LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

CHƯƠNG 14

GIẢI THÍCH: HIỆN PHỔ THÂN

KINH: Bấy giờ Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, đức của Ngài đặc biệt tôn trọng, sắc tướng sáng chói, oai đức cao lồng lộng, khắp cả mười phương thế giới chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, giống như núi chúa Tu-di, sắc sáng chói thù thắng đặc biệt, các núi khác không thể sánh bằng.

LUẬN: Hỏi: Phật do năng lực gì mà ở giữa tất cả chúng sanh, đức của Ngài đặc biệt tôn trọng, oai đức sáng chói lồng lộng đến như vậy? Như Chuyển luân Thánh vương, Chư thiên, Thánh nhân, cũng có sức lớn, oai đức sáng chói, cớ sao chỉ nói Phật có oai đức đặc biệt tôn quý?

Đáp: Các Thánh Hiền ấy tuy có oai đức sáng chói, nhưng có hạng lượng, cũng như ngôi sao, khi mặt trời đã mọc lên thì lặn mất không hiện. Phật từ vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, tập hợp các công đức, tất cả đã đầy đủ. Vì nhân duyên lớn nên quả báo cũng lớn, các người khác không được như thế.

Lại nữa, Phật đời đời tu các khổ hạnh, thường bố thí cho chúng sanh vô lượng vô số đầu mặt, tủy não. Đâu chỉ bố thí Quốc thành thê tử mà thôi, còn đời đời tu hành đã đầy đủ tất cả các giới, các nhẫn, các tinh tấn, các thiền định, và trí tuệ thanh tịnh không so sánh, không thể phá hoại, không thể cùng tận. Do năng lực của quả báo ấy mà được oai thần thù đặc không thể cân lường. Do vậy nên nói vì nhân duyên lớn nên quả báo cũng lớn.

Hỏi: Nếu Phật có thần lực vô lượng, oai đức vòi vọi không thể kể hết, thì vì sao còn chịu chín tội báo: 1- Bị con gái Phạm-chí tên Tôn-đà-lỵ hủy báng, năm trăm A-la-hán cũng bị hủy báng, 2- Bị con gái Bà-la-môn tên là Chiên-già (Cinca) buộc chiếc bát gỗ làm bụng to giả mang thai để hủy báng Phật, 3- Bị Đề-bà-đạt-đa xô đá từ trên núi xuống đè chân Phật làm bị thương ngón chân cái, 4- Cây đổ tung chích chân, 5- Vua Tỳ-lưu-ly đem binh sát hại con cháu họ Thích, Phật bị đau đầu, 6- Nhận lời mời của Bà-la-môn A-tỳ-đạtđa mà phải ăn lúa ngựa, 7- Bị gió lạnh làm lưng đau, 8- Sáu năm khổ hạnh, 9- Đi vào làng Bà-la-môn khất thực không được gì, phải mang bát về không. Lại trước và sau đông chí 8 ngày, gió lạnh làm gãy tre, phải tìm ba y để che lạnh. Lại vì bị nóng nên A-nan mới đứng sau quạt cho Phật. Những việc nhỏ của thế gian như vậy, Phật đều chịu đủ. Nếu Phật có thần lực vô lượng, sắc tướng sáng chói, oai đức vòi vọi giữa ba ngàn Đại thiên thế giới, cho đến thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên, dưới, vì sao còn chịu các tội báo ấy?.

Đáp: Phật sanh ở trong loài người, có cha mẹ, mang thân lực con người, nhưng sức mạnh của một ngón tay còn hơn cả sức mạnh của ngàn vạn ức Na-do-tha Voi trắng. Sức thần thông của Phật vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn. Người con của vua Tịnh-phạn ấy, nhàm chán lão bệnh tử khổ mà xuất gia học đạo, người ấy đâu phải thụ tội báo, bị lạnh nóng làm khốn bức? Như thần lực của Phật không thể nghĩ bàn, trong pháp không thể nghĩ bàn thì đâu có các hoạn nạn lạnh nóng?

Lại nữa, Phật có hai thân: Một là thân pháp tánh, hai là thân cha mẹ sanh. Thân pháp tánh thì đầy khắp mười phương hư không, vô lượng vô biên, sắc tượng đoan chánh, tướng hảo trang nghiêm, sáng chói vô lượng, âm thanh vô lượng. Chúng nghe pháp cũng đều khắp hư không (chúng này là cũng thân pháp tánh, không phải người còn sanh tử thấy được). Thường hiện ra nhiều thân, nhiều danh hiệu, nhiều nơi sanh, nhiều phương tiện để độ chúng sanh, thường độ khắp tất cả không giây phút ngừng nghỉ. Phật pháp tánh thân như vậy, hay độ mười phương chúng sanh, còn chịu các tội báo, đó là Phật sanh thân. Phật sanh thân thì thứ lớp thuyết pháp như cách thức của con người. Vì có hai thứ Phật thân, nên có việc chịu tội báo, không lỗi.

Lại nữa, ngay khi Phật đắc đạo, tất cả đều thành tựu. Làm sao mà nay thật có quả báo của pháp bất thiện có thể thọ? Chỉ vì thương xót chúng sanh đời vị lai nên Phật hiện phương tiện thọ các tội báo ấy.

Lại nữa, như A-nê-lô-đậu, cúng đồ ăn cho một vị Bích-chi Phật, mà được hưởng thọ vui trong vô lượng đời, tâm nghĩ tới uống ăn thì liền có, huống gì Phật đời đời lóc thịt cắt tủy để thí cho chúng sanh, mà đi khất thực lại không được gì, phải ôm bát về không? Vì các việc ấy, nên biết rằng Phật vì phương tiện độ chúng sanh nên thọ các tội báo ấy.

Thế nào là phương tiện thương xót chúng sanh đời vị lai? Năm chúng (xuất gia) đệ tử Phật, vì phước bố thí mỏng nên đi khất thực các thứ cần dùng để nuôi sống không được. Hàng cư sĩ nói: “Các ngươi áo cơm không có được, có bệnh không trừ được, làm sao có thể đắc đạo để giúp ích cho người?”. Năm chúng hãy đáp lại rằng: “Chúng tôi tuy không có các việc nhỏ để nuôi thân, mà có phước đức lớn của sự hành đạo. Ngày nay chúng tôi chịu khổ, là tội báo của thân đời trước, còn công đức của ngày nay sẽ có lợi ích ở tương lai. Đại sư của chúng tôi đi vào làng Bà-la-môn khất thực còn không được gì, phải ôm bát không trở về. Phật cũng có các bệnh. Khi con cháu giòng họ Thích phải trả hết tội, Phật cũng đau đầu. Huống gì chúng tôi là người bậc thấp, phước mỏng?”. Hàng cư sĩ nghe xong, tâm hết giận, liền lấy bốn thứ cúng dường để cung cấp cho các Tỳ-kheo, khiến thân được an ổn, tọa thiền đắc đạo, ấy là Phật vì phương tiện, không phải thật thọ tội báo.

Như trong kinh Tỳ-ma-la-cật nói: “Phật ở nước Tỳ-gia-ly, khi ấy Phật nói với A-nan: “Trong thân ta phát hơi gió nóng, cần dùng sữa bò, ông ôm bình bát của Ta đi xin sữa đem về đây”. A-nan ôm bình bát của Phật, sáng sớm vào thành Tỳ-gia-ly, đến đứng dưới cửa nhà của một cư sĩ. Lúc ấy, Tỳ-ma-la-cật đang đi giữa đó, thấy A-nan ôm bình bát của Phật mà đứng, hỏi A-nan rằng: “Thầy vì sao sáng sớm ôm bình bát đứng đây?”. A-nan đáp: “Phật thân hơi bệnh, cần dùng sữa bò, cho nên tôi đến đây”. Tỳ-ma-la-cật nói: “Thôi, thôi, A-nan! Chớ hủy báng Như Lai. Phật là đấng Thế Tôn, đã vượt qua tất cả các pháp bất thiện đâu còn có bệnh? Chớ khiến kẻ ngoại đạo nghe lời nói thô ấy, chúng sẽ khinh Phật mà nói rằng: “Phật mắc bệnh không tự cứu được, thì làm sao cứu người khác?”. A-nan nói: “Đây không phải là ý của tôi, mà là vâng lời Phật dạy cần dùng sữa bò”. Tỳ-ma-la-cật nói: “Đây tuy Phật dạy, song đó là phương tiện, vì đời ngũ ác trược này nên dùng hình thức ấy để độ thoát hết thảy. Nếu đời vị lai có các Tỳ-kheo bệnh, sẽ theo hàng cư sĩ để xin thuốc, hàng cư sĩ nói: “Các Thầy bệnh không tự cứu được, còn đâu cứu được người khác?”. Các Tỳ-kheo sẽ nói lại: “Đại sư của chúng tôi cũng có bệnh, huống thân chúng tôi như cỏ nát mà không bệnh được ư?”. Vì việc ấy, các cư sĩ đem thuốc cúng cấp cho Tỳ-kheo, khiến họ được an ổn mà tọa thiền hành đạo. Có kẻ tiên nhân, có thể dùng cỏ thuốc, chú thuật để trừ bệnh cho người, huống gì Như Lai đầy đủ tất cả trí đức mà tự thân có bệnh không trừ được sao? Thầy hãy lặng lẽ ôm bình bát lấy sữa mang đi chớ để các người dị học nghe biết”.

Vì vậy nên biết Phật vì phương tiện chứ chẳng phải thật có bệnh. Nhân duyên về các tội báo khác cũng như vậy. Thế nên nói Phật mà đức của Ngài đặc biệt tôn quý, sắc tướng sáng chói, oai đức vời vợi.

KINH: Bấy giờ, Thế Tôn dùng thân thường để chỉ thị cho tất cả chúng sanh ở ba ngàn đại thiên thế giới này. Lúc ấy, trời Thủ-đà-hội, trời Phạm-chúng (đúng là trời Phạm-thế), trời Thahóa-tự-tại, trời Hóa-tự-lạc, trời Đâu-suất-đà, trời Dạ-ma, trời Tam-thập-tam, trời Tứ-thiên-vương và ba ngàn đại thiên thế giới, người với phi nhân, lấy các thứ hoa trời, chuỗi Anh-lạc trời, nước hương trời, hương bột trời, Hoa sen xanh, Hoa sen đỏ, Hoa sen trắng, Hoa sen hồng trời và hương lá cây trời, đem đến chỗ Phật.

LUẬN: Hỏi: Phật vì sao dùng thân thường để chỉ thị cho hết thảy chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới này?

Đáp: Phật muốn thuyết Đại Bát-nhã Ba-la-mật nên nhập vào Tam muội vương tam muội, rồi từ luân tướng dưới bàn chân chiếu sáng lên đến nơi nhục kế, rực sáng to lớn, giống như khi kiếp tận lửa cháy, từ các núi Tu-di theo thứ tự cháy hết, ánh sáng ấy biến khắp ba ngàn đại thiên thế giới cho đến thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở mười phương, tất cả đều rất sáng. Chúng sanh trông thấy hết thảy đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bô-đề, ấy là thần lực ban đầu khi Phật muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật. Thứ hai là hết thảy lỗ chân lông đều mỉm cười. Thứ ba là phóng ánh sáng thường, mỗi ánh sáng một trượng. Thứ tư là tướng lưỡi phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà cười. Thứ năm là nhập vào Sưtử-du-hý tam muội, ba ngàn đại thiên thế giới rung động sáu cách. Thứ sáu là Phật ở tòa Sư tử hiện thân tối thắng, sắc tượng chói sáng, oai đức cao vòi vọi, lấy thần lực ấy mà cảm động chúng sanh. Những người có lòng tin đều đến được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề. Trong đó đối với người có lòng nghi thì Phật hiện thân thường, làm cho họ có được tâm tín giải, mà mỗi người đều nói lên rằng: “Nay được thấy đây là chân thân của Phật”. Do thần lực của Phật, nên người ở trong ba ngàn đại thiên thế giới thấy thân thường của Phật, dù ở xa hay gần đều vô ngại. Khi ấy chúng sanh ở ba ngàn đại thiên thế giới rất hoan hỷ nói rằng: “Đây đúng là thân Phật”. Lúc Phật mới sinh, lúc Phật mới Thành đạo, lúc Phật mới Chuyển pháp luân, đều dùng thân ấy, suy nghĩ như vậy, ấy đúng là thân Phật.

Hỏi: Sao gọi là trời Tịnh-cư, trời Phạm-thế?

Đáp: Ở đệ Tứ thiền có tám chỗ, năm chỗ là của A-na-hàm ở gọi là Tịnh-cư, ba chỗ là của phàm phu và Thánh nhân chung ở. Quá tám chỗ ấy có chỗ của Thập trụ Bồ-tát ở, cũng gọi là Tịnh-cư, hiệu là vua trời Đại-tự-tại. Trời Phạm-thế là có ba nơi sanh: Một là trời Phạmchúng, chỗ của các tiểu Phạm-thiên sanh. Hai là trời Phạm-phụ, chỗ của quý Phạm -thiên sanh. Ba là trời Đại Phạm, nơi của kẻ tu Trung gian thiền sanh đến.

Hỏi: Lìa dục thì đồng nhau, vì sao khi sanh ra có chỗ quý tiện khác nhau?

Đáp: Sơ thiền có ba hạng: Hạ, trung, thượng. Nếu tu Hạ thiền thì sanh vào Phạm-chúng, nếu tu Trung thiền thì sanh vào Phạm-phụ, nếu tu Thượng thiền thì sanh vào Đại-phạm. Tu hạnh từ cũng như thế. Như Diệu-nhãn-sư suy nghĩ rằng: “Ta vì mọi người mà thuyết pháp, họ đều sanh trong Phạm-thiên. Ta nay không nên sanh đồng một chỗ với đệ tử, ta hãy tu hạnh thượng từ”. Do tu thượng từ nên sanh trong Đại Phạm-thiên.

Lại nữa, do tâm thanh tịnh bậc nhất nên sanh trong Đại Phạm-thiên.

Hỏi: Vì sao đối với bốn thiền, ở đây chỉ nói đến Sơ thiền và Tứ thiền, còn hai thiền giữa không nói?

Đáp: Vì bước đầu lìa dục là khó, cuối cùng được vi diệu là khó, còn hai thiền ở giữa dễ nhập cho nên không nói.

Lại nữa, nói Phạm-thế là đã bao gồm Sắc giới, nhưng vì đệ Tứ thiền vi diệu nhất cho nên nói riêng.

Lại nữa, vì người phần nhiều biết Phạm-thiên, không biết các cõi trời khác, nên chỉ nói Phạm-thiên. Còn Tịnh-cư thiên thường vì thương xót chúng sanh, mà khuyến thỉnh Phật (cho nên nói).

Lại nữa, Phật thuyết pháp, âm thanh thấu đến Phạm-thiên. Lúc Phật Đắc đạo, chư thiên triển chuyển xướng lên âm thanh cao đến trời Tịnh-cư. Vì vậy nên chỉ nói Sơ thiền và Tứ thiền, không nói hai thiền giữa.

Lại nữa, Phạm-thiên gần Dục giới nên cần phải nghe, trời Tịnhcư là chủ Sắc giới cho nên cần phải nghe. Giống như người giữ cửa biết khách đến, khi khách đi đến chủ nó thời chủ biết; còn các người trung gian vì là vô sự, nên không nói đến.

Lại nữa, ở Nhị thiền thì rất mừng, ở Tam thiên thì rất vui, mừng và vui dễ phóng dật cho nên không nói.

Hỏi: Sao gọi là Tha-hóa-tự-tại?

Đáp: Cõi trời này chiếm lấy sự biến hóa của người khác để làm vui cho mình, cho nên gọi là Tha-hóa-tự-tại. Hóa-tự-lạc là hóa ra năm trần để tự vui, nên gọi là Hóa-tự-lạc. Đâu-suất gọi là Tritúc thiên. Dạ-ma gọi là Thiện-phần thiên. Thứ hai là Tam-thập-tam thiên. Trời dưới thấp hơn hết gọi là Tứ- thiên-vương thiên.

Núi Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do tuần. Trên có thành của Tam-thập-tam thiên. Bên núi Tu-di có núi gọi là Kiền-đà-ra, cao bốn vạn hai ngàn do tuần. Núi này có bốn chóp, trên chóp đều có thành. Tứ-thiên-vương mỗi trời ở một thành. Các trời Dạ-ma v.v… ở đất bằng bảy báu, có gió cầm giữ nó ở giữa hư không, cho đến trời Tịnhcư cũng lại như vậy.

Các trời như vậy thấy thân Phật thanh tịnh, chói sáng trong sạch lớn lao, họ mang các đồ cúng dường, nào là hoa ở nước, hoa trên khô.

Hoa mọc trên đất thì hoa Tu-man-đề là quý nhất, hoa sanh trong nước thì Hoa sen xanh là quý nhất, hoặc hoa của cây, hoa của cỏ mọc lan …, các danh hoa ấy đủ các màu sắc lạ, đủ các mùi thơm, họ đều mang hoa trời đi đến chỗ Phật, vì các hoa ấy sắc đẹp, thơm nhiều, mềm mại trơn mịn, nên lấy để làm đồ cúng dường.

Thế nào là hoa trời? Hoa trời thơm tho, mùi thơm bay ngược gió. Các chuỗi Anh-lạc trời, thì treo ở trên Phật; hương ở đầm nước trời thì bôi chỗ đất Phật; hương bột trời thì rải lên trên Phật. Hoa sen trời chỉ có hoa xanh, đỏ, hồng, trắng, sao không có vàng? Vàng thuộc hỏa, hỏa thì không thích hợp với hoa mọc ở nước. Hoa sen báu của trời thì cọng bằng Lưu-ly, đài bằng Kim-cương, lá bằng vàng Diêm-phù-na-đà, mềm mại mà thơm, cùng với hương lá cây của trời, mang đến chỗ Phật.

Hỏi: Nếu hàng chư thiên cúng dường thì nên cúng hoa trời, còn người và phi nhân, thì làm sao có được hoa trời?

Đáp: Phật dùng thần túc phóng ánh sáng lớn, quả đất sáu cách rung động, chư thiên mưa xuống đủ thứ hoa đẹp, đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới để cúng dường Phật. Người và phi nhân hoặc lượm lấy hoa ấy để cúng dường Phật.

Lại nữa, theo pháp của xứ Thiên Trúc, những thứ vật đẹp đều gọi là thiên vật. Hoa của người và phi nhân ấy tuy không phải là hoa trên trời, nhưng vì nó tốt đẹp nên gọi là hoa trời. Vì vậy nên nói người và phi nhân mang các hoa trời, không có lỗi gì.

KINH: Lấy các thứ hoa trời, cho đến hương lá cây của trời ấy, rải lên trên Phật.

LUẬN: Hỏi: Vì sao lấy hoa rải lên trên thân Phật?

Đáp: Vì cung kính cúng dường. Lại, ánh sáng Phật chiếu ra ở xa đều thấy Phật, tâm rất vui mừng. Để cúng dường Phật, đều lấy các thứ hoa rải lên trên Phật.

Lại nữa, ở trong ba cõi, Phật là phước điền bậc nhất, nên lấy hoa rải lên trên Phật.

KINH: Hoa được rải ra đều hóa thành đài lớn ở giữa hư không, trên ba ngàn đại thiên thế giới.

LUẬN: Hỏi: Vì sao hóa làm đài ấy ở giữa hư không?

Đáp: Hoa được rải ít mà hóa làm đài lớn, là để chỉ thị cho chúng sanh biết nhân ít quả nhiều.

Hỏi: Làm sao đài ở giữa hư không mà không rớt?

Đáp: Phật dùng thần lực muốn chỉ thị cho chúng sanh biết Phật là phước điền, cúng Phật thì được quả báo không bị mất, cho đến khi thành Phật, phước đó vẫn còn.

KINH: Sắc, năm sắc rực rỡ. Các tàng hoa, Anh-lạc ấy bốn bên đài hoa ấy treo các Anh-lạc, tàng hoa tạp khắp đầy ba ngàn đại thiên thế giới.

LUẬN: Hỏi: Nếu Phật tự có thần lực, vì sao nhân có hoa rải ra mới biến hóa làm thành đài?

Đáp: Vì muốn khiến người sanh lòng tin thanh tịnh. Người ấy thấy hoa cúng dường đều biến thành đài lớn, thì tâm rất vui mừng. Nhân vui mừng nên được phước đức lớn.

KINH: Do tàng hoa, Anh-lạc trang nghiêm, nên ba ngàn đại thiên thế giới này đều thành sắc vàng, và thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở mười phương đều cũng như vậy.

LUẬN: Có người nói rằng: “Chuyển luân Thánh vương làm chủ bốn thế giới, Phạm-thiên vương làm chủ ngàn thế giới, Phật là chủ của ba ngàn đại thiên thế giới”. Để cho thấy lời nói ấy không đúng, nên Phật biến hóa cho đến thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở mười phương.

KINH: Bấy giờ, chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến mười phương, mỗi mỗi tự nghĩ: “Phật riêng vì ta mà thuyết pháp, chứ không vì các người khác”.

LUẬN: Hỏi: Phật chỉ dùng một thân thị hiện giữa ba ngàn đại thiên thế giới và mười phương; nay chúng sanh vì sao lại mỗi mỗi thấy Phật ở trước mặt mình thuyết pháp?.

Đáp: Phật có hai thứ thần lực: Một là ngồi một chỗ thuyết pháp, khiến các chúng sanh ở xa đều thấy, ở xa đều nghe. Hai là Phật ở tại một chỗ thuyết pháp, có thể khiến mỗi mỗi chúng sanh đều tự thấy Phật ở trước mặt mình thuyết pháp, giống như chỉ một mặt trời mọc lên mà ánh hiện khắp các dòng nước.

Lại nữa, chúng sanh không đồng, có người thấy thân Phật khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới, mà sanh lòng tin thanh tịnh. Lại có người mỗi mỗi thấy Phật ở trước mặt mình thuyết pháp, mà sanh lòng tin thanh tịnh, tin ưa vui mừng. Vì vậy nên Phật ở trước mỗi mỗi (chúng sanh) mà thuyết pháp cho họ.

KINH: Bấy giờ Thế Tôn ở tòa Sư tử vui vẻ mà cười, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Do ánh sáng ấy, chúng sanh ở trong ba ngàn đại thiên thế giới này đều trông thấy Phật và Tăng ở phương Đông nhiều như cát sông Hằng; chúng sanh ở trong thế giới nhiều như cát sông Hằng ở phương Đông kia lại thấy Phật Thích-ca Mâu-ni và đại chúng ở trong ba ngàn đại thiên thế giới này. Nam, Tây, Bắc phương, bốn phía trên, dưới cũng đều như thế.

LUẬN: Hỏi: Trước Phật đã nhiều lần phóng ánh sáng, nay vì sao còn phóng ánh sáng ấy?

Đáp: Trước phóng ánh sáng, mỗi mỗi đều có việc, như trước đã nói. Nay vì chúng hội ở thế giới kia và thế giới này chưa trông thấy nhau, nên dùng thần lực ánh sáng làm cho tất cả đại chúng ở thế giới kia và đây được trông thấy nhau.

Hỏi: Như trong hàng đệ tử, người có Thiên nhãn bậc nhất là Đại A-la-hán A-nê-lô-đậu, nếu mà tạm quán thì chỉ thấy được tiểu thiên thế giới, quán kỹ mới thấy được hai ngàn thế giới. Đại Bích-chi Phật tạm quán thì chỉ thấy được hai ngàn thế giới, quán kỹ mới thấy được ba ngàn đại thiên thế giới. Còn nay tất cả mọi người làm sao mà có thể thấy được thế giới chư Phật ở phương Đông nhiều như cát sông Hằng?

Đáp: Đó là do thần lực của Phật làm cho được thấy, chứ không phải sức của chúng sanh. Dẫu A-la-hán và Bích-chi Phật ở các nơi khác cũng nhờ thần lực của Phật mà thấy được vô hạn. Giống như Chuyển luân Thánh vương bay đi, hết thảy kẻ tùy tùng và voi, ngựa, súc vật đều cũng đi theo. Nay do thần lực của Phật, chúng sanh tuy ở chỗ xa, cũng được thấy Phật. Lại như do năng lực của Ban-châu tam muội, tuy không có được Thiên nhãn, mà vẫn thấy được mười phương Phật, con mắt thấy không ngăn ngại. Cũng như khi kiếp tận lửa cháy, hết thảy chúng sanh tự nhiên đều được thiền định, được Thiên nhãn, Thiên nhĩ. Phật dùng thần lực khiến tất cả chúng sanh đều thấy được từ xa cũng như vậy. Bấy giờ, Thế Tôn ở tòa Sư tử mà cười. Cười như trước đã nói, còn điều chưa nói nay sẽ nói.

Hỏi: Chúng sanh ở phương này xa thấy ở phương kia, là do thần lực của Phật, còn chúng sanh ở phương kia cũng thấy ở phương này là do thần lực ai?

Đáp: Đó là thần lực của Phật Thích-ca Mâu-ni khiến chúng sanh kia được thấy ba ngàn đại thiên thế giới ở phương này, và thấy Phật Thích-ca Mâu-ni cùng tất cả chúng hội. Nam, Tây, Bắc phương, bốn phía trên, dưới cũng như thế.