VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

LỜI GIỚI THIỆU

Quyển sách VÔ NHẤT ĐẠI SƯ – THÍCH THIỀN TÂM – MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI này do Ưu bà di BẢO ĐĂNG sau gần một năm dài chí tâm và đơn độc biên soạn thành.

Vì là một tại gia đệ tử của tôi (gần 10 năm qua) nên cô cũng được xem như là môn đồ, pháp quyến của ngài – Cố Hòa thượng Đại Ninh – THÍCH THIỀN TÂM và là một đồ tôn trong dòng pháp (pháp duệ) của sư môn, đã và đang đảm nhận các Phật sự – Hoằng dương Tịnh độ tông theo đúng đường lối, tôn chỉ của cố Hòa thượng – qua sự chỉ đạo của tôi – tại PHÁP HOA tự Tucson, Arizona, USA từ năm 1985 cho đến hiện nay.

Với ý niệm báo đức cho Sư Ông, dù là chưa được duyên may diện kiến và thọ pháp ở nơi Đại sư lần nào, nhưng qua ý của câu:

Cây có gốc mới trổ nhành, sanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu …

nên vào thời gian khoảng hơn một năm trước đây, cô có trình bạch lên tôi ý định muốn biên soạn quyển sách “đặc biệt” này. Tôi cũng đã có nói cùng với cô rằng: đây là một việc rất khó chớ không phải dễ … ngay như thầy e cũng còn không đủ sức thực hiện nổi huống chi là con. Nhưng cô rất quả quyết và tin tưởng một cách mãnh liệt rằng:

– Thế nào rồi đây giác linh của Sư Ông cũng sẽ chứng minh và “phò hộ” cho con thành toàn ý định…

Thấy cô kiên quyết và phát đại tâm như thế nên tôi hứa khả sự trợ duyên và tùy hỷ của mình.

Sau hai lần về Việt Nam và trải qua rất nhiều vất vả, xuôi ngược đến đi, từ Sài Gòn ra miền Trung, từ miền Trung trở về lại Sài Gòn rồi xuống Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Chợ Gạo… là những nơi đầy kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất mà khi xưa – chú ruột tôi – cố Hòa thượng Đại Ninh THÍCH THIỀN TÂM, lúc còn sanh tiền đã từng có một thời gian lâu, mau… nào đó lưu trú ở đấy trên bước đường tu tập và hoằng dương đạo pháp.

Từ các nơi ấy, cô đã thu thập được khá nhiều tài liệu liên quan đến cuộc đời tu hành của Đại sư, khi trở về Mỹ lại, cô liền bắt tay ngay vào việc khởi công biên soạn, đồng thời cô cũng đã thỉnh cầu tôi tích cực cung cấp thêm cho cô các chi tiết khác nữa về cuộc đời của cố Hòa thượng mà tôi đã từng nghe biết hay còn lưu giữ được.

Vì xét thấy quả nhiên cô có một “tấm chơn tình” đối với Sư Ông – dù chỉ là một đồ tôn khiếm diện – mà ngay chính trong các hàng môn đồ, pháp quyến của ngài cũng ít ai có được tâm thành như thế nên tôi rất lấy làm an ủi, cảm động và sau đó tôi bèn trợ giúp cho cô thêm các tài liệu khác về cuộc đời của cố Hòa thượng từ thuở còn nhỏ cho đến khi xuất gia, mãi đến sau này để cho cô được thuận duyên hơn hầu sớm hoàn thành tâm nguyện.

Một năm sau, cô đệ trình lên bản thảo để nhờ tôi duyệt khán.

Xem xong, tôi rất mực kinh ngạc, hy hữu và vô cùng hoan hỷ trước cái công trình phi thường này – một quyển sách tuyệt diệu mà có lẽ chính tôi (liệu sức) cũng khó thể nào hoàn tất nổi – huống lại là cô, một đệ tử mới phát tâm tu học chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm ư?!

Rồi tôi chợt nghĩ:

– Nếu không phải là có giác linh của chú tôi – cố Hòa thượng Đại Ninh – trợ giúp hay âm thầm ám trợ cùng gia hộ cho cô tăng trưởng thêm trí huệ thì chắc chắn là quyển sách này không thể nào thành hình một cách mỹ mãn tuyệt vời như thế này được cả.

“Hữu cầu tất ứng” chính là đây chăng?

Nơi đây, trong phần viết đôi lời giới thiệu này, trước hết tôi cũng xin thay mặt cho đại gia đình bên họ nội của tôi – Sư Cô Phương Liên Thích nữ THANH NGUYỆT trưởng tử của Đại sư cùng với các môn đồ, pháp quyến thân tín của ngài, tại gia cũng như xuất gia, trong cũng như ngoài nước, hoặc gần, hoặc xa … và sau hết là riêng cá nhân tôi – cháu đích tôn kiêm đệ tử của cố Hòa thượng – gởi đến Ưu bà di BẢO ĐĂNG những lời cảm ơn chân thành và thân thiết nhất, bởi vì cô đã làm xong được một việc hy hữu mà từ trước đến nay, trong các hàng môn đệ của ngài chưa hề có một ai đủ khả năng để hoàn tất được việc đại sự như thế này – kể luôn cả tôi nữa!

Qua tác phẩm đầu tay đặc biệt và “vô tiền khoáng hậu” này, cô đã hoàn mãn được việc “báo tôn sư ân đức” một cách hết sức tuyệt diệu, phi thường – không phải chỉ bằng ngôn từ suông trên đầu môi chót lưỡi như những ai khác nơi chốn thế tình – mà lại là bằng vào một hành động hết sức tích cực đúng với câu “ngôn hành hợp nhất, sự lý đủ đầy” rất cần phải có của người Phật tử trên bước đường tu, cầu chơn giải thoát.

Với tư cách của một người thầy, bổn sư dẫn dắt cô trên đường đạo, tôi cũng rất hãnh diện có được một người đệ tử như cô, mà đã gần 10 năm qua cùng chung tay, sát cánh với thầy trong công việc duy trì và phát huy đạo pháp đúng theo lời Phật dạy, hòa hợp cùng với đường lối của sư môn nơi PHÁP HOA tự Tucson bé nhỏ, hẻo lánh của miền sa mạc Arizona này.

Xin gởi đến cô một người đệ tử trung kiên, một Phật tử thuần hành – dày công trong Phật sự từ bấy lâu nay và sẽ còn mãi mãi đến sau này – đã làm cho Phật giáo (tại địa phương Tucson) mỗi ngày càng thêm tăng huy rạng rỡ, lời khen tặng sau đây:

KHEN ƯU BÀ DI BẢO ĐĂNG

Khá khen BẢO ĐĂNG Ưu bà di,
THIỀN TÂM lược sử quyết lòng ghi
Thân yếu nhưng người tâm chẳng yếu,
Báo đức Sư Ông quản ngại gì.
PHÁP HOA PHẬT TỰ từ lâu đã,
Hoằng pháp gian truân kể xiết chi.
Đấy chính tại gia BỒ TÁT hạnh,
Nương theo đường PHẬT bước chân đi.
Trọng Đông – Quý Dậu niên
Sa môn THÍCH HẢI QUANG
(Cảm tặng)

Những mong sao cho trong các hàng môn đệ của cố Hòa thượng Đại Ninh, Vô Nhất Đại sư THÍCH THIỀN TÂM còn có thêm nhiều đệ tử, đồ tôn biết nhớ ơn, báo đức cho THẦY, TỔ và sư môn cũng y như đồ tôn: Ưu bà di BẢO ĐĂNG đây vậy.

Thành kính và mong mỏi vậy thay.
Viết tại Hương Vân tịnh thất
Omaha – Nebraska
Vào tiết Trọng Đông năm Quý Dậu
(Phật lịch 2538 – Dl. 1994)
THÍCH HẢI-QUANG
(Cẩn bút)

THAY LỜI TỰA

Thời gian… gần đây (cuối năm Nhâm Thân 1992 dương lịch), Phật giáo Việt Nam đã bị một tổn thất cực kỳ lớn lao qua sự viên tịch của cố đại lão Hòa Thượng Đại Ninh THÍCH THIỀN TÂM, một bậc danh đức cao tăng, một bậc thạc sư Phật học, và là một tôn sư hoằng dương 2 pháp môn Tịnh độ cùng Mật tông lừng lẫy nhất của Phật giáo Việt Nam đương kim, mà từ lâu đại danh của Ngài đã được hầu hết các Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam khắp nơi trong quốc hội cũng như ngoài quốc ngoại cúi đầu ngưỡng vọng, nhất là từ năm 1974 trở về sau này, khí tiết và chí nguyện giải thoát kiên cường của Ngài càng thêm sáng tỏ như ánh nhật quang phổ chiếu rạng ngời.

Sau tang lễ của cố Hòa Thượng, có vài ba vị đời cũng có, đạo cũng có, phát tâm muốn viết lại đôi phần tiểu sử của Ngài, trước là để hiển dương đức hạnh của một bậc vãng sanh cao tăng, sau là để lưu truyền lại cho các hàng hậu học cùng chư thiện tín lấy đó làm một gương sáng cho cuộc đời tu học Phật pháp và cầu giải thoát của mình.

Nhưng có một điều gây nhiều khó khăn và trở ngại nhất cho ý định này là cố Hòa Thượng đã không cho lưu lại các chi tiết về cuộc đời của Ngài. Theo lời kể lại của ĐĐ. Thích Hải Quang là cháu ruột gọi cố Hòa Thượng bằng chú, thì khi còn sanh tiền, tánh tình của Ngài rất là đạm bạc, trọn cuộc đời chỉ biết chuyên tâm tu học để cầu giải thoát mà thôi, ngoài ra đối với các việc lợi, danh của thế tình Ngài vô cùng lợt lạt, từ các việc khen chê, phải, quấy, thấp, cao, v.v… Hòa Thượng đều không quan tâm đến (Việc này được hầu hết các bạn đồng tu cùng thời với cố Hòa Thượng và chư tăng, ni, Phật tử thuần thành đều đồng ý xác thực như vậy).

Vì thế cho nên trước kia, một số đệ tử thân cận nhất của cố Hòa Thượng cũng đã nhiều lần thỉnh cầu, xin Ngài cho phép được ghi lại đôi chút tiểu sử để lưu hậu, nhưng Ngài đều cương quyết chối từ. Do vậy mà các chi tiết về cuộc đời, đường đạo của cố Hòa Thượng hầu hết đều bị thất lạc, và đây là một điều rất đáng tiếc vậy.

Riêng cá nhân tôi, dù chưa đủ hạnh duyên để diện kiến và bái yết cùng thọ pháp nơi ngài lần nào nhưng bổn sư của tôi, Đại đức Thích Hải Quang lại là cháu ruột và cũng là đệ tử của Ngài, từ nơi ĐĐ. bổn sư, tôi gián tiếp thọ học giáo pháp của cố Hòa Thượng, cho nên các thiện căn, kiến thức về Phật pháp của tôi mới được dịp phát huy, và tăng trưởng, khả dĩ có thể đảm nhận được các Phật sự theo đúng đường lối của cố Hòa Thượng nơi hải ngoại và riêng chùa Pháp Hoa của vùng sa mạc Tucson, Arizona USA này cho đến ngày hôm nay là cũng nhờ ở nơi cội gốc của Ngài mà ra cả. Vì thế nên tôi gọi cố Hòa Thượng là Sư Ông và tôn kính Ngài lên hàng Sư Tổ là như vậy.

Qua tư cách này và cộng thêm vào đó là tấm lòng quý kính sâu xa của tôi đối với một bậc tôn sư đầy đủ tài đức như cố Hòa Thượng, tôi đã tự xem mình như là một “ký danh đồ tôn” của Ngài, có đôi lúc tôi tự suy nghĩ: phải nên làm thế nào để đền đáp tôn sư ơn đức đây? và tôi kết luận rằng: tôi sẽ phải cố gắng hết sức mình để biên soạn thành một quyển sách nhỏ ghi lại đôi chút về thân thế, đạo nghiệp và sự giải thoát của cố Hòa Thượng để lưu truyền về sau cho các hàng Phật tử xa gần lấy đó làm gương trên con đường tu tập của mình nhất là trong thời buổi mạt pháp và điên đảo nhân tâm này.

Tâm trí tôi thì định như vậy, nhưng rồi lại bị lâm vào cảnh “lực bất tùng tâm (1)”, bởi vì tôi không có một chút xíu hiểu gì biết về cố Hòa Thượng hết!

– Vậy phải làm thế nào đây?

Sau vài ba lần suy nghĩ, tôi đánh bạo bày tỏ ý định này lên ĐĐ. bổn sư và xin thầy giúp đỡ phương tiện vì tôi nghĩ rằng thầy là cháu và cố Hòa Thượng lại là chú ruột của thầy. Trong thời gian nhiều năm về trước, khi còn ở bên quê nhà, thầy đã từng làm thị giả, đệ tử thân cận, hầu hạ bên mình của cố Hòa Thượng, thì trong những lúc thanh vắng, rỗi rảnh, chỉ có hai thầy trò, chú cháu nơi tịnh thất, chắc có lẽ không nhiều thì ít Hòa thượng cũng đã có kể lại cho cháu của mình nghe về những kinh nghiệm của bản thân cùng những sự buồn vui, thăng trầm trong cuộc đời tu hành để cho cháu mình thu thập được thêm ít nhiều kiến thức, hầu sau này khỏi bị vấp ngã khi rời khỏi sư môn ra làm Phật sự chớ.

Sau khi nghe tôi trình bày xong về việc này, ĐĐ. bổn sư tỏ vẻ vui mừng lắm, thầy khen tôi là một đồ tôn có lòng hiếu thảo với Sư Ông và hứa sẽ tận tình giúp đỡ để cho tôi hoàn thành ý định.

Cách khoảng hơn một tuần sau thầy có trao cho tôi hai tập tài liệu cực kỳ quý giá về cuộc đời thơ ấu của cố Hòa Thượng.

Tài liệu thứ nhất là quyển “Tây liên tùy bút lục”. Đây là một quyển nhật ký viết trên cuốn vở 100 trang rất cũ của thân phụ thầy: Phật tử Tây Liên Nguyễn Văn Thông và cũng là bào huynh của cố Hòa Thượng (trong đại gia đình thì cố Hòa Thượng đứng hàng thứ 10, còn bào huynh của ngài đứng hàng thứ 5). Quyển nhật ký này ghi chép lại một số sự việc có liên quan đến thời thơ ấu của cố Hòa Thượng, bắt đầu vào ngày 12/5/1932 trở về sau.

Tài liệu thứ hai là quyển: “Nhựt Thăng tu sĩ di cảo” (Nhựt Thăng là thế danh của cố Hòa Thượng). Đây cũng là một quyển nhật ký mỏng chép trên quyển vở 50 trang rất xưa cũ, mở đầu ghi vào ngày 01/9/1935 trong đó là nét chữ của chính tay cố Hòa Thượng viết nên gồm cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Nho, ghi lại một vài bài thơ do Ngài sáng tác lúc chưa xuất gia và một số kỷ niệm của thuở ấu thời.

Được hai tập tài liệu quý báu này, tôi “mừng hết lớn”, và tự nhủ thầm rằng đây là do tâm thành của mình chiêu cảm nên được giác linh của Hòa Thượng âm thầm tá trợ đây chăng?

Và tôi quả quyết “chắc là như vậy”.

ĐĐ. bổn sư có nói rằng 2 tập nhật ký này là của Hòa Thượng ban cho để làm kỷ niệm khi thầy tuân lịnh ngài lên đường xuất ngoại 15 năm về trước. Trong gia đình, dòng họ cũng chưa ai thấy được 2 quyển nhật ký này, vì lẽ ở dưới quê ai cũng bận lo làm ruộng rẫy, đầu tắt, mặt tối, dang nắng dầm mưa, cho nên rất ít người để ý đến vấn đề ghi chép lưu bút lắm.

Thầy giữ 2 quyển nhật ký này bên mình không rời dù đi bất cứ nơi đâu, vì đây là kỷ niệm của cha và chú. Nhưng nay thầy thấy đã đến lúc cần phải sử dụng đến nên mới trao ra để cho tôi hoàn thành tâm nguyện.

Mấy tháng kế sau đó, nhân có chút duyên sự về thăm quê nhà, sẵn dịp này tôi có bạch cùng Đại đức bổn sư xin thầy chỉ dẫn thêm vài nơi, vài người mà tôi có thể đến gặp gỡ để tìm thêm vài ba dấu tích về cuộc đời của cố Hòa Thượng hầu cho quyển sách được thêm ít nhiều phong phú hơn. Trong vòng 5 tháng tôi về bên Việt Nam đến 2 lần, mỗi lần đi như vậy là có đến tam, tứ, ngũ, lục tiện … như nào là thăm viếng gia đình, thân thuộc, đi chùa, cúng dường, lễ tháp của cố Hòa Thượng, in kinh ấn tống (Đại Bảo Tích), đúc tượng Phật cho chùa Tucson – Arizona v.v… trong đó có một trách nhiệm quan trọng do thầy bổn sư giao phó là truy tìm thêm chi tiết về thuở ấu thời của cố Hòa Thượng, do đó nên trong thời gian lưu lại bên nhà, tôi đã nhiều lần xuôi ngược lên Đà Lạt, xuống Gò Công, Mỹ Tho, Chợ Gạo, đặc biệt là chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho (là ngôi chùa đầu tiên mà cố Hòa Thượng nương ở, tu học thuở thiếu thời), chùa Sắc Tứ (nơi cố Hòa Thượng xuất gia, thọ giới và trụ trì một thời gian ngắn ở nơi đây).

Tôi cũng đã được dịp gặp lại một số quý cụ của 4, 5 thập niên về trước cùng thời với cố Hòa Thượng, phỏng vấn, thu băng và thu hình để làm tài liệu xác thực cho quyển sách, đi riết đến nỗi thân thể ốm gầy, da đen sạm lên vì nắng gió (cho việc này), khi về Mỹ lại ai cũng quở là sao mà tang thương, ốm yếu đến thế!!!

Các tài liệu ấy mặc dù không được hoàn toàn như ý nhưng tôi nghĩ như vậy cũng tạm đủ trong giai đoạn đầu tiên, sau này từ từ sẽ bổ túc thêm, vả lại đã có ĐĐ. bổn sư là cháu ruột của Ngài hứa “yểm trợ”nên tôi cảm thấy mình cũng vững tâm, không đến nỗi nào phải bị lo lắng cho lắm.

Quyển sách này được thành hình và đến tay quý vị hôm nay, như trên vừa bày tỏ, chỉ là để xiển dương lại cái “đại đức” của một bậc cao tăng đạo hạnh, suốt đời lo chơn thật tu hành, nhất tâm cần cầu giải thoát chớ không màng chi đến thế tục lợi danh. Sống không xa hoa, phù phiếm, mà trọn đời chỉ ưa an ẩn nơi chốn lan nhã, núi rừng, giữ đời đạm bạc, sống lo cho đạo, chết về giải thoát, đối với mọi duyên đời chẳng hề khởi niệm luyến lưu.

Và đây mới là quả thật là chơn Phật tử vậy.

Tôi cũng nguyện cho mọi hữu duyên nhơn sau khi xem xong được cốt chuyện xác thực, hiện đại trong quyển sách này rồi, lấy đó mà làm gương cho mình và phát ý tu hành tinh tấn thêm lên như cố Hòa Thượng vậy để hái lấy quả mầu vô sanh nơi Phật quốc. Ngoài ra chớ nên chấp thủ theo lối thường tình, bởi một duyên đời đều như mộng huyễn nào có bền lâu. Lòng nguyện của tôi (nơi quyển sách này) chỉ như thế mà thôi, tuyệt nhiên không còn có thêm vào bất cứ ý niệm chi sai khác như thủ lợi, cầu danh… bởi vì đây chỉ là một quyển sách nhỏ, ấn tống, được viết lên với tất cả tấm lòng thành.

Đương nhiên trong đây còn có rất nhiều thiếu sót, bởi vì cố Hòa Thượng đã tự xóa hết tất cả các phần lý lịch của mình không để lưu hậu. Vì thế nên không một ai trên cõi đời này, kể luôn các thân nhân ruột thịt của Ngài biết được chính xác về cuộc đời của vị “phi tích cao Tăng (2)này được cả. Một con người mà sống không chút tham luyến, chết chẳng chút sầu não như các dòng thơ cuối cùng của Ngài lưu lại:

Đời ta chí gởi chốn liên trì,
Trần thế vinh hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm
Mừng nay được thấy đức A DI.
Thích Thiền Tâm
(Những dòng thơ cuối)

Kính bạch Hòa thượng Giác Linh,

Con cũng biết việc làm này có thể đã trái với bổn ý của Ngài là không muốn lưu lại những cái “ta” và cái “của ta” (ngã và ngã sở) của cá nhân mình (dù là cao đẹp) lại cho đời phê phán, khen chê, nhưng xin Ngài chứng giám cho tấm lòng chơn thành của con: một đứa đồ tôn xa xôi, khiếm diện về những gì mà con viết lên đây, trong quyển sách nhỏ này, con xin dưng cúng dường lên Giác linh Hòa thượng. Nếu như (trong đây) con có gây tạo nên ít nhiều sơ sót, sai lầm chi, ngưỡng mong ngài từ bi miễn thứ.

Con xin cúi đầu khấn nguyện:

– Hòa thượng Giác linh, hằng trụ Tây phương, bất ly uế độ, sắc không liễu ngộ, hóa độ quần sanh. Nhứt niệm liễu thông, chứng minh hiến cúng.

Nam mô Phương liên cập Hương nghiêm đường thượng, thượng THIỀN hạ TÂM đại lão Hòa thượng giác linh.

Tác đại chứng minh.

(Đồng kính bái).

Viết xong vào cuối mùa thu, Năm Quý Dậu
1993 Tại Chùa PHÁP HOA
Tucson, Arizona – USA
Phật tử BẢO ĐĂNG
Bái bạch

I.- PHẦN DẪN NHẬP

Khải đề:

Non xanh lặng lẽ tợ ngui than,
Kiếp tạm phù du, chớp điện quang
Người theo nhau mất, non còn đó,
Kết cuộc Nam Kha, giấc mộng vàng!
Thơ Liên Du
(Thích Thiền Tâm)

Bài thơ trong phần dẫn nhập trên đây của Cố Hòa thượng đã gợi ý cho chúng ta nên thức tỉnh trước mọi duyên đời vô thường, mong manh, và giả tạm.

Kiếp người qua mau nào có lâu bền, trăm năm mới nghe qua thì tựa như rất lâu dài, nhưng các bậc trí giả, liễu ngộ xem nó dường như thoáng kiếp phù du (3) hay như ánh chớp giữa trời mà thôi. Ấy thế mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, nhơn sanh vì cái sắc thân hư dối này mà gây tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp duyên, nhân quả sai lầm, đến nỗi tự mình phụ phàng lấy mình mà chôn vùi đi cái chơn tánh tinh minh, tịch mịch.

Trong kinh Hoa Nghiêm Phật dạy:“Giả sử như nghiệp duyên mà có hình tướng thì mười phương hư không cũng chẳng thể nào dung chứa cho hết”

Và nếu cứ mãi như thế, thì đến ngày 30 tháng chạp của cuộc đời rồi, tất nhiên sẽ theo các nghiệp ấy mà đi trong ba cõi, sáu đường (4) mịt mịt mù mù, chịu biết bao nỗi đớn đau thảm sầu, thương xót!

Người dương thế, hễ trai gái lớn lên, thì kẻ mong có vợ, người tưởng lấy chồng, trông sao cho sớm được cái cảnh “loan phượng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp”, con cháu quý xinh, cửa rộng nhà cao, bạc tiền dư dả, nhung gấm lụa là, xuống ngựa lên xe … ngàn muôn ước vọng cao sang trước sau như thế, nhưng mấy ai nghĩ đến tất cả duyên đời tuồng như mộng ảo mà quay đầu, hồi tâm thức tỉnh nơi bước đường tu.

Có thơ rằng:

Hoàng lương mộng,(5)
Mộng hoàng lương.
Một giấc hoàng lương mộng đẹp dường,
Áo tím, đai vàng, mờ bóng cũ.
Mồ xanh, cỏ ấy bạc màu sương!
Từ đây tĩnh,
Chớ lo lường.
Phú quý công danh cũng mộng trường!
Thơ Liên Du
(Thích Thiền Tâm)

Từ ngàn xưa đến nay, há chẳng thấy thế hệ này nối tiếp qua thế hệ kia, kẻ này tiếp theo người khác lìa bỏ cõi đời, chôn lấp tứ đại sắc thân nơi gò hoang, huyệt lạnh ư! Ôi, non xanh vẫn còn kia làm chứng nhân cho biết bao thế hệ, lặng lẽ như than thở, khóc thầm trước bao điều tử biệt, sanh ly.

Hỡi người nhân thế có thấy hay chăng?

Tranh danh, đoạt lợi, rộn ràng, lăng xăng cho thế mấy đi nữa, chừng hồi tỉnh lại thì nào còn có chi đâu! Rõ ràng nhất là từ năm Ất Mão 1975 đến nay, trước mắt ta đã thấy xảy ra không biết bao nhiêu là tang thương, đổ nát, suy biến đổi đời.

Có thơ rằng:

Lửa cháy tàn tro bụi
Xoay vần lẽ tự nhiên.
Nhìn tang thương đổ nát,
Xương trắng lụy tròng nghiêng.
(Cổ thi)

Bậc trí giả quán sát các duyên đời như thế, lòng sao tránh khỏi buông ra một tiếng than dài!

Cho nên người hiểu đạo cùng các bậc thức lượng sâu xa cảm ngộ các cảnh duyên đời đổi thay dâu bể, tự nhiên thấy lòng nguội lạnh chẳng còn chi chút luyến lưu, ngoảnh mặt, xây lưng xả bỏ cảnh trần, cắt tóc ly gia, lìa thân xả ái, trọn đời an phận đạm bạc nơi chốn thiền môn, sớm kệ chiều kinh, một dạ tu hành không nài gian khổ, nguyện thân này, kiếp này là thân chót, kiếp chót nơi cõi tạm trần lao, mong sao cho ngày cuối của cuộc đời tới nơi rồi, theo Phật về Tây, biệt đường sanh tử.

Và đó mới xác thật là phong cách của bậc trượng phu đại nhơn vậy.

Đến đây tôi muốn dẫn nhập vào và đề cập đến một người tăng sĩ, một vị danh đức cao tăng, một ngôi sao bắc đẩu trên vòm trời Phật giáo Việt Nam mới vừa lịm tắt về hướng trời Tây của miền An Dưỡng, để lại cho đời muôn tiếc, ngàn thương:

Đó là:

Cố Hòa thượng Đại Ninh.
VÔ NHẤT ĐẠI SƯ
THÍCH THIỀN TÂM

Viện chủ Hương Nghiêm tịnh viện (Tu viện Vĩnh Minh). Pháp chủ Phương Liên tịnh xứ Mật Tịnh đạo tràng. Viên tịch ngày 21/11 Âl năm Nhâm Thân (14/12 dl 1992)

Hưởng thọ 68 tuổi đời và 48 tuổi đạo.

Ngài chính là người mà ngay từ trong lứa tuổi ấu thơ đã sớm ngộ cảnh thế vô thường, duyên đời hư giả nên chẳng những đã không bao giờ xây đắp cho mình giấc mộng Hoàng lương như bao chàng thanh thiếu niên khác mà trái lại, đã sớm xả bỏ tục trần, cắt ái từ thân, chân chánh tu hành, giữ tròn đạo hạnh … nêu tấm gương sáng cho các hàng tứ chúng trong hiện tại và lẫn cả về sau quy ngưỡng.

Để cho quý hữu hiểu biết thêm một ít phần về cuộc đời của vị cao tăng này, trong các tiết mục kế tiếp đây, Bảo Đăng tôi sẽ lần lượt giới thiệu lên một vài khoảng đời của Ngài, từ thuở ấu niên cho đến lúc trưởng thành, xuất gia tu hành và đạt được đạo mầu giải thoát.

Ghi chú: 

(1) Lực bất tùng tâm: tâm trí thì muốn làm mà sức thì không cho phép (tâm mạnh, sức yếu) ý nói muốn làm như thế mà không được.

(2) Phi tích cao tăng: là vị cao tăng có những kỳ tích phi thường, đặc biệt, khác hẳn với các vị tăng thông thường khác nơi trường thế tục lợi danh.

(4) Kiếp phù du: kiếp sống ngắn ngủi (phù du là một sinh vật nhỏ sống nơi sông biển, từ khi sanh đến lúc chết chưa đầy một phút đồng hồ.

(4) Ba cõi, sáu đường: Ba cõi là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Sáu đường là trời, thần, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

(5) Hoàng lương mộng: là giấc mộng kê vàng.

Sơ lược điển tích: có một thư sinh đi thi không đậu, trên đường về nhà, ghé qua một quán nhỏ bên đường tìm thức ăn đỡ dạ. Chủ quán lấy hoàng lương (là bắp hột vàng) để nấu cho ăn. Trong khi chờ đợi thì thư sinh nằm ngủ quên đi, trong mơ thấy mình thi đậu, được vua gả công chúa làm vợ, kế đến làm quan to đến cực phẩm, vinh hiển hơn 30 năm trời, sau thấy trận, bị vua cách chức cho về hưu. Vợ chồng buồn rầu than khóc, giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao, cảm ngộ cảnh đời vô thường, ngó lại thì nồi bắp nấu vẫn còn chưa chín, thư sinh sực tỉnh cất tiếng cười khan, bỏ vào núi sâu tu luyện, không thấy trở ra nữa.