Chương XI
Giáo Ngôn Thần Bí1 Tây Tạng

Trích trong: Thụ Pháp Lạt-ma giáo
Nguyên tác tiếng Pháp: Initiations Lamaïques
Tác giả: Alexandra Davis-Néel
Việt dịch: Đức Chính

Để bổ sung các chi tiết cho các lễ thụ pháp Lạt-ma giáo và hầu giúp độc giả có được ý tưởng về cách các đạo sư Tây Tạng truyền dạy cho môn đồ, tôi xin nói thêm một số châm ngôn được cho là của vị lạt-ma lừng danh Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải)[1], tức truyền nhân nối pháp đời thứ ba của phái Kahgyudpas (Ca-nhĩ-cư phái), tức phái có truyền thống truyền thụ giáo ngôn theo lối truyền khẩu. Từ tiếng Tạng Kahgyud (Ca-nhĩ-cư phái) có nghĩa là “dòng mật ngôn” (lignée des préceptes)[2].

Triết nhân Tilopa (Đế-la-ba) được thể hiện như một Diogène[3] của Ấn Độ, vị tổ của dòng phái này. Môn đồ của ông là Narota (Na-lạc-ba) từng là giáo thụ ở trường Đại Học Phật giáo nổi tiếng Nalanda (Na-lan-đà; ông dạy vào thế kỷ thứ 10)[4], môn đồ nổi tiếng người Tây Tạng của ông là Marpa (Mã-nhĩ-ba). Vị môn đồ này quay về xứ truyền dạy giáo thuyết của Tilopa (Đế-la-ba) học được qua Narota (Na-lạc-ba) cho nhà tu khổ hạnh kiêm thi sĩ là Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba; thế kỷ thứ 11). Đến lượt Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba) truyền pháp lại cho hai môn đồ lừng danh Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải) et Réstchoungpa (Đa-kiệt-trát-ba)[5].

Réstchoungpa (Đa-kiệt-trát-ba) sau khi thụ pháp với tôn sư Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba) lui về sống ẩn tu; còn Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải) tiếp tục truyền nối dòng những đứa con tâm linh (fils spirituels) của Tilopa (Đế-la-ba) cho đến tận ngày nay vẫn còn tồn tại. Môn đồ của Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải) phân phái thành nhiều nhánh, trong đó nhánh chính là hệ phái Karma-Kahgyud (Nghiệp Ca-nhĩ-cư phái) với vị Đại Lạt-ma chưởng môn của hệ phái này trú trì ở Tolung Tcherpoug (Sở-bố Tự), cách Lhassa (Lạp-tát) hai ngày bộ hành.

Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải là tác giả rất nhiều tác phẩm triết học thần bí được. Tập châm ngôn dành cho các môn đồ tục gia và các lạt-ma phái Kagyudpas (Ca-nhĩ-cư phái) mà tôi đã dịch dường như được lượm lặt từ các tác phẩm của ông. Những châm ngôn này thường được phát biểu truyền khẩu, nhưng đôi khi các môn đồ đã thuộc lòng ghi chép lại để lưu giữ. Các tập sách nhỏ đó dược truyền bá ra cho các tăng sĩ khác, các môn đồ tục gia sao chép lại rồi lại lưu truyền đi. Song cũng có bản in những tập sách này. Những tập sách này có những chi tiết khác nhau nhưng nhìn chung các nguyên lý chủ đạo vẫn như nhau (đại đồng tiểu dị: tổng quát như nhau, tiểu tiết có khác biệt).

Văn phong loại luận thư này rất súc tích. Hình thức mờ mờ ảo ảo của các câu châm ngôn có tác dụng giáng thẳng vào tâm và khắc sâu vào đó. Vì thế lấy làm tiếc là không thể dịch sát nghĩa được vì như thế trở thành khó hiểu. Buộc lòng phải dùng những câu văn có tinh giải thích để dịch dù rằng như thế làm suy giảm rất nhiều ý vị của bản văn.

*
*      *

(Tác phẩm này) dành cho những người mong thoát khỏi vòng sinh tử nối tiếp nhau, ở đây là một vài mật ngôn của đạo sư Dagpo Lha Djé (Đạt-bảo Cáp-giải), người thừa kế tâm linh của chư Thánh phái Kagyudpas (Ca-nhĩ-cư phái). Kính lấy dòng phái của các giáo thụ có danh giá vô cấu (immaculée: trinh nguyên, không tạp nhiễm), có phẩm hạnh vô kiệt (inépuisables: không cạn kiệt) chẳng khác gì đại dương và các ngài đang ôm lấy mọi chúng sinh của toàn vũ trụ trong quá khứ, hiện tại và vị lai với lòng từ mẫn vô hạn.

*
*      *

Ai mong cầu được giải thoát khỏi cái chết, mong cầu giác ngộ tâm linh, mong cầu đạt đến cảnh giới Phật (état de Bouddha) trước tiên phải thiền quán những điểm sau:

Đã sinh ra làm người thì đừng để phải hối tiếc đã uổng phí cuộc đời bằng cách tạo nghiệp một cách phi lý và chết đi sau khi trải qua một kiếp dung tục (vie vulgaire).

Trong kiếp phù sinh này (dans cette vie dont la durée est courte), đừng để hối tiếc vì đã đã đam mê tham dục hư ảo và hướng tâm sa vào vũng bùn bào ảnh thế gian (illusion du monde)[6].

Bậc thầy thánh là người dẫn dắt tâm linh, đừng để phải hối tiếc chúng ta đã xa cách chư vị trước khi được khai ngộ (être éclairés).

Quy tắc hành xử và tuân thủ đạo đức của chúng ta là chiếc xe (thừa) chở chúng ta đi đến sự khai phóng (émancipation), đừng để phải hối tiếc vì dục vọng đã khiến chúng ta vi phạm quy tắc hành xử và phá vở việc tuân thủ đạo đức.

Ánh sáng nội tâm có trong mỗi chúng ta, đừng để phải hối tiếc vì chúng ta đã để nó tắt đi trong sự tà dâm.

Đừng để phải hối tiếc đã đem tri kiến của từ giáo thuyết quý báu của chư Thánh ban cho những kẻ không đủ sức lãnh hội chỉ vì mục đích thu lợi thấp hèn.

Mọi chúng sinh đều là người thân của chúng ta và chúng ta có bổn phận đối với họ, đừng để phải hối tiếc vì chúng ta tỏ ra dững dưng và vô cảm đối với họ.

*
*      *

Sau khi quán xét niệm và vô niệm về tự tánh, về căn cơ, nên vạch cho mình một hướng hành xử khôn ngoan.

Cũng như sự bền chí và nghị lực, người môn đồ phải trọn tin vào người dẫn dắt tâm linh của mình, đó là lý do vì sao người môn đồ nên tránh biết nhiều về phẩm hạnh và lỗi lầm của tôn sư mình, vì thế nên tìm cho mình một vị thầy đáng để mình tin tưởng.

Cần có tâm tỉnh thức và sự tinh cần kiên cố để nhận ra ý tưởng thâm viễn của thầy.

Liên tục dũng mạnh là điều cần thiết để tránh phạm tội do thân, khẩu, ý.

Tiêu trừ dục vọng là điều cần thiết để mình được tự tại (independent: độc lập). Người không muốn kẻ khác chộp lấy sợi dây[7] treo trước mũi mình để dẫn dắt họ đi như dắt một con bò phải là người đã được giải thoát khỏi mọi câu chấp.

Bản tính từ tâm, biết thương xót là cần thiết để luôn sẳn lòng làm điều thiện ích cho tha nhân.

*
*      *

Hãy tìm một bị thầy liễu ngộ thâm sâu về mặt tâm linh, uyên bác và đầy từ tâm.

Hãy tìm đến nơi cô quạnh và dễ chịu[8], thích hơp đối với ngươi, để ở đó mà nghiên cứu và suy nghĩ.

Tìm bằng hữu đáng tin để cùng chia sẻ tín tâm và hạnh tu của ngươi.

Hãy nghĩ đến những quả xấu của thói phàm ăn, hãy bằng lòng với lượng lương thực cần thiết đủ cho ngươi duy trì sức khỏe.

Hãy tuân theo chế độ và cách sống giúp ngươi sống khỏe mạnh và có nghị lực.

Hãy hành trì các công phu tế tự và tâm linh có tác dụng phát triển năng lực tâm linh của ngươi.

Hãy học hỏi một cách vô tư (avec impartialité) tất cả các giáo thuyết mà ngươi tiếp cận được, bất kể giáo thuyết đó có xu hướng gì. Dù ngươi đang làm gì hay đang ở cõi giới nào, cũng hãy tồn giữ nguyên tắc “tri thức[9] trong ngươi luôn chánh nghiệp.

*
*      *

Hãy tránh xa người thầy tâm đầy tham dục, luôn nhắm đến nổi tiếng hay đòi hỏi vật chất.

Hãy tránh xa bạn bè, bè nhóm, người thân, hay môn đồ mà sự tụ họp có hại cho sự thanh tịnh hay có hại cho sự tăng thượng tâm linh của ngươi.

Hãy tránh xa những căn nhà hay những nơi có những người ngươi căm ghét hay vì những nơi đó tâm ngươi không được yên nghỉ.

Hãy tránh xa việc thu lợi bằng cách lừa dối hay trộm cắp của người khác.

Hãy tránh xa những hành động có thể gây tổn thương đến tâm ngươi hay làm nó mềm yếu đi.

Hãy tránh xa sự trụy lạc và sự dại dột làm người khác đánh giá ngươi thấp đi.

Hãy tránh xa những bước tiến hay cả hành vi vụ lợi.

Hãy tránh xa việc che giấu tội lỗi, mà hãy cho người khác biết các tội lỗi đó.

Hãy tránh xa những hành động do sự keo bẩn gợi ra.

*
*      *

Cần biết rằng tất cả những gì hiện ra hay xảy ra với ngươi (nói chung là các hiện tượng) đều có bản thể không thường hằng. Tâm chẳng bao giờ tồn tại độc lập, không có “ngã” nào là thực cả, cần biết rằng nó tựa hư không.

Cần biết rằng các ý nghĩ (hình thành trong tâm) làm sinh ra một sự trói buộc nhân quả, rằng khẩu và thân do tứ đại giả hợp nên không thường hằng.

Cần biết rằng quả do các nghiệp trong quá khứ diễn ra một cách tự động để gây ra mọi đau khổ tinh thần. Các đau khổ đó là phương tiện để thuyết phục tâm biết về lợi lạc của Giáo thuyết (giáo thuyết Phật giáo thuyết về thoát khổ)[10]. Vì thế cần biết ơn các giáo thụ tâm linh.

Phồn vinh vật chất thường có hại cho đời tu hành (vie religieuse), chúng ta nên xem danh tiếng và phồn vinh như kẻ thù. Tuy nhiên tiện ích và giàu có có thể là phân bón và nước tạo thuận lợi cho sự phát triển tâm linh, không nên tránh bỏ chúng (như ngẫu nhiên có chúng).

Đôi khi sự bất hạnh và hiểm nguy thúc đẩy ai đó quay về với Giáo pháp, cần biết ơn những điều đó như những vị thầy tâm linh của mình.

Trong thực tế, Chẳng có gì trên đời này tồn tại một cách độc lập và tự nó sinh ra cả. Tất cả mọi thứ tồn tại trong vũ trụ, những khách thể để tri kiến, dù hữu tướng hay vô tướng (ayant forme ou étant sans forme: có hình dạng hay không hình dạng), những ý nghĩ khởi lên trong tâm chúng ta như là hệ quả của ấn tượng do các căn (sens: giác quan) nhận biết, những cơ duyên (circonstances) trong cuộc đời của chúng ta  do nghiệp quả từ trước, tất cả những thứ này đều phụ thuộc vào nhau (interdependent: tương thuộc) và trộn lẫn vào nhau không sao gỡ ra được.

*
*      *

Ai đã là tăng sĩ phải hành xử như tăng sĩ, chứ đừng coi đó là lớp sơn tâm linh rồi sống giống như người thế tục.

Hãy rời xứ sở và đến nơi không ai biết mình mà sống hầu thoát được sự câu thúc của gia đình và thoát khỏi sự trói buộc sinh ta bởi sự giao du quen thuộc và bởi thói quen đối với con người và sự vật.

Hãy chọn một vị thánh lạt-ma tôn làm thầy, dẹp bỏ tự ái và ngã mạn, lắng nghe lời dạy và tuân theo lời khuyên của thầy.

Tăng sĩ không nên ba hoa vô lối những lời dạy nghe được hay về những thức tu đã thụ pháp, mà nên đem những điều đó tu tập hàng ngày.

Khi thoáng thấy ánh sáng nội tâm, không nên lấy đó để trây lười mà trái lại dùng những đốm sáng đầu tiên đó khai nhãn cho tâm.

Khi được nếm mùi cực lạc của thiền quán, nên đắm chìm vào nó trong sự bình lặng và cô tịch, đừng trồi dậy lại vào trong hoạt động thể chất và các bận tâm thế tục.

Tăng sĩ phải hoàn toàn điều phục được thân, khấu, ý. Lấy giải thoát làm mục đích, đừng bao giờ tìm kiếm lợi ích riêng tư (lợi ích của cái “ngã” vốn đã biết là huyễn ảo) mà luôn luôn làm việc vì lợi ích của tha nhân. Không nên có một giây phút nào để cho thân, khẩu, ý mắc phải điều tục lụy.

*
*      *

Người mới nhập môn vào đường đạo thần bí hãy kiên tâm lắng nghe Giáo thuyết. Khi đã có tín tâm đối với giáo thuyết, hãy biến nó thành đối tượng thiền quán.

Hãy kiên tâm ở nơi hoang vu cho đến khi ngươi đạt được năng lực quán tưởng.

Nếu tâm tưởng (pensées) của ngươi cứ lan man và khó trụ được, hãy kiên tâm nỗ lực nhiếp phục chúng.

Nếu ngượi bị hôn trầm (torpeur)[11], hãy kiên tâm kích thích và củng cố tâm ngươi.

Hãy kiên tâm thiền định cho đến khi ngươi đạt được sự tĩnh lặng bất khả lay chuyển. Khi ngươi đã đạt đến đó rồi, hãy kiên tâm nỗ lực kéo dài thời gian tĩnh lặng tâm đó và nỗ lực đạt đến khả năng tĩnh lặng theo chủ ý để hình thành thói quen đó.

Khi người gặp điều bất hạnh, hãy kiên tâm trong bộ ba kiên nhẫn: tâm, khẩu và ý.

Khi dục vọng và câu chấp khởi lên trong ngươi, sắp chế ngự ngươi, hãy đánh ngã chúng ngay khi chúng mới biểu lộ ra.

Khi tâm cảm nhân ái và xót thương của ngươi tàn lụi, hãy khơi dậy chúng bằng cách kiên tâm thực hành các hành vi nhân ái và phước thiện.

*
*      *

Hãy suy nghĩ những khó khăn để được sinh ra làm người và điều đó sẽ thôi thúc ngươi hành trì Giáo pháp khi ngươi có dịp.

Hãy nghĩ đến cái chết, đến sự giả tạm của kiếp người và cơ duyên trong cuộc đời chúng ta và điều đó sẽ thôi thúc ngươi sống theo Giáo pháp.

Hãy nghĩ đến sự ràng nuộc nhân quả là điều bất di bất dịch sẽ khuyến khích ngươi tránh được các nhân mới do nghiệp quả xấu gây nên.

Hãy nghĩ đến sự hư ảo (vanité), đến sự vô nghĩa của kiếp người trong vòng sinh tử nối tiếp nhau và suy nghĩ đó sẽ thôi thúc ngươi làm việc để được giải thoát.

Hãy nghĩ đến mọi cảnh khốn cùng mà chúng sinh phải hứng chịu sẽ khuyến khích ngươi nỗ lực đạt đến giác ngộ (để giải thoát cho họ).

Hãy nghĩ đến các xu hướng xấu dẫn đến bất công, dẫn đến sự bất minh tiềm tàng trong phần lớn chúng sinh. Hãy nghĩ đến sự khó khăn khi người ta muốn tiêu trừ các xu hướng này, muốn diệt trừ các ấn tượng sai lạc do các xu hướng đó tạo ra và khó khăn từ những chướng ngại do chúng sinh ra trên con đường ngươi thiền định để đạt đến Chân Như.

*
*      *

Tín tâm thấp kém kết hợp với huệ căn non yếu khiến rơi vào mê lầm và trở thành kẻ đọc kinh mà không hiểu kinh.

Tín tâm rộng lớn kết hợp với huệ căn non yếu khiến rơi vào mê lầm và trở thành kẻ bị giam cầm trong con đường Đạo chật hẹp của giáo lý.

Nhiệt tâm sâu rộng mà không được giáo hóa cho đúng khiến rơi vào mê lầm và chấp nhặt những điều biên kiến (vues extrêmes) sai lạc.

Hành trì thiền định mà không kết hợp với tri kiến khiến rơi vào ngu ngơ mê muội hay điên loạn.

Không chịu hành trì điều mà người ta chỉ dạy và thừa nhận như là giáo pháp thượng thừa, lại tự cho mình vốn tự tri tự kiến và khinh mạn mọi tri kiến thế nhân, tức dấn thân vào nhân duyên hữu (devenir) hư ảo.

Không chịu có lòng thương xót (đối với mọi chúng sinh bị khổ ải) là dấn thân vào chấp trí[12] và đi tìm kiếm sự cứu độ vị kỷ.

Không chịu rèn tâm trên con đường tu huệ[13] là dấn thân vào con đường phàm phu của thế gian.

Không chịu bóp chết tham dục là dấn thân vào con đường bị các cơ duyên thế nhân lôi kéo.

Ai vui lòng đón tiếp những kẻ mà người đó tin tưởng và thán phục là dấn thân vào sự ngã mạn ti tiện và thấp hèn.

*
*      *

Dục vọng có thể làm vướng mắc tín tâm.

Câu chấp ích kỷ có thể làm vướng mắc lòng từ mẫn.

Ngừng dứt tâm tạo tác hay ở trong cảnh giới vô thức có thể làm vướng mắc sự nhập định vào tâm vô lượng (infinité de l’esprit).

Các hiện tượng cảm giác có thể làm vướng mắc sự khai lộ trí Bát-nhã.

Những người giàu dục vọng có thể làm vướng mắc cho các naldjorpas (hành giả du-già)[14] đã vượt qua các quy luật thế tục.

Các hành vi hướng về ích kỷ có thể làm vướng mắc các biểu lộ vị tha.

Hành động bất chính có thể làm vướng mắc thánh giáo.

Kẻ lường gạt có thể làm vướng mắc thánh nhân.

*
*      *

Từ bỏ mọi câu chấp, xuất gia để trọn tâm tu học. Không còn câu chấp và gia đình, tăng sĩ không còn mắc mê lầm.

Tôn kính thầy không mắc mê lầm.

Nghiên cứu thâm sâu giáo pháp, lắng nghe lời giáo hóa, suy ngẫm chúng sẽ không mắc mê lầm.

Hàm dưỡng hoài vọng thanh cao mà vẫn giữ thái độ khiêm cung sẽ không mắc mê lầm.

Kiên giữ thị kiến giải thoát, kiên định trong ý định và cam kết, sẽ không mắc mê lầm.

Liên kết tâm dũng mạnh và thâm mật với lòng kiêu mạn thật nhỏ bé sẽ không mắc mê lầm.

Liên kết sự uyên bác giáo triết với nghị lực trở thành bậc thầy và sự thâm sâu trong trải nghiệm tâm linh, lại không có kiêu mạn thì không mắc mê lầm.

Kết hợp sự quên mình với lòng tận tụy bất vụ lợi theo thánh giáo pháp để hành thiện cho tha nhân sẽ không mắc mê lầm.

*
*      *

Nếu sau khi được sinh ra làm người mà tâm không hướng nghĩ về tâm linh, kẻ đó như người từ vùng đầy đá quý trở về với đôi tay không. Đó là một thất bại đáng tiếc.

Nếu sau khi được vào một Dòng tu tự viện (Ordre religieux) mà còn hoàn tục trở về với thế gian, kẻ đó giống như cánh bướm bay lao vào ngọn đèn. Đó là một thất bại đáng tiếc.

Kẻ sống giữa cộng đồng thánh triết mà cứ mãi vô minh thì giống như người chết khát ngay trên bờ sông. Đó là một thất bại đáng tiếc.

Hiểu biết về các giáo ngôn đạo hạnh mà không vận dụng điều đó để ngăn ngừa các tác động của dục vọng thì giống như người bệnh mang kè kè bên mình túi thuốc mà không lấy ra dùng. Đó là một thất bại đáng tiếc.

Nghe thuyết pháp mà không đem những điều được nghe giảng ra hành trì, cứ lo nói bô bô như con vẹt; đó là một thất bại đáng tiếc.

Đem của cải phi nghĩa, bất chính và gian tà đi bố thí thì công đức đó chỉ như tia sáng lóe lên trên mặt nước. Đó là một thất bại đáng tiếc.

Sát sinh súc vật để cúng dâng chư thiên có khác nào giết con mình để dâng thịt cho mẹ mình ăn.

Giả đò khổ hạnh và thành tâm, làm cá việc công đức cốt mong cầu sự kính trọng của thế nhân và danh tiếng thì có khác nào đem ngọc báu đánh đổi lấy miếng ăn.

Thiện xảo trong hành trì các nghi lễ tâm linh nhưng không cảm nhận được ý vị nghi lễ đó thì có khác nào tay nhà giàu đánh mất chiếc chìa khóa gian phòng chứa của bàu.

Thích thuyết giảng cho người khác nghe ý nghĩa về chân như tâm linh hay các luận triết liên quan đến Giáo pháp mà chính mình cũng chưa thông hiểu thì có khác nào người mù dẫn đường cho kẻ mù đâu.

Kẻ lấy căn thức làm trọng hay xem các thành tựu từ hành trì tu tập thần thông làm quý thì có khác nào người có được mảnh đồng mạ vàng mà cứ tưởng là vàng ròng.

*
*      *

Đã nhập thất tu tập đúng pháp mà tâm vẫn vướng bận những suy tư liên quan đến trần thế hay để tâm vướng bận đế thành tựu có thể đạt được, đó là một lỗi của đạo nhân (religieux)[15].

Khi một vị được thừa nhận là huynh trưởng (chef) một nhóm tăng sĩ hay cư sĩ mà mưu cầu tư lợi, đó là một lỗi của đạo nhân.

Thủ giữ nơi mình lòng tham dục hay chí ít là dục vọng, đó là một lỗi của đạo nhân.

Giữ tâm phân biệt giữa cái mình thích và cái mình ghét, không dứt trừ mọi tâm cảm luyến ái và sân hận, đó là một lỗi của đạo nhân.

Sau khi gạt bỏ lại phía sau mình luân thường thế tục, một đạo nhân vẫn còn tham cầu công đức[16] tức đã phạm một lỗi.

Khi chỉ mới chớm nắm bắt được Chân Như mà vội mất đi sự kiên cố thiền định, đó là một lỗi của đạo nhân.

Từ bỏ tham cứu chân như là một lỗi của đạo nhân đã phát nguyện tìm cầu nó.

Không tu sửa hạnh xấu là một lỗi của đạo nhân.

Thị hiện quyền năng thần bí để chữa bệnh hay làm trò phù thủy là một lỗi của đạo nhân.[17]

Kiêu mạn một cách kỷ xảo và gièm chê người khác cùng hội cùng thuyền với mình là một lỗi của đạo nhân.

Trao đổi pháp bảo (giáo thuyết tâm linh) để mưu lấy vật chất hay giàu sang là một lỗi[18] đối với đạo nhân.

Thuyết giảng thiện giáo pháp cho người khác nhưng lại hành xử trái ngược với giáo pháp là một lỗi của đạo nhân.

Không đủ sức sống nơi hoang vắng[19], thiếu kiên định cần thiết để không bị mềm lòng và thiếu can đảm để chịu đựng được nghèo khó là một lỗi của đạo nhân.

*
*      *

Cần có huệ căn mạnh mẽ và thâm mật có khả năng nắm bắt các pháp tu để khám phá ra chân như.

Thật sự thù ghét chuổi luân hồi sinh tử không dứt là điều tuyệt đối cần thiết cho khởi điểm cuộc sống tâm linh.[20]

Một đạo sư có khả năng dẫn dắt bảo đảm cho người khác đi trên đường đạo nhất thiết phải là người đã đi trên con đường ấy.

Cần có một sự hiểu biết thâm sâu, một lòng can đảm bất khuất, và một sự kiên trì vững trải.

Cần có ý chí dứt trừ tội lỗi và thu đạt đạo hạnh.[21]

Cần có sự thâm mật sắc bén đủ khả năng nắm bắt được “nguyên lý trí huệ[22].

Cần có sức tập trung tinh thần vào bất cứ vật nào, bất cứ chỗ nào và bất cứ lúc nào.

Cần có thuật sử dụng bất kỳ hành vi nào để thu lợi ích cho việc tinh tiến tâm linh.

*
*      *

Ít kiêu mạn và ít ham muốn là tỏ rõ ra có căn tính thanh tịnh (nature pure).

Ít dục vọng, tiện túc (aisément satisfait: dễ thỏa mãn) với những vật mọn là tỏ rõ ra có tâm trưởng thượng (esprit supérieur).

Biết điều chỉnh, có thái độ ứng xử theo luật nhân quả là tỏ rõ ra có huệ căn (intelligence).

Nhìn mọi chúng sinh với tâm không (avec impartialité: không thiên lệch, không ý niệm riêng) là tỏ rõ ra có tâm trưởng thượng.

Biết xót thương và không phiền giận những người đầy ác nghiệp là tỏ rõ ra có tâm trưởng thượng.

Không muốn thắng người khác và chấp nhận thất bại về mình là tỏ rõ ra có tâm trưởng thượng.

*
*      *

Sống đạo đức giả giống như đang ăn thức ăn có pha thuốc độc, chỉ thấm nhập vào mình nỗi đau khổ thôi.

Người có tâm hèn yếu mà trụ trì một tự viện có khác nào một mụ già trông coi bầy gia súc, kẻ đó đang chuốc khó khăn cho mình.

Không sống vì hạnh phúc kẻ khác và làm cho kẻ khác được hạnh phúc có khác nào người mù đi lạc nơi chốn hoang vu và chuẩn bị chuốc lấy buồn khổ.

Ai không đủ khả năng lo toan công việc của mình mà còn đòi gánh vác công việc hệ trọng hơn có khác gì kẻ sức yếu mà đòi khuân món đồ nặng, kẻ đó đang chuẩn bị chuốc lấy nhọc nhằn.[23]

Ai thích nhởn nhơ chốn đô hội, bỏ bê thiền định giống như con sơn dương bỏ chốn an toàn trên núi cao để đi xuống thung lũng.

Chạy theo danh lợi thế gian thay vì lo phát triển tâm linh giống hệt như con chim ưng có đôi cánh bị xụi.

*
*      *

Đàng ngợi khen cho ai có khả năng phá gãy câu chấp sắc tướng phàm phu của tôn giáo để tìm đến một thánh tôn sư có phẩm hạnh tôn quý.

Đàng ngợi khen cho ai có khả năng từ bỏ việc tích góp của cải.

Đàng ngợi khen cho ai có khả năng từ bỉ cuộc sống xã hội để sống nơi hoang tịch ở chốn xa xôi.

Đàng ngợi khen cho ai đã được giải thoát khỏi dục vọng xa hoa và lòng tham dục.

Đàng ngợi khen cho ai đã cương quyết không bao giờ dùng người khác để đạt những mục đích ích kỷ và khi lòng cương quyết này đã hòa nhập vào thái độ ứng xử.

Đàng ngợi khen cho ai đã xa lìa sắc tướng (các vật thể cảm thụ được) và thâm nhập chặt vào bản thể của tâm.

*
*      *

Có tín tâm vào luật nhân quả là thị kiến tốt nhất của kẻ hạ trí (spiritualité inférieure: năng lực tâm linh thấp)[24].

Nhận thức thấy trong và ngoài mọi sự vật có tác động của năng lượng vũ trụ và tác động của tâm thức (esprit conscient: tinh thần có ý thức) là thị kiến tốt nhất của người trung trí (spiritualité moyenne: năng lực tâm linh trung bình).

Biện biệt được thể tính thống nhất của nguyên lý tri kiến, biện biệt được khách thể của tri kiến và biện biệt được tác động của tri kiến[25] là thị kiến tốt nhất của bậc thượng trí (spiritualité supérieure: năng lực tâm linh cao).

Tập trung tư tưởng hoàn toàn vào một vật duy nhất là dạng thiền định tốt nhất đối với người hạ căn (intelligence inférieure: trí thông minh thấp).

Quán tưởng liên tục về năng lượng vũ trụ và về tâm thức là dạng thiền định tốt nhất của người trung căn (intelligence moyenne: trí thông minh trung bình).

Giữ được tâm an bình, loại trừ được mọi suy luận suôn, biết được rằng “thiền định”, đối tượng thiền định  và hành vi thiền định hợp thành một đơn thể không thể chia lìa, đó là dạng thiền định tốt nhất của bậc thượng căn (intelligence supérieure: trí thông minh cao).

Biết điều chỉnh lối hành xử theo luật nhân quả là dạng đạo hạnh tốt nhất và cũng là cách hành đạo (pratique religieuse) của người hạ căn.

Phá chấp hoàn toàn, xem muôn vật như là bào ảnh, như là dạng phi thực của ảo cảnh và xử sự với chúng như vậy là cách hành đạo tốt nhất của người trung căn.

Kiêng tránh mọi dục vọng và mọi tạo nghiệp là dạng hành đạo cao nhất của người trung căn.

Giảm dần lòng ích kỷ và sự vô minh là những dấu hiệu tốt nhất của tinh tiến tâm linh cho mọi tầng bậc huệ căn (intelligence: trí thông minh).

*
*      *

Nếu ai đi theo con đường giả dối, đạo đức giả thay vì quy y (ND chú: nương theo) một thánh nhân đang thành tâm hành trì Giáo pháp, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai thực hiện các dự định dài hơi, mưu tính trường thọ, thay vì làm tròn các bổn phận hàng ngày như là đang sống ngày cuối cùng trên cõi đời, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai ưa thuyết giáo các giáo thuyết cho hàng thanh văn nghe thay vì lo quán định nơi hoang tịch để thấu đáo ý nghĩa các giáo thuyết ấy, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai sa đà vào cuộc sống hoang đàng thay vì sống đời thanh tịnh (pureté) và thanh bạch (chasteté), kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai phân chia đời mình giữa hy vọng và lo sợ thay vì ý thức đến Chân Như, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai định tâm sửa trị kẻ khác thay vì sửa trị mình, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai cố gắng cầu tìm một địa vị xã hội cao thay vì nỗ lực phát triển Trí Huệ có sẳn bên trong mình, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

Nếu ai cứ buông thả cuộc đời, sống trây lười thay vì tìm cách liễu ngộ, kẻ đó phạm phải mê lầm tai hại.

*
*      *

Điều cần thiết trước tiên là phải thấy ghê tởm sâu sắc đối với sự nối tiếp liên tục sinh tử mà chúng ta phải gánh chịu và cần hăm hở mong muốn thoát ra khỏi từ ngục của các kiếp tái sinh đi tái sinh lại chẳng thua gì con sóc bị giam cầm muốn thoát khỏi cái lồng. Điều cần thiết thứ hai là sự bền tâm kiên cố và dũng mạnh, không bỏ qua nỗ lực nào. Điều cần thiết thứ ba là an tâm lạc hỉ khi nỗ lực.

Đầu tiên cần hiểu rằng thời giờ chúng ta có ngắn ngủi như thời gian người bị trọng thương chờ chết. Kế tiếp cần quán tưởng về thời gian ấy. Cuối cùng cần hiểu chẳng có gì không làm được.

Trên hết, cần tỏ lòng mong cầu khẩn thiết Giáo pháp như kẻ chết đói mong cầu miếng ăn ngon. Thứ đến, cần nắm cho được bản chất của tâm. Sau rốt, cần nhận ra sai lầm của to1nh nhị nguyên (bản thể căn bản của muôn vật).

*
*      *

Đã nhận ra bản thể của của tâm là không,[26] thì chẳng còn cần nghe thuyết pháp và thiền định chi nữa.

Đã nhận biết ra bản thể của căn trí, thì chẳng cần tìm cách xả trừ tội lỗi.

Chẳng có thứ xả trừ nào cần thiết cho người đã đi trên con đường đạo an lạc.

Cũng chẳng cần thiền định trên “con đường đạo” hay trên phương tiện đạt đến con đường đạo ấy cho tâm của người đã đạt được sự thanh tịnh (pureté)[27], không còn cấu nhiễm (sans mélange).

Ai đã vứt bỏ được mọi dục vọng thì không cần đấu tranh chống lại chúng nữa.

Ai đã biết được mọi hiện tượng đều là huyễn ảo thì không cần vứt bỏ hay tìm cách vứt bỏ chúng nữa.

*
*      *

Tâm thư (épître amicale) của Nâgârjouna (Long Thọ)

Trong phần thứ hai của Đạo Tạng Kinh Lạt-ma giáo, phần Tengjour (viết là: bstan hgyur = Cam Châu Nhĩ Luận Tạng)[28], có một tâm thư nổi tiếng được gán cho nhà đại luận sư lừng danh Ấn Độ Nâgârjouna (Long Thọ) có giáo triết trở thành giới luật cho các lạt-ma. Dưới đây là một vài đoạn trích ra:

Ở đây không bàn đến việc có đúng Nâgârjouna (Long Thọ) viết lá thư đó hay do môn đồ của ông hoặc một người nào đó mạo danh viết. Chúng ta chỉ lưu ý rằng trong thư có một đoạn giới luật ngắn – dù là theo Đại thừa và được các “đạo sư” Tây Tạng dùng để giới răn – hoàn toàn phù hợp với Giáo pháp Phật giáo thuở ban sơ.

Hãy giữ gìn thân, khẩu, ý theo mười hạnh nghiệp (dix actions vertueuses).[29] Hãy kiêng tránh các thức uống gây say và hãy vui sống với các phương tiện lương thiện.[30]

Nên biết rằng của cải là vật phù du, nên đem bố thí rộng rãi cho người nghèo, cho bằng hữu nghèo túng và cho các tăng sĩ.

Chẳng có gì quý bằng từ tâm, từ tâm là người bạn tốt nhất trong các người bạn, nó sẽ đi theo chúng ta và độ trì chúng ta ở kiếp lai sinh.

Hãy đáng giá cao lòng thanh bạch (chasteté), đừng để mình bị cấu nhiễm, đường làm thân mình nhiễm ô vì các hành vi thô lậu. Sự thanh bạch của tâm là nền cho mọi đạo hạnh tựa như Trái đất che chở cho mọi chúng sinh và muôn vật vậy.

Từ tâm, thanh bạch, nhẫn nại, dũng mạnh, an nhiên là những thứ nên giữ trong ta vô hạn. Và trí huệ sẽ giúp cho chúng sức mạnh, vượt qua biển khổ thế gian, tiến gần về cảnh giới Phật (état de Bouddha).

Kính yêu cha mẹ, các thánh bằng hữu, chư vị đạo sư. Những nghiệp tôn kính như vậy sẽ làm ta thêm danh tiếng và về sau còn được tái sinh an lạc.

Cần vứt bỏ các nghiệp xấu như gây thương tổn, trộm cắp, nói dối, hành động bất chính, say sưa, phàm ăn nên thúc đòi ăn phi thời[31], nhu nhược nên nên tìm giường cao chăn nệm êm ấm, ưa ca múa và trang sức.[32] Tuân thủ các giới điều này sẽ giúp ta đi theo vết chân của các a-la-hán và chuẩn bị cho ta kiếp vị lai được sinh thiên. Hãy thuyết giảng những điều này cho tăng ni và cư sĩ.

Hãy xem sự keo bẩn, bất chính, ham muốn, ngã mạn, sân hận, kiêu hãnh với địa vị và nhan sắc của mình, với sự giàu sang và tuổi trẻ hay kiêu hãnh với kiến thức đều là kẻ thù của mình. Cũng hãy xem quyền lực như kẻ thù.

Những ai lỡ theo cuộc đời phóng dật và phạm ác, nhưng biết nhận ra lỗi lầm của mình để tu sửa phẩm hạnh sẽ có vẻ đẹp như ánh trăng ló ra khỏi đám mây.

Chẳng có sự khổ hạnh nào sánh bằng hạnh nhẫn, vì thế đừng bao giờ để giận dữ xâm chiếm mình. Trong lúc ta nghĩ: “Kẻ này chửi mắng ta, gièm báng ta; kẻ kia hại ta” sự giận và dữ nảy sinh trong ta. Vậy thì hãy dẹp bỏ mọi thù oán để yên ngủ trong an lành.

Nên biết rằng tâm như thứ để hình ảnh hiện lên trên, có thể như là mặt nước, như là mặt đất hay như là kho chứa hình ảnh.[33] Khi dục vọng xấu xa quấy nhiễu ta thì tâm giống như mặt nước.[34] Và khi tâm đuổi theo chân lý thì nó như là kho chứa.

Có ba loại lời nói: lời nói dễ nghe, lời nói thực và lời nói dối. Loại lời nói dễ nghe là mật ngọt, loại lời nói thứ hai là hoa đẹp và loại lời nói thứ ba là điều bất tịnh. Hãy tránh xa loại thứ ba.

Giữa loài người có những kẻ đi từ chỗ sáng này qua chỗ sáng kia, thì có những người đi từ chỗ tối này qua chỗ tối kia. Cũng có những người đi từ chỗ sáng sáng qua chỗ tối và có người đi từ chỗ tối qua chỗ sáng. Hãy là những loại người thứ nhất.

Nên hiểu rằng con người như những quả xoài. Có quả tưởng như đã chín (có trí huệ) nhưng chưa chín. Những quả khác dù đã chín nhưng có vẻ như chưa chín, Cũng có những quả chưa chín trông thấy chưa chín và có quả đã chín trong thấy đã chín. Hãy viết phân biệt những điều này.

*
*      *

Trong nhiều hệ thống triết lý được tôn vinh ở Tây Tạng, hệ được coi trọng nhất là triết lý có tên là tchag gya tchénpo (Đại Thủ Ấn).[35] Mật nghĩa của từ tchag (viết là phyag) là tính Không hay vắng rỗng mọi phẩm chất, mọi cơ duyên tồn tại có thể mô tả thành ngôn ngữ hay tưởng tượng trong suy nghĩ, vì ngôn từ và suy nghĩ chỉ có thể diễn đạy những điều có giới hạn, còn điều chúng ta hiểu về chữ Không là tuyệt đối. Mật nghĩa của từ gya (viết là rgya) là sự giải thoát mọi thế sự mà người môn đồ có thể thành tựu qua Giáo pháp. Ở đây từ tchénpo[36] có nghĩa là sự kết hợp của trí huệ thượng thừa về tính đơn nhất của muôn vật và về sự vượt qua các điều thế sự. Các đạo sư thuyết giảng pháp môn tchag gya tchénpo (đại thủ ấn) đưa ra các giải thích như thế và những lời giải thích này được xác nhận qua các tác phẩm của những tác giả cổ đại của nhiều thế kỷ trước viết về pháp môn này.

Tường thuật lại nguồn gốc lịch sử của hệ triết lý này không nằm trong chủ đề của tôi, tôi chỉ hạn chế nói rằng nó có nguồn gốc Ấn Độ, rồi được kết hợp với triết luận ouma (viết là dbuma: Trung Quán Luận)[37] của Nâgârjouna (Long Thọ) và được du nhập vào Tây Tạng bởi Đại Lạt-ma của tự viện Sakya (Tát-ca Tự)[38] rồi được lưu truyền bởi các Sakya Péntchén (Tát-ca Ban-trí-đạt)[39] và các đạo sư nối pháp khác.

Các lời khuyên liên quan đến thiền định do các lạt-ma chỉ dạy cho môn đồ theo giáo pháp Tchag gya tchénpo (đại thủ ấn) được tôi tóm lược bên dưới có tham chiếu thêm một loại lễ thụ pháp tương ứng. Tôi mượn những điều trên trong tập ghi chú thu thập từ nhiều vị lạt-ma và cũng tra cứu thêm từ một tác phẩm được các vị này đánh giá cao, đó là cuốn: Tchag tchén gyi zindi (viết là phyag tchen gyi zin bris: Đại Ấn Khế Luận Nghị)[40]. Đây là loại sách dẫn giải (luận nghị)[41] tương tự như loại sách “giúp trí nhớ” (aide-mémoire) dành cho những người tìm kiếm sự cứu độ qua Tchag gya tchénpo (đại thủ ấn).

*
*      *

Khi ngồi ở một nơi xa vắng và yên tĩnh, trước tiêm chúng ta giữ cho bất động, bình lặng, không có một cố gắng tinh thần nào, không dự định nhập thiền và chuẩn bị hành trì  một thức tập tâm linh bằng cách suy tưởng: “Ta đến đây để thiền định … ta cần hành trì thiền định”.

Sự bình lặng thân, khẩu, ý này không bị một sự cố sức nào làm căng thẳng, chẳng nhắm đến mục đích gì, được gọi là “để yên cho tâm ở cảnh giới tự nhiên

Ông nói:[42]

Đừng suy nghĩ về quá khứ.

Đừng suy nghĩ đến vị lai.[43]

Đừng suy nghĩ: ta thiền định.

Đừng tưởng tượng chữ Không (Vide) như là Hư Vô (Néant)”.

Dù ngũ căn có cảm thấy ấn tượng gì, vào lúc này không nên tìm cách phân tích chúng, mà ngược lại cứ để cho tâm hoàn toàn yên nghỉ. Nói rằng:

Tránh tạo ra các khái niệm, các ý tưởng liên quan đến khách thể được thụ nhận.

Cứ để tâm yên nghỉ như tâm một đứa trẻ.[44]

Hãy nhiệt tâm đi theo các chỉ dẫn của tôn sư tâm linh.

Hẳn chúng ta sẽ đạt đến hiểu biết về Tín

Không và chúng ta sẽ vượt qua thế sự.

Hai thứ này trùng hợp nhau”.[45]

Tilopa (Đế-la-ba) nói:

Đừng tưởng tượng, đừng lý luận suôn, đừng phân tích.

Đừng trầm tư, đừng suy ngẫm.

Hãy giữ cho tâm ở cảnh giới tự nhiên”.[46]

Bậc thầy giáo pháp Marmidzé nói: “Không phóng dật[47] (tức attention parfaite: chánh niệm) là con đường chư Phật đã đi”.

Đó gọi là sự an tịnh của tâm, sự bất động của tâm trú xứ trong tâm cảnh tự nhiên (hay trong chân trú xứ).

Nâgârjouna (Long Thọ) nói:

Hãy nhớ là niệm là con đường duy nhất chư Phật đã đi. Hãy liên tục[48] quán sát thân (quán sát các nghiệp do thân tạo ra, các hoạt động của ngũ căn, nhân quả của chúng) để hiểu về thân. Tâm những đứa trẻ thường làm việc nhiều[49].

Phóng dật trong quán sát thì tu tập tâm linh trở thành uổng công”.

Niệm liên tục gọi là không phóng dật”.

Trong Abhidharma (A-tỳ-đạt-ma)[50] thuyết:

Tàng thức (trong người môn đồ) chẳng bao giờ quên mất các chúng sinh hay sự vật đã cùng nó tiếp xúc với nhau”.

*
*      *

Sau khi thấy có sự an tịnh (tranquillité) trong tâm nên tập trung tinh thần vào một điểm duy nhất.

Một trong các pháp tu dẫn đến điều đó có thể hành trì nhờ sự trợ giúp của một vật hữu hình hay không dùng đến vật thể nào cả. Trong trường hợp thứ nhất, vật thể có thể là một trái bóng nhỏ hay một cây gậy[51]. Còn trường hợp thứ hai có thể tập trung thiền quán vào một sắc tướng hữu hình, một câu nói hay một tôn chỉ của Phật tổ[52].

Pháp tu dùng đến các vật hữu hình như sau: đặt quả banh hay cắm cây gậy trước mặt và hành giả tập trung tư tưởng vào đó.

Đừng để “thiện tri thức” (connaisseur)[53] xa rời vật đó, đừng để vật đó lang thang xung quanh hay nhập vào người mình[54], mà hãy chăm chú nhìn chăm chăm vào nó cũng không cho phép tư tưởng đổi hướng khỏi nó.

Sau đó, thiền quán về đạo sư tâm linh của mình; nghĩa là cho hình tướng của đạo sư thị hiện ra và giữ tâm bám chặt vào hình tướng đó.

Nếu cảm thấy mệt, sự hôn trầm hay nuồn ngủ xâm chiếm, thì hãy kiên cố thêm ánh nhìn và thiền định ở nơi nào thấy thoáng rộng.

Ngược lại nêu tâm miên man không trụ định thì giam mình vào am thất, hạ mắt nhìn xuống để tâm an tịnh lại và không ngừng nỗ lực như đã giải thích ở phần trước.

Còn khi dùng một sắc tướng hữu hình, một câu nói hay một tôn chỉ của Phật tổ, nên thị hiện chúng như sau: đối với sắc thân thì dùng tranh tượng Đức Phật.

Đối với tâm thì dùng một điểm. Có thể không cần dùng đến pho tượng nhỏ hay bức tranh để “hiện tướng ra[55] hình tướng Đức Phật. Lúc đó người ta tưởng tượng sắc thân Ngài trong bộ cà-sa, xung quanh có hào quang và sắc thân đó luôn luôn thị hiện trước mặt.

Sự tập trung vào câu nói được thực hiện bằng các “hiện tướng ra” trước mặt một vòng tròn lớn cỡ móng tay trên đó có mật ngữ hri[56] có nét mảnh mai như sợi tóc.

Sự tập trung quán tưởng trong tâm sẽ thị hiện ra trước mặt hành giả một điểm to chừng hạt đậu phát ra hào quang (rayons).[57]

*
*      *

Trong số các thức tập truyền dạy cho người sơ cơ (giáo pháp sơ đẳng hay nhập môn) cũng có thức tập dùng cắt đứt ngay tư tưởng lúc mới vừa sinh ra và thức tập để mặc cho các tư tưởng tự tạo ra linh ảnh (không ngừng lại việc tạo linh ảnh trong tâm).

Khi thiền định, chúng ta nhận thấy hết ý niệm này đến ý niệm khác nảy ra, lũ lượt và cực kỳ nhanh chóng. Vậy ngay lập tức khi một ý niệm vừa nhú ra là cắt đứt đó ngay tận gốc rồi tiếp tục thiền định.

Khi tiếp tục thiền định và kéo dài thời gian thiền định mà trong đó sự tạo tác hình ảnh không còn xảy ra nữa, chúng ta kết thúc sự nhận thấy (về điều cho đến lúc đó chưa lưu ý đến) rằng qua sự tạo tác ngoài ý muốn, các ý niệm nối tiếp nhau bước đi hết ý này qua ý khác và hình thành một dòng chảy không dứt.

Sự phát hiện ra sự tạo tác ngoài ý muốn các ý niệm ngang bằng với sự phát hiện ra kẻ thù. Lúc ấy, hoàn cảnh đến với chúng ta giống hệt như hoàn cảnh một người ngồi bên bờ sông nhìn dòng nước chảy. Như thế, tâm quán sát và an tịnh nhìn dòng ý niệm trôi đi không ngừng nghỉ – như nước của dòng sông – các ý niệm sau xô đẩy các ý niệm trước.

Khi tâm đạy đến cảnh giới này, hành giả hiểu ra sự khởi sinh ra và dừng chỉ của sự tạo tác trong tâm (ND: tức hành uẩn).

Vì chúng ta đã quán sát các tạo tác đó (mà trước khi đạt đến cảnh giới này chúng ta không ý thức có sự tạo tác) nên lúc ấy dường như các tạo tác trong tâm trở nên nhiều hơn, nhưng chẳng là gì cả.

Cái nằm bên ngoài sự khởi sinh các tạo tác trong tâm và cái kết thúc đồng thời sự khởi sinh đó gọi là Chân Như (Réalité).

Thứ đến là thức tập để mặc cho ý niệm khởi lên và tạo ra sắc tường.

Dù ý niệm nào thị hiện ra cũng đừng chú ý đến nó, bỏ mặc nó, đừng để bị ảnh hưởng bởi nó, chẳng suy luận gì về nó, và cũng đừng tìm cách tránh xa nó[58]. Hãy để tâm giống như người mục đồng coi sóc bầy gia súc và hành giả tiếp tục thiền định.

Kiên cố theo cách này các tạo tác trong tâm ngừng khởi sinh và tâm đạt đến cảnh giới an tịnh tập trung vào một điểm.

Đạo sư giáo pháp Gampopa (Đạt-bảo-cáp giải)[59] nói:

Khi tâm được buông thả, nó đạt đến sự an nhiên.

Chẳng có gì làm lay động thì mặt nước sẽ phẳng lặng”.

Bậc tổ sư thiền quán, đầu đà Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba) nói:

Hãy để tâm ở cảnh giới tự nhiên, không để nó hiện tướng[60] thì chúng ta thấy Trí Huệ hiện lên

Giữ tâm thư giãn, trôi đi như con nước hiền hòa của dòng sông, Chân Như phản chiếu trong đó”.

Hiền thánh Saraha (Tát-lạp-cáp)[61] tóm lược quy trình thiền định kép này bằng các câu thơ sau:

Khi bị ràng buộc, tâm sẽ lang thang thập phương.

Đến khi được buông thả, tâm cứ đứng yên.

Ta biết tâm là con vật ưa làm điều trái ngược, khác chi con lạc đà”.

*
*      *

Giáo pháp thượng thừa cũng gồm hai lối thiền định: thiền định với tâm bất động và thiền định với tâm vận động (khán giả và diễn viên).

1° Tâm nên được quán sát trong cảnh giới an tịnh (état tranquille de repos);

2° Cần xem xét rằng thiền có bản chất của một “sự vật” (chose) bất động này;

3° Xem xét làm thế nào cái mà chúng ta gọi là tâm vẫn cứ ngơi nghỉ và làm thế nào nó vận động khi đi ra khỏi trạng thái an tịnh.

Cần xem xét:

1° Khi sự vận động của tâm xảy ra bên ngoài trạng thái an tịnh;

2° Khi tâm vận động cũng như khi ngơi nghỉ;

3° Khi sự vận động của tâm là thứ khác hay không khác với sự bất động (trạng thái ngơi nghỉ).

Cần xem xét thực tính (réalité) của vận động đó là cái gì và tiếp theo là những điều kiện gì dẫn đến sự ngừng dứt sự vận động đó.

Và chúng ta đi đến kết luận cái đang vận động nào có khác gì cái đang bất động. Đi đến được điểm này, cần tự hỏi khi tâm quán sát cái đang vận động và cái đang bất động liệu tâm có thấy chúng có khác nhau hay không, liệu cái “tôi” của chúng ta đang vận động hay đang bất động.

Lúc đó chúng ta nhận thấy nhà quan sát và khách thể được quan sát tách biệt nhau. Và vì không thể phân loại hai thực tính này – người quan sát và khách thể được quan sát – hoặc là theo nhị nguyên hoặc là theo nhất nguyên nên chúng được gọi là “mục đích nằm ngoài tâm” hay “mục đích nằm ngoài các lý thuyết”.

Nói rằng:

Các mục đích được tạo ra từ tâm có thể bị tàn lụi, vậy chúng cao quý gì chứ.

Và cái nằm ngoài tâm thì không thể gọi là mục đích được”.

Trong “Di-lan-đà Vấn Đạo Kinh” (les Questions de Kaçyapa) thuyết:

Do cọ hai khúc cây với nhau lửa mới sinh ra.

Do lửa sinh ra từ chúng nên hai khúc cây mới cháy rụi.

Cũng giống vậy, do trí khôn sinh ra từ chúng.

Cặp đôi hình thành bởi ‘bất động’ và ‘vận động’ với người quan sát được coi là nhị nguyên của chúng, đều cháy rụi như nhau”.

Lối thiền định này được gọi là: “thiền định phân biệt của nhà ẩn tu”. Không nên nhầm lẫn lối thiền này với “thiền định phân biệt của trí giả”, vì lối của trí giả xem xét các sự vật ở ngoại giới.

Các luận sư của phái Tchag gya tchénpo (đại thủ ấn) còn chỉ giáo các phương tiện dùng các triền cái vốn có bản chất ngăn trở để tinh tấn tâm linh và cũng dùng nhiều cách để phân tích tâm:

– Tâm có phải là vật cấu thành từ vật chất?

– Nếu là vật chất thì thứ vật chất gì tạo ra tâm?

– Nếu là vật chất khách quan thì vật chất đó có hình dạng và màu sắc ra sao?

– Nếu là một một nguyên lý “trí huệ” thì nó có ý tưởng biểu lộ ra tạm thời không?

– Vậy thì thứ phi vật chất được biểu lộ ra dưới nhiều dáng vẻ đó là gì?

– Sản phẩm của nó là gì?

– Nếu tâm là một thực thể đúng thật, nó có thể xem là một loại vật chất không?

Sau nhiều khảo sát khác nữa, chúng ta đi đến kết luận tâm không là vật chất cũng không phi vật chất và nó không thuộc loại sự vật nào nên chúng ta không thể nói tâm là cái gì hay không là cái gì.

Các câu hỏi còn tiếp tục và chúng ta đi đến điều tra về tính chất có kết hợp hay không kết hợp của tâm.

– Tâm là sự vật đơn nhất?

– Tâm là sự vật kết hợp?

– Nếu đơn nhất thì làm thế nào nó biểu lộ ra bằng nhiều cách khác nhau?

– Nếu là kết hợp thì làm thế nào nó có thể đi đến cảnh giới “không”?

Và tiếp tục các tham cứu chúng ta đi đến nhận biết tâm đã tránh khỏi hai thái cực đơn nguyên (unité) và đa nguyên (pluralité).

Trong cảnh giới an tịnh của tâm đã đi đến hiểu biết này, kết quả thiền định đã thành tựu, tất cả các sự vật hiện ra trong tâm đều là hư ảo như mọi sắc tướng sinh ra từ ảo cảnh”.

Nói rằng:

Trước mặt con, sau lưng con, trong thập phương.

Con nhìn khắp chốn, con thấy’Đều như nhau’.[62]

Bạch sư phụ, ngày nay hư ảo đã tan biến.

Từ rày về sau, con không còn đòi hỏi gì cho mình nữa”.

Tôi có thể đưa ra thêm nhiều trích dẫn và kéo dài chương này đến vô tận. Các tác phẩm nguyên gốc của Tây Tạng không thiếu. Những tác phẩm tôi mang được về Pháp đủ để chiếm hết thời gian của nhiều dịch giả suốt cả đời, và bộ sưu tập kinh sách này so với những thư tích lớn của Tây Tạng còn rất khiêm tốn; các thư tịch đó có đến hàng trăm ngàn bộ kinh sách được sưu tập qua nhiều thế kỷ.

Mục đích bổ sung thêm cho cuốn sách này bản dịch một số kinh văn Tây Tạng chỉ nhằm dẫn dắt độc giả đi vào ngưỡng cửa các phái mật giáo Tây Tạng, một chủ đề có nhiều thần thoại được lan truyền và để một số vị được nghe những giáo pháp các lạt-ma truyền dạy cho môn đồ.

Không phải những lý thuyết được trình bày trong các đoạn kinh văn trích dẩn ở trên là những lý thuyết duy nhất được các tông phái Tây Tạng thừa nhận; các giải thích tôi đưa ra khi mô tả “lễ thụ pháp” cũng được tính vào các lý thuyết tôn giáo của họ. Tuy nhiên, các vị lạt-ma tinh thông đạo học cùng thống nhất quan niệm cho rằng còn có rất nhiều các lý thuyết đa dạng do các nhà truyền pháp thuộc nhiều tông phái Đại Thừa và Nghi Quỹ đưa vào Tây Tạng truyền giảng. Qua nhiều thế kỷ dẫn đến sự hỗn dung (fusion) nhất định giữa tất cả các giáo thuyết này và tâm thức (mentalité) Tây Tạng hằn sâu một dấu ấn đặc biệt mạnh mẽ vào các giáo thuyết đó. Nhìn chung, Phật giáo của Lạt-ma giáo thoát thai từ các dạng tín ngưỡng dân gian, lấy cảm hứng từ một tinh thần khác lạ với Tiểu Thừa cổ điển hơn so với Đại Thừa nhiều, trong đó có một số tinh thần mang tư tưởng của Đại thừa theo Asanga (Vô Trước)[63] và những người kế tục ngài.

Tương tự như các dòng phái của chư tổ Thiền tông có những nguyên lý cơ bản Phật giáo được suy nghiệm và phát triển lên qua não trạng của người Trung Hoa, trong Lạt-ma giáo chúng ta cũng thấy các nguyên lý đó hàm chứa các triết lý và tính thần bí của Tây Tạng, được suy nghiệm và hiểu theo quan điểm của loại tâm thức rất khác so với Ấn Độ.

Tông phái Lạt-ma giáo nào lý giải tư tưởng của Đức Phật chuẩn xác nhất? – Đây là một vấn đề khó có lời giải vì chúng ta thiếu những yếu tố cần thiết để dựa vào đó mà phán xét. Các tài liệu liên quan đến giáo pháp của Đại Thánh[64] xuất hiện sau thời Ngài tại thế rất lâu và chúng ta đang dựa vào các tài liệu được cho là mang đậm sắc màu theo các quan điểm cá nhân và các xu hướng của những người biên soạn ra chúng.

Những ai cho rằng Đức Phật thuộc nòi Da Vàng hay chủng tộc nào đó không phải là người aryen (Nhã-lợi-an)[65] – tức ít nhiều thuộc giống dân như họ – chắc chắn sẽ nghĩ rằng những dân tộc anh em họ với Ngài ở vùng Trung Á hay Viễn Đông đương nhiên nhiều thích nghi để nắm bắt ý nghĩa thâm sâu trong giáo pháp của Ngài hơn. Vấn đề như thế này chưa bao giờ được giải quyết, tuy nhiên không thể không có đôi dòng về nó. Nếu hoàn cảnh cho phép, một ngày nào đó tôi sẽ khảo sát điều này. Nhưng dù các kết luận về chủ đề này có như thế nào, chẳng bao giờ các kết luận đó có được một tính chất tuyệt đối.

Vì thế, gạt ra ngoài các nghiên cứu đáng quan tâm về lịch sử và triết học, chúng ta có thể nghĩ rằng tốt hơn nên đi theo các lời răn được thuyết trong các buổi “lễ thụ pháp” Lạt-ma giáo, hay qua các phương tiện tương tự để đạt đến Chân Như mà Đức Phật từng quán tưởng ra và thay vì kêu xin ở người khác nói về bí mật tư tưởng của Đấng Đạo Sư này[66], tốt hơn chúng ta hãy tự mình thành Phật đã[67].

————————————————-

[1] ND: Dagpo Lha Djé hay Dagpo Lhaje (1079-1153; Hán Việt phiên âm thành Đạt-bảo Cáp-giải -達保哈解) cùng với Réstchoungpa (Đa-kiệt-trát-ba) là hai cao đồ của Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba). Trước tiên ông theo học phái Kadampa (Ca-dương phái -迦當派), sau khi gặp Milarespa theo phái Kagyu (Ca-nhĩ cư), sau khi thành tựu hợp nhất hai phái này với nhau.

[2] ND: xem cước chú giải thích từ “ordres” và “préceptes” ở trước.

[3] ND: Diogène là tên của nhiều vị thánh và triết nhân Phương Tây, chẳng rõ tác giả muốn ví von với ai.

[4] ND: Nalanda (Na-lan-đà – 那烂陀, với nalam: hoa sen; da: ban bố), tọa độ địa lý 25° 18′ 39″ Bắc 85°, hiện thuộc bang Bohar, Ấn Độ. Xưa kia vùng đất này thuộc nuớc Kiều-tát-la với kinh thành Vương Xá cùng gia đình hoàng tộc nổi tiếng trong kinh Quán Vô lượng Thọ Phật.

Khởi đầu chỉ là một tự viện do vua A-dục (304-232 trước Công nguyên) dựng lên, đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên trở thành một trung tâm nghiên cứu Phật giáo và đào tạo tăng sĩ. Đến thế kỷ thứ 3, dưới triều đại đế chế Gupta (Hán Việt phiên âm thành Cấp-đa Vương Triều – 笈多王朝) Nalanda phát triển rất mạnh mẽ. Tại đây các vị luận sư nổi tiếng như Long Thụ, Trần Na giảng dạy, là nơi các vị tổ thiền Ấn độ lưu trú. Điều đáng lưu ý tại Na-lan-đà không chỉ giảng dạy kinh Phật mà dạy Thiên văn, Thần học, Luận lý, Y học, … tức nhiều môn của các giáo phái Bà-la-môn giáo và chính cơ duyên này mà Phật giáo bị pha tạp và suy biến sự minh triết của Phật tổ (Đức Phật từng răn cấm học một số pháp môn Bà-la-môn mà Nalanda có giảng dạy). Điều này phản ảnh qua một số giáo thụ từng giảng dạy hay trú học ở đây như : Aryabhata (476–550): nhà toán học và thiên văn học người Ấn Độ; Padmasambhava (Liên-hoa-sinh) đạo sư phù thuật của Phật giáo nghi quỹ; Naropa (na-lạc-ba), đại thành tựu giả Bà-la-môn, …

[5] Xem chủ đề Tilopa (Đế-la-ba) và các môn đồ trong cuốn “Thần Bí Và Huyền Thuật Tây Tạng”.

[6] ND: “illusion” (ảo ảnh), tạm dịch thành “bào ảnh” cho có tính tôn giáo và triết lý. Bào ảnh (泡影) nghĩa là “hình ảnh của bọt nước”, bọt nước được tạo ra và tan đi rất mau, hiện tượng này diễn đạt rất trực quan sự vô thường của vạn vật. Ví dụ: Kinh Kim Cương có câu: Nhất thiết hữu vi pháp như mộng ảo bào ảnh (Pháp hữu vi hẳn như giấc chiêm bao, như bọt nước).

[7] Sợi dây tượng trưng cho dục vọng, câu chấp.

[8] ND: Phật giáo hay gọi nơi này là “a-lan-nhã” (阿蘭若; tiếng Phạn Aranya; Hán Việt còn dịch thành nhàn tịnh xứ – 閑靜處) chỉ khu rừng yên tĩnh và không có thú dữ. A-lan-nhã có ba loại: 1. Đạt-ma a-lan-nhã (Phạn: Dharma araịya), là đạo tràng cầu Bồ-đề. 2. Ma-đăng-già a-lan-nhã (Phạn: Màtaga-araịya), là nơi tha ma hoặc là nơi cách xa làng mạc một câu lư xá, tức một quãng xa mà tiếng bò kêu không nghe thấy.3. Đàn-đà-già a-lan-nhã (Phạn: Daịđaka-araịya), tức nơi bãi cát xa xôi không thấy khói của người ta đun nấu.

[9] Nghe nói trong tiếng Anh dùng từ: knower. Đó chính là rnampar chéspa, ý thức – tri kiến (tri thức).

[10] ND: tức Ðạo đế hay còn gọi là Khổ diệt đạo tích thánh đế: Tức cách thức để diệt tận cái khổ. Muốn vậy phải tìm đến con đường diệt khổ, con đường đó là Bát chánh đạo.

[11] ND: Hôn trầm: Thần thức hôn mê không rõ biết chi cả.

[12] ND: tác giả dùng từ “intellectualisme pur” (thuyết chủ trí thuần lý), trong Phật giáo tương đương với “chấp trí” nên tạm dịch là vậy.

[13] ND: tác giả dùng từ “sentier intellectuel” (con đường trí tuệ), tạm dịch là tu huệ.

[14] Các nhà thần bí.

[15]Religieux” (tạm dịch là đạo nhân) trong trường hợp này không nhất thiết là người tu theo dòng tu tự viện nào đó, mà là bất kỳ ai quay lưng lại với thế gian để đi theo “Con Đường Giải Thoát” (thar lam).

[16] Vấn đề là các công đức và sự báo phục công đức mà theo quan điểm chung của nhiều người như là sự báo đền của thiện nghiệp. Xem chương IV và VIII.

[17] Một giáo ngôn rất nghiêm túc thấy trong các Kinh Điển cổ xưa nhất mà người ta cho là lời của Đức Phật. Giáo ngôn này không mấy được coi trọng ở Lạt-ma giáo.

[18] Nói rằng một đạo sư thần bí từ chối chỉ giáo học thuyết của mình cho người không đủ khả năng hiểu hay không xứng đáng để được nghe cho dù rằng người này có dâng lễ bái thầy bằng tất cả các kho báu trên thế gian; ngược lại, chỉ giáo miễn công cho môn đồ có khả năng dùng tốt giáo pháp đó.

[19] ND; từ Phật giáo gọi là chốn a-lan-nhã (tiếng Phạn: Aranya)

[20] Vì theo chúng Phật tử cuộc sống tâm linh nhằm mục đích Giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

[21] Không phải để nhận được lời xin lỗi vì Phật giáo không thừa nhận “bản ngã” nào cả, mà vấn đề là dọn sửa mình, sửa sang cho mình “chất liệu tâm thân” để đón nhận những tổn hại do thân nghiệp và ý nghiệp gây ra. Những “tổn hại” (dégâts) đó được sửa chữa bằng những thân nghiệp và ý nghiệp họi là có “phẩm hạnh” (vertus).

[22] Trong tiếng Tạng, rnampar chéspa có nghĩa là hành thức (conscience-connaissance: ý thức – tri kiến), một trong 5 thứ mà theo Phật giáo cấu thành nhân cách của con người (ND chú thêm: ngũ uẩn). Thuật ngữ này còn được hiểu là người quán sát có ý thức, tức chủ thể của khách thể. Như đã nói ở cước chú trước của tôi, thuật ngữ trong tiếng Anh knower diễn đạt chính xác ý nghĩa này.

[23] Câu này có nghĩa là những ai chưa đủ sức hiểu giáo pháp hay chưa đủ sức theo sống đời tâm linh thì đừng thu nhận môn đồ và giảng pháp.

[24] Trong ngữ cảnh này nên hiểu các từ “inférieure” (thấp) và “médiocre” (tầm thường) theo nghĩa tương đối. Ở đây không có nghĩa là gần như thiểu năng trí thông minh, mà chỉ hàm ý trí thông minh kém nhạy bén chậm hiểu ý nghũa sâu sắc của các giáo ngôn.

[25] Trong tiếng Tạng: chéspa-po, chés tcha (viết là chés bya) và chéspa. Đó là một trong những lý thuyết nền tảng của Lạt-ma giáo. ND: đó là giáo thuyết “ngũ uẩn”.

[26] Giáo pháp chối bỏ sự tồn tại của “ngã”. Tâm rỗng rang cái “ngã”.

[27] Từ “pureté” (thanh tịnh) nên hiểu theo nghĩa trong suốt hoàn toàn cho phép nhùn thấy Chân Như tức cái đối chọi với sự lo toan, suy biện, dục vọng … Những thứ đối chọi đó được ví như màn hình mờ đục.

[28] ND: Bộ Đại Tạng Kinh Tây Tạng gồm 2 phần: Kangyur (Đan-châu-nhĩ Kinh Tạng) và Tengyur (Cam-châu-nhĩ Luận Tạng). Tengyur (Cam-châu-nhĩ Luận Tạng) ghi chép các lục luận của danh sư Phật giáo, có khoảng 1.000 bộ lục luận khác nhau.

[29] Mười hạnh nghiệp gồm: 1.- Không sát sinh chúng sinh nào, 2.- Không trộm cắp, 3.- Không gian dâm, 4.- Không nói dối, 5.- Không vu khống, 6.- Không nói lời hung ác, 7.- Không nói lời phù phiếm vô ích, 8.- Không keo bẩn và không tham lam, 9.- Không làm điều tàn ác hay có ý định như vậy, 10.- Không giữ ác kiến trong lòng.

[30] Thư gửi cho một ông hoàng đang trị vì. Thư gửi vya không phải để cầu xin bố thí lương thực. Trong thư cho thấy nhà vua cho đánh thuế quá nặng để lấy tiền phục vụ cho cuộc sống xa hoa cũng như để gây chiến tranh giành ngai vàng, điều mà giới luật Phật giáo răn cấm.

[31] Ăn phi thời (nghĩa là ăn ngoài giờ quy định như ăn vào buổi chiều), ngủ giường cao êm ấm, ca múa, trang sức và dùng hương hoa làm thơm cơ thể. Các giới luật này cấm tăng sĩ nhưng không cấm cư sĩ.

[32] Theo giới luật Phật giáo có 5 việc mua bán bị cấm: mua bán vũ khí, mua bán chúng sinh có sự sống (như súc vật), mua bán thịt (như các hàng thịt), mua bán thức uống lên men, và mua bán thuốc độc, chất gây nghiện.

[33] Tiếng Tạng mdzod, đọc là dzeu. Chỉ bất cứ nơi nào hay cái gì  dùng để cất giữ đồ vật: kho báu, hay cất vật gì đó như ngữ cốc trữ phòng khi giáp hạt, … Toàn bộ những thứ cất trong đó cũng gọi là mdzod.

[34] Để những tâm tư tình cảm này không kéo dài, hãy làm chúng biến mất ngay như hình vẽ vạch trên mặt nước.

[35] Viết là phgag rgya tchénpo. Nghĩa đen là “các thủ pháp lớn” hay “các dấu hiệu lớn”. ND: người Việt thường dịch là “Đại Thủ Ấn”.

[36] Theo nghĩa đen, tchénpo nghĩa là “lớn”.

[37] Nguyên gốc tiếng Phạn là mâdhyamika (Trung Quán Tông), nghĩa “đứng giữa”. Luận thuyết Trung Quán phủ nhận biên kiến (vues extrêmes).

[38] ND: tự viện Sakya (Hán Việt phiên âm thành Tát-ca Tự – 萨迦寺) là tổ đường cúa phái Sakya (Tát-va phái). Tự viện được dựng năm 1073, ở Xigazê (Nhật-khách-tắc – 日喀則), Tây Tạng, tọa độ 28°54′18″Bắc 88°1′4.8″Động.

[39] ND: Sakya Péntchén (1182-1251; Hán Việt phiên âm thành Tát-ca Ban-thiền – 萨迦·班禪) hay còn gọi là Sakya Paṇḍita (Hán Việt phiên âm thành Tát-ca Ban-trí-đạt – 萨迦·班智達) là tổ thứ tư của dòng Sakya (Tát-ca phái). Ông từng qua Ấn Độ học đạo và từng truyền pháp ở triều đình Mông Cổ.

[40] ND: Tchag tchén gyi zindi (tiếng Phạn Mahāmudropadeśa), Hán Việt dịch thành Đại Ấn Khế Luận Nghị (大印契論議; ấn khế tức là thủ ấn) là tác phẩm bàn và giảng giải (luận nghị) các pháp đại thủ ấn.

[41] ND: sách luận nghị (論議) tiếng Phạn gọi là upadeśa (Ưu-ba-đề-xa) là loại sách ghi chép các lời dạy, lời khai thị, bài luận giải, sự tranh luận về một chủ đề. Tác phẩm A-tì-đạt-ma cũng được gọi là Ưu-ba-đề-xá.

[42] Tác giả cuốn Tchag tchén gyi Zindi (Đại Ấn Khế Luận Nghị) trích dẫn từ nhiều tác phẩm khác và cũng theo các truyền thuyết truyền khẩu các giới luật này được cho là của các đạo sư nổi tiếng, nhưng tác giả thường có thiếu sót dẫn ra ai là người đặt ra.

[43] Giới luật này gán cho của Tilopa (Đế-la-ba).

[44] Dường như sự so sánh này không may mắn được chọn.

[45] Hay diễn đạt đúng đắn hơn nữa: hiểu về chữ Không (Vide) là tự giải thoát.

[46] Sáu giới luật này nổi tiếng ở Tây Tạng, chúng được quy cho của Tilopa (Đế-la-ba) áp dụng cho cao đồ của ông ta là Narota (Na-lạc-ba).

[47] ND: Tác giả dùng từ “distraction” (xao nhãng), trong thuật ngữ Phật học tiếng Việt hay dịch là “phòng dật”. Từ điển Phật Học của Đạo Uyển định nghĩa:phóng dật là “buông thả, phóng túng, lười nhác, không giữ mình theo các pháp lành, cũng không có sự tinh tấn nỗ lực tu tập”.

[48] ND: trong Phật học Hán Việt có dùng thuật ngữ “thiên lưu” hay “miên trường” để diễn đạt  nghĩa “liên tục”. Do thuật ngữ này ít gặp nên không dùng/

[49] ND: vì hay quan sát nên trẻ con thường hay thắc mắc.

[50] ND: Abhidharma (A-tỳ-đạt-ma – 阿毗達磨) là luận tạng trong bộ Tam Tạng, bàm rộng giáo pháp của Đức Phật nhưng thiên về giải thích các hiện tượng tâm lý, siêu hình học Phật giáo. Từ bộ luận gốc này cac luận sư đời sau trước tác thành nhiều bộ luận khác, nổi tiếng là abhidharmakosa-sastra (A-tì-đạt-ma Câu-xá luận – 阿毗達磨俱舍論) của Thế Thân gồm 9 phẩm: 1. Giới phẩm nói về cái thể của giới pháp; 2. Căn phẩm nói về cái dụng của các pháp; 3. Thế gian phẩm nói về các cõi theo vũ trụ quan Phật giáo, 4. Nghiệp phẩm luận về nghiệp thiện ác; 5. Tùy Miên phẩm nói về các chướng ngại khi tu học; 6. Hiền Thánh phẩm nói về các bậc hiền thánh; 7. Trí phẩm nói về mười loại trí huệ; 8. Ðịnh phẩm nói về tâm an định; 9. Phá Ngã phẩm nói về thật tướng vô ngã.

Ngoài ra còn thấy: Abhidharma-saṇgaha (A-tì-đạt-ma Giáo Nghĩa Cương Yếu), Abhidhamma-yamaka (A-tì-đạt-ma Song Luận), Abhidhamma-dhāthukathā (A-tì-đạt-ma Giới Thuyết Luận), … và còn nhiều nữa.

[51] Tiếng Tạng là sgom ching mà tôi đã nêu ra trong cuốn “Thần Bí Và Huyền Thuật Tây Tạng”.

[52] ND: trong trường hợp thứ hai Thiền tông gọi là thiền theo công án.

[53] Đến đây tôi cố tránh dùng tử “connaisseur” trong tiếng Pháp vì không đáp ứng chính xác nghĩa của tiếng Tạng là “người có hiểu biết” (tiếng Anh là knower) có hàn ý “người hiểu giáo pháp”, “bậc thiện xảo trong một số tri thức đặc biệt”. ND: tiếng Việt hay dịch là “thiện tri thức”.

[54] Điều này liên quan đến các trải nghiệm tâm linh trong đó hành giả đồng nhất vào một khách thể (objet). Xem thêm ở cuốn “Thần Bí Và Huyền Thuật Tây Tạng”.

[55] Từ “hiện tướng ra” (visualiser) không có trong từ điển. Tôi đánh bạo dùng từ mới này (néologisme)  để nói lên ý nghĩa “làm hiện tướng trong tư tưởng trờ nên khả kiến”. Người Tây Tạng dùng thuật ngữ dmigpa có thể mang nghĩa là được tưởng tượng ra, tự tạo ra ý tưởng, cũng có nghĩa là “làm cho tự được khả kiến”, tức khách thể hóa.

[56] Hri là một mật ngữ hàm Hri bao hàm nhiều cách giải thích khác nhau. Nó có nghĩa là tinh túy sáng tạo vũ trụ.

[57] Toàn bộ các quy tắc này, các lý do để quy tắc dựa vào, … đều phải kèm theo các bình chú giải thích của một lạt-ma mới hiểu được.

[58] ND: càng cố tránh xa nó tức càng để ý đến nó.

[59] ND: Gampopa (1079-1153; Hán Việt phiêm âm thành Đạt-bảo-cáp giải -達保哈解) thuộc dòng kagyups (Ca-nhĩ-cư pháo) được thọ truyền pháp đại thủ ấn từ Milarespa (Mật-lặc-nhật-ba)

[60] Điều này nên hiểu như các ý niệm, các cách tư duy và nhìn thấy do các ảnh hưởng khác nhau áp đè vào tâm, đến mức nó có hình thù giả tạo. Giống như dòng nước bị đổi dòng, bị mở rộng ra hay thu hẹp lại bởi đê, đập hay như cái cây bị uốn cong, tỉa cành, … không còn hình dạng tự nhiên nữa (giải thích của các lạt-ma).

[61] ND: Saraha (Hán Việt phiên âm thành Tát-lạp-cáp –  薩拉哈) là một đại thành tựu giả (hay còn gọi là đại tất-đạt – mahasiddha) đuôc xem là vị khai tổ cho Phật giáo Kim Cương Thừa, đặc biệt nổi tiếng về pháp môn Đại Thủ Ấn.

[62] Té jine gnid viết là dé bchin gnid, có nghĩa “đó như là” Chân Như (Réalité).

[63] ND: Asanga (Hán Việt dịch thành Vô Trước – 無著; nghĩa là không bị nhiễm ô) là đại sư Ấn Độ thế kỷ thứ 4 sáng lập ra trường phái Duy Thứ Tông, khác với Trung Quán Tông của Long Thọ luận về tính Không. Chúng ta thấy Lạt-ma giáo Tây Tạng mang tinh thền Duy Thức nhiều hơn Trung Quán.

[64] ND: tức Phật tổ Thích-ca.

[65] ND: có giả thuyết cho rằng dòng Thích-ca là một nhánh của tộc người aryen (Nhã-lợi-an); một trong một luận cứ cho giả thuyết này là thái tử Tất-đạt-đa cưới người em gái họ theo tập quán kết hôn đồng tộc của chủng người aryen (Nhã-lợi-an). Tuy nhiên cũng có giả thuyết phản bác lại.

[66] ND: trong Thiền tông hay kêu đòi được biết mật ngôn Phật Thích-ca bí truyền cho Đại Ca-diếp, rồi sao đó tương truyền Bồ-đề-đạt-ma mang sang Trung Hoa. Đó là câu hỏi Tây Lai Ý (西來意), nguyên văn là “Như hà thị Tổ sư tây lai ý?” (如何是祖師西來意: Thế nào là ý nghĩa của việc Bồ-đề-đạt-ma từ bên Tây (Ấn Ðộ) sang?) Khi được hỏi Triệu Châu trả lời: “Cây tùng trước ngõ” (庭前柏樹子; Ðình tiền bách thụ tử; Vô môn quan 37). Còn Hương Lâm trả lời: “Ngồi lâu sinh nhọc” (坐久成勞; Tọa cửu thành lao; Bích nham lục 17). Rốt cuộc vấn đề “Chân như” không thể ai cho ai mà tự thân đi tìm lấy, đó là tôn chỉ của Đức Phật.

[67] ND: câu này mượn từ ý của Đức Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.