GIỚI ĐÀN TĂNG
Soạn dịch: Hòa Thượng Thích Thiện Hòa
doahong

 

NGHI THỨC THỌ QUY GIỚI

Người muốn cầu thọ QUY GIỚI, trước một tuần phải đến lễ cầu Thầy, Thầy bằng lòng cho rồi, đến ngày, trước giờ truyền giới, Thầy Điển lễ cho tất cả giới tử vào trương. Đường, đến lễ cầu Tăng truyền giới. Giới tử tác bạch như vầy:

LỜI TÁC BẠCH

(hoặc Điển lễ thay bạch)

Một vị đứng giữa bạch:

Nam mô A Di Đà Phật.

Bạch trên Thượng tọa, Đại đức Tăng, chúng con là… bấy lâu có lòng khát ngưỡng quy giới, nay đủ duyên lành, cần cầu trên Thượng tọa, Đại đức Tăng, thùy từ lân mẫn, truyền trao Quy Giới cho chúng con được ân triêm công đức.

(Quỳ đợi trên Thượng tọa bảo): Quý hóa! Quý vị bấy lâu có lòng khát ngưỡng quy giới, nay đủ duyên lành, cần cầu trên Đại đức Tăng truyền trao Quy Giới.

– Đại đức Tăng rất hoan hỷ hứa khả. Vậy quý vị y như pháp lễ chư Hiền Thánh Tăng, chứng minh cho. (Thượng tọa bảo xong, giới tử tiếp bạch):

– Bạch trên Thượng tọa, Đại đức Tăng đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin đầu thành đảnh lễ cúng dường.

Điển lễ xướng:

* Giới tử khởi thân đảnh lễ chư Giới sư tam bái. ( Văn trên đây viết ra để cho giới tử tự bạch).

Điển lễ xướng: – Cung thỉnh chư Tôn tề nghệ Tổ đường.

(Đến rồi xướng rằng): – Cung thỉnh chư Tôn thứ đệ lập ban.

(Đứng yên rồi xướng rằng):

* Nhứt tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch đại chư vị Tổ sư.

(Xướng 3 lần, lạy 3 lạy).

– Cung thỉnh chư Tôn phân lập lưỡng ban…

– Cầu giới tử tựu ban…

– Giới tử thứ đệ tấn ban…

* Chí tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch đại chư vị Tổ sư, tam bái.

 – Giới tử thoái ban.

– Cung thỉnh Giới Sư tề nghệ Phật tiền.

– Cung thỉnh chư Tôn thứ đệ tấn ban.

– Cung thỉnh Giới Sư niệm hương…

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương chư Phật đà da. (1 lạy).

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương chư Đạt ma da. (1 lạy).

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương chư Tăng già da. (1 lạy).

(Lạy Tam Bảo rồi, Điển lễ thỉnh Giới Sư ngồi).

– Cung thỉnh Giới Sư phân ban an tọa.

– Cầu giới tử tựu ban…

– Giới tử thứ đệ tấn ban…

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trú Tam Bảo. (1 lạy).

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô Ta bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Long hoa Giáo chủ Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Kỳ Viên Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy).

* Nhứt tâm đảnh lễ, Nam mô Lạc bang Giáo chủ, Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát, Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát. (1 lạy).

(Giới tử ngồi xếp bằng chấp tay).

 

TÁN LƯ HƯƠNG

(Giới Sư đồng tán)

Lư hương sạ nhiệt v.v…

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma ha tát.  (3 lần).

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần).

 

KHAI LUẬT KỆ

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai Tỳ Ni nghĩa.

Nam mô Khai Luật Tạng Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần).

 

GIỚI SƯ KHAI ĐẠO

Các Thiện nam (hay Thiện nữ) lắng nghe, Phật dạy rằng: Ba cõi không yên, như ở trong nhà lửa. Muốn xa lìa cõi khổ, thì phải nương về ngôi Tam Bảo. Người muốn thoát khỏi bến sanh tử luân hồi, không thể bỏ qua sự thọ trì giới pháp mà được. Giới như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ; giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều từ đấy phát sinh; giới như ngọn đèn sáng, chiếu phá các chỗ tối tăm; giới là con đường tắt đưa đến cõi nhơn thiên, là cửa ngỏ vào cảnh Niết Bàn, thì phải thọ Tam quy, trì Ngũ giới. Nếu người nào giữ được thanh tịnh, cho đến trong giây phút quy y Tam Bảo, ở đời vị lai cũng được chứng quả Niết Bàn.

 

GIẢI NGHĨA SÁM HỐI

Quý Thiện nam (hay Thiện nữ) ! Trong luật Phật dạy: Người Quy y Tam Bảo trước phải sám hối cho thân tâm được thanh tịnh. Cũng như, muốn chứa dựng vị cam lồ, trước phải súc bình cho thật sạch. Còn người khi thọ quy giới, trước cần phải sám hối trừ phiền não cho tâm được thanh tịnh, mới có thể lãnh thọ quy giới thanh tịnh.

Nhưng phải hiểu ý nghĩa sám hối là gì? SÁM nghĩa là ăn năn, tự thú tội ra, chừa bỏ các lỗi đã làm, chẳng những tội lỗi trong một đời mà cho đến các tội nhiều kiếp về trước, cần phải sám.

HỐI, nghĩa là hối hận. Biết lỗi mà chừa bỏ, đổi lại cho trở nên tốt, không cho tội lỗi phát sanh nữa. Ví như cái áo dơ bẩn đã giặt sạch, thì phải giữ gìn không cho dính dơ nữa.

Quý Thiện nam (hay Thiện nữ) đã nghe giảng rõ ý nghĩa sám hối rồi. Vậy quý vị đứng dậy chắp tay ngay thẳng, nghe tôi nói thế nào thì nói theo thế ấy, để sám hối cho thân tâm được thanh tịnh.

(Bảo giới tử đứng dậy chấp tay chí thành, Giới sư nói trước, giới tử nói theo): Đệ tử chúng con tên là… kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, lỡ tạo những điều tội lỗi, ngày hôm nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều dữ, nguyện làm các việc lành, cúi xin Tam Bảo từ bi gia hộ, khiến cho đệ tử, tội diệt phước sanh, căn lành thêm lớn, tai quan nạn khỏi, hiện tiền phước huệ trang nghiêm, một hậu sanh về cõi Phật.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma ha tát. (Xướng 3 lần, lạy 3 lần).

Giới sư dùng tịnh thủy làm phép quán đảnh. (Rải nước hoa trên đầu ba vị tượng trưng).

 

BẢO GIỚI TỬ NGỒI XUỐNG NGHE GIẢNG QUY Y

Giới sư dạy: Các Thiện nam (hay Thiện nữ) vừa rồi quý vị đã sám hối, thân tâm được thanh tịnh rồi, bây giờ đây mới có thể quy y Tam Bảo được; trước khi quy y, các vị cần phải biết rõ ý nghĩa quy y là gì? Quy y, nói cho đủ là quy y Tam Bảo.

Chữ QUY là trở về; Y là nương tựa, là trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp say mê lầm lạc, nay cần phải quay về với Chánh pháp, nương tựa Tam Bảo. Người đời nương tựa với cha mẹ, vợ chồng, anh em, bầu bạn, thì không hoàn toàn an lành. Nên phải nương tựa với Phật, là một đấng từ bi bình đẳng, như ông cha lành. Nương tựa với Pháp, là một phương pháp giải khổ, như thuốc hay chữa lành bịnh tật. Nương tựa với Tăng là bậc đại trí hoằng pháp lợi sanh, mới thật là hoàn toàn an lành.

(Nếu có thời giờ nhiều, thì giảng rộng ra).

Còn Phật, Pháp, Tăng nghĩa là gì? – Chữ Phật, tiếng Phạn là Buddha, Tàu dịch âm là Phật Đà. Nói tắt là Phật, dịch nghĩa là Giác Giả, là một đấng giác ngộ hoàn toàn, toàn năng, toàn trí, toàn đức, ông cha lành của chúng sanh, vị Đại sư của mười pháp giới, Phật là một bảo hiệu chung cho tất cả những bậc tu hành đã giác ngộ.

Pháp nghĩa là gì? – Pháp là khuôn phép, chính là những lời của đức Phật Thích Ca chỉ dạy. Nếu mỗi người y theo giáo pháp ấy mà tu hành, thì sẽ được thoát ly sanh tử, chứng thành Phật quả. Cho nên, trong Kinh nói rằng: “Pháp là mẹ sanh ra chư Phật”.

(Nếu có thời giờ nhiều, thì giảng rộng ra).

Tăng nghĩa là gì? Chữ Tăng, nói cho đủ là Tăng già nghĩa là một quần chúng hòa hợp không không chống trái nhau, như nước hòa với sữa. Tăng là những người đứng trung gian giữa Phật và chúng sanh, thật hành những pháp của Phật dạy và thay Phật diễn nói những pháp giải thoát cho chúng sanh. Tăng là một cái tên chúng đệ tử của Phật, từ bốn vị Tỳ Kheo trở lên mới gọi là Tăng được.

 

TRUYỀN TAM QUY

Quý vị đã nghe và hiểu sơ lược nghĩa quy y Tam Bảo rồi, bây giờ đến giờ quan trọng là giờ phút QUY Y. Vậy quý vị nên quỳ thẳng chấp tay hướng về Tam Bảo, một lòng thành kính, lóng lòng nghe cho kỹ, tôi nói sao thì quý vị nói theo vậy, để lãnh thọ QUY Y.

(Trao Tam quy, Giới sư nói trước, giới tử nói theo sau).

Đệ tử chúng con tên là… xin suốt đời QUY Y PHẬT, QUY Y PHÁP, QUY Y TĂNG.

(Nói 3 lần, xá 3 xá).

(Trao tam kết, Giới sư nói trước, giới tử nói theo sau).

Đệ tử chúng con suốt đời QUY Y PHẬT rồi, QUY Y PHÁP rồi, QUY Y TĂNG rồi.

Quy y Phật rồi, khỏi đọa vào Địa ngục.

Quy y Pháp rồi, khỏi đọa vào Ngạ quỉ.

Quy y Tăng rồi, khỏi đọa vào Bàng sanh. (Nói 3 lần, xá 3 xá).

(Quy y rồi bảo giới tử đứng dậy).

 

GIỚI SƯ XƯỚNG:

* Chí tâm đảnh lễ Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha tát.

(Nói 3 lần, lạy 3 lần).

(Bảo giới tử ngồi xếp bằng, rồi dạy rằng):

Các Thiện nam (hay Thiện nữ) ! Các vị đã quy y Phật rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn không quy y Thiên thần và Quỉ vật. Vì sao? Vì Thiên thần và Quỉ vật kia còn bị luân hồi sanh tử, không phải là Thánh nhân xuất thế gian.

Quý vị đã quy y Pháp rồi, thà bỏ thân mạng, chứ không quy y theo kinh điển ngoại đạo tà giáo. Vì sao? Vì kinh điển ngoại đạo tà giáo không phải là pháp môn vô lậu giải thoát.

Quý vị đã quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng, chứ suốt đời không quy y đồ chúng ngoại đạo. Vì sao? Vì đồ chúng ngoại đạo không phải là người giải thoát chứng quả Tam thừa, họ sẽ dẫn dắt quý vị vào con đường tối tăm nguy hiểm.

Quý vị đã quy y mười phương Phật, Pháp, Tăng rồi, thì từ đây về sau Tăng ở xứ nào, chùa nào, hay nước nào, cũng đều kính quý, không phải chỉ kính quý Tăng chùa mình cầu quy y mà thôi, như thế mới phải là một người Phật tử hiểu biết chơn chánh.

Đến đây pháp thọ Tam quy đã xong, vì hoàn cảnh đặc biệt  của tuổi trẻ, nên chia ra có hạn định:

Từ 10 tuổi trở lại chỉ được thọ tam quy, chưa được thọ Ngũ giới. Vậy các cháu từ 10 tuổi trở xuống xin ngồi im lặng.