội, còn nhiều sẽ phát cuồng.

Người còn mê thì khó dẹp được phiền não. Chỉ cần giác là phiền não liền bay mất, tu như vậy đâu cần đến ba vô số kiếp! Tu từ từ là còn thấy mình thật. Năm nay ráng tập nhẫn, ai nói nặng hoặc làm trái ý, mình ráng kềm nhẫn, đó là thành công. Năm tới tập bố thí, cứ từ từ như vậy nên phải qua ba vô số kiếp là chuyện đương nhiên. Bây giờ chúng ta giác ngộ thấy cảnh không thật, người không thật, tâm lăng xăng không thật. Thấy rõ như vậy thì không còn đối đãi, có gì đâu để so sánh giận hờn thương ghét, ngang đó phiền não sạch trơn, không cần trải qua ba vô số kiếp. Đó là chỗ kỳ đặc, đốn tiệm khác nhau ở điểm ấy.

Tại sao nói đốn, nói tiệm? Bởi căn cứ trên dẹp phiền não thì lâu, vì cho phiền não thật mới dẹp. Tham khác, sân khác, si khác; mỗi thứ lại chia ra nhiều thứ nữa, gỡ từng thứ từng thứ thì phải lâu. Bây giờ biết tất cả là hư ảo không thật, thân không thật, cảnh không thật, có gì hơn thua phải quấy nữa, ngang đó phiền não sạch. Giác thì mê tan. Cho nên chỉ như ánh sáng với bóng tối, mê là bóng tối, giác là ánh sáng. Ánh sáng tới thì bóng tối tan trong chốc lát, chớ không nói bao nhiêu ngày tháng.

Nếu trước không giống đạo, luống học biết nhiều. Tất cả tại tâm, tà chánh do mình.

Nếu trước mình không có hạt giống đạo, hạt giống đốn ngộ thì ráng học cho nhiều, không ngờ càng học càng luống công. Tất cả tại tâm tà chánh của mình, ta nói bậy hay nói tốt, làm bậy hay làm tốt cũng từ tâm mà ra, không ai chen vô đó cả. Tà chánh đều do tâm mình tạo.

Không nghĩ một vật tức là tâm mình, không phải chỗ biết của trí, không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây.

Câu này thật chí lý! Thường thường người ta cho rằng nghĩ là tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia. Nhưng ở đây xác định lại, không nghĩ mới là tâm. Bởi vì không nghĩ nhưng vẫn biết rõ ràng, biết rõ ràng tức là tâm. Cái biết rõ ràng không suy nghĩ, cái biết đó có sanh diệt không? Không sanh diệt. Còn cái nghĩ mới biết là cái nghĩ sanh diệt. Tâm nói ở đây là Tâm chân thật của chính mình, chỗ biết mà không nghĩ.

Chúng ta ngồi thiền để làm gì? Để bỏ cái nghĩ suy, chỉ còn biết mình đang ngồi, biết mình đang thở thôi, không nghĩ gì hết, đó là trở về Tâm chân thật của chính mình. Nên phải biết trọng tâm của việc ngồi thiền là trở về Tâm chân thật. Tâm chân thật không có tạo nghiệp, còn cái nghĩ suy thiện ác, tốt xấu mới tạo nghiệp.

Chúng ta tu mong kết quả gì? Mong được giác ngộ, giải thoát. Đó là hai trọng tâm của người tu, giác ngộ rồi mới giải thoát. Muốn được giác ngộ phải thấy rõ thân duyên hợp hư dối, cảnh duyên hợp hư dối, tâm suy nghĩ phân biệt là bóng dáng cũng hư dối. Thấy ba cái đó đều hư dối là có giác ngộ rồi. Khi thấy rõ, biết rõ như thế mà không nghĩ suy gì hết, đó là thấy bằng Tâm chân thật không sanh không diệt, không tạo nghiệp trầm luân trong tam giới, nên được giải thoát. Như vậy từ giác ngộ bước qua giải thoát.

Chúng ta ngày nay tu trong cái mê nên cứ tạo nghiệp. Khá lắm là nghiệp lành sanh lên cõi trời, thấp hơn thì trở lại làm người, tệ nữa thì rớt xuống súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Bởi khi tu thọ hưởng của đàn-na tín thí mà cứ cãi nhau hoài, hơn thua phải quấy nhau hoài, không đọa sao được!

Nói giác ngộ là giác ngộ cái gì? Giác ngộ ngay nơi thân này không thật, hư dối. Nếu thật thì nó còn hoài, không bao giờ mất. Đằng này đang ngồi chơi vui vẻ, thở ra cái khì không hít vô lại là xong một đời, làm sao nói thật được! Thân hư dối mà ta ngỡ thật nên gọi là mê. Tâm suy nghĩ chợt sanh chợt diệt, chợt vui chợt buồn, hư dối như thế mà ta cho là mình. Do hai thứ chấp này mà chúng sanh sống trong mê loạn. Nếu nghe ai nói tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế kia chúng ta cứ cười là tỉnh rồi, không muốn làm kẻ mê thì cãi làm chi.

Chỉ cần một phút một giây nào ta ngồi lại, thấy thân này tan hoại là giả, suy nghĩ là hư ảo, cảnh duyên bên ngoài là tạm bợ; thấy được như vậy chúng ta cười thôi là đã giác ngộ rồi. Giác ngộ dễ làm sao, đâu phải học hết ba tạng kinh điển mới giác ngộ. Ngay trong cái giả thấy rõ ràng là giác, phải thấy luôn như vậy. Người thấy được như vậy, giả sử có ai chửi, giận không? Thân đã giả thì lời nói cũng giả, có gì đâu mà giận. Giận tức là si mê, là chấp thật nên mới giận.

Cho nên huynh đệ sống chung với nhau, có ai nói hơi chạm tự ái một chút liền nổi giận, thì biết kẻ ấy đang si mê. Si mê thì đáng thương chớ không đáng giận. Chúng ta thấy người nào cãi nhiều giận nhiều nên thương chớ không nên giận, phải phát tâm từ bi độ cho họ hết si mê. Tại si mê nên mới loạn như vậy. Cho nên Phật dạy chúng ta tu là để giác ngộ, rồi mới khởi từ bi, thấy chúng sanh si mê đáng thương nên cứu giúp họ. Bởi vậy chư Phật đi trong tam giới hoài để độ chúng sanh còn si mê. Đó là bổn phận của những bậc đã giác ngộ.

Đức Phật giác ngộ là do chứng kiến cảnh người già người bệnh người chết rất thống khổ, Ngài phát tâm đi tu. Nhờ đi tu Ngài mới thấu suốt được cả thân tâm và ngoại cảnh đều là tướng tạm bợ duyên hợp, có đó rồi mất đó. Vậy mà chúng sanh cứ giành nhau từng món ăn, từng lời nói, không ai nhường ai hết, nghĩ tội nghiệp không? Giống như những người đãng trí cãi nhau, đánh nhau, ta là người sáng suốt đứng ở ngoài nhìn vào có thương không? Thương vì họ không hiểu lẽ thật, nên mới đánh đập nhau một cách vô lý như vậy. Thương thì phải làm sao? Chỉ có cách làm cho họ hết đãng trí mới là cứu họ thật. Chớ người ta đang đánh nhau mình nhảy vô can, can ra rồi ta đi khỏi, họ đánh nữa thì sao?

Cũng vậy chúng sanh mê lầm, Phật không làm gì khác hơn là dạy cho họ giác ngộ. Muốn thế phải nhắc tới nhắc lui cho họ tỉnh họ giác, đó là bổn phận của Phật. Những người không hiểu, cho rằng Phật không thực tế, chỉ lý thuyết thôi. Sự thật cái khổ của con người nếu không giác ngộ, dù có cho họ cái gì cũng không hết khổ, đó là một lẽ thật.

Chúng ta là người học đạo, tu hành phải hiểu được lẽ đó mới làm tròn bổn phận của mình. Không hiểu như vậy, cứ chạy theo việc làm tạm bợ, chỉ được phước báu nhân thiên, không bao giờ giác ngộ giải thoát cả. Như người tu thiền để làm gì? Để định tâm suy nghĩ lăng xăng. Nếu đi tới đi lui mà không nghĩ cũng được gọi là định. Như vậy mới thấy ý nghĩa tu hành Phật Tổ nói rất rõ ràng. Chỗ tâm không suy nghĩ dùng trí biết không được, vì khởi trí phân biệt thì nó đã mất rồi. Chỉ lặng tất cả mà hằng biết mới đúng.

Nên Ngài nói “không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây”. Không có hạnh nào khác, chỉ buông hết, đừng suy nghĩ thì đúng. Nhiều khi chúng ta tưởng mình không thể làm Phật làm Tổ được, nhưng thật ra ta đủ khả năng, có trọn quyền để làm. Tại sao? Bởi vì mình tự khởi nghĩ lăng xăng, bây giờ bỏ đi thì hết nghĩ. Như vậy quyền của ai? Đức Phật có chen vô được không? Quyền của mình trọn vẹn, ta có quyền nghĩ cũng có quyền không nghĩ. Không nghĩ thì trở về cái thật của mình là giác, còn chạy theo cái giả dối là mê. Tại sao chúng ta không trở lại cái giác, mà chạy theo cái mê hoài? Cho nên nói “không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây”.

Pháp Tam-ma-đề chân thật không có đi đến, dứt mé trước sauNếu biết vô niệm là Tối thượng thừa, rộng suốt trời xanh, chóng mở kho báu.

Tam-ma-đề là chánh định, chánh định chân thật không có đi, không có đến, không có trước, không có sau, thường nhiên như vậy. Người nào biết vô niệm dù không nghĩ Tối thượng thừa, nhưng Tối thượng thừa đã sẵn ngay đó. Vì khi không nghĩ tâm không bị giới hạn, trùm khắp nên nói rộng suốt trời xanh. Chóng mở kho báu tức kho báu nhà mình ngay đó mở ra.

Tâm chẳng phải sanh diệt, tánh bặt đổi dờiTự tịnh thì niệm cảnh không sanh, vô tác thì vin theo tự dứt.

Tâm chân thật không sanh diệt, Tánh giác không đổi dời. Nếu tự mình lặng được rồi thì niệm cảnh không sanh. Không khởi tạo tác, không khởi mong cầu thì tâm theo cảnh liền dứt.

Những câu này rất thiết yếu trên đường tu, người học đạo phải thâm nhập cho được. Nếu thâm nhập thì chuyển mê thành giác, không tốn bao nhiêu sức lực, thật là nhàn.

CHÁNH VĂN:

– Ngày xưa ta đẩy chiếc xe bất thối, nay được định tuệ song tu, như bàn tay với cánh tay. Thấy thể vô niệm chẳng theo vật mà sanh, thường liễu ngộ Như Lai thì còn chỗ nào mà khởi. Nay huyễn chất này nguyên là thường chân, Tự tánh như không, xưa nay không tướng. Đã đạt lý này thì còn gì sợ, gì buồn. Trời đất không thể đổi thể kia. Tâm về pháp giới, vạn tượng nhất như. Xa lìa suy tính, trí đồng Pháp tánh. Ngàn kinh muôn luận chỉ nói rõ tâm. Đã chẳng lập tâm tức thể hội chân lý, hoàn toàn không sở đắc. Bảo các học chúng không tìm cầu bên ngoài, nếu là Tối thượng thừa cần phải vô tác. Trân trọng!

GIẢNG:

Ngày xưa ta đẩy chiếc xe bất thối, nay được định tuệ song tu, như bàn tay với cánh tay.

Lời dạy thật thiết tha! Thuở xưa Ngài đã đẩy chiếc xe bất thối, tức đã tu hành được bất thối chuyển nên ngày nay định tuệ song tu. Trong định có tuệ, trong tuệ có định. Nghĩa là đối cảnh vô tâm là định, vô tâm nhưng hằng biết là tuệ, như bàn tay với cánh tay không tách rời nhau được.

Thấy thể vô niệm chẳng theo vật mà sanhthường liễu ngộ Như Lai thì còn chỗ nào mà khởi.

Thể vô niệm hiện tiền, không theo cảnh vật mà khởi niệm. Thường liễu ngộ Tâm chân thật là Như Lai, thì còn chỗ nào mà khởi nghĩ này nọ.

Nay huyễn chất này nguyên là thường chân, Tự tánh như không, xưa nay là không tướng.

Thân này là thân huyễn, biết thân huyễn chất này nguyên là thường chân. Tại sao mâu thuẫn vậy, đã là huyễn chất sao lại thường chân? Bởi như ta thấy một bình hoa không thật, do nhiều cành hoa kết hợp lại thành. Bình hoa tự nó là không, do duyên hợp tạm có. Tánh thường không ấy là thường nhiên, như vậy ngay trên bình hoa ta biết tánh thường nhiên của nó. Tánh thường nhiên ấy không phải là hoa thường nhiên hay bình thường nhiên, mà chủ thể do duyên hợp là không thật, rỗng lặng nên nói là thường nhiên. Ngay huyễn chất, biết thân này là huyễn, Tánh không của huyễn thân là thường nhiên. Hiểu vậy mới thấy đầy đủ ý nghĩa của câu nói ấy.

Cho nên Tự tánh như không, xưa nay không tướng. Tự tánh là không thì có tướng mạo gì, chỉ vì duyên hợp tạm có tướng A, tướng B vậy thôi. Nếu biết thân huyễn, Tự tánh rỗng không thì còn chấp ngã nữa không? Nếu biết được thân không thật, tánh vốn rỗng lặng thì đâu còn ngã, vì không có chủ thể làm sao có ngã. Không có ngã tức đạt được lý vô ngã, theo Nguyên thủy ngang đó đã chứng A-la-hán rồi. Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tức là không thấy có ngã thật, pháp thật thì đã chứng đạo. Như vậy chỉ trở bàn tay là thấy đạo, không xa xôi chút nào hết, tại vì chúng ta có bệnh cố chấp, cái gì cũng cho là thật nên không thấy đạo.

Đã đạt lý này thì còn gì sợ, gì buồn.

Người đã đạt được lý này thì không sợ thân còn hay mất. Nghe nói chết cũng không khóc, chẳng lẽ khóc cho cái rỗng không sao? Hiểu được lý này nên ngài Thần Hội nghe nói Tổ sắp tịch vẫn dửng dưng, thần tình bất động. Chúng ta bây giờ thì sao? Không khóc nhiều cũng khóc ít, bởi vì còn hơi tiếc huyễn chất này một chút nên phải rơi lệ.

Cho nên người đạt được lý này thì đối với việc sống chết, khen chê cũng là trò chơi thôi. Như chúng ta biết thân này là huyễn, ai khen thầy dễ coi quá, mình trả lời huyễn chất dễ coi, chớ tôi có gì mà dễ coi. Hoặc nói thầy dễ ghét quá thì cũng huyễn chất dễ ghét, chớ mình có gì mà dễ ghét. Do đó nói tốt cũng được, nói xấu cũng được, nói sao cũng được hết nên không có gì buồn, không có gì sợ.

Thấy tột lẽ thật thì vui buồn đâu có đáng gì. Thấy được lẽ thật là giác, giác tức phiền não sạch. Không thấy lẽ thật là mê, mê thì phiền não sanh. Chúng ta sống trong cuộc đời tạm bợ này, làm hết bổn phận của mình rồi từ giã đi, ai ở đây mãi mà giận hờn. Thấy được đạo lý rồi thì sự tu mới an lạc. Tu là muốn được an lạc mà buồn giận không bỏ thì bao giờ mới an lạc? Làm sao thấy mặt huynh đệ, ai cũng cười tươi như hoa cả ngày, đừng buồn giận ai, đừng ghét bỏ ai. Nếu trong lòng buồn giận thì thấy mặt nhau là xuống sắc liền, đang tươi liền đổi thành héo. Đó là tại cố chấp của mỗi người. Hiểu như vậy mới thấy việc tu rất thực tế, chớ không phải chuyện tưởng tượng. Phải dẹp được gốc thì tất cả ngọn ngành đều tan hoang hết. Nên nói đạt được lý này thì còn gì sợ, gì buồn.

Trời đất không thể đổi thể kia. Tâm về pháp giới, vạn tượng nhất như.

Cái thể ấy trời đất không đổi được. Tâm trùm cả pháp giới, thấy gì cũng không dấy niệm.

Xa lìa suy tính, trí đồng Pháp tánh. Ngàn kinh muôn luận chỉ nói rõ tâm.

Bỏ hết suy tính thì trí đồng với Pháp tánh. Ngàn kinh muôn luận của Phật dạy cốt chỉ tâm không sanh không diệt đó. Cho nên dù pháp tu nào cứu kính cũng phải đến chỗ đó. Thí dụ niệm Phật tới nhất tâm, tu thiền đến chỗ thể nhập Chân tâm. Đối với sáu trần không chạy theo, đó là sống với Tâm chân thật. Cho nên ở đây chỉ thẳng, không nói quanh co gì hết.

Đã chẳng lập tâm tức thể hội chân lý hoàn toàn không sở đắc.

Nếu biết trở về tâm, hội được chân lý thì không còn gì là sở đắc. Trong kinh Bát-nhã nói “dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại v.v…” Nếu chúng ta giác thì được cái gì? Hết niệm hết chấp, chớ không được gì cả. Còn được tức là còn một cái gì đó để nắm, tức là còn chấp. Khi tới chỗ chân thật rồi không còn niệm khởi, không còn chấp, có gì để sở đắc. Bởi không sở đắc nên không có gì làm chướng ngại các vị Bồ-tát. Còn chúng ta bây giờ đa quái ngại chớ không phải vô quái ngại.

Như chúng ta ở trong chúng bảy tám chục người than phiền khó tu quá, kẻ vầy người kia nên phiền não hoài. Bây giờ rủ chừng hai người thôi ở chung một thất, xem thử khó tu hay dễ tu? Cũng khó, cũng quái ngại, như vậy chạy chỗ nào khỏi quái ngại? Cho đông là quái ngại, nhưng ở hai người cũng quái ngại như thường. Cuối cùng ở một mình đau không ai cho thuốc uống cũng quái ngại luôn. Như vậy tìm chỗ nào không quái ngại? Chỉ không chấp là không quái ngại, còn chấp thì ở đâu cũng quái ngại hết.

Bảo các học chúng không tìm cầu bên ngoài, nếu là Tối thượng thừa cần phải vô tác. Trân trọng!

Vô niệm vô tác, Tối thượng thừa là chỗ đó. Như vậy chỗ tột cùng của đạo lý là vô niệm vô tác. Nghe nói vô tác liền bảo tôi không làm gì hết, Tri sự kêu không thèm nghe. Vô tác kiểu đó chắc nhịn đói cả chùm, vô tác ở đây là không khởi dính mắc thứ gì. Làm tất cả mà không trụ, không dính, nhớ như vậy.

CHÁNH VĂN:

Có người hỏi Sư:

– Vô niệm thì pháp có, không chăng?

Ngài đáp:

– Chẳng nói có, không.

– Khi ấy thế nào?

– Cũng không khi ấy. Ví như gương sáng nếu không đối hình tượng, trọn không thấy hình tượng, nếu thấy không vật mới là thấy gương thật.

GIẢNG:

Hỏi khi vô niệm thì pháp thuộc về có hay thuộc về không? Ngài đưa ra ví dụ quá tuyệt vời. Như khi ta nhìn vào gương, thấy hình người thấy hình vật thì đâu thấy gương. Khi không có bóng nào hiện trong gương, mới thấy gương thật. Còn thấy có, thấy không là chưa thấy được tâm mình. Thí dụ này hết sức cụ thể, nên chỗ đó không nói có, không nói không, cũng không nói thế nào hết.

Người ta ngỡ khi vô niệm không có tâm, giống hệt như Diễn-nhã-đạt-đa vậy. Khi úp gương xuống không thấy bóng đâu liền tưởng mình mất đầu, không ngờ chính khi úp gương xuống, không có bóng trong gương, mới nhớ cái đầu thật của mình. Bởi lúc ngắm nghía cái đầu trong gương thì quên cái đầu thật. Đó là tại lâu nay chúng ta sống theo bóng.

Niệm là bóng, tất cả cảnh tốt xấu, vui buồn huân trong tâm là bóng. Chúng ta cho các thứ bóng đó là tâm mình, tôi nghĩ thế này, tôi tính thế kia đủ thứ. Từ đó sanh ra lầm mê. Khi biết rõ tất cả đều là bóng thì có gì để đuổi theo, không đuổi theo tự nhiên sống an nhàn tự tại, không muốn thành Phật cũng thành như thường.

Nói tới Phật là nói tới giác, giác tức là giải thoát sanh tử. Như vậy giác ngộ và giải thoát ở cạnh nhau, có giác ngộ mới giải thoát. Cho nên chư Tổ chỉ thẳng chỗ tột cùng đó, ai thấy được, biết được thì trên đường tu không còn gì chướng ngại. Đó gọi là Tối thượng thừa, chỗ tột cùng của đạo.

CHÁNH VĂN:

Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu 760 Tây lịch, tháng năm đêm mười hai, Sư từ biệt đại chúng, đến nửa đêm thị tịch, thọ chín mươi ba tuổi. Vua sắc ban hiệu là Chân Tông đại sư, tháp hiệu Bát-nhã. Sư có trước tác bài Hiển Tông Ký, hiện giờ còn lưu hành.

GIẢNG:

Như vậy tác phẩm của Ngài là Hiển Tông Ký, còn Thần Hội Ngữ Lục là người sau ghi lại những lời đối đáp của Ngài. Kết hợp hai tác phẩm này lại cộng với lịch sử của Ngài làm thành một tập, để tên là Thiền Sư Thần Hội. Sau này rảnh rang, chúng ta có thời giờ nghiền ngẫm, sẽ thấu đáo được lý của Ngài dạy.

Vì Ngài là người gần gũi, hầu hạ Lục Tổ nên Ngài nắm rất vững yếu chỉ của Lục Tổ dạy, không sai chạy tí nào.

***

(1) Sau Lục Tổ tịch rồi người mới thọ giới Cụ túc. Có chỗ nói năm thứ tám, nhưng Ngữ lục nói thứ mười tám. Thứ mười tám tức năm 730, thứ tám tức năm 720. Có lẽ thứ mười tám là đúng.