Đại Bi Chú Kệ
大 悲 咒 偈
Great Compassion Mantra Verses

 

[1]

Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da
𑖡𑖦𑖺 𑖨𑖝𑖿𑖡-𑖝𑖿𑖨𑖧𑖯𑖧
NAMO RATNA-TRAYĀYA
Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng thường ở khắp mười phương

慈觀悲觀喜捨觀
普度眾生化大千
有緣無緣同攝受
離苦得樂返本源

Phiên âm:

Từ quán bi quán hỉ xả quán
Phổ độ chúng sanh hóa đại thiên
Hữu duyên vô duyên đồng nhiếp thụ
Li khổ đắc lạc phản bổn nguyên.

Phiên dịch:
Quán tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, xả
Vì chúng sinh biến hóa chuyển đại thiên
Cứu muôn người không chỉ kẻ hữu duyên
Về nguồn cội, lòng an vui thoát khổ.

With a kind, compassionate regard, a regard full of joy and giving,
He rescues all beings, transforming great-thousand world systems.
Gathering in those with and without prior affinities,
He helps them to end suffering, find joy, and return to the source.

Chúng ta thường niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”; niệm thì niệm, vậy cứu kính hai chữ “Nam Mô” nghĩa là gì ? Rất ít người biết. Trước kia tôi từng hỏi nghĩa hai chữ “Nam Mô” như thế nào ? Chẳng có ai trả lời được như ý, họ đều chẳng biết.

Nam Mô” là tiếng Phạn, dịch ra nghĩa là “quy y”, cũng là “quy mạng kính đầu”. Quy mạng là đem mạng sống của mình giao cho Phật, mình chẳng cần ; Phật kêu ta sống thì ta sống, kêu ta chết thì ta chết, nghe sự chỉ đạo của Phật. Kính là cung kính ; đầu là nương tựa. Kính đầu tức là cung kính nương tựa vào Phật. Chúng ta quy mạng tức là thân của chúng ta cũng quy y cho Phật, tâm cũng quy y cho Phật ; thân tâm đều quy y cho Phật.

Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da”: Nói tổng quát tức là mười phương vô lượng vô tận Tam Bảo, trên hình vẽ nói là bổn thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tuy là bổn thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, tức cũng là quy y mười phương chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Niệm câu Chú này ra chẳng phải chỉ kêu ta quy y mười phương vô tận thường trụ Tam Bảo, mà cũng khiến cho tất cả chúng sinh nghe được câu mật ngữ này thì đều quy mạng nương tựa vào mười phương ba đời vô tận vô tận thường trụ Tam Bảo. Tam Bảo như bạn đã biết là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Bạn phải biết, trên thế gian cao quý nhất là Phật Bảo, cao quý nhất là Pháp Bảo, cao quý nhất cũng là Tăng Bảo. Chẳng có gì cao quý hơn bằng Tam Bảo. Chẳng những trong thế gian, mà dù xuất thế gian cho đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng chẳng cao quý bằng Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo. Cho nên trong mười pháp giới thì pháp giới của Phật là cao nhất. Cao nhất là Tam Bảo, nên chúng ta phải quy y, phải cung kính, phải tin nhận, đừng có tơ hào tâm hoài nghi; phải sinh tâm tin sâu sắc.

Quy y Tam Bảo có lợi ích gì ? Quy y Phật thì chẳng đọa địa ngục; quy y Pháp thì chẳng đọa làm ngạ quỷ; quy y Tăng thì chẳng đọa làm súc sinh. Ðó là nói sơ về quy y Tam Bảo.

Song, bạn quy y thì phải làm các điều lành mới được, nếu bạn vẫn giống như trước, sát sinh giết người, phóng lửa, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, chẳng có gì mà chẳng làm thì bạn chẳng tránh khỏi ba đường ác. Vì trong Phật pháp chẳng nói gì đến nhân tình. Chẳng phải nói :”Bạn đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng. Quy y Phật thì chẳng đọa vào địa ngục ; quy y Pháp thì chẳng đọa làm ngạ quỷ ; quy y Tăng thì chẳng đọa làm súc sinh. Vậy thì bạn cứ tùy tiện muốn làm gì thì làm”, chẳng phải vậy. Bạn phải cải ác hướng thiện, vĩnh viễn không làm việc xấu nữa mới được. Nếu bạn vẫn làm việc xấu thì vẫn đọa địa ngục như nhau. Chẳng giống như các ngoại đạo khác nói :”Chỉ cần bạn tin Chúa thì dù bạn tạo tội nghiệp cũng được lên Thiên đàng ; nếu bạn chẳng tin Chúa, thì dù bạn làm công đức cũng đọa địa ngục”. Chẳng phải đạo lý như thế. Dù bạn tin Phật, nếu bạn tạo tội nghiệp thì nhất định cũng đọa địa ngục như nhau ; dù bạn chẳng tin Phật, nhưng nếu bạn làm công đức, cũng được sinh về cõi trời như nhau. Phật pháp chẳng phải là một thứ đạo lý mê hoặc lòng người, nói : “Ngươi phải tin ta thì muốn gì cũng đều được”, chẳng phải như thế. Bạn tin Phật cũng phải đừng tạo tội nghiệp mới được ; nếu bạn tạo tội nghiệp thì vẫn bị đọa địa ngục như thường. Tức nhiên đọa địa ngục như nhau, vậy tại sao còn phải quy y Tam Bảo ? Quy y Tam Bảo thì bạn phải cải ác hướng thiện, sửa đổi lỗi lầm, làm con người mới, từ nay về sau chỉ làm việc lành, chẳng làm việc xấu nữa, như thế thì mới được lợi ích. Cho nên câu này là quy y mười phương vô tận vô tận Tam Bảo.

Bạn niệm câu Chú này thì bạn cũng được tiêu tai. Bạn có tai nạn gì, mà thường niệm “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” thì tai nạn của bạn sẽ được giải trừ, tai nạn lớn thì sẽ biến thành tai nạn nhỏ, tai nạn nhỏ thì sẽ biến thành chẳng có tai nạn. Cho nên đây là ” pháp tiêu tai “.

Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” còn là ” pháp tăng ích “. Pháp tăng ích tức là bạn vốn đã có căn lành rồi mà bạn niệm Chú này thì căn lành của bạn càng tăng thêm, đắc được lợi ích càng nhiều, cho nên gọi là pháp tăng ích.

Bạn thường niệm Chú Ðại Bi, niệm riêng một câu “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da”, thì bất cứ bạn muốn gì, mong cầu gì, bạn sẽ được sở cầu như ý, sở nguyện toại tâm, đây là “pháp thành tựu “. Bạn cầu gì cũng đều sẽ thành công. Ví như chẳng có con, muốn cầu con thì bạn niệm “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” thì sẽ được con. Chẳng có bạn trăm năm mà bạn muốn tìm một người bạn tốt thì bạn niệm “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” thì cũng sẽ được người bạn tốt. Song, bạn phải thành tâm, chẳng phải niệm một ngày, hai ngày, mà ít nhất bạn phải niệm ba năm. Nếu bạn niệm hết toàn bài Chú thì càng tốt, nếu không niệm hết thì niệm một câu “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” cũng thành tựu công đức không thể nghĩ bàn.

Giống như tại Ðông Bắc bên Trung Quốc, có một thứ ngoại đạo gọi là ‘Lý môn’. Chúng chẳng niệm gì khác, chỉ niệm một câu này. Vị lãnh tụ tối cao ngồi ở đó thọ người lễ lạy, ai ai cũng đều cuối đầu lạy anh ta. Trong tâm anh ta chỉ chuyên môn niệm “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da”, đó là pháp linh cảm của Lý môn. Một vị ngồi kế bên anh ta gọi là ‘lãnh chánh’, còn vị nữa gọi là ‘bang chánh’, ba người ngồi ở tại đó, giống như là ‘phóng diệm khẩu’(chẩn tế cô hồn). Ðó tức là Lý môn. Nếu có ai đi “tại lý” thì anh ta truyền một câu mật ngữ. Câu mật ngữ này kêu bạn duỗi tay ra, tức là “Quán, Thế, Âm, Bồ, Tát”, chỉ mấy chữ ; tại lý xong rồi thì coi như đã “triện thượng”, triện thượng rồi thì về sau chẳng cần mở miệng niệm; phải niệm ở trong tâm :”Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát”, chẳng niệm ra lời. Câu pháp này “phụ tử bất qua, thê tử bất truyền”, giữa cha và con cũng không thể truyền, dù vợ chồng cũng không được nói. Ðắc được năm chữ này rồi thì gọi là “ngũ tự chân ngôn”. Sau đó lại bảo bạn “tại lý”, không niệm như vậy nữa mà phải “bế khẩu tàng thiệt”, câm miệng, lưỡi thì ẩn náu đi ; “thiệt tiêm đình thượng ngạc”, “khí khác tâm niệm”, niệm ở trong tâm; “ý căn pháp hiện”. Ðây nói thật là hảo diệu, hảo thần mật. Tại phương bắc có một cái hội gọi là “giới yên tửu hội”, hội này chủ yếu là không uống rượu, không hút thuốc, tức gọi “tại lý công sở”. Ở Trung Quốc gần hơn một trăm năm đến nay “công sở đạo” rất là thịnh hành, họ nương vào câu Chú này. Làm Pháp sư ngồi tại chánh tòa “tòa lý” niệm “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da”. Vì trước kia những nơi này tôi đều đã đi qua cho nên tôi đều biết.

Câu Chú này cũng là ” pháp hàng phục “, hay hàng phục thiên ma, chế các ngoại đạo. Tất cả thiên ma ngoại đạo nghe thấy câu Chú này thì đều bỏ chạy, Song, chẳng phải là ” pháp câu triệu “; pháp câu triệu tức là một khi niệm câu Chú này thì bắt thiên ma quỷ quái lại. Cho nên câu Chú “Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” này có công năng không thể nghĩ bàn; nếu nói ra nhiều thì vô cùng vô tận.

Nam Mô Hắc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da” : Nam Mô: Là “quy mạng kính đầu”, Hắc Ra Đát Na : Là “Bảo”; Đa Ra Dạ Da: Là “Tam”; Gia : Là “lễ”. Hợp lại nghĩa là nói dùng thân tâm tính mạng của chúng ta quy y cho mười phương ba đời vô tận vô tận Tam Bảo, chúng ta cúi đầu đảnh lễ Tam Bảo.

Vô tận là gì ? Chư Phật quá khứ chẳng cùng tận, chư Phật hiện tại chẳng cùng tận, chư Phật vị lai cũng chẳng cùng tận; đó gọi là vô tận Tam Bảo.