KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

DỊCH ÂM – DIỄN NGHĨA – YẾU GIẢI

Hán dịch: Bát Thích Mật Đế
Việt dịch: Hòa Thượng Thiền Sư Thích Từ Quang

LỜI TỰA

NAM-MÔ BỔN Sư THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Đức Phật từ-bi vô-lượng, không phân biệt thân-sơ, giai-cấp, chủng tộc, suốt đời truyền-bá một giáo-lý đại-đồng và lúc nào cũng muôn giáo- lý đó được hiển-minh phổ-biến khắp vũ-trụ sơn-hà, từ thành thị chí thôn quê, bất luận xuất gia hay tại gia, quan hay dân, giàu hay nghèo, ai ai cũng hấp thụ được, chỉ có người tùy căn cơ riêng mà lãnh hội.

Vì nhân quả bất đồng, căn cơ khác nhau, mỗi người mỗi cảnh, bá nhân bá tánh, thành thử chúng sanh không thể tu hành bằng một cách thức như nhau.

Thế nên xưa Đức Phật tùy cơ duyên giảng dạy vô lượng pháp môn, cốt yếu là hóa độ chúng sanh tuần tự nhi tiến đến quả vị trọn lành. Thật ra, Tôn-ý của Phật chỉ thuyết Phật thừa duy nhứt, vì đại nguyện của Phật muốn tất cả chúng sanh đều thành Phật, sở dĩ chúng sanh không thành Phật được là tại chúng sanh tạo tác vọng nghiệp tất phái thọ báo vay rồi trả, trả đủ lại vay, sông lẩn quẩn trong vòng nghiệp báo mê khổ.

Ở thế gian, từ phụ- tử, mẫu- tử, phu- thê, huynh- đệ, bằng-hữu, chủ- tớ, nam nữ lão ấu, dĩ-chi sanh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán tăng-hội, cầu bất- đắc, ngũ uẩn thạnh, tám vạn tư trần lao đều do nghiệp sanh ra. Nghiệp không phải tự có, nhưng có là tại Tâm. Hễ Tâm sanh thì Pháp sanh, Tâm diệt thì Pháp diệt. Tất cả Pháp đều do Tâm sanh, Tâm không sanh thì Pháp không có chỗ trụ.

Làm Phật làm ma, làm Thánh làm phàm, thiện-ác, phước-tội, khôn- dại, trí-ngu …. nhứt thiết duy Tâm tạo.

Đành rằng sống ở thế gian, ai cũng có định mạng, đó là nghiệp tiền kiếp làm nhân cảm thọ quả báo. Nhưng nếu hiểu thấu luật nhân quả cảm-ứng thiên-nhiên chí-công, thì nhận thức định mạng không phải bất di bất dịch. Định mạng do Tâm mà có, dĩ nhiên cải thiện là quyền của Tâm, chớ không phải ở định mạng. Vì thế, làm Phật-tử chẳng bao giờ chịu thúc-thủ trước định mạng và luôn luôn cải thiện định mạng, hoặc xấu thành tốt, hoặc tốt càng tốt hơn, đó là tu hành.

Đức Phật có sẩn Tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nhưng đối với hạng người không tu hành thì Tâm Phật dầu từ bi cách nào cũng vô phương cứu độ.

Đức Phật có sẵn thuyền Bát-Nhã huyền diệu đũ năng lực đưa người vượt biển khổ, lên bờ giác, nhưng đối với hạng người không chịu xa lìa bến mê thì thuyền Bát-Nhã dầu huyền-diệu cách nào cũng vô hiệu- quả.

Đức Phật là Thầy Mô-Phạm, chuyên dạy Chơn-lý giải thoát, nhưng hạng người chỉ biết sống theo trần tục, không có nhân duyên Phật-pháp thì có thể khinh thường chơn-lý đó, ví như Đức Phật cho cơm, nhưng hạng người không chịu ăn tất không làm sao no dạ.

Vì vậy ai có túc duyên phát nguyện tu Phật thì phải tự lực học đạo, tự lực hành đạo, mới được toại nguyện. Phàm tu tất phải công phu, vì có công phu mới hiểu thấu Phật pháp nhiệm-mầu, tu tất phải thực hành vì có thực hành mới biết rõ Phật pháp chí linh.

Phật-pháp dạy người bằng thể thức đưa ra Chơn-lý cho người nghiên cứu chu đáo để tự xét, tự tỉnh, tự tu, tự chứng, tuyệt nhiên Phật pháp không bắt buộc ai, không cám dỗ ai, cũng không thừa nhận các sự nghe nhảm tin càn, xu hướng viển vong, mê tín dị đoan, hoang đường huyễn hoặc và tất cả loại tà giáo ngoại đạo.

Người tu Phật có bổn phận nghe hiểu sáng suốt, suy xét sáng suốt và hành đạo sáng suốt thì mới vào được cảnh trí chánh định. Đó là văn huệ, tư huệ, tu huệ, ba yếu tố tối cần cho những ai muôn tỏ ngộ Tâm Chơn-Như.

Thế nào là Tâm Chơn-Như?

Tâm Chơn-Như là một thể bản nhiên thuần nhứt chơn thiệt, thanh tịnh trang nghiêm, trạm tịch châu viên, như-như bất động, thiêng sáng thông suốt, thường trụ đời đời, tuy tùy duyên mà có sanh-tử nhưng vẫn luôn luôn bất biến, Tâm đó là Tâm Phật.

Đức Phật hiểu rõ chúng sanh có Tâm Chơn-Như tất có thể tu hành thành Phật, nên xuất hiện như thế nhằm mục đích làm cho chúng sanh được khai thị ngộ nhập tri-kiến Phật.

Tuy nhiên vì chúng sanh phàm phu sống theo ngũ trược ác thế, vô minh ám che Tâm Chơn-Như, sanh ra vô số bịnh chướng mà phải trầm luân ở biển khổ luân hồi.

Nếu muốn trị bịnh chướng, tất nhiên phải ứng dụng một pháp môn linh nghiệm.

Tôi xin giới thiệu kinh Thủ-Lăng-Nghiêm,

Nếu ai có nhân duyên với Thủ-Lăng-Nghiêm, thì nhận thấy Thủ- Lăng-Nghiêm là diệu dược trị lành các bịnh chướng trầm kha.

Thủ-Lăng-Nghiêm là bộ kinh Thượng-thừa, tùng tiệm nhập đốn, hoàn toàn khế hiệp với chơn lý nhân quả, thích hợp với căn cơ chúng sanh.

Thủ-Lăng-Nghiêm có hiệu lực tẩy sạch vô minh, phá tan nghiệp thức, khêu đèn trí huệ, mở lối Niết Bàn, chỉ rõ Tự Tâm, khai bày Tự Tánh, đạt chánh quả Tự Tại vĩnh cửu.

Thủ-Lăng-Nghiêm như kim Chỉ nam hướng dẫn người tiến hóa đủ ba phương diện chơn thiện mỷ, từ nhiễm tới tịnh, từ mê tới giác, từ phàm cảnh thống khổ tới Thánh cảnh an vui.

Luận về Hiển giáo, các chơn thiệt ngữ trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, biết chứng lập phương, tùy bịnh dùng thuốc, phá tướng mê chấp, viên dung sự lý, gồm đủ công đức kiến đạo, hành đạo và chứng đạo.

Biết sử dụng Thủ-Lăng-Nghiêm thì lửa lục thức phải tắt, gió lục trần phải ngưng, ngũ ấm phải tan, tứ đại phải mất, ái dục phải dứt, vô minh phải tiêu, bội trần hiệp giác, phản bổn hoàn nguyên, minh tâm kiến tánh thành Phật.

Luận về Mật giáo, chú Thủ-Lăng-Nghiêm tinh tế cực điểm, cảm ứng phi thường, đó là chú tâm gồm đủ oai đức lực, lý pháp lực, công dụng chí linh, phàm tri vô phương phê phán.

Chú tâm Thủ-Lăng-Nghiêm chẳng những cứu ngài A-Nan thoát nạn, lại còn khiến được nàng Ma-Đăng-Già cải tà qui chánh.

Thể theo Mật tông, ai đã phát Bồ Đề tâm, hằng ngày chí thành chuyên trì chú tâm Thủ-Lăng-Nghiêm, thì khi rủi gặp cừu hận tương báo hoặc tai nạn bất ngờ, có thể chuyển nặng ra nhẹ và được cứu thoát; các loại yêu tinh quỉ quái, dòng dõi ma vương, dầu có thủ đoạn hiểm độc cũng khó nhiễu hại được; các thứ oan gia trái chủ, nghịch cảnh ác duyên cho tới tất cả chướng ngại trên đường tu hành đều lần lượt dứt tuyệt, lại còn được thân vô trọng bịnh, ý bất tham luyến, tâm hồn thanh thoát, trí huệ thông minh…

Vì cớ ấy, người tu Phật cần nghiên cứu tinh tường kinh Thủ-Lăng- Nghiêm.

Phàm nghiên cứu phải rõ nguồn rõ gốc, vì có nguồn mới đạt dòng, có gốc mới biết ngọn. Nghiên cứu có trúng thì thực hành mới trúng, nhược bằng nghiên cứu sai lạc tất nhiên việc làm phải lầm lẫn, hoặc lấy hư làm thiệt, nhận vọng làm chơn, hoặc mê chấp rất sâu, ngã mạn quá nặng, khó thây Bổn-Lai Diện-Mục, ví như bịnh có thuốc mà không biết dùng đúng căn thì thuốc dầu hay cũng thành dỡ.

Nguyên lý của Đức Phật dạy thậm thâm diệu diệu, lòng phàm khó suy lượng, nên kinh Thủ-Lăng-Nghiêm dầu có công phu tích cực diễn giải cách nào cũng không làm sao dám gọi là rốt ráo được, vã chăng sự nghiên cứu Phật lý tùy túc duyên và căn trí của mỗi người, học hiểu đến bậc nào, lãnh hội đến bậc nấy.

Những ai thuần túy tu hành theo kinh Thủ-Lăng-Nghiêm thì dầu lảnh hội có cao có thấp thảy đều được bổ ích và về một nguồn chơn lý, ví như cùng nhau uống nước cam lộ, người uống một tô, kẻ uống một chén, thậm chí ai uống được một giọt, tuy uống nước có nhiều có ích, nhưng tất cả đều đồng thưởng thức cam lộ vị.

Đức Phật thuyết kinh nào cũng có duyên khởi, như thuyết kinh Thủ- Lăng-Nghiêm: duyên khởi là ngài A Nan trong khi đi khất thực bị nàng Ma Đăng Già dùng tà thuật bắt và khiến ngài toan phá giới. Đức Phật biết ngài A Nan lâm nạn, nên tuyên thuyết chú Thủ-Lăng-Nghiêm, dạy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến trừ tà thuật, giải thoát cho ngài A Nan. Khi diện kiến Đức Phật, ngài A Nan khóc ròng, vô cùng tủi hổ vì tự cảm thấy đa văn nhưng bất lực trước tà thuật; ngài A Nan ngưỡng nhờ Đức Phật dạy bảo cho diệu pháp tu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đây chỉ là bổn nguyện của ngài A Nan, vì vốn là một vị Bồ Tát từng tu với Đức Thích Ca lừ đời Không Vương Như Lai và đã trải qua vô lượng kiếp, ngài A Nan có bổn nguyện bảo toàn Phật Pháp, khi có vị Phật nào ra đời thì ngài thị hiện hộ trì. Điều đó chứng tỏ ngài A-Nan bị tà thuật, tủi hổ, hỏi đạo, được Đức Phật giảng dạy rốt ráo đều là dĩ phương tiện vi môn.

Nhờ Đức Thích Ca và ngài A Nan khai bày phương tiện, nói đi nói lại, hỏi tới hỏi lui, nghĩa lý cao siêu vượt trên sự thấy biết phàm phu, nên chúng sanh mới hiểu rõ con đường tu hành giải thoát.

Vì cớ ấy, khi lãnh hội Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm nên tri ân Đức Thích Ca và đối với ngài A Nan, cũng phải tri ân, tuyệt nhiên đừng thấy chỗ lâm nạn dễ dàng mà vội tạo tội bình phẩm sai lạc.

Nguyên kinh Thủ-Lăng-Nghiêm do Đức Thích Ca thuyết bằng lời nói chớ không có văn tự. Đến thời kỳ kiết tập Pháp tạng lần thứ ba, cách 200 năm sau khi Phật nhập diệt, do ngài Mục Kiền Liên làm chủ tịch và thời kỳ kiết tập Pháp tạng lần thứ tư, cách 500 năm sau khi Phật nhập diệt, do ngài Hiếp Tôn Già và ngài Thế Hữu làm chủ tịch, nhờ hai lần kiết tập này, kinh giáo của Phật được biên chép thành hai thứ văn: Phạn và Pâli.

Thời bây giờ, kinh Thủ-Lăng-Nghiêm là quốc bửu của xứ Ấn Độ, nên Vua cấm đem ra ngoại quốc. Tổ Trí Khải ở núi Thiên Thai, đời Tùy, hằng ngày thành tâm cầu nguyện chư Phật độ cho Trung Quốc có được kinh Thủ-Lăng-Nghiêm càng sớm càng tốt.

Việc phải đến đã đến, khi gặp được nhân duyên thời tiết vào đời Đường, Vua Trung Tôn đệ nhứt có Sa Môn Bát Lặc Mật Đế (Paramiti), người xứ Trung Thiên Trước, trốn phép Vua, xuất ngoại theo đường biển, với bộ kinh Thủ-Lăng-Nghiêm viết bằng văn Phạm. Sa Môn Bát Lặc Mật Đế đến thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Có Sa Môn Di Già Thích Ca (Meghasikhara) người xứ Ô-Trành và ông Phòng Dung, người xứ Trung Hoa, là một vị tướng quốc giữ chức vụ Đồng Trung Thơ Môn Hạ Bình Chương Sự, cũng là một vị Ưu bà tắc có thọ Bồ Tát giới. Hai vị này thành tâm cung thỉnh Sa Môn Bát Lặc Mật Đế về trụ tại Chế Chỉ thiền viện, nơi đây Sa Môn Bát Lặc Mật Đế dịch văn, Sa Môn Di Già Thích Ca dịch ngữ, hai vị Sa Môn này đồng tâm hiệp lực dịch kinh Thủ-Lăng-Nghiêm từ Phạm tự ra Hán tự và ông Phòng Dung làm thư ký biên chép giáo điển.

Nguyên Thầy Bổn Sư Thế Độ của tôi là Hòa Thượng Thiền Sư Thích Hoằng Nghĩa (Giác Viên Tự) có dạy tôi học được kinh Pháp- Hoa, Phạm Võng và Thủ-Lăng-Nghiêm tức là 3 bộ kinh sở đắc của Thầy; rất tiếc Thầy sớm thị tịch nên tôi không được học thêm chi nữa. Tuy nhiên trước khi tịch, nhờ Thầy gởi gắm tôi cho Hòa Thượng Thích Từ Phong (Giác Hải Tự) về việc giáo huấn, nên tôi được nghe Thầy Thích Từ Phong giảng dạy kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, lần thứ hai.

Năm Nhâm Thân (1932), Thầy Thích Từ Phong tuy già yếu nhưng vì tiền đồ Phật giáo, cố gắng làm Hội Trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Thầy tiến dẫn tôi học với Hòa Thượng Thích Chơn Giám (Bích Liên Tự) nguyên Chủ biên Phật học tạp chí Từ Bi Âm.

Vì hết lòng ngưỡng mộ, tôi có nhờ Thầy Thích Chơn Giám giảng dạy kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, lần thứ ba.

Năm Ất-Dậu (1945), trong lúc có biến cố ở Việt Nam, tôi trụ tại Giác Viên Tự, lại được phước duyên hội ngộ Hòa Thượng Thích Từ Nhẫn (Linh Nguyên Tự). Biết Thầy là bậc Cao-Tăng, nên tôi bày tỏ chổ sở mộ Thủ-Lăng-Nghiêm thì Thầy Từ Mẩn dạy cho lãnh hội thêm vài yếu chỉ trong kinh và bảo trùng tuyên. Sau khi nghe tôi trùng tuyên, Thầy dạy tôi tinh tấn niệm chú tâm linh cảm phi phàm nhiều hơn thường lệ, càng nhiều càng tốt, dầu bận việc cách nào cũng đừng gián đoạn và kiên chí gắng công phiên dịch Việt ngữ để phổ biến một phương lương dược, đó là công đức vô lượng.

Nay tuy Chư Tôn Sư đã ly trần, nhưng lời dạy dỗ tồn tại.

Nhờ có nhân duyên thọ giáo như vậy, nên tôi hoàn toàn tin tưởng và phát nguyện trì niệm chú tâm mỗi ngày tôi thiểu ba biến, cầu tiêu vong vọng nghiệp phiền não sở tri từ vô lượng tiền kiếp nhẫn nay mà phàm lực khó diệt, đồng thời cúc cung tận tụy diễn giải Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm.

Ân đức cao cả của Chư Tôn Sư, tôi xin nhứt tâm ghi tạc. Tôi chỉ là một Phật tử thấp kém, tự xét mình phàm phu, nghiệp dày phước mỏng, học thức tầm thường, nhưng vì nhiệt thành với giáo lý từ bi, tôi thiết nghĩ: nếu một bộ kinh cứu thế của Đức Phật chơn truyền như Thủ-Lăng- Nghiêm màcứ để y nguyên văn Hán thì chỉ lợi lạc cho số người học Phật có căn bổn Nho giáo, nên tôi không ngại kiến văn thô thiển, ngôn ngữ vụng về, nương theo Giáo chỉ, dịch âm, diễn nghĩa và yếu giải kinh Thủ-Lăng-Nghiêm nhằm mục đích giúp ích, trong muôn một, những ai đồng quan điểm tu Phật.

Kính xin chư Tôn độc giả lưu ý:

Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm diễn giải toàn bộ 10 quyển.

Tôi không chấp-trước văn-tự, nên trong phần diễn nghĩa có chỗ dịch từng chữ, cũng có chỗ diễn lý chớ không dịch từng chữ, vì cách thức hành văn của Tàu không giống với cách thức hành văn của Việt, giữa hai ngôn ngữ khác nhau, khó được nghĩa xác thật khi diễn giải.

Các câu văn diễn nghĩa có khi đổi trước ra sau, có khi đổi sau ra trước, có khi phải viết dài thêm, cũng có khi thâu ngắn lại, nhưng vẫn giữ nguyên tánh ý của kinh.

Khi gặp lời nói nào khó hiểu hoặc đoạn văn nào bí ẩn thì yếu giải sự lý. Lúc nào tôi cũng giữ kinh chỉ mà diễn nghĩa hoặc chú thích, nếu chẳng may có sự lỗi lầm, đó là ngoài ý muốn, xin chư Tôn độc giả giai đại hoan hỉ lượng thứ và hộ niệm cho.

Tôi trân trọng cung khiêm tiếp nhận những điều chỉ giáo xây dựng chơn chánh của chư Tôn Chơn Đức và Thiện Trí Thức.

Thiết tha mong cầu chư Tôn Phật Tử nghiên cứu rốt ráo kinh Thủ- Lăng-Nghiêm, rồi nương theo Phật chỉ mà nhứt tâm y giáo phụng hành thì nhiên hậu thành tựu Diệu quả Thường Lạc Ngã Tịnh.

Xin nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới hữu tình đồng viên mãn phước huệ.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM Bồ TÁT MA HA TÁT
Hạ Mậu Tý (1948)

Cẩn – Khải

CHƠN ĐỨC THIỀN VIỆN
PHẬT-TỬ THÍCH-TỪ-QUANG

 

THỦ BÚT CỦA HÒA-THƯỢNG THIỀN-SƯTHÍCH-TỪ-QUANG (20/10/1989)