ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།། རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Tsongkhapa
Truyền Thừa Nālandā
NHÓM LAMRIM LOTSAWAS
Việt dịch: Mai Tuyết Ánh, Nguyễn Thị Trúc Mai, Võ Quang Nhân, Trần Cường Việt
Hiệu đính và Biên tập: Mai Tuyết Ánh, Lê Xuân Dương, Võ Quang Nhân, Nguyễn Thị Trúc Mai, Nguyên Phương, Lê Lam Sơn

 

Tsongkhapa
Đại Luận Về Giai Trình Của
Đạo Giác Ngộ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Phiên bản rev.1.10.23
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

 

Bản Quyền:

Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas giữ toàn quyền xuất bản dạng điện tử cho bản dịch này.

Chúng tôi rất hoan hỉ các cơ sở quảng bá Phật giáo cũng như người tu học hay tìm hiểu Phật giáo được chuyển dụng rộng rãi bản dịch này với mục tiêu đem lại lợi ích cho người tu học, tìm hiểu về Phật giáo cũng như là vì mục đích đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Để tránh vi phạm các tác quyền và các nghiệp quả xấu, đề nghị đừng sử dụng sách này qua các hình thức đem lại lợi nhuận tài chánh riêng tư như buôn bán hay đổi chác cũng như không được tự ý chỉnh sửa, thay đổi nội dung hay trích dịch bản quyền này mà không có giấy chuẩn thuận của nhóm dịch thuật Lamrim Lotsawas.

Việc tái dụng sửa chữa hay sao chép lại một phần hay toàn bộ bản dịch này mà có đi kèm với việc đổi danh sách dịch giả, hay việc dùng đến dịch phẩm này mà vượt ra khỏi các chuẩn mực về việc trích dẫn thông thường thì phải có sự chuẩn thuận của nhóm dịch Lamrim Lotsawas bằng văn bản.

Các sai sót trong bản dịch đều là lỗi và trách nhiệm của nhóm dịch thuật Lamrim Lotsawas.

Mọi liên hệ xin liên lạc về người đại diện chịu trách nhiệm phát hành bản dịch điện tử:

Võ Quang Nhân
Email: Lang.dau@gmail.com

***

Lời Nói Đầu Của Bản Dịch Việt Ngữ
(lần tái bản thứ 5)

Kính bạch quý độc giả, các thiện tri thức, và chư tôn đức,

Bộ sách Lamrim Chenmo (tib. ལམ་རིམ་ཆེན་མོ) hay Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ (Tên Hán-Việt là Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận) được đạo sư Tsongkhapa Losangdrakpa (tib. རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ) hoàn tất và phát hành vào năm 1402 tại Tây Tạng và được xem là bộ giáo pháp liễu nghĩa . Bộ sách này sau đó đã trở thành một trong những giáo pháp thực hành tối quan trọng của dòng truyền thừa Gelug, vốn là một trong bốn trường phái Phật giáo lớn nhất tại Tây Tạng đồng thời cũng là dòng truyền thừa mà đương kim Thánh đức Dalai Lama thứ 14 hiện đứng đầu.

So với 3 lần in trước, thì lần thứ tư là lần xuất bản dạng âm thanh do đạo hữu Lê duy Nhựt cùng với nhóm làm việc đã phát tâm thực hiện trong thời gian khá dài vượt qua nhiều trở ngại khác nhau, đến nay thì chúng tôi quyết định cho tái bản lần thứ 5.

Trong lần tái bản thứ tư và thứ năm, chúng tôi đã có tiến hành rà sát và có đưa vào chỉnh sửa của những sai sót của những lần in trước cũng như điều chỉnh các sai sót do bản dịch Anh ngữ tạo ra. Xin chân thành cảm tạ tất cả các đạo hữu, các học giả Tạng và Việt nhiệt tâm đã góp ý cho các chỉnh sửa này.
Riêng trong lần in thứ năm chúng tôi cũng có một số điều chỉnh theo nguyên bản Tạng ngữ. Các điều chỉnh này hầu như không thay đổi ý so với các lần in trước nhưng việc thay đổi này là để tiếp cận phong cách trình bày và sử dụng thuật ngữ Tạng vốn được thiết kế cho kinh luận Phật giáo.
Trong lần này, chúng tôi vô cùng vinh dự chuyển đăng ảnh chụp lại chữ ký của đức Dalai Lama thứ 14 khi ngài ký nhận cho lần xuất bản thứ ba tại Việt Nam.

Vì nội dung và hình thức của bộ sách rất sâu sắc, chi tiết và thâm diệu nên chúng tôi chỉ xin có ít lời mô tả sơ lược. Người đọc chỉ có thể đánh giá được hay tự mình minh định giá trị của nó qua các nghiên cứu cụ thể, chi tiết và thật sự vận dụng các giảng dạy trong sách.

Một cách ngắn gọn, về mặt hình thức thì đây là một bộ giáo pháp cỡ lớn trình bày chi tiết về các phương tiện tu tập cũng như các tri kiến cơ bản từ đơn giản dễ tu học đến phức tạp vi diệu cho hành giả Đại thừa ở mọi mức căn cơ cũng như trình bày về toàn bộ tiến trình tu tập từ lúc chuẩn bị cho đến mức thiền quán để đạt mức tuệ giác thâm cao nhất của hàng Bồ-tát. Trong bộ sách, có khi Ngài đề cập một số chi tiết liên quan đến các kỹ năng tu tập Mật tông nhưng tuyệt đại đa số các phương pháp và các giáo huấn trình bày trong bộ sách đều là tổng quan, cụ thể và hoàn toàn khả thi cho tất cả mọi đối tượng nào với quyết tâm tu tập cao, có thể thuộc vào trong truyền thống Phật giáo bất kỳ, không bắt buộc là người tại gia hay xuất gia, dẫu rằng, có nhiều chi tiết của bộ sách này dường như thích nghi và sâu sắc hơn cho các Phật tử xuất gia. Song, nhìn chung thì không có gì trở ngại cho một người tại gia tu tập các phương tiện được giảng giải miễn là áp dụng đúng theo các biệt huấn này. Bộ sách được chia làm ba quyển Thượng (tập 1), Trung (tập 2) và Hạ (tập 3).

Về nội dung:
Một cách tổng quát, song song với mức độ thực hành tiến bộ, Ngài Tsongkhapa nâng mức triết lý và kiến thức biện luận trình bày dần dần từ sơ đẳng dễ hiểu ở quyển thượng cho đến mức thâm diệu với rất nhiều tranh biện triết lý sâu sắc và miêu tả các trạng thái thiền định và tuệ trong quyển hạ. Thật sự sẽ rất khó cho một độc giả nếu các kiến giải vô cùng vi tế về tính Không và một số tri kiến về thực tại tối hậu (Chân Đế) lại được trình bày ngay từ những bước đầu hay diễn giải cho những người chưa đủ sức để quán chiếu chúng. Đây rõ ràng là dụng ý có tính sư phạm của tổ Tsongkhapa.

Trong quyển thượng, ngoài chương đầu tiên về tiểu sử ngài Atiśa thì còn lại bao gồm các nội dung hay khái niệm rất cơ bản về mà một Phật tử khi bắt đầu tu học cần biết bao gồm các chuẩn bị cho thầy và trò, luân hồi, duyên khởi, Tứ Diệu Đế và đạo pháp tu tập và vv… Quyển 2 tập trung vào các chủ đề tu tập cho người có căn cơ cao hơn bao gồm các giáo pháp tu tập về lòng từ bi, bảy phép luyện tâm, phép hoán chuyển ngã-tha, phát tâm Bồ-đề, nhập môn vào sáu Ba-la-mật-đa và giải thích chi tiết về bốn Ba-la-mật-đa đầu. Quyển hạ đặc biệt nhấn mạnh vào tu tập định lực và tuệ giác tức là hai Ba-la-mật-đa cuối thông qua phương tiện thiền. Trong quyển hạ, ngài Tsongkhapa đưa ra nhiều lý giải chi tiết hay đúng hơn là các bác bỏ cụ thể của Trung Quán Cụ Duyên (hay Trung Quán Quy Mậu, skt. Prasaṅgika) về luận điểm của các trường phái khác, qua đó cho thấy cách thức mà Trung Quán Cụ Duyên “chỉ ra” tánh Không hay về chân lý tối hậu.
Để thấy rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử của bộ luận cũng như để hiểu thêm về tác giả chúng tôi xin trình bày sơ lược về tiểu sử đại sư Tsongkhapa.

Tóm lược tiểu sử Ngài Tsongkhapa:

Ngài sinh năm 1357 tại Amdo đông bắc Tây Tạng. Cho đến 7 tuổi thì ngài sống với đại sư Chöje Döndrup Rinchen. Ngài đã tiếp thụ nhiều giáo pháp và các lễ ban truyền năng lực tu tập cũng như là các tu tập thiền khi còn rất nhỏ.

Từ năm 16 tuổi Ngài được tu học với hơn 50 đạo sư xuất chúng. Từ 1371 đến 1376, Ngài tập trung tu học về các bộ kinh Bát-nhã cũng như là 5 bộ Luận chính của ngài Di-lặc. Tổ Tsongkhapa đã có một tu tập phong phú và tri kiến rất uyên thâm về cả kinh điển lẫn mật điển cũng như là ngài tiếp tục nhận thêm các lễ ban truyền năng lực tu tập từ rất nhiều đạo sư thuộc các truyền thừa khác nhau. Ngài đã mong mỏi phát triển được tri kiến đúng đắn về bản chất của thực tại.

Mười một năm tiếp theo đó Ngài đã đi du hóa tại các đại học Phật giáo đào sâu thêm tri kiến triết học và giảng dạy.

Vào tuổi 35, tổ Tsongkhapa gặp gỡ học trò là ngài Umapa, người này có được năng lực trực kiến được các thị hiện về thân trí huệ {Pháp thân trí huệ (tib. ཡེ་ཤེས་ཆོས་སྐུ)} của ngài Văn-thù-sư-lợi. Umapa trở thành người giúp Tsongkhapa trực tiếp liên lạc với đức Văn-thù-sư-lợi. Sau cùng chính tổ Tsongkhapa cũng đã tự mình trực kiến được Ngài Văn-thù. Trong 1392-1393, theo giáo huấn của Văn-thù, ngài từ bỏ các hoạt động công cộng và tập trung ẩn cư tu thiền. 1394 Ngài chuyển đến Wölka và có thêm có trực kiến của giác thể liên hệ đến các tu tập của mình. Đến 1395 Ngài tạm ngừng ẩn cư để tham gia tu sửa tôn tượng Phật Di-lặc. Ba năm tiếp sau ngài tu tập ở Lodrak và vào năm 1397 ngài bắt đầu lần ẩn cư cuối tại Wölka. Trong năm 1398 Ngài có duyên trực kiến tổ Phật Hộ, trao truyền cho Ngài bản luận (Phật Hộ Căn Bản Trung Quán Luận Thích). Ngài đã dịch ra Tạng ngữ bản Luận này của tổ Phật Hộ. Qua đó, Ngài thấu tỏ được trí huệ về bản chất của thực tại tức là Ngài tìm được lời đáp cho điều mà Ngài truy tầm.

Về hành trạng, Ngài đã có 4 hoạt động quan trọng bao gồm: (1) Trùng tu tôn tượng Di-lặc Bồ-tát, (2) Hoằng hóa sâu rộng cho các tăng sĩ trong nhiều tháng tại tự viện Namste Deng qua đó chấn hưng lại truyền thống tu tập xuất gia, (3) Xác lập “Đại Lễ Cầu Nguyện” tại Lhasa 1409, mở đầu cho một truyền thống vẫn được lưu truyền đến nay vào mỗi hai tuần lễ đầu năm Tây Tạng, (4) Xây dựng tự viện Ganden (Hỷ Lạc Tự)

Ngài viên tịch năm 1419. Sự nghiệp lớn nhất mà ngài để lại chính là sự ra đời của dòng truyền thừa Gelug cũng như là đóng góp to tát vào việc làm sống lại Phật giáo Tây Tạng.

Về hệ thống viết tắt:

Để tạo điều kiện cho quý vị khi đọc một giáo pháp khá công phu này được thuận lợi hơn, chúng tôi xin có vài nhận định lược qua về cách trình bày của bản dịch Anh ngữ. Bản Anh ngữ đã được dịch và trình bày theo phương cách truyền thống Tây Phương. Các chú giải theo hệ thống định dạng tiêu chuẩn và hệ thống viết tắt về tên tựa đề cũng như một số chữ viết tắt thông dụng đã được sử dụng. Vì tôn trọng cách trình bày này, bản dịch Việt ngữ sẽ giữ hầu như nguyên vẹn các chú thích đó. Do vậy, bắt buộc người đọc phải ít nhiều “làm quen” với bảng viết tắt để nắm bắt tên các tác phẩm tham chiếu. Để cho tiện, bảng các chữ viết tắt này được trình bày ở phần đầu của mỗi quyển sách (thay vì ở cuối sách như bản Anh ngữ dùng). Điều này sẽ tiện lợi hơn cho việc truy cứu.

Trong bảng viết tắt này, cũng có thêm vào đó một ít chữ viết tắt mà bản dịch Việt ngữ có dùng thêm chẳng hạn: skt. tức là Sanskrit hay Phạn ngữ, chn. tức là Chinese hay Hoa ngữ, tib. tức là Tạng ngữ, … Tuy nhiên, trong các trường hợp không ghi rõ thì chúng tôi mặc định cho skt. tức là Sanskrit.

Về hệ thống chú thích và các giải thích ngắn:

Trong bản dịch Việt ngữ sẽ có thêm một số thuật ngữ chuyên biệt cần được giải thích rõ ràng hơn, rất tiếc là bản dịch Anh ngữ vì lý do nào đó trong lần xuất bản đầu tiên này đã không đề cập hay đề cập không đủ thông tin. Để khắc phục việc này, chúng tôi đã dùng thêm một số dạng phụ chú để làm rõ các danh từ Phật học được dùng. Đồng thời, để cho tiện trình bày theo cách thông dụng của các sách Việt ngữ, các chú thích từ bản dịch Anh ngữ thay vì được đặt ở cuối quyển sách sẽ rất bất tiện cho người đọc theo dõi (nhất là khi sách này sẽ có thêm định dạng ebook) nay sẽ được chuyển thành các ghi chú cuối mỗi trang. Và nếu chú thích đó là do bản dịch Anh ngữ tạo ra thì chúng tôi sẽ đánh số ký hiệu bắt đầu bởi BA<XYZ>, trong đó, BA hàm ý “chú thích của bản Anh ngữ” và <XYZ> là số thứ tự của chú thích này từ bản Anh ngữ. Qua đó người đọc có thể truy cứu các tham chiếu hay so sánh lại với bản dịch Anh ngữ được dễ dàng.

Trong vài trường hợp cụ thể, một số chú thích về các thuật ngữ trong bản dịch Anh lại thiếu thông tin, không rõ ràng hay ngay cả có khi lạc đề. Trong trường hợp như thế chúng tôi mạnh dạn thay vào bằng những chú thích tương đối rõ ràng hơn và dựa vào các nguồn dẫn có thẩm quyền hay có uy tín.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp chúng tôi có ghi chú thêm vào mạch văn chính một số cụm từ, thuật ngữ hay tên tương đương. Để các cụm từ ghi thêm này hoàn toàn được tách biệt so với mạch văn chính, thì chúng tôi đặt chúng trong các đấu ngoặc nhọn: {định dạng của các cụm từ chèn thêm của bản dịch việt}. Ngược lại, khi đọc, thỉnh thoảng quý vị sẽ thấy có các cụm từ trong ngoặc vuông; đây là các ghi chú thêm của bản dịch Anh ngữ đã có sẵn: [định dạng của các cụm từ chèn thêm của bản dịch Anh ngữ].

Có nhiều thuật ngữ Phật học, nhất là trong tập một, để giúp các độc giả trẻ còn ít kinh nghiệm về từ vựng Phật giáo dễ theo dõi, chúng tôi chủ ý thêm vào cũng như là lặp lại một số chú thích về các thuật ngữ này cho các độc giả được thuận tiện hơn trong việc hiểu và nắm mạch chính văn.

Về các thuật ngữ Phật học:

Các thuật ngữ Phật học thật ra có nhiều điểm phức tạp. Đa số các từ dùng trong kinh điển trước đây đều mang nặng ảnh hưởng chữ Hán trong đó có nhiều thuật ngữ rất khó hiểu nếu người đọc không biết chữ Hán hay không biết cách tra cứu. (Bên cạnh khó khăn này là việc cùng một cách viết chữ Hán-Việt thì có thể có đến rất nhiều chữ Hán đồng âm rất dễ gây hiểu nhầm nếu dùng sơ suất, khiến người tu học hầu như phải học rành tiếng Hoa trước khi có thể đọc hiểu các thuật ngữ Phật giáo như vậy và đây là điều mà chúng tôi không mong muốn xảy ra trong đề án này).
Mục tiêu của đề án không phải là để biểu dương kiến thức hay khoe khoan chữ nghĩa mà chính là làm sao cho càng có nhiều người đọc hiểu và nội dung trình bày càng rõ ràng chính xác càng tốt. Do đó, sẽ tùy theo tình huống hay ngữ cảnh mà chúng tôi sẽ lựa chọn các câu chữ thích nghi. Nguyên tắc cơ bản chung để lựa chọn là các thuật ngữ nào đã rất phổ biến sẽ được ưu tiên dùng lại và nếu nó là loại thuật ngữ mượn từ vốn chữ Hán hay từ nước ngoài (chữ Phạn) thì chúng tôi sẽ cố gắng giải thích thêm qua hệ thống chú thích nếu cần. Ngoài ra, để cho rộng rãi trong việc hành văn các từ ngữ nào mà chúng tôi xem (định danh) là tương đương thì sẽ được lưu ý qua cách đặt thêm các chú thích ngắn đóng khung trong hai dấu ngoặc nhọn {…} hay qua các ghi chú. Các thuật ngữ Hán-Việt nào tương đối không còn thông dụng, như quan điểm đã đề cập trên sẽ có thể được xem xét thay thế bằng các thuật ngữ rõ ràng hơn nếu thấy cần.
Riêng về các chữ phiên âm: Chúng tôi hết sức tránh né lối dùng chữ phiên âm của những chữ vốn đã phiên âm lại từ một ngôn ngữ trung gian (như các lối phiên âm của Hoa ngữ chẳng hạn), trừ trường hợp chữ phiên âm đó đã thật sự quen thuộc. Chẳng hạn chữ Ba-la-mật-đa (skt. Pāramitā) có nghĩa là “tối hảo”, “toàn hảo” hay “toàn thiện” sẽ được dùng lại vì nó quá quen thuộc trong khi tên Ba-tẩu-bàn-đậu vốn cũng là một lối phiên âm lại từ chữ Hán sẽ không được dùng mà thay vào đó là tên Thế Thân được dịch nghĩa trực tiếp (skt. Vasubandhu). Ngoài ra, một số thuật ngữ khi được phiên âm sẽ có dấu gạch nối để cho thấy các thuật ngữ đó có nguồn gốc đa âm tiết nay được phiên âm lại. Thí dụ: Thích-ca Mâu-ni, Mục-kiền-liên, Bồ-đề, Bồ-tát, …
Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng theo một quy cách đặt tên thống nhất riêng để người đọc dễ theo dõi và tra cứu thêm về sau.

1. Tên kinh luận: Theo truyền thống chung, hầu hết tên các kinh hay luận đều được dịch nghĩa và dùng từ Hán-Việt nên bản dịch này sẽ theo cùng một quy cách. Ngoại trừ các thuật ngữ không thể dịch vì có quá nhiều nghĩa hay quá thông dụng thì sẽ được dùng theo lối phiên âm. Thí dụ Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Ngoài ra, tên tựa của các bộ kinh, các luận, các tác phẩm hay trước tác (trừ các tên tựa viết tắt của bản Anh ngữ) sẽ được xem là danh từ riêng và do đó sẽ được viết hoa tất cả các chữ trong tên đó (tương tự như cách viết tên người). Thí dụ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chứ không phải là Diệu pháp Liên hoa kinh. Các tên này cũng sẽ được in nghiêng.

Về tên các kinh luận, trường hợp có được tên Phạn nguyên gốc, chúng tôi sẽ ưu tiên dịch lại chiếu theo các tên theo tên Phạn ngữ này có tham khảo với các thư mục kinh văn Hán tạng thay vì dùng tên dịch lại từ kho Hán tạng, ngoại trừ trường hợp các kinh luận đã có tên quen thuộc. Đặc biệt, chúng tôi tham chiếu nhiều thuật ngữ từ Kho Dữ Liệu Số Thư Mục Tam Tạng của Sở Nghiên Cứu Phật Học Trung Hoa – Hiệp hội Phật Điển Điện Tử (<http://jinglu.cbeta.org/>)

2. Tên nhân vật:

a) Nhân vật thuộc các truyền thống Pali: Hầu hết các tên này đã được sử dụng rất nhiều trong các kinh điển và thường là các tên phiên âm nên các tên phiên âm này sẽ được dùng lại. Hoặc nếu không thì sẽ dùng lối phiên âm La-tinh hóa trực tiếp từ chữ Pali (hay chữ Phạn). Chẳng hạn A-nan-đà hay Ānanda.

b) Nhân Vật thuộc các truyền thống Sanskrit (Phạn): dùng lối tên dịch nghĩa như: Long Thọ, Thế Thân, Nguyệt Xứng, Pháp Xứng, Liên Hoa Giới … Trong trường hợp tên dịch nghĩa quá dài thì có thể chúng tôi sẽ dùng lại tên Phạn đã La-tinh hóa chẳng hạn dùng Atiśa thay vì dùng Nhiên Đăng Cát Tường Trí (quá dài) hay A-đề-sa (phiên âm)

c) Nhân Vật thuộc truyền thống Tây Tạng: tên của các nhân vật này thường mang nhiều ý nghĩa và rất dài, do đó chúng tôi sẽ dùng lối phiên âm La-tinh hóa. Chẳng hạn như Sopa Rinpoche, Dalai Lama.

3. Tên địa danh:

a) Các địa danh nổi tiếng: dùng lại các tên thường thấy trong các kinh luận.

b) Tên các địa danh không quen thuộc: dùng lối phiên âm La-tinh hóa theo lối viết Anh ngữ.

Lý do mà trong khá nhiều trường hợp nêu trên chúng tôi ưu tiên dùng lại tiếng Phạn đã La-tinh hóa (thay vì tiếng phiên âm Hán-Việt) là vì muốn tạo điều kiện cho các học giả mới và các tu sinh thuộc giới trẻ có được sự thuận lợi để tra cứu trực tiếp qua Internet (thay vì phải tìm cách truy ngược lại dạng viết từ chữ Hán và rồi sau đó lại cũng phải tra cứu tiếp cho ra chữ Phạn nguyên gốc, đôi khi là một quá trình gai góc không cần thiết)

Ngoài ra, tưởng cũng xin lưu ý thêm, trong vài trường hợp đặc biệt, một số thuật ngữ chuyên dùng trong sách này vốn được giải thích và ghi rõ thông qua hệ thống phụ chú, có thể không hoàn toàn tương hợp theo một ý nghĩa thông dụng hay không hoàn toàn đúng theo cách giải thích hay cách hiểu trong các sách của các dịch giả hay tác giả khác. Do đó, các thuật ngữ đó chỉ đặc thù trong nội hàm của bản dịch này. Kính mong quý độc giả lưu ý để tránh ngộ nhận về ý nghĩa.

Về nguồn tài liệu tham chiếu chính:

Trong phần này chúng tôi chỉ liệt kê vài tài liệu tham chiếu chính. Còn chi tiết của rất nhiều nguồn tham chiếu khác được trình bày trực tiếp trong các ghi chú qua đó người đọc có thể truy tầm lại được nguyên bản.

Tác phẩm Steps on the Path to Enlightenment (vol1, 2, and 3 – Copyright 2008) là luận giải chi tiết về bộ Lamrim Chenmo do ngài Geshe Lhundub Sopa soạn thảo sẽ được sử dụng như là tài liệu đối chiếu, tham khảo và phụ chú tối quan trọng. Có nhiều chú thích sẽ được trích lại từ bộ luận này cũng như các chi tiết khó hiểu hay không rõ ràng của bản dịch Anh ngữ cũng sẽ được đối chiếu từ các giải thích trong đó để tìm ra nghĩa Việt ngữ sáng tỏ hơn.

Ngoài ra, tản mạn trong các ghi chú thêm của phần Việt ngữ cũng được chọn lọc từ các nguồn tương đối đủ tín nhiệm. Một số nguồn dẫn về các thuật ngữ Phật học thường xuyên được lấy từ Rigpa Shedra (www.rigpawiki.org) và từ các tác phẩm Tạng ngữ đáng tin cậy đã được dịch ra Anh ngữ.

Một số danh từ Phật học đã quen thuộc nhưng chúng vẫn có thể được chú thích giải nghĩa vì e rằng các độc giả trẻ muốn học thêm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu các thuật ngữ đó.

Về dàn ý:

Dàn ý của bản dịch Việt ngữ hoàn toàn theo sát bản dịch Anh ngữ. Tuy nhiên, do dàn ý của nguyên bản tương đối phức tạp nên người đọc cần có vài chú ý. Trong nội dung trình bày sẽ không chừa lề cho các tiêu đề, phân mục, … ngoại trừ việc đánh số thứ tự và dùng kiểu chữ tô đậm. Việc hiểu và biết cách dùng dàn ý sẽ giúp người đọc biết được vị trí tương đối của chi tiết trong bài so với tổng dàn ý chung cũng như là tiến độ của pháp giảng tại đó. Do vậy, trong mỗi quyển trong bộ sách, dàn ý đầy đủ của quyển sách sẽ được nêu lại trong phần đầu sách.

Vì đây là bộ luận lớn, rất khó tránh khỏi các sơ xuất, dù rằng nhóm những người dịch thuật và hiệu đính đã dùng rất nhiều tâm huyết và thì giờ trong nhiều năm và theo nhiều công đoạn xử lý khác nhau để giảm thiểu tối đa các lỗi lầm. Chúng tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm và sẽ vô cùng cảm kích tất cả những đề nghị, phê phán, khuyến cáo về các chi tiết dù nhỏ hay lớn để bộ luận được hoàn thiện hơn.

Ngược lại, về phía người đọc, để thấu hiểu các chi tiết mấu chốt quan trọng cũng có các đòi hỏi như là trình độ căn bản tối thiểu về hiểu biết Phật học phổ thông, biết ít nhiều về kinh luận, có lòng trì nhẫn khi đọc một giáo pháp lớn và ý hướng thật sự muốn trau dồi tu học.

Trong phần dẫn nhập của bài giảng Định và Tuệ về bản Đại Luận này đức Dalai Lama có dạy: … Do đó thật sự quan trọng trong việc áp dụng lập luận vì đạo sư Tsongkhapa đã nói: ‘nếu một ai đó chấp nhận các lời dạy của ta (bao gồm cả những giải thích về các lời dạy liễu nghĩa và diễn nghĩa của đức Phật) mà thiếu đi việc đạt đến các luận chứng và lại khẳng định chúng như là chân lý thì các con không nên xem kẻ đó là người học giả có đủ thẩm quyền, có giá trị hay có đủ uy tín’.

Theo như ý chỉ trên, rõ ràng đối với một người tu học nghiêm túc với chí hướng Đại thừa thì không thể nào chỉ nhắm mắt đọc tụng rồi làm theo các lời giảng dù là của Phật, của bổn sư hay của tổ mà một trong những thao tác căn bản cần có nữa chính là việc rèn luyện thói quen phân tích luận lý các lời giảng mà mình học được trên đường tu dong ruổi.

Cuối cùng, mục đích của việc chuyển dịch bộ đại luận này không ngoài việc cung ứng thêm một phương tiện mạnh, rõ và khả thi cho các đạo hữu và các tăng sinh vốn mong mỏi tham khảo thêm các biệt huấn nhưng lại không đủ khả năng theo dõi các giảng luận bằng tiếng nước ngoài cũng như là đóng góp thêm cho phần giảng luận về Kim Cương thừa vốn còn nhiều mới mẻ cho các bậc thiện tri thức có dịp xem qua, so sánh và tìm hiểu sâu hơn về các phương tiện tu tập Phật giáo. Mong rằng công trình này sẽ là một tài liệu thật hữu dụng cho các hành giả, các thiện tri thức nỗ lực tu tập tinh tấn để đạt hạnh phúc tối hậu.

Mọi công đức xin hồi hướng cho sự giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình .

Liên lạc:

Xin vui lòng dùng điện thư để liên lạc với người đại diện của nhóm dịch thuật Lamrim Lotsawas qua địa chỉ lang.dau@gmail.com về các vấn đề liên quan đến đề án này.

Kính chúc tất cả thân tâm hằng tỉnh thức và an lạc
Đầu thu 2016.
Hiệu chỉnh tại Dharamsala, Ấn-độ
Thay mặt Nhóm Lamrim Lotsawas
Phật tử Làng Đậu Kính Bút

***

Lời Cảm Tạ

Xin chân thành cảm tạ Bộ Văn Hóa và Tôn Giáo Tậy Tạng, đặc biệt là ngài bộ trưởng – Tôn Đức Tsering Phuntsok Rinpoche đã hoan hỷ hỗ trợ cho đề án này với mong mỏi đem lại lợi ích lớn lao cho các Phật tử Việt Nam muốn tìm đến an lạc trong thế giới hỗn độn này .

Xin thành kính tri ân ngài Lama Zopa Rinpoche sáng lập viên cũng như ni sư Tôn Đức Holly Ansett Tổng thư ký của tổ chức FPMT (Sáng Hội Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa) đã ủng hộ và tạo duyên cho chúng tôi được dễ dàng liên lạc và ký kết các giấy phép thuận lợi cho việc chuyển dịch bộ đại luận.

Vô cùng cảm thán hỗ trợ của ngài đạo sư học giả Geshe Lhundub Sopa, qua điện đàm đã vui lòng cho phép chúng tôi được sử dụng bản luận giải Steps on the Path to Enlightenment (Các Bước Trên Lộ Trình Đến Giác Ngộ) như là tài liệu tham chiếu và chú giải chính cho đề án này. Không có sự hỗ trợ tinh thần và cụ thể của ngài, bản dịch sẽ khó lòng có được hình thành như hiện tại.

Xin chân thành cảm tạ các giáo viên Phật học tại trung tâm Library of Tibetan Works and Archieves đã vui lòng chỉ dẫn các chi tiết phức tạp để so lại trong bản in lần thứ năm.

Cũng xin trân trọng ghi ân tất cả thân quyến gia đình của các thành viên trong nhóm dịch thuật lamrim lotsawas đã tán đồng, hỗ trợ và động viên các đạo hữu này có được đủ duyên và thì giờ quý báu để tham gia đề án này trong thời gian lâu dài.

Ngoài ra, mọi nỗ lực đều sẽ vô ích nếu không có sự góp sức cố gắng của tất cả các đạo hữu khắp nơi đã hỗ trợ qua các hình thức khác nhau để giúp luân chuyển, giữ gìn và phát hành các giáo pháp của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni. Xin chân thành cảm tạ tất cả các nỗ lực âm thầm hoằng hóa chánh Pháp của từng Phật tử.

***

Lời Tựa Từ Chủ Biên Của Bản Dịch Anh Ngữ

Cuốn sách này là tập đầu tiên của bộ sách gồm ba tập trình bày toàn bộ bản dịch Đại Luận về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ (Byang chub lam rim che ba). Tập đầu tiên trình bày tất cả những thực hành sơ khởi để phát triển tâm Bồ-đề (bodhichitta, byang chub kyi sems). Những tập kế tiếp tập trung vào động lực và sự thực hành của Bồ-tát, và tập cuối cùng là một trình bày chi tiết về định (śamatha, zhignas) và tuệ (Vipassanā, lhag mthong).

Công việc dịch thuật này được thực hiện với sự bảo trợ của Trung Tâm Học Tập Phật Giáo Tây Tạng (TTHTPGTT). Trung tâm này được Geshe Ngawang Wangyal đã quá cố thành lập năm 1958 tại Washington, New Jersey. Geshela là người đi tiên phong trong việc giảng dạy Phật giáo Tây Tạng tại xứ sở này và đã dạy rộng rãi các giáo pháp của mọi truyền thống Tây Tạng, kể cả nhiều trình bày ngắn về Giai Trình Của Đạo Pháp (lam rim) do Tsongkhapa viết. Một số những trình bày này đã được xuất bản trước khi Geshela viên tịch vào năm 1983. Trình bày giáo pháp lam rim như là con đường có trình tự để dẫn tới giác ngộ cũng đã trở thành một trong những đề tài học tập cốt lõi tại TTHTPGTT cũng như tại nhiều trung tâm Phật giáo Tây Tạng khác trên khắp thế giới. Đối với những người bận rộn trong xã hội ngày nay như quý vị, tài liệu về Giai Trình Của Đạo Pháp trình bày một hình ảnh ngắn gọn, dễ nắm bắt về con đường Phật học. Tất cả mọi sách nói về giai trình đạo pháp theo truyền thống Gelug đã được xuất bản từ trước tới nay đều được rút ra từ Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ, và tự nó mang một giả định rằng người đọc có thể tham khảo nguồn chính văn. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có một bản dịch tiếng Anh đầy đủ của bản văn này.

Vào năm 1991 Loling Geshe Yeshe Tapkay và Donald Lopez, khi đó là thỉnh giảng sư tại TTHTPGTT , đề nghị TTHTPGTT tổ chức một nhóm dịch giả để hoàn tất việc phiên dịch bộ Đại Luận. Tôi nhiệt tình đón nhận ý kiến này. Là đệ tử của Geshe Wangyal tôi đã luôn luôn muốn đảm nhận việc phiên dịch một tác phẩm lớn của ngài Tsongkhapa, bởi vì lòng tôn kính của thầy đối với ngài đã khiến tôi rất cảm kích. Một lần thầy đã nói với tôi rằng thầy đặc biệt quan tâm tới các trước tác của ngài Tsongkhapa bởi vì ngài đã được đức Văn-thù-sư-lợi xuất hiện dạy riêng. Điều này lại càng gây thêm ấn tượng cho tôi khi tôi đọc cuốn Giai Trình Đạo Nhanh Chóng (Lam rim myur lam) của Losang Yeshe ghi rằng đức Văn-thù-sư-lợi muốn bảo đảm rằng ngài Tsongkhapa viết Đại Luận với điểm đặc biệt là hòa nhập ba loại người (skyes bu gsum) – người có khả năng nhỏ, trung bình, hoặc lớn – với ba khía cạnh nền tảng của đạo pháp (lam gyu gtso bo mam gsum) – quyết tâm muốn giải thoát (nges byung), tâm Bồ-đề (byang chup kyi sem) và chánh kiến (yang dag pa’i lta ba). Hơn nữa, vì TTHTPGTT có nhiều dịch giả có đủ trình độ, kế hoạch này xem như có thể thực hiện được. Bản văn đã được chia ra cho mười bốn dịch giả và như thế Ban Phiên Dịch Lamrim Chenmo đã ra đời. Vào mùa hè năm 1992 một số phiên họp đã được tổ chức tại TTHTPGTT để đi đến sự đồng ý về một danh sách thuật ngữ chuyên môn. Khi xem những phần dẫn nhập sau đây, độc giả sẽ thấy rằng đạt được sự đồng ý về các từ chuyên môn bản thân nó đã là một việc làm vĩ đại.

Để dễ dàng cho người đọc, các dịch giả đã sắp xếp Tập 1 thành hai mươi bốn chương phỏng theo phác thảo Tạng ngữ. Toàn bộ phác thảo của phần đầu bản văn này được đưa thêm vào ở phụ lục cuối tập sách {đây là phần dàn ý được để ở đầu bản dịch Việt}.

Các dịch giả làm công việc dịch thuật với ý hướng nhắm tới người đọc thông thường. Do đó, mặc dù Tsongkhapa hầu như luôn luôn dùng chữ viết tắt khi trích dẫn, ở đây chúng tôi đưa ra chữ tương cận bằng tiếng Anh của tên đầy đủ hơn của bản văn. Ở lần trích dẫn đầu tiên một văn bản, chúng tôi sẽ cung cấp tên đầy đủ trong ngôn ngữ gốc. Tên đầy đủ của văn bản như trong Tam Tạng Kinh Điển Tạng Ngữ, Ấn bản Bắc Kinh do D.T. Suzuki hiệu đính (1955-1961) sẽ được ghi lại trong chú thích ở lần trích dẫn đầu tiên của mỗi tác phẩm. Trong trường hợp Tsongkhapa không đưa ra tên của tác giả khi trích dẫn, tên tác giả – như được xác định bởi các nhà có thẩm quyền từ trước tới nay của Tây Tạng, ngay cả khi các học giả hiện đại không xác định tác giả hoặc đã xác định một tác giả khác – được ghi thêm vào bản dịch. Dịch giả sẽ cho biết trích dẫn nằm ở đâu như trong bản Suzuki hiệu đính khi nào có thể được để cung cấp nguồn tham khảo cho những học giả muốn theo đuổi một nghiên cứu chi tiết hơn về bản Tạng ngữ. Những thông tin thêm về thư mục tác giả liên quan đến những văn bản này có ở trong phần tham chiếu.
Các dịch giả không có ý định đưa ra một thư mục tỉ mỉ chi tiết mà chỉ cung cấp các thông tin về những ấn bản trong ngôn ngữ gốc và những bản dịch mà nói chung họ đã dùng. Độc giả muốn có những thông tin chi tiết về các bản dịch và các tác phẩm khác viết bằng tiếng Anh có thể tham khảo ở Pfandt (1983), de Jong (1987), Nakamura (1889) và Hirakawa (1990).

Các dịch giả đã dùng một hình thức xấp xỉ tương đương về phiên âm của tiếng Anh để viết tên những tác giả Tây Tạng, dòng phái, và nơi chốn của xứ sở này. Cách viết chữ Tây Tạng chính xác theo lối Wylie (1959) được để trong ngoặc khi xuất hiện lần đầu tiên. Các dịch giả cũng đưa thêm vào cuối sách một bảng ngắn gồm các thuật ngữ tiếng Tây Tạng.

Các thành viên của Ban Phiên Dịch Lamrim chenmo làm công việc dịch thuật trong tập này gồm có Elizabeth S. Napper, Joshua W. C. Cutler, John Newman, Joe B. Wilson, và Karen Lang. Các dịch giả đã dùng ấn bản được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Nhân Dân Tso Ngön (Thanh Hải -青海) năm 1985 dựa vào bản in khắc gỗ Ja-kyung (Bya khyung). Số trang tiếng Tây Tạng của ấn bản này được đưa vào trong khắp bản dịch, viết trong ngoặc và in chữ đậm để tiện việc tham khảo. Các dịch giả đã dùng ấn bản Ganden Bar Nying để tham khảo bởi vì bản này được coi là bộ khắc gỗ xưa nhất của bản văn. Văn bản không ghi chính xác ngày những bản gỗ này được khắc, nhưng một văn bản quan trọng khác trong cùng bộ khắc gỗ này, Đại Luận về Giai Trình của Đạo Chân Ngôn Thừa (sNgags rim chen mo), được khắc vào năm 1462. Đức Dalai Lama đã ân cần trao cho Elizabeth Napper mượn tập bản thảo Gaden Bar Nying từ thư viện riêng của ngài. Với sự bảo trợ của Thư Viện Tác Phẩm và Văn Khố Tây Tạng, bà đã chụp ảnh vi phim tài liệu này. Các dịch giả đã so sánh các ấn bản Tso Ngön và Ganden và không thấy những sai biệt quan trọng. Các dịch giả cũng tham khảo Bốn Chú Thích Đan Kết (Lam rim mchan bzhi sbrags ma) và nhất quán sử dụng nó để diễn giải các trích dẫn. Các người hiệu đính đã đọc toàn bộ văn bản và thảo luận việc diễn giải các đoạn văn khó với các học giả Phật giáo Tây Tạng lỗi lạc đương thời Denma Locho Rinbochay và Loling Geshe Yeshe Tapkay.

Cũng như bất cứ kế hoạch nào ở kích thước này, đã có rất nhiều người giúp đỡ và yểm trợ chúng tôi. Đầu tiên và trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng tri ân và tôn kính tới người đã khiến cho kế hoạch này thành hình, bậc cha già vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng tại đất nước này, cố Geshe Ngawang Wangyal, người đã giúp tôi nhìn cuộc đời qua con mắt của Đức Phật. Kế đến, tôi rất cảm tạ các dịch giả và các học giả Tây Tạng đã được đề cập ở trên vì những đóng góp to lớn của họ cho kế hoạch này. Tôi đặc biệt tri ân người cộng tác hiệu đính của tôi là Guy Newland về những đóng góp thiết yếu mà ông đã năng nổ thực hiện. Tôi cũng cám ơn Don Lopez về những gợi ý hiệu đính và những lời khuyên hữu ích, cũng như Brady Whitton, Carl Yamamoto, và Paul Coleman về công việc hiệu đính của họ. Tôi cũng rất biết ơn người chủ biên của Snow Lion là Susan Keyser về những nỗ lực bền bỉ để trau chuốt cho tác phẩm này. Tôi cảm kích sâu xa vô vàn nỗ lực của các geshe thuộc TTHTPGTT, Thupten Gyatso, Ngawang Lundhup, Lozang Jamspal, và Lobzang Tsetan đã giúp đỡ trong việc truy nguyên những tham khảo về các trích dẫn và làm sáng tỏ văn bản. Tôi cũng cảm ơn David Ruegg và Robert Thurman về những đóng góp thích đáng cho phần tư liệu giới thiệu. Trong số các dịch giả tôi đặc biệt cảm tạ Elizabeth Napper về những nỗ lực hơn thường lệ và về việc sẵn lòng cung cấp cho đề án tất cả những công trình liên quan đến văn bản mà bà đã thực hiện được trước đây. Tôi cũng tri ân Natalie Hauptman và Gareth Sparham về những nỗ lực tốt bụng của họ về chú thích và thư mục. Kế hoạch này không thể nào tiến triển được nếu không có sự yểm trợ tài chánh rộng lượng của Buff và Johnnie Chace và Joel McCleary, những người mà tình bạn của họ tôi cũng không kém phần cảm kích. Tôi tri ân sâu xa song thân tôi, Eric và Nancy Cutler, vì tấm lòng nhân từ không thể đo lường được của các người dành cho tôi và TTHTPGTT. Cuối cùng, tôi xin cám ơn vợ tôi là Diana về sự ủng hộ không ngơi và sự trợ giúp không lay chuyển để hoàn thành đề án này.

Joshua W. C. Cutler
Trung Tâm Học Tập Phật Giáo Tây Tạng
Washington, New Jersey

***

Lời Nói Đầu Cho Bản Dịch Anh Ngữ

Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ của Jey Tsongkhapa là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất về tôn giáo hoặc thế tục trong thư viện di sản nhân loại. Đại luận này trình bày một tầm nhìn làm quý vị sững sờ về nguồn gốc vô thủy vô chung và những chuyển hóa vô cùng tận của mọi dạng sống; việc xác định giá trị châu báu về sự hiện thân làm cá nhân con người ở một thời điểm mang tính quyết định của cuộc tiến hóa cho riêng mình. Đại luận trình bày khải thị này trong một cung cách khiến lay chuyển được cho cá nhân người đọc để họ đạt một thay đổi mô hình cơ bản trong tầm nhìn về cuộc đời của họ: từ một tác nhân riêng tư, tự kỷ trung tâm, chỉ-hướng-vào-cuộc-đời-này, phấn đấu với những dòng nước lũ và những trở ngại quanh mình, nóng lòng tìm một chút an toàn và hạnh phúc trước khi hy vọng tìm được một sự xóa sạch bình yên trong cái chết; để trở thành một chúng sinh thức tỉnh huy hoàng bay vút ra khỏi một kinh nghiệm vô tận của quá khứ trong một chuyến bay tiến hóa kỳ diệu tới một vận mệnh đẹp không thể tưởng tượng được của trí tuệ, từ ái, và phúc lạc – Phật quả, hoặc đơn thuần là sự vinh quang tiến hóa tối thượng mà bất kỳ chúng sinh hữu thức nào cũng có thể đạt được.

Dĩ nhiên tầm nhìn này không khởi nguyên nơi Đại Luận. Đó chính là tầm nhìn đã được Đức Phật Thích-ca và các đệ tử giác ngộ của ngài đề xuất, trong tất cả các nền văn minh Á Châu trong gần suốt hai thiên niên kỷ, qua một số lượng kinh văn bao la với rất nhiều nhánh trong nhiều ngôn ngữ. Tầm nhìn này khải thị con người về chính họ như là tham dự viên trong quá trình tiến hóa huy hoàng và đầy ý nghĩa này.

Đại Luận thâu nhóm lại những đầu mối về câu chuyện, hình ảnh, và giáo pháp từ số kinh văn sáng ngời này và đan dệt chúng thành một dạng thức cô đọng, một tấm vải phong phú, toàn diện và đa năng đến nỗi nó có thể được thiết kế thành y phục hữu dụng, mỹ miều và có khả năng thích nghi cho bất kỳ người nào muốn mặc nó. Đôi khi người ta nói rằng Jey Tsongkhapa tiếp nhận Giáo Pháp của Đức Phật vào thời điểm mà Giáo Pháp đó tới lúc bị phai mờ rơi vào quên lãng và không còn được sử dụng – vì do chúng sinh khắp nơi cãi cọ và tranh giành nhau về những nghi thức và đặc tính liên hệ tới giác ngộ – Ngài khiến nó thẩm thấu những chân lý tinh túy, và đem lại sức sống mới cho việc hành trì của họ một cách mãnh liệt đến nỗi những giảng dạy này sẽ mang lại sinh lực cho hàng triệu người có đầu óc cởi mở trong suốt năm trăm năm kế tiếp.

Một khi các độc giả đã đạt đến sự dịch chuyển có hướng về nhận thức được tiết lộ một cách hệ thống trong tác phẩm như một đại tấu khúc, Đại Luận đưa ra cho họ những phương pháp thực tiễn rõ rệt và chi tiết để thực hiện tầm nhìn của họ trong những hành trì chuyển hóa cần thiết để giúp họ bay lên. Những hành trì được khéo léo sắp xếp để đánh thức con người trần tục bị ám ảnh với sự thành công trong đời này và đưa cả ba loại người tầm đạo từ giai đoạn tiến hóa này qua giai đoạn tiến hóa khác. Các giai đoạn này khởi từ việc nương tựa vào bậc thiện tri thức, qua những chủ đề sẽ giải phóng tâm thức trong sự từ bỏ thế tục siêu tuyệt – sự quý báu của thân người có đủ tự do và cơ hội, sự kề cận của cái chết, lý nhân quả tiến hóa, và sự có mặt khắp nơi của đau khổ trong kiếp sống không giác ngộ; tới những chủ đề mở rộng tấm lòng – lòng bi, lòng từ, và tinh thần giác ngộ vì tha nhân; và cuối cùng tới những điều phức tạp sâu xa và dứt khoát có tính giải phóng của trí tuệ siêu việt về tính vô ngã về chủ và khách quan. Người học hỏi và người hành trì có thể dùng đi dùng lại những chủ đề và những phương tiện này, thấu hiểu mỗi ngày một sâu hơn vào trong tâm, và cuộc đời của họ sẽ từ từ nhưng chắc chắn trở nên tốt đẹp hơn.

Điều thiết yếu quý vị cần nhớ là Đại Luận không phải là một tác phẩm theo chủ thuyết tiệm tiến, không đơn thuần là một tập hợp những thực hành sơ khởi nhằm chuẩn bị người đọc cho giáo pháp mật truyền cao hơn đang chờ đợi ở đó và nằm bên kia giáo pháp của lộ trình. Đúng ra đây là hiển giáo – giáo pháp công khai – và con đường của giáo pháp này được chính tác giả nhắc đến như là con đường “chia sẻ chung” (thun mong), con đường được dùng chung của cả hiển và Mật giáo. Nó là giáo pháp đầy đủ nhất, cao nhất, là tinh túy cô đọng của toàn thể con đường Phật học rút ra từ biển cả bao la của kinh văn nhà Phật, cô đọng bằng cách hợp nhất với các nghi quỹ của Mật giáo siêu đẳng trong từng bước một trên con đường này. Thí dụ, giai đoạn khởi đầu, việc nương tựa vào người thầy dạy đạo, quả thật là giai đoạn cơ sở trong mọi giảng dạy Phật giáo. Nhưng Đại Luận không dạy điều này bằng phương pháp sơ khởi. Phép quán tưởng cảnh giới quy y, thiên cung chứa các Đạo Sư và tất cả chư Phật, Bồ Tát, chư thần, chư thiên, và chư tổ – hình ảnh này được rút ra từ các phương pháp Mật giáo sâu kín nhất và sẵn sàng để mọi người tự do sử dụng một cách hữu ích không sai sót mà vẫn không khiến người thực hành chưa được làm lễ khai tâm Mật giáo vướng vào những nguy hiểm của việc thực hành Mật giáo chính quy. Cách thức những điều siêu việt được giảng dạy, cách thức lòng bi mẫn và tâm Bồ-đề được giảng dạy, và ngay cả cách thức trí tuệ được giảng dạy như là sự bất khả phân không thể lay chuyển của tánh Không và tánh tương đối – tất cả những điều này khiến cho quý vị có thể tiếp cận được với sức mạnh của Mật giáo trong một cung cách rộng rãi, chuyển hóa, năng động, nhưng an toàn, và thuận duyên; có lẽ quý vị có thể nói, một cách không thất bại nữa. Đây là sự thiên tài của Đại Luận.

Một số người thực hành khi họ trải qua sự thay đổi tầm nhìn từ tình trạng tự kỷ trung tâm của thế giới này tới tình trạng rộng mở tiến hóa vị tha ở tầm mức vũ trụ, họ bị choáng ngợp đến nỗi họ cảm thấy một sự cần thiết mãnh liệt để thanh tịnh thân mình bằng hàng trăm ngàn lần lễ lạy, những chuyến hành hương, những thực hành khổ hạnh, và những nghi thức phức tạp, thanh tịnh khẩu bằng cách trì tụng hàng triệu chân ngôn, và thanh tịnh ý bằng hàng trăm ngàn lần những nghi thức tạo mối dây nối kết qua việc phụng thờ đạo sư . Đây là những thực hành nhập môn mãnh liệt. Chính Jey Tsongkhapa, sau khi đã sâu xa nghiên cứu tất cả các phiên bản trước đó về giai trình của đạo pháp từ mọi truyền thống, đã thực hành 3,500,000 hạ bái, cúng dường 10,000,000 maṇḍala , trì tụng vô số chân ngôn thanh tịnh Kim-Cương Tát-Đỏa , thực hành vô số các nghi thức nối kết đạo sư, và hành trì mười bốn thực hành khác nữa. Và cuối cùng đại sư đã đạt được mục đích của mình. Khi đó, đại sư viết Đại Luận để giúp người khác thuộc mọi hạng loại đạt được mục đích của họ, bằng bất cứ con đường nào họ cần phải đi, bằng cách thức tốt nhất có thể được cho họ, và luôn luôn với sự hữu hiệu tối ưu của việc có thể điều chỉnh hoàn hảo vào tình trạng tiến hóa cụ thể của họ. Trong những thế kỷ tiếp theo đó, rất nhiều người đã đạt được tầm nhìn mới này, toàn thể văn hóa Tây Tạng đã hoàn tất sự chuyển hóa để trở thành một cỗ xe hướng về giác ngộ cho toàn thể dân chúng của xứ sở này, và cái không khí độc đáo đó đã lan ra khỏi cao nguyên Hy-mã-lạp-sơn tới các vùng thảo nguyên của Nội Á.

Trong suốt gần 600 năm kể từ khi Đại Luận được trước tác, những người được lợi lạc vẫn chủ yếu là người Tây Tạng và Mông Cổ và con số này vẫn lên tới nhiều triệu người. Trong thế kỷ này đã có những bản dịch thử sang Nga văn và Hoa văn nhưng cả hai bản dịch này vẫn chưa được truyền bá trong các nền văn hóa đó. Trong những thập niên gần đây, một số phần về tác phẩm này và các chú giải đã được dịch sang tiếng Anh.

Như thế đây quả là một sự kiện lịch sử khi các đệ tử của cố đại sư Geshe Wangyal đã thành lập một nhóm học giả để phiên dịch kiệt tác này sang Anh ngữ. Họ đã góp chung nỗ lực, phân tích các văn bản với tính nghiêm túc về tri thức, tìm tòi trong tâm mình với lòng chân thành sâu xa, thử nghiệm để mong tìm ra những thuật ngữ hay nhất, và đã cho ra đời thành quả lao động thương yêu này. Quý vị phải hy vọng rằng lời tiên đoán về sự hữu dụng năm trăm năm của giáo pháp Đại Luận là lời tiên đoán quá dè dặt, và rằng phiên bản tiếng Anh mới này sẽ kéo dài những lợi ích của nó cho nhiều thế hệ sắp tới, dẫn tới việc phiên dịch thêm sang nhiều ngôn ngữ khác.

Thật là niềm vinh dự và hân hoan cho tôi, trong lời nói đầu này, để có lời chúc mừng các dịch giả và bày tỏ lòng hoan hỷ trong sự thành tựu của họ, một sản phẩm phát sinh từ những nỗ lực của chính họ để đền trả tấm lòng đại từ của vị thiện tri thức chân chính của quý vị, vị kalyāṇamitra của quý vị, Đạo sư thiêng liêng Geshe Wangyal, người đã đến vùng đất hoang dã và man rợ mơ hồ này của quý vị, nơi đã bị ám bởi các thế hệ đi xâm chiếm và bắt nô lệ, bởi sự hung bạo tiếp diễn cả ở bên ngoài thế giới lẫn bên trong tâm hồn, và người đã mang đến cho quý vị ngọn đèn không lu mờ của Con Đường Giác Ngộ, sống động trong người như niềm hy vọng vui tươi, như lòng từ can đảm, như trí tuệ sắc bén, như niềm quan tâm tuyệt đối thực tiễn và kiên định như cương thạch, và như là một quyết tâm kỳ diệu bao gồm tất cả và vẫn còn sống mãi. Xin cám ơn Geshela bất khả phân với Jey Rimpochey! Cám ơn các dịch giả đã hoàn thành tác phẩm này! Và chào mừng mỗi người và mọi người đến với Đại Luận!

Robert A. F. Thurman
Chủ tịch, Tibet House
Giáo sư Jey Tsongkhapa về Các Nghiên cứu Phật học Ấn-Tạng
Đại học Columbia

Lamrim Lotsawas
Danh Sách Ban Dịch Thuật và Hiệu Đính
Bản Dịch Việt Ngữ – Quyển 1
––––––––––ཨོཾ––––––––––
Dịch Thuật

Mai Tuyết Ánh
Nguyễn Thị Trúc Mai
Võ Quang Nhân
Trần Cường Việt

––––––––––ཨོཾ––––––––––
Hiệu Đính và Biên Tập

Mai Tuyết Ánh
Lê Xuân Dương
Võ Quang Nhân
Nguyễn Thị Trúc Mai
Nguyên Phương
Lê Lam Sơn

––––––––––ཨོཾ––––––––––
Trách Nhiệm Tổng Quát

Võ Quang Nhân

Bảng Chữ Viết Tắt

A-kya A-kya-yongs-‘dzin, Lam rim brda bkroi
AA Abhisamayālaṃkāra-nāma-prajñāpāramitopadeśa-śāstra-kārikā
AK Abhidharma-kośa-kārikā
AKbh Abhidharma-kośa-bhāṣya
AS Abhidharma-samuccaya
Bhk Yogā-caryā-bhūmau-bodhisattva-bhūmi
BCA Bodhisattva-caryāvatāra
Bk1 1st Bhāvana-krama
Bk2 2nd Bhāvana-krama
Bk3 3rd Bhāvana-krama
Bpālita buddhapālita-mūlamadhyamaka-vṛtti
Chn. Chinese
Cś Catuḥ-śataka-śāstra-kārikā-nāma
Cśt Catuḥ-śataka-śāstra-kārikā-nāma-ṭīkā
D sDe dge Các bản dịch kinh và luận Tạng ngữ
Great Treatise 1 Cutler et al. 2000
Great Treatise 2 Cutler et al. 2000
Great Treatise 3 Cutler et al. 2002
Jm Jātaka-mālā
LRCM Tsongkhapa (1985) sKyes bu gsum gyi myams su blang ba’i rim pa thams cad tshang bar ston pa’i byang chub lam gyi rim pa
MAV Madhyamakāvatāra
MAVbh Madhyamakāvatāra-bhāṣya
mChan ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa, et al. Lam rim mchan bzhi sbrags ma
MMK Prajñā-nāma-mūlamādhyamka-kārikā
MSA Mahāyānā-sūtralaṃkāra-kārikā
P Suzuki (1955-61)
PPd Prasanna-padā, Dharamala 1968
PPs Prasanna-padā, La Vallée Poussin 1970a
PS Paramitā-samāsa
RGV Uttara-tantra (Ratna-gotra-vibhāga)
rNam thar rgyas pa Nag-tsho, Jo bo rje dpal Idan mar me mdzad ye shes kyi mam thar rgyas pa
Rā Rāja-parikatha-ratnavali
Śbh Yogā-caryā-bhūmau-śrāvaka-bhūmi
Skt. Sanskrit
Sn. Saṃdhi-nirmocana sūtra
SP Sad-dharma-puṇḍarīka-nāma-mahāyānā-sūtra
SR Sarva-dharma-svabhā-samatā-vipaṅcita-samādhi-rāja-sūtra
Tib. Tibetan
Toh Ui et al. 1934
Ud Udāna-varga
Vs Viniścaya-saṃgrahaṇi
VV Vigraha-vyāvartanī
VVv Vigraha-vyāvartanī-vṛtti
YS yukti-ṣaṣṭhikā
YSv yukti-ṣaṣṭhikā-vṛtti

***

Dàn Ý Tập I

[Chương 1 Atiśa]
I. Chỉ ra sự vĩ đại về giáo pháp của tác giả để xác lập rằng đó là nguồn quyền năng:
A. Tái sinh trong một dòng dõi quý tộc
B. Đạt được các phẩm hạnh cao qúy.
1. Qua học hỏi nhiều kinh văn đạt được tri kiến trác tuyệt
2. Đạt phẩm hạnh thâm sâu về tri kiến chứng nghiệm từ việc thực hành đúng.
a. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện giới luật
1) Giữ gìn các thệ nguyện tối cao về việc giải thoát cá nhân
2) Giữ gìn Bồ-tát giới
3) Giữ gìn các thệ nguyện Kim Cương thừa
b. Ngài Atiśa thành tựu trong tu tập thiền định
1) Rèn luyện định lực theo kinh điển và mật điển thông thường
2) Rèn luyện các định lực siêu việt
c. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện trí huệ
1) Rèn luyện trí huệ thông thường
2) Rèn luyện Trí huệ siêu việt
C. Sau khi có được các phẩm hạnh cao quý, ngài Atiśa đã tiếp tục hoằng hóa
1. Hành trạng tại Ấn
2. Hành trạng tại Tây Tạng

[Chương 2 Giá Trị Cao Quý của Phật Pháp]
II. Chứng minh giá trị cao quý của Phật pháp để khởi sinh lòng kính trọng những lời giảng dạy
A. Giá trị cao quý trợ giúp người tu học hiểu biết rằng Phật pháp không có gì mâu thuẫn
B. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học hiểu biết rằng tất cả kinh điển là hướng dẫn để thực hành.
C. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học dễ dàng tìm thấy mục tiêu của Bậc Tối Thắng
D. Giá trị cao quý để trợ giúp người tu học tự kiềm chế được những sai lầm trầm trọng

[Chương 3 Phương cách lắng nghe và lý giải về giáo pháp]
III Phương cách lắng nghe và lý giải về giáo pháp.
A. Phương cách lắng nghe Phật pháp theo cách qua đó cả giáo pháp và tác giả đều cao quý
1. Suy tưởng về lợi ích của việc lắng nghe phật pháp
2. Phát triển sự tôn kính giáo pháp và người hướng dẫn
3. Phương pháp thực sự lắng nghe
a. Từ bỏ ba khuyết điểm của một cái thùng chứa
b. Phụ thuộc vào sáu ý niệm
B. Phương cách giảng giải Phật pháp theo cách qua đó cả giáo pháp và tác giả đều cao quý
1. Suy tưởng về lợi ích của việc giảng giải Phật pháp
2. Phát triển sự tôn kính Thầy và giáo pháp.
3. Với tư duy và cách ứng xử nào khi giảng giải Phật pháp
4. Phân biệt người nên hay không nên giảng giải Phật pháp.
C. Phương cách kết thúc một thời giảng trong liên hệ giữa lắng nghe và giảng giải Phật pháp
[Chương 4 Nương Tựa vào Thầy]

IV. Phương cách dẫn dắt tu sinh với những hướng dẫn thực tế
A. Phương cách nương tựa vào thầy {đạo sư}, căn cơ của con đường tu tập
1. Một số giải thích chi tiết để phát triển được mức hiểu biết chắc chắn
a. Các đặc tính đặc trưng của Thầy để nương tựa được
b. Các đặc tính đặc trưng của tu sinh khi nương tựa vào thầy
c. Phương cách đệ tử nương tựa vào thầy
1) Nương tựa về tư duy
a) Những chỉ định tổng quát về thái độ cần có khi nương tựa vào Thầy.
b) Đặc biệt, tạo niềm tin là căn cơ.
c) Nhớ lòng tử tế của Thầy và kính trọng Thầy
2) Nương tựa về hành trì
d. Các lợi ích của việc nương tựa vào Thầy
e. Các lỗi lầm khi không nương tựa vào Thầy
f. Tóm tắt ý nghĩa của năm phần trên

[Chương 5 Thời Thiền]
2. Một chỉ định tóm tắt về phương cách duy trì thiền
a. Phương cách thực tiễn để duy trì thiền
1) Phải làm gì khi đang trong thời thiền
a) Chuẩn bị
b) Thực sự nhập thiền
i) Làm sao để duy trì thiền tổng quát
ii) Làm sao để duy trì thời thiền chuyên biệt
c) Phải làm gì sau khi xả thiền
2) Phải làm gì giữa các thời thiền
a) Kiểm soát các giác quan
b) Hành động với cảnh giác
i) Các nền tảng để hành động đặt làm căn bản
ii) Hành động một cách cảnh giác với tôn trọng nền tảng
c) Chế độ ẩm thực thích hợp
d) Làm sao hành trì một cách tinh tấn để không ngủ sai thời và làm sao hành động đúng lúc đi ngủ.

[Chương 6 Bác Bỏ Quan Niệm Sai Lầm Về Thiền]
b. Bác bỏ quan niệm sai lầm về thiền

[Chương 7 Một Kiếp Người An Lạc và Thuận Duyên]
B. Những giai đoạn người đệ tử điều phục tâm thức sau khi họ nương tựa vào đạo sư
1. Sự khuyến khích về việc tận dụng toàn vẹn đời sống an lạc và thuận duyên
a. Sự nhận diện an lạc và thuận duyên
1) An lạc
2) Thuận duyên
a) Năm khía cạnh của thuận duyên thuộc về bản thân quý vị
b) Năm khía cạnh thuận duyên liên quan đến những chúng sinh khác
b. Quán chiếu về tầm quan trọng to lớn của an lạc và thuận duyên
c. Quán chiếu về sự sự khó khăn để đạt được an lạc và thuận duyên

[Chương 8 Ba Loại Người]
2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên
a. Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình tu tập
1) Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào
2) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người
a) Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người
b) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo những giai đoạn như vậy
i) Nguyên nhân thật sự
ii) Mục đích

[Chương 9 Chánh Niệm về Cái Chết]
b. Con đường thật sự để tận dụng cuộc sống an lạc và đầy thuận duyên
1) Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho người có khả năng giới hạn.
a) Điều phục tâm thức cho một người có ít khả năng {căn cơ thấp}
i) Phát triển trạng thái quán chiếu tâm nỗ lực tinh tấn cho lợi ích của những kiếp sống vị lai.
a’ Chánh niệm về cái chết, quán chiếu rằng quý vị sẽ không tồn tại lâu trên cuộc đời này.
1’ Sai lầm của việc không trau dồi chánh niệm về cái chết
2’ Lợi ích của việc trau dồi chánh niệm về cái chết
3’ Loại chánh niệm về cái chết mà quý vị cần khai triển
4’ Phương pháp trau dồi chánh niệm về cái chết
a’’ Tư duy rằng cái chết là lẽ tất nhiên
1’’ Hãy quán chiếu rằng thần chết chắc chắn sẽ đến và vì vậy điều đó là không thể tránh khỏi.
2’’ Hãy quán chiếu rằng đời sống của quý vị không thể kéo dài và thường xuyên suy giảm.
3’’ Hãy quán chiếu về cái chết là chắc chắn ngay cả trong lúc quý vị còn sống thì cũng có rất ít thì giờ cho tu tập tôn giáo
b’’ Hãy quán chiếu về thời điểm bất định của cái chết
1’’ Quán chiếu về tuổi thọ trên thế gian này thật không chắc chắn
2’’ Quán chiếu rằng có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết và rất ít nguyên nhân dành cho sự sống
3’’ Quán chiếu rằng thời điểm xảy ra cái chết là không chắc chắn bởi vì thân thể con người rất mong manh dễ hư hoại.
c’’ Quán chiếu rằng vào thời điểm diễn ra cái chết, sẽ không ai có thể hỗ trợ ngoại trừ sự tu tập tôn giáo
1’’ Bạn bè sẽ không thể hỗ trợ.
2’’ Tài sản vật chất không thể hỗ trợ.
3’’ Thân thể của quý vị cũng không thể giúp ích.
[Chương 10 Quán Tưởng về Kiếp Sống Tương Lai của Quý Vị]
b’ Quán chiếu những điều sẽ xảy đến trong đời sống tương lai của quý vị: hạnh phúc và khổ đau của hai hạng chúng sanh
1’ Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh ở những địa ngục
a” Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh trong những địa ngục nóng
b” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục cận biên
c” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục lạnh
d” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục phụ
2’ Quán chiếu sự đau khổ của súc sinh
3’ Quán chiếu sự đau khổ của ngạ quỷ
a” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên ngoài
b” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên trong
c” Loài ngạ quỷ gặp những trở ngại đối với thức ăn và nước uống

[Chương 11 Quy Y Tam Bảo]
ii) Nương tựa vào những phương tiện mang đến hạnh phúc cho kiếp sống tiếp theo
a’ Điều phục tâm thức cho sự quy y tam bảo, cánh cửa thù thắng để đến với lời huấn thị
1’ Những nguyên nhân cho việc quy y
2’ Dựa vào đó, những đối tượng quý vị sẽ quy y
a” Nhận diện những đối tượng quý vị sẽ quy y
b” Những nguyên nhân vì sao các đối tượng này xứng đáng để quý vị quy y
3’ Con đường quý vị sẽ quy y
a” Quy y thông qua sự hiểu biết những phẩm hạnh tốt
1” Những phẩm hạnh tốt của đức Phật
(a) Những phẩm hạnh tốt của thân Phật
(b) Những phẩm hạnh tốt của khẩu Phật
(c) Những phẩm hạnh tốt của ý Phật
(i) Những phẩm hạnh tốt về tri thức
(ii) Những phẩm hạnh tốt về lòng từ bi
(d) Những phẩm hạnh tốt của những hành động giác ngộ
2” Những phẩm hạnh tốt của Pháp
3” Những phẩm hạnh tốt của Tăng đoàn
b’’ Quy y thông qua hiểu biết những sự thù thắng
1” Sự thù thắng dựa vào những tự tướng của tam bảo
2” Sự thù thắng dựa vào những hành động giác ngộ của tam bảo
3” Sự thù thắng dựa vào lòng thành kính
4” Sự thù thắng dựa vào việc thực tập
5” Sự thù thắng dựa vào sự hồi tưởng
6” Sự thù thắng dựa vào cách thức của ba ngôi báu làm tăng trưởng công đức
c” Quy y thông qua nguyện lực
d” Quy y bằng cách khước từ sự nương tựa vào những đối tượng khác

[Chương 12 Giới Quy Y]
4’ Sau khi quy y, các giai đoạn giữ giới
a” Các giới này được ghi lại như thế nào trong Quyết Định Yếu Luận
1” Tập hợp phân chi thứ nhất
(a) Nương tựa nơi bậc xuất chúng
(b) Lắng nghe giáo pháp siêu việt
(c) Định tâm đúng mức vào các giáo pháp này
(d) Trau dồi thực hành tương hợp với giáo pháp
2” Tập hợp phân chi thứ hai
(a) Đừng kích thích các giác quan
(b) Thọ giới một cách đúng đắn
(c) Có lòng bi mẫn đối với chúng sinh
(d) Gắng sức cúng dường định kỳ lên Tam Bảo
b” Các giới này được trình bày như thế nào trong truyền thống khẩu truyền
1’’ Giới đặc biệt
(a) Giới cấm
(b) Giới tập quán
2’’ Các giới tổng quát
(a) Bằng cách nhớ lại những điểm ưu việt và những phẩm hạnh cao quý của Tam Bảo, không ngừng quy y
(b) Bằng cách nhớ lại lòng từ quảng đại của Tam Bảo, nỗ lực thờ phụng Tam Bảo không ngừng và dâng lên Tam Bảo miếng ăn, thức uống trước tiên
(c) Khiến các chúng sinh khác được thuần thục trong cách hành trì này bằng cách thương xót chiếu cố đến họ
(d) Bất cứ làm việc gì với bất cứ mục đích gì, cúng dường và khẩn cầu Tam Bảo, từ bỏ mọi phương pháp thế gian khác
(e) Sau khi đã hiểu những lợi ích, quy y ba lần ban ngày và ba lần ban đêm
(i) Những lợi ích được trình bày trong Quyết Định Yếu Luận
(a’) Tập hợp đầu tiên gồm bốn lợi ích
(1’) Tạo được rất nhiều phước đức
(2’) Được hỷ lạc và hỷ lạc tối thượng
(3’) Đạt được định
(4’) Đạt được sự thanh tịnh
(b’) Tập hợp thứ hai gồm bốn lợi ích
(1’) Sẽ nhận được nhiều hộ trì
(2’) Làm giảm, chấm dứt và hoàn toàn tiêu trừ mọi ngăn che xuất phát từ niềm tin không chân chính
(3’) Được liệt vào bậc xuất chúng, người thực sự thành tựu tình trạng siêu phàm
(4’) Làm vui lòng và được sự chấp thuận của thầy và bạn đạo, và của chư thần hoan hỷ nơi giáo pháp
(ii) Những lợi ích được trình bày trong các chỉ dạy riêng
(a’) Được kể là Phật tử
(b’) Xứng đáng được thọ trì tất cả các giới
(c’) Làm giảm và diệt trừ những ngăn che do nghiệp báo đã tích lũy trước đây
(d’) Tích lũy được rất nhiều phước đức
(e’) Không bị rơi vào các cõi khổ
(f’) Không bị các chướng ngại nhân hoặc phi nhân ngăn trở
(g’) Thành tựu mọi điều ước muốn
(h’) Mau chóng đạt được Phật quả
(i’) Giữ gìn quy y và không từ bỏ Tam Bảo ngay cả khi nói đùa hoặc phải mất mạng

[Chương 13 Các Tính Chất Tổng Quát của Nghiệp]
b’ Phát triển được niềm tin xác tín rằng nghiệp là cội rễ của mọi hạnh phúc tạm thời và điều thiện lành chắc chắn
1’ Quán chiếu về nghiệp và ảnh hưởng của nó nói chung
a” Phương cách thật sự để quán chiếu một cách tổng quát
1” Tính chắc chắn của nghiệp
2” Tính khuếch đại của nghiệp
3” Không phải chịu những hậu quả của các hành động quý vị không làm
4” Những hành động quý vị làm sẽ không mất đi

[Chương 14 Các Loại Nghiệp Khác Nhau]
b” Quán chiếu những đặc thù về sự phân hóa của nghiệp
1” Những giảng dạy chính về mười nghiệp đạo
2” Việc xác định các quả của hành động
(a) Các hành động bất thiện và quả của nó
(i) Những nghiệp đạo thật sự của các hành động bất thiện
(ii) Phân biệt độ nặng
(a’) Độ nặng của mười bất thiện đạo
(b’) Bàn qua về những tiêu chuẩn của các hành động mãnh liệt
(1’) Sức mạnh về phía người nhận
(2’) Sức mạnh về mặt yểm trợ
(3’) Sức mạnh về mặt đối tượng
(4’) Sức mạnh về mặt thái độ
(iii) Bàn về quả
(a’) Quả đã thành hình
(b’) Quả tương hợp với nhân
(c’) Quả gián tiếp/phương tiện quả
(b) Các hành động thiện và quả của nó
(i) Hành động thiện
(ii) Quả của hành động thiện
(c) Một trình bày về các cách phân loại khác của nghiệp
(i) Phân biệt giữa biểu nghiệp và bổ nghiệp
(ii) Nghiệp mà quả của nó quý vị chắc chắn sẽ trải qua hoặc chỉ có triển vọng trải qua
2’ Suy ngẫm chi tiết về nghiệp và nghiệp quả
a” Những tính chất của quả thành hình
b” Những kết quả của quả
c” Những nguyên nhân của quả

[Chương 15 Trau Dồi Giới Hạnh]
3’ Làm thế nào để trau dồi giới hạnh, lánh xa điều ác sau khi đã quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả một cách tổng quát và chi tiết
a” Giải thích tổng quát
b” Đặc biệt là cách tịnh hóa qua bốn năng lực
1” Năng lực diệt trừ
2” Năng lực của việc áp dụng các biện pháp đối trị
3” Năng lực của việc xa lánh các lỗi lầm
4” Năng lực nền tảng

[Chương 16 Thái Độ của Người Có Khả Năng Nhỏ]
b) Tầm mức thái độ của người có khả năng nhỏ {hạ căn, căn cơ thấp}
c) Làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về thái độ của người có khả năng nhỏ

[Chương 17 Tám Loại Khổ]
2) Điều phục tâm trong các giai trình đạo của người có khả năng trung bình
a) Huấn luyện tâm trí
i) Xác định thế nào là tâm hướng tới giải thoát
ii) Phương pháp phát triển tâm hướng tới giải thoát
a’ Suy ngẫm về khổ và nguồn gốc của khổ
1’ Suy ngẫm về khổ đế – những khuyết điểm của sinh tử luân hồi
a” Cho thấy tầm quan trọng của việc Đức Phật khẳng định khổ đế là chân lý đầu tiên của Tứ Đế
b” Cách thiền quán thực tế về khổ
1” Suy ngẫm về cái khổ chung của sinh tử luân hồi
(a) Suy ngẫm về tám loại khổ
(i) Khổ của việc sinh ra đời
(ii) Khổ của tuổi già
(iii) Khổ của bệnh
(iv) Khổ của chết
(v) Khổ của việc phải gặp điều bất như ý
(vi) Khổ của việc phải xa lìa điều như ý
(vii) Khổ của việc không có được những thứ mình muốn
(viii) Khổ của ngũ uẩn bị chiếm hữu

[Chương 18 Sáu Loại Khổ]
(b) Suy ngẫm về sáu loại khổ
(i) Khuyết điểm về tính không chắc chắn
(ii) Khuyết điểm về tính không thể toại nguyện được
(iii) Khuyết điểm về việc phải bỏ thân thể lặp đi lặp lại
(iv) Khuyết điểm về việc phải tái sinh lặp đi lặp lại
(v) Khuyết điểm của việc phải giáng hạ xuống thấp lặp đi lặp lại
(vi) Khuyết điểm của việc không có bạn đồng hành

[Chương 19 Thiền Quán Thêm về Khổ]
(c) Thiền quán về ba loại khổ
(i) Khổ do thay đổi
(ii) Khổ do đau đớn
(iii) Khổ do duyên sinh
2’’ Suy ngẫm về các đau khổ cụ thể
(a) Cái khổ của con người (skt. manuṣya)
(b) Cái khổ của A-tu-la (skt. Asura)
(c) Suy ngẫm về cái khổ của chư thiên (skt. deva)
(i) Chư thiên của dục giới
(a’) Cái khổ của việc phải chết và bị giáng xuống các giới thấp
(1’) Cái khổ của chết
(2’) Cái khổ của việc phải giáng xuống các cảnh giới thấp
(b’) Cái khổ của âu lo
(c’) Cái khổ của việc bị cắt chém, đâm rạch, giết chết, và bị đuổi đi
(ii) Chư thiên của sắc giới và vô sắc giới

[Chương 20 Nguồn Gốc của Sự Khổ]
2’ Suy ngẫm về tiến trình luân hồi về mặt nguồn gốc
a” Phiền não khởi lên như thế nào
1” Nhận diện phiền não
2” Thứ tự theo đó phiền não khởi lên
3” Các nguyên nhân của phiền não
4” Những sai sót của phiền não
b” Từ đó quý vị tích lũy nghiệp như thế nào
1” Xác định nghiệp mà quý vị tích lũy
(a) Nghiệp từ sự dụng tâm
(b) Nghiệp từ hành động có dụng tâm
2” Quý vị tích lũy nghiệp như thế nào
(a) Tích lũy nghiệp vì các cảm giác lạc thú
(i) Tích lũy nghiệp vì lạc thú xuất phát từ vui hưởng những đối tượng ưa thích – sắc, thanh, và những thứ tương tự
(ii) Tích lũy nghiệp vì đạt hỷ lạc trong thiền định, sau khi quý vị đã từ bỏ tham luyến đối với các lạc thú giác quan bên ngoài
(b) Tích lũy nghiệp vì các cảm giác trung tính
c” Quý vị chết và tái sinh như thế nào
1” Trạng huống của cái chết
2” Tâm thức vào lúc chết
(a) Chết với tâm thiện lành
(b) Chết với tâm bất thiện
(c) Chết với tâm trung tính về mặt đạo đức
3” Hơi nóng tụ ở đâu
4” Sau khi chết quý vị vào tình trạng trung ấm như thế nào
5” Rồi quý vị tái sinh như thế nào

[Chương 21 Mười Hai Yếu Tố Duyên Khởi]
b’ Suy ngẫm từ quan điểm mười hai duyên khởi
1’ Sự phân chia thành mười hai yếu tố
2’ Sự phân loại giản lược các yếu tố
3’ Số đời cần trải qua để hoàn tất tất cả mười hai yếu tố
4’ Tầm quan trọng của mười hai yếu tố được tóm lược như thế nào

[Chương 22 Thái Độ của Một Người Có Khả Năng Trung Bình]
b) Mức độ quyết tâm muốn được giải thoát
c) Phá tan những ý niệm sai lầm

[Chương 23 Nắm Chắc Bản Chất của Con Đường Dẫn Tới Giải Thoát]
d) Nắm chắc bản chất của con đường đưa tới giải thoát
i) Loại cuộc sống qua đó quý vị có thể làm ngưng luân hồi
ii) Loại lộ trình quý vị phải tu tập để làm ngưng luân hồi
a’ Sự chắc chắn của việc liệt kê ba tu tập
1’ Các giai đoạn điều phục tâm
2’ Các kết quả
3’ Những đối tượng mà chúng tiêu trừ
b’ Việc quyết định thứ tự của ba tu tập

[Chương 24 Tính Chất của Tam Vô Lậu Học]
c’ Tính Chất của Tam Vô Lậu Học

****

Khai Luận

Con xin kính lễ bổn sư Văn-thù-sư-lợi {Diệu Âm – Mañjughoṣa}.

Con cúi đầu đảnh lễ đấng Thế Tôn Thích-ca,
Thân của Người được tạo từ muôn ngàn đức hạnh Ba-la-mật-đa,
Khẩu của Người làm thỏa nguyện vô hạn chúng sanh,
Ý của Người thấu rõ chánh tri kiến về vạn pháp.

Con hạ mình đảnh lễ trước ngài Vô Năng Thắng {Di-lặc – Ajita} và ngài Văn-thù-sư-lợi,
Là các truyền nhân tối cao của đấng Bổn Sư Vô Thượng Sĩ [đức Phật],
Đã tiếp thụ gánh vác tất cả các hành vi của đấng Chiến Thắng,
Các hạnh đó tỏa hào quang đến vô lượng cõi Phật-đà.

Con cúi đầu dưới chân Tổ Long Thọ và Vô Trước,
Đã nổi danh trong tam cấp , trang nghiêm toàn cõi Nam Thiệm Bộ Châu
Người đã soạn các luận giảng chính xác
Về chủ ý thậm thâm khôn lường của các đấng Phật mẫu.

Con cúi đầu trước tổ Nhiên Đăng [Atiśa], đã gánh vác kho tàng giáo huấn,
Bao gồm các mấu chốt hoàn chỉnh và không sai lạc
Của lộ trình về quan điểm thâm sâu và các hành vi quảng bác
Đã được trao truyền từ hai tổ tiên phong vĩ đại kia

Con hạ mình tôn kính trước các đạo sư
Là người mà hành vi thiện xảo được hướng động bởi lòng từ ,
Là sự sáng soi cho cửa ngỏ thiện duyên dẫn đưa đến giải thoát,
Là mắt để thấy được muôn vàn kinh điển vô biên.

Nay những ai xúc tiến nỗ lực vào thiền đã học hỏi một ít [kinh văn cổ điển],
Trong khi những kẻ đa văn lại không đủ thiện xảo về mấu chốt của việc thực hành.
Họ thường có khuynh hướng xem kinh văn qua các nhãn quan bộ phái,
Không thể nào dùng luận lý để phân biệt ý chỉ của kinh văn

Cho nên, sau khi thấy họ thiếu vắng lộ trình để đạt đến thiện tri,
Đấng Thế Tôn hoàn tất các giáo huấn, các điểm chính của giáo pháp, [2]
Tôi đã hứng khởi để giảng giải
Về con đường của các nhà tiên phong vĩ đại này.

Tất cả những ai có duyên may không bị che mờ bởi bóng đen về bộ phái.
Và những ai có khả năng tinh thần phân biệt được chánh tà,
Và những ai mong ước tạo ra cuộc đời tốt đẹp an lạc
Hãy nên giữ nhất tâm lắng nghe [3]

Ở đây việc giảng dạy mà tôi sẽ giải thích là cách thức mà những người thiện duyên sẽ được dẫn dắt đến Phật quả bằng phương tiện của giai trình đến giác ngộ: (1) là sự gồm thâu các điểm chính của tất cả các kinh văn của đấng Chiến Thắng, (2) là các lộ trình tu tập đã được rèn luyện bởi hai đại tiên phong: Long Thọ và Vô Trước, (3) là hệ thống cho các chúng sinh tối cao tiến bộ lên trạng thái nhất thiết trí {toàn giác} và (4) là một nội hàm đầy đủ tất cả các giai đoạn được tu tập bởi ba loại người {hạ, trung và thượng căn} .

Các thiện tri thức của Học viện Nālandā vinh quang được xem là đã giải thích việc giảng dạy bằng cách thức của ba thuần khiết {thanh tịnh}: lời giảng thuần khiết của đạo sư, tâm thức thuần khiết của đệ tử, và giáo pháp thuần khiết sẽ được giảng dạy. Sau một thời gian giáo pháp này được lan rộng đến Vikramalaśīla, người ta cho rằng thật là điều quan trọng cho các thiện tri thức để bắt đầu {việc giảng dạy} bằng ba đề tài gồm: sự vĩ đại về tác giả của giáo pháp, sự to tát chính giáo pháp và cách thức nên được giảng giải và lắng nghe giáo pháp đó. Giữa hai phương cách {dạy và học} đã nổi tiếng này, ở đây, tôi sẽ theo cách thứ nhì trong các giảng giải của tôi.

Giảng dạy này về giai trình đến giác ngộ gồm bốn phần:
1. Chỉ ra sự vĩ đại của tác giả của giáo pháp này để xác lập rằng giáo pháp đó là nguồn chánh pháp (chương 1)
2. Chỉ ra sự vĩ đại của giáo pháp để mang đến lòng tôn kính với các huấn thị (chương 2)
3. Cách thức để lắng nghe và giảng giải các giáo pháp này (chương 3)
4. Các thức dẫn dắt đệ tử với các huấn thị thật sự (chương 4 trở đi)

***

[1]The Great Lam Rim. Choden Rinpoche. {Theo định nghĩa của Trung Quán tông, phái mà ngài Tsongkhapa tu trì, thì Kinh Luận liễu nghĩa là loại kinh luận nói về tánh Không hay trạng thái tối hậu của thực tại}. Truy cập07/01/2012.

<http://www.lamrim.com/lamrim/>.

[2]Lama Tsongkhapa’s Biography. Lama Yeshe Wisdom Archieve. Truy cập 07/01/2012.

<http://www.lamayeshe.com/index.php?sect=author&subsect=bio&id=37>.

[3]Phút 40. Ngày giảng thứ nhất buổi sáng. The Great Treatise on the Stages of the Path to Enlightenment. Tại: Chánh Tự viện Tây Tạng, Dharamsala, Ấn-độ Ngày: 23-25 tháng 10 2011. Truy cập 04/02/2012.

<http://www.dalailama.com/webcasts/post/211-the-great-treatise-on-the-stages-of-the-path-to-enlightenment>.

[4] Thuật ngữ chúng sinh hữu tình dùng để chỉ các sinh vật có khả năng cảm xúc tức là biết đau khổ.  Trong khuôn khổ bộ sách, chúng tôi viết gọn thuật ngữ này thành chúng sinh là dùng để chỉ chúng sinh hữu tình.

[5]Theo nội dung thư gửi của Bộ Trưởng Văn Hóa Tôn Giáo Tây Tạng cho đạo hữu Lê Xuân Dương, đại diện nhóm dịch lamrim lotsawas vào ngày 12 tháng 01 năm 2009.

[6]Geshe tương đương với thuật ngữ kalyāṇamitra, theo nghĩa đen là “tôn đức hữu” (bạn tôn đức). Trong lối sử dụng thông thường, đây là học vị chỉ dành cho các học giả tu sĩ trong trường phái Gelugpa hay trong Sakya Tây Tạng khi họ tốt nghiệp. Trong Gelugpa, geshe được chia thành nhiều đẳng cấp trong đó cao nhất là Lharampa. Một số cho rằng geshe là học vị tương đương với học vị tiến sĩ. Trong thực tế, thời gian để hoàn tất học vị này là từ 12-20 năm tập trung vào việc hiểu nhớ kinh luận và tranh luận. Chương trình học xoáy quanh 5 chủ đề chính gồm: (1) Vi Diệu Pháp, (2) Trí huệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa, (3) Trung Đạo, (4) Nhân Minh Luận (hay Luận lý học Phật giáo) và (5) Giới Luật. Để tỏ sự tôn kính và thân mật đối với các geshe, người Tạng thường gọi các ngài là geshela.

Geshe. Wikipedia. Truy Cập 20/02/2012.

<http://en.wikipedia.org/wiki/Geshe>

[7]Gelugpa, nghĩa đen là ‘hiền nhân’. Đây là trường phái Phật giáo lớn nhất Tây Tạng, do ngài Tsongkhapa sáng lập vào thế kỷ 14. Giới luật và học tập uyên bác được nhấn mạnh trước khi bước vào tu tập thiền định. Đứng đầu dòng Gelugpa là các Đức Dalai Lama liên tục tái sinh để đảm nhận trách vụ này; vào năm 1642 Đức Dalai Lama đời thứ V trở thành lãnh tụ tôn giáo và thế tục của Tây Tạng và từ đó đến nay Tây Tạng vẫn giữ tập tục này. Gelugpa. Wikipedia. Truy cập 20/01/2012.

<http://en.wikipedia.org/wiki/Gelugpa>.

[8]Trong Mật tông có nhiều hình thức lễ nghi và thực hành để nối kết hành giả với đạo sư. Trong đó có các phương tiện thiền hình dung hóa (hay quán tưởng) vị đạo sư như là một vị Phật hay một giác thể, và ở một mức cao, có các phép quán tưởng hợp nhất hành giả với đạo sự trong dạng bổn tôn. Pháp tu quan trọng được biết là Guru Yoga.

[9]Còn được dịch là đàn-tràng hay mạn-đà-la theo nghĩa đen là trung tâm hay một hình khép kín, thường được miêu tả như một vòng tròn quay quanh một trung tâm. Ở mức thấp nhất, maṇḍala có thể được hiểu như là chúng ta, các hành giả, và hiện tượng giới bao quanh ta. Thuật ngữ maṇḍala cũng được mô tả như một cấu trúc tích hợp được thành lập quanh một nguyên lý hợp nhất trung tâm. Mandala. Rigpa shedra. Truy cập 18/02/2012.

< http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Mandala>.

[10]Kim Cương Tát-đỏa: được dịch từ chữ Phạn Vajrasattva — là vị Phật tối cao trong tất cả các dòng Phật và maṇḍala. Một lời nguyện của Kim Cương Tát-đỏa Phật là: trong tương lai khi tôi đạt Phật quả toàn hảo, xin cho những ai đã phạm tội ngũ nghịch, hay bất kỳ ai đã làm hư hại giới nguyện samaya được thanh tịnh hoàn toàn tất cả các hành vi và hư hại tai ách của họ chỉ bởi nghe tên của tôi, nghĩ về tôi hay tụng đọc bách âm chú, thần chú oai nghiêm nhất trong các chân ngôn. Cho đến khi tôi chưa hoàn thành thì tôi vẫn ở lại mà không giác ngộ. Vajrasattva. Rigpa Shedra. Truy cập 20/2/2012.

<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Vajrasattva>.

[11]Rimpochey, cũng được viết là Rinpoche nghĩa là “tôn giả”. Đây là một danh hiệu cao quý dành cho các vị lama (đạo sư) của truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Rinpoche. Rigpa Shedra. Truy cập 20/2/2012.

<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Rinpoche>.

[12]Tức là các cấp giới luật của Thanh Văn thừa, Bồ-tát thừa và Mật thừa – ở đây có sự phân biệt với thuật ngữ tam thừa hay dùng trong các tài liệu Phật giáo Việt Nam bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát thừa.

[13]BA1 Trong thiên văn học Phật giáo, Nam Thiệm Bộ Châu {skt. Jambudvīpa} là châu lục phía Nam của Tứ Đại Châu bao quanh núi Tu-di {skt. Meru} trung tâm của thế giới. Đay là châu lục mà loài người có đủ duyên (điều kiện) bên trong và bên ngoài cho việc tu tập tôn giáo.

[14]BA2 “Phật Mẫu của đấng Chiến Thắng” (tức các vị Phật) là kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa {skt. Prajñāpāramitā-sūtra} Trí huệ là mẹ của tất cả các đấng Chiến Thắng có nghĩa là chư Phật, trong phạm trù về việc phát triển trí huệ vốn hiểu biết tánh Không và v.v… thì có thể đạt Phật quả tối hậu.