Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

I. ĐÔI NÉT VỀ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Hòa Thượng thượng Tịnh hạ Không sinh tháng hai năm 1927, thế danh là Từ Nghiệp Hồng, tại huyện Lư Giang, tỉnh An Huy Trung Quốc. Ban sơ, lúc hai mươi sáu tuổi, ngài theo học triết học với giáo sư Phương Đông Mỹ (Dong Mei Fang); về sau học Phật với Đại sư Chương Gia (Zhang Jia), một cao tăng Mật tông thời bấy giờ, và cư sĩ Lý Bỉnh Nam (Lee Bing Nan). Cả ba thầy đều là bậc rất khó được.

Theo cố Hòa Thượng Thích Như Huệ ở Úc Châu, “Hòa Thượng Tịnh Không là một danh tăng của Phật Giáo thế giới, người có công phát triễn Phật Giáo Phương Tây. Những bài thuyết giảng của ngài rất thực tế và gần gũi với người đệ tử Phật”.

Theo Đại đức Thích Tâm An trong “Phật Giáo Là Gì?”, có giới thiệu sơ lược về Hòa Thượng Tịnh Không như sau: “Ngài thông Tông, thông Giáo, thâm nhập thực tiễn khế lý, khế cơ, thâm đắc thuyết pháp tam-muội”.

Sau khi thọ giới cụ túc lúc ba mươi ba tuổi, ngài chu du khắp nơi trên thế giới, giảng kinh thuyết pháp. Trước sau đã giảng rất nhiều kinh như: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác, Kinh Bát Nhã, Đại Thừa Khởi Tín luận, Đại Trí Luận, Tịnh Độ Ngũ Kinh v.v… liên tục suốt gần sáu mươi năm giảng kinh thuyết pháp chưa bao giờ mõi mệt, chưa bao giờ ngừng nghỉ. “Sống một ngày, giảng một ngày”, đây là mục tiêu của ngài. Thật là hiếm có! Việc rất khó được mà ngài đã làm được.

Ngài là người tiên phong trong việc sử dụng hệ thống truyền thanh, đài truyền hình, truyền hình vệ tinh, mạng lưới thông tin toàn cầu, dùng phương tiện truyền thông hiện tại để truyền bá chánh pháp, đẩy mạnh nền giáo dục Phật Đà: Phật Giáo không phải là tôn giáo mà là nền giáo dục chí thiện, tối cao nhất của Phật Đà đối với cửu pháp giới chúng sinh.

Đại đức Thích Nguyên Tạng, thành viên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất tại Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan trong quyển “Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không” đã vô cùng tán dương: “Hòa Thượng Tịnh Không là người đã thực hành Pháp cúng dường một cách chí tâm, tha thiết, nếu không muốn nói là ngài đã thành tựu viên mãn về việc làm này trong mấy thập niên qua”. Ngài đã cố gắng thực hiện ‘cúng dường Pháp’ bằng cách thành lập nhà xuất bản Phật Đà ở Đài Loan và ấn tống miễn phí toàn bộ kinh điển của Phật Giáo không những là kinh sách tiếng Hoa mà Hòa Thuợng còn cho in nhiều ngôn ngữ khác như: Anh, Pháp, Việt v.v… để giúp nhiều sắc tộc khác dễ dàng lãnh hội được ánh sáng của Chánh Pháp”. Theo Hòa Thượng Tịnh Không, kinh sách phải được in thật đẹp và trang nhã nhằm tạo nên sự thu hút cho người học Phật trong thời đại hiện nay.

Phỏng theo tài liệu trong “Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” giảng giải của Hòa Thượng Tịnh Không, do Vọng Tây cư sĩ cẩn dịch thì: “Mấy chục năm qua, Hòa Thượng Tịnh Không đã phát tâm tái bản, ấn tống các loại kinh Phật và sách thiện của nhà Nho v.v… lên đến hơn mười triệu cuốn” như: Đại Tạng Kinh, Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, Tứ Khố Toàn Thư, Tứ Khố Hội Yếu, Quần Thư Trị Yếu của Đường Thái Tông v.v…, gửi tặng các trường Đại học, các Phật Học Viện, các cơ sở Phật giáo trên toàn thế giới, không phân biệt sắc thái chủng tộc. Chủ trương của ngài là xiển dương Phật pháp Đại thừa, phá trừ mê tín, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, nhất định phải đem Phật Giáo trở về với giáo dục, khai phát trí tuệ khiến mọi người hiểu được chân vọng, chánh tà, đạt đến mục đích cứu cánh: Một đời giải thoát, một đời viên mãn thành tựu.

Cũng theo tài liệu của Cư Sĩ Vọng Tây:

– Năm 1985, Hòa Thượng định cư tại Hoa Kỳ. Thời gian hoằng pháp trên đất Mỹ, ngài đã có sự cống hiến rất nổi bật trên phương diện đoàn kết chủng tộc, đoàn kết tôn giáo, nâng cao đạo đức con người khiến xã hội được an định.

– Tháng 8 năm 1995, ngài được tiểu bang Texas và thành phố Dallas, Hoa Kỳ phong tặng “Công Dân Danh Dự” của tiểu bang và “Công Dân Danh Dự” của thành phố. Hòa Thượng đã từng được mời đến thuyết giảng tại các trường Đại học như Đại học Lý Công Tân Gia Ba, trường Đại học tiểu bang Maine ở Mỹ, trường Đại học Deanza-College ở tiểu bang Texas, trường Đại học Hawaii. Các trường Đại học ở Úc châu tại tiểu bang Melbourne, Sydney, Queenland v.v… Ở các nước Á châu như: Trường Đại học Phụ Nhân Đài Loan, Đại học văn hóa Trung Quốc, Đại học Thành Công, Đại học Trung Sơn v.v… Gót chân ngài đến đâu đều qui tụ rất đông thính chúng đến để học tập, được nghe Pháp âm của ngài. Pháp duyên của Hòa Thượng rất thù thắng được tứ chúng đệ tử khắp nơi hết lòng ủng hộ.

– Năm 1995, tại Cư Sĩ Lâm Phật Giáo Tân Gia Ba, ngài đã chỉ đạo sáng lập lớp Bồi Huấn Nhân Tài Hoằng Pháp. Trên ba năm ở Tân Gia Ba, ngài đã chủ động đi thăm viếng các đoàn thể tôn giáo, đặc biệt ngài đã đoàn kết được chín tôn giáo lớn ở Tân Gia Ba, tham gia trợ giúp các từ thiện xã hội. Ở Úc châu, ngài đã tham gia diễn đàn tôn giáo, trợ giúp trường Đại học Griffith thành lập “Trung tâm văn hóa Đa Nguyên”, trợ giúp Đại học Queenland thành lập “Học viện nghiên cứu giải quyết xung đột và hòa bình”.

– Tháng 5 năm 2000, nhận lời mời của Cục Tôn Giáo Trung Quốc, ngài cùng những lãnh tụ của chín đại tôn giáo ở Tân Gia Ba, đi thăm viếng các đoàn thể tôn giáo Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ thân thiện.

– Tháng 1 năm 2001, tại Úc châu, ngài bắt đầu dự bị xây dựng Tịnh Tông Học Viện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài hoằng pháp; tính đến nay đã hoàn tất trên mười năm.

– Tháng 5 năm 2002, trường Đại học Griffith thỉnh mời Hòa Thượng làm “Giáo sư Danh Dự”. Đến tháng sáu, Đại học Queenland lại mời Hòa Thượng làm giáo sư khách tọa và được thành phố Toowoomba phong tặng “Công Dân Danh Dự” của thành phố.

– Giữa tháng 8 năm 2002, trường Đại học Griffith (Úc châu) phong tặng Hòa Thượng “Tiến Sĩ Danh Dự”.

– Tháng 7 năm 2003, với chức phận giáo sư đại biểu trường Đại học Griffith đến Thái Lan tham gia “Hội nghị Hòa Bình thế giới của Liên Hiệp Quốc”.

– Tháng 4 năm 2004, Đại học Queenland Úc châu phong tặng “Tiến Sĩ Danh Dự”.

– Tháng 6 năm 2004, Bộ tôn giáo Indonesia tổ chức thành đoàn phỏng vấn lãnh tụ tôn giáo, thỉnh mời ngài làm “Cố vấn Danh Dự”, đi thăm viếng Ai Cập, Ý Đại Lợi, và Vatican trong tinh thần giao lưu, tìm hiểu giữa tôn giáo, tiến đến sự hài hòa cùng xây dựng ý thức chung.

– Tháng 8 năm 2004, Đại học Châu Lập Islam giáo Indonesia phong tặng “Tiến sĩ Danh Dự”, cũng trong tháng này, Hòa Thượng được mời tham gia “Hội nghị Quốc Tế” do Liên Hiệp Quốc Giáo Khoa Văn tổ chức cử hành tại Okayama, Nhật Bản để phát biểu chuyên giảng đề tài.

– Tháng 6 năm 2005, do sự tích cực cống hiến, đẩy mạnh nền văn hóa đa nguyên, tôn giáo hài hòa, liên hệ đoàn kết chủng tộc và nỗ lực hoàn thiện công việc giáo dục thế giới, nữ hoàng Anh Quốc đã kính tặng ngài: Huân Chương AM.

Tính đến nay (năm 2010), ngài đã tham gia mười mấy lần Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Ngài là người đề xướng về lý niệm “Tôn giáo thế giới là một nhà”; đề cao giáo dục tôn giáo để thay vào chỗ thiếu sót rất lớn của giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội hiện nay. Riêng về Pháp môn Tịnh Độ, ngài là vì sao “Bắc Đẩu”, khai sáng trí tuệ, đức tin về niềm tin Tịnh Độ, chân xác và vững chải trong tâm thức mọi người con Phật về thế giới Tây Phương Cực Lạc, về đức Phật A Di Đà, một đời này quyết định vãng sinh thành Phật.

Điểm đặc sắc của đời ngài có ba việc: Không quản tiền, không quản người, không quản việc. tất cả đều tùy duyên mà không phan duyên, chỉ thuần “hoằng pháp lợi sinh”, đẩy mạnh truyền thống văn hóa giáo dục. Trên năm mươi năm không xem truyền hình, báo chí, luôn bảo trì tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ. Có thể nói ngài là “Thế Giới Đệ Nhất nhân”, không có người thứ hai trong thời đại mạt pháp. Để bổ túc thêm vào phần tiểu sử của Hòa Thượng, xin được tóm tắt nêu ra một ít về lời giới thiệu của người dịch Thích Nhuận Nghi (chùa Từ Đức, Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai Việt Nam) trong “Tịnh Không Pháp Sư gia Ngôn Lục”, tập một, như sau:

“Trong quá trình phiên dịch, tôi nhận thấy những lời dạy của Hòa Thượng đã đánh thức tôi rất nhiều trên con đường hành trì tu học Phật pháp, như kim chỉ nam quán chiếu lại mình để tu tập, nhằm chuyển hóa những tập khí vô minh từ nhiều đời, và tôi đã vừa dịch vừa đọc, nghiền ngẫm như vậy trong suốt sáu năm…” Phần sơ lược tiểu sử của Hòa Thượng, sách này cũng nêu ra: “Hòa  Thượng Tịnh Không đã quyên tặng xây dựng trên một trăm trường học tình thương và nhiều quỹ dành cho giáo dục, y tế trên toàn cầu, in ấn hàng triệu bản kinh sách, băng đĩa v.v… Ngài luôn tôn trọng đề cao tất cả pháp môn, nhưng đặc biệt xiển dương tông Tịnh Độ”.

Vì vậy, ngài chủ trương khuyến tấn hành giả tu theo pháp môn Niệm Phật A Di Đà. Ngài nhấn mạnh Phật pháp không phải là mê tín. Phật pháp là Giác-Chánh-Tịnh: Giác là không mê; Chánh là không tà, Tịnh là không nhiễm. Tuy tuổi đã cao nhưng vẫn ngày ngày giảng pháp bốn tiếng đồng hồ trên đài truyền hình vệ tinh, phục vụ cho những ai hữu duyên học Phật. Ngài thường nhắc nhở người học Phật muốn đạt công phu lợi ích chân thật trên con đường hành trì tu học, phải luôn ghi nhớ câu: “Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh Giác, Từ Bi, Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên, Niệm Phật”.

Ngài cũng thường nhắc nhở người tu, học Phật cần phải tránh: “Tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn”.

Ngài đúng là một vị cao tăng, đại từ bi, đại trí tuệ của Phật giáo đương đại.

Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Âm – Phổ Hạnh Cẩn chí


 

II. NHÂN DUYÊN THÀNH LẬP TỊNH TÔNG HỌC HỘI

Đây là nhân duyên! Tôi rời tổ quốc mấy mươi năm, lần đầu tiên về nước, hình như là thập niên tám mươi, là năm 1987 hay 1988 gì đó, không nhớ rõ! Ở Mỹ, tôi liên hệ được với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, biết được ông đang ở Đại Lục hoằng dương bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, tôi vô cùng hoan hỷ, bởi vào thời đó, hoằng dương bản này (tức bản Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh do cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập) không có ai, ở hải ngoại chỉ có mình tôi, ở Đại lục chỉ có mỗi mình ông ấy. Ở Mỹ, tôi chỉ điện thoại liên hệ ông nhưng chưa gặp mặt vì thời gian ông ở Mỹ có một tháng rồi trở về nước.

Tôi đến Bắc Kinh, Đại Lục thăm ông. Sau khi gặp mặt, ông nói với tôi: hy vọng ở hải ngoại tôi thành lập Tịnh Tông Học Hội, đây là nguyện vọng của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, từ lâu ông đã đề xuất nhưng ở Đại Lục không thực hiện được, ông hy vọng tôi ở hải ngoại làm được.

Tịnh Tông Học Hội thứ nhất của tôi ở hải ngoại là tại Vancouver, Canada. Tịnh Tông Học Hội thứ hai ở Mỹ, California, do Vương Nhất Hoa chủ trì, phát triễn cũng khá. Riêng ở Mỹ và Canada có hơn ba mươi Tịnh Tông Học Hội. Tịnh Tông Học Hội chính là Liên xã ngày xưa, chỉ đổi danh xưng mà thôi. Danh xưng này là hiện đại hóa, mọi người nghe qua có vẽ rất mới mẻ, không giống như Liên xã trước đây, nói đến Liên xã, mọi người liền nghĩ đó là tôn giáo, là mê tín. Cho nên, Hạ Liên Cư, ông ấy nghĩ rằng phải đổi tên, tên không chánh tức ngôn không thuận, tất cả đạo tràng Phật Giáo nên đổi thành Học Hội như: Thiên Thai Tông là Thiên Thai Học Hội, Hoa Nghiêm Tông là Hoa Nghiêm Học Hội v.v…

Hiện tại trên toàn thế giới, tính đến nay (năm 2010) có khoảng trên hai trăm “Tịnh Tông Học Hội”. “Tịnh Tông Học Hội” là do ông ấy đề ra, chúng tôi ở nước ngoài thực hiện. Chúng tôi không có quản hạt, các “Tịnh Tông Học Hội” mỗi mỗi đều độc lập: hành chánh độc lập, nhân sự độc lập, tài vụ độc lập, chỉ có lúc tổ chức hoạt động, chúng tôi hỗ trợ chi viện cho nhau. Chúng tôi không có tổ chức, không có trên dưới, mọi người đều bình đẳng như nhau, đều là tự động tự phát.

Chúng tôi toàn tâm, toàn lực giúp họ, hiệp trợ cho họ trên Giáo, Lý, Hành, Quả. Bất luận giảng kinh ở đâu, chúng tôi dùng mạng internet, họ đồng bộ đều có thể thu nghe được; truyền hình vệ tinh lại càng thuận tiện, hai mươi bốn tiếng đồng hồ không hề gián đoạn, chúng tôi dùng phương pháp này để liên hệ. Thỉnh thoảng có việc cần tham quan, thăm viếng, tiếp xúc và chia sẻ Phật pháp với mọi người, ngoài ra tất cả thời gian đều dùng vào việc giảng kinh.

Tại Úc châu, chúng tôi kiến lập một Tịnh Tông Học Viện, đây là cơ quan bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, khác với Tịnh Tông Học Hội là thuộc về cơ cấu tôn giáo. Đầu tiên, Tịnh Tông Học Viện Úc châu được chính phủ phê chuẩn là tôn giáo. Nhưng sau ba năm, nhân viên chính phủ đến khảo sát, họ phát hiện chúng tôi đang làm công tác giáo dục không phải là tôn giáo nên qui nạp Học Viện chúng ta vào giáo dục xã hội, qui về trường học. điều này thật hiếm có! Vô cùng hiếm có!

Trên thực tế, đức Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời là làm công tác giáo dục xã hội, suốt đời chỉ dạy học, những hành nghi tôn giáo trong suốt cuộc đời ngài không tìm ra được. Cho nên, chúng ta tôn xưng Thích Ca Mâu Ni Phật là đức Bổn sư, là bậc thầy căn bản của mình; tự xưng mình là đệ tử. Quan hệ giữa chúng ta và đức Thích Ca Mâu Ni Phật là quan hệ thầy trò. Bồ Tát, A-la-hán v.v… là những học trưởng, trong quá khứ đều là học trò của Phật. Chúng ta và Bồ Tát là đồng học trước và sau. Quan hệ phải xác định cho rõ ràng, họ không phải là thần, không phải là thiên, họ là con người học Phật, nhất định phải đem Phật Giáo trở về với giáo dục.

Phương hướng, mục tiêu này năm xưa lúc mới học Phật, Chương gia Đại sư đã chỉ dạy cho tôi, ngài khuyên tôi xuất gia, dạy tôi học Thích Ca Mâu Ni Phật. Quyển sách đầu tiên ngài bảo tôi đọc là “Thích Ca Phương Chí”, “Thích Ca Phổ” tức là truyện ký về đức Phật Thích Ca. Tôi hoàn toàn tiếp thu, nên vừa xuất gia liền bắt đầu giảng kinh dạy học mãi đến năm nay (năm 2010) là năm mươi hai năm. Tôi vô cùng cảm tạ thầy, nếu không có sự chỉ đạo của thầy, cho dù xuất gia cũng sẽ không có thành tựu.

Điểm tốt của tôi chính là vâng lời. Tôi đối với thầy thâm tín không nghi, điều thầy dạy tôi chăm chỉ nỗ lực học tập. Quí là ông trời che chở, thọ mạng tôi kéo dài. Điều này đối với tôi giúp ích rất nhiều, nếu không có được thời gian học tập dài như vậy thì không có cách chi khế nhập được cảnh giới. Huân tập năm mươi hai năm kinh giáo, rất nhiều thứ có thể nhìn thấy, thời gian ngắn quá thì không được.

Tôi học Phật tổng cộng là năm mươi chín năm (tính đến năm 2010), giảng kinh năm mươi hai năm. Năm mươi chín năm kiên nhẫn, miệt mài, mỗi ngày không xa rời kinh quyển. Bình quân mỗi ngày đọc kinh bốn tiếng đồng hồ. Tôi rất hy vọng hiện tại giảng kinh cũng có thể được bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Giảng bốn tiếng cũng không có vấn đề gì, nhân duyên thôi! Tất cả tùy duyên! Sống trên thế gian này không có gì khác ngoài việc giảng kinh. Sống một ngày, giảng một ngày. Ngoài giảng kinh ra tất cả đều buông xuống hết. Từ lâu đã buông hết rồi!

(Viết theo “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa” do Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng ngày 14-10-2010 tại Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội Hồng Kông”, tập 166).

Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Âm – Phổ Hạnh Cẩn chí