HỌC ĐẠO TRONG ĐỜI
Nguyên Minh

Lời nói đầu

Chuyên mục Lá thư hằng tuần được thực hiện từ đầu năm 2017. Sau khi những lá thư của 26 tuần đầu tiên được chúng tôi biên soạn và xuất bản thành sách với tựa đề “Kinh nghiệm tu tập trong đời thường”, nhiều độc giả đã viết thư bày tỏ sự hoan nghênh và các bản sách in ra được độc giả gần xa nhiệt tình đón nhận. Số lượng sách đặt mua qua Amazon cho thấy nhiều Phật tử hải ngoại cũng rất quan tâm đến các chủ đề này.

Kể từ cuối tháng 7 năm 2017, chủ đề của các lá thư được chúng tôi biên soạn theo hướng chuyên sâu hơn, tạo điều kiện để quý độc giả có thể tìm hiểu nhiều hơn về đạo Phật, nhất là các phần giáo lý ứng dụng trong thực tế đời sống. Vì thế, sau khi biên soạn các chủ đề của nửa sau năm 2017 để xuất bản thành sách, chúng tôi quyết định đặt tựa đề là “Học đạo trong đời”.

“Học đạo trong đời” là nỗ lực vận dụng lời Phật dạy vào đời sống thường ngày một cách có hệ thống, với các phần giáo lý căn bản nhất như Năm giới, như tiến trình tu tập Giới Định Tuệ, hoặc thiết thực hơn là những lợi ích của sự tu tập và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống.

Những lá thư này được viết ra trên căn bản ban đầu là sự chia sẻ hằng tuần với thành viên của cộng đồng Rộng Mở Tâm Hồn, vì thế không tránh khỏi một số những nội dung được nhắm đến trao đổi trực tiếp với các vấn đề được thành viên nêu ra cùng chúng tôi, cũng như phù hợp với các diễn tiến của thực tế đang diễn ra trong từng thời điểm. Trong quá trình biên soạn thành sách, chúng tôi đã có một số điều chỉnh thích hợp, nhưng đôi khi những tính chất cá biệt của một số vấn đề có thể vẫn cần được nhận hiểu trong bối cảnh cụ thể đã phát sinh vấn đề đó. Dù vậy, khi nhìn từ một góc độ khác thì chính những yếu tố thực tiễn này sẽ tạo ra tính sinh động và thiết thực cho những vấn đề được trình bày trong sách. Do đó, chúng tôi đã quyết định vẫn giữ lại thay vì lược bỏ chúng đi. Mong rằng quý độc giả sẽ xem những yếu tố thực tiễn này như những ví dụ minh họa sống động cho các vấn đề đang được đề cập đến.

Mặc dù đã hết sức nỗ lực trong quá trình hình thành tập sách nhưng chắc chắn cũng không thể tránh khỏi ít nhiều khiếm khuyết. Kính mong quý độc giả gần xa rộng lòng lượng thứ.

Trân trọng,
Nguyên Minh