ĐƯỜNG PHẬT ĐI - (PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH)

HƯ VÂN HÒA THƯỢNG
TUYÊN HÓA HÒA THƯỢNG
biên soạn
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm - Bác sĩ Trần Văn Nghĩa phiên dịch

… Lòng đà như áng mây bay,
Thì nương theo gió heo may mà về ….

PHẦN I

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Phật thị hiện sinh tại miền trung Thiên Trúc, làm con của thánh vương Tịnh Phạn, xả bỏ ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương xuất gia, thành tựu đạo vô thượng, chuyển đại pháp luân. Vào năm 79 tuổi, khi sắp nhập Niết Bàn, Phật mang chánh pháp nhãn tạng phó chúc cho ngài Ma ha Ca Diếp là một đệ tử ưu tú, truyền ngài A Nan làm vị thứ hai đồng hoằng hóa chánh pháp. Phật lấy tăng già lê làm bằng sợi vàng trao cho ngài Ca Diếp, ra lệnh ngài chuyển lại cho vị Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ Di Lặc khi ngài Di Lặc thành Phật. Đức Thích Ca nói kệ:

Đã tự căn nguyên pháp vốn không
Không pháp này đây tức pháp không
Nay ta truyền lại môn không pháp
Muôn pháp há từng thực pháp chăng?.

Bài tán:

Vạn đức trang nghiêm
Nhất trần bất lập
Bốn mươi chín năm
Giáo hóa bận rộn
Sau cùng niêm hoa
Cười trao Ca Diếp
Chánh pháp nhãn tạng
Ngàn thánh chẳng biết.

Bài kệ:

Tuyên Công thượng nhân viết ngày 2 tháng 3, năm 1984

Hoàng cung, Đâu Suất giáng sinh
Du hành bốn cửa phồn vinh chẳng cần
Thuyết pháp giáo hóa nhân quần
Từ bi hỷ xả độ dần chúng sinh
Phước tuệ vạn đức trang nghiêm
Nhất trần bất lập* tịnh thanh ta, người
Tăng thừa kế Phật khắp nơi
Nhiếp thụ vô số vạn loài hữu căn.

* Một mảy bụi không nhiễm. Trần, Phạm: Artha, hoặc Viwaya. Dịch mới: Cảnh, cảnh giới. Chỉ cho đối tượng (đối cảnh) mà 6 căn duyên theo để sinh ra cảm giác. Phật gọi 6 thứ: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là Trần cảnh (cảnh bụi bặm) của 6 căn. Vậy, nếu 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà hoàn toàn thanh tịnh, không ô nhiễm, thì gọi là Nhất trần bất nhiễm. (Tự điển Phật Quang)

1.01 Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả 

[Tôn giả] vốn người nước Ma Kiệt Đà, xuất thân dòng Bà La Môn, hình tướng thuộc kim, gặp Phật xin xuất gia, cầu vượt qua các cõi sinh tử. Đức Phật gọi tôn giả là bậc nhất trong chúng hội. Một hôm, Phật tại hội Linh sơn cầm một cành hoa sen vàng đưa lên. Đại chúng đều im lặng, riêng tôn giả Ca Diếp nét mặt rạng rỡ, môi điểm nụ cười. Phật dạy: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp”. Phật lại mang áo ca sa làm bằng sợi vàng bảo ngài Ca Diếp trao lại cho vị Phật vị lai là ngài Từ Thị. Tôn giả Ca Diếp đảnh lễ, vâng theo lệnh của Đức Phật. Về sau tôn giả truyền pháp lại cho ngài A Nan, mang theo tăng già lê vào núi Kê Túc nhập định, chờ ngài Từ Thị hạ sinh.

Bài tán:

Rạng rỡ nụ cười
Đề hồ, thuốc độc
Áo ca sa vàng
Đến xứ sở nào.
Truyền đạt những gì
Lấy sai trị sai
Tai họa cháu con
Lông rùa sừng thỏ.

Bài kệ:

Tuyên Công thượng nhân viết ngày 15 tháng 10, năm 1983

Linh sơn niêm hoa truyền tâm
Mỉm cười trực diện thừa ân đức này
Tổ tổ đèn pháp rõ bày
Tăng tăng tuệ mệnh tràn đầy đại thiên.
Hạnh đầu đà, áo hoàng kim
Di Lặc tôn Phật thánh điền truyền trao
Ma ha Ca Diếp công lao
Vô biên vô lượng ân cao đời đời.

1.02 Nhị Tổ A Nan Đà Tôn Giả  

Tôn giả người thành Vương Xá, con vua Hộc Phạn, là em chú bác của Đức Phật. Tôn giả là bậc đa văn hạng nhất. Một hôm, tôn giả hỏi ngài Ca Diếp: “Sư huynh, ngoài việc Đức Phật truyền kim lan ca sa, còn truyền điều gì khác nữa không?”. Ngài Ca Diếp gọi: “A nan!”. Ngài A Nan đáp: “Dạ”. Ngài Ca Diếp nói: “Trở lại chỗ cây cột trước điện sẽ thấy”. Về sau ngài Ca Diếp nói với ngài A nan: “Ta đã già, không còn ở lại lâu. Nay mang chánh pháp phó chúc cho ông. Ông nên khéo giữ gìn.” Ngài A nan sau này lại phó chúc lại cho tôn giả Thương Na Hòa Tu, đến giữa sông Hằng nhập diệt. Tôn giả vọt lên giữa hư không, hiện 18 pháp thần biến, nhập Phong Phấn Tấn tam muội, chia xá lợi làm bốn phần: một phần được phụng thờ tại trời Đao Lợi, một phần tại long cung Sa Kiệt La, một phần tại nước Tỳ Xá Ly, và một phần tại nước vua A Xà Thế. Các nơi này đều dựng bảo pháp cúng dường.

Bài tán:

Đa văn tổng trì
Tuệ tính viên ngộ
Trở lại cột phan
Hai tay phân phó.
Là anh là em
Là cha, là con
Tuy là như vậy
Sự sự thanh toàn.

Bài kệ:

Tuyên Công thượng nhân viết ngày 1 tháng 11, năm 1983

Đa văn mà chửa dụng công
Ma Đăng Già lại đem lòng tư riêng
Trước vì lực chẳng cần chuyên
Cho nên sau phải đảo điên dâm phòng.
Lăng Nghiêm Phật Đảnh thâu hoàn
Văn Thù Sư Lợi bảo toàn thiên chân.
Kết tập kinh tạng lưu ân
Nguồn mạch chánh pháp xa gần truyền trao.

1.03 Tam Tổ Tôn Giả Thương Na Hòa Tu  

Tôn giả người nước Ma Đột La, họ Tỳ Xá Đa, ở trong thai mẹ suốt sáu năm, khi sinh ra có điềm lành. Sau đó xuất gia học đạo tiên, ngụ tại Tuyết sơn. Nhân lúc ngài A nan sắp nhập diệt, khắp núi sông đất liền chấn động sáu cách, tôn giả cùng với năm trăm tiên nhân tìm đến lễ bái dưới chân ngài A nan, quỳ thưa rằng: “Tôi là trưởng lão hiện chứng Phật pháp, nguyện xin ngài độ thoát”. Tôn giả A nan liền biến sông Hằng thành cát vàng, thuyết đại pháp: “Xưa Đức Như Lai mang chánh pháp nhãn tạng phó chúc cho ngài Ca Diếp. Ngài Ca Diếp lại phó chúc cho ta. Nay ta phó chúc cho ông.” Tôn giả Thương Na Hòa Tu được thọ ký đắc pháp, hàng phục hai con rồng lửa, dựng Phạm cung chuyển đại pháp luân. Về sau tôn giả truyền pháp cho ngài Ưu Ba Cúc Đa, rồi ẩn tu nơi núi Tượng Bạch, nước Kế Tân, hiện 18 hỏa quang tam muội thần biến tự thiêu thân.

Bài tán:

Theo điềm lành sinh ra
Chuyển đại diệu pháp luân
Năm trăm chúng tiên nhân
Chỉ riêng tổ đ ư ợc chọn.
Một lời không đầu mối
Dấu ấn phá tung cửa
Hàng phục loài voi rồng
Đạo trải khắp trời đất.

Bài kệ:

Tuyên công thượng nhân viết ngày 2 tháng 11, năm 1983

Học đạo tiên nhập núi sâu
Trước ngài Khánh Hỷ khấu đầu cầu riêng
Quy tam bảo, năm trăm tiên
Hai con rồng lửa bay nghiêng chín tầng
Chánh pháp nhãn tạng ấn tâm
Đầu đà kim sắc đất Vân Nam ngồi
Truyền thừa tổ tổ không lời
Pháp đăng tương chiếu rạng ngời trước sau.

1.04 Tứ Tổ Ưu Ba Cúc Đa Tôn Giả 

Tôn giả người nước Trá Lợi, họ Thủ Đà. Năm 17 tuổi theo tam tổ xuất gia. Tổ hỏi: “Chú năm nay bao nhiêu tuổi?”. Đáp: “Thưa 17”. Hỏi: “Thân chú 17 hay là tánh chú 17?”. Đáp: “Tóc của thầy bạc trắng. Đó là tóc trắng hay tâm trắng?”. Đáp: “Tóc ta trắng, chẳng phải tâm ta trắng”. Đáp: “Thân con 17, chẳng phải tánh 17”. Tổ biết là hàng pháp khí, liền cho xuống tóc thọ giới cụ túc, nói: “Xưa Đức Như Lai phó chúc pháp nhãn vô thượng cho ngài Ca Diếp, lần lượt trao truyền cho đến ta. Nay ta phó chúc cho ông, chớ để đoạn tuyệt”. Tôn giả đắc pháp, hành hóa các phương, cung ma rúng động, ma Ba Tuần lo sợ. Về sau trao pháp cho tôn giả Đề Đa Ca, và bay lên không trung, hiện 18 pháp thần biến, an tọa mà hóa.

Bài tán:

Thân hoặc tánh mười bảy
Có can hệ nơi đâu
Hàng phục ma Ba Tuần
Dụng lực lớn đối đầu.
Cung quân ma chấn động
Thực chẳng ai sánh hơn
Uy nghiêm và rực rỡ
Như vầng sáng thái dương.

Bài kệ:

Thuở thiếu thời xuất gia gặp Tổ
Phấn chấn tinh thần liền bỏ trầm hôn
Tánh, thân mười bảy đa ngôn
Tóc hay Tâm trắng bôn chôn cợt đùa.
Cơ giáo lý cũng vừa tương phối
Sư thiên tư đạo hội thâm huyền
Pháp nguồn trải khắp tam thiên
Giảng giải chánh lý nối liền mười phương.

1.05 Ngũ Tổ Đề Đa Ca Tôn Giả  

Tôn giả người nước Già Ma Đà, lúc sinh ra người cha mộng thấy mặt trời vàng ròng chiếu sáng đất trời. Lúc lớn lên gặp được tứ tổ cầu xuất gia. Tổ hỏi: “Thân ông xuất gia hay là tâm ông xuất gia?”. Đáp: “Con nay cầu xuất gia chẳng phải vì tâm hay vì thân”. Hỏi: “Không vì thân tâm thì ai là người muốn xuất gia?”. Đáp: “Người xuất gia không có ngã, lại cũng không ngã sở, tức tâm không sinh diệt. Tâm không sinh diệt này chính là đạo thường. Chư Phật cũng không khác. Tâm vô hình tướng, thể ấy cũng như vậy.” Tổ nói: “Ông đã đại ngộ, tâm ông tự linh thông”. Tổ thế độ cho tôn giả, cho thọ giới cụ túc, và phó chúc đại pháp. Tôn giả đắc pháp, hành hóa khắp vùng trung Ấn Độ. Sau đó truyền pháp cho ngài Di Già Ca rồi phóng thân lên hư không, hiện 18 pháp thần biến, dùng hỏa quang tam muội tự đốt thân.

Bài tán:

Tâm không sinh diệt
Càng ẩn càng lộ
Pháp vốn phi thường
Tự khoét vết thương.
Trong mộng nói mộng
Trong xấu ngoài khoe
Hỏa quang tam muội
Trên tuyết thêm sương.

Bài kệ:

Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 12 tháng 11, 1983

Cha mộng thấy Tổ giáng sinh
Không mê bản tánh thoát tình thế gian.
Vô ngã xuất gia phi dị diệt*
Hữu nguyện thoát tục đoạn khổ nhân
Cận kề Phật, như thánh tâm
Cùng thầy hộ pháp, chấn hưng giáo thiền
Dùng tam muội đốt huyễn thân
Cung ma chấn động, quỷ thần hãi kinh.
………………………………………..
*Sinh, trụ, dị, diệt.

 Bài 2:

Ba cõi thế tục não phiền
Như bong bóng nước một miền phồn hoa
Lìa phân biệt thân tâm giải thoát
Trong sát na dài ngắn tròn đầy
Gánh vác nghiệp lớn Như Lai
Treo cao ấn tổ độ loài cuồng tâm
Hỏa quang thị hiện, dời chân
Thần thông tự tại thiên không chẳng cùng.
……………………..
*空花 Phồn vinh hoa lệ hư huyễn không thật. ◇Dụ thế minh ngôn 喻世明言: Phù danh thân hậu hữu thùy tri? Vạn sự không hoa du hí 浮名身後有誰知? 萬事空花遊戲 (Quyển nhất, Tương hưng ca trùng hội trân châu sam 蔣興哥重會珍珠衫) Danh hão sau này nào ai biết? Muôn sự phồn vinh hoa lệ chỉ là trò đùa hư huyễn mà thôi.

1.06 Lục Tổ Di Già Già Tôn Giả 

Tôn giả người đất Trung ấn, lúc đầu học phép tiên, nhân dịp ngũ tổ đến vùng đất ấy, tôn giả liền đến chiêm bái, đảnh lễ mà thưa rằng: “Xưa kia con và thầy cùng sinh ở cõi Phạm thiên. Con gặp tiên nhân trao cho phép tiên, thầy gặp Phật tử nên tu tập pháp thiền. Từ đó quả báo phân khác đường trải qua sáu kiếp. Tổ nói: “Đã cách chia đến mấy kiếp, thật vậy, không hư dối. Nay thì con có thể cải tà quy chánh, về với Phật thừa.” Tôn giả nói: “Nay được hạnh ngộ, vốn chẳng phải là duyên xưa sao. Nguyện xin thầy từ bi giải thoát cho”. Tổ liền thế độ, truyền giới cụ túc cho tôn giả. Tôn giả đắc pháp rồi liền đến vùng bắc Thiên Trúc, lại truyền pháp cho tôn giả Bà Tu Mật rồi nhập tam muội Sư Tử Phấn Tấn, bay lên giữa trời cao bằng bảy cây đa la, sau đó trở lại chỗ ngồi, hóa ra lửa tự thiêu đốt thân mình.

Bài tán:
Ngày gặp lại người xưa
Tận cội nguồn tri giải
Quy chánh xóa bỏ tà
Hai sắc, một siêu việt.
Sư tử phấn tấn ấy
Hỏi là tam muội gì
Tự ngàn xưa nhàn nhã
Gió mát khắp nơi nơi.

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 13 tháng 11, 1977

Học Phật khác đường học tiên
Thời tiết thành thục nhân duyên đúng kỳ
Ngẫu nhiên gặp bậc cố tri
Kiếp kiếp phân tán, chưa ly gốc nguồn.
Ngày kia khế hợp vẹn toàn
Chân như vạn cổ tuần hoàn lại qua
Con sao chẳng cảm ứng ta?
Bởi tâm phàm khó thoát ra bể trần.

1.07 Thất Tổ Bà Tu Mật Tôn Giả 

Tôn giả người Bắc Thiên Trúc. Nhân dịp lục tổ du hóa đến vùng này gặp tôn giả tay mang bầu rượu, đón Tổ mà thưa: “Thầy từ đâu đến, lại muốn đi về đâu?”. Tổ nói: “Ta từ tự tâm mà đến, muốn đến chỗ không nơi chốn”. Tôn giả thưa: “Thầy biết tôi đang cầm vật gì không?”. Tổ nói: “Đó là bình rượu phàm tục, nhưng người thanh tịnh mang nó”. Tôn giả nói: “Thầy biết tôi chăng?”. Tổ nói: “Ngã thì không phải cái biết. Cái biết thì không phải ngã”. Sau đó Tổ thế độ, truyền giới, phó đại pháp. Tôn giả đắc pháp rồi du hóa đến nước Ca Ma La quảng bá Phật pháp. Sau lại truyền pháp cho tôn giả Phật Đà Nan Đề, nhập tam muội Từ Tâm. Sau đó xuất định, nói với đồ chúng: “Pháp ta đắc được không thể nói là có. Phải biết Phật địa rời tất cả chuyện hữu vô”. Nói xong lại nhập tam muội, thị hiện vào Niết Bàn.

Bài tán:
Mây hiện điềm thiện lành
Sắc vàng sáng rực rỡ
Tay mang một bình rượu
Quy về con đường ngay.
Hiện tướng tâm từ bi
Trải dài tâm gắn bó
Thuyết pháp dạy chúng sinh
Bánh đất Hồ mật ngọt.

Bài kệ:

Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 14 tháng 12, 1977

Thánh nhân sinh bắc phương Thiên Trúc
Mang rượu bình hỏi túc nhân sâu
Chẳng từ đâu chẳng về đâu
Thức tức phi ngã có âu ta người
Từ tâm chính định vào rồi
Ánh bi quang tỏa rạng ngời càn khôn
Sen vàng chào đón học đồ
Ma ha bát nhã văn ngôn thâm huyền.

1.08 Bát Tổ Phật Đà Nan Đề Tôn Giả 

Tôn giả người nước Già Ma La, trên đảnh có nhục kế, biện tài vô ngại. Lúc đầu gặp được thất tổ, nghe tổ luận thuyết. Tổ nói: “Này tôn giả, luận chẳng phải nghĩa, nghĩa tức chẳng luận. Nếu suy nghĩ để luận nghĩa thì cái nghĩa đó không phải là cái nghĩa đã do suy luận mà có.” Tôn giả biết được cái nghĩa thù thắng của tổ nói nên lòng rất khâm phục nên thưa: “Tôi nguyện cầu đạo, xin được tưới giọt cam lồ.” Tổ liền cho xuống tóc, thụ giới cụ túc, truyền pháp, mà nói kệ rằng:

Tâm đồng cõi hư không
Hiển thị như hư không
Khi chứng được hư không
Pháp chẳng phải, chẳng không phải.

Đắc pháp rồi tôn giả lãnh đạo đồ chúng đến nước Già Đà, lại truyền pháp cho tôn giả Phục Đà Mật Đa. Sau đó hiện thần biến, trở lại tòa ngồi, an nhiên mà hóa. Đồ chúng dựng tháp, táng toàn thân.

Bài tán:
Luận tức phi nghĩa
Một lời liễu ngộ
Thấu triệt nguồn linh
Chối từ trân bảo
Mở cửa cam lộ
Trời sớm canh ba
Xưa nay thế ấy
Trong sạch trắng ngà

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 1 tháng 3, 1977

Hiện nguồn chân, đỉnh sanh nhục kế
Thân trang nghiêm nguyện lực kiên trì
Bát nhã vô ngại biện tài
Liễu giải diệu nghĩa mở bày huyền thâm
Siêu pháp giới, tâm hư không
Bao la vũ trụ cũng trong vi trần
Trở về an tọa khí thần
Canh ba trời bổng sáng ngần ánh dương.

1.09 Cửu Tổ Phục Đà Mật Đa Tôn Giả  

Tôn giả người nước Đề Già tuy đã 50 tuổi nhưng miệng chưa từng nói, chân chưa từng bước. Một hôm nhân nghe bát tổ thuyết về người đệ tử chân thật, tôn giả liền đến lễ bái, thưa: “Cha mẹ  không phải là người mật thiết nhất của con thì ai là người thân cận nhất?. Chư Phật không phải là đạo của con thì đạo tối thượng là gì?”. Tổ nói: “Lời con kết hợp với chỗ thân cận của tâm, cha mẹ không sánh được. Chỗ hành của con cùng đạo hòa hợp, đó chính là tâm chư Phật.” Tôn giả nghe dứt bài kệ liền bước đi bảy bước. Tổ nói: “Người nầy xưa kia từng gặp Phật và phát nguyện nhưng vì lo nghĩ đến cha mẹ nên khó xả ly nên không nói và không đi, lớn lên liền rời nhà xuất gia.” Tổ cho xuống tóc và thọ giới cụ túc, giao phó đại pháp. Tôn giả đắc pháp liền đi về vùng Trung Ấn hành hóa. Lại truyền pháp cho tôn giả Nan Sanh (Hiếp Tôn Giả), nhập Diệt Tận Tam Muội mà vào Niết Bàn.

Bài tán:
Chưa thốt một câu
Lời đầy tây đông
Chưa bước ra cửa
Cưỡi trên hư không.
Không lấy tôn quý
Cùng Phật đồng hành
Bước đủ bảy bước
Chuyện đã tựu thành.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 5 tháng 3, 1978

Không nói, không đi, nguyện thọ sinh
Khó rời cha mẹ, cảm thân tình
Thân tâm bản tính hiếu hiếu hiếu
Kính sư, kính tổ, kính Phật đài.
Con mắt bẩm sinh thanh lọc pháp
Khéo gặp lương sư nhận biết tài
Một lời lay tỉnh chân đệ tử
Tay đưa, chân bước thật hay thay.

1.10 Thập Tổ Hiếp Tôn Giả  

Tôn giả người Trung Ấn, nhân theo cha yết kiến cửu tổ, người cha thưa: “Người con này ở trong thai mẹ đến 60 năm nên đặt tên là Nan Sinh. Một vị tiên thường bảo rằng đứa trẻ này phi phàm, là bậc pháp khí. Nay được gặp tôn giả, xin cho được xuất gia”. Tổ chấp nhận cho xuống tóc, thọ giới cụ túc. Lúc thọ yết ma có nguồn ánh sáng lành soi tòa ngồi giống như 37 hạt xá lợi. Từ đó sư tinh tấn không mệt mỏi, hông không dính chiếu nên người đương thời gọi là Hiếp Tôn Giả. Sau khi được tổ truyền đại pháp, tôn giả đắc pháp, hành hóa về nước Hoa Thị, lại truyền pháp cho tôn giả Phú Na Dạ Xa, rồi hiện thần biến nhập Niết Bàn, hóa ra lửa tự thiêu thân. Bốn chúng dùng vạt áo bọc xá lợi, tùy theo nơi chốn mà dựng tháp cúng dường.

Bài tán:
Hông chẳng chạm chiếu
Cùng đạo mật thiết
Tòa ngồi tỏa sáng
Phá vỡ vách sắt
Đất động sáu cách
Mày ngang mũi dọc
Ngàn năm vạn năm
Khuôn phép trời người.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 10 tháng 3, 1978

Lực kiên trì, hông không chạm chiếu
Trước lấy thân tiêu biểu luật tông
Khen tùng bách giữa trời đông
Nhật nguyệt chiếu khắp người trông, vật bày.
Thanh cao khó kẻ sánh tày
Chí nguyện vĩ đại mấy ai vẹn toàn
Trong ngoài sau trước thấm nhuần
Tường quang óng ánh một vầng khói sương.

1.11 Thập Nhất Tổ Phú Na Dạ Xa Tôn Giả  

Tôn giả người nước Hoa Thị. Khi thập tổ hành hóa vùng này, dừng lại bên một gốc cây, tôn giả liền đến đứng trước mặt tổ chắp hai tay. Tổ hỏi: “Ông từ đâu đến?”. Đáp: “Tâm con không đến”. Tổ nói: “Ông trụ ở xứ nào?”. Đáp: “Tâm con không dừng trụ”. Tổ nói: “Ông không định à?”. Đáp: “Chư Phật cũng vậy.” Tổ nói: “Ông chẳng phải là chư Phật”. Đáp: “Chư Phật cũng chẳng phải ”. Tổ nói kệ:

Đất này hóa sắc vàng
Biết trước thánh nhân đến
Ngồi dưới cội bồ đề
Hoa giác ngộ thành tựu.

Tổ biết ý chí của tôn giả nên thâu nhận, cho xuống tóc, thụ giới cụ túc, và truyền đại pháp. Tôn giả đắc pháp liền hành hóa nước Ba La Nại, và truyền pháp cho tôn giả Mã Minh. Sau đó hiện thần biến an nhiên thị tịch. Đồ chúng dựng bảo tháp táng toàn thân.

Bài tán:
Chư Phật cũng không
Thánh phàm nào lập
Trải tòa dưới cây
Đất hóa sắc vàng.
Luận nghĩa chân thực
Trời người khó lường
Hoa giác ngộ nở
Trí tuệ thâm huyền.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 3 tháng 5, 1978

Núi Diệu Giác vốn chẳng lại qua
Lời chư Phật thuyết lìa xa sắc hình.
Tướng lành màu đất hoàng kim
Trời tuôn hoa báu trước tiên ứng điềm.
Độ quần manh thánh nhân giáng thế
Cảm ân sâu rồng báu hộ trì
Nơi nào có, Phật vốn “phi”
Như thị, như thị có gì thanh cao.

1.12 Thập Nhị Tổ Mã Minh Đại Sĩ 

Đại sĩ người Ba La Nại, khi tham yết tổ thứ 11, thưa: “Tôi muốn biết thế nào là Phật.” Tổ nói: “Ông muốn biết Phật thì điều mà ông không thể biết đó chính là Phật ”. Thưa: “Đã không thể nhận biết thì làm sao mà biết [đó là Phật]?”. Tổ nói: “Đã không biết Phật thì làm sao biết đó là Phật?” Đại sĩ thoát nhiên tỉnh ngộ, tổ thâu nạp, nói: “Người này xưa kia là quốc vương Tỳ Xá Lợi, vận dụng thần lực phân thân làm loài tằm để dân chúng có áo mặc. Về sau sinh nơi Trung Ấn Độ, người ngựa thương cảm nên có hiệu là Mã Minh. Như Lai từng dạy rằng: ‘600 năm sau khi Như Lai diệt độ sẽ có hiền nhân hóa độ vô lượng chúng sinh mà nối pháp của Như Lai’ chính là người này đây vậy”. Tổ truyền đại pháp cho đại sĩ, sau đại sĩ truyền pháp cho tôn giả Ca Tỳ Ma La, nhập Long Phấn Tấn Tam Muội, bay lên không trung, hiện tướng như mặt trời mà hóa.

Bài tán:
Xưa vận thần thông lực
Cho áo người trần truồng
Phật là như thế nào
Như lấy rau làm tương.
Vì sao mà tỉnh ngộ
Chánh nhãn khó mà thấy
Đã từng được thụ ký
Mắt cắm trên chân mày

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 10 tháng 5, 1978

Tu thiện căn tinh cần dũng mãnh
Hằng vô lượng kiếp độ chúng tâm.
Nhã tơ bồ tát hóa tằm
Ngựa bi tráng hí, tác phong tổ thầy.
Hoằng đại thừa, Phật truyền tâm ấn
Xiển viên tông, Thánh nối pháp đăng
Đông tây thiên địa ngưỡng trông
Một vầng tuệ nhật hư không rạng ngời.

1.13 Thập Tam Tổ Ca Tì Ma La Tôn Giả

Tôn giả người nước Hoa Thị, lúc đầu tu theo ngoại đạo, thông đạt Dị Luận, có đại thần lực. Khi gặp được tổ thứ 12 tôn giả liền đảnh lễ sám hối. Tổ hỏi: “Ông tên là gì?. Quyến thuộc nhiều ít?”. Đáp: “Tên tôi là Ca Tỳ Ma La, có ba ngàn quyến thuộc”. Tổ nói: “Tận cùng thần lực của ông biến hóa ra sao?”. Đáp: “Tôi có thể biến biển lớn thành ra cực nhỏ”. Tổ hỏi: “Ông có thể biến hóa tánh biển được không?”. Đáp: “Tánh biển là chi, tôi chưa từng được biết”. Tổ nói: “Núi sông đại địa theo đó mà kiến lập. Tam muội, lục thông từ đó mà biến hiện”. Tôn giả nghe lời tổ nói, tức thì cùng tất cả đồ chúng cầu xin thế độ. Tổ truyền giới cụ túc cho 500 vị A la hán, và đem đại pháp phó chúc. Tôn giả đắc pháp, du hóa đến vùng Tây Ấn. Sau đó truyền pháp cho ngài Long Thọ, và hiện thần biến tự thiêu thân.

Bài tán:
Xướng xuất nhiều mối
Nhịp nhịp là lệnh
Dùng tâm ấn tâm
Lấy kính chiếu kính.
Tận nẻo huyền vi
Đốn siêu phàm thánh
Con mắt chánh nhãn
Bình bát giữ yên.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 16 tháng 2, 1979

Quy Phật ngoại đạo nối tuệ đăng
Uy linh biến hóa hiển thần thông
Thâm tri sám hối cầu thăng tiến
Đại khai viên giải tự giao dung.
Tánh biển hiện trăm ngàn tam muội
Thề non tựu tám vạn pháp môn
Cày bừa thu hoạch cần nỗ lực
Tu hành, tu hành, lại tu hành.

1.14 Thập Tứ Tổ Long Thụ Bồ Tát  

Tôn giả người Tây Thiên Trúc. Nhân tổ thứ 13 hành hóa đến nước này, tôn giả đến nghênh tiếp, thưa: “Nơi thâm sơn cô tịch này là chốn của rồng rắn, đại đức là bậc chí tôn đến đây há chẳng phải là phí bước chân chăng?”. Tổ nói: “Ta không phải là bậc chí tôn. Ta đến đây để tìm người hiền”. Ngài Long Thọ lặng thinh. Tổ nhận biết tâm ý. Tôn giả sám hối. Tổ liền thế độ, và cho thọ giới cụ túc cùng với 500 long chúng. Tổ lại mang đại pháp phó chúc cho tôn giả. Đắc được pháp, tôn giả du hóa đến miền Nam Ấn. Nơi đây đa số dân chúng tin theo phước nghiệp. Tôn giả vì họ mà thuyết giảng ý nghĩa của Phật tánh. Quần chúng nghe được, trở lại tâm ban sơ. Nơi tòa ngồi, tôn giả hiện thân như vầng trăng tròn. Có một vị tên là Ca Na Đề Bà từ trong chúng, nói: “Đó là tôn giả hiện thể tướng Phật tánh cho chúng ta thấy”. Sau đó tôn giả truyền pháp cho ngài Ca Na Đề Bà, nhập Nguyệt Luân tam muội, hiện các thần biến an nhiên thị tịch.

Bài tán:
Ý nghĩa Phật tính
Phi hữu vô tướng
Hiện tam muội luân
San hô trên trăng.
Đứa con nối nghiệp
Không mất đường hướng
Nhướng đôi chân mày
Nhất chùy lưỡng tiện.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 20 tháng 2, 1979

Tổ mười bốn truyền tâm Thiên Trúc
Chốn cung rồng hồi phục đại kinh.
Thể pháp giới chẳng đường ranh
Hư không thần dụng dấu hình có đâu.
Chủng tướng diệu, cao sâu vạn vật
Ẩn tàng nơi nghiêm mật căn trần
Hiểm nguy nhà lửa chớ gần
Thế tôn an tọa, sáng ngần sao mai.

1.15 Thập Ngũ Tổ Ca Na Đề Bà Tôn Giả    

Tôn giả người Nam Thiên Trúc, thuở sơ phát tâm cầu phước nghiệp và ưa thích biện luận. Sau đó, khi tôn giả yết kiến tổ Long Thọ, tổ biết đây là bậc trí nên bảo thị giả mang một bát đầy nước đặt gần tòa tổ ngồi. Tôn giả thấy vậy liền ném một cây kim vào bát nước, hân hoan khế hội. Tổ vì tôn giả mà thuyết pháp, tuy không rời tòa ngồi mà hiện tướng nguyệt luân, chỉ nghe âm thanh mà không thấy hình sắc. Tôn giả nói với đại chúng: “Đây là bậc hiền, sư hiện tánh Phật, thuyết pháp ra ngoài thanh sắc”. Tổ liền thế độ cho tôn giả, và truyền đại pháp. Đắc pháp rồi, tôn giả hành hóa về nước Ca Tỳ La. Sau lại truyền pháp cho tôn giả La Hầu La Đa, nhập Phấn Tấn tam muội, phóng ra tám luồng ánh sáng mà hóa.

Bài tán:
Tướng hảo của Phật Tổ
Kẻ trí khó am tường
Bỏ kim trong chén nước
Hai ba mũi rớt rơi
Hiện Nguyệt Luân tam muội
Khắp đại địa tanh hôi
Thế nào là cứu cánh
Mắt hãy nhìn thử coi.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 22 tháng 4, 1979

Đầy chén nước trong sạch bụi trần
Quẳng kim vào chén, nước lăn tăn
Tánh giác tinh anh nguyên không vật
Trí quang chiếu khắp vốn nguồn chân.
Như thị, như thị, quán tự tại
Thiện tai, thiện tai, gặp hiền nhân
Tổ sư truyền tâm hiển đại đạo
Ngôn ngôn, ngữ ngữ, chỉ phù văn.

1.16 Thập Lục Tổ La Hầu La Đa Tôn Giả  

Tôn giả người nước Ca Tỳ La, cha tên là Phạm Ma Tịnh Đức. Vườn rau sau nhà có loại nấm tai dài, nhưng chỉ có người cha là Tịnh Đức và người con thứ là La Hầu La Đa mới có thể hái ăn. Tôn giả lớn lên, nhân tổ thứ 15 du hóa đến chỗ ông Tịnh Đức, tổ nói: “Năm ông 81 tuổi thì cây nọ sẽ không sinh tai nấm nữa”. Ông nghe vậy càng thán phục nên thưa rằng: “Đệ tử nay đã già yếu, không thể theo hầu thầy. Nguyện cho đứa con này theo thầy xuất gia”. Tổ nói: “Xưa kia Đức Như Lai đã nói trước rằng đứa bé này đây, vào năm trăm năm thứ hai sẽ là một vị đại giáo chủ. Nay cùng gặp đây chính là do nhân trước”. Sau đó làm lễ thế độ, cho theo làm thị giả, và truyền đại pháp. Tôn giả đắc pháp rồi liền hành hóa đến thành Thất La Phiệt. Sau đó lại truyền pháp cho ngài Tăng Già Nan Đề, an nhiên mà hóa.

Bài tán:
Nhân trước đã ứng hiện
Huyền cơ thầm khế hợp
Như đại thụ đạo tràng
Che phủ cả trời đất.
Hai ngàn năm về sau
Tông ấy không gián đoạn
Buồn cười cho cháu con
Đưa cao nĩa gẫy cán.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 7 tháng 8, 1981 

Bậc kỳ tài trong dòng Tịnh Đức
Nấm tai dài khác lạ trổ vườn rau
Hái thì nấm lại sinh mau
Năm trăm năm dạy về sau đúng giờ.
Nhân duyên xưa huyền cơ khế hợp
Quả chứng minh chuyển diệu pháp luân
Phật tâm làm ngọn Phật đăng
Ngàn thu muôn kiếp vĩnh hằng không quên.

1.17 Thập Thất Tổ Tăng Già Nan Đề Tôn Giả  

Tôn giả là con của vua Bảo Trang, người thành Thất La Phiệt, năm lên bảy chán thế tục, xin được xuất gia. Một hôm tôn giả đi đến ngồi trong một hang động. Khi tổ 16 đến thì thấy tôn giả đang an tọa nhập định. Tổ chờ đến 37 ngày sau tôn giả mới xuất định. Tổ hỏi: “Thân ông định hay là tâm ông định?”. Đáp: “Thân tâm đều định”. Tổ nói: “Nếu cả thân và tâm đều định, sao còn có xuất nhập?”. Đáp: “Tuy rằng xuất nhập nhưng vẫn không mất tướng định”. Tổ chất vấn, hốt nhiên tôn giả tỉnh ngộ, cầu độ thoát. Tổ dùng tay phải đưa cao cái bát đến cõi Phạm Thiên lấy thực phẩm cùng tôn giả thọ thực. Tôn giả cũng dùng tay phải nhập kim cương luân tế lấy nước cam lộ, để vào bình lưu ly mang đến. Tổ truyền đại pháp cho tôn giả, sau tôn giả đến nước Ma Đề, lại truyền pháp cho ngài Già Da Xá Đa, rồi vịn tay phải vào nhánh cây mà thị tịch.

Bài tán:
Từ bỏ ngôi vị vua
An tọa nơi hang động
Chợt biết kẻ tạo tác
Lật ngược cảnh vật xưa
Là vị vua Sa La
Đối diện kẻ oán địch
Đập vỡ tan bình bát
Sông vàng và biển rộng

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 8 tháng 8, 1981

Bảy tuổi thoát đời nguyện xuất gia
Hang sâu tập định lánh phù hoa
Vốn không hình tướng lìa ngôn thuyết
Sao có buộc ràng đến hai ba.
Thầy ban mối đạo cùng một hướng
Nhân lan quả kén số ngàn muôn
Tri âm người khó gặp người
Đèn tâm một ngọn nối đời cổ kim.

1.18 Thập Bát Tổ Già Da Xá Đa Tôn Giả    

Tôn giả người nước Ma Đề, khi tổ thứ 17 đến nước này nhìn thấy một đồng tử cầm một chiếc gương đứng trước mặt tổ. Tổ hỏi: “Năm nay con bao nhiêu tuổi?”. Đáp: “Thưa 100 tuổi”. Tổ nói: “Con còn nhỏ sao lại nói là 100 tuổi?”. Đồng tử đáp: “Con chẳng hiểu lý nên là 100 tuổi.” Hỏi: “Con có biết được cơ duyên không?”. Đáp: “Nếu người sống 100 tuổi mà không hội cơ duyên chư Phật thì chưa bằng mới sinh ra một ngày mà đến được chỗ tận tường”. Một hôm nhân nghe gió rung các chùm chuông nhỏ treo trên chánh điện, tổ hỏi: “Âm thanh của chuông hay là âm thanh của gió?”. Tôn giả nói: “Không phải chuông kêu cũng chẳng phải gió rung mà là tâm của con kêu”. Tổ hỏi: “Tâm ấy như thế nào?”. Đáp: “Luôn tịch tĩnh”. Tổ nói: “Lành thay, lành thay”. Sau đó tổ truyền đại pháp. Sau khi đắc pháp lại truyền cho ngài Cưu Ma La Đa, rồi phóng thân lên giữa hư không, hiện 18 pháp thần biến, dùng hỏa quang tam muội tự thiêu thân.

Bài tán:
Mang gương mà đến
Liền đập vỡ tan
Chẳng chuông, chẳng gió
Sai lạc rõ phân.
Huyền cơ chư Phật
Nơi nào thậm thâm
Được tăng già lê
Đừng ngược nhiễm trần.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 21 tháng 8, 1981 

Trăm tuổi ngu vì một chẳng minh
Tháng ngày hư ảo lướt qua nhanh
Chẳng gió rung chuông, tâm dấy động
Tức cơ tức lý tự ông rành.
Tạo hóa tịch nhiên vô sở trụ
Quảng đại tinh vi không tật sinh
Đến đi giải thoát vô quái ngại
Chân như sinh tử chẳng buộc mình.

1.19 Thập Cửu Tổ Cưu Ma La Đa Tôn Giả   

Tôn giả người nước Đại Nguyệt. Nhân tổ thứ 18 du hóa đến nước này, tôn giả hỏi: “Sư thuộc đồ chúng nào?”. Tổ nói: “Ta là đệ tử của Đức Phật”. Tôn giả nghe danh hiệu Phật thì tâm thần kinh sợ, liền đóng cửa lại. Tổ đứng không lâu thì gõ cửa. Tôn giả nói: “Nhà này không có người”. Tổ hỏi: “Đáp là không có người, vậy ai là người đáp?”. Tôn giả nghe nói biết là bậc dị nhân nên mở cửa đón tổ. Tổ nói: “Xưa kia Thế Tôn đã biệt ký rằng một ngàn năm sau khi Phật diệt độ sẽ có một đại sĩ xuất hiện ở nước Nguyệt Chi khiến chánh pháp hưng long. Nay ông gặp ta thật ứng hợp”. Tổ nhận cho tôn giả xuất gia, thọ giới và truyền đại pháp. Tôn giả đắc pháp, sau đó truyền cho ngài Xà Dạ Đa, lại từ trên tòa ngồi, dùng móng tay rạch lên mặt như hình sen hồng nở, rồi phóng đại quang minh chiếu khắp tứ chúng mà hóa.

Bài tán:
Nghe Phật gọi đóng cửa
Nửa tin lại nửa ngờ
Nhà này không người ở
Chỉ chứa kẻ Hán tặc.
Phạm thiên thuyết đại pháp
Lấy than mà tẩy than
Đà thọ ký vị lai
Một mối giềng tuệ mạng.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 22 tháng 8, 1981 

Nhà riêng Hán tặc, không người
Tâm hành xứ diệt, tiếng lời không khai
Khó biết kẻ đáp là ai
Phi ngã ứng đối, biết ngay lạ gì.
Ngàn năm đại sĩ Nguyệt Chi
Pháp vương vạn kiếp đã ghi lời này
Chiếu bốn chúng, sen phô bày
Tổ thứ mười chín gái trai biến hình.

1.20 Nhị Thập Tổ Xà Dạ Đa Tôn Giả    

Tôn giả người bắc Thiên Trúc, khi nghe được lời tổ thứ 19 tức thì dứt hết các mối nghi. Tổ nói: “ông tuy đã tin nhưng vẫn chưa minh bạch nghiệp theo hoặc sanh hay nhân nơi thức mà có. Thức thì nương nơi bất giác. Bất giác lại nương theo tâm, mà tâm thì vốn thanh tịnh, không sinh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn kém, tịch tịnh nhưng linh hoạt tự nhiên. Nếu ông vào được pháp môn này thì đồng với chư Phật, tất cả thiện ác, hữu vi vô vi đều như mộng huyễn.” Tôn giả lãnh thọ được yếu chỉ liền cầu xuất gia, thọ giới cụ túc. Tổ truyền đại pháp cho tôn giả. Đắc pháp rồi tôn giả đi về thành La Duyệt. Sau đó lại truyền pháp cho ngài Bà Tu Bàn Đầu, nơi tòa ngồi an nhiên mà hóa.

Bài tán:
Hai đường thiện ác
Sáng tỏ không lầm
Chợt nghe ảnh hưởng
Mất cả gạo, cối*.
Pháp vô sinh diệt
Gà gỗ gáy ngày
Vô lượng đại nhân
Khai nhãn lậu tận
……………………
*bỏ hết những hiểu biết cũ.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 23 tháng 8, 1981 

Chợt giải nghi tình tâm tỏ thông
Tuyết băng tan dưới ánh xuân nồng
Mê si tạo nghiệp chiêu quả báo
Phá tà hiển chánh lập đại công.
Bản nguyên thanh tịnh bồ đề tính
Giác minh rạng rỡ thái dương hồng.
Tâm tâm tương ấn truyền Phật đạo
Cổ kim như thị vốn hòa chung.

1.21 Nhị Thập Nhất Tổ Bà Tu Bàn Đầu Tôn Giả   

Tôn giả người thành La Duyệt, ngày ăn một bữa, không nằm, mỗi ngày lễ Phật sáu thời, đồ chúng đều quy kính. Khi tổ thứ 20 đến đất này, tổ hỏi đồ chúng: “Hạnh đầu đà này có thể tu Phạm hạnh, có thể đắc Phật đạo không?. Đáp: “Thầy chúng tôi rất tinh tiến, hẳn là đắc được”. Tổ nói: “Thầy của các ông còn cách đạo rất xa”. Hỏi: “Tôn giả có đức hạnh gì mà chê bai thầy chúng tôi?”. Đáp: “Ta không cầu đạo cũng không điên đảo. Ta không lễ Phật cũng chẳng khinh mạn. Ta không ngồi hoài cũng không giải đãi. Ta không ăn ngày một bữa cũng không tạp thực. Tâm không mong cầu, đó gọi là đạo”. Tôn giả nghe nói liền phát khởi trí vô lậu. Tổ truyền đại pháp cho tôn giả. Sau tôn giả đến nước Na Đề, truyền pháp cho ngài Ma Noa La. Sau đó tổ phóng thân lên giữa trời cao đến nửa do tuần, đứng yên bất động. Đồ chúng chiêm ngưỡng, cung thỉnh, tổ trở lại tòa ngồi an tọa mà hóa.

Bài tán:
Trí vô lậu thông
Ban ngày nói mớ
Ngọc ẩn Kinh sơn
Con trai ngậm báu.
Lớp lớp quang minh
Người hiền chẳng trọng
Thừa kế tuệ đăng
Đất trời kinh động.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 29 tháng 8, 1981

Thật tinh tấn, ngày ăn một bữa
Đại đạo sư, tư lự đều không.
Ta chẳng lòng cầu trừ điên đảo
Ngươi nên phá chấp, dứt cuồng ngông.
Chuyên tu vô lậu đạo chủng trí
Xả khí hữu vi, công đức siêu
Như thị ấn tâm truyền tổ ý
Bước bước cao minh khắp đất trời.

1.22 Nhị Thập Nhị Tổ Ma Noa La Tôn Giả

Tôn giả người nước Na Đề, là con của vua Thường Tự Tại. Năm 30 tuổi nhân tổ Bà Tu đến đất này, nhà vua thưa hỏi: “Thành La Duyệt có gì khác nơi đây không?”. Tổ nói: “Đất ấy có ba vị Phật xuất thế. Ngày nay thì nơi nước của nhà vua có hai vị đại sư hóa đạo”. Vua hỏi: “Hai vị ấy là ai?”. Đáp: “Xưa Phật huyền ký rằng vào thời kỳ 500 năm thứ hai sẽ có hai vị đại sĩ thần lực xuất gia thừa kế thánh đạo. Vị thứ nhất là con thứ của nhà vua tức Ma Noa La. Tôi tuy đức bạc nhưng cũng được xem như là một trong hai người này”. Nhà vua nói: “Như lời tôn giả”. Vua liền cho ngài Ma Noa La xuất gia. Tổ nói: “Lành thay, đại vương đã theo huấn chỉ của Đức Phật”. Tổ thâu nhận ngài Ma Noa La xuất gia, cho thọ giới cụ túc, và truyền đại pháp. Tôn giả đắc pháp, sau đó lại truyền cho ngài Hạc Lặc Na, an tọa mà hóa.

Bài tán:
Trong vương cung giáng sinh
Không ở nơi tôn quý
Nghe lời thầy chỉ thị
Liền minh bạch duyên xưa.
Bóng nước nào có thật
Bố thí đại vô úy
Thể tánh hiện lồ lộ
Ngàn vạn lá hoa lay.

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 5 tháng 9, 1981

Theo đại nguyện độ đời ngũ trược
Không nề gian khổ nhập sa bà
Thường Tự Tại, sinh vương gia
Theo lời Tổ tự phương xa ấn truyền.
Ma Noa La, Phật xưa thụ ký
Ta đến đây hỏi ý đầu đà
Lời vừa nói, đã rời xa
Vô biên đại pháp lập tòa hoằng khai.

1.23 Nhị Thập Tam Tổ Hạc Lặc Na Tôn Giả  

Tôn giả người nước Nguyệt Chi, xuất gia năm 22 tuổi, thường có bầy chim hạc bay theo. Tôn giả thưa cùng vị tổ thứ 22: “Dùng phương tiện gì để chúng được giải thoát?”. Tổ nói: “Ta có pháp bảo vô thượng. Ông nên lắng nghe để giáo hóa đời vị lai.” Tổ liền nói kệ:

Tâm tùy muôn cảnh chuyển
Xứ xứ đều u tĩnh
Nương dòng nhận rõ tính
Không vui cũng không buồn.

Khi bầy hạc nghe bài kệ thì kêu vang rồi bay đi. Tôn giả đắc pháp hành hóa đến vùng trung Ấn Độ. Sau truyền pháp cho ngài Sư Tử, hiện 18 pháp thần biến mà hóa.

Bài tán:
Pháp thuyết tại cung rồng
Chim nghe đạo phục tùng
Quy tâm về nguồn cội
Con mắt trên đầu cửa.
Có được sư tử con
Hát khúc ca hồi hương
Tại nước Nguyệt Thị này
Tín hương bay cùng khắp.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 6 tháng 9, 1981

Tạo vật sinh ra cũng dị kỳ
Hạc theo tôn giả gọi người si
Cảnh chuyển được tâm đâu tự tại
Tánh bị mây che chướng bồ đề.
Bể khổ vô biên quay bến giác
Tịnh độ có đường cất bước đi.
Tự xưa thành tựu toàn bằng nhẫn
Tiến lên, dũng mãnh chớ hồ nghi.

1.24 Nhị Thập Tứ Tổ Sư Tử Tôn Giả  

Tôn giả người trung Ấn, hỏi tổ thứ 23: “Tôi muốn cầu đạo thì nay dùng tâm nào mà cầu?” Tổ nói: “Ông cầu đạo thì không nên dụng tâm mà cầu”. Hỏi: “Đã không dùng tâm thì ai làm Phật sự?”. Đáp: “Nếu có dùng thì chẳng phải là công đức. Nếu không tạo tác thì đó chính là Phật sự”. Nhân đó tổ truyền đại pháp cho tôn giả. Tôn giả du hóa đến nước Kế Tân, lại truyền pháp cho ngài Bà Xá Tư Đa. Về sau vua nước này mang kiếm đến chỗ tôn giả, hỏi: “Sư chứng đắc uẩn là không phải chăng?”. Đáp: “Đã chứng đắc các uẩn là không”. Vua hỏi: “Đã lìa sinh tử chăng?”. Đáp: “Đã lìa sinh tử.” Vua nói: “Sư đã lìa sinh tử thì có thể cho ta cái đầu của sư chăng?”. Đáp: “Thân tôi cũng là không thì tiếc gì cái đầu”. Vua liền vung kiếm chém đầu tôn giả. Sửa trắng từ cổ tôn giả vọt cao mấy thước, cánh tay phải của vua cũng rơi xuống đất.

Bài tán:
Không nên dụng vọng tâm
Thì đại dụng hiện tiền
Thông suốt muôn lý Phật
Buông bỏ lớp giải bày.
Vung gươm thì đưa cổ
Cửa biển khó mà dò
Hoa lau bên tuyết trắng
Nước hồ thu chen trời.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 7 tháng 9, 1981

Tôn giả Sư Tử khác người
Cầu pháp vấn đạo không dời nguyện sâu
Lìa sắc tướng, chẳng ở đâu
Có công năng tức lạc vào biên cương
Phá mê, năm uẩn chẳng thường
Vạn duyên buông bỏ tận tường chân ngôn
Đầu rơi, kiếm thép, sữa tuôn
Tay vua rơi xuống, phục tòng hay chưa?.

1.25 Nhị Thập Ngũ Tổ Bà Xá Tư Đa Tôn Giả  

Tôn giả người nước Kế Tân. Trước kia người mẹ mộng thấy được cây kiếm thần, nhân đó mang thai. Khi sinh ra, bàn tay trái của hài nhi luôn nắm chặt lại. Người cha đưa tôn giả đến gặp tổ Sư Tử để hỏi nguyên do. Tổ nắm bàn tay trái của tôn giả, nói: “Có thể trả ngọc lại cho ta được rồi.” Tôn giả mở nắm tay ra, dâng hạt châu lên cho tổ. Sau đó tôn giả xuống tóc xuất gia. Tổ nói: “Thầy ta đã huyền ký là sẽ gặp pháp nạn. Chánh pháp nhãn tạng nay truyền lại cho ông”. Tôn giả đắc pháp, lại ẩn trong hang núi. Quốc vương Thiên Đức nghinh tiếp cúng dường. Về sau thái tử Đức Thắng kế vị, tin theo ngoại đạo gây khó khăn cho tôn giả, buộc tôn giả cởi bỏ pháp y. Vua sai đốt y nhưng tỏa sáng năm màu, lửa tàn mà y vẫn như cũ. Vua liền đảnh lễ sám hối. Sau đó tôn giả truyền pháp cho ngài Mật Đa, hiện thần biến hóa lửa tự thiêu. Trên đất bằng xá lợi cao đến một thước.

Bài tán:
Chưa bước ra khỏi cửa
Tay nắm chặt huyền châu
Nối truyền tín y này
Bao trùm cả dòng tộc.
Hoạn nạn không xâm phạm
Lửa nung vàng hay thay
Vua Đức Thắng sám hối
Cờ pháp phất phới bay.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 11 tháng 9, 1981

Sinh con, mẹ mộng kiếm thần
Tổ sư huyền ý trong lòng nắm tay
Phật tiếp dẫn, trả ngọc này
Ngươi nên gấp rút hoằng khai giáo truyền
Dự ngôn pháp nạn ngữa nghiêng
Tín y thiêu hủy chẳng phiền lòng ông
Trăm ngàn tam muội thong dong
Xá lợi một thước, nguồn chân hợp hòa.

1.26 Nhị Thập Lục Tổ Bất Như Mật Đa Tôn Giả  

Tôn giả người Nam Ấn, là con thứ vua Thiên Đức, cầu tổ Bà Xá xin xuất gia. Tổ hỏi: “Ngươi muốn xuất gia, vậy nên làm việc gi?”. Đáp: “Nếu con xuất gia thì sẽ không làm việc thế tục”. Tổ nói: “Vậy đang làm việc gì?”. Đáp: “Đang làm Phật sự”. Tổ truyền đại pháp, tôn giả du hóa đến vùng Đông Ấn. Vua nưóc này tên là Kiên Cố, tin theo ngoại đạo là Phạm chí Trường trảo. Người này dùng huyễn thuật hóa ra một ngọn núi đặt trên đầu tổ. Tổ chỉ ngón tay, tức thì chuyển ngọn núi qua đầu người này. Đám đông hoảng sợ xin theo tổ. Tổ lại chỉ tay vào núi, núi liền biến mất. Sau đó tổ vì vua mà nói pháp đưa về chân thừa. Lại truyền pháp cho ngài Bát Nhã Đa La. Tổ từ tạ vua, nói: “Duyên hóa độ của tôi đã xong, nay về chỗ tịch diệt”. Nói rồi trở lại bổn tòa, an tọa mà hóa.

Bài tán:
Trí tuệ xưa bồi đắp
Sư ấy là thánh nhân
Hàng phục quân ma kia
Tà không thắng được chánh.
Thị hiện điềm cát tường
Vua chúa đều kính tin
Uy nghi và bất động
Núi đạo cao ngàn trùng.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 12 tháng 9, 1981 

Xuất gia ông muốn làm gì?
Chẳng việc thế tục như thầy á dương*
Hoằng khai Phật giáo chấn hưng
Tạo người tài đức pháp đăng nối đời.
Núi huyễn thì tự diệt thôi
Định lực qua biển, thấy nơi chân thường
Hàng Trường Trảo, phục quốc vương
Hóa duyên đã trọn, bước đường lại đi.
………………………………….
*con dê câm, ví với loài ngu si nhất. Tại Thiên Trúc có ngoại đạo gọi là Á Dương ngoại đạo làm như loài dê câm chẳng nói năng, tự cho là pháp môn thù thắng. (Hành sự sao tư trì ký, quyển hạ)

1.27 Nhị Thập Thất Tổ Bát Nhã Đa La Tôn Giả  

Tôn giả người Đông Ấn. Nhân quốc vương cùng ngồi trên xe với tổ Bất Như Mật Đa ra khỏi cung, tôn giả liền đến trước xe cúi lạy. Tổ nói: “Ông nhớ chuyện xưa chăng?” Đáp: “Con nhớ trong nhiều kiếp xa xưa đã cùng ở một chỗ với thầy. Thầy diễn thuyết Maha Bát Nhã, con thì chuyển diệu kinh. Sự việc ngày nay khế hợp với duyên ngày xưa”. Tổ nói với vua: “Người này chẳng ai khác lạ, chính là Đại Thế Chí Bồ Tát”. Một hôm vua vùng Nam Ấn thỉnh tôn giả thọ trai. Vua hỏi: “Nhiều người thuyết giảng kinh, chỉ có thầy thì không thuyết giảng”. Tôn giả nói: “Bần đạo thở ra không chạy theo duyên, thở vào không nắm giữ ấm giới, thường chuyển các kinh như vậy đến trăm ngàn vạn ức quyển, không phải chỉ một hay hai quyển.” Sau lại truyền pháp cho ngài Bồ Đề Đạt Ma, hai tay phóng ánh sáng tự thiêu thân.

Bài tán:
Kiếp xưa chung một nơi
Nay gặp mặt lộ bày
Chính ngài Thế Chí đến
Đây kia lắm lời thay.
Sau tay có huyền phù
Thấu triệt vì thông minh
Như thị pháp chuyển kinh
Trời xuân tuyết trắng rơi.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 13 tháng 9, 1981

Có duyên nên lại gặp đây
Kiếp xưa cùng trú ngày nay tương phùng
Sư diễn Bát Nhã vô cùng
Ta chuyển Diệu Pháp nở bừng Liên Hoa.
Cúng trai vua thỉnh dưới tòa
Tăng hồi hướng chúc thái hòa bách gia
Hít thở không theo tam khoa*
Tự tại giải thoát sáng lòa thái hư.
……………………………
* 5 ấm, 12 xứ, 18 giới.

1.28 Nhị Thập Bát Tổ Bồ Đề Đạt Ma Tổ Sư   

Tổ người Nam Thiên Trúc, là người con thứ ba của vua Hương Chí thuộc dòng Sát Đế Lợi. Trước đó vua cúng dường tổ Bát Nhã Đa La, nhân mang ngọc báu ra khảo nghiệm khiến tổ phát minh tâm địa. Tổ Bát Nhã Đa La truyền pháp, nói kệ rằng:

Tâm địa sinh chủng loại
Nương sự mà sinh lý
Quả mãn bồ đề viên
Hoa khai thế giới khởi.

Sau khi đắc pháp đã lâu, tổ thấy rằng nhân duyên ở Trung Quốc đã chín muồi nên vượt biển đến. Quan thứ sử nhà Lương ở Để Quảng là Tiêu Ngang dâng biểu, vua Vũ Đế vời vào gặp, hỏi: “Đệ nhất nghĩa thánh đế là gì?”. Tổ nói: “Khuếch nhiên vô thánh”. Lại hỏi: “Người đối diện trẫm là ai?”. Tổ nói: “Không biết”. Vua không khế hợp nên tổ qua sông vào đất Ngụy, đến chùa Thiếu Lâm tại Tung sơn. Sau đó gặp Thần Quang, truyền đại pháp, cùng đi đến chùa Thiên Thánh ở Vũ Môn, an tọa mà hóa. Đồ chúng an táng tại núi Hùng Nhĩ. Vua Đường Đại Tông ban tặng thụy là Viên Giác Đại Sư, đề tháp là Không Quán.

Bài tán:
Chấn Đán vừa đến
Đối trẫm chẳng biết
Cối lẫn hạt đổ tung
Gõ cửa Không xuất huyết
Được người chặt tay
Núi Hùng đường tuyệt
Phần tủy phần da
Trên sương điểm tuyết.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 15 tháng 11, 1983

Hội đủ duyên Đạt Ma sang Trung quốc
Chưa khế cơ đối mặt chẳng biết nhau
Chín năm quỳ núi Hùng cao
Tay rơi, Tuệ Khả đổi màu tuyết băng.
Tâm ấn tâm hóa hoằng chánh pháp
Tổ nối tổ tiếp giáp mạch nguồn
Sáu lần hại, chẳng tổn thương
Về tây chiếc dép người luôn nhớ hoài.

1.29 Nhị Thập Cửu Tổ Tuệ Khả Đại Sư    

Tôn giả họ Cơ, người Vũ Lao. Lúc người mẹ mang thai thì có ánh sáng tỏa khắp nhà nên khi sinh đặt tên là Thần Quang. Từ thuở còn rất trẻ tôn giả đã rộng xem sách vỡ, khi xuất gia thì suốt ngày an tọa, được chỉ dẫn nên đến tham yết chùa Thiếu Lâm. Tôn giả theo lời dạy tìm đến nơi vào lúc tổ Đạt Ma đang nhập định, mặt quay vào vách tường, không đáp lại lời thỉnh cầu. Một buổi chiều nọ, tôn giả đứng im trong tuyết lạnh đến sáng. Tổ Đạt Ma hỏi: “Muốn cầu điều chi?”. Tôn giả khóc thưa rằng muốn cầu pháp. Tổ Đạt Ma trách mắng. Tôn giả liền chặt đứt cánh tay sám hối, thưa: “tâm con chưa an, xin thầy an tâm cho”. Tổ nói: “Hãy mang cái tâm [chưa an đó] lại đây ta an cho ông”. Tôn giả thưa: “Con đã tìm tâm nhưng không thấy ở đâu”. Tổ nói: “Ta đã an tâm cho ông rồi đó”. Tôn giả đại ngộ. Tổ truyền pháp và nói kệ:

Ta vốn đến đất này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa năm cánh trổ
Kết quả tự nhiên thành.

Tôn giả đắc pháp, thừa kế và xiển dương huyền pháp. Lại truyền pháp cho ngài Tăng Xán, thọ 107 tuổi, sau mất tại Quản Thành. Vua Đường Đức Tông ban tặng thụy hiệu là Đại Tổ thiền sư.

Bài tán:
Tìm tâm chẳng thấy
An tâm cho vậy
Trước núi tay rơi
Nối tuệ mạng Phật.
Đầu mối đã tuyệt
Chỉ nêu chánh pháp
Lạy xuống ba lạy
Càng thêm chuyện nói.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 20 tháng 11, 1983

Khi đến thần quang theo với tên
Sử thì quảng bác, điển thâm huyền
Trời tuôn hoa báu, sen tươi đất
Người người tin nhận, quỷ thần kiêng.
Chặt tay cầu pháp, tâm khả kính
Tuyết ngập ngang lưng, chí vững bền.
Tìm tâm chẳng thấy. An tâm vậy!.
Xiển dương chánh giáo độ mê tình.

1.30 Tam Thập Tổ Tăng Xán Đại Sư

Không rõ tôn giả họ gì, mặc áo cư sĩ yết kiến tổ Tuệ Khả, thưa: “Thân đệ tử bị bịnh phong đã lâu, thỉnh cầu sư giúp sám hối tội”. Tổ nói: “Hãy mang tội lại đây ta sẽ vì ông mà sám hối cho”. Một lúc lâu sau tôn giả thưa: “Con tìm tội nhưng không thấy”. Tổ nói: “Ta đã vì ông sám tội cho rồi đó”. Tôn giả theo hầu nhị tổ. Tổ truyền pháp cho, nói kệ rằng:

Do duyên mà có đất
Từ đất hoa hoa sinh
Vốn chẳng hề có giống
Hoa cũng chưa từng sinh.

Nói kệ xong tổ lại dạy về pháp sám bát nhã. Tổ nói: “Ông nay đắc pháp nên vào ẩn trong núi sâu, chưa thể hành đạo được vì trong nước đang có nạn. Trong tâm tuy an lành nhưng bên ngoài thì hung hiểm”. Chẳng lâu sau nhà Bắc Chu phế Phật, sa thải tăng đoàn. Tôn giả đi về núi Tư Không, qua lại không ở nhất định một nơi nào. Lúc bấy giờ có ngài Đạo Tín kế thừa pháp nên tổ Tăng Xán đi về La Phù, vì đồ chúng mà tuyên nói chỗ tâm yếu. Xong việc, tổ đứng giữa pháp hội, bên cạnh một tàng cây lớn mà hóa. Về sau vua Đường Huyền Tông ban tặng hiệu là Giám Trí thiền sư.

Bài tán:
Thân mang lấy bệnh phong
Thuốc thế gian chẳng khỏi
Tội biết tìm nơi đâu
Lồ lộ ngọc trên đầu.*
Núi Không sừng sững bóng
Bảo ấn đã trình ra
Đạo hiềm nghi biện phân
Sớm rơi vào thứ bậc
…………………….
*Kế châu, đỉnh châu: một thí dụ trong kinh Pháp Hoa.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 22 tháng 11, 1983

Đã không họ cũng không danh
Tạm gọi Tăng Xán, tinh anh giữa đời
Thân tật bệnh, sám tội người
Tuy tâm thuần thiện, cảnh ngoài dữ hung.
Núi Không ẩn náu tích tung
La Phù hoằng hóa kết cùng pháp duyên
Dưới cây về với chân nguyên
Sông trôi nước chảy lưu truyền dài lâu.

1.31 Tam Thập Nhất Tổ Đạo Tín Đại Sư    

Tôn giả họ Tư Mã, sinh tại Quảng Tế, Kỳ Châu. Năm 14 tuổi yết kiến tổ Tăng Xán, thưa: “Cầu xin hòa thượng pháp môn giải thoát”. Tổ nói: “Ai trói buộc ông?”. Đáp: “Không ai trói buộc con cả”. Tổ nói: “Vậy thì sao lại cầu giải thoát?”. Tôn giả nghe xong liền đại ngộ, theo hầu tổ suốt 9 năm. Tổ dùng pháp huyền vi để thử, khi biết duyên thành thục liền trao y pháp, nói kệ:

Hoa hoa tuy nhờ đất
Từ đất hoa hoa sinh
Nếu không người gieo giống
Hoa không từ đất sinh.

Tôn giả đắc pháp trú ở núi Phá Đầu, hông không hề chạm chiếu cho đến gần 60 tuổi. Sau đó truyền pháp cho ngài Hoằng Nhẫn. Vua Thái Tông nghe đạo hạnh của tổ nên ban chiếu mời vào kinh, ba lần tổ đều từ tạ không đi vua lại càng kính phục và ban nhiều ân huệ. Đến giữa đời Vĩnh Huy chợt gọi môn nhân dặn dò, sau đó an tọa mà hóa. Qua năm sau cửa tháp tự nhiên mở ra, sắc tướng như còn sống. Vua Đại Tông ban tặng thụy hiệu là Đại Y thiền sư. Tháp hiệu là Từ Vân.

Bài tán:
Ai người trói buộc ông
Đáy thùng sơn rơi mất
Vạn lý một trời Không
Bay cao một chim hạc.
Trước đỉnh núi Phá Đầu
Sấm sét vang vang dội
Đỉnh Ngưu Đầu, Hoàng Mai
Như đã trúng độc dược.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 23 tháng 11, 1983

Ai trói ông mà chẳng tự do
Bỗng dưng chấp cứng nên lo phá đầu*
Dò trí lực, nhận pháp sâu
Chọn người tài đức chèo mau thuyền từ.
Ấn Phật tâm, gánh việc đời
Nối dòng chư tổ diễn lời huyền ca
Chờ người gieo giống, đất trổ hoa
Lưu truyền mối đạo hợp hòa nhân duyên.
…………………………….
*phá vỡ những kiến chấp, nhưng cũng chỉ cho núi Phá Đầu.

1.32 Tam Thập Nhị Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư   

Tôn giả người Hoàng Mai, là hậu thân của đạo nhân Tài Tùng thác sinh nơi người con gái họ Chu. Cha mẹ cô cho cô là người không giữ tiết hạnh nên đuổi ra khỏi nhà. Không nơi nương tựa, cô phải bồng con xin ăn khắp xóm. Khi lớn lên, người trong làng gọi là đứa bé không có họ. Một hôm, giữa đường gặp được tổ Đạo Tín, tổ hỏi: “Con họ gì?”. Đáp: “Con có họ, nhưng không phải là họ thường thấy”. Hỏi: “Là họ gì?”. Đáp: “Là họ Phật”*. Tổ lại hỏi: “Con không có họ à?”. Đáp: “Tính không nên không có”. Tổ Đạo Tín thầm biết [là bậc pháp khí] nên xin đứa bé làm thị giả. Người đàn bà do duyên xưa nên buông xả dễ dàng. Tổ cho xuống tóc, về sau truyền y pháp, nói kệ rằng:

Loài hoa có sinh tánh
Nương đất hoa hoa sinh
Đại duyên cùng tánh hợp
Tuy sinh mà chẳng sinh.

Tổ lại đem đồ chúng ủy thác cho tôn giả. Khoảng năm Hàm Hưởng (đời Đường Cao Tông, 670) tổ truyền pháp tại Đại Giám (cho ngài Tuệ Năng). Đến những ngày đầu tiết thượng nguyên thì tổ hóa. Vua Đường Đại Tông ban tặng thụy là Đại Mãn thiền sư, tháp hiệu là Pháp Vũ.

Bài tán:
Thông trên núi chưa già
Nương tử đà thọ thai
Cười chao nghiêng hàng thông
Ngàn năm hạc thần bay.
Sinh tử đến rồi đi
Như mây qua lại núi
Bậc đạo phong vĩ đại
Nối truyền chánh pháp này

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 27 tháng 11, 1983

Không tình không tướng không tên
Do có khí huyết nên sinh cõi hồng
Tài Tùng một bậc thong dong
Đoạt thành chiếm cứ anh hùng như ai.
Tánh không tâm tịnh lìa ngôn thuyết
Đạo thành đức tựu tuyên diệu âm
Hoàng Mai kỳ tích núi Đông
Ngàn thu khuôn phép, nghi dung rạng ngời.

1.33 Tam Thập Tam Tổ Tuệ Năng Đại Sư    

Tôn giả họ Lư sinh tại Tân Châu, mồ côi cha từ năm lên ba, mẹ ở góa nuôi con. Một hôm nhân gánh củi ra chợ bán, cảm ngộ khi nghe một người khách tụng kinh Kim Cang. Tôn giả dưới hình tướng cư sĩ đến lễ Tổ Hoàng Mai, được nhận vào làm việc bửa củi, giả gạo cực nhọc suốt tám tháng. Tổ Hoàng Mai biết rằng thời kỳ truyền pháp đã đến nên bảo đồ chúng trình kệ. Tôn giả trình kệ có câu: “Bồ đề vốn không cây” . Tổ im lặng nhận biết nhưng ngại đồ chúng đố kỵ nên vào giữa đêm mang y pháp truyền cho tôn giả, bảo hãy trốn đi không nên để kẻ khác nhìn thấy. Tổ nói kệ:

Hữu tình đến gieo giống
Nhân địa quả lại sinh
Không tình cũng không chủng
Không tính cũng không sinh.

Tôn giả đắc pháp rồi thì ẩn cư nơi đám thợ săn suốt 16 năm. Nhân luận về gió động phướn động nên đưa ra y bát, đồ chúng thỉnh, hưng khởi phái Tào Khê, đệ tử nối pháp có hơn 30 vị. Thanh Nguyên Nam Nhạc là thượng thủ. Niên hiệu Tiên Thiên thứ hai (713) tổ thị tịch, thọ 76 tuổi. Vua Đường Hiến Tông ban tặng thụy hiệu là Đại Giám thiền sư. Tháp hiệu là Nguyên Hòa Linh Chiếu.

Bài tán:
Ưng vô sở trụ
Miệng cối nở hoa
Bổn lai vô vật
Chẳng kẻ làm ra.
Hoàng Mai nửa đêm
Bỗng được ca sa
Lưu truyền thiên hạ
Năm cánh một hoa

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 27 tháng 11, 1983

Bất lập văn tự truyền y
Bổn lai vô vật xả ly tiếng lời
Ngộ nguồn tâm, phá mê thôi
Liễu đạt tính biển rong chơi thái hà
Tuệ mạng năm cánh một hoa
Ngàn thu muôn kiếp Phật ra độ đời
Giọt Tào róc rách nơi nơi
Chúng sinh cấu uế tẩy trôi theo dòng.

1.34 Tam Thập Tam Thế Tung Nhạc Tuệ An Thiền Sư

Sư họ Vệ, người Chi Giang, Kinh Châu. Đời Khai Hoàng nhà Tùy triều đình có lệnh tập họp dân chúng độ làm tăng ni. Sư lánh vào hang núi. Giữa năm Đại Nghiệp, nhà Tùy lại có lệnh tập trung dân nghèo khai thông sông ngòi, nhiều người đói khát đến chết. Sư khất thực cứu đói. Sau đó sư chống tích trượng lên núi Hoành Nhạc tu theo hạnh đầu đà. Đến năm Trinh Quán đời Đường, sư đến yết kiến ngũ tổ Hoàng Mai, đạt yếu chỉ. Tại đó, sư đi qua các thắng tích, đến chùa Thiếu Lâm ở Tung sơn, nói rằng đất này là nơi sau cùng của ta, nên người tu thiền đến đông đúc. Năm thứ hai đời Thần Long, vua Trung Tông ban tặng y màu tía, tôn kính như bậc thầy, rước vào hoàng cung cúng dường ba năm. Sau sư từ tạ trở về núi Tung Nhạc. Ngày 8 tháng 3 năm ấy (709) sư đóng cửa, nằm xuống mà hóa, thọ 128 tuổi. Môn đồ tuân theo lời dạy, đưa thi thể vào giữa rừng, quả nhiên thấy bốc hỏa tự thiêu thân, thu được 80 hạt xá lợi.

Bài tán:
Dựa tòa Thiếu thất
Cầm ấn Hoàng Mai
Ở luôn Nam Nhạc
Tuyên giảng vua chúa.
Vào băng biết nước
Chánh lệnh sau cùng
Người không thể hiểu
Lửa biết nghe lời.

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 18 tháng 10, 1980

Lánh đời vào ẩn núi rừng
Xuất gia tu đạo tìm nguồn thiên chân
Khất thực cứu sống thế nhân
Đầu đà áo vá che thân tháng ngày
Đế vương lễ bái thỉnh thầy
Nối liền dòng pháp Hoàng Mai tâm truyền
Xuôi tay mà hóa tự nhiên
Xá lợi trong ánh lửa thiêng sáng hồng.

1.35 Tam Thập Tứ Thế Vĩnh Gia Chân Giác Thiền Sư  

Sư húy là Huyền Giác, người bổn quận, xuất gia lúc còn bé thơ, tham cứu khắp hết tam tạng, tinh chuyên thiền quán. Sau sư đến Tào Khê, nhiễu quanh Lục Tổ ba vòng. Tổ nói: “Đại đức từ phương nào đến mà sinh đại nhã mạn vậy?”. Sư đáp: “Sinh tử đại sự, vô thường mau chóng”. Tổ nói: “Sao không thể nhập lý vô sinh, thấu được chỗ không mau chóng”. Đáp: “Thể tức vô sinh. Liễu tức không mau chóng”. Tổ nói: “Ông đã vào sâu được ý vô sinh”. Đáp: “Vô sinh mà lại khởi ý sao?”. Tổ nói: “Không ý thì ai phân biệt?”. Đáp: “Phân biệt cũng chẳng phải là ý.” Tổ tán thán: “Hay lắm. Như thị”. Sư lễ bái cáo từ. Tổ nói: “Hãy nán lại ít nhất là một đêm. Sáng hôm sau sư xuống núi trở về Ôn giang, người đến học đông đúc. Sau đó sư an tọa mà hóa, thụy hiệu là Vô Tướng đại sư, tháp là Tịnh Quang. Tác phẩm có Thiền tông tu ngộ viên chỉ, Vĩnh Gia tập, Chứng đạo ca.

Bài tán:
Soi chiếu duyên xưa
Khí thâu Phật tổ
Chống trượng mà đến
Đúng lúc gặp chủ.
Dụng cơ siêu việt
Như trói hổ dữ
Một đêm từ biệt
Mở lối ra vào.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 25 tháng 1, 1981

Tìm bảo châu khắp trong tam tạng
Mở cơ đồ tu muôn vạn hạnh môn
Vì đâu ngã mạn tự tôn
Lòng đà nhất quyết nên không chần chờ.
Qua đêm xuống núi đợi cơ
Ngày kia hoằng pháp hồ đồ dám đâu
Cười mà hóa, thơm ngàn sau
Khúc ca Chứng Đạo thiên thu lưu truyền.

1.36 Tam Thập Nhị Thế Ngưu Đầu San Pháp Dung Thiền Sư  

Sư họ Vi, người Nhuận Châu, 19 tuổi xuất gia tại Mao sơn, về sau dựng một thạch thất tại phía bắc núi Ngưu Đầu tĩnh tọa quán tâm. Vừa khi đó tứ tổ đến, hỏi: “Tâm là vật gì?” Sư không trả lời được liền mời tổ vào trong am thất. Tổ thấy hổ lang đi quanh đó nên ra vẻ hoảng sợ. Sư nói: “Còn có cái đó sao?”. Tổ viết một chữ Phật nơi đệm cỏ sư ngồi. Sư kinh hoảng không dám ngồi xuống. Tổ nói: “Còn có cái đó sao?”. Sư đảnh lễ cầu pháp. Tổ liền thuyết chỗ tâm yếu, lại nói: “Ta thọ được pháp môn đốn giáo từ tổ Tăng Xán, nay phó chúc cho ông. Sau ông lại sẽ có người hoằng hóa đại pháp trở nên đại thịnh”. Sau này có được bậc thượng thủ, truyền pháp ấn, ngày 13 tháng giêng, sư không bệnh mà hóa.

Bài tán:
An tọa núi Không
Bạn cùng chim thú
Gặp kẻ tạo tác
Ngồi dứt Phật tổ.
Tung tích cọp beo
Vầng nhật giữa trưa
Ngày trước ngày sau
Hỏi người chủ am.

Bài kệ:  
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 29 tháng 11, 1980

Ngưu Đầu an tọa quán tâm
Tứ tổ tìm hỏi hiền nhân chí thành
Hổ lang ác thú nhiễu quanh
Hạc dừng, chim tụ, nghe kinh nhạn về
Phật Không, chưa thấy bởi mê
Pháp duyên thù thắng một bề siêng năng
Không bệnh tự tại xả thân
Vãng sinh cười nói, ngàn năm lưu truyền.

1.37 Tam Thập Tam Thế Ngưu Đầu Trí Nham Thiền Sư  

Sư họ Hoa người Khúc Dương, 20 tuổi mà trí dũng đã hơn người, thân cao 7 thước 6 tấc. Giữa thời Đại Nghiệp nhà Tùy làm lang tướng, lập nhiều chiến công. Đến năm Vũ Đức nhà Đường, sư đã 40 tuổi, đi vào núi Hoàn Công thuộc Thư Châu theo thiền sư Bảo Nguyệt xuất gia. Một hôm đang lúc an tọa thì chợt thấy một người khác thường, thân cao hơn một trượng, nói với sư: “Trong 80 kiếp ông đều là người xuất gia, phải nên tinh tấn”. Nói rồi thì không thấy đâu nữa. Sư ở trong động nhập định, chợt nước từ núi dâng tràn. Lại đến tham yết sư Pháp Dung, phát minh được đại sự. Sư Dung nói: “Ta thọ chân pháp nơi đại sư Đạo Tín, tất cả sở đắc đều buông bỏ. Nếu có một pháp nào hơn Niết Bàn ta đều nói chẳng khác mộng huyễn. Một hạt bụi bay lên ngăn trời, một hạt cải rơi xuống che đất. Ông nay còn hơn thế nữa, ta lại làm gì nữa.” Ngày 10 tháng giêng năm Nghi Phụng thứ hai đời vua Cao Tông nhà Đường, sư hóa.

Bài tán:
Tám mươi đời tăng
An tọa hang sâu
Kiếp kiếp đến đi
Không là cái ấy.
Sư Dung xoay chuyển
Thuận gió buồm dong
Vạn cổ thiên thu
Đạo phong bất thối.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 30 tháng 1, 1981

Song toàn trí dũng lập công
Bảy thước sáu tấc anh hùng hiên ngang
Biết túc mệnh, gặp dị tăng
Quán chiếu vạn vật ngộ chân không liền
Ấn tâm, tứ Tổ thân truyền
Đại đức thụ dụng diệu huyền thần thông
Thực tướng vô tướng lìa các tướng
Đến đi qua lại ngưỡng cao phong.

1.38 Tam Thập Tứ Thế Ngưu Đầu Tuệ Phương Thiền Sư  

Sư họ Bộc người Nhuận Châu, Diên Lăng, đầu Phật xuất gia tại chùa Khai Thiện, thọ giới cụ túc, thông đạt kinh luận. Sau tham yết sư Trí Nham hỏi pháp yếu. Sư Nham thấy căn cơ có thể đảm nhiệm chánh pháp nên ấn tâm, sư hốt nhiên lãnh hội. Về sau sư giao pháp lại cho ngài Pháp Trì, về ẩn tu tại Mao sơn. Lúc sắp nhập diệt thấy 500 đồ chúng tóc xỏa sau lưng, dáng mạo như Bồ tát, tay cầm tán hoa, nói: “Thỉnh pháp sư thuyết giảng”. Lại cảm kích khi thấy thần núi hiện thân đại mãng xà bò đến trước sân như sắp khóc mà từ biệt. Ngày 1 tháng 8 năm Thiên Sách nguyên niên đời Đường (695) sư thị tịch, khắp núi rừng hiện màu trắng xóa, khe suối ngừng chảy, người theo cầu đạo mến tiếc. Su thọ thế 67 tuổi, tăng lạp 40.

Bài tán:
Một tướng là vô tướng
Ai là người suy lường
Một thân là nhiều thân
Muôn vật đều chân thực
Động như mây qua núi
Tĩnh như tiếng hang thần
Theo duyên ngàn sông trăng
Suy luận liền cách ngăn

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 30 tháng 1, 1981

Gánh vác pháp khí Như Lai
Hốt nhiên đốn ngộ mở khai lạ kỳ
Ẩn cư hang động hồi quy
Chợt thấy thánh chúng hiện ngay linh đài
Thần trăn nước mắt chảy dài
Suối khe ngưng chảy bi ai nhớ người.
Cỏ cây trắng một màu tang
Đất trời cùng khóc cột rường tài hoa.

1.39 Tam Thập Ngũ Thế Ngưu Đầu Pháp Trì Thiền Sư   

Sư họ Trương người Giang Ninh, Nhuận Châu, xuất gia từ nhỏ. Năm 30 tuổi sư đến đạo tràng Hoàng Mai của đại sư Hoằng Nhẫn nghe pháp tâm khai mở. Sau đó được gặp thiền sư Phương ấn chứng. Hơn nữa, trước khi tổ Hoằng Nhẫn nhập diệt đã từng nói với một người đệ tử là Huyền Trách: “Có mười người nối pháp của ta sau này, một trong những người đó là Pháp Trì ở Kim Lăng”. Niên hiệu Trường An thứ hai nhà Đường, sư viên tịch tại chùa Diên Tộ, viện Vô Thường. Sư đã căn dặn môn đồ đặt thi hài dưới gốc tùng để cho các loài thú. Sáng hôm sau khi mặt trời mọc, trên không trung có phướn thần bay về tây, nhiễu quanh núi mấy vòng. Nơi rừng trúc sư cư trú lúc trước, sắc cây đổi thành màu trắng đến bảy ngày mới hết. Sư thọ 68 tuổi.

Bài tán:
Nghe pháp tại Hoàng Mai
Ngưu Đầu được thọ ký
Bậc uy sư kiệt xuất
Thừa kế pháp dài lâu.
Thi hài phơi cội tùng
Lợi cho các hàm sinh
Mặt tuệ nhật mãi sáng
Trời đất rạng quang minh.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 21 tháng 2, 1981

Họ Trương kỳ tài Giang Ninh
Xuất gia thơ ấu thỏa tình ước mong
Hoàng Mai nghe pháp truyền tâm
Cội tùng thí xả một vùng xương da
Phan hướng Tây Vực bay qua
Cây trong vườn trúc hóa ra trắng ngà
Không khuôn thước, đại thánh tòa
Ngàn sau hậu thế chớ mà khư khư.

1.40 Tam Thập Lục Thế Ngưu Đầu Trí Uy Thiền Sư  

Sư họ Trần, người Giang Ninh. Năm 4 tuổi theo pháp sư Thống chùa Thiên Bảo xuất gia. Sư tham yết thiền sư Pháp Trì, đắc được chánh pháp. Từ đó người vùng đất Giang Tả theo học đông đúc. Tuệ Trung tôn giả được xem là bậc pháp khí, sư đọc kệ:

Chớ để niệm trói buộc
Thành sông lớn sinh tử
Luân hồi trong lục thú
Không thoát ra khỏi sóng.
Tôn giả Tuệ Trung đáp:
Niệm tưởng vốn là huyễn
Tự tính không thủy chung
Nếu thấu đạt ý này
Sóng lớn tự dừng nghỉ.
Sư lại nói:
Ta, tánh đồng hư vô
Vọng duyên sinh nhân ngã
Làm sao dứt vọng tình
Về chỗ vô hữu xứ.
Tôn giả Tuệ Trung lại đáp:
Hư vô chính thực thể
Nhân ngã làm sao còn
Vọng tình không cần dứt
Là cánh buồm bát nhã.

Sư nhận sự liễu ngộ của tôn giả nên truyền pháp. Năm Khai Nguyên đời Đường thứ 17, sư thị tịch tại chùa Diên Tộ.

Bài tán:
Trúng phải độc sư Trì
Đầu Phật lại chứa phân
Chuông lại cho là chén
Lừa thánh và dối hiền.
Vượt ra ngoài kiếp không
Mặt trời hiện giữa đêm
Thật thể như hư vô
Trên trời dây leo mọc.

Bài kệ 1:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 15 tháng 3, 1981

Xưa trồng gốc đức đạo tâm
Xuất gia thơ ấu đồng tham bạn hiền
Cốt cách sắt đá tinh chuyên
Chí nguyện nhẫn nhục chiếc thuyền kim cang
Độ chúng sinh thậm thâm bát nhã
Hoằng dương Phật pháp đại Niết Bàn
Ngưỡng vọng thế giới ba ngàn
Danh thơm kim cổ rỡ ràng địa thiên.
………………………………
Bài kệ 2:

Đất thiêng Giang Ninh sinh rồng thần
Khi ẩn khi hiện có không khó lường
Xuất gia thơ ấu giới định tinh cần
Đồng chân nhập đạo dứt dòng tham sân
Chứng đắc thật tướng thể như hư không
Lửa già biến hóa vọng tâm vàng ròng
Bổn lai tự tính vô sanh diệt
Diệu giác trí tuệ vạn vật đồng

1.41 Tam Thập Thất Thế Hạc Lâm Huyền Tố Thiền Sư  

Sư họ Mã, người Diên Lăng, nhân tham yết thiền sư Uy thọ được yếu chỉ, trở lại trú tại chùa Hạc Lâm ở Kinh Khẩu. Một hôm có người đồ tể tìm đến cầu sư đến nhà. Sư vui vẻ nhận lời, đồ chúng cho là lạ. Sư nói: “Phật tính bình đẳng, hiền ngu nhất trí. Nếu hóa độ được người ta thì hóa độ, không phân biệt”. Một vị tăng hỏi: “Thế nào là ý nghĩa của việc tổ từ tây đến đất này?”. Sư nói: “Hợp tức chẳng hợp. Nghi tức chẳng nghi”. Lại nói: “Chỗ rốt ráo là chẳng hội, chẳng nghi”. Lại có một vị tăng gõ cửa. Sư hỏi: “Ai đó?”. Đáp: “Là tăng nhân”. Sư nói: “Không cứ gì là tăng, Phật đến cũng không chấp”. Hỏi: “Không chấp là sao?”. Đáp: “Thuyền ông không cặp bến”. Năm Thiên Bảo thứ 11 sư thị tịch, tháp dựng tại núi Hoàng Hạc, vua ban tặng thụy là Đại Luật thiền sư, tháp hiệu là Đại Hòa Bảo Hàng.

Bài tán:
Phật tính bình đẳng
Nước biển một vị
Đồ tể buông đao
Tam đạo liền dứt.
Ý từ tây đến
Hội tức không nghi
Chẳng nghi chẳng hội
Phật cũng như thế.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 24 tháng 10, 1981

Sư Huyền Tố là con họ Mã
Nguyện cúng dường đồ tể thiết trai
Chúng nhân kêu: Quái lạ thay
Phật tính bình đẳng chớ hay la làng
Tu thiện, khác tướng thánh phàm
Hiền ngu tương hợp đừng ham hồ đồ
Cổ kim chân lý không hai
Chớ lầm bọ ngựa với loài mọt cây.

1.42 Tam Thập Bát Thế Kính San Đạo Khâm Thiền Sư   

Sư họ Chu, người Côn Sơn, Tô Châu. Thuở đầu theo Nho học, đến năm 28 tuổi theo thiền sư Huyền Tố xuất gia, đạt yếu chỉ. Sau sư dừng chân tại Kính sơn, hoằng pháp vang dội. Một vị tăng hỏi: “Đạo là gì?”. Sư nói: “Trên núi có cá chép, dưới biển có bụi tung”. Lại hỏi: “Ý tổ sư từ tây qua là gì?” Đáp: “Ông hỏi có đắc được thì không đúng”. Hỏi: “Đắc đúng là thế nào?”. Đáp: “Chờ khi ta nhập diệt thì sẽ bảo cho ông biết”. Năm thứ ba niên hiệu Đại Lịch, vua Đường Đại Tông ban chiếu thỉnh sư vào kinh, đích thân vua đảnh lễ. Vua rất vui lòng, nói với Quốc sư Trung: “Trẩm muốn ban tặng cho vị sư đáng kính một tên hiệu. Quốc sư cung kính nhận chiếu, đề nghị là Quốc Nhất. Sau đó sư từ tạ lui về núi. Tháng 12 năm Trinh Nguyên thứ 8 sư thuyết pháp rồi thị tịch, hiệu là Đại Giác thiền sư.

Bài tán:
Là chân pháp bảo
Làm việc trượng phu
Thủy tổ Kính sơn
Vua rồng hiến đất.
Mã tổ hỏi hoặc
Vua chúa lưu lại
Quốc Nhất đời Đường
Danh vang trăm đời.

Bài kệ:
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 7 tháng 11, 1981

Voi rồng sinh đất Tô Châu
Trước học Nho giáo về sau đổi đường
Kính sơn dừng gậy hoằng dương
Triển khai đại nghiệp cúng dường vương cung
Hiệu tôn Quốc Nhất đức công
Thụy là Đại Giác tỏ lòng tri ân
Các người con Phật chớ quên
Kính hiền trọng thánh vững bền đạo tâm.

1.43 Tam Thập Cửu Thế Điểu Khỏa Đạo Lâm Thiền Sư   

Sư họ Phan, người Phú Dương. Người mẹ mộng thấy ngậm mặt trời. Ngày sinh ra sư hương lạ xông khắp nhà nên đặt tên con là Hương Quang. Lên 9 tuổi xuất gia, 27 tuổi thọ giới cụ túc tại chùa Quả Nguyện, Kinh Châu. Sau đó đến Trường An, theo pháp sư Lễ học kinh Hoa Nghiêm và luận Khởi Tín. Sư Lễ chỉ rõ Chân Vọng Tụng, khiến tu thiền. Khi vua Đường Đại Tông thỉnh sư Quốc Nhất vào kinh, sư tìm đến yết kiến, phát minh được tâm địa. Sư đi về phương nam, thấy trên núi Tần Vọng vó cây tùng già, cành cây uốn khúc như chiếc lọng nên dừng lại đó. Bấy giờ thị lang họ Bạch nhận chức thứ sử Hàng Châu vào núi tìm sư hỏi đạo. Sư nói: “Tất cả việc ác chớ làm. Tất cả việc thiện nên làm.” Họ Bạch nói: “Đứa bé 3 tuổi cũng biết điều đó”. Sư nói: “Ông lão 80 tuổi vẫn chưa làm được”. Một hôm sư nói với thị giả: “Nay báo ta đã hết”. Nói rồi an tọa mà hóa.

Bài tán:
Đầu núi Tần Vọng
Hình dáng ra sao
Trăng treo nhánh tùng
Bụi bay chẳng tới.
Rất gập ghềnh, rất bằng phẳng
Thái thú khó biết
Ngôi càng cao càng nguy
Đồ chúng hoài vọng

Bài kệ: 
Hòa thượng Tuyên Hóa viết ngày 21 tháng 11, 1981

Điềm lành miệng ngậm thái dương
Tướng lành tỏa ngát trầm hương một nhà
Chín tuổi Quả Nguyện xuất gia
Năm ba mươi bảy đi ra kinh thành
Hoa Nghiêm, Khởi Tín thực hành
Tham cứu bát nhã, chuyên tinh pháp thiền
Kết tùng tránh gió như chim
Trả xong nghiệp báo đứng im mà về.

Pages: 1 2 3 4