LÔ SƠN LIÊN TÔNG BẢO GIÁM

Đời Nguyên, Phổ Độ biên tập.

NÓI VỀ CHÁNH TÍN CỦA NIỆM PHẬT

Ôi! Duy tâm lạc quốc trùm khắp mười phương, tự tánh Di-đà viên dung nhất trí, khéo ứng phó với cảnh sắc thanh. Thời gian qua nhanh rồi cũng bỏ vọng về chân, ngay đó quay lưng với bụi trần, hướng đến chánh giác. Ngài Pháp Tạng xưa phát nguyện rộng, khai mở con đường huyền diệu Cực lạc. Cho nên Đức Phật Thế Tôn chỉ cảnh Tây phương dạy bà Vi-đề-hy đến cảnh giới mầu nhiệm. Đây là tướng lưỡi rộng dài đồng khen ngợi kinh này, khi tất cả kinh khác mất hết chỉ còn riêng để lại kinh này. Bởi vì, việc lợi ích cho chúng sinh nên tâm hỷ xả tăng trưởng, lòng Từ bi ứng hiện giáo hóa lớn. Giáo chia thành chín phẩm là riêng mở cửa phương tiện, quán rõ nhất tâm. Thật là con đường tắt để trở về nguồn cội. Thánh phàm đồng hội họp như khách đi xa lâu ngày được trở về quê hương, đạo cảm ứng giao nhau như con thơ đi xa mẹ hiền ôm ấp trong lòng. Nếu không hiểu chỗ chí lý cao tột này thì gặp cảnh đều mê tín, tin vào lời bàn trọn vẹn này thì không việc gì không thông suốt, huống gì lại được ánh từ quang nguyện che chở, thâu nhiếp, Phật lực khó suy nghĩ bàn luận, nương thuyền xuôi theo dòng nước thì đâu nhọc công chèo chống, đẩy cửa rớt cối xay há là người khác ư? Nếu người có nguyện thì Phật đều đón rước, không căn cơ nào không bao trùm, thuyền đá có thể cứu thoát, lửa trong địa ngục mau tiêu. Các Bồ-tát, Thanh văn sinh về nước kia số đông không thể tính kể. Trước Hiền sau Thánh đắc đạo, đều có thể tra cứu, xét tìm. Ở cõi Tây phương thường có chim Oanh vũ, Ca-lăng-tần-già cất tiếng phát âm giảng nói. Tất cả các loài côn trùng nhỏ nhít đều được ân giáo hóa: Cảnh Thánh chẳng phải rỗng không, Phật nói không luống dối, sao có thể không xót thương những kẻ đắm chìm lặn hụp nơi sông ái, không lo bị chết cháy trong nhà lửa thiêu đốt. Lưới nghi kết dày, người kém trí khó vung dao. Trồng nhiều nghi ngờ, sức tin mỏng manh, làm sao nhổ được gốc nghi ngờ nên phải cam tâm phục ý, ưa thích tai họa, bài bác cảnh giới thanh tịnh, tham luyến cõi phiền não. Như con thiêu thân đâm đầu vào lửa tự chuốc lấy tai ương, như cái vui của chim lồng cá chậu. Đấy là do năng lực điều lành nhỏ nhiệm, mà nghiệp lực vượt trội. Lòng tin kém mà gốc tội nhiều do đây ba đường mịt mờ, bốn sinh chộn rộn. Ai cũng tham sống thiết tha, ai biết trở về. Tất cả đều do nghiệp mênh mông mà không mong thoát khỏi sinh tử, số kiếp quá khứ đã khó cùng tận, luân hồi vị lai nhiều như hạt cải trong thành làm sao hết được? Chẳng phải ngày xưa đã gieo nhân lành thì sao nay được gặp nhân này, đánh trống mở cửa ngục tù, thì nên mau thoát khỏi chốn lao nhọc, gặp thuyền cứu vớt khổ đắm chìm đâu nên trì trệ, nghi ngờ. Kính thuận kim văn, khéo học pháp Phật. Người không nghe, không hiểu thì hay đau buồn. Huống chi cõi đời có năm thứ ác trược này bốn bên lửa đỏ, chỉ có Đức Phật mới có năng lực cứu vớt. Đã được nghe pháp mầu thì nên gieo duyên Tịnh độ. Một niệm tín thành là gieo trồng hạt giống ngàn muôn đức nghĩ suy đồng với Bậc hiền xưa, mong ngộ được chân thường, nên đều vâng làm như đã nói tận tâm đảnh lễ tin nhận.

1. Dứt nghi sinh tín.

Kinh nói: “Được thân người là khó, đã được thân người lại có đủ lục căn là khó, được sinh ở thành thị, thủ đô đất nước là khó, được gặp đạo Phật là khó, phát khởi tín tâm là khó”. Bởi nếu đã được nghe giảng giáo pháp mà lại nghi ngờ giáo nghĩa thì tín tâm không khởi được. Nếu không dứt trừ nghi ngờ thì tín tâm từ đâu mà sinh ra? Vì thế kinh Kim Cương nói: “Chánh tín ít có”. Kinh Pháp Hoa nói nhờ lòng tin nên được vào đạo. Vương Long Thư bảo: Phật là Đại Y vương có khả năng chữa trị tất cả bệnh tật nhưng không thể cứu người chết sống lại. Phật có khả năng độ tất cả chúng sinh nhưng không thể độ người bất tín. Bởi vì “Tín” là một tâm niệm chân thành. Nếu tâm niệm con người muốn rời xa thân thì thân cũng rời xa theo. Nếu tâm niệm muốn ở nơi thân thì thân cùng trụ lại. Như thế thân này tùy theo sự thay đổi của tâm niệm. Tâm muối rời xa thân mà thân bị trói buộc, thì lúc sắc thân hư hoại chỉ còn lại tâm niệm mà thôi. Nếu nghĩ nhớ đến chỗ nào thì liền sinh về nơi ấy. Cho nên một lòng niệm Phật cầu sinh Tịnh độ Tây phương thì chắc chắn được sinh về Tịnh độ, huống chi Đức Thế Tôn và các Đại Bồ-tát lại có bổn nguyện lực tiếp dẫn vãng sinh ư?

Có người hỏi: Tại sao cả đời niệm Phật, giữ giới mà đến lúc qua đời không được sinh Tịnh độ?

Đáp rằng: Vì tín lực ấy không sâu, hạnh nguyện còn thiếu, và không hề phát đại tâm Bồ-đề, lại không hề dứt bỏ tà hạnh mười điều ác. Tuy nói là tu hành nhưng lời nói và việc làm không hề tương ưng. Tuy nói niệm Phật nhưng không hề tịnh niệm nối nhau. Công phu đã không chân thật thì làm sao có được quả báo của Tịnh độ.

Kinh Tịnh Danh chép: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Lục Tổ Đàn kinh chép: Nếu trong tâm toàn thiện thì rất gần với cảnh Tây phương. Nếu ông lòng bất thiện mà niệm Phật cầu sinh Tây phương thì khó được kết quả. Nếu dứt bỏ mười điều ác thì Phật nào mà không đến đón rước? Cho nên thấy người đời không cầu tịnh tâm, chỉ là miệng niệm danh hiệu Phật, ở ngoài tâm cầu Phật, vọng tưởng, chấp trước mà không tự giữ cho tâm mình thanh tịnh. Tâm gây ra các việc ác, tự phá hoại Phật tánh của mình mà riêng cầu Phật bên ngoài ư? Cho nên mê lầm là chúng sinh, ngộ tức là Phật. Pháp môn Viên thông chép: “Nhớ Phật, niệm Phật hiện tiền, tương lai chắc chắn gặp Phật”. Bởi nhớ Phật là tâm niệm, cũng là tín tâm thanh tịnh, tín, hạnh, nguyện đầy đủ.

Kinh Lăng-nghiêm nói: Một căn trở về nguồn thì lục căn thành giải thoát, chuyển hóa mười điều ác thành thập thiện, sáu thức chuyển thành sáu thần thông. Cho nên, trong tâm chánh tín nhớ niệm danh hiệu Phật, tịnh niệm nối nhau thì tự tánh Di-đà hiện tiền. Người niệm Phật được Phật cảm ứng, lúc sắp qua đời gặp Phật, được vãng sinh Tịnh độ. Hễ người tu Tịnh nghiệp thì phải tin lời Phật nói và làm theo hạnh Phật. Tâm và miệng đã khế hợp nhân quả thì tất nhiên không mê mờ. Nếu nghe mà không tin, tin mà không thực hành thì cũng giống như vẽ bánh muốn bụng hết đói. Tâm đã không tin thì sinh nghi ngờ, hủy báng Phật pháp. Nghi ngờ đã khởi thì tự làm mê tối tâm mình, tự làm mê tối tâm mình thì cách xa cõi Tịnh độ. Cho nên Cư sĩ Hương Sơn soạn bài tựa cho Từ Chiếu Liên Tông sám, viết rằng: Đạo sư giáo hóa muôn vật, dạy bảo người giữ đạo lý, lấy tâm tín sâu làm năng nhập, phá các Xiển-đề. Lấy chuyên niệm Phật làm hạnh môn, khiến tâm không tán loạn, thêm nguyện Bồ-đề, tâm làm cội gốc, để độ thoát chúng sinh. Người có đủ ba tâm này sẽ chứng lên bậc Thượng phẩm thượng sinh ở Tịnh độ Cực lạc, biển quả Tỳ-lô. Rộng mênh mông mà dễ đến bờ. Lại nói ba điều này ai cũng sẳn đủ, cũng viên thành, nhưng vì không có tín, hạnh, nguyện nên mãi đắm chìm đọa lạc.

Than ôi! Hễ làm người không cần phước đức, không cần tôn quý, không cần thông minh, không cần tướng tốt, chỉ cần có đủ tín, hạnh, nguyện thì đủ làm tư lương sinh về Tịnh độ. Tứ Liệu Giản nói: “Từ cõi này đi về phía Tây qua mười muôn ức cõi Phật có một thế giới tên là Cực lạc, đó là nói xa. Nếu một niệm tín tâm niệm Phật thì liền đến phương Tây. Đây là nói gần”. Cho nên nói: “Cũng gần mà cũng xa, tất cả đều phụ thuộc vào lòng tin nguyện của con người.” Tín thì không cách một mảy lông, còn nghi ngờ thì luân hồi sinh tử. Lại nói: Từ cõi này đi về phương Tây xa xôi mười muôn dặm. Nếu đầy đủ lương thực thì lo gì đường xa không đến. Cho nên đạo lấy tín làm đầu mối của muôn điều lành, tín là tông của trăm hạnh. Hoa Nghiêm lấy Thập Tín làm điểm khởi đầu của quá trình Thành Phật. Pháp Hoa lấy chánh tín làm cửa vào đạo, ngũ Căn lấy tín căn làm đầu, ngũ Lực lấy tín lực làm trên hết. Cho nên chư Phật ba đời, các Đại Bồ-tát, Tổ sư nhiều đời tu các công hạnh đều có đủ đại nguyện lực để vào cảnh giới Phật, thành tựu đạo Bồ-đề đều từ chữ tín này mà vào.

Pháp sư Đàm Loan gặp Quán kinh của Lưu-chi thì đốt kinh Tiên, tu Tịnh nghiệp. Há không phải do chữ tín này ư? Bạch Thị Lang đi cũng niệm Di-đà, ngồi cũng niệm Di-đà há không xuất phát từ chữ tín này ư? Tô Học sĩ đeo tượng Di-đà đi ngồi đều mang theo bên người và gọi đó là Tây phương công cứ cũng không ngoài chữ tín này. Trương Thiện Hòa cả đời giết trâu, lúc sắp qua đời thấy cảnh địa ngục hiện ra trước mắt, may mắn gặp một vị Tăng bảo niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Ông niệm chưa được mười niệm đã thấy Phật đến tiếp dẫn, vãng sinh về Tịnh độ, được thoát khỏi cảnh địa ngục. Đây há không phải do lòng tin mà được thoát khỏi địa ngục hay sao?

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là nguồn sinh ra đạo, là mẹ sinh ra các công đức, lòng tin có công năng nuôi lớn các thiện căn. Tín thì vượt xa các đường ma, tín có công năng chứng đắc Tam-ma-địa, tín có công năng giải thoát bể khổ sinh tử, tín có công năng thành tựu Phật Bồ-đề. Than ôi! Người giữ trai giới ngày nay tin giữ giới mà không tin niệm Phật, tin thờ Phật mà không tin vãng sinh Tịnh độ. Đây đều là tự mình làm mất lợi ích lớn.

Chao ôi! Đường sinh lên trời, người phải lấy phước đức làm tiên quyết, trong biển sinh tử thì niệm Phật là bậc nhất. Nay muốn được vui cõi trời, người mà không tu phước đức, muốn thoát khỏi sinh tử mà không niệm Phật thì cũng giống như chim không có cánh mà muốn bay, cây không có rễ mà muốn tốt. Làm sao mà được? Chúng ta đồng thệ nguyện tất cả phải tin sâu lời Phật nói là chân thật, không luống dối. Phương thuốc hay để thoát khổ không gì bằng niệm Phật, chuyên tu Tịnh độ được vãng sinh Lạc quốc, thoát khỏi luân hồi, thời không đợi người, cẩn thận chớ có nghi ngờ. Nếu thân này không hướng sinh về cõi Cực lạc thì sẽ hướng sinh về đâu?

2. Khuyết phát tín tâm.

Ôi! Phật A-di-đà là bậc chí tôn trong các Đức Phật, là cha lành của bốn loài. Người quy y, tin tưởng thì diệt hằng sa tội chướng. Người xưng niệm được phước vô lượng. Hễ muốn niệm Phật thì phải khởi tín tâm, nếu không có tín tâm thì không biết do đâu mà được, cho nên Pháp sư Triệu nói: Việc này như vậy là tướng tin, việc này không như vậy là tướng bất tin.

Ôi! Tin là sơ tông vào đạo, trí là huyền thuật rốt ráo. Đầu các kinh đều nói “Như thị” là tin, sau gọi “Vâng hành” là trí. Cho nên kinh A-di- đà nói: Nếu người nào có lòng tin thì nên phát nguyện sinh về cõi nước kia. Đây là điều Đức Bổn sư Thích-ca khuyến tín. Lại nói: Các ngươi nên tin tưởng, xưng tán, khen ngợi thì được công đức không thể suy nghĩ, bàn luận. Đây là điều chư Phật sáu phương khuyến tín. Lại nói: “Nếu người nào trồng thiện căn mà nghi ngờ thì hoa không nở, người tín tâm thanh tịnh thì hoa nở liền thấy Phật”. Đây là điều mà Luận vãng sinh khuyên tin. Lại nói: “Tin, là từ ngữ thuận tin thì lý nói ra sẽ thuận. Thuận thì đạo thầy trò thành tựu, kinh thông có hạn cuộc, nếu không có lòng tin thì không thể truyền được”. Đây là điều Pháp sư Triệu khuyên tín.

Lại nói, pháp môn niệm Phật bất luận là đạo hay tục, nam hay nữ, không câu nệ là sang hay hèn, ai ai cũng tu được pháp môn này. Người tu theo pháp môn này chỉ cần tín tâm. Đây là điều Hòa thượng Đại Hạnh khuyên tin.

Hỏi: Nói là tin nhưng chẳng hay tin theo pháp môn nào?

Đáp: Tin là dựa vào lòng tin. Trong kinh Phật nói: Niệm Phật chắc chắn sinh Tịnh độ. Tin niệm Phật thì chắc chắn diệt trừ các tội. Tin niệm Phật thì chắc chắn được chư Phật che chở, tin niệm Phật thì chắc chắn được Phật chứng minh. Tin niệm Phật thì lúc qua đời chắc chắn được Phật đón rước. Tin niệm Phật thì bất luận chúng sinh nào cùng với người có lòng tin đều được vãng sinh Tây phương. Tin niệm Phật thì vãng sinh chắc chắn ở địa vị không lui sụt. Tin niệm Phật sinh Tịnh độ chắc chắn không đọa vào ba đường ác. Cho nên khuyên tin niệm Phật, thọ pháp này, trì niệm này thì chắc chắn được vãng sinh Tịnh độ. Cho nên Hòa thượng Đại Hạnh bảo người niệm Phật tâm chỉ tin Phật, thì Phật liền biết người đó, vì Phật có tha tâm thông. Miệng chỉ xưng danh hiệu Phật thì Phật sẽ nghe được vì Phật có thiên nhĩ thông. Thân chỉ lễ Phật thì Phật liền thấy người đó, vì Phật có thiên nhãn thông. Vì thế Hòa thượng

Đại Hạnh dùng pháp niệm Phật này khuyến khích làm cho người phát sinh tín tâm. Lại dụ rằng: người có tín tâm giống như trồng cây ăn quả, cây lớn rễ cắm sâu vào lòng đất, cho nên gió thổi không lay động. Sau ra quả hạt cứu giúp người đói khát. Người niệm Phật cũng giống như thế, cần phải phát khởi tín tâm mới được đến Tây phương. Nếu không tin thì không biết do đâu mà được. Cho nên kinh nói: Hàng Bồ-tát Thập Trụ một khi khởi tín tâm niệm Phật rồi thì sau đó dù gặp duyên ác có lìa bỏ thân mạng đi nữa cũng không lui sụt tín tâm. Cho nên kinh Duy-ma nói: Tin sâu vững chắc giống như kim cương, pháp báu chiếu khắp như mưa cam lộ. Tam-muội niệm Phật từ lòng tin sâu mà phát sinh ra. Hãy xem hằng hà sa chư Phật ở Tịnh độ đều là người có chánh tín.

3. Kệ chánh tín vãng sinh của Từ Vân Tuân Thức sám chủ ở Thiên trúc.

Cúi đầu kính lễ cõi An lạc

Di-đà Thế chủ Đại từ tôn

Con nương các thứ Tu-đa-la (kinh)

Tin sâu chắc chắn được vãng sinh

An trụ Đại thừa, tâm thanh tịnh

Mười niệm, niệm Phật Vô Lượng Thọ

Qua đời thấy Phật dẫn về Tây

Kinh Đại Bảo Tích nói như vậy

Năm tội ác nghịch, lửa ngục hiện

Gặp bạn lành phát tâm mạnh mẽ

Xưng niệm mười câu liền vãng sinh.

Kinh Thập Lục Quán nói như vậy.

Nếu có tâm vui mừng, ưa thích

Ít nhất mười niệm liền vãng sinh

Nếu không như thế, không thành Phật

Bốn mươi tám nguyện nói như vậy.

Ai nghe tên sinh tâm chí thành

Một niệm hồi hướng liền vãng sinh

Chỉ trừ năm nghịch, chê chánh pháp

Kinh Vô Lượng Thọ nói như vậy.

Sắp qua đời không thể quán, niệm

Chỉ khởi tâm niệm biết có Phật

Người này dứt hơi liền vãng sinh

Kinh Đại Pháp Cổ nói như vậy.

Một ngày một đêm luôn buộc niệm

Chuyên niệm vãng sinh tâm không dứt

Trong mộng thấy Phật liền vãng sinh

Kinh Vô Lượng Thọ nói như vậy.

Ngày đêm luôn xưng danh hiệu Phật

Siêng năng tinh tấn, không xen hở

Xoay vần khuyên nhau đồng vãng sinh

Trong kinh Đại Bi nói như vậy.

Một ngày, hai ngày, đến bảy ngày

Luôn niệm danh hiệu tâm bất loạn

Phật hiện trước mặt liền vãng sinh

Kinh A-di-đà nói như vậy

Nếu ai nghe danh Phật Di-đà

Một ngày, hai ngày, đến nhiều ngày

Buộc niệm, hiện tiền liền vãng sinh

Trong kinh Bát-nhã nói như vậy

Một ngày, một đêm trong sáu thời

Năm phần lạy Phật niệm không dứt

Hiện thấy Phật kia liền vãng sinh

Kinh Cổ Âm Vương nói như vậy.

Mười ngày mười đêm giữ trai giới

Kết cờ phướn, lọng báu, đèn hương

Buộc niệm một chỗ liền vãng sinh,

Kinh Đại Di-đà nói như vậy.

Nếu người chuyên niệm Phật một phương

Hoặc đi hoặc ngồi bốn chín ngày

Hiện đời thấy Phật liền vãng sinh

Trong kinh Đại Tập nói như vậy.

Nếu người tự thệ thường kinh hành

Suốt chín mươi ngày không ngồi nằm

Trong Tam-muội thấy Phật Di-đà

Trong kinh Phật Lập nói như vậy

Nếu người ngồi thẳng hướng về Tây

Trong chín mươi ngày thường niệm Phật

Được thành Tam-muội, sinh trước Phật

Văn-thù Bát-nhã nói như vậy.

Con đối các kinh tụng ít phần

Kinh nói như thế vô cùng tận

Nguyện cùng người nghe sinh chánh tín Giả.

Phật nói chân thật không dối lừa

Phật đã nói rõ dễ vãng sinh

Ai ai cũng tin không nghi ngờ.

4. Bài tựa luận Tịnh độ Thập Nghi của Đại sư Thiên Thai Trí

Bốn quả rõ ràng không thể so lường chỗ sâu kín của Như Lai, bậc

Thánh Thập địa cũng không thể hiểu cùng tận quả cao tột vi diệu này. Hàng phàm phu không có mắt tuệ nên bị vùi lấp trong ba cõi dù có thật cảnh an vui họ cũng cho là luống dối. Đối với cảnh Tịnh độ họ cho là sai lầm và nghi ngờ về cõi ấy. Nghi thân mình vì biết năm uẩn chưa đoạn diệt, nghi nơi tâm vì biết ngàn thứ mê hoặc chưa dứt bỏ. Nghi nơi việc làm vì biết Lục độ chưa cứu giúp. Giống như trên sóng gió bập bềnh chưa được ai cứu vớt, lo cứu mình trước rồi mới cứu những người xung quanh. Chính mình còn mê hoặc huống chi là người khác ư? Việc này khó tin, bị đạo tục nghi ngờ.

Theo Đại sư Trí Giả: Tâm xúc cảnh thì mê, trí làm cho thần sáng ngời, thừa, thời đều giúp giáo, ấn tích khác nhau là do chấp trước. Nhân chỗ khác ấy mà khảo xét sở chứng, không biết ba Bậc hiền ấy ư? Mười vị Thánh ư? Ấy là vì thần thông vi diệu của bậc Chánh đẳng giác giáo hóa khó nghĩ lường, dù tư duy mà không thể biết, chỉ Đại sư có niệm định tổng trì, chiếu soi các hạnh nghiệp cầu sinh Tịnh độ, ở giữa không chút xen hở được niệm định Tổng trì như Đại sư thì còn có việt nam Thập nghi này ư? Văn xa thì ghi chép những điều trong kinh, gần thì ghi chép các luận, bỏ đi ý nghĩa, chỉ lấy các truyện, không lìa kinh mà đầy đủ sự, không trau chuốt văn từ để thêm khéo léo. Nếu tra cứu văn từ thì đạt được ý đạt đến chỗ tột cùng của chín phẩm. Như thế mới thấy chỗ dụng tâm của Đại sư, thấy tấm lòng của Đại sư đối với Tịnh độ không còn nghi ngờ. Đó chính là trời cao không có mây thì các chòm sao tỏa sáng. Dù trải năm tháng có khác nhau nhưng rõ ràng không có chòm sao nào ẩn mất. Tôi được văn này, luôn nhớ niệm đấng Năng Nhân khen ngợi Tịnh độ, mong sao chư Phật chứng minh thành tựu. Hoặc tướng lưỡi rộng dài trùm khắp đại thiên, hoặc tiếng sóng biển giảng nói tiếng Phạm. Tôi tuy kém cỏi, nhưng không thể không nói, vì thế nên ở phần đầu luận lược ghi vài điều tận đáy lòng tôi. Văn nghĩa còn non nớt chưa đủ làm phát khởi sự giáo hóa của Đại sư. Điều này trước tiên xin Phật chứng minh thành tựu, để con có chỗ trở về nương tựa.

5. Bài tựa Vô Vi Dương Đề Hình Trực chỉ Tịnh độ quyết nghi.

Bậc Thánh có nguyện lớn từ Tịnh độ đến, đến mà thật không

đến; phàm phu tin sâu sinh về Tịnh độ, đi mà thật không đi. Kia không đến đây, đây không đến kia, nhưng Thánh phàm đồng hội ngộ, hai bên cùng giao tiếp nhau. Vì sao? Vì ánh sáng của Phật A-di-đà giống như mặt trăng tròn vạnh chiếu khắp mười phương. Nước lắng mà trong thì trăng hiện toàn thể. Trăng chẳng đến nước mà nước vẫn hiện bóng trăng. Nước chao lại đục thì ánh trăng chao, trăng chẳng bỏ nước chỉ sợ nước không đón nhận. Ở nước thì có trong, có đục, ở trăng thì không lấy, không bỏ, không đến, không đi.

Trưởng giả Giải Thoát trong kinh Hoa Nghiêm nói: Biết tất cả Phật giống như ảnh tượng, tự tâm như nước, các Đức Như Lai kia không đến đây, ta cũng chẳng đến kia. Nếu ta muốn gặp Đức Phật A-di-đà ở thế giới An lạc thì theo ý liền gặp. Cho nên biết chúng sinh chú tâm thì chắc chắn thấy Phật A-di-đà. Đây là xứng tánh thật ngôn, chẳng phải Quyền giáo.

Tịnh độ không có ham muốn, nên chẳng phải cõi dục, cõi ấy có mặt đất để ở nên chẳng phải cõi sắc, chúng sinh có hình tướng nên chẳng phải cõi Vô sắc. Tất cả chúng sinh chưa ngộ chánh giác, đang chìm trong giấc mộng lớn, lặn hụp trong sáu đường, không hề ngừng nghỉ. Các vị trời tuy vui nhưng khi phước báo hết thì các tướng suy hiện ra, A-tu-la sân giận, gây chiến giành phần hơn. Súc sinh, chim bay thú chạy ăn nuốt, giết hại lẫn nhau, quỷ thần ở chốn u minh bị đói khát ép ngặt, các chúng sinh chịu tội trong cảnh địa ngục đêm dài chịu khổ kêu la, còn nếu được sinh làm người thì vốn là hạnh phúc may mắn nhưng bị các khổ sinh, già, bệnh, chết trói buộc. Chỉ có cõi Cực lạc là vô khổ, toàn vui.

Người ở trong hoa sen hóa sinh ra, nên không có khổ sinh, cũng không có thời tiết nóng lạnh đổi dời nên không có khổ già, thân không có phần đoạn nên không có khổ bệnh, tuổi thọ vô lượng nên không có khổ chết. Cũng chẳng có cha mẹ vợ con, nên không có khổ ái biệt ly. Người ở cõi ấy toàn là người lành nên không có khổ oán tắng hội, hoa kích, thức ăn thơm tho, thọ dụng các món châu báu quý giá nên không có khổ cầu bất đắc. Quán chiếu không tịch nên không có khổ uẩn; thương xót cứu giúp hữu tình, muốn sinh thì sinh, không trụ ở tịch diệt, nên chẳng phải Nhị thừa; trí sáng chiếu soi sinh tử, được không còn lui sụt nên chẳng phải phàm phu. Ba cõi buông tuồng thí như bốn bên gò nổng hầm hố chứa chất dơ bẩn, ngăn cản suối khe thì chỗ nào là bến cầu. Thế nên mới có người lầm con đường này, bị thú dữ quỷ mị não hại, sống chen chúc chốn đạo binh, nước lụt lửa cháy, hoặc có lúc gió

táp sương sa cuồng bạo, bao cảnh rên la, bị người lấn hiếp mới biết đến thành vực có thể cứu giúp, y phục, cơm cháo cũng không đủ. Cam chịu những khổ đau này mà không cầu sinh về cõi An lạc.

Chỉ có Đức Phật Thích-ca là Đại Đạo sư chỉ cõi thanh tịnh là nước An Lạc, Phật Vô Lượng Thọ là thầy của Tịnh độ. Như vậy các chúng sinh nếu sinh về cõi ấy thì không có các thứ khổ, kẻ không nghe biết thật đáng thương xót, cũng có thiện sĩ phát ba thứ tâm.

Người không cầu sinh Tịnh độ, thường hay cao ngạo nói:

  1. Ta phải vượt Phật, hơn tổ, Tịnh độ không đáng để cầu sinh về.
  2. Nơi nào cũng là Tịnh độ, chẳng cần phải cầu sinh về Tây phương.
  3. Đất Thánh Cực lạc, phàm phu chúng ta không thể sinh về.

Trên biển cả mênh mông, Phổ Hiền nguyện thấy Di-đà, cõi Phật tuy là không nhưng Duy-ma thường tu Tịnh độ, Như Lai mười phương đưa tướng lưỡi rộng dài khen ngợi Tịnh độ. Bồ-tát mười phương cũng đồng lòng đi đến. Thử suy nghĩ kỹ càng, ai bằng các bậc Thánh mà bảo là không đáng sinh về, sao dám tự khinh thường như thế? Còn như Tổ sư Long Mãnh thì sao? Kinh Lăng-nghiêm có lời dự ký, như Thiên Thân giáo tông, vô số luận có kệ cầu sinh Tịnh độ. Từ Ân Thông Tán đầu tiên là nêu mười điều thù thắng, Trí Giả phân nghĩa lý rõ ràng để giải bày mười nghi. Đó đều là bậc thượng triết tinh tấn cầu vãng sinh, sao dám tự kiêu mạn bảo không cần sinh về Tây phương?

Xe lửa có thể tắt, thuyền, đá không chìm, người hiện hoa báo không ai hơn Trương Húc, niệm mười niệm được siêu thoát đến cõi an lành. Người đọa địa ngục không ai nhanh bằng Hùng Tuấn sống lại mà chứng được diệu nhân. Người thế gian vướng nhiều lầm lỗi, chưa hẳn bằng đây, thế mà lại tự coi rẻ mình nói không thể vãng sinh ư?

Kinh Ban-chu Tam-muội nói: Bồ-tát Bạt-đà-hòa hỏi Phật: Chúng sinh đời vị lai làm sao được thấy chư Phật mười phương? Phật bảo dạy họ niệm Phật A-di-đà thì sẽ thấy chư Phật mười phương.

Kinh Bảo Tích nói: Chúng sinh phương khác nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Như Lai nhẫn đến có thể phát một niệm tin thanh tịnh, vui mừng ưa thích, nếu có thiện căn hồi hướng nguyện sinh về nước kia thì tùy nguyện được sinh về cõi An lạc, được không lui sụt. Đây đều là lời Phật nói. Nếu không tin lời Phật nói thì còn tin lời nào? Nếu không vãng sinh Tịnh độ thì cõi nào có thể đến? Tại sao lại tự khinh, tự mạn, tự bỏ tánh linh của mình để phải ra vào trong vòng luân hồi? Đây là lỗi của ai? Bốn mươi tám nguyện là để độ sinh, mười sáu pháp quán đồng quy

về buộc niệm. Một niệm đã tin rồi tức là đã gieo giống vào ao báu, các điều lành hỗ trợ, chắc chắn hóa sinh nơi đất vàng, không còn sự nghi ngờ, hối tiếc thì tức thời hoa nở được đạo giải thoát. Duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà, trong ánh sáng rực rỡ chắc chắn không có việc ma.

Vương Mẫn Trọng Thị Lang trong Quyết Nghi Tập có giải thích nghi tình, mau vượt đến Tín địa. Ông ghi những yếu chỉ rất tỉ mỉ để hướng dẫn con đường đến nước An dưỡng. Nếu đến bờ rồi thì nên quên thuyền, người đến bờ rồi thì không hỏi lời vớ vẩn này.